A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 49
rong một phố cổ của thị trấn. Trước một cửa hàng tạp hóa ông già kê hai tấm ván cho cái quầy thư pháp của mình. Những câu đối lấy khước viết trên giấy sáp đỏ được treo lên. "Long phượng dẫn tường, hỉ khánh lâm môn", rồng phượng đưa phúc đến, hôn nhân gõ cửa nhà, "Gặp sự vui bên ngoài, tiền đẻ trên mặt đất", "Buôn bán sinh sôi trên bốn biển, Tài phú nhân bội ở ba sông". Đó là những câu đối cũ đã được thay bằng các lời trích dẫn và các khẩu hiệu cách mạng. Hai câu nữa là: "Khi gặp một người, một nụ cười đáng ba phần hạnh phúc", "Có việc vô tâm thì tự việc biến đi". Ta không biết ông già nghĩ ra nó hay là thừa hưởng từ tổ tiên. Ông già viết theo phong cách bay bướm: cốt cách chữ khá đạt, có thể nói là có chút đạo bùa của đạo sĩ.
Ông già khá cao tuổi, ngồi sau quầy, mặc áo vét kiểu cổ có hai vạt bắt chéo và đội một cái mũ lưỡi trai cũ của quân đội, màu đã bạc, nó đem lại cho ông già một dáng vẻ hài hài. Trên quầy của ông, ta thấy có bát quái dùng làm cái chặn giấy. Ta đến gần để bắt chuyện.
- Dạ, ông làm ăn được chứ?
- Được.
- Thế một đôi câu đối bao nhiêu tiền ạ?
- Có đằng hai nguyên, có đằng ba nguyên, tùy chữ nhiều ít.
- Chỉ một chữ "phúc" thì sao?
- Một nguyên.
- Mỗi một chữ?
- Đúng, nhưng tôi viết ngay trước mặt anh.
- Thế vẽ bùa giải hạn trừ tà?
- Cái thứ ấy, khó vẽ đấy, ông già ngẩng đầu lên về phía ta nói.
- Tại sao?
- Anh là cán bộ, tại sao không biết?
- Tôi không là cán bộ.
- Nhưng rõ là anh ăn ở cái nồi cơm của Nhà nước mà, ông già khẳng định dứt khoát.
- Ông ơi, ta vừa nói vừa đến gần, ông chẳng phải là đạo sĩ của Đạo giáo đấy sao?
- Tôi không làm từ lâu rồi.
- Tôi biết, nhưng tôi hỏi ông vẫn còn biết làm lễ Đạo giáo hay không.
- Dĩ nhiên vẫn, nhưng chính phủ cấm mê tín dị đoan mà.
- Ai bảo ông mê tín dị đoan? Tôi sưu tầm âm nhạc đệm cho các câu kinh, ông có thể hát lên cho tôi nghe được không? Hội các đạo sĩ ở núi Thanh Thành bây giờ đã bắt đầu chính thức hoạt động trở lại rồi, ông còn sợ cái gì nữa?
- Đấy là một tòa đại miếu, còn chúng tôi đây, những người đạo sĩ dân gian ở làng thì người ta không cho làm đâu.
Ta lại càng thấy quan tâm hơn:
- Chính là tôi tầm một đạo sĩ dân gian như ông đấy. Ông hát cho tôi một hai bài được không? Bài kinh tụng cho đám ma hay kinh tụng để xua tà đuổi quỷ.
Ông già hát hai câu rồi ngừng bặt ngay:
- Tùy tiện kinh động quỷ thần như thế này không tốt, trước hết phải thắp hương thỉnh cầu các vị.
Trong khi ông già hát, nhiều người kéo đến, rồi một người trong đám cất tiếng gọi ông, thế là nổ ra một trận cười:
- Này ông, hát cho chúng tôi bài gì nó hoa lá ấy!
- Tôi sẽ hát cho các vị một bài hát miền núi, - ông già bèn tuyên bố tựa như để tự cổ vũ chính mình.
- Hát đi, hát đi!
Ông thình lình cất lên một giọng hát rất cao:
Em gái trong núi hái chè,
Dưới đồng bằng chồng chưa cưới của em cắt cói,
Chim uyên ương của hai bên đã bay lên,
Em gái và chồng chưa cưới sắp hợp thành đôi.
Trong đám đông, người thì vỗ tay người thì khuyến khích ông:
- Hát bài tục ấy!
- Nào hát đi, ông già!
Ông già xua xua tay về phía đám đông:
- Không được, không được, nếu tôi hát thì đó là phạm nguyên tắc.
- Hát một bài thì phạm nguyên tắc lớn đến đâu?
- Đừng lo, ông ơi, hát đi!
Đám đông réo gọi to, phố nhỏ đen đặc người, xe đạp không đi qua được bóp chuông.
- Được nhớ, chính là các vị muốn thế đấy nhớ! - ông già bị đám đông thúc đẩy vừa nói vừa đứng lên.
- Hát bài con khỉ đội mũ bằng vỏ dưa mò vào buồng đàn bà ấy.
Mọi người vỗ tay hoan hô bài hát được chọn. Ông già lau lau miệng sắp sửa hát thì bỗng nói khẽ:
- Công an!
Mọi người quay lại. Không xa, một công an viên đi tuần, đầu đội mũ lưỡi trai vành trắng điểm dải băng đỏ.
- Công an thì có cái gì?
- Người ta vui chơi một tý có gì quan trọng?
- Công an không quản các chuyện loại này đâu!
- Nói gì mặc các vị nhưng đi đi, tôi còn làm ăn hay thôi đây - ông già nói xong lại ngồi xuống.
Khi người công an đi rồi, đám đông tiếc rẻ giải tán. Ta hỏi ông già:
- Ông ơi, liệu tôi có thể mời ông đến hát ở buồng tôi được không? Khi nào dọn quầy xong tôi sẽ đưa ông đi ăn ở nhà hàng và uống rượu với tôi, đồng ý không?
Đề nghị của ta đã lôi cuốn được ông già.
- Đồng ý, tôi dọn hàng. Tôi xếp quầy đây, chờ tôi cất các tấm ván đi đã.
- Nhưng tôi làm mất thì giờ của cụ rồi đấy, - ta nói như xin lỗi.
- Không sao, là bạn mà. Tôi chẳng nhờ vào đó để ăn đâu. Ra thành phố thì tiện thể bán vài chữ, để kiếm ít tiền vặt. Nếu tôi chỉ dựa vào giấy mực thì tôi chết đói lâu rồi.
Ta đi trước gọi thức ăn và rượu trong một quán ăn ở góc phố. Một lát sau, ông già gánh hai cái thúng đi đến.
Cả hai vừa ăn vừa trò chuyện. Ông già giải thích rằng năm lên mười, cha ông đã gửi ông đến đạo viện để giúp việc nhà bếp, theo đúng ý nguyện của ông nội lúc đang bị ốm truyền lại. Ông còn có thể đọc ngược không vấp quyển sách "Huyền môn nhật khóa" mà lão sư phụ vỡ lòng cho ông. Khi sư phụ ông chết, ông đã cai quản đạo viện và biết mọi lễ lạp nghi thức. Sau đó, trong cải cách ruộng đất, ông làm đạo sĩ, chính phủ ra lệnh ông trở về làng cày cấy. Khi ta hỏi ông về phong thủy, về ngũ lôi chỉ pháp, về bộ pháp tử vi, về thuận sờ nắn xương xem tướng mặt, ông đều biết cả. Ta mừng rỡ, nhưng quán ăn đầy những người nông dân đã làm ăn xong và kiếm được tiền uống rượu múa tay nói cười ầm ầm dễ sợ. Ta nói ta có một máy ghi âm trong xắc, tất cả những gì ông giải thích cho ta đều là những tư liệu quý hết. Ta muốn ông đến khách sạn ta trọ sau bữa ăn, ông sẽ tha hồ tụng kinh và hát. Ông lão lau mồm:
- Anh cầm lấy rượu mang về nhà tôi uống. Ở nhà tôi có áo đạo bào và các đồ phù phép cần thiết.
- Có cả dao tế của đạo sĩ đuổi tà mà nữa?
- Cái gì mà chẳng có.
- Có cả lệnh bài điều thần khiển tướng nữa chứ?
- Tôi có cả chiêng trống, tất cả những gì cần cho lễ bái. Tôi sẽ cho anh xem tất tần tật.
- Đồng ý! Ta nói và đạp tay xuống bàn, đứng lên theo ông già ra cửa.
- Nhà ông ở huyện lỵ ư?
- Không xa, không xa. Tôi đi gửi cái đòn gánh ở nhà ai đó đã, anh đi trước chờ tôi ở bến xe đường dài ấy.
Năm phút sau ông già rảo bước tới, giục ta leo lên một xe khách sắp lăn bánh. Ta lên xe không hề suy nghĩ. Xe chạy không nghỉ, ta nhìn qua cửa xe ánh nắng cuối cùng khuất sau rặng núi. Khi xe đến trạm chót, một thị trấn nhỏ, đã đi được ngót hai chục cây số. Xe lại chuyển bánh tức thì, đó là chuyến cuối cùng của ngày hôm nay.
Thị trấn thực ra chỉ là một con phố duy nhất dài năm chục mét là cùng. Ta không biết có một quán ăn nào ở đây không. Ông bảo ta chờ rồi vào một căn nhà. Ta nghĩ rằng nếu ta ở đây với con người nồng nhiệt này thì đó là cuộc gặp gỡ tiền định. Ông ở trong nhà đi ra, hai tay bưng lưng chậu đậu phụ, bảo ta đi theo.
Ra khỏi thị trấn, trên con đường đất, đêm bắt đầu xuống.
- Ông ở làng gần thị trấn?
- Không xa, không xa đâu, - ông già chỉ trả lời như vậy.
Chẳng mấy chốc không còn thấy nhà cửa nào và đêm thì dày đặc. Khắp nơi trong ruộng vang lên tiếng ếch nhái kêu oàm oạp. Ta hơi e ngại nhưng không dám hỏi. Đằng sau ta nổi lên tiếng nấc của một động cơ máy kéo cá nhân. Lập tức, người đồng hành của ta múa tay ra hiệu rồi chạy đuổi theo. Ta cũng bắt kịp ông già và nhảy vào cỗ moóc. Đi khoảng cả chục dặm nữa trên đường đất, cả hai cùng xóc tung lên như những hạt đậu trong chiếc moóc trống không. Trong đêm tối, lấp lóa như chột, ánh đèn pha vàng của một chiếc máy kéo cá nhân chiếu sáng con đường gồ ghề một vùng hai chục bước. Không một người đi bộ. Ông già liên hồi chuyện váng lên với người tài xế bằng thổ ngữ địa phương, tựa như đang cãi nhau, nhưng ta không sao nắm được một câu nào của họ vì tiếng máy nổ. Cứ cho là họ đang bàn việc thịt ta như thế nào thì ta cũng chỉ có thể nhờ trời mà thôi.
Cuối cùng đã đến kịch đường. Ở đấy sừng sững một ngôi nhà tối om: chủ cỗ xe kéo đã về đến nhà. Khi anh ta mở cửa, hai người chia nhau vài mẩu đậu phụ trong thau. Theo sau người dẫn đường, ta lần mò trên lối mòn lượn ngoằn ngoèo giữa các bờ ruộng.
- Còn xa không?
- Không xa, không xa đâu, - ông già nhắc lại.
May sao ông ta đi trước. Nếu ông ta đặt thau xuống trổ quyền cước kung fu với ta - vì ta biết tất cả các đạo sĩ già đều mê võ thuật - ta chỉ còn cách nhẩy ùm xuống ruộng mà lăn đi trong bùn. Bây giờ núi hắt bóng xuống các ruộng bậc thang, tiếng ếch nhái đã hiếm. Ta tìm cách nối lại chuyện. Ta hỏi về thu hoạch mùa rồi đến các khó khăn mà ông gặp phải. Ông nói con người ta không giàu được nếu như lệ thuộc hoàn toàn vào đất cát. Năm nay, ông đã chi ba nghìn nguyên để biến mấy mẫu ruộng thành ao. Ta hỏi ông có nuôi rùa không vì ở thành phố hiện giờ ăn rùa là cái mốt. Người ta bảo ăn rùa chống ung thư hơn nữa còn tráng dương. Rùa bán rất đắt. Ông nói ông đã thả cá bột nhưng rùa chén mất hết. Bây giờ ông có tiền thì gỗ vẫn cứ khó mua. Ông có sáu con trai, chỉ có thằng cả đã lấy vợ, những đứa khác chờ làm xong nhà mới ra ở riêng. Thấy yên tâm hơn, ta ngắm sao, hưởng cảnh đêm.
Trong bóng núi, phía trước mặt lấp lánh ánh lửa. đã về tới nơi.
- Tôi đã bảo là không xa mà.
Rõ là người nông thôn có khái niệm riêng của họ về khoảng cách.
Hơn mười giờ đêm, thế là ta đã đến một sơn thôn nho nhỏ. Ở cửa ra vào nhà, hương thắp ở chỗ những bức tượng gỗ hay đá ít nhiều sứt mẻ. Chắc họ đã thu nhặt chúng trong chùa miếu khi chùa miếu bị phá phách trong cuộc đấu tranh chống "Tứ cựu 1" cách đây hơn mười năm. Bây giờ, ông lão có thể công khai bày biện chúng và dán các đạo bùa cả lên rui kèo trên mái. Những đứa con trai ông đi ra, lớn nhất mười tám, nhỏ nhất mười một. Thằng cả không ở đây. Bà vợ ông bé tí teo, bà mẹ già của ông tám mươi tuổi nhưng vẫn hoạt bát lắm. Vợ ông và lũ con xúm xít ân cần ở bên ta, ta là thượng khách trong con mắt họ. Không những họ lấy nước cho ta lau mặt mà còn muốn cọ rửa chân ta và cho ta đi giầy vải của chủ nhà. Rồi họ pha trà cho ta.
Một lát sau, các người con trai ông mang chiêng, trống, não bạt đến, một cái chiêng bé và một cái chiêng to móc vào giá gỗ. Lập tức nhạc nổi lên, ông già thong thả, đường bệ từ trên gác bước xuống. Ông đã thay đổi hẳn cốt cách, mặc đạo bào, áo dài cũ màu tím của đạo sĩ, áo vá và có trang trí hình cá âm dương cùng những bát quái. Ông tự tay thắp hương, cúi rạp người xuống trước ô thờ chư thần. Người làng đủ lứa tuổi được chiêng trống đánh thức dậy đang chen nhau ở bậc cửa. Khung cảnh biến thành một buổi lễ náo nhiệt. Ông già đã không nói dối ta.
Đầu tiên hai tay ông nâng lên một bát nước trong, miệng lầm rầm rồi búng một cái rẩy nước ra bốn góc nhà. Khi nước bắn vào chân những người chen chúc ở cửa, một tiếng râm ran lớn lẫn với tiếng cười cất lên. Riêng ông già không biến sắc mặt, hai mắt lim dim, khóe mép trệ xuống, phô ra vẻ trân trọng của người đang giao tiếp với thần linh. Nhưng đám đông cười mỗi lúc một to. Thình lình ông vén tay áo dài đập mạnh vào một cái phách trên bàn, làm các tiếng cười nín bặt. Ông quay lại hỏi ta:
- Tôi có thể hát Bài hát của năm lên đường cái lớn, bài hát Cát hung Cửu tinh chín sao, Bài hát con cháu, Bài hát về biến dạng đổi hình, Bùa chú ứng nghiệm bốn hung tinh, Lời thỉnh phần danh tính pháp làm cửa phòng ông bà, Kinh chúc lễ thổ thần, Lời thỉnh gọi hồn Bắc Đẩu, anh muốn nghe những gì?
- Nào, hãy nghe lời thỉnh gọi hồn Bắc Đẩu trước đã.
- Cái này là để che chở cho trẻ con khỏi bệnh hoạn cùng tai họa. Các người đây muốn che chở cho đứa trẻ nào? Cho tôi tên nó cùng ngày sinh giờ sinh.
- Chúng ta cho thằng Cún đến đi, - có người đề nghị.
- Ứ, cháu ứ đâu.
Một đứa trai nhỏ ngồi trên bậc cửa đứng lên trốn vào đám đông. Mọi người lại rộ lên.
- Mày làm sao mà sợ, thằng kia? Ông lão làm cho mày để mày không còn đau ốm nữa mà, - một người đàn bà nói.
Đứa bé nấp trong đám đông không chịu ra vì bất cứ lí do gì ở trên đời này.
Phất phất ống tay áo, ông già giải thích cho ta:
- Tốt rồi, thông thường ta phải sửa một bát cơm, luộc một quả trứng gà đặt lên bát cơm rồi thắp hương cúng thỉnh. Đứa bé phải quỳ lạy trước ban thờ, người ta sẽ kêu xin chân quân tứ phương, Tử vi đại thế, Diên thọ tinh quân ở nam phương, cửu trấn giải ách tinh quân, nhị vị thủ hộ tôn thần bắc phương, cha mẹ đã quá cố của gia đình, con cháu Táo quân phủ thần để cho tất cả cùng giáng phúc cho đứa bé.
Vừa nói ông vừa vung cao dao lễ, nhẩy lên rồi bắt đầu hát váng:
- Hồn hỡi hồn ơi, hãy mau trở lạ! Phương Đông đứa trẻ mặc áo lam, phương Nam đứa trẻ mặc áo quần đỏ, phương Tây, đứa trẻ mặc áo quần trắng phù hộ cho mày, còn đứa trẻ ở phương Bắc mặc áo quần đen thì đi cùng với mày. Hỡi vong hồn, hỡi hồn đang đi xa xin đừng đi nữa, đường dài, về nhà không có dễ. Ta cầm một cây thước ngọc để đo đường phòng khi nhà ngươi đến phải vùng tăm tối. Nếu nhà ngươi sa phải lưới trời ta sẽ cắt đứt chúng bằng lưỡi kéo của ta. Nếu nhà ngươi đói khát, nếu nhà ngươi mệt mỏi, ta có cơm gạo cho nhà ngươi đây. Chớ nghe chim hót trong rừng, chớ nhìn cá dưới ao sâu, nếu người ta gọi nhà ngươi nghìn lần, ngươi chớ trả lời, hồn hỡi hồn ơi, mau về nhà ngay! Thần linh phù hộ che chở cho nhà ngươi, chớ có ngừng tu nhân tích đức! Từ nay hồn sẽ nguyên vẹn, phách sẽ chở che, giá lạnh gió máy không thể lọt vào, nước nôi, đất cát không phạm đến, trẻ con thì khỏe mạnh, người già thì cứng cáp, tất cả mệnh trường trăm tuổi!
Ông hoa hoa con dao lễ làm thành một vòng tròn to trên không. Phồng má, ông thổi mạnh vào cái tù và bằng sừng trâu rồi ông quay lại phía ta:
- Nếu tôi vẽ một đạo bùa nữa, ai đeo nó sẽ gặp toàn may mắn.
Ta không tài nào nhận được ra liệu ông lão có tin vào các phù phép của chính ông không, nhưng xem ra dẫu gì ông cũng hoa chân múa tay thật lòng và mang một vẻ mặt rất hài lòng. Hành lễ ngay tại nhà mình, được con cái khuyến khích, dân làng nể trọng và hơn nữa trước một người lạ, việc ấy chắc chắn là đưa ông đến cực điểm kích động.
Sau đó ông đọc hết chú này đến chú kia, ông gọi trời đất, nghĩa là các lời ông nói ra ngày một mơ hồ, động tác cử chỉ của ông ngày một điên loạn. Chung quanh ban thờ, ông trổ tài nghệ quyền thuật và kiếm thuật. Các con ông đệm theo sự biến hóa của ông bằng cách hòa nhịp chân và điệu hát của ông với những chiêng trống mà họ biểu diễn mỗi lúc một hăng. Nhất là người con út đánh trống: anh ta ngang nhiên xắn tay áo, nước da đen của anh ta ánh lên, vai nổi ụ. Ngoài cửa, người xem mỗi lúc một tụ tập đông hơn. Những người ở hàng đầu bị xô đẩy đến nỗi họ vượt qua cả ngưỡng cửa gian buồng, dồn những người ở trong lèn chặt vào góc. Một số người ngồi phệt ngay xuống đất. Sau mỗi bài hát, tất cả lại theo ta vỗ tay, hoan hô. Ông già ngày càng phởn phơ hơn. Ông phô diễn tất cả các chiêu võ ông biết, không chút sợ sệt, ông lần lượt gọi tên các quỷ thần ông sở hữu trong người, ở một trạng thái nửa say nửa cuồng. Ông chỉ ngừng lại thở khi ta đảo băng cát-xét của máy ghi âm. Trong gian buồng và ở bên ngoài, đám đông bị kích động đến cực điểm. Người ta cười, người ta gọi nhau, người ta tán chuyện. Những cuộc hội họp lớn của nông dân chắc cũng không náo nhiệt như thế này.
Vừa lau người bằng khăn tay, ông già vừa nói với đám con gái ở trước mặt:
- Hát đi, cả chúng mày nữa, hát cho giáo sư nghe.
Đám con gái cười khúc khích, nhao nhao lên rồi đẩy huých lẫn nhau trước khi cô thiếu nữ tên là Mao Muội ra khỏi đám. Duyên dáng, cô gái mới chỉ mười bốn mười lăm nhưng không có vẻ nhút nhát chút nào. Cô hỏi, hai con mắt to tròn chơm chớp:
- Hát bài gì?
- Một bài miền núi ấy.
- Tôi hát bài "Đám cưới của các chị!".
- "Hoa thơm bốn mùa" hơn.
Bên cửa, một bà trung niên bảo ta:
- Tốt hơn cả là nó hát "Các chị khác lấy chồng", bài ấy hay.
Cô gái nhìn ta, cúi người rồi quay mắt đi. Tiếng trong veo như pha lê của cô xuyên qua tiếng ồn ào của đám đông mà vút thẳng lên không. Cô gái lập tức đưa ta vào núi. Gió, những con suối trong vắt và sầm tối, những cực nhọc chảy trôi theo dòng nước vừa xa vời vừa rõ rệt. Ta tưởng tượng ra những bó đuốc của khách đi đường trong bóng tối của núi. Trước mắt ta bồng bềnh hình ảnh một ông già, bó đuốc thông cháy trong tay đang đưa một cô gái cùng tuổi với Mao Muội đây, rất gầy, trong bộ quần áo màu. Họ đi ngang qua trước cửa ông hương sư của một cái làng nho nhỏ. Ta dừng lại để nghỉ ngơi trong gian phòng này, ta không biết họ từ đâu đến, họ đi đến đâu, trước mặt họ, một quả núi đồ sộ với những cánh rừng sâu thẳm. Họ liếc nhìn ta mà không dừng chân rồi lọt vào rừng. Một tàn lửa rớt xuống trước cửa còn sáng lâu mãi. Khi ta quay mắt đi để tìm lại dấu vết của ngọn đuốc, ta thấy một ngọn lửa tí xíu nhảy nhót trong bóng tối ở bên kia các tảng đá. Nó chập chờn trong đêm đen, các tàn lửa từ nó rơi ra đang bí mật vạch ra con đường họ lần theo. Rồi tất cả đã bị xóa đi, ngọn lửa nhỏ nhảy nhót, các tàn lửa, như một bài hát, một bài ca buồn thảm, thuần khiết và lóa sáng, đang chập chờn trong bóng tối gian phòng hay trong một bấc đèn, không to hơn một hạt đậu. Những năm đó, ta cũng như họ, chân trần trong ruộng làm đất làm cát và trời vừa tối là chẳng có chỗ nào đi, ngôi nhà của ông thầy tiểu học là nơi trú náy duy nhất ta có thể tán gẫu, uống trà, ngồi ỳ và tiêu khiển giúp ta qua cảnh cô quạnh.
Buồn thảm đụng chạm đến tất cả mọi người, không ai nói một lời. Cô gái đã ngừng hát một lúc lâu thì một cô khác, nhiều tuổi hơn, đứng tựa cửa, thở dài thật não nề. Chắc là một cô gái sắp lấy chồng:
- Buồn thế!
Rồi đám đông lại hạch:
- Hát một bài tấu đi!
- Bác ơi, hát "Đêm năm canh"!
- "Mười tám cái vuốt ve" ấy.
Đám thanh niên gọi ông.
Ông già lấy hơi, cởi áo dài đứng lên khỏi chiếc ghế băng để đẩy cô gái vừa hát và đám trẻ con ngồi trên bậc cửa.
- Đi, nào trẻ con, đi về nhà ngủ đi! Không hát nữa đâu, đi ngủ đi.
Chẳng ai muốn đí. Người đàn bà trung niên, đứng trước cửa lúc đó bèn lần lượt gọi tên từng đứa bé. Ông già giậm chân tựa như bực mình rồi bắt đầu kêu lên:
- Đi ra hết! Tao đóng cửa, tao đóng cửa đây này, về ngủ đi!
Người đàn bà đi vào trong phòng đẩy bọn con gái bé ra ngoài rồi quát bọn con trai bé:
- Ra đi, chúng mày nữa.
Bọn con gái lè lưỡi ra đáp lại rồi kêu lên một tiếng lạ:
- Yê...
Cuối cùng hai cô gái lớn ngoan ngoãn đi ra. Đám đông đuổi nốt bọn trẻ con. Người đàn bà đi đóng cửa, những người lớn tuổi tranh thủ lúc này ùa vào. Khi then đã cài, nhiệt độ lên cùng với một mùi mồ hôi nồng nặc. Ông già dặng hắng khe khẽ, nhổ xuống đất, nháy mắt về đám đông. Ông đã đổi diện mạo. Với một vẻ nghịch ngợm, ông đi đứng theo kiểu một con mèo.
Người đàn ông sửa soạn, hắn sửa soạn cái gì?
Hắn sửa soạn cái gậy của hắn,
Người đàn bà sửa soạn, sửa soạn cái gì?
Ẳ, sửa soạn cái cống của ả.
Đám đông hoan hô ông. Ông già lau mép bằng tay:
Cái gậy rơi vào trong
Nó giẫy lên như một con cá diếc!
Tiếng cười ran ran lên, người thì cúi gập người lại mà cười, người thì nhảy tưng tưng.
- Hát cho chúng tôi bài "Thằng ngu lấy vợ" nữa đi! - Một tiếng nói cất lên.
- Cha chả! Đám thanh niên kêu lên.
Ông già gạt cái bàn ra lấy chỗ ở trong phòng. Ông ngồi xổm xuống đất thì thình lình có người gõ cửa. Bất bình ông hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi đây, bên ngoài tiếng một người đàn ông đáp.
Cửa mở một người trẻ tuổi đi vào, áo vét vắt vai, tóc rẽ ngôi. Mọi người lầm rầm:
- Trưởng thôn, trưởng thôn, trưởng thôn...
Ông già đứng lên. Người mới đến hơi mỉm cười nhưng lập tức nụ cười tắt ngấm khi con mắt anh ta dừng lại ở chiếc máy ghi âm để giữa bàn, anh ta đi về phía ta.
- Đấy là khách của bố.
Ông già quay lại giới thiệu ta với người trẻ tuổi:
- Con cả tôi đấy!
Ta chìa tay ra. Anh ta hạ cái áo ở vai xuống, không buồn bắt tay ta chỉ hỏi:
- Anh ở đâu đến?
- Anh ấy là giáo sư ở Bắc Kinh, - ông già vội giải thích.
Anh con trai cau mày:
- Anh có giấy giới thiệu chính thức không?
- Tôi có giấy chứng nhận, - ta nói và lấy ra thẻ hội viên Hội nhà văn.
Anh ta xem ngược xem xuôi rồi trả lại.
- Nếu anh không có công văn chính thức thì không được.
- Anh muốn công văn chính thức nào?
- Của hành chính xã hay con dấu của hành chính huyện.
- Nhưng thẻ của tôi có đóng dấu đây.
Anh ta phân vân, cầm lại tấm thẻ đến xem chăm chú dưới đèn.
- Trông không rõ lắm.
- Tôi từ Bắc Kinh đến sưu tầm dân ca!
Ta không chịu lùi bước, dĩ nhiên, cũng chẳng bận tâm quá đến xã giao. Thấy ta vững vàng, anh ta bèn quay về phía người cha và nghiêm khắc quở trách:
- Bố, bố biết rõ như thế là trái nguyên tắc cơ mà.
- Anh ấy là một người bạn bố mới quen.
Người cha muốn giải thích tiếp nhưng trước con trai ông - trưởng thôn, ông thiếu dũng khí.
- Tất cả mọi người về ngủ đi! Phạm nguyên tắc.
Anh con còn nhắc lại câu này với đám người xem. Một số đã lủi đi, đám em trai của anh ta đã xếp dọn nhạc cụ và đồ cúng tế. Ta không là người duy nhất tiu nghỉu, ông già thật tình chán nản, tựa như ông vừa nhận cả một thau nước lạnh vào đầu. Tất cả sự linh hoạt và tinh khôn đã rời bỏ ông, hai con mắt ông trống không, ông co rúm lại tội nghiệp. Ta buộc phải giải thích:
- Cha anh là một nghệ nhân dân gian hiếm có, tôi đặc biệt đến học tập ông ấy. nguyên tắc của anh về nguyên tắc là tốt, nhưng còn những nguyên tắc lớn hơn chỉ đạo cả các nguyên tắc của anh...
Vậy mà lúc này ta cũng khó giải thích với anh ta cái nguyên tắc lớn hơn kia là gì.
- Mai anh đến hành chính xã, họ sẽ nói có được hay không, được thì anh quay lại với một con dấu.
Anh ta đã dịu giọng, kéo cha lại một góc thầm thì cái gì vào tai. Cuối cùng anh ta hất cái áo lên vai rồi đi ra.
Khi mọi người ra về hết, ông già cài then cửa rồi đi vào bếp. Một lát sau, bà vợ mảnh khảnh của ông mang ra một bát tướng đậu phụ luộc với thịt muối và các thứ rau dưa muối. Ta thoái thác nhưng ông già nài nỉ. Cả hai cùng ngồi ăn, không ai nói năng gì. Sau đó, ông bảo ta ngủ với ông trong gian buồng sát bếp, thông với chuồng lợn. Đã hơn một giờ sáng.
Đèn vừa tắt muỗi đã tấn công. Ta đập liên hồi kỳ trận vào mặt, vào đầu, vào tai. Không khí ngột ngạt, trong gian phòng một mùi khăn khẳn. Sự hiện diện của ta ở trong nhà khiến cho con chó kích động đến cao độ. Nó ra lại vào, làm cho lũ lợn không ngừng ủn ỉn và liên tục cựa quậy. Dưới giường vài con gà mái người ta quên nhốt chuồng cũng bị con chó quấy. Thỉnh thoảng chúng đập cánh. Ta quá ư mệt nhoài mà không tài nào ngủ nổi. Lát sau, con gà trống dưới gầm giường cất lên hồi gáy cồ cộ nhưng ông lão vẫn cứ ngáy. Ta không biết muỗi có đốt ông không hay chỉ đốt người lạ. Trừ phi ông già này một khi đã thiếp vào giấc ngủ là mất hết tri giác. Không chịu được hơn nữa, ta dứt khoát dậy, mở cửa phòng chính và ngồi ở ngưỡng cửa.
Một làn gió mát nổi lên. Người ta thôi đổ mồ hôi. Qua đường viền lờ mờ của cây rừng, ta không nhận ra bất kỳ một ngôi sao nào trong màn đêm xám nhờ nhờ. Mọi người vẫn ngủ say trong các ngôi nhà rải rác với những mái ngói đen sì. Không bao giờ ta lại có thể tưởng tượng mình được qua một tối vui nhộn đến như thế ở trong cái sơn thôn nhỏ bé này, chưa tới chục gia đình. Thất vọng bị cắt đứt lưng chừng đã tiêu tan khi hơi lạnh xâm chiếm ta; cái mà người ta thông thường vẫn gọi là cuộc đời, nó vẫn cứ là ở trong cái không lời.
--------------------------------
1 Trong cách mạng văn hóa, bốn cái cũ phải chống là phong tục, tập quán, tư tưởng và truyền thống.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn