Chỉ có một thành công mà thôi, đó là sống cuộc sống của mình theo cách của chính mình.

Christopher Morley

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 50: Thành Sự… Tại Thiên…!
ất trời ơi! Người hại con rồi! Hành động của tôi không còn theo sự chỉ huy của cái đầu nữa. Phản xạ như một cái máy, tôi hất chiếc xe đạp ra giữa đường, ba chân bốn cẳng, tôi mở tối đa tốc lực chạy theo đường phố Hỏa Lò, ra phía phố Hàng Bông Ruộm, bên tai vẫn còn nghe tiếng gào ré của tên Lê:
- Tù trốn, báo động ngay!
Tiếp theo, “Đoàng, đoàng, đoàng!”, ba phát súng rít vang lên trong buổi chiều Thu phố vắng.
Tiếng huỳnh huỵch và tiếng hò hét ầm ầm phía sau tôi. Tôi chạy ra gần tới đầu đường. Lúc đó, tự dưng mắt tôi hoa lên, có lẽ vì đói lâu ngày, không đủ sức. Thấy phản ứng của cơ thể mình như vậy, thần kinh tôi càng căng thẳng cùng độ. Tôi tự hiểu, hỏng rồi, tan tành rồi! Tôi đã cố gắng và nỗ lực hết sức mình; nhưng, trời không giúp tôi, vậy, xin lấy cái chết để trang trải hết món nợ…..quê hương.
Ngay lúc ấy, từ một chòi gác ở một góc Hỏa Lò, phía trước mặt, nhiều phát súng nổ xuống mặt đường, chặn lối tôi. Tiếng đạn đi víu víu như xé không khí. Có những viên đạn cày xuống đường tóe tia lửa ra. Tôi vẫn lao đi! Thực sự, lúc này chính tôi muốn tìm những viên đạn.
Giữa lúc đó, hai tên cảnh sát, có lẽ đang đứng gác ở ngã tư đầu phố, chạy rượt tới chận đầu tôi. Một số xe cộ ngoài phố sá ngừng lại, vừa xe đạp, vừa ô tô nên súng không bắn nữa. Nhưng, tôi đã lọt vào giữa vòng người với nhiều màu áo vàng, nhiều súng dài, súng ngắn. Chỉ một lúc, tôi ngã đổ kềnh ra đường vì kiệt sức và vì một cú đá vào cẳng chân từ phía sau. Thế là xong! Đời tôi cũng đành tàn lụi theo…..vận nước.
Khi hai thằng bẻ giặt hai cánh tay tôi ra phía sau, khóa lại. Hai cái tát chắc nịch như vồ nện vào mặt tôi. Hai tai tôi o o, ù ù, chẳng còn nghe tiếng chửi bới, sỉ vả gì tôi cả. Hai tên công an lực lưỡng, mỗi tên một bên xách tay tôi, giong về cổng Hỏa Lò.
Người tôi như chết rồi! Chung quanh chỉ còn có cảm giác thấy loáng thoáng, lố nhố đầy người, ồn ào trên đường phố Hỏa Lò. Phải rồi, bây giờ cũng là lúc tan tầm, nên cán bộ Hỏa Lò kéo ra. Sau này tôi hiểu, chính nhờ lúc đó là giờ tan tầm nên tôi gặp may, nếu không tôi đã bị những trận đòn thù “hội chợ”, có khi phải mang nhiều di ách về sau. Nhưng, khi chúng giong tôi vào đến bên trong cổng Hỏa Lò, có lẽ cũng là lúc tên Đỗ Đình Hạ đã tỉnh, hoặc được cứu tỉnh. Sự việc đã bể tung nguyên nhân, cho nên, bất ngờ một tên công an vũ trang cầm khẩu CKC đâm mạnh mũi súng vào mắt tôi, mồm quát:
- Đâm cho mày mù mắt đây này!
Tôi chỉ nghe “sột” một cái, máu chảy tóe xuống mũi, xuống mồm, tôi chỉ thấy mờ mờ mầu đỏ ối. Lại một cú “rắc” nữa! Tôi nẩy người lên, rồi nằm vật xuống sân, dưới giàn nho. Hai cánh tay tôi đau nhói như bị gẫy, vì đang bị khóa giặt về phía sau. Tôi không còn kêu được nữa, miệng tôi cứng ra, tai chỉ còn nghe loáng thoáng quát:
- Không được đánh chết! Hãy đem nó vào trong phòng!
Mắt tôi bỗng tối sầm lại, tôi không thấy gì, và cũng không còn biết gì nữa…..
Tôi thấy như có ai đang kéo đầu, kéo từng sợi tóc của tôi, tôi mở mắt ra. Lạnh run, quần áo và người tôi ướt đẫm những nước. Lờ mờ trước mặt, một ông già, quần áo py-da-ma mầu xanh nhạt, đeo kính trắng, đang ra hiệu tay cho một tên công an còn trẻ, tay đang cầm một cái thùng tôn đầy nước. Tôi cố định thần nhìn kỹ. À, tên Võ, Chánh giám thị Hỏa Lò. Lại có tên Thành và tên Đức chấp pháp nữa. Vẫn đầy người chung quanh tôi, ồn ào, huyên náo. Một tên công an vũ trang, tay vẫn lăm lăm khẩu súng dài. Mặt nó đỏ, mắt nó long lên sòng sọc, đòi đập vào đầu tôi nữa.
Giọng miền Nam của tên Võ rít lên, nghe như tiếng kèn đồng thổi nốt cao:
- Tôi cấm đồng chí không được đánh nó nữa! Để chúng tôi giải quyết!…..
Trong khi đó, tên Thành chấp pháp đang đẩy tên công an vũ trang này ra ngoài. Tên công an vũ trang đó còn cố ngoái lại nhìn tôi bằng đôi mắt nảy lửa. Tôi chợt thấy, y giống hệt tên Đỗ Đình Hạ, nhưng trẻ hơn nhiều; nhất là cái mũi khoằm khoằm, và cái môi trên vều ra, nhòn nhọn như mõm con chuột nhắt. Giống Đỗ Đình Hạ như đúc!
Không biết tên này có liên hệ gì với tên Hạ không, mà hung hãn thế? Thì ra, lúc nãy nó bất ngờ đâm tôi một mũi súng. Chủ ý của nó, là định đâm mù mắt tôi. Nhưng, chẳng hiểu vì tôi nhúc nhích cái đầu, hay vì y không đâm trúng đích, mũi súng lại đâm vào giữa hai mắt của tôi, phía trên sống mũi. Máu chảy rất nhiều, và tôi bị ngất đi cũng vì vết thương này. Còn mũi súng thứ hai, y đã đâm trúng vào mồm tôi, làm gẫy 3 cái răng cửa hàm dưới. Một chiếc răng rơi ngay vào mồm, tôi phì ra đất, còn hai chiếc cụp hẳn vào trong, nhưng vẫn còn dính, chưa rơi ra. Tôi cố gắng dùng lưỡi, đẩy hai cái răng lên, nhưng buốt không chịu được. Mồm tôi phì ra đầy máu! Cái môi dưới của tôi rách toác, bây giờ sưng vều lên, tôi không nói được nữa. Hai cánh tay tôi, bị khóa giặt ra sau lưng đau buốt, không biết có gẫy hay không, khi tôi bị đâm mũi súng vào mồm ngã xuống.
Lúc này, tôi đã thấy cả tên Trì và tên Lệ, hai Phó Giám Thị, và rất nhiều tên cán bộ Hỏa Lò đến nhìn tôi một cái rồi đi. Chúng cũng chẳng tỏ thái độ căm thù hay thương hại. Nét mặt của chúng, nói chung, nhìn tôi rất lạnh lùng, như một câu chuyện của cuộc đời, không có gì liên quan đến nồi cơm của chúng. Đột nhiên, giọng tên Võ lại nổi lên:
- Đồng chí Trì, ra lệnh đưa nó vào buồng lập biên bản! Nhớ, không ai được đánh nó nữa! Gọi đồng chí Huệ, xem chữa vết thương của nó. Rồi cho vào “cát xô” đợi lệnh!
Nói rồi, y quầy quả đi vào phía trong. Hai tên công an kéo lê tôi về phía phải, nơi có những dẫy phòng hỏi cung tôi mọi khi. Vào trong phòng, chúng đặt tôi ngồi dựa vào tường rồi cởi khóa. Hai tay tôi như xuội ra! Cánh tay phải của tôi không gẫy, nhưng có lẽ bị sai khớp xương, sưng to lên, rất buốt. Ngoài hai mũi súng, cơ thể tôi cũng bị chúng nó đánh nhiều đòn, ngực và bụng tôi đau ê ẩm ở bên trong, tôi thấy rất khó thở.
Trong khi chúng hí hoáy ghi biên bản, tên Huệ y tá mang khay thuốc vào. Y để tôi nằm ngửa xuống nền nhà, lấy bông rửa vết thương trên chỗ sống mũi, giữa hai con mắt của tôi. Xong, y mở một chai nước gì màu xanh xanh, nói nhỏ nhẹ:
- Anh hãy nhắm mắt lại!
Tôi nhắm mắt lại, rồi cảm thấy một giòng nước re re chảy vào óc, mũi cay xè. Tôi thấy mơ hồ, rồi mê man đi.
Khi tỉnh lại, tôi cứ tưởng là đã vào “cát xô” rồi, nhưng không phải, tôi đang nằm trên một chiếc giường con, và tôi hiểu là chúng đã đưa tôi vào bệnh xá. Bất giác tôi đưa tay sờ lên mặt, băng vải quấn kín cả một bên mắt của tôi. Trong mồm, lưỡi tôi đẩy đưa bây giờ thấy trống trải. Một lỗ hổng lớn! Như vậy, y tá đã nhổ hai cái răng gảy gập vào của tôi, lúc nào tôi cũng không hay. Mồm tôi cũng bị băng kín, chỉ còn hai lỗ mũi, vướng vít những vải băng nên thở kêu cứ phì phì. Người tôi đau ê ẩm. Bốn bề im ắng, có lẽ đã là đêm khuya.
Tôi thấy bụng kêu ò ọ, cồn cào. Tôi chợt nghĩ, bây giờ mồm miệng băng kín thế này ăn làm sao đây? Cánh tay phải của tôi cắn buốt vô cùng. Tôi dùng tay trái sờ chỗ khuỷu tay phải: sưng to, căng cứng, có quấn băng bằng vải màn, mùi dầu nóng hăng lên. Tôi đau đến nỗi không giở mình nổi nữa. Mệt quá, tôi lại lịm đi…..
Một lúc sau, tôi lại tỉnh. Căn phòng nhỏ vẫn đóng kín, im ắng. Thỉnh thoảng có một vài tiếng khúng khắng ho phía bên ngoài. Đầu óc tôi vẩn vơ nghĩ lại những sự việc vừa qua.
Nếu tôi ra cổng chậm năm phút, hoặc không vì chiếc mũ, tôi ra cổng sớm năm phút, tôi đã không gặp tên Lê và tên Điền. Lại là những chữ “Nếu” quái ác của cuộc đời. Đời tôi chưa gặp những chữ “Nếu” hiền lành, tốt đẹp; mà chỉ là những chữ “Nếu” hung thần đẩy đưa đời tôi vào chỗ bất hạnh hơn. Tôi càng nghĩ, mắt càng vương lên màu xám xậm. Vận nước! Cuộc đời! Thật đúng là mưu sự tại nhân, thành sự, hay bại sự, là do ông trời!
Một màu vàng úa đang lởn vởn giăng mắc quanh tôi, chợt một hình ảnh hiện ra, dẹp tan bức màn màu vàng trước mặt: Đỗ Đình Hạ. Hình ảnh một tên trần truồng nằm một đống dưới chân bàn, cứt đái nhì nhẹt tứ tung, mùi xú uế đầy ắp cả căn phòng. Cu cậu chắc tưởng từ dưới quê lên Hà Nội chuyến này về sẽ vớ bở, ai ngờ đâu! Tôi dám nghĩ rằng, tên Hạ sẽ nhớ suốt đời y. Cho tới già, y vẫn còn căm giận tên chó chết…là tôi.
Tôi cũng không ngờ hiệu quả cú đòn chém gáy địch thủ của mình lại mạnh như vậy. Đó là gân cốt từ lâu nay đã không được tập luyện, lại bị đói triền miên rã rời. Nếu bình thường, trọng lượng đòn còn ác độc hơn nữa với sức bật và đà của cả một vòng xoay. Không phải đơn giản mà võ sĩ Hà Châu đã đổ cả cây thịt xuống dài. Trong làng võ thuật Đông Dương, võ sĩ Vĩnh Tiên đã được đề cao là một quái kiệt về chịu đòn, mặt và hai cánh tay sần sùi, sau bao chục năm tập luyện bao cát, thế mà còn không chịu nổi cú đòn đó, huống chi người bình thường. Điều quan trọng là biết tính toán sao cho, cũng là một cái búa tạ quai xuống một cái đe, trọng lượng phải nằm ở đâu để cho quai búa mất ít sức, mà sức nện xuống lại chắc đanh, gọn và nặng tối đa.
Chúng nó đánh tôi thế này, tôi đâu có quyền trách chúng. Nếu không vì còn cần khai thác tôi, chúng nó đã đánh chết rồi. Thằng nhóc con công an vũ trang hung hãn đánh và đâm tôi, có khi nếu không phải là em ruột tên Hạ, cũng là con chú, con bác chứ không chơi đâu. Chúng nó giống nhau lắm. Thôi, các bạn thông cảm cho, vì đời nó thế. Trên cõi đời này còn nhiều chuyện oái ăm lắm. Tôi chợt nhớ đến một ý tưởng đã đọc được trong một tác phẩm nào đó:”…Những người chẳng hề quen biết nhau, nỗ lực xông vào bắn giết nhau, căm thù nhau, để cho những người quen biết nhau, nói chuyện với nhau trong những bàn tiệc; hoặc những buổi liên hoan…”. Tôi mệt và đau quá, lại thiếp dần đi.
Mãi tới khi tỉnh lại, trời đã sáng tỏ. Từ hôm qua đến nay, tôi chỉ nằm một thế ngửa. Nằm nghiêng thì vết thương ở tam tinh cứ chảy nước vàng và ra máu.
Tiếng lách cách mở khóa, rồi cửa buồng mở. Ông Huệ y tá mặc chiếc áo “blouse” trắng, mồm cũng đeo khẩu trang, đi vào. Tôi nhìn ông, hơi nhúc nhích đầu tỏ ý chào ông. Ông cúi sờ xem vết thương ở tam tinh, rồi ở mồm; cuối cùng mới xem cánh tay tôi. Tôi cứ đinh ninh thái độ của ông sẽ không ưa tôi, một người đã đánh cán bộ và trốn. Nhưng cử chỉ và cái nhìn của ông lại xem có cảm tình hơn cả lần tôi bị cùm hai chân hơn một tháng và phải xuống bệnh xá vì gần chết. Ông vừa sờ vết thương chỗ tam tinh của tôi, vừa nhẹ nhàng nói:
- Lẽ ra, hôm qua anh phải vào “cát xô”, chỉ 2, 3 ngày là không cứu được nữa. Cho nên, tôi nói là nếu muốn anh chết, hãy đưa vào “cát xô” lúc này, còn nếu chưa muốn anh chết, tôi đề nghị đưa xuống bệnh xá. Mãi sau mới được sự chấp nhận của đảng ủy.
Vừa nói, ông vừa liếc nhìn cánh cửa buồng. Qua thái độ này, tôi tự hiểu là những gì ông vừa nói với tôi, tôi không được nói với bất cứ cán bộ nào, vì không có lợi cho ông. Cũng có thể, năm trước, qua gần hai ngày ông đã thấy tôi là người có ý thức, không làm gì phiền rắc rối cho ông, cho nên lần này ông cho biết một vài ý mạnh bạo hơn. Tôi muốn nói với ông một vài lời biết ơn, nhưng mồm băng kín, không nói được. Ông cũng hiểu vậy, nên ra hiệu tay:
- Anh cứ nằm nghỉ đi, chốc nữa có cháo nóng, tôi sẽ vào!
Ông Huệ đã ra rồi, tôi vẫn còn vẩn vơ suy nghĩ về ông mãi. Tôi nhớ lại toàn bộ những hình ảnh từ ngày tôi gặp ông. Lúc đầu, ông tỏ ra một người rất nguyên tắc, ăn nói thường ngắn ngọn, đôi khi cộc lốc. Nhưng dần dà, năm này qua năm khác, thái độ của ông đối với tôi hình như có tình người hơn. Chính tôi cũng chưa có điều kiện để biết, thái độ của ông chỉ riêng đối với tôi, hay là đối với mọi người tù, ai ông cũng vậy.
Một lúc sau, cửa buồng lại lách cách mở, ông Huệ và một người tù hình sự bưng một bát cháo đi vào. Đến bên cạnh tôi, ông cúi xuống dùng kéo khẽ cắt ra mấy miếng bông vải ở mồm tôi, rồi lấy một cái ống cao su màu nâu đút vào miệng tôi, một đầu cho vào bát cháo:
- Anh cố gắng hút thử xem có được không?
Muốn hút, tôi phải bậm môi lại, nhưng môi của tôi bị rách, hãy còn sưng, loay hoay mãi, tôi vẫn không hút được. Tôi suy nghĩ, dù đau đớn cũng phải cắn răng mà ngậm miệng lại mà hút. Điều đó, vừa nói lên nghị lực chế ngự mạnh của mình, vừa giúp một cách tích cực, cho cơ thể chóng bình phục. Mặt khác, ai sẽ múc cháo đổ cho tôi đây? Ở đây có phải là bệnh viện đâu? Nghĩ như thế, tôi cố gắng đến nỗi nước mắt tôi dàn ra, vì sự co bóp của cơ miệng. Nhưng, cuối cùng tôi đã ngậm được. Hình như chính ông Huệ cũng đã thấy sự cố gắng của tôi, nên ánh mắt của ông nhìn tôi có niềm thông cảm. Mãi rồi tôi cũng húp hết bát nước cháo nêm muối.
Đến ngày hôm sau nữa, tôi đã thều thào nói được. Ông y tá vẫn một ngày ra vào hai, ba lần để chích thuốc cho tôi. Được 3 ngày, ông tháo băng mồm cho tôi, bôi thuốc đỏ và rắc thuốc trụ sinh vào chỗ môi rách. Cho mãi tới hôm ấy, tôi mới sực nhớ, bộ quần áo tôi lột của tên Hạ, đã bị cởi ra từ bao giờ. Tôi nhớ hôm tôi bị đánh, máu chảy đầy quần áo. Vậy mà chúng cũng lột lại, thay vào đấy, tôi được mặc một bộ đồ trại sòng sọc còn mới, với 4, 5 dấu triện đóng: “T.G.H.N.” mà tôi cứ nghĩ đùa là “THẾ GIỚI HỮU NGHỊ‘ thực ra là TRẠI GIAM HÀ NỘI…..
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen