Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Phần III: Trại Suối Máu 8/77 - 9/78 - Chương 49
T
rại Suối Máu tọa lạc tại quận Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa. Trước năm 1975, nó là trại giam phiến cộng của chính phủ VNCH. Đây là một trại tù chính trị tương đối có nhiều huyền thoại ở miền Nam. Qua sự kể lại của chính những sỹ quan quân cảnh coi tù tại đây trước kia, Vĩnh được biết nhiều chuyện khá lý thú. Chẳng hạn xưa kia, vị linh mục tuyên úy của trại tù này có lẽ đã là vị tuyên úy bận nhất nước vào mỗi buổi sáng chủ nhật của ông. Sau giờ lễ, có khi ông phải nán lại ngôi thánh đường nho nhỏ để liên tục làm lễ rửa tội cho hàng chục "đồng chí" bừng tỉnh sau cơn hôn mê, hạ quyết tâm ly khai búa liềm để quay về với Thánh Giá. Vẫn theo mấy ông quân cảnh, trại này cũng là trại cho đếm lịch khá nhiều đối với những thằng đội lốt trí thức, nhà văn nhà báo, nhưng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Thế nhưng chuyện ly kỳ hơn chính là chuyện mà cả miền Nam đều biết: Một số "đồng chí" đã được các đồng chí bạn giải phóng sớm hơn mọi người cả năm sáu năm. Trong thời gian bị giam cứu, họ đã ăn đạn 122 ly của chính người anh em từ ngoại thành Sài Gòn câu vào!
Trại Suối Máu hiện tại có năm khu trại chính đánh số thứ tự từ K.1 đến K.5 (Còn một K nữa là K.30, tức khối mộc, có chừng 40 người chuyên làm nghề mộc; K này nằm chung chỗ với khu bệnh xá). Năm khu trại này trước kia dùng để nhốt các đàn anh tướng tá. Sau một thời gian, tướng tá đều lần lượt được đưa ra Bắc thăm lăng bác không biết đến bao giờ mới có dịp trở về, thì đến lượt các quan bạn dân được đưa đến đây tạm trú. Rồi thì người anh em bạn dân cũng được cách mạng đày đi tứ tán khắp bốn phương trời, để nhường chỗ lại cho bọn tù trại An Dưỡng di chuyển sang vào một ngày trung tuần tháng Tám năm 1977.
Trong năm K chỉ có K.1, K.2 và K.3 là những khu trại cũ, có nghĩa là có nền xi măng; và dù ngày nay cộng sản không cho tù nằm giường nằm sạp như thời chế độ Sài Gòn, bọn tù vẫn còn được đêm đêm ngả lưng trên những nền xi măng tương đối sạch sẽ. K4 và K.5 thì khác. Đây là hai khu trại mới được dựng lên sau này do chính công tù đổ ra, để lấy chỗ che nắng che mưa bằng sườn gỗ, vách tôn, mái tôn và nền đất. Do những điều kiện vật liệu như thế, hai K.4 và K.5 bỗng nhiên đạt đúng tiêu chuẩn nhà ở kiểu văn minh văn hóa của CSVN: Ẩm thấp và nóng nực!
Từ cổng dẫn vào con đường chính đầy dẫy những trạm gác. Đặc biệt, các trạm gác này đều ngày đêm chĩa súng máy vào các K như lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Ngôi thánh đường nhỏ của trại Suối Máu ngày nay đã bị bọn cộng sản dùng làm phòng ngủ và tường được đục lỗ châu mai. Từ những lỗ châu mai này, những họng súng đại liên đen xì cũng đều được chĩa sang phía các K với tư thế sẵn sàng. Chao ôi, xưa Chúa vào thành Jerusalem nổi giận đùng đùng vì bọn thu thuế và bọn lái buôn đã biến đền thờ Chúa thành nơi buôn bán trao đổi; ngày nay không biết Chúa giận đến đâu khi bọn quân dữ thời mới đã biến đền thờ Chúa thành ổ súng máy và quần áo phơi mắc khắp cùng trong lòng nhà thờ!?
Chưa hết! Trại Suối Máu còn là một trại rất khó trốn, dù rằng nó nằm lọt giữa trục lộ giao thông từ Biên Hòa xuống Tam Hiệp và phía sau nó là con đường sắt ngày một lần vang lên tiếng rầm rập của đoàn xe hỏa Thống Nhất. Có thể nói từ sau 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, các viên chức sỹ quan chế độ cũ bị nhốt nơi đây chưa mấy người trốn thoát. Và đã trốn mà không thoát thì chỉ có hai cái chết: Một chết vì mìn rải đầy phía ngoài hàng rào trại. Hai chết vì đòn đập trong những dãy connex kê sát rào chạy dọc theo con lộ phía sau bệnh xá và K.4; hoặc những dãy connex nằm ngay trước hàng rào các K.1, K.2, K.3 và K.5.
Trại Suối Máu với ưu và khuyết điểm như thế, đã mở rộng vòng tay đón gần bốn nghìn tù của trại An Dưỡng.
Lọt vào K.5, Vĩnh mất vài bạn cũ. Tiến đã rơi vào K.3, Hóa K.1... K.5 chỉ còn lại Tạc, Kim, Huy, Ý, Dương, Ân xệ, Điểu và Tuấn râu.
Sau lần chuyển trại từ An Dưỡng sang, Huy, Ý và Dương tiếp tục bị nhốt thêm một tháng trong connex và được thả ra dịp 2 tháng 9 năm 1977. Đây quả là một phép lạ vì không ai, kể cả Vĩnh, có thể ngờ họ được thả... Nhất là Ý, người đã can đảm tự nhận là kẻ tổ chức và đạo diễn cuộc vượt ngục vừa qua.
Ba người vượt ngục bị bắt chịu cực hình là chuyện dĩ nhiên. Và sự cuồng chân bỏ trại đi chơi xa một chuyến để đánh đổi bằng hai cái răng cửa của Phạm Xuân Huy, bằng ghẻ chốc cùng mình của Vũ Duy Dương và bằng chứng phù thủng chữa mãi không dứt của Ý, nghĩ cho cùng không đắt lắm. Có đen chăng là đen cho Điểu và Vĩnh thôi. Cả hai đã chẳng hề có dịp biết được cách trại An Dưỡng một cây số về hướng Bắc có sông hay có biển, có núi hay có non, có bạn hay có thù... mà vẫn phải ăn đòn như ai! Thằng Điểu ăn đòn cũng phải đi, vì nó dân QuảngNam hay cãi; đàng này Vĩnh đã phải sử dụng tối đa nghệ thuật kịch mà vẫn không thoát hiểm được. Anh đã phải để lại cho thằng an ninh trại 4 An Dưỡng một cái răng nanh lảng nhách!
Cái đen của Vĩnh chẳng vì ba thằng bạn nằm connex khai ra. Không! Ý, Huy, Dương và cả Điểu nữa, đều vô cùng thương Vĩnh. Trước sau như một, họ đã thống nhất bằng một lời khai về Vĩnh như sau: Anh Vĩnh không hề biết gì về kế hoạch trốn trại. Chơi với anh chỉ để học thêm âm nhạc của anh ấy mà thôi. Anh ấy yếu như sên, anh ấy... vân vân và vân vân. Nói chung, những lời khai của các bạn dành cho Vĩnh đều đạt yêu cầu, nếu không thế thì cầm bằng không lâu sau đó, đám mả tù của trại An Dưỡng hẳn đã có thêm một cái rồi! Vĩnh ăn đòn, khốn thay, lại chính vì anh chàng Phạm An Toàn.
Buổi trưa hôm ấy, lúc nhìn thấy Ý, Huy và Dương bị bắt lại, Vĩnh tính toán và quyết định tìm mọi cách để chứng tỏ mình đang lao nặng. Lao nặng sẽ có hai cái lợi. Lợi thứ nhất sẽ giúp cho Vĩnh mạnh miệng lập luận rằng không bao giờ những người trốn trại lại muốn rủ rê một người lao nặng đi theo. Lợi thứ hai là tụi nó ớn, tụi nó đỡ kêu tới kêu lui. Nghĩ thế, Vĩnh lục túi đồ lôi ra cái sơ-ranh nhựa ăn cắp được của thằng quân y hồi còn làm y tá cho đội. Vĩnh tí toáy chơi lại bài bản cũ. Rút máu ở gân tay...
Đen cho Vĩnh vì ngay lúc ấy Phạm An Toàn bước vào nhìn thấy cảnh tượng nó khẽ rú lên.
- Chích xì-ke hả cha?
Vĩnh tái tê cả người. Rành rành thằng Toàn đã nhìn thấy anh đang lụi kim vào gân tay. Nói thật mình rút máu ra giả lao cũng chết, mà nói dối chích xì-ke cũng chết. Nghĩ thế, Vĩnh bấm bụng nói liều.
- Chán đời quá Toàn ơi! Tôi muốn... chết! Tôi muốn bơm oxy vào máu... Xì-ke xì-cút gì đâu!...
Toàn trố mắt nhìn Vĩnh. Có lẽ lúc ấy Vĩnh kịch hơi tệ nên nó không tin. Nó chìa tay ra.
- Ông đưa cái ống chích cho tôi. Ông nằm ngủ đi.
Không hiểu sao thốt nhiên Vĩnh nổi sùng.
- Không đưa!
Phạm An Toàn chợt mỉm môi lại. Nó tính nói một cái gì nhưng rõ ràng nó đã ngưng lại kịp lúc. Sau cùng nó lạnh lùng bảo Vĩnh.
- Không đưa cũng được. Không sao...
Chỉ nói thế rồi Toàn quay đi. Vĩnh ngả người trên tấm phản nóng hầm. Đầu óc anh rối như tơ vò. Từ ngày khôn lớn, Vĩnh luôn tự tin mình tháo vát và có đủ khả năng tìm cách hóa giải nhiều khó khăn từng gặp phải; thế nhưng lần này anh cảm thấy cầm bằng cái thua. Anh bí, hoàn toàn bí, không biết cách nào giải nổi thế kẹt trước mặt.
Chiều hôm ấy quả nhiên thằng an ninh của trại 4 sang tận khu cách ly để tìm Vĩnh, đi theo hắn còn một thằng vệ binh súng AK lăm lăm trên tay. Mọi tính toán của Vĩnh sai bét. Thằng an ninh xông luôn vào phòng. Chẳng có một dấu hiệu nào cho thấy hắn sợ bị lây bệnh lao cả. Hắn đứng trong phòng trợn đôi mắt trắng dã nhìn Vĩnh đang ngồi trên sạp.
- Đâu, xì ke ma túy của mày dấu đâu?
An ninh trại mò tới tận khu cách ly là biết chắc Phạm An Toàn đã báo cáo mọi chuyện, thế nhưng khi nghe hắn hỏi Vĩnh vẫn thất kinh. Chao ôi, đời oan khiên đến thế là cùng. Hơn ba mươi năm sống ở đời, Vĩnh chưa một lần được nhìn thấy xì ke để có thể biết rõ hình dáng nó ra sao! Khi thì nghe nói nó giống sợi thuốc rê, khi thì nghe nói nó giống bột ngọt... Chiều nay tự dưng bị chụp mũ chích xì ke, lại đang bị thằng an ninh trại trông hung tợn như một con chó dữ gầm gừ cật vấn; dù hoảng hốt nhưng Vĩnh vẫn cố bình tĩnh trả lời.
- Báo cáo anh tôi đâu có xì ke...
Tên an ninh hình như biết trước câu trả lời của Vĩnh, hắn lạnh tanh ra lệnh.
- Thu hết đồ đạc đi theo đồng chí vệ binh trở về ban an ninh trại!
Tối hôm ấy Vĩnh bị trả thẳng về trại 4 mà không được trả về bệnh xá. Những câu trả lời lẩm cẩm của Vĩnh đã làm cho bọn an ninh lộn tiết lên đầu. Chúng nện cho Vĩnh mấy cái báng súng vào mặt. Một nửa cái răng nanh hàm trên bên trái đã mãi mãi ở lại trại An Dưỡng. Nhưng điểm tai hại chưa hẳn ở chỗ mất cái răng nanh, điểm tai hại là chúng kết tội Vĩnh lợi dụng bệnh lao được nằm cách ly để tiếp tục sử dụng xì-ke ma túy, một căn bệnh xã hội của miền Nam...
Những ngày sau đó, để tiện theo dõi, đội phó Võ Hữu Hiệp đã chỉ định đích danh Vĩnh ngày hai buổi sau khi đi lao động về, phụ trách bưng phần ăn nuôi Ý, Huy và Dương đang nằm trong connex. Dĩ nhiên trước khi rời cổng trại, Vĩnh bị xét rất kỹ, nhưng dù kỹ thế nào, Vĩnh vẫn có cách tiếp tế đều đều cho ba người bạn lâm nạn bữa thì cục đường, bữa thì một viên Vitamin C, bữa thì một viên Vitamin B.1... Cũng nhờ dịp này, Vĩnh càng tin hơn ở câu nói "nhất ẩm nhất trác giai do tiền định". Nếu trước đây ba người bạn lôi anh đi theo để thất bại chỉ vì bị mấy thằng bé chăn trâu chăn bò đi báo công an địa phương, lúc chúng phát hiện ra ba người lạ mặt lởn vởn trong một vườn bưởi ở quận Tân Uyên... thì giờ này Vĩnh ra sao nhỉ? Liệu anh có đứng nổi trước những trận tra khảo liên tu bất tận mà bọn chúng đã dành cho Ý, Huy và Dương hay không? Dương to và đen như một con gấu, ấy thế mà giờ đây nó không cầm nổi một lon guigoz nước trên tay. Anh Huy còn tệ hơn. Lần đầu đưa cơm cho Huy, Vĩnh xanh máu mặt khi nhận mãi mới ra được người bạn già. Chao ôi, trông anh không còn ra dáng con người nữa. Anh xuất hiện nơi cửa connex, người gù hẳn xuống như bị rút gân lưng. Trên đầu anh quấn mấy vòng giẻ rách, máu và đất còn dính lấm tấm trên viền giải băng. Thấy Vĩnh, anh Huy cố nhếch môi cười. Vĩnh thất kinh nhận thấy sau làn môi tím bầm, mấy cái răng cửa của anh đều biến mất. Tên vệ binh có súng đi theo đứng ngay sau lưng không cho phép hai người trò chuyện. Vĩnh đặt phần cơm nước xuống trước mặt anh Huy và nháy mắt ra hiệu cho anh biết có món đặc biệt trong mấy cọng rau muống. Lúc rời nhà bếp, Vĩnh đã nhét vào một cọng rau hai viên Vit B.1. Thế rồi cửa connex đóng sập lại sau khi Vĩnh đã đọc được trong ánh mắt anh Huy một câu nói: Cứ yên tâm! Tụi này rất kín miệng.
Tuy nhiên, người chịu cực hình nhiều nhất vẫn là Ý. Một phần Ý tự nhận là người đầu tầu, một phần Ý là dân Biệt Động thứ thiệt, thành thử chúng ghét và chúng nhốt riêng trong một connex nằm lẻ loi trên ngọn đồi trọc giữa khu thăm viếng và trại 4. Lẽo đẽo đi theo thằng vệ binh lên đưa cơm cho Ý, Vĩnh phải vuốt mồ hôi nhiều lần dưới trời nắng gắt. Khi cửa connex mở ra, Ý xuất hiện xanh như một tàu lá. Anh nằm khoanh tròn dưới sàn connex sét rỉ, hai tay bị còng ngược ra sau lưng nên thế nằm của anh coi thật khổ sở. Tên vệ binh trao chìa khóa cho Vĩnh để mở còng cho Ý. May mắn thay, vì trời nắng gắt, tên vệ binh đã đi xuống chân đồi tìm một bóng cây và cho phép Vĩnh được ngồi đợi Ý ăn uống xong sẽ thu lon cóng về luôn.
Lúc chiếc còng được mở ra, Vĩnh không khỏi hết hồn. Đây không phải cái còng số 8 thường thấy trước kia. Đây là một loại còng đặc biệt do bọn an ninh trại vẽ kiểu và bắt ban rèn của trại thực hiện. Còng là một cặp ống sắt khuyết, có chiều dày quãng năm phân. Một cặp khoen được hàn dính vào hai mép khuyết của ống sắt. Hai chiếc còng dính vào nhau bằng một sợi xích dài chừng mười phân. Người bị còng có cổ tay to như Ý thật là khốn nạn. Khi tháo còng ra cho bạn, Vĩnh không thể ngờ được Ý tê liệt đến độ đó. Hai bắp tay sưng phù nhưng hai cổ tay thì teo lại do bởi còng xiết quá lâu. Được tháo ra, cả hai ba phút sau Ý mới cử động nổi bàn tay. Trong tình trạng như thế mà chúng cứ còng miết ngày đêm làm sao chịu thấu!? Vĩnh quan sát bạn kỹ hơn. Mới hai ngày hai đêm bị còng nhốt connex và bị tra khảo, Ý xanh mét và tuồng như đã mất đi một nửa trọng lượng của thân thể. Thưong bạn quá, Vĩnh nói.
- Đừng cử động! Để tôi đút cho ông ăn.
Ý thều thào.
- Nóng quá ông ạ. Có cách gì ông dội cho tôi miếng nước vào người không?
Vĩnh quay vội ra ngoài. Anh có đem theo cả nửa sô nước để tiếp tế cho người bị nhốt. Vĩnh đổ nước ra cái lon guigoz để dành cho Ý uống (tiêu chuẩn nước uống cho người bị nhốt connex dứt khoát một ngày chỉ được một lon guigoz. Người đi nuôi ăn có muốn để lại cho bạn nhiều hơn cũng không được vì vệ binh chỉ cho để lại trong connex một cái lon duy nhất mà thôi!). Còn bao nhiêu nước Vĩnh chầm chậm dội từ đầu Ý dội xuống. Ý sướng như được lên thiên đàng. Nước vào người khiến Ý tỉnh hẳn lại.
Vĩnh hỏi.
- Nện dữ không?
- Kinh lắm ông ơi!... Ông, Tuấn và Điểu có sao không?
- Tuấn không sao. Chỉ có Điểu và tôi dính tí đuôi sao Chổi thôi. Nhưng tôi lại dính vì vụ khác. Vụ ông từng xúi tôi trước kia đấy! Cũng may...
Vĩnh tính nói "cũng may không bị dính chung vào vụ vượt ngục của các ông", nhưng nghĩ sao Vĩnh bỏ lửng câu nói.
Ý vừa chậm rãi nhai vừa hỏi.
- Ông tiếp xúc được với anh Huy và thằng Dương chưa?
- Rồi. Gặp hết rồi. Còn sống cả. Ông cứ yên tâm.
- Không khí ở trại như thế nào?
Quả thực Vĩnh rất âu lo cho số phận của riêng Ý. Vì Ý nhận là đầu mối, do đó bọn cai tù lên án anh rất nặng trên hội trường ngày hôm qua. Chúng cho anh là kẻ đại nguy hiểm và do đó đã nhốt anh vào chỗ riêng biệt là trên ngọn đồi trọc nắng cháy này. Bọn thẩm cung Ý cũng không phải là bọn an ninh trại 4, mà là bọn an ninh từ trung đoàn xuống làm việc. Biết thế nhưng trong hoàn cảnh này, Vĩnh không muốn làm cho bạn âu lo. Anh trấn an.
- Ông yên tâm. Rồi sẽ tai qua nạn khỏi cả...
Thế rồi thấm thoát đã hơn một tháng qua, kể từ ngày mấy ngàn tù của trại An Dưỡng ba lô quả mướp lội bộ từ trại An Dưỡng qua trại Suối Máu, Vĩnh lại được sinh hoạt bình thường trở lại với Ý, Huy và Dương. Những khi ngày tàn, ngồi quây quần hút thuốc lào với nhau, cả bọn vẫn không hiểu nhờ sức siêu hình nào mà mọi người đều được tai qua nạn khỏi thật; đặc biệt là Ý, chuyện anh được cột xử bắn như nhiều người trước đó quả là một chuyện phi thường.
Bây giờ đây, cả năm người, Ý, Huy, Dương, Điểu và Vĩnh đều được nhét chung vào tổ 1 đội 17 (vẫn đội 17!) nhà 1.
Nhà 1 là dãy nhà nằm sát bên cánh phải của hội trường. Nhà 1 (cũng như bảy dãy nhà kế tiếp, mỗi dãy cách nhau chừng năm thước và kết thúc bằng dãy nhà bếp. Phía sau dãy nhà bếp là hàng rào thép gai giăng chằng chịt để chia cách K.5 với K.4) được lợp tôn, vách tôn và nền đất. Nhà có chiều dài mười lăm thước và rộng năm thước, dùng làm chỗ ngủ cho ba đội 15, 16 và 17 với tổng số 120 người. Nhà trưởng hiện nay là một tay đại úy bác sỹ. Tổ trưởng hiện nay cũng dân Hải quân, Nguyễn Thanh Sơn, hải quân trung úy, nằm bên phải Vĩnh. Một lần nữa, nằm bên trái Vĩnh là anh chàng hải quân thiếu úy nửa điên nửa tỉnh Trương Hồng. Nằm san sát tiếp theo còn có Võ Tấn Bảo Hùng, trung úy công binh, kẻ đang say mê nghiên cứu khoa châm cứu. Kế Hùng là anh Huy. Cùng tổ nhưng nằm phía đối diện còn có Ý, Dương, Nguyễn Đình Tạc, Điểu...
Nhà 1 dù sao không khí dễ thở vì có anh chàng bác sỹ nhà trưởng tương đối dễ tính. Anh ta nằm mút phía đầu nhà, chỗ gần với vườn cây và nằm cạnh anh chàng Phạm Xuân Đồng - một người điên có lẽ nổi tiếng nhất trại tù cải tạo Suối Máu. Do bản tính lè phè, hồ như ông nhà trưởng này chẳng thèm tiếp xúc với một nhà viên nào. Cần việc gì, anh ta chỉ gặp riêng tổ trưởng hoặc đội trưởng.
Vì trại Suối Máu không có nhiều đất đai chung quanh, do đó công tác lao động hoặc tăng gia sản xuất cũng không đòi hỏi quá nhiều công tù. Trại này từ trước đến giờ, đúng ra, chỉ là trại chuyển tiếp. Do đó, khi được đưa về đây, bọn tù cảm thấy như tự dưng được hưởng một thời gian... dưỡng sức. Tuy nhiên dưỡng sức không có nghĩa là không lao động. Lao động của nhà 1 hiện tại được hưởng chế độ cách nhật. Công tù chỉ được dùng vào việc tưới cây, hoặc lên ít luống khoai trên giải đất nằm bên trong hàng rào và chạy dọc theo con đường Biên Hòa - Tam Hiệp bên ngoài. Cũng có một số được điều động làm đủ thứ công việc linh tinh trên ban chỉ huy trại như xuống xe gạo, xuống xe khoai sắn, sửa nhà sửa cửa cho bọn vệ binh hoặc dọn dẹp vệ sinh nơi khu ăn ở của quản giáo...
Nhưng đây là công việc của những người "tốt", vì họ còn được vác cuốc ra gần lề đường, nhìn dòng đời trôi qua cho đỡ thèm thương nhớ; riêng đám Vĩnh không được như vậy. Do ảnh hưởng lần trốn trại vừa qua, kể cả người trốn lẫn người bị nghi ngờ đồng lõa, Ý, Huy, Dương, Điểu và Vĩnh được lệnh không đi lao động bên ngoài trại. Công tác lao động của năm người chỉ là tạp dịch bên trong trại, mà việc chính là quét hội trường, phụ ông bác sỹ già Phạm Văn Triển chăm sóc vườn thuốc Nam, tức thuốc dân tộc, nằm sát góc trại cổng K.5, gồm dăm cây húng quế, tía tô, ít bụi xả, mươi gốc cây Sống Đời... Công tác phụ là tuần hai lần phải xách nước ra rửa sạch hai dãy cầu tiêu nằm cách hội trường một khoảng sân đủ để chơi bóng chuyền.
Vì Y, Huy và Dương mới được thả khỏi connex đứng không muốn vững, do đó lúc ban đầu được chia công tác, hầu như Vĩnh và Điểu cáng đáng hết mọi việc. Phải cả nửa tháng tĩnh dưỡng, ba người bạn mới lại sức để nhảy vào nhập cuộc và tiếng cười bắt đầu hồi phục.