For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
uổi sớm chủ nhật thật rực rỡ. Nắng và lạnh hòa hợp với nhau như hai thứ rượu, khiến cho thời tiết say sưa và dễ chịu. Không khí trong sạch; những mầu ảm đạm mọi ngày đã qua làn mưa bụi, bây giờ đều tươi sáng và mới mẻ.
Trường đứng trên hiên trông xuống phố. Mầu trắng của mấy bức tường lóe dưới ánh sáng, và vùng lá xanh tốt hơn mọi ngày. Chàng thấy cảnh vật vui tươi, và lòng chàng cũng có những tia nắng đang reo ấm như một nhịp đàn.
Trường quay người vào, hỏi vợ:
- Em xong chưa?
- Chưa, anh đợi em một lát.
Trinh đang ngồi trang điểm trước tấm gương. Cái bông phấn êm như nhung phớt trên má nàng, bụi phấn thơm tung lên mái tóc đen; Trinh sung sướng nhìn hình ảnh tươi đẹp của mình ở trong gương, khẽ đưa thỏi sáp đỏ lên môi. Đã lâu lắm, hôm nay nàng mới lại dùng đến các thứ trang điểm. Ban nãy lúc nàng khoác áo toan đi, Trường trông ngắm nàng rồi bảo:
- Em trang điểm vào, chứ ai lại để đầu bù tóc rối thế kia.
Nàng đáp, giản dị như mọi ngày:
- Thôi cứ thế này cũng được. Lại đằng mẹ chứ đi đâu mà phấn sáp.
Nhưng Trường nhất định không nghe. Chàng hơi cau đôi lông mày lại, bắt buộc một cách âu yếm:
- Không, em trang điểm đi kia. Anh muốn thế!
Nàng chiều chồng, vắt áo lên ghế, rồi lại tủ lấy hộp đựng phấn. Hộp để trong ô kéo đã lâu, nên bụi bám đầy, Trinh phải lấy khăn chùi sạch. Khi mở hộp ra, nàng vui mừng vì các thứ trang điểm vẫn còn nguyên. Trinh để hộp phấn trên bàn, mở giấy. Một mùi thơm dịu và quen bốc ra, khiến nàng nhớ lại ngày sắp cưới nàng, lần đầu nàng dùng thứ phấn này của một người chị em bạn tặng. Lúc đầu nàng tưởng cái hương thơm lạ ấy - lần đầu nàng dùng phấn - sẽ là hương thơm ngát của những ngày sung sướng từ đây. Bây giờ, hương ấy đối với nàng càng ngát thơm hơn, qua những ngày khổ đau.
Trinh sửa mái tóc rất gọn ghẽ, vuốt đi vuốt lại mấy sợi tóc mai đen nhánh trên da trắng. Nàng muốn xinh đẹp, muốn tươi tắn, để được vừa ý Trường. Bỗng nàng mỉm cười vì thấy hình Trường sau hình nàng hiện ra trong tấm gương. Chàng đã lại gần lúc nào nàng không biết, cúi xuống sát bên vai, nàng thấy hơi thở nóng của chồng trên gáy.
- Thôi trông đẹp lắm rồi!
Thấy Trường khen, Trinh sung sướng cúi mặt xuống, hai má ửng hồng vì thẹn, nàng hỏi:
- Có cho con cùng đi không anh?
- Có chứ. Đem nó lại không bà nhở.
- Thế để mặc áo cho con đi.
Trường đứng dậy ra hiên, Trinh nghe thấy tiếng chàng nói ở ngoài:
- Trời hôm nay mà về quê thì thích quá. Nắng như thế này...
Nàng toan muốn nhắc Trường, nhưng lại thôi.
Trong sự hòa hợp vợ chồng bây giờ nàng thấy lời nhắc ấy là thừa. Cái vui trong lòng nàng rực rỡ quá, không thể chàng không biết, và không cùng một ý muốn với nàng. Trinh chắc chàng cũng ao ước như nàng được về quê thăm vườn cũ.
Nàng gọi vú em mang con vào. Mai cũng còn xanh xao và mệt nhọc. Bệnh nặng vừa qua để lại trên khuôn mặt ngây thơ một vẻ nghiêm trang và đôi mắt mở to quá dưới hàng mi. Thấy mẹ, Mai tụt xuống chạy đến bám vào vạt áo. Hộp phấn nhiều mầu khiến Mai chú ý, với tay đôi lấy. Trinh chiều con, đưa con cái bông phấn; đứa bé bắt chước mẹ cũng đập phấn lên mặt. Người vú cười.
- Ái chà, cậu Mai cũng biết đánh phấn đấy?
Nàng gọi Trường:
- Này anh vào đây mà xem. Con nó làm dáng chưa?
Trường trở vào, sung sướng. Chàng cúi xuống ẵm thằng Mai lên hai cánh tay, rồi bế xốc con lên người, đùa nghịch. Trinh đã trang điểm xong, ngồi yên trên ghế, ngước mắt nhìn chồng và con yêu quý, mắt long lanh sáng. Rồi nàng đứng dậy rút chiếc khăn tay trong túi áo:
- Để em lau đi, phấn cả thế này.
Cái bông đã để phấn lên cả tóc Mai và trên áo Trường. Nàng lấy khăn phủi sẽ. Mai giơ tay vít lấy cổ áo mẹ kéo lại gần. Trường thấy sát mặt chàng đôi má mịn màng và phấn hồng của Mai mơn mởn như cánh hoa đào. Chàng nghiêng con lại gần vợ, tiếng nói thấp hơi run:
- Nào Mai, con hôn mợ đi.
Đứa bé quàng tay lên cổ Trường rồi vụng về đặt môi lên má mẹ. Qua đầu con, Trường và Trinh cùng nhìn nhau âu yếm.
Hai vợ chồng xa nhau ra, e thẹn, như đôi tình nhân mới. Trường nhìn vợ mỉm cười như cùng chia sẻ một sự bí mật gì. Rồi chàng lấy giọng tự nhiên nói:
- Thôi chúng ta đi đi, không sợ mẹ đợi.
Bà Nhì đến nhà thông gia từ sáng sớm, dặn hai vợ chồng thế nào cũng đến sau. Từ hôm thấy hai con lại hòa thuận như cũ, và cháu lành mạnh, bà rất vui mừng ở luôn ngay với Trinh, không nghĩ về nữa. Mấy ngày ở trên nầy, bà săn sóc đến Trường như săn sóc một người con quý, thầm cám ơn chàng đã làm hết những nỗi lo ngại của bà bấy lâu nay. Buổi chiều hôm qua, khi bà đương ngồi khâu trên giường bên cạnh cháu, Trinh lại gần, khẩn khoản:
- Mẹ ở trên này với chúng con rõ lâu nhé. Mẹ về thì chúng con buồn lắm.
Bà sẽ cười hỏi:
- Thế cô muốn tôi ở đây suốt đời à? Còn nhà cửa lấy ai trông nom.
Trinh tươi nét mặt lên, nàng đáp:
- Con chỉ cầu được thế. - Và ngậm ngùi nàng tiếp:
- Bây giờ mẹ đã có tuổi rồi, chả còn sống được bao lâu nữa, tội gì mẹ còn phải vất vả. Mẹ cứ ở lại đây với chúng con; tiền em Bích ăn học chúng con sẽ gửi về, mẹ không phải lo đến nữa. - Nàng thêm:
- Hôm nọ nhà con bảo với con như thế.
Bà Nhì ngửng đầu nhìn Trinh, rồi lại cúi đầu tư lự. Lòng bà cảm động, đầy thương mến các con. Tay bà dừng kim trên mảnh vải và đôi kính của bà bỗng mờ đi như nhòa lệ. Ngoài kia chiều tối xuống. Và lần đầu tiên trong đời dẳng dai đau khổ của bà, buổi chiều đến không đem lại những ý nghĩ và hình ảnh buồn rầu vẫn thường ám ảnh bà bấy lâu nay.
Bà Nhì đang ngồi nói chuyện với bà phán thì hai vợ chồng Trường đẩy cửa bước vào. Trinh đặt Mai đến trước mẹ chồng, bảo con:
- Con chào bà đi.
- Nào lên đây với bà. Úi chao, cháu tôi ngoan quá.
Bà phán cúi xuống ẵm Mai lên, đặt cháu vào lòng. Trong cái cử chỉ âu yếm ấy có một vẻ thân thiết vì tình máu mủ hơn. Bà Nhì thoáng buồn vì sực nhớ Mai chỉ là cháu ngoại mình. Nhưng bà lại vui vẻ ngay, nghiêng người xuống gần Mai nói dịu dàng:
- Bà trông cháu độ này có vẻ khỏe mạnh hơn trước.
Trinh đỡ lời:
- Giá không ốm thì cháu còn mập mạp nữa kia đấy ạ.
Trường ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn chung quanh. Đã lâu, chàng không tới thăm mẹ và em. Những đồ đạc trong nhà vẫn không có gì khác, chỉ có tập sách để trong ngăn tủ lâu ngày không ai giở đến nên bụi phủ dày. Một vẻ lạnh lẽo như phảng phất trên mọi vật. Trường cho đấy có lẽ là cảm giác riêng của chàng: đã lâu nay chàng không nghĩ đến mẹ. Mái tóc nửa bạc của bà phán khiến chàng thương mẹ và ân hận trong lòng.
Trường lắng tai nghe hai bà nói chuyện. Hai tiếng nói quen khiến chàng tưởng như hồi còn nhỏ ở An Lâm, những lúc chàng dựa vào ghế nghe bà Nhì bàn chuyện buôn bán với mẹ chàng. Trường thấy mình trẻ lại với bao kỷ niệm của thời xưa. Chàng nhìn vợ để tìm trên khuôn mặt xinh cái vẻ ngây thơ của cô gái có đôi mắt đen vẫn cùng chàng đùa nghịch bên khóm hồng. Trinh ngồi bên mẹ têm trầu, dáng điệu khép nép và ngoan ngoãn như một cô thiếu nữ.
Dung và Lan đi chợ về, đem một chút huyên náo vào trong nhà. Vừa trông thấy chị Lan đã vội vàng đặt rổ thức ăn xuống đất, vồn vã chạy lại nắm lấy hai tay Trinh, hỏi han như người đã lâu lắm không gặp nhau. Rồi nàng lùi lại, ngắm nghía Trinh từ đầu đến chân:
- Ồ, chị tôi dạo này xinh đẹp quá! Trông trẻ như cô gái mười tám vậy.
Trinh khẽ đập yêu vào vai Lan, đáp:
- Cô chỉ rõ khéo nịnh tôi thôi.
- Không, chị đẹp ra thực đấy, em không nói dối đâu.
Dung từ nãy vẫn điềm đạm cũng phải mỉm cười:
- Thôi, liệu mà vào làm cơm đi. Hai chị em cứ khen nhau mãi.
Lan cũng cất tiếng cười tươi tắn, rồi dắt tay Trinh giục:
- Vào đây chị, vào đây với em nói chuyện.
Dung đứng lại tần ngần, trên mặt thoáng có vẻ buồn. Trường nhìn chị, hỏi:
- Mấy giờ anh về hở chị?
Dung thong thả đáp:
- Anh cũng sắp về rồi đấy. Bây giờ đã hơn mười giờ.
Dung đi xuống bếp. Trường trông theo, lòng nao nao thương. Những sự khổ đau mà vợ chàng đã phải chịu khiến Trường hiểu biết hơn nỗi buồn mà Dung bị anh ghét bỏ. Dung có lẽ đã khóc nhiều, tuy chàng chưa từng thấy chị thốt ra một lời than phiền hay oán trách nào. Sự âm thầm chịu đựng của Dung quá đau đớn.
Một lát, Trường nghe thấy ở nhà dưới đưa lên tiếng cười nói của ba chị em, tiếng trong sáng của Lan lẫn với tiếng dịu dàng và hòa nhã của Trinh. Trường nghĩ rằng trong ba người, Trinh là người sung sướng hơn cả, và chàng thấy cái cảm giác ấm cúng là lúc này, Trinh hẳn cũng đang nghĩ đến chàng. Trường tự nhiên mỉm cười một mình rồi đứng dậy đến bên tủ giở mấy quyển sách cũ. Đó là những sách học của chàng ngày xưa. Nhìn những nét gạch và những chữ biên của mình trên giấy, Trường tưởng nhớ lại cả quãng đời học hành chăm chỉ, với những điều ước vọng lúc bấy giờ. Hồi ấy chàng, chỉ mơ ước thi đỗ để ra đi làm kiếm tiền. Có lẽ tình cảnh nghèo khiến chàng tha thiết mong có thế. Thi đỗ rồi đi làm công sở, đó là mục đích của cả một đời. Nhưng bây giờ Trường mới rõ cái nhỏ mọn của điều mong ước ấy. Sự sống đã cho chàng bao nhiêu bài học hay. Trường không băn khoăn vì cảnh nghèo của mình nữa. Chàng không ganh ghét với những người sang trọng, giầu có hơn chàng - Trường nghĩ đến Quang, đến người bạn học ở quê nhà - và tự thấy mình giầu hơn họ nhiều, giàu những tính tình tốt đẹp, những ý nghĩ đằm thắm mà những người chỉ biết đến mình không bao giờ có được.
- Anh Trường, mời anh bỏ sách để ăn cơm thôi.
Tiếng Lan gọi bắt Trường dừng nghĩ. Chàng cúi nhìn trang sách một lần cuối nữa, rồi từ từ gấp lại, cùng một lúc gấp trong trí nhớ một trang sách của đời mình. Trường có cảm giác những ngày cũ, những ngày băn khoăn ám ảnh đã qua như một giấc mộng, chỉ một chút mơ màng ân hận còn rớt lại. Một cuộc đời mới đang chờ đợi để đón chàng.
Mâm cơm bưng lên để trên giường, Dung và Trinh má hãy còn hồng hào vì gần lửa, tóc hãy còn vương bụi tro, tranh nhau sửa soạn đũa bát. Lan tươi tỉnh vui vẻ như con chim nhỏ, cô nhìn Trường một cách tự đắc, như để khoe với anh những món ăn ngon chính tay cô đã làm ra.
Trinh đưa mắt nhìn về phía Trường, rồi hỏi chị:
- Đợi anh Xuân về rồi mới ăn một thể chứ?
Dung nhìn bà Nhì và mẹ đáp:
- Thôi, mời mẹ và bà cứ ăn trước. Nhà con về sau ăn cũng được.
Mọi người ngồi quanh mâm. Ánh nắng buổi trưa lấp lánh ngoài khe cửa làm cho thời khắc thêm rực rỡ. Bà phán cầm đũa ân cần mời bà Nhì như ngày nào bà vẫn mời sau các buổi đi cân về. Sinh, con Dung và Mai ngồi quây quần lấy bà cụ. Mẹ Trường âu yếm xoa đầu Mai và gắp đồ ăn vào bát cho cháu bé. Bà nhìn khắp các con rồi đến con dâu thì ngừng lại, mắt dịu dàng. Đã lâu bà biết lòng chân thật và nết hiền hậu của Trinh và thấy nàng trẻ lại, thấy cháu kháu khỉnh đáng yêu; bà cũng đem lòng thương mến.
Ăn xong, hai bà vào buồng trong nói chuyện cũ. Trinh và Lan đùa với các trẻ trên bực cửa. Tiếng cười trong trẻo và ngây thơ của Lan át cả tiếng cười nói của Sinh và Mai. Ít khi trong nhà có quang cảnh vui vẻ thế.
Cạnh Trường, Dung ngồi im lặng, nét mặt vẫn đượm vẻ trang nghiêm. Suốt bữa cơm, Trường nhận thấy chị không vui, và nụ cười thỉnh thoảng ngập ngừng trên miệng Dung kín đáo và buồn rầu quá khiến chàng ái ngại. Trường trông đồng hồ rồi ngạc nhiên:
- Giờ mà anh Xuân chưa về hả chị?
Nhưng vừa hỏi xong, chàng hối hận. Dung trả lời, giọng khác hẳn đi, tuy vẫn cố giữ điềm đạm:
- Hôm nay trời nắng có lẽ anh ở luôn trong sở không về.
Trường khẽ thở dài. Trong cái vui của lòng chàng. Trường muốn cho anh chị cũng được sung sướng. Chàng hiểu những nỗi đau đớn mà Dung đã phải chịu vì thái độ lãnh đạm của Xuân. Tuy vậy, giờ nghĩ đến anh, Trường không thấy bực tức như trước nữa. Sự thay đổi của Xuân gần đây, chàng đã đoán biết những duyên cớ. Có lẽ Xuân cũng đã có những hành vi và ý nghĩ như chàng. Xuân, không có can đảm trở về với cuộc đời chàng có, với những vui và những buồn của sự sống hằng ngày.
- Chúng ta xin phép mẹ về thôi chứ, anh?
Trường quay người lại, cầm lấy tay vợ. Mai cũng chạy đến quấn quýt bên chân. Trường đặt tay lên đầu con, bảo Trinh:
- Em chào mẹ đi.
Và nói với Dung, tiếng chàng trở nên ngọt ngào và êm dịu vô cùng:
- Chiều mời chị với cháu lại đằng em nhớ.
Mấy hôm sau, hai vợ chồng cùng với bà Nhì trở về An Lâm. Trường và Trinh, lúc sửa soạn ra đi, sung sướng như hai đứa trẻ về thăm nhà. Vợ hỏi chồng:
- Em đố anh biết hồng nhà đã có hoa chưa nào? - Trường ra vẻ nghĩ ngợi hồi lâu, rồi cười đáp:
- Có nụ rồi, nhưng còn đợi em về mới nở.
Bà Nhì thật thà nói chen vào:
- Năm nay rét sớm, dễ thường chưa có hoa đâu. Lúc mẹ lên cây mới có mầm non thì phải.
Hai người đưa mắt nhìn nhau. Trinh cúi đầu cười, rồi ngồi xuống xỏ giầy cho con. Trường đứng yên nhìn nàng, lạ rằng sao bây giờ trong mỗi cử chỉ cửa Trinh chàng thấy có một ý ân cần và âu yếm đáng yêu. Trước kia... nhưng Trường vui vẻ, không nghĩ nữa. Chàng đi lại trong phòng miệng ca hát sẽ.
Lúc xe sắp chạy, Trường thấy một đôi vợ chồng với đứa con hấp tấp lên xe. Người thiếu phụ dắt con đến ngồi trước mặt chàng, trên ghế bên kia. Người chồng theo sau, săn sóc. Trường chú ý người đàn bà hãy còn trẻ, trông nét hơi quen; Trường ngờ ngợ hình như đã gặp ở đâu. Đột nhiên chàng nhớ ra: thiếu phụ kia chính là cô gái ngày trước ở bên cạnh nhà chàng. Tối hôm ấy chàng đã trông thấy cô đi ra cất dọn bàn ghế ở ngoài thềm. Bất giác chàng mỉm cười vì cái kỷ niệm xa xôi ấy. Bây giờ thiếu nữ đã có chồng con, đã sống cuộc đời của cô, có lẽ với những buồn, vui lẫn lộn... Bao nhiêu thời gian đã qua, từ hôm chàng thi đỗ trở về nhà, lòng mang đầy ước vọng, sung sướng và hăng hái. Cuộc đời lúc ấy mở ra trước mắt Trường hoa lệ và sang trọng. Nếu chàng cứ theo con đường ấy sẽ thế nào... Chàng lại sinh lòng tiếc chăng?
Trường đặt Mai lên ghế rồi ngồi sát bên vợ. Nhẹ nhàng chàng cầm lấy tay Trinh, chàng muốn nói với vợ những điều dịu dàng và thành thực, những lời mà chàng để hết cả thân yêu, Trinh nhìn lại chồng âu yếm, và cái hạnh phúc bây giờ Trường bỗng thấy quý giá vô ngần. Chàng tự kiêu đã xứng đáng với lòng yêu của vợ và thấy những nỗi băn khoăn, bực tức của chàng trước kia nhỏ mọn không đáng kể, Trường đã mong ước sự giầu sang vì không biết đến những cái phong phú trong lòng chàng, đã tìm danh vọng và địa vị vì chưa tự đầy đủ với tâm hồn.
Mai ngắt những ý nghĩ của Trường, hé miệng xinh xắn hỏi:
- Đã sắp đến nơi chưa hở cậu?
Tháng Chạp 1937.
NXB Đời Nay, 1939
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập