Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 47: Dân Chủ Đại Diện
B
ạn có bao giờ nhớ được những vị đại biểu mà mình đã bầu ra ở các cấp chính quyền là ai không? Câu trả lời không nói thẳng ra thì, có lẽ, cũng đã rõ với rất nhiều người, nếu như không muốn nói là với tất cả mọi người.
Như những cử tri, chúng ta ai cũng có đại biểu ở tất cả bốn cấp chính quyền: xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Thế nhưng khi gặp phải một vấn đề nào đó trong cuộc sống, bạn lại thường không biết phải kêu ai. Ví dụ, nếu con của bạn bị bắt buộc phải học thêm, học nếm đến mức mụ mẫm cả người, thì bạn phải kêu ai? Nếu lương bạn chưa kịp tăng, mà giá cả đã tăng nhanh hơn gấp bội, thì bạn phải kêu ai? Hay nếu đường phố của bạn chưa mưa đã biến thành sông, thành suối, thì bạn phải kêu ai? Người đầu tiên bạn phải kêu, tất nhiên, là vị đại biểu của mình. Bạn có bao giờ làm như vậy không? Nếu không, bạn bầu ra người đại diện cho mình để làm gì?
Dân chủ không nằm ở các quyền năng to lớn của các vị đại biểu, thậm chí cũng không nằm ở năng lực của các vị đại biểu thực thi các quyền năng của mình (mặc dù, năng lực này đang là một vấn đề của hệ thống cơ quan dân cử ở nước ta), mà nằm ở chế độ trách nhiệm của các vị đại biểu trước cử tri. Chế độ trách nhiệm này về cơ bản là rất khó xác lập nếu như chúng ta thậm chí không nhớ nổi đại biểu của mình là những ai. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Dưới đây là một vài nguyên nhân rất dễ nhận thấy.
Một là, nhận thức chính trị của cử tri không cao. Chúng ta nhiều khi đi bầu như một việc phải làm cho xong, chứ không phải đi bầu để chọn người đại diện cho mình. Mà như vậy thì bầu xong là xong. Thực ra, bầu xong thì mọi việc chỉ mới bắt đầu. Vấn đề là người đại biểu được bầu sẽ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của bạn thế nào. Mà như thế nào thì bạn phải theo dõi mới biết được. Bạn làm sao có thể theo dõi, nếu như thậm chí bạn không nhớ nổi đại biểu mà mình đã bầu là ai?!
Hai là, tính tích cực chính trị của cử tri cũng không cao ở mức cần thiết. Muốn biết đại biểu của mình hoạt động như thế nào thì bạn phải tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu, phải tìm hiểu xem đại biểu đó đã biểu quyết như thế nào ở trong Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân. Bạn có bao giờ làm như thế không?
Ba là, hệ thống thông tin về các đại biểu là không thật phát triển. Nhiều khi bạn cũng muốn tìm gặp đại biểu của mình để đề đạt nguyện vọng và trao đổi về những vấn đề mà bạn quan tâm. Thế nhưng, vị đại biểu đó có thể gặp được ở đâu? Vào thời gian nào? Địa chỉ ra làm sao? Số điện thoại, địa chỉ email như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bạn không biết tìm câu trả lời ở đâu cả.
Bốn là, các đại biểu không phải bao giờ cũng hiệu năng trong việc giải quyết các vấn đề của người dân. Bạn có thể đến gặp đại biểu của mình một vài lần để đề đạt nguyện vọng hoặc nhờ giúp đỡ, nhưng ngoài những lời động viên chung chung khó có vấn đề nào của bạn được giải quyết. Trong trường hợp như vậy, bạn có muốn việc gì cũng đến gặp đại biểu của mình không? Đó là chưa nói tới việc thiết kế hệ thống động lực như thế nào để khuyến khích các vị đại biểu làm tròn trách nhiệm đối với dân vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Cuối cùng, trong một nền dân chủ đại diện thì chức năng đại diện là quan trọng nhất. Muốn vận hành được chức năng này chúng ta phải hóa giải được những nguyên nhân nói trên.