Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
Văn Hóa Ong Kiến
N
hư một đứa trẻ bị đánh đòn trở nên mất tự tin, hai cụm từ “Văn hóa phương Đông” và “Văn hóa phương Tây” rất dễ bị lạm dụng trở nên mất ý nghĩa.
Bên trái là một số bức minh họa của họa sĩ người Trung Quốc Yang Liu sáng tác (và của tác giả người Canada Joe Ruelle sáng tác lại và “hoa quả hóa” để tiết kiệm chi phí bản quyền). Cô ấy đang du học tại Đức, nhận thấy nhiều sự khác biệt giữa văn hóa mẹ đẻ và văn hóa nơi đang ở.
Cách nhìn nhận đơn giản nhất là coi “bên táo” là văn hóa phương Tây, “bên cam” là văn hóa phương Đông. Tây thẳng thắn, Đông vòng vo. Tây cá nhân, Đông cộng đồng. Tuy nhiên, có phải những bức minh họa bên táo thực sự đậm chất phương Tây không? Bên cam phương Đông? Hay cách nhìn đó lấn át sự thật?
Thế giới phương Tây gồm nhiều nền văn hóa đa dạng đến mức khó tìm ra điểm chung. Thế giới phương Đông càng đa dạng hơn, tìm ra điểm chung giữa các văn hóa từ Nhật đến Nepal là việc tham vọng đến điên cuồng.
Văn hóa của nước nào cũng có chút chất kiến, chút chất ong. Nếu “Văn hóa con ong nguyên chất” xếp hẳn vào bên trái thước đo của tôi (số một), và “Văn hóa con kiến nguyên chất” xếp hẳn vào bên phải (số mười) thì văn hóa Mỹ là số hai, văn hóa Việt Nam là số tám. Văn hóa Ý có nhiều khía cạnh khá “kiến”, văn hóa Nhật thì khá “ong” (số sáu và số bốn). Nga nghiêng một chút về bên kiến. Singapore nghiêng một chút về bên ong. Úc thì ong lắm, Thái thì rất kiến... ít nhất hiện giờ là như vậy. Nhưng không văn hóa nào đứng yên một chỗ. Xu hướng chính trong các nền văn hóa thế giới là chuyển từ kiến sang ong. Nên nhớ rằng, nhiều nền văn hóa ngày nay rất “ong” thì ngày trước đã “kiến” hơn nhiều. Cách đây mấy trăm năm, các gia đình người Anh luôn ăn chung, dùng chung một chiếc dao. Mối quan hệ phức tạp hơn nhiều.
Điều dẫn đến sự thay đổi là công nghệ. Nhờ sự phát triển của công nghệ - đặc biệt là cách mạng công nghiệp - các mối quan hệ thời xưa là bắt buộc (dựa vào nhau mà sống), thời nay là “tùy ý” (dựa vào nhau tùy thích). Công nghệ cho phép mọi người sống độc lập mà không chết đói.
Gần đấy, tôi thấy văn hóa Việt Nam đã “ong” đi một chút, cũng như các văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc, Ân Độ, Thái. Không phải tình cờ mà phim ong rất thành công ở thị trường kiến (và trường hợp ngược lại thì tương đối ít). Đơn giản, mùi ong hấp dẫn con kiến. Hỏi 100 học sinh Việt Nam: “Nếu có cơ hội đi du học ở bất cứ nơi nào thì em sẽ chọn đi đâu?” thì tôi nghĩ 80 em sẽ chọn một đất nước rất “ong”.
Tuy nhiên có điều mâu thuẫn là giới trẻ các nước “rất ong” đang dần dần quay trở lại với văn hóa con kiến, tìm cách sống cộng đồng hơn, hòa thuận hơn. Họ lấy cảm hứng từ Thái Lan, từ Ân Độ, từ Tây Tạng - và thỉnh thoảng từ một đất nước nhỏ có tên Việt Nam. Họ lý giải một cách sâu sắc, đồng thời cũng dễ thương: Đông đào dưới đất thì hơi mệt, hơi bí, nhưng một mình trên trời thì cô đơn không chịu nổi.