Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Leon Uris
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thế Uyên
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: zzz links
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3257 / 63
Cập nhật: 2016-02-20 18:08:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
uổi sáng ngày hôm sau Ari và Kitty rời Jérusalem trên con đường đi Galilée. Trước hết họ đi qua vùng thảm xanh của thung lũng Jezreel, một vùng xưa kia là đầm lầy nay đã thành vùng trù phú nhất Trung Đông nhờ ở các nỗ lực của phục quốc Do-thái. Rồi càng lại gần Nazareth, họ như trở lui lại mười chín thế kỷ. Trong một khung cảnh đồng ruộng điển hình Ả-rập, khô cằn và sỏi đá, đô thị Nazareth không thay đổi bao nhiêu kể từ ngày Chúa Ki-tô còn là thanh niên.
Họ dừng xe ở trung tâm thành phố, và Ari phải đẩy lui cuộc xung phong của cả một bầy trẻ con rách rưới. Một đứa hầu như bám chắc lấy cánh tay chàng.
- Thầy cần một người hướng dẫn, thầy hai...
- Không.
- Thầy hãy mua một kỷ vật cho cô hai nè. Tôi có thứ làm bằng gỗ lấy từ Thập tự giá ra, một mảnh vải liệm...
- Chú cút đi xéo lẹ cho tôi nhờ!
Hơi ngạc nhiên, Ari ném cho thằng nhỏ một đồng tiền.
- Giữ xe nghe. Xẩy ra cái gì tôi đập chú bể sọ đấy, hiểu chứ.
Nazareth như ngủ im dưới một đám mây đầy mùi hôi thối và ruồi nhặng. Trong các đường đầy rác rưởi, những kẻ ăn mày mù cầu khẩn lòng thương của những khách qua đường. Kitty nép sát vào Ari đang lôi nàng qua khu hàng tạp hóa để đến một địa điểm, theo truyền thuyết, nơi đây Đức Mẹ Maria đã đặt nhà bếp và Joseph đặt xưởng thợ mộc của họ.
Họ lại ra đi ngay. Kitty không giấu sự ngạc nhiên của mình.
- Chỗ gì mà ghê quá! Tồi tệ không thể ngờ nổi.
- Nhưng ít ra dân Ả-rập ở đây cũng không thù nghịch với chúng ta. Quả thật họ là những tín đồ Ki-tô giáo.
Kitty gằn giọng:
- Những thứ giáo dân cần mang tắm cho đỡ dơ.
Họ dừng lại một lần nữa ở Kaf Kanna, trước giáo đường mà Đấng Ki-tô đã thực hiện phép mầu đầu tiên bằng cách biến nước thành rượu vang. Thánh tích này nằm ở giữa một làng Ả-rập khung cảnh đẹp và chìm đắm trong một thứ thanh tĩnh ngoại thời gian.
Im lặng, Kitty cố gắng xác định những ấn tượng nàng đã tiếp nhận trong vài ngày gần đây. Chắc chắn là một quốc gia bé xíu rồi, nhưng mỗi phân đất đều gợi lại những kỷ niệm máu lửa và huy hoàng. Khi thì tính cách thần thánh của một địa điểm làm ta xúc động, khi thì lòng sùng kính biến thành kinh tởm. Các người Do-thái kêu than trong các giáo đường ở Mea Shearim, các ngọn lửa rực trời của xưởng lọc dầu bị tiêu hủy, các sabra kiêu hãnh của Tel-Aviv và các nông dân thung lũng Jezreel, tạo ra cả ngàn tương phản và nghịch cảnh.
Chiều xuống, khi chiếc Fiat vượt qua cổng Yad El để dừng lại trước một bungalow ẩn dưới những cây cối đầy hoa lá. Cửa nhà bật mở và Sarah Ben Canaan chạy về phía chiếc xe.
- Ari! Con tôi, con tôi!
Ari bế mẹ lên, hôn và đu đưa bà trong tay như một đứa trẻ.
- Đừng khóc, mẹ... Đừng khóc nữa, con đã về rồi mà...
Barak, hình dạng như một con gấu về già xuất hiện trên bực cửa, sải bước nhanh tiến tới để ôm cậu con trai của mình. Barak nhắc đi nhắc lại bằng một giọng trầm.
- Con khá lắm, khá lắm. Con có vẻ khỏe mạnh sung sức lắm, Ari!
Sarah phản đối:
- Tôi không đồng ý. Mình không thấy con nó mệt mỏi như vậy sao?
- Không đâu mẹ, con khỏe như voi. Con xin giới thiệu với bố mẹ một người bạn thân, Katherine Fremont, y tá trưởng mới của Gan Dafna.
Bà mẹ than:
- Con bao giờ cũng ngu hết. Đáng lẽ phải gọi điện thoại báo trước cho bố mẹ... Cô Fremont, xin mời cô vào. Cô hãy tắm một cái cho mát, thay đổi y phục cho dễ chịu trong khi tôi chuẩn bị cơm tối. Ông Barak! Mình đợi gì nữa mà không mang hành lý cho cô ấy vào.
Jordana Ben Canaan cho tập họp các thiếu nhi của tầu Exodus ở rạp hát ngoài trời. Mười chín tuổi, cao lớn, nàng vừa mảnh dẻ vừa khỏe mạnh, làn tóc hung buông thả xuống đôi vai của một thiếu nữ ham thể thao. Được Palmach giao phó cho việc huấn luyện quân sự cho các trẻ em dưới mười bốn tuổi, Jordana đã cho đặt chiếc ghế bố của nàng trong văn phòng mình. Nàng bắt đầu nói:
- Tên tôi là Jordana Ben Canaan. Tôi là thượng cấp, là người chỉ huy của các em. Trong những tuần lễ sắp tới, các em sẽ học quân sự sơ đẳng, nói cách khác nghĩa là sẽ học dọ thám, truyền tin, xử dụng và bảo trì vũ khí, chiến đấu bằng đoản côn. Chúng ta cũng làm nhiều cuộc di hành để tạo sự bền bỉ dai sức cho các em. Ở Palestine, các em không còn xấu hổ vì là người Do-thái nữa. Các em phải nỗ lực hết sức vì nước Israël của chúng ta rất cần tới các em. Ngày mai, trong cuộc di hành thứ nhất, tôi sẽ chỉ cho các em thấy bia của ngôi mộ Joseph Trumpledor, vị anh hùng của dân tộc chúng ta, ở Tel Hai. Trên bia của mộ này có khắc hàng chữ sau: "Chết cho tổ quốc là một điều tốt đẹp". Tôi muốn thêm vào đó lời như sau: "Tốt đẹp thay khi ta có được một tổ quốc để hy sinh thân ta".
Một lúc sau, khi nàng tiến vào khu hành chánh, có điện thoại gọi nàng.
- Jordana? Mẹ đây, Ari về rồi!
- Anh Ari? Con về ngay bây giờ.
Chạy một mạch ra tận chuồng ngựa, nàng nhẩy lên con ngựa bạch của ông bố và phóng như bay trên con đường về Yad El, làn tóc dài bay phất phới trước gió. Nàng quả là hiện thân cho cả một gương xấu đối với những người già cả Ả-rập của làng Abou Yesha khi nàng phi nước đại qua. Thật là xấu hổ cái cô gái cưỡi ngựa không yên và để hở đùi với chiếc quần cụt ngủn! Nhưng hiển nhiên người ta phải tha thứ rất nhiều điều cho con gái của Barak, em gái của Ari Ben Canaan.
Ari nắm lấy tay Kitty.
- Lại đây, tôi đưa cô đi một vòng quanh trại trước khi trời tối hẳn.
Sarah nói:
- Cố về đúng giờ cơm nhé. Mẹ đã điện thoại cho Jordana, chắc nó về ngay bây giờ.
Sau khi đi dạo trong khu vườn của Sarah, Ari và Kitty dừng lại ở hàng rào đơn sơ làm bằng gỗ cao chừng nửa thước. Một chân gác lên, Ari im lặng ngắm các cánh đồng. Làn bụi nước của các máy tưới làm mát đất, gió nhẹ buổi chiều tung mùi thơm của loài hoa hồng bà Sarah thích nhất trong các loại hoa. Kitty ngắm chăm chú và hơi ngạc nhiên về người thanh niên đứng cạnh mình. Lần đầu tiên kể từ khi quen biết chàng, Ari có vẻ tìm thấy bình an với chính mình và thế giới chung quanh. Vậy chàng cũng có thể tìm thấy hạnh phúc sao?
Ari nói:
- Tôi sợ rằng khung cảnh này không giống với Indiana bao nhiêu.
- Như thế này tôi cũng bằng lòng lắm rồi.
- Dĩ nhiên rồi. Các cánh đồng và vườn tược xứ cô đâu có phải tạo ra từ bùn lầy ở các đầm ao.
Chàng muốn nói nhiều hơn nữa, cắt nghĩa cho Kitty hiểu chàng mong ước biết bao được ở lại nhà, canh tác đất đai. Nhìn nàng, chàng thấy nàng đẹp, tươi vui. Chàng muốn ôm nàng trong tay, xiết nàng thật chặt vào lòng. Nhưng thứ kỷ luật thép chàng đã tự khép mình vào và một thứ rụt rè kỳ lạ đã ngăn cản chàng làm cử chỉ mà có lẽ nàng cũng đang chờ đợi. Chàng đột ngột nói:
- Chúng ta đi thăm chuồng gà vịt đi.
Sau khi ngắm nghía gà, vịt và ngỗng, hai người dừng lại trước một khu đất quây kín, trong đó một con heo nái to tướng đang điềm tĩnh chịu đựng cuộc xung phong bú mẹ của mười hai con heo con đang đói. Ari nói:
- Đây là những con ngựa rằn của chúng tôi.
- Vậy hả! Nếu tôi không có nhiều kinh nghiệm về loại ngựa rằn thì tôi thề với anh đây là đàn heo.
- Suỵt! Đừng nói lớn thế. Nếu một viên chức của Quỹ Lập nghiệp Do-thái nghe thấy... Chúng tôi không có quyền nuôi những con... những con ngựa rằn trên các đất đai của Quỹ đã bỏ tiền ra mua. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn cứ nuôi - sau khi đề phòng cẩn thận. Cũng vì thế ở Gan Dafna, trẻ con gọi chúng là chim bồ nông. Và trong một số kibboutz thực tế hết sức, họ gọi chúng là "thân hữu". Cô nhìn kia, chỗ góc cánh đồng ấy, cô sẽ trông thấy Gan Dafna. Phía trên ấy, trong các quả đồi đó.
- Những ngôi nhà trắng kia phải không?
- Không phải. Đó là Abou Yesha, một làng Ả-rập. Gan Dafna ở phía bên phải và cao hơn nhiều. Cô có trông thấy cây cối trên vùng cao kia không?
- Thật như tổ chim ưng ấy! Còn cái khối nhà lớn trên đỉnh đồi?
- Đồn Esther, một đồn biên giới của người Anh. Nhưng thôi lại đây, tôi muốn cho cô coi nhiều điều khác.
Đi dọc theo các cánh đồng, hai người đến một khu rừng nhỏ ven một con sông nước chảy xiết.
- Ở Hoa-kỳ, người da đen ca những bài spirituals rất hay ca tụng giòng sông này.
- Sông Jourdain phải không?
- Đúng.
Chàng tiến lại gần nàng và mắt hai người gặp nhau.
- Cô có tin là cô có thể yêu xứ này không? Cô có thể thương mến bố mẹ tôi không, Kitty?
Cổ họng khô lại, Kitty chỉ có thể gật đầu. Sau hết, cũng đã tới lúc Ari sắp ôm nàng vào lòng. Hai bàn tay chàng mạnh mẽ đã xiết chặt lấy hai vai nàng...
Một giọng con gái vang lên:
- Anh Ari, Ari!
Chàng buông nàng ra, quay vụt lại. Một người kỵ mã đang lao thẳng tới phía hai người, hình dạng nổi đen thẫm trên ráng chiều. Kitty chỉ đủ thì giờ để nhận ra một khuôn mặt táo bạo với mái tóc hung đỏ bao quanh. Kéo cương một cái mạnh, người nữ kỵ mã dừng con ngựa sùi bọt mép lại. Rồi giơ hai tay lên trời, hét lên một tiếng la vui mừng, nàng chồm vào Ari mạnh đến nỗi hai người té ngã lăn ra đất. Mềm dẻo và khỏe mạnh, Jordana ngồi lên người anh như cưỡi ngựa để hôn như mưa. Ari kêu lên:
- Thôi em, thôi đi em nào!
Nhưng chàng phải đè ngửa Jordana, dùng vai chặn xuống mới gỡ được ra khỏi vòng tay em gái. Đột nhiên Jordana, đang vùng vẫy, nhận thấy có Kitty. Ngay lập tức, mặt nàng nghiêm chỉnh lại. Mỉm cười ngượng nghịu, Ari đỡ em đứng dậy.
- Kitty, xin giới thiệu với cô cô em gái quỷ sứ của tôi. Chắc cô nàng đã tưởng nhầm tôi là David Ben Ami.
Kitty giơ tay ra bắt:
- Chào Jordana! Tôi có cảm tưởng là đã được biết cô rồi. Anh David đã nói rất nhiều về cô...
- Chị là Katherine Fremont phải không? Tôi, tôi cũng được nghe nói về chị.
Kitty ngạc nhiên khi thấy Jordana bắt tay mình lạnh nhạt rõ ràng. Jordana quay đi, tay dắt ngựa đi trước hai người về phía nhà. Sau một phút, nàng hỏi anh:
- Anh có gặp David không?
- Có chứ. Chú ấy nói với tôi là chiều nay sẽ điện thoại, và sẽ tới đây nghỉ cuối tuần, ngoại trừ khi em thích tới gặp chú ấy ở Jérusalem.
- Em không đi được đâu với lũ trẻ vừa mới tới trại.
Ari lấy tay hích Kitty một cái trước khi tiếp tục nói:
- Anh cũng gặp cả bác Avidan ở Tel-Aviv. Bác có nhắc... xem nào, bác nói sao nhỉ... À, nhớ rồi, bác nói là David được thuyên chuyển đến lữ đoàn Galilée ở Ein Or.
Jordana quay lại, mắt mở hết cỡ.
- Anh nói thật chứ? Anh không định trêu em đấy chứ?
- Đời nào!
- Em thù anh quá! Sao anh không nói ngay cho em biết?
- Anh làm sao đoán được chuyện đó lại quan trọng đến vậy nhỉ.
Nếu không có sự hiện diện của Kitty, chắc Jordana dám chồm lên Ari vật lộn lần nữa. Nàng đành chỉ giơ nắm đấm lên dọa anh, nói nhỏ:
- Em sung sướng ghê đi!
Bữa cơm quá hoàn toàn dù rằng Kitty phải cố gắng hết sức để khỏi làm thất vọng bà chủ nhà. Sau món tráng miệng, bà Sarah vội vã xếp ra vườn những bàn ghế để tiếp đón khách khứa sắp ào ào kéo đến.
Một giờ sau quả thực là đông quan khách. Hầu như toàn thể dân cư Yad El đều muốn đến để chúc mừng con trai của Barak và Sarah, và cũng để thỏa mãn lòng tò mò về cô gái Mỹ xinh đẹp. Hoàn toàn tự nhiên, ngoài ra còn tin cậy ở sự hiện diện của Ari, Kitty đã khôn khéo trả lời hàng trăm câu hỏi. Dần dần, nàng cũng ý thức được rằng cả sự khéo léo lẫn lòng tử tế tự nhiên của nàng cũng không sao thắng được ác cảm của Jordana. Kitty hầu như có thể đọc rõ tư tưởng của thiếu nữ Palestine này: "Cô là loại người nào mà dám tới đây chinh phục anh tôi?"
Rất khuya sau nửa đêm, khi những khách sau cùng đã chịu ra về, Barak và Ari mới có thể nói chuyện riêng với nhau. Trong đống chai lọ lộn xộn của tủ rượu, Barak tìm ra được một chai rượu cognac chưa cạn hết. Ly cầm tay, hai người ngồi thoải mái, bình thản. Barak nói trước:
- Nói cho bố về cô Fremont đi. Bố mẹ cũng như mọi người đều hết sức tò mò muốn hiểu rõ về cô ta.
- Rất tiếc sẽ làm bố thất vọng. Kitty đến Palestine chỉ vì nàng chú trọng tới một cô bé của tầu Exodus. Con tin rằng nàng có ý đinh nhận cô bé đó làm con nuôi. Chúng con có cảm tình với nhau...
- Không có gì hơn sao?
- Hoàn toàn không, bố.
- Bố ưa cô ta lắm, ưa nhiều lắm. Nhưng đáng tiếc là cô khác chúng ta. Nhưng một khi giữa cô ta và con chưa có gì... Thôi nói chuyện khác, bố muốn con xuống Abou Yesha nói chuyện với Taha.
- Con cũng định hỏi bố xem có chuyện gì rắc rối. Tối nay con ngạc nhiên khi không thấy Taha tới.
- Có rắc rối thật con ạ... như hầu hết mọi nơi khác trong cái xứ này. Từ hai mươi năm chúng ta sống hòa thuận với dân Abou Yesha. Ông già Kammal đã là bạn thân của bố cả nửa thế kỷ. Bây giờ hai bên lạnh nhạt với nhau. Chúng ta đã gọi dân làng đó bằng tên tục, chúng ta đã được họ tiếp đãi ở nhà họ, họ đã từng cắp sách đến trường học của chúng ta, và hai bên đã cùng nhau cử hành không biết bao nhiêu là đám cưới nữa. Đó là những bạn thân của chúng ta. Nếu có một sự hiểu lầm nào giữa hai bên, chúng ta phải cố dẹp bỏ bằng bất cứ giá nào.
- Con sẽ tới thăm Taha ngày mai, sau khi đưa cô Fremont tới Gan Dafna.
Một khoảnh khắc im lặng. Ari đứng dậy, lại gần tủ sách, lơ đãng vuốt ve những tác phẩm cổ điển Hy-bá-lai, Anh, Pháp, Đức, Nga. Sau một do dự chót, chàng quay lại đối diện với bố.
- Con đã gặp chú Akiba ở Jérusalem.
Barak cứng người lại, la con:
- Không được nhắc tới tên con người ấy ở dưới mái nhà này.
- Chú đã già đi nhiều lắm. Con e chú chỉ còn sống được vài năm nữa thôi. Chú xin bố hòa giải với chú để tưởng nhớ ông nội.
Barak kêu lên bằng một giọng run run.
- Bố không muốn nghe nói tới chuyện này nữa!
- Mười lăm năm im lặng, bố không thấy là đã quá đủ rồi sao?
Đứng vươn thân hình cao lớn dậy, Barak nhìn thẳng vào mắt con.
- Chú ấy đã xúi giục người Do-thái chống lại người Do-thái. Lúc này đây, các Macchabée của chú ấy đang làm dân làng Abou Yesha chống lại chúng ta. Cầu Thượng đế tha thứ cho chú ấy - còn bố, bố không bao giờ tha thứ hết. Không bao giờ...
- Con xin bố, hãy nghe con...
- Chúc con ngủ ngon, Ari.
Sáng ngày hôm sau, Kitty từ giã gia đình Ben Canaan để lên đường tới Gan Dafna bằng chiếc xe Fiat. Khi đi qua Abou Yesha, Ari dừng xe lại, nhờ một đứa bé báo cho Taha là chàng sẽ trở lại thăm trong một giờ nữa.
Họ càng tiến lên cao trong vùng đồi, Kitty càng thấy sốt ruột muốn gặp lại Karen và cũng cảm thấy lo ngại gia tăng về sự tiếp đón sắp dành cho nàng. Jordana Ben Canaan chỉ xử sự như một cô em gái ganh với người tình tương lai của anh mình, hay nàng là một thứ tiền phong của một loại người hoàn toàn thù nghịch với "người ngoài".
Ari nói:
- Tôi sẽ phải rời cô ngay lập tức.
- Chúng ta sẽ gặp lại nhau không anh?
- Gặp chứ, đôi khi. Cô có thành thực muốn chúng ta gặp lại nhau không Kitty?
- Có chứ anh.
- Trong trường hợp như vậy, tôi sẽ cố gắng trở lại.
Một khúc quanh sau cùng đưa họ lên tới bình nguyên nhỏ của Gan Dafna. Bác sĩ Lieberman, ban nhạc của trung tâm, tất cả nhân viên và năm mươi trẻ em Exodus đã tụ tập sẵn trước tượng của Dafna trên bãi cỏ chính của trại. Trước sự tiếp đón nồng nhiệt, tự nhiên này, các e ngại của Kitty tan biến hết. Được Karen ôm hôn và bị các trẻ em bao vây, nàng hầu như không còn ngoái đầu lại được để nhìn Ari ra đi.
Buổi lễ đón tiếp nhỏ chấm dứt, bác sĩ Lieberman và Karen đưa Kitty đến một căn nhà trắng xung quanh có nhiều hoa. Phòng chính là một phòng khách rộng cũng dùng làm phòng ngủ, đồ đạc giản dị nhưng mỹ thuật. Karen chạy ra cửa sổ để vén bức màn làm bằng voan Négev. Bên ngoài cửa sổ là thung lũng, quang cảnh tuyệt vời, dưới thấp sáu trăm thước. Phòng thứ hai được dùng làm nơi làm việc, bên kia hành lang là một căn bếp nhỏ và một phòng tắm. Đâu đâu cũng là hoa lá, cây kiểng. Kitty nở một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt nàng. Bác sĩ Lieberman nói:
- Thôi, thôi, thôi! - Ông giơ tay chỉ cửa ra cho Karen - Chốc nữa em sẽ gặp bà Fremont.
Ông chờ cho cô gái đã bước ra mới nói tiếp:
- Thế nào, bà bằng lòng về nơi ở chứ?
- Rất bằng lòng, bác sĩ.
Ông ngồi xuống một góc đi-văng.
- Khi những trẻ em của Exodus biết bà sắp đến, chúng liền chuẩn bị. Chính chúng đã sơn lại nhà, làm màn cửa. Chúng đã làm cả một cuộc bố ráp hoa và cây cảnh của chúng tôi, nghĩa là nói tóm tắt chúng đã vất vả lắm để có thể tiếp đón bà một cách long trọng.
Kitty nói nhỏ:
- Tôi cảm động lắm. Tôi không hiểu tại sao tôi lại được đối đãi tử tế quá như vậy.
- Trẻ con chúng có một bản năng chắc chắn để biết ai là bạn chúng. Bà có muốn tôi đưa bà đi một vòng quanh trung tâm không.
Hai người trở lại nhà hành chánh. Bác sĩ, thấp hơn Kitty một cái đầu, nóng nẩy vỗ túi tìm hộp quẹt để hút píp. Ông kể:
- Tôi từ Đức đến đây năm 1933. Tôi có cái may mắn là đã tiên đoán được rất sớm những gì sẽ xẩy ra tại Âu châu. Vợ tôi mất trước khi tôi đến đây. Cho tới 1940 tôi làm giáo sư văn học tại đại học đường Jérusalem. Rồi bà Harriet Salzman đã yêu cầu tôi giúp đỡ bà thành lập trung tâm thanh niên này. Ngày hôm nay tôi chỉ còn một ước vọng: được ở lại đây trong nhiều năm nữa. Bình nguyên này do vị cố mouktar của Abou Yesha tặng, một con người rộng rãi và thông minh. Nếu sự giao thiệp của chúng tôi với các dân làng này được dùng làm gương cho tất cả những người Do-thái và Ả-rập khác... Bà có một que diêm không?
- Rất tiếc tôi không mang theo.
- Không quan trọng! Dầu sao tôi cũng hút nhiều quá.
Họ ngừng lại ở bãi cỏ trung tâm từ đó nhìn xuống thung lũng Houleh đẹp nhất. Viên bác sĩ nói tiếp:
- Những đồng ruộng của chúng tôi ở phía dưới. Bà hãy nhìn bức tượng này: đó là Dafna, một thiếu nữ của Yad El chết trong khi phục vụ cho Haganah. Vị hôn thê của Ari Ben Canaan. Trung tâm của chúng ta mang tên nàng...
Đột nhiên Kitty cảm thấy đau đớn. Không còn nghi ngờ gì nữa: nàng đang ghen. Quyền lực của Dafna vẫn còn tồn tại công khai ở nơi đây, trong bức tượng đồng bất diệt này, mẫu người điển hình cho một Jordana Ben Canaan và nhiều thiếu nữ tiền khu khác mà nàng đã gặp tối hôm qua ở nhà Ari.
Viên bác sĩ đã nắm lấy tay nàng để dẫn đi xa hơn.
- Người Do-thái chúng tôi đã tạo ra một nền văn minh khác thường ở Palestine. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, sự phát triển của các dân tộc đều phát xuất từ các thành phố. Ở đây điều đó xẩy ra ngược hẳn lại. Nỗi tiếc nuối ngàn năm một xứ sở trước đã thuộc về chúng tôi lớn đến nỗi ngày nay sự phục sinh của chúng tôi lại bắt đầu từ nông thôn. Âm nhạc, văn chương, nghệ thuật tượng hình, các nhà trí thức và thậm chí đến cả các quân sĩ của chúng tôi nữa đều xuất phát từ các kibboutz và các moshav. Bà trông thấy dẫy nhà dành cho trẻ ở chứ?
- Vâng, tôi thấy.
- Bà để ý thấy tất cả các cửa sổ đều mở ra phía đồng dưới thung lũng. Như vậy cái nhìn đầu tiên và cuối cùng mỗi ngày của chúng đều hướng về đồng ruộng. Một nửa chương trình giáo dục của chúng tôi dành cho canh tác. Chưa chi nhiều nhóm do chúng tôi đào tạo đã thành lập được bốn kibboutz mới nữa rồi. Chúng tôi sản xuất tất cả thực phẩm chúng tôi cần, chúng tôi có đàn bò sữa, sân nuôi gà vịt và dệt được đa số lượng vải cần dùng nơi đây. Chúng tôi chế lấy đồ đạc và có các xưởng sửa chữa riêng cho các nông cụ cơ giới. Vậy mà tất cả đều là công trình của lũ trẻ. Chúng tự quản trị lấy và nói cho thật, nhiều quốc gia phải lấy chúng làm gương.
Khi họ đi tới đầu bãi cỏ rộng, Kitty để ý tới một địa đạo hình như chạy vòng quanh trung tâm. Viên bác sĩ thở dài:
- Than ôi, đúng đấy bà! Địa đạo này, những công sự bê-tông này đều xấu xí vô kể. Tôi cũng biết là các trẻ quá tôn thờ chủ nghĩa anh hùng quân đội. Tôi e rằng tình trạng này còn kéo dài cho tới khi chúng tôi giành được độc lập. Đến lúc đó hẳn chúng tôi sẽ có thể mang lại cho cuộc sống một căn bản xứng đáng hơn, nhân bản hơn là căn bản dựa trên sức mạnh vũ trang.
Ari đứng trong phòng tiếp khách của Taha, mouktar của Abou Yesha. Người thanh niên Ả-rập, bạn từ thiếu thời của chàng, đang vừa nhấm nháp ăn một trái cây vừa nhìn khách đang bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Ari nói:
- Chúng ta hãy để những lời đạo đức giả và các lời quả quyết nọ kia cho các nhà ngoại giao của chúng ta đang họp ở Luân-đôn. Giữa anh và tôi, tôi nghĩ là chúng ta có thể nói thẳng với nhau không ngoắt ngoéo gì hết.
Taha cãi:
- Tôi làm sao cắt nghĩa cho anh được những gì đã xẩy ra? Nhiều áp lực mạnh ghê gớm đã bắt tôi... tôi đã chống cự lại...
- Chống cự? Anh quên anh đang nói với bạn anh, Ari Ben Canaan sao?
- Tôi không có quên, nhưng chỉ vì... thời thế đã thay đổi...
- Sao mà nhanh thế được. Sự hòa hợp giữa các dân ở Abou Yesha và Yad El đã sống thoát được hai đợt khủng bố. Còn chính anh, anh đã cắp sách đến học trường của Yad El, anh đã sống trong nhà của bố tôi, dưới sự che chở bảo vệ của người.
- Đúng. Tôi đã sống sót được là nhờ lòng tốt của các anh. Bây giờ các anh cũng đòi hỏi dân tôi chấp nhận cùng thứ sinh tồn kiểu ấy. Thế mà các anh đang vũ trang. Chúng tôi cũng có quyền làm như vậy chứ? Chúng tôi đã tin cậy các anh khi các anh mới có súng. Bây giờ chỉ vì đến lượt chúng tôi cũng có súng, các anh lại khước từ không tin chúng tôi sao?
- Chỉ có anh nghĩ thế đấy chứ!
Thanh niên Ả-rập nhún vai chịu đựng.
- Tôi hy vọng sẽ không bao giờ có cái ngày chúng ta, anh và tôi, hai đứa chúng ta phải đối diện nhau với vũ khí cầm tay. Nhưng anh phải ý thức rằng, đối với tất cả chúng ta, thời kỳ thụ động đã qua mất rồi.
Bực tức, Ari đến đứng trước mặt bạn.
- Quả thực tôi không còn nhận ra anh nữa đấy, Taha. Tôi muốn tránh nhắc lại với anh một số bằng chứng, nhưng tôi có cảm tưởng là tôi đã lầm. Mặc kệ anh và lòng kiêu hãnh của anh. Những ngôi nhà bằng đá thay thế cho những nhà ổ chuột của làng anh trước kia, ai đã vẽ kiểu và xây cất lên? Chúng tôi. Ai đã cho phép con trẻ của các anh được học đọc học viết? Chúng tôi. Chính cũng nhờ chúng tôi các anh mới có hệ thống cống rãnh tối tân. Cũng vẫn nhờ chúng tôi mà trẻ em của các anh mới không chết trước khi lên tám lên chín. Chúng tôi đã dậy các anh cách gia tăng canh tác, đã mang lại cho các anh một đời sống dễ chịu tối thiểu. Chúng tôi đã mang lại cho các anh những gì mà các effendi của các anh chưa chắc đã chịu ban ra trong cả ngàn năm nữa. Thân phụ anh đã hiểu thế, và ông đã khá khoan dung để chấp nhận rằng chẳng có ai khinh ghét và bóc lột người Ả-rập. Và ông đã chết vì tin tưởng rằng sự giải thoát của các anh là ở nơi sự hợp tác với chúng tôi, những người Do-thái.
Taha đứng dậy.
- Tất cả những điều đó, tôi công nhận là đúng. Nhưng anh có thể bảo đảm rằng đêm nay các Macchabée không tàn sát chúng tôi không?
- Anh biết thừa rằng tôi không thể mang lại một bảo đảm loại này cả. Nhưng anh cũng biết là các Macchabée cũng chiến đấu cho chính nghĩa của chúng tôi, anh thừa biết các ý định thật sự của mufti rồi đó.
- Dẫu sao, dù dưới bất cứ trường hợp nào, tôi cũng không bao giờ tấn công Yad El. Tôi hứa danh dự như vậy, Ari.
Sau khi bạn về khá lâu, Taha còn đứng im lặng giữa phòng. Mỗi ngày, thiên hạ càng gây áp lực mạnh hơn đối với chàng và ngay trong làng nữa, nhiều em thật khó cưỡng nổi tiếng nói đe dọa đã cất lên đòi hỏi chàng, với tư cách làm người Ả-rập và Hồi giáo, chàng phải chọn lựa. Biết làm gì bây giờ? Đứng lên chống lại Barak Ben Canaan, người đã tiếp đón nuôi dưỡng chàng trong lúc lâm nguy tới tính mạng; chống lại Ari, người chàng coi thân hơn cả anh ruột nữa? Không thể tưởng tượng được!
Dầu vậy... Chàng quả thực là một người em của Ari không, hay chỉ là một thứ bà con nghèo? Câu hỏi này, Taha đặt đi đặt lại mỗi ngày, và mỗi ngày qua, chàng càng cảm thấy rõ câu trả lời là thế nào. Chàng chỉ là em ngoài miệng của Ari mà thôi.
Cái thứ bình đẳng người Do-thái thường rao giảng ấy, trên thực tế ra sao? Liệu chàng có thể, chàng, một người Ả-rập thú nhận chàng yêu Jordana từ nhiều năm rồi - trong im lặng, một thứ im lặng làm chàng đau đớn đến muốn hét lên. Gia đình Ben Canaan liệu có chịu nhận người Ả-rập Taha làm con rể không? Các đoàn viên của moshav liệu có đến dự đám cưới của chàng không? Cái gì sẽ xẩy ra nếu chàng tìm đến Jordana xin cưới nàng làm vợ? Chắc chắn là nàng sẽ nhổ vào mặt chàng rồi, chắc chắn thế.
Chàng không thể chống lại Ari, chàng lại càng không thể thú nhận tình yêu của chàng đối với Jordana. Chàng không thể chiến đấu chống lại bạn bè Ả-rập, chàng lại càng không thể chống lại những kẻ tuyên bố rằng Do-thái là kẻ thù của Ả-rập, và chàng, xã trưởng của một làng Ả-rập, chàng phải ủng hộ các đồng bào của mình. Và chàng phải làm như vậy dù tiếng nói của lương tâm chàng có như thế nào chăng nữa.
Về Miền Đất Hứa Về Miền Đất Hứa - Leon Uris Về Miền Đất Hứa