Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Chương 11
C
hiều tối, trong nhà đã thắp đèn. Buổi chiều hơi lạnh, gió vi vút thổi trong khe lá cây như báo trước những ngày mưa gió lầm lội của mùa đông sắp tới. Bà Nhì khoác cái áo bông lên vai, bà đã nhiều tuổi nên rét sớm, và cứ mỗi mùa đông đến bà lại thấy rét hơn lên một chút. Bà ngồi trên giường, để Trinh sửa soạn bữa cơm chiều vì đã hơn bảy giờ tối.
- Năm nay trời rét lắm, con nhỉ?
Trinh nhìn mẹ:
- Thưa mẹ vâng.
Và như sực nghĩ sự gì, nàng hỏi:
- Năm nay mẹ có đi cân gạo nữa không?
Bà Nhì chép miệng trả lời:
- Con tính mua bán mấy năm nay thì ăn gì. Nhưng mẹ cũng phải đi cân chứ. Em Bích nó học trường trên bây giờ tốn kém lắm. Tiền mua sách vở giấy bút, nó xin luôn.
Trinh buồn rầu. Nàng thương mẹ đời đã về chiều vẫn còn phải vất vả.
- Em Bích dạo này có chịu học không mẹ? Mẹ phải bảo em nó cố học lên mới được, đã chậm mất một năm rồi.
- Không, độ rày hình như nó học cũng khá. Thầy giáo vẫn khen luôn.
Trinh vui mừng nghĩ đến em. Mẹ nàng lại nói:
- Nhưng giá nó được lên trẽn này ở gần cậu ấy rèn cặp cho thì chắc chóng tấn tới lắm.
Trinh không đáp, không dám nhận lời vì nàng chưa biết Trường có bằng lòng cho em nàng lên ở trên này không. Nàng nhìn đồng hồ, mong đợi.
- Đã gần tám giờ rồi. Thôi mời mẹ đi ăn cơm trước đi, nhà con không biết lúc nào mới về.
Hai mẹ con đang ngồi ăn, bỗng Trinh lắng tai nghe rồi buông đũa đứng dậy:
- Có lẽ nhà con đã về đấy.
Nàng chạy ra chỗ cầu thang, thì vừa gặp Trường mở cửa bước vào. Trinh lùi lại một bước trước mặt chồng, nép vào phía tường. Nàng hỏi:
- Sao anh về muộn thế?
Rồi nàng tiếp luôn, tiếng nói rất khẽ, gần như không nghe thấy:
- Mẹ lên chơi đấy anh ạ.
Trường không trả lời. Ngay bây giờ, Trinh nhận thấy nét mặt buồn rầu và mệt nhọc của Trường, nàng động lòng thương, với chiếc mũ trên tay chồng.
- Anh để em cất đi cho.
Bà Nhì cũng đã gác đũa đứng dậy. Bà nhìn Trường vồn vã:
- Cậu về ăn cơm. Tôi với em nó cũng vừa mới ngồi ăn thôi. - Và bảo Trinh:
- Con bảo nó lấy thêm bát đũa, đi.
Bà thân hành kéo chiếc ghế ra bảo Trường ngồi.
- Mẹ để mặc con.
- Sao cậu về muộn thế? Tôi cứ bảo đợi cậu về ăn một thể cho vui, nhưng em nó cứ cố nài ép tôi ăn trước.
Bà nói như để tạ lỗi. Trường thấy ái ngại và tự thẹn; chàng đã đối đãi không tốt với người đàn bà mà nụ cười hiền hậu đã bao lần an ủi chàng ngày còn nhỏ. Cái việc thần tiên lại xảy ra, Trường thấy một sự dịu ngọt không chừng ôm ấp tâm hồn như làn nước rất trong, và không ngăn được, giọng chàng tự nhiên trở nên kính mến và lễ phép:
- Vâng, mẹ cứ xơi cơm trước chứ đợi con thì biết đến bao giờ. Có khi đến khuya con mới được về.
Bà Nhì nhìn con rể, ân cần:
- Trong sở nhiều công việc lắm phải không? Trông cậu độ này xanh và gầy đi quá.
Lòng Trường thấy êm ả và dễ chịu. Chàng thấy thân yêu với bà Nhì hơn những lần trước và Trường cảm động, vì bà thực thà muốn vui lòng chàng. Chàng hối hận đã lãnh đạm với bà trong bấy nhiêu lâu.
Bữa cơm hôm ấy thật vui vẻ. Trường ăn rất ngon miệng và trả lời thân mật những câu hỏi săn sóc của bà Nhì. Trinh là người sung sướng nhất. Nàng không giữ được nỗi mừng lấp lánh hiện ra trong mắt. Đã lâu nay nàng không được thấy quang cảnh này. Trinh không muốn ăn cơm nữa, nàng chỉ dựng đũa nhìn hai người nói chuyện. Nàng tưởng vẫn là bữa cơm chiều trong gian nhà cổ ở An Lâm khi nàng và Trường mới gặp nhau. Thấy chồng đặt đũa, nàng khẩn khoản:
- Anh ăn thêm bát nữa. Độ này anh ăn thế chả trách người gầy đi được.
Nàng nhìn mẹ:
- Có phải dạo này nhà con yếu hơn trước phải không hở mẹ? Con đã khuyên uống thuốc, nhưng nhà con cứ nhất định không chịu uống.
- Cậu phải uống thuốc mới được. Không lỡ ra mỏi mệt quá thì khốn.
Trường cười đáp:
- Nhưng con có việc gì đâu? Vẫn mạnh khỏe như thường đấy chứ.
Chàng nắm chặt tay, vén áo để lộ cánh tay dưới đèn, rồi quay tay uốn những thớ thịt. Trường thấy khỏe mạnh thật, một nguồn sinh lực mới đang chạy trong mạch máu chàng. Chàng nhìn Trinh, và lần đầu thấy vợ gầy đi nhiều quá, nước da xanh nhợt và mắt có quầng thâm, tuy một chút hồng hào và vui mừng phơn phớt trên má. Trường thương hại:
- Có em phải uống thuốc thì có. Trông em yếu lắm.
Chàng để bàn tay mình lên bàn tay Trinh để trên ghế, sẽ nắm những ngón tay nàng, nhỏ bé và thon như bút măng. Chàng nhìn rõ vào mặt vợ. Trinh bỗng dưng e lệ, chớp những sợi lông mi dài rồi cúi xuống đất.
Hồi lâu nàng rút tay ra kêu:
- Chết chửa, không biết con tôi đã dậy chưa?
Nàng đi lại gần buồng, vắt cửa màn bước lên giường. Bà Nhì trông theo con, bảo Trường:
- Cháu nó ốm làm sao mà mãi chưa khỏi. Xem chừng nó mệt lắm.
Trường sửng sốt không biết trả lời thế nào. Chàng đã quên không nghĩ đến con ốm nữa.
Lo sợ, chàng đứng dậy đến bên giường thấy Trinh ngồi ẵm con trong cái chăn quuấn kín chân đứa bé. Mai đã tỉnh nhưng có vẻ mệt nhọc, nghiêng đầu dựa vào tay mẹ. Hai mắt mở to và long lanh như đang cơn sốt. Thấy Trường, Trinh nựng con:
- Mai, cậu đã về kia kìa.
Trường để tay lên trán đứa bé. Mai rụt cổ lại rồi ngửa đầu ra đằng sau, như khó chịu trong người lắm. Hai vợ chồng nhìn nhau, lo ngại. Trinh khẽ nói:
- Em nó mệt hôm nay là bảy hôm rồi đấy.
Trường đáp:
- Mai anh phải mời đốc tờ đến xem mới được.
Chàng ngồi xuống mép giường, buồn rầu. Mai ốm, mà chàng tự biết không thể làm gì cho con được. Và chàng nghĩ tới những ngày chàng không về tới nhà, cứ mặc Trinh một mình trông nom săn sóc đứa con. Trường hối hận vì lòng ích kỷ của chàng, chỉ băn khoăn đến cái sướng khổ của mình mà không nghĩ đến vợ. Trường cúi gần xuống nhìn con, lòng thấy rung động một tình thương sâu xa và thấm thía.
Trinh lặng lẽ trải đệm và sửa gối lại cho Mai. Nàng sẽ đặt con xuống, kéo chăn lên đắp cho đứa bé, rồi rón rén bước xuống đất, khép lại cẩn thận cửa màn. Nàng thì thầm bảo Trường:
- Khẽ để con ngủ, anh ạ.
Trường cũng rón rén đi lại ghế. Chàng ngồi xuống trước mặt bà Nhì, khoanh tay để trên mặt bàn nghĩ ngợi.
Bà Nhì yên lặng nhìn Trường qua đôi kính trắng, sắp muốn nói một chuyện gì nhưng còn lưỡng lự. Đôi mắt bà thong thả chớp, và một vẻ nhân từ tỏa ra trên nét mặt già nua của bà. Rồi một nét buồn thoáng qua khiến cho vẻ hiền từ của người mẹ già thêm đằm thắm và rộng rãi. Bà khẽ thở dài như chợt nghĩ đến những kỷ niệm đâu đâu trong cái dĩ vãng nhẫn nại và đau khổ hồi niên thiếu. Bà thôi nhìn Trường, đưa mắt theo Trinh đang đi lại dọn dẹp trong phòng. Trinh trông còn trẻ con, còn thơ dại quá. Thân hình mảnh dẻ của nàng cũng yếu ớt và nhỏ bé như bà khi còn trẻ, nhưng trước kia bà đã chịu đau thương biết bao nhiêu! Bà Nhì nghĩ đến người chồng xấu số ngày xưa, vì quên mình mà đã chịu tử hình. Bà còn nhớ con người mảnh khảnh như một cậu học trò, lúc nào cũng hòa nhã, dáng điệu khoan thai và thư thái. Hai người lấy nhau được hơn năm năm. Rồi sau cái ngày tàn ác ấy, bà tỉnh lại thấy mình trơ trọi ở đời với hai con còn trẻ thơ, họ hàng thân thích không ai trông nom đến. Từ độ ấy, bà nhẫn nại và yên phận sáng với một nghề nhỏ mọn để nuôi con. Gian nhà với mảnh vườn nhỏ ở An Lâm là cái di sản còn lại của chồng bà, nên tuy đã nhiều lần túng thiếu, mà bà không bao giờ chịu bán đi.
Bà cố xua đuổi những ý nghĩ buồn rầu ấy. Không biết tại sao chiều hôm nay, những hình ảnh xa xăm đã mờ trong ký vãng lại còn trở lại trong trí nhớ bà. Có lẽ những nỗi đau khổ của Trinh đã gợi đến những nỗi đau khổ của bà. Bà Nhì âu yếm nhìn con gái, như muốn trút hết cho con bao nhiêu tình thương mến.
Trinh thấy mẹ có vẻ không vui, nàng lại gần săn sóc:
- Hơn mười giờ rồi. Mời mẹ đi nghỉ không mệt.
Trường cũng nói thêm:
- Vâng, mẹ đi nghỉ thôi. Em sửa soạn giường chiếu đi.
Bà Nhì nhìn hai con, vui vẻ:
- Không, mẹ chưa buồn ngủ. Mới có mười giờ đã lấy gì làm khuya. Ở An Lâm, có khi mẹ còn thức hơn nữa. Với lại có hai mẹ còn vui cũng không muốn nghỉ.
Bà ngẫm nghĩ một lát, rồi nói tiếp, giọng nhẹ nhàng và êm dịu:
- Mẹ trông hai con vui vẻ, mẹ sung sướng lắm. Ước gì cứ được như thế mãi.
Trường cảm động:
- Từ rầy mẹ ở chơi trên này luôn với chúng con cho vui. Nhà con có mẹ ở chơi cũng đỡ buồn, mà cháu nó cũng thích.
Chàng quay lại nhìn vợ. Trinh đứng tựa lưng vào cái tủ, nửa người phía trên khuất ánh sáng đèn vì cái chao lụa che đi. Trong bóng tối hồng, nét mặt của nàng không rõ, nhưng Trường thấy mắt nàng long lanh và đôi môi hơi hé nở như sắp sẵn một nụ cười.
Trường cũng tự nhiên thấy sung sướng và thư thái. Những bóng tối buồn rầu đã tan đi không ám ảnh chàng nữa; một bình minh mới dâng lên chiếu sáng lòng chàng. Trường mới biết được một điều giản dị là: cái vui ở tự lòng mình, chứ không phải ở những sự vật bên ngoài. Không bao giờ như lúc này, chàng hiểu thấm thía ý nghĩa của cái chân lý ấy. Trường lấy làm lạ rằng đã bao nhiêu lâu chàng như người u mê, và cứ mơ màng đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu.
Những vật quanh mình, Trường nhận thấy bây giờ có một hình sắc khác, mà hình sắc ấy chỉ là phản ánh của lòng chàng. Trường thấy cái cảm giác ấm cúng của mối tình yêu mến, và ánh sáng hồng của ngọn đèn trước mặt như đem tỏa vẻ ấm cúng ấy ra khắp cả gian phòng. Một kỷ niệm vui bất giác phảng phất qua trí chàng, khiến Trường mỉm cười.
Trinh lại gần nhẹ nhàng đặt tay lên vai chồng, rồi ghé sát vào vai Trường thì thầm hỏi:
- Anh Trường, anh cười gì thế?
Trường không đáp, ngửa mặt trông lên vợ, lặng cười rõ rệt hơn. Chàng nhìn ngắm cái cằm xinh xắn của Trinh và vẻ tròn trĩnh của cổ nàng. Trên tấm áo, qua mấy sợi tóc thưa, cái cúc đỏ sáng lên như một ngôi sao lửa.
Bà Nhì khẽ quay mặt đi trước cảnh âu yếm của đôi vợ chồng. Một lát bà mới cất tiếng:
- Chủ nhật này hai con về An Lâm chơi với mẹ. Về mà xem vườn hồng, độ này em Bích săn sóc đến luôn trông đẹp lắm.
Trinh chắp hai tay vào nhau, sung sướng:
- Phải đấy. Về xem cây mộc bây giờ ra làm sao. Nếu có hoa, con sẽ ướp chè cho mẹ uống như độ trước ấy mẹ nhỉ. Anh Trường, thế nào anh cũng về nhé.
Trường mỉm cười, gật đầu, bà Nhì nói tiếp với chàng:
- Con Trinh ngày bé thích hoa mộc lắm đấy. Có bao nhiêu hoa là cô ta giắt lên mái tóc cả ngày làm trụi cả khóm mộc trong vườn. Nhiều lần tôi mắng mãi mà nó cũng không chừa.
- Bây giờ, con cũng vẫn thích hoa mộc, mẹ ạ. - Trinh nhìn bà Nhì cười đáp. Nàng vừa nghĩ đến buổi gặp Trường dưới cành cây mộc, sáng sớm hôm ấy.
- Lần này về, có bao nhiêu hoa, con hái tất cho mẹ xem.
Bà Nhì trả lời vui vẻ:
- Vâng, mời cô cứ hái, chỉ sợ chưa có hoa thôi.
Tiếng Mai bỗng nghe thấy ú ớ trong màn. Trinh bỏ chuyện, đi vào để dỗ con. Bà Nhì nhìn Trinh đi rồi quay lại khẽ lắc đầu bảo Trường:
- Vợ con còn trẻ con quá, chẳng biết làm gì cả.
Bà mỉm cười dịu dàng:
- Nó còn trẻ người non dạ, cứ động gặp đâu là nói đấy, chứ không suy nghĩ trước sau gì. Tôi đã dặn bảo nó nhiều lần lắm nhưng cậu cũng phải bảo ban nó thêm mới được. Và giá em nó có lầm lẫn điều gì không phải xin cậu cũng đừng chấp.
Trường cúi đầu chưa biết trả lời thế nào. Bà Nhì nói giọng thấp và ân cần hơn trước.
- Mẹ xem em nó không biết ăn ở, thành ra nhiều khi làm cho cậu không vừa lòng. Những cái đó khiến mẹ ân hận lắm...
- Nhưng thưa mẹ...
- Không, cậu đừng che chở cho em nó. Mẹ chỉ xin cậu bỏ qua những điều lầm lỗi của nó đi thôi. Vợ chồng hòa hợp với nhau là quý, cốt sao cho trong nhà lúc nào cũng vui vẻ. Ấy mẹ vẫn khuyên bảo em nó như thế luôn.
Bà khẽ thở dài: “Bây giờ mẹ đã già rồi, chỉ mong thấy các con hòa thuận là mẹ được vui mừng”.
Tiếng nấc khẽ đằng sau làm Trường quay lại. Trinh đã ra ngồi ghế từ lúc nào, đang cúi mặt xuống khóc. Hai vai nàng rung động, và vạt áo cầm trên vò nát trong tay. Trường thương mến, trong lòng hồi hộp. Chàng thưa với bà Nhì:
- Thưa mẹ dạy phải. Nhưng chỉ lỗi tại con, chứ nhà con có lỗi gì đâu.
Chàng đến bên cạnh Trinh, gỡ tay nàng ra và ngọt ngào:
- Làm sao em khóc, em? Thôi nín đi, không mẹ buồn.
Trường dìu vợ đứng dậy, đưa nàng ra ngoài hiên. Đột nhiên chàng có cảm giác hình như dỗ dành một cô bé ngây thơ đương có sự gì buồn bực, mà một lời nói dịu dàng đủ an ủi được. Chàng tự thấy mình cũng như trẻ lại, rút khăn tay khẽ lau nước mắt cho Trinh và dỗ:
- Em nín đi rồi đến chủ nhật này anh đưa em về quê thăm vườn nhà... Anh sẽ hái hoa mộc cho em ướp chè nhé.
Vạt áo buông rơi, đôi mắt Trinh hãy còn ngấn lệ. Một nụ cười sắp hé nở trên miệng nàng, nhưng Trinh e thẹn, vội quay nhìn đi phía khác:
- Anh để mặc em.
Nàng ngượng nghịu chùi nước mắt. Những giọt lệ còn để rớt lại trong lòng nàng một nỗi buồn nhè nhẹ, và cùng một lúc nàng thấy trong tâm hồn có cái gì sẽ vang lên như tiếng hát của con chim buổi sớm.
Nàng đặt tay lên vai Trường, ngả người vào gần chàng. Trường sẽ áp cái đầu nhỏ bé lên ngực chàng, để những sợi tóc rối vương vào ngón tay. Hai người đứng lặng lẽ rất lâu.