In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 52
ợ bị trễ như lần trước nên lần thăm nuôi này Quỳnh Trang đi thăm chồng từ buổi sáng, mặc dù giờ qui định cho Ngữ vẫn buổi chiều. Nàng bỏ tiền mua vé chợ đen đi Phan thiết trên tàu Thống Nhất, nhưng sẽ xuống Gia rai, và vì biết các chuyến tàu xuyên Việt chỉ dừng lại các ga xép tối đa năm phút, Quỳnh Trang nai nịt gọn gàng, định bụng tìm một chỗ gần sát cửa ra vào để xuống cho nhanh.
Quỳnh Trang mừng khấp khởi cả đêm không ngủ được. Gần ba năm, đây là lần đầu tiên nàng được gặp mặt Ngữ. Đã thế giấy phép cho thăm nuôi còn ghi rõ là trường hợp vợ thăm chồng đang học tập có thể xin ở lại đêm với chồng, Ban Quản giáo sẽ sắp xếp chỗ để hai vợ chồng ngủ qua đêm. Bà Văn đòi đi thăm con, nhưng khi nàng dâu đỏ mặt lí nhí cho mẹ chồng biết điều đặc biệt này, bà đã tế nhị tìm cớ ở nhà. Quỳnh Trang cũng không dẫn con theo, vì lần trước về thằng Bình bị cảm hàn suốt hai tuần lễ.
Chuyến tàu lửa Thống Nhất khởi hành lúc tám giờ sáng. Quỳnh Trang thức dậy năm giờ để ra ga Bình triệu. Người chờ xe lửa chạy từ Chí hòa ra đông như kiến, nhất là người Bắc, bộ đội đã đông, mà dân thường cũng không ít. Ba năm Nam Bắc cùng sống chung dưới một chế độ vẫn chưa xóa được ranh giới hai miền qua cách ăn mặc của người dân. Dân miền Nam tuy ăn mặc cẩu thả nhếch nhác hơn trước nhiều, nhưng chưa có ai mặc áo rách. Dân Bắc mặc quần áo vá, người nào cũng ôm trên tay cái mũ cối vải lợp đã cũ và mòn rách ở ngù mũ, mép mũ. Gương mặt thiếu ăn xanh xao, mắt đục, dáng đi đứng uể oải bất cần. Nhiều người chờ xe đã nhiều ngày, ăn ngủ tại ga để chen lấn mua cho được cái vé với giá chính thức, nhiều ngày đêm thiếu tắm giặt nên quần áo nhàu nát, hôi hám. Quỳnh Trang ôm chặt lấy hai cái xắc vải vì sợ ăn cắp, ngồi chờ ở sát đường rầy. Bên cạnh nàng là một nhóm bộ đội trẻ cũng chờ xe về phép thăm gia đình. Quỳnh Trang không muốn bắt chuyện với họ, phần lo bị ăn cắp, phần lóng ngóng nhìn về phía cây cầu sắt chờ bóng cái đầu máy xe lửa xuất hiện. Quỳnh Trang nghe lỏm câu chuyện của đám bộ đội, thấy họ ăn nói ôn tồn, nội dung câu chuyện chứng tỏ họ là những thanh niên có học. Một người đọc bốn câu thơ của Xuân Quỳnh thích hợp với cảnh đi tàu:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.
Rồi cả đám sôi nổi bàn về thi ca, nhắc đến tên một số nhà thơ Quỳnh Trang không biết. Một cậu bộ đội ngồi trên bao gạo nhỏ, chân gác lên ba lô nói:
- …Nhưng tớ vẫn thích thơ Xuân Quỳnh hơn. Làm thơ tình phải như thế. Yêu thì phải yêu cho đến nơi đến chốn, yêu chết thôi, đừng quen cái lối yêu nửa nạc nửa mỡ, yêu say đắm ở đoạn đầu rồi về sau giật mình vội viết thêm đoạn cuối theo cái kiểu “tuy yêu nhau nhưng không quên nhiệm vụ. Rõ chán lối yêu ấm ớ!”
° ° °
Đột nhiên cả rừng người đang chờ xe chợt lao xao. Đường rầy rung động, đầu máy xe lửa đã qua khỏi cây cầu sắt, từ từ chạy vào khu vực Bình triệu. Đám bộ đội ngưng ngang câu chuyện văn chương, và như một phép lạ, họ hoàn toàn đổi khác. Đoàn toa xe vừa dừng lại thì nhóm bộ đội đã mang vác hành lý chạy tới sát cửa sổ toa gần nhất. Ai cũng như những con hổ dữ. Bất kể trong toa đã có nhiều hành khách ngồi sẵn, họ vứt ba lô, bao gạo, niềng xe đạp, đồ gia dụng bằng sắt qua cửa sổ, ai không tránh kịp lỗ đầu rán chịu. Đã quen chen lấn một người bộ đội ngồi xuống để bạn đứng lên vai, và nhanh nhẹn như một lính xung kích xung phong vào đồn địch, người kia vừa nâng cao lên ngang tầm cửa sổ đã phóng cả thân thể vào toa. Trong chớp mắt, toán bộ đội đã gạt những người lên trước chiếm cả khoảng cửa sổ. Quỳnh Trang chới với ôm chặt cái xách chạy tới chỗ cửa toa. Ông già bà cả trẻ con bị những thanh niên mạnh khỏe xô té sấp xuống đất để giành đường, trẻ con lạc mẹ khóc inh ỏi. Quỳnh Trang lấn vào được tới chỗ cầu thang bước lên cửa toa thì lại bị lấn ngược về phía sau, sau đó người phía sau lại xô nàng lên phía trước, cứ như thế dù không đủ chỗ bước tới nàng vẫn bị đám đông sau lưng dần dần đẩy lên cầu thang, đẩy vào cửa toa. Bên trong toa, người và đồ đạc ngập đến tận trần. Mấy chú bộ đội quen chiến đấu lại mạnh khỏe, đã tìm được chỗ treo võng. Quỳnh Tranh bị chèn cứng ở ngoài cửa toa, cứ đứng ngả nghiêng như vậy từ ga Bình triệu lên tới ga Gia rai, và mỗi lần chuyến tàu Thống Nhất dừng ở ga nào là nàng nhận thêm một tai họa mới.
° ° °
Tù cải tạo đã cắt tranh cắt nứa tự tay lập khu “hợp cẩn” cho những cặp vợ chồng Ngâu như vợ chồng Ngữ. Mỗi cặp được phép sống bên nhau trong một “căn phòng” kín đáo vừa phải, mỗi phòng rộng chừng ba thước, dài bốn thước, vách lá, sườn nứa, lợp tranh, cao đến quá tầm mắt, cánh cửa độc nhất cũng là tấm nứa đan. Toán làm nhà còn có nhã ý cưa nứa thành những cái bình hoa, mỗi phòng tuy chỉ có một cái sạp nứa gồ ghề làm giường nhưng đều có một bó hoa dại làm quà mừng cho cuộc trùng phùng.
Quỳnh Trang soạn đồ đạc trong hai cái xắc vải ra, và một lần nữa Ngữ trố mắt thán phục tính cẩn thận của vợ. Nàng soạn ra cái khăn lông rộng để trải lên liếp nứa, rồi đưa cho Ngữ hai cái gối cao su bảo chồng thổi hơi vào, trước khi đưa thêm hai cái áo gối để Ngữ bao lấy cái gối hơi. Ngữ miễn cưỡng làm thật nhanh những điều vợ sai để đến ôm Quỳnh Trang vào lòng. Bên kia hai tấm vách tranh có tiếng cười khúc khích của hai cặp vợ chồng khác. Quỳnh Trang cầm hai bàn tay chồng ngăn lại không cho sờ soạng lên ngực mình, thấp giọng trách:
- Anh xấu lắm, từ từ để em soạn đồ đạc ra đã. Gớm, đi xe lửa bây giờ giống như là đi ra trận. Người em hôi hám lắm phải không?
Ngữ được dịp áp mũi lên đầu tóc, lên cổ, lên vai vợ, cười đáp:
- Không đâu. Toàn mùi mồ hôi trầm.
Quỳnh Trang cười quay lại. Hai hạt nút áo trên sơ mi nâu bị Ngữ cởi ra từ lúc nào, để lộ một bên vú trắng màu sữa. Ngữ định cúi xuống hôn lên ngực vợ nhưng bị Quỳnh Trang đẩy ra. Vừa gài nút áo lại, Quỳnh Trang vừa nghiêm giọng bảo:
- Anh tìm được đồ nấu nước sôi không? Em cần một ít nước sôi để nấu mì và pha cà phê. Làm gì mà mặt nhăn như bị vậy? Ngoan lên nào. Anh tìm mượn cho em cái rề sô càng tốt. Em đã tính mang cái rề sô nhỏ đi theo, cái rề sô Mỹ bằng nắm tay anh đem về dạo nọ. Nhưng em nghĩ trên này thiếu gì củi.
Ngữ miễn cưỡng hỏi:
- Có cần nấu nướng gì không? Ăn qua loa thứ gì cũng được, bày vẽ làm gì? Để thì giờ nói chuyện thú hơn.
Quỳnh Trang cười, âu yếm hỏi:
- Chỉ nói chuyện thôi phải không? Đừng anh. Em nói cái gì anh cũng cố ý hiểu chệch đi cả. Nếu họ không cho em ở lại đêm thì sao?
Ngữ cười:
- Thì đành chịu nhịn chứ làm sao nữa.
Bên kia có tiếng cười khúc khích. Rồi một giọng đàn ông nói với qua:
- Cứ tự nhiên đi ông bạn! Tụi mình đều như nhau, bị các bà hành quá trời.
Quỳnh Trang ngượng quá, trong khi Ngữ cũng ngượng nhưng cố nói bạo để trấn áp:
- Các anh chị cứ thế mà làm nhé. Coi như chúng ta không nghe gì hết.
Lại nhiều tiếng đàn ông cũng cười lớn, chen lẫn với nhiều tiếng suỵt ngượng nghịu của các bà vợ. Quỳnh Trang thì thào với Ngữ:
- Anh đừng nói thế, nghe kỳ lắm. Đi tìm mượn rề sô cho em đi.
Ngữ nói:
- Anh em có làm chỗ nấu bếp ngoài kia. Có cả đồ nấu ăn nữa. Kể cũng cảm động. Lũ có vợ lên thăm hăng hái đã đành. Lũ độc thân và lũ bị vợ bỏ mà cũng hăng hái sửa sang cho nhà “hợp cẩn” này, trông cảm động và tội nghiệp lắm. Được thấy người khác hạnh phúc cũng là một thứ hạnh phúc. Anh đâm ra yêu đời hơn. Trước đây cứ tưởng người ta ưa tìm hạnh phúc bằng cách làm khổ nhau.
- Thôi, đừng triết lý vụn nữa. Anh dẫn em ra chỗ bếp đi. Cầm theo cho em hai cái gói kia. Anh có đem cái ca nhựa ra à? Tốt. À, còn cả cái mền nữa. Có giặt không đấy?
- Có chứ. Nhờ sau này làm rẫy anh ra suối tắm giặt đều. Sạch như ly như lau. Em muốn khám không?
- Thôi ông ơi! Cứ nhắc chuyện đó hoài, em có quên đâu.
Hai vợ chồng nấu một ca mì nóng, pha một ca cà phê nguyên chất rồi bưng trở lại phòng. Quỳnh Trang trải tờ Nhân Dân ra liếp, bày thức ăn nàng mua sẵn bên ca cà phê và ca mì. Quỳnh Trang than:
- Chen lấn quá mấy miếng thịt heo quay bị nát ra. Câ gói xôi cũng dẹp lép. Anh không thể tưởng tượng bây giờ đi lại khó khăn như thế nào.
Ngữ đem cái bình hoa ra đặt giữa tờ báo, nghiêng đầu ngắm nghía rồi nói:
- Thơ mộng lắm. Y như đêm hợp cẩn.
Quỳnh Trang chợt nhớ vội hỏi:
- À, có đèn thắp tối nay không?
- Cần gì đèn. Em thích để đèn sáng à. Thôi thôi, anh không phạm húy nữa. Có đèn đấy. Anh em đã lo đủ mỗi phòng một cái đèn. Ủa, em có đem theo cả đũa và muỗng à. Sao không đem theo chén?
- Em ghi vào giấy rồi, nhưng lơ đãng thế nào quên mất. Anh ngồi xuống đi. Không biết ở nhà con nó có khóc không. Hồi sáng em đi sớm một phần cũng sợ nó đòi theo.
° ° °
Ban đầu hai vợ chồng còn ngại những cặp vợ chồng ở phòng bên nghe thấy, lắng tai theo dõi động tịnh bên này. Họ ôm hôn nhau trong yên lặng, sờ soạng vuốt ve nhau cho thỏa dồn nén, nhớ thương nhưng cố dồn nén những tiếng thở dốc nóng hổi, những lời nũng nịu thiết tha. Về sau cả Ngữ lẫn Quỳnh Trang đều quên hết mọi sự, cơn ái ân đầu tiên vồ vập nhanh chóng vừa chấm dứt chưa bao lâu lại bắt đầu một cơn ái ân khác, lần này thong thả từ tốn hơn, do đó cả hai được nhẩn nha tận hưởng nhiều hơn cái khoái cảm của nhục dục. Quỳnh Trang muốn tắt đèn đi nhưng Ngữ không chịu. Quỳnh Trang chiều chồng, lúc đầu cứ nhìn về phía ngọn đèn, liếc về phía bên vách ngăn, lo âu kéo tấm chăn lên đắp thân thể. Về sau, nàng bị xúc cảm cuốn đi, chẳng những không khó chịu vì ánh đèn mà còn nhờ ánh đèn quan sát những biến đổi đam mê trên khuôn mặt Ngữ. Và nhìn Ngữ đam mê cũng là một cách khác để chính Quỳnh Trang hưởng trọn khoái cảm của đam mê. Nàng không còn cắn lấy môi dưới để che giấu xúc động như những lúc bình thường. Ngữ ngắm vợ ngửa mặt trên màu áo gối xanh, mắt nhắm nghiền, đôi môi mở lớn và cả tấm thân trắng nuốt oằn lên quằn quại trong đôi tay mình, chưa bao giờ thấy Quỳnh Trang sống thật trọn vẹn như đêm hôm ấy.
Khoảng cách những cuộc ân ái ngày càng dài hơn, dành thêm thì giờ cho họ thủ thỉ nói chuyện. Ngữ hỏi:
- Mấy hôm nay nghe mấy bà vợ tụi bạn vào thăm than ngoài đó khổ lắm. Nhà mình ra sao? Lần gửi quà Tết năm ngoái em bảo gia đình ta vẫn yên ổn, việc buôn bán cũng khá. Đúng vậy không?
Quỳnh Trang nói dối chồng:
- Nhà mình vẫn bình thường. Nhờ có anh Tường việc buôn bán của me và em vẫn như cũ. Anh thấy em có ốm đi không?
Ngữ đưa tay vuốt ve khắp thân thể vợ, làm như phải rà lại thực tế rồi mới trả lời:
- Có hơi ốm hơn trước. Nhưng vẫn đẹp.
Quỳnh Trang giữ tay Ngữ lại, trách:
- Anh, đừng phá em nữa. Đi lấy cho em cái khăn.
Ngữ ngồi dậy làm theo lời vợ. Lúc Quỳnh Trang đưa tay nhận cái khăn ướt, Ngữ hỏi:
- Sao mà bàn tay em bị xước hết cả thế? Em đi nắng nhiều lắm sao mà da từ cùi chỏ trở xuống đen xạm thế kia?
Quỳnh Trang cười:
- Đến bây giờ anh mới thấy à? Không! Chỉ tại em mặc áo sơ mi cụt tay đó thôi.
- À, anh hỏi để rồi quên không kịp hỏi. Em vừa nhắc tới anh Tường. Em có hiểu vì sao anh đóng ngoặc kép hai chữ “cảm ơn” không?
Quỳnh Trang buồn rầu đáp:
- Có. Em đoán trong này anh đọc báo. Họ có làm khó dễ gì anh không?
- Anh bị khổ sở một thời gian, nhưng cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi. Tại sao anh Tường lại viết như vậy?
- Em không hỏi thẳng, nhưng Nam nó nói với em là ảnh ở thế kẹt. Nam có gửi quà cho anh, nhưng em sợ nặng chỉ nhận gói xôi và tút thuốc lá. Ban đầu em cũng giận lắm. Hai vợ chồng anh ấy bây giờ sống cũng cực. Lương công nhân viên không đủ vào đâu cả.
- Em thường gặp con Nam không? Bên nhà má ra sao?
- Anh Tường ít ghé nhà, nhưng em và Nam tuần nào cũng gặp nhau. Anh Tường về là bị thầy me cằn nhằn, ảnh đâm ngại. Lâu lâu Nam ghé mượn tiền. Em thương nó ghê! Bên nhà thì vợ chồng con Quế sắp ra ở riêng. May mà thằng Lãng vừa về, chứ nếu không chắc con Quế không nỡ bỏ má ở một mình.
- Thằng Lãng đi đâu mà về?
Quỳnh Trang định nói thật, nhưng kịp nghĩ lại, chỉ đáp:
- Nó được đi học trường cải tạo công nông nghiệp Duyên hải.
Ngữ bật cười:
- Tướng thằng Lãng mà “cải tạo công nông nghiệp”. Bộ Cách mạng họ hết người chọn hay sao mà cử nó đi.
Quỳnh Trang cố lái sang chuyện khác:
- Anh, kỳ này em có tìm mang lên cho anh cái truyện ngắn anh viết hồi đầu. Truyện “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”, anh nhớ không? Anh mang cái truyện này đưa nộp cho Ban Quản giáo. Nhiều khi họ thấy anh viết chỉ trích chế độ cũ như thế, sẽ cho anh về sớm. Anh thử đi! Biết đâu cái truyện từng gây phiền hà cho anh bây giờ lại cứu anh! Anh, có nghe em nói không?
Ngữ đáp:
- Chưa chắc đâu. Nhiều khi chuyện viết lách của anh đã tạm êm rồi, bây giờ đưa cho họ coi, thì chuyện cũ lại bị moi ra cân đo đong đếm trở lại.
Quỳnh Trang vội nói:
- Chưa thử sao anh đã bi quan vậy. Em đọc báo thấy bây giờ họ đã bớt cái giọng gay gắt sắt máu khi nhắc tới văn nghệ Mỹ Ngụy. Em có đem theo tờ Nhân Dân cho anh đọc đây. Tờ báo em lót làm mâm đó. Anh thử đọc bài ở trang hai đi. Không. Đọc ngay bây giờ rồi cho em biết anh có định nộp cái truyện ngắn cho họ không. Cứ thử mọi cách đi anh!
Quỳnh Trang nhổm dậy mặc lại quần áo, hỏi chồng:
- Nhà cầu ở đâu hở anh?
Ngữ nói:
- Phía bên phải dãy láng này. Để anh đưa em đi.
Quỳnh Trang ngăn lại:
- Thôi em tự đi được rồi. Anh ra chỉ cho em chỗ nhà cầu, anh đọc cho xong tờ báo đi.
Ngữ chỉ chỗ các tù cải tạo làm nhà cầu tạm cho thân nhân, rồi trở vào đem tờ Nhân Dân đến gần đèn để đọc. Đọc được vài dòng Ngữ không muốn đọc nữa, vẫn bấy nhiêu lập luận về các di hại của văn hóa văn nghệ cũ, giọng điệu không nhẹ nhàng gì hơn bài phát biểu của Trần Bạch Đằng mà Ngữ đã nghe được ở Long giao.
Chán nản, Ngữ chuyển qua đọc những bài khác. Trong phần tin tức địa phương, Ngữ lược qua những thành tích vượt chỉ tiêu, cuối cùng chú ý tới một bài tin ngắn chỉ đăng có một cột báo. Tin Tòa án Nhân dân tỉnh Phú khánh đưa ra xử một nhóm cán bộ tỉnh toa rập nhau ăn cắp tài sản Nhà nước, đầu đảng là một cán bộ ngành vật tư lãnh án 5 năm tù, tòng phạm là một cán bộ thương nghiệp lãnh án 3 năm. Ngữ thấy mình vui sướng một cách hơi tiểu tâm, mỉm cười nghĩ thầm: “Chúng nó cũng không hơn gì. Vậy mà nói hươu nói vượn mãi về con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Đột nhiên Ngữ xanh mặt kinh ngạc. Ở cuối bản tin tờ báo có viết thêm một đoạn ngắn, cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú khánh xử khiếm diện một năm tù ở cho một tòng phạm khác đang tại đào. Tòng phạm này tên là Trần thị Diễm, người móc ngoặc hủ hóa cán bộ bằng tiền bạc và sắc đẹp, và Viện Kiểm sát Nhân dân đã ra lệnh truy nã y thị.
Ngữ hỏi thầm: Có phải Diễm không? Đúng là tên họ và chữ lót của Diễm, nhưng không có lý. Diễm không phải là một tên hiếm hoi của giới phụ nữ, cũng như những tên Hoa, Lan, Mai, Huệ, Nguyệt, Liễu, Vân, Cúc…Thiếu gì người Việt họ Trần. Có lẽ một người nào khác chứ không phải Diễm. Diễm ở Sài gòn, còn đây là một vụ án ở Nha trang. Nhất định, nhất định không phải Diễm.
Quỳnh Trang đẩy tấm cửa liếp bước vào, tuy than bên ngoài trời lạnh nhưng nụ cười trên môi thật tươi, ánh mắt sáng. Nàng thấy Ngữ còn đang cầm tờ Nhân Dân, đến ngồi sà bên cạnh hỏi:
- Anh đọc hết chưa?
Ngữ vội đáp:
- Rồi… Vẫn cái giọng hằn học gọi người viết ở Miền Nam là bồi bút, là tay sai có hơn gì trước đâu.
Quỳnh Trang không tỏ gì ngạc nhiên, mỉm cười hỏi thêm:
- Anh có đọc những bài khác không?
Câu hỏi của vợ khiến Ngữ tỉnh ngộ. Chàng hiểu ra hết: đúng là Diễm đang bị tầm nã, và Quỳnh Trang chịu khó mang tờ Nhân Dân lên đây, giả vờ vô tình lấy báo lót làm mâm, giả vờ bảo Ngữ đọc bài nhận định văn học ở trang hai chỉ cốt để Ngữ đọc cái tin về Diễm.
Ngữ nhìn vợ dò xét, thấy Quỳnh Trang đang cười tươi, càng tin điều mình đoán là đúng. Ngữ nói:
- Mấy cái tin khác đều là những lời ba hoa tỉnh này thu hoạch gấp đôi năm ngoái, huyện kia đạt chỉ tiêu thi đua. Chán chết!
Quỳnh Trang không kiên nhẫn được nữa, nôn nóng hỏi:
- Anh chưa đọc tin con Diễm bị tù à?
Ngữ lỡ giả vờ, đành phải vờ tiếp:
- Thật à, đâu? Trang nào?
Ngữ đọc lại cột báo đã đọc tới hai lần. Không chờ chồng hỏi, Quỳnh Trang nói:
- Em ngờ không biết có phải là con Diễm không, vì trước đó có nghe anh Ngô nói chuyện con Diễm làm ăn lớn ngoài Nha trang hồi năm ngoái.
- Ủa, thằng Ngô về lại Sài gòn hồi nào?
- Ba tháng nay rồi. Anh ấy xin đổi về Nam không được, bỏ việc về sống lang thang ở Sài gòn.
- Rồi nó làm gì để sống?
- Phần lớn gia đình bác Bỗng sống nhờ vào con Diễm. Anh Ngô chỉ vẽ guốc qua loa kiếm tiền cà phê thuốc lá, không có hộ khẩu Sài gòn, tìm việc gì được.
- Nhưng thằng Ngô xác nhận với em đúng là Diễm?
- Chính con Diễm. Nó ẩn mặt từ hai tháng nay mà em đâu có biết. Đến khi hỏi ra, em mới ngã ngửa. Không ngờ nó bạo gan đến thế. Nghe nói nó “đi” với hết ông cán bộ này đến ông cán bộ khác, tiền bạc xài như nước, xăng lên giá đến chiếc Honda của em cũng phải xếp xó không dám chạy, còn nó thì vẫn lái chiếc Simca đi phom phom. Anh thấy báo Nhân Dân nói không? Nó dùng sắc đẹp mồi chài mấy thằng dại gái. Đi đêm lắm thì phải có ngày gặp ma. Của phi nghĩa có bền đâu.
Ngữ thấy vợ có vẻ hả hê và hằn học đối với tai nạn của Diễm, biết Quỳnh Trang ghen tuông nên không dám nói gì. Quỳnh Trang hỏi:
- Anh liệu nó có trốn mãi được không?
- Anh đâu biết gì bên ngoài mà liệu với đoán.
- Em hỏi anh Ngô thì anh ấy nói cũng chẳng có gì đáng sợ, một mình con Diễm nó tự dàn xếp được. Anh Ngô gửi lời thăm thầy. Thầy chịu anh Ngô lắm. Tại ảnh chửi bới tùm lum, chửi bới thật chứ không phải để làm vừa lòng thầy. Đến nỗi một hôm anh Tường bực, bảo ảnh nên cẩn thận, tụi Công an muốn ra tay thì chỉ cần thi hành lệnh truy nã đào nhiệm hay bắt ảnh về tội cư trú bất hợp pháp, là ảnh kẹt. Biết anh Ngô trả lời anh Tường sao không?
- Sao?
- Ảnh nói nghề của ảnh là phát thanh. Không còn được nói vào micro nữa thì ảnh phải nói ngoài đường phố, vỉa hè, quán cà phê. Ảnh lập đài riêng vì không còn lãnh lương Nhà nước nữa, khỏi phải theo lệnh của Nhà nước.
Ngữ cười:
- Cái thằng, bao nhiêu năm mà cái tính cộc ngày xưa vẫn vậy.
Quỳnh Trang không muốn bị dẫn đi xa đề, quay trở lại chuyện Diễm:
- Kể ra số con Diễm cũng lao đao. Tại bản tính nó vậy. Lăng xăng cho lắm rồi bây giờ chồng một nơi, con một nơi. À, còn chuyện thằng con con Diễm nữa. Em mới nhận được thư con Quỳnh Như. Hiện Quỳnh Như đem thằng Thuận con con Diễm về nuôi. Nó viết cái gì mù mờ em không hiểu gì cả. Em có đem thư con Như cho anh đây.
Ngữ lo lắng đến lịm người, ngồi chờ vợ đi lục xắc lấy thư. Quỳnh Trang biết chuyện bí mật rồi sao? Nam kể cho Quỳnh Trang nghe hay chính lá thư này nói hết mọi sự. Ngữ nhớ có căn dặn em là nên giấu kín những gì Diễm tâm sự trong những ngày tuyệt vọng. Nam biết thế nên không hề mở miệng nói với ai, giữ lời hứa với anh. Ngữ rất nóng ruột nhưng vẫn làm ra vẻ nhẩn nha, chậm rãi dở lá thư Quỳnh Như ra đọc.
Quỳnh Như viết cho chị:
San Francisco ngày…
Những lá thư chị gửi em mấy tháng gần đây “hình như”’ em đã nhận đủ. Để em kể xem có phải em đã nhận được tất cả số thư chị gửi hai năm nay không; một lá tháng 12 năm 1976, một lá tháng 3 năm 1977, một lá tháng 5 năm 1977, lá cuối cùng chị viết hồi tháng 10. Chị nói quanh co nhưng em cũng đoán được tình hình bên nhà ra sao. Nhiều hôm cuối tuần đem thư chị và thư thầy me ra đọc, em buồn đến lịm người rã rời, không còn thiết gì nữa. Dale trách em không còn ngó ngàng tha thiết gì tới anh ấy hết. Em khóc, bảo anh ấy là người ngoài, nên sau “cơn mê Việt Nam” một thời gian dần dần tỉnh lại, bắt đầu sống như một người Mỹ bình thường. (Anh ấy chỉ còn chăm lo làm ăn, văn phòng địa ốc của Dale hiện nay đứng vào hàng nhất nhì tại Berkeley). Còn em, một hơi thở của em đã là Việt Nam, dù em sống ở đâu lúc nào trái tim em cũng đập theo nhịp vui buồn, hân hoan hay tủi nhục của quê hương. Làm sao được! Em không biết Dale còn chịu đựng được em cho tới bao giờ. So với những người Mỹ bình thường ở đây, sức chịu đựng của Dale như vậy là quá mức rồi. Nhiều bà bạn của Dale cứ thắc mắc tại sao vợ chồng em cứ tiếp tục đời sống vợ chồng quái dị như vậy. Thú thực đôi lúc em cũng lo mất Dale. Nhưng biết làm sao hơn, hở chị?
Cái khó cho em với Dale là hai vợ chồng không thể có con với nhau. Em giấu không cho thầy me và chị biết tin buồn này suốt hai năm nay, bây giờ em mới nói. Mấy năm đầu, hai đứa bàn tính với nhau là phải giữ gìn để khỏi có con sớm. Bên này có con nhỏ là cả một gánh nặng, không đơn giản như bên mình. Hai đứa giữ đúng thỏa hiệp, em không mang thai và cứ nghĩ là do giữ gìn cẩn thận mới được kết quả đó. Đến lúc vợ chồng em quyết định có con, thì chờ mãi không thấy gì. Mỗi lần em chậm kinh nguyệt vài ngày, Dale hí hửng đến tội! Hí hửng để rồi thất vọng. Chờ mãi đâm nghi, em và Dale đi hỏi bác sĩ. Họ bảo theo những từ ngữ y khoa gì gì đó em không hiểu, cả em lẫn Dale đều không có gì bất thường. Nhưng do máu huyết của em và của Dale không hợp nhau (họ giải thích rành rẽ khoa học hơn chứ không phải như em viết đâu) nên, không bao giờ em và Dale có con với nhau được. Dale lấy bà vợ khác, em lấy chồng khác, thì may ra. Dale thấy em khóc có thề là không bao giờ vì chuyện con cái mà xa em. Dale nói thêm: “Trừ trường họp chính Như đổi ý”. Đấy, tình cảnh gia đình của em như vậy. Chị đừng nói lại với me làm gì. Me chỉ thêm lo.
Em và Dale đã nạp đơn ở tòa án để xin nhận một đứa con nuôi. Một đứa con nuôi Việt Nam chứ không phải Mỹ đâu. Chị biết con của ai không? Con của Diễm đấy! Ông Ngọc anh Diễm vừa lấy được giấy phép hành nghề tại tiểu bang California, mới mở văn phòng khám bệnh tại khu phố Tàu San Francisco. Em đến nhà họ thăm mới biết lâu nay ông Mân không ngó ngàng gì tới thằng bé cả, giao khoán cho vợ chồng Ngọc lo. Em có hỏi ông Ngọc vì sao cha thằng Thuận không nuôi con mà lại giao cho cậu. Ngọc bảo thế này, chị có tin được không? Ngọc bảo ông Mân nói thằng bé không phải là con ông ấy, ông ấy không có trách nhiệm gì cả. Chị thấy tình người đã bạc chưa. Con Diễm lấy ông Mân là cả một lầm lẫn lớn. Thật là con người chẳng ra gì. Diễm rủi kẹt lại, dù lão cặp với người khác nhưng nếu còn chút lương tâm cũng phải lo cho đứa con, đằng này lại nghe lời con vợ mới hạ nhục Diễm để phủi trách nhiệm. Thằng bé dễ thương lắm, em trông nó vô tư cười đùa mà bất nhẫn, chỉ sợ tới tuổi khôn lớn nó biết cha nó bạc như thế nó sẽ đau khổ đến mức nào. Em và Dale đi lại thăm nom vợ chồng Ngọc ít lâu lại biết thêm một điều đáng buồn hơn: là bà vợ Ngọc cũng không muốn nuôi cháu. Em bàn với Dale, hai vợ chồng đồng ý lập thủ tục để xin nhận thằng Thuận làm con nuôi. Khi nào Diễm qua được đây, vợ chồng em sẽ giao thằng bé lại cho Diễm. Chị có gặp Diễm thì nói với nó như thế. Em nhớ những đêm hai chị em nằm tâm sự trước ngày Diễm đi lấy chồng, thấy thương nó quá. Chị nói với Diễm là em sẽ chăm sóc thằng Thuận như là chính Diễm lo cho con. Còn lão Mân thì hãy coi như chết đi, đừng thèm nghĩ tới nữa. Chị nói Diễm viết thư cho em, sau đó em sẽ giải thích cặn kẽ cho Diễm biết các thủ tục pháp lý bên này.
Việc cuối cùng em muốn báo cho thầy me và chị biết, là em đã liên lạc được với chị bạn bên Paris để nhờ chị ấy mua thuốc Tây gửi về cho thầy me và chị. Chị bạn vừa bảo cho em tin mừng là hãng Hàng không Air France đã bắt đầu nhận chở quà của người Việt gửi về cho thân nhân tại Việt Nam. Chắc chắn thời gian đầu có nhiều trục trặc, họ phải chờ đủ hàng mới chở một chuyến nên có lẽ vài ba tháng nữa chị mới nhận được giấy báo lãnh hàng. Khi nhận thuốc xong, chị đi bán được bao nhiêu cho em biết để em xem gửi những gì có lợi. Em không muốn lấy tiền của Dale vì gần đây bà cụ đâm khó tính, sắc mắc dò xét em từng chút, lương em làm không nhiều, nhưng chị đừng áy náy, em đủ sức dành dụm tiền hàng tháng để giúp đỡ gia đình. Đọc những lời bóng gió xa xôi của chị, em hiểu, và xót xa không ngủ được. Niềm vui bây giờ của em là cố làm thêm nhiều giờ phụ trội lấy tiền giúp đỡ gia đình. Ít ra nhờ vậy đời em còn có ích…”
Ngữ hoàn hồn vì lá thư không có gì nguy hiểm. Quỳnh Trang chờ chồng đọc xong, hỏi liền:
- Anh nghĩ sao? Theo anh thì ông Mân nói thật hay nói dối?
Ngữ cố trấn tĩnh đáp:
- Dĩ nhiên là nói dối. Tính thằng đó, em còn lạ gì?
Quỳnh Trang nói:
- Biết đâu ông Mân nói thật. Tính con Diễm lẳng lơ, em còn lạ gì. Em không quên được hôm đám cưới tụi mình, nó còn dám cười cợt ỏn ẻn với anh ngay trước mặt em.
Ngữ nói át đi.
- Thôi, chuyện nhà thiên hạ quan tâm làm gì. Ba giờ sáng rồi, em rán ngủ được một lúc lấy sức mai còn về. À đưa cái truyện ngắn “Vòng hoa…” liền bây giờ cho anh, mai sợ em quên.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương