Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 99
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 47
ĩnh cố tin những người bị lôi đi khỏi trại vào dịp cuối tháng Năm năm 1977 vừa qua là được thả về đoàn tụ gia đình. Nhưng kiểm điểm lại những người quen biết ra đi, Vĩnh thấy niềm tin của mình không có căn cứ vững chắc.
Nguyễn Hữu Nhật, sỹ quan CTCT phủ tổng thống.
Nguyễn Chí Kham, sỹ quan biệt phái đài phát thanh Huế.
Dzoãn Bình (ra đi trước hai ngày và đi lẻ loi một thân một mình) là ký giả của VNTTX.
Vương Đắc Vọng, sỹ quan CTCT BCH/PB.
Huỳnh Công Cẩn, sỹ quan tùy viên của ông số 2 Cục ANQĐ.
Nguyễn Văn Lộc, sỹ quan Ban Trận Liệt P2/TTM.
Nguyễn Văn Tâm tự Tâm Đen, sỹ quan TC/CTCT.
Trần Văn Đại, đơn vị 101...
Bên trên chỉ là những người quen biết hoặc ở chung với Vĩnh từ những ngày đầu. Còn hàng trăm người của trại 4 (chưa kể trại 1, 2, 3) ra đi và đều thuộc diện Chiến Tranh Chính Trị, An Ninh Quân Đội, Cục Trung Ương Tình Báo, Cảnh Sát Đặc Biệt, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Quân Báo, Biệt Cách, 101); thậm chí cả những tay bị nhốt connex cũng bị lôi ra tống lên xe Molotova, trong đó có cả tay Mẫn, người từng xưng mình là Giáo Chủ Tôn Giáo Liên Hiệp Thế Giới...
Những thành phần ấy có lý gì chúng đem thả! Nhưng không đem thả thì đem đi đâu? Trong cái hộp sắt kín bưng là trại cải tạo, người ta chỉ có thể đặt câu hỏi mà không có cách gì tìm được câu trả lời chính xác.
Sau chuyến một số đông ra đi đó, trại 4 được củng cố lại. Một số nhà trống được sửa sang cấp tốc. Các công tác lớn vẫn bị đình chỉ. Bọn tù được điều đồng vào những việc đào thêm giếng, làm thêm hệ thống đường mương, trồng thêm cột đèn, đắp thêm bếp và sửa sang lại tất cả các nhà cửa...
Trong giai đoạn này, chẳng hiểu một số người tìm đâu ra một nguồn tin mới, theo đó tù cải tạo trại An Dưỡng trong một tương lai ngắn sẽ được đưa đi hết, thay vào đó, An Dưỡng sẽ biến thành một trại lính đặt dưới quyền xử dụng của sư đoàn 5 hay 7 gì đó của Cộng sản. Sư đoàn này sẽ có nhiệm vụ phòng vệ cho toàn vùng Biên Hòa và đặc biệt cho phi trường Biên Hòa. Cũng theo nguồn tin này thì hiện nay phi trường Biên Hòa đang bị đe dọa. Mỹ có thể từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào đánh phá bất cứ lúc nào.
Nguồn tin như khơi lại những biến cố từ mùa Xuân năm ngoái, khi các kho đạn trên toàn miền Nam bỗng nhiên phát nổ, lại được đưa ra bình luận một cách kịch liệt...
Trong lúc cả trại đang sinh hoạt với không khí như vậy, Phạm Xuân Huy và Nguyễn Văn Ý quyết định gấp rút tiến hành việc vượt ngục. Những thứ cần thiết tối thiểu cho cuộc vượt ngục như muối, dao găm, dây dù, thực phẩm khô... vẫn được Ý lưu giữ rất cẩn thận. Mặc dù Ý rất thông thạo vùng này, nhưng Vĩnh vẫn không yên tâm lắm khi anh chưa nhận được cái địa bàn từ gia đình đưa vào. Huy thì thúc hối ngày đêm rằng: Anh em phải quyết định khi trận mưa đầu mùa tháng Sáu bắt đầu đổ xuống. Theo ý kiến của các bạn, bằng mọi cách Vĩnh phải khai bệnh nằm nhà để hoàn tất vài vật dụng cần thiết cho cuộc vượt ngục. Ngoài ra anh còn phải nghiên cứu nhiều hơn các dãy hàng rào và đường hào chạy quanh bên phải đường biên trại 4. Nếu vượt được những dãy thép gai chằng chịt, người vượt ngục sẽ ra được tới đường hào. Vượt được đường hào vào mùa mưa có chiều sâu 4 mét ngập nước và thép gai không phải là chuyện dễ, nhất là trong đám lại có Vũ Duy Cường, cựu võ sỹ quyền Anh nhưng hoàn toàn không biết bơi.
Sau khi hưởng ứng lời cố vấn của Nguyễn Văn Ý, Vĩnh dùng ống chích lấy máu trong gân tay bơm vào một cái hũ Péniciline có bỏ muối để dành. Ngay tối hôm ấy, giữa cuộc họp nhà thường nhật, Vĩnh lên một cơn ho rũ rượi và máu trong miệng văng khắp cùng trước mặt mọi người. Nhà trưởng Nhan Quang Minh vội đứng lên và chạy lại đỡ lấy thằng bạn tù gầy còm. Những tiếng xầm xì, những lời thương xót, những giọng thúc hối đi kêu quân y vang dội cả nhà...
Sau lần ho ra máu ấy, dù không được đi viện, nhưng Vĩnh được nằm nhà nghỉ ngơi đúng như sự dự liệu của những tay âm mưu vượt ngục.
Trong vòng một tuần lễ, Vĩnh đã làm xong mọi việc được cả toán trao phó: Ăn cắp thêm muối của nhà bếp, chế 200 cái móc sắt, se được 50 thước dây làm bằng sợi bao cát và nhất là thuổng được một con dao phay của hậu cần trại. Tất cả lại được đem ra gần hàng rào đào đất chôn dấu. Dù sao đào dấu mấy thứ vật dụng đó còn dễ, đào chôn dấu thực phẩm mới khó. Ý và Huy đã giao cho Vĩnh đủ loại thực phẩm khô: gạo xấy, cơm phơi khô, bột ngọt, đường, bánh men... Vĩnh không biết làm sao chôn dấu. Những thứ ấy tổng cộng phải trên 15 kgs. Muốn chôn dấu an toàn phải chia làm nhiều túi nhỏ, và những túi nhỏ ấy phải cần có nhiều bao nylon tốt bọc thật kín, bằng không sẽ hư hỏng hết. Nhưng nếu chia làm nhiều túi nhỏ, chôn nhiều chỗ, lúc vượt rào làm sao lấy kịp, nhất là lấy trong đêm tối!?
Mỗi buổi sáng, sau khi cả trại đã đi lao động, Vĩnh ra sân tập họp với tổ bệnh để xuống bếp nhận công tác đặc biệt dành cho những người bệnh nặng hoặc mãn tính. Sau cái màn giả ho lao, Vĩnh thấy tiếc là từ trước đã không nghĩ ra việc này. Quả thực trong tù Cộng sản, nếu muốn giả bệnh không gì dễ ăn bằng giả bệnh ho lao, nhưng phải ho ra máu. Lý do bệnh xá trong tù không có quang tuyến X và bác sỹ quân y của Cộng sản toàn bọn "phấn đấu" 1 mà thành. Có thể sự giả bệnh này sẽ đem đến cho "kịch sỹ" một chút cô đơn, ấy là dù muốn dù không nhiều anh em cùng tổ cùng đội tìm cách xa lánh. Sự kiện này, "kịch sỹ" (hay người bệnh) không tìm ra lý do trách cứ. Đời sống nơi đây lúc nhúc như thú vật, một mầm bệnh cảm cúm thông thường cũng có thể gây thành một cái dịch lớn; huống hồ gì cái mầm bệnh ho lao! Hơn nửa tháng qua, thủ vai người tù ho lao ra máu, Vĩnh cũng được nếm đủ mùi thế thái nhân tình như ai. Đã không thiếu những người chơi thật thân với Vĩnh từ những ngày đầu đi tù, giờ đây gặp anh, họ tránh như tránh hủi! Trừ đám bạn dự trù vượt ngục với Vĩnh biết rõ anh giả lao, còn thì đa số đều tin rằng Vĩnh lao thật. Không tin sao được khi suốt ngày Vĩnh lom khom như một cụ già, đi nghiêng nghiêng như người chỉ còn một lá phổi; những cơn ho húng hắng, hết húng hắng đến xù xụ và nhiều khi bò ra nhà ho đến đỏ mặt tía tai. Bạn bè chung quanh càng khiếp Vĩnh trong giai đoạn này là anh chàng Bùi Vịnh. Vịnh nằm sát Vĩnh. Biết Vịnh sợ lây, anh tìm cách chọc Vịnh bằng cách đêm đêm, thỉnh thoảng lại quay sang Vịnh ho vài cái. Một đêm kia, lúc mọi người đều ngủ cả, Vĩnh quay sang Vịnh họ một tràng như pháo nổ. Bùi Vịnh có lẽ nhịn nhiều quá chịu không thấu, cu cậu ngồi choàng dậy hét ầm ỷ.
- Ối trời ơi là trời ơi! Yêu cầu nhà trưởng cho tôi đi chỗ khác ngủ, ra cầu tiêu cũng được. Thằng Vĩnh đêm nào cũng nhè mặt tôi ho năm bảy phùa thế này thì đời tôi đến tàn mất thôi...
Cả phòng đang ngủ nghe Bùi Vịnh la trời đều bật dậy và cằn nhằn. Họ không nằm cạnh Vĩnh, không hưởng những cú họ vào mặt như Bùi Vịnh nên dĩ nhiên có đầy đủ quyền lên tiếng thương xót và bênh vực Vĩnh...
Nhiệm vụ hiện nay của một người ho lao ra máu như Vĩnh là xuống bếp ngồi lựa khoai sùng. Công tác thường bắt đầu từ 8 rưỡi, nhưng đến 10 giờ dù xong hay chưa xong, những bao khoai vẫn phải đem ra giếng rửa để các anh nuôi cho độn vào những chảo cơm vừa cạn. Nói lựa cho vui, trên thực tế những bao khoai ấy đã trải qua đôi ba lần lựa rồi. Nó được lựa từ trên hậu cần trung đoàn, rồi hậu cần tiểu đoàn, đến khi giao cho bếp tù thụ hưởng thì khoai đã hoàn toàn ở vào tình trạng:
Khoai sùng lựa bảy còn ba,
Lựa hai còn một vẫn ra khoai sùng!
Vĩnh ngồi trước bếp với mấy ông bạn bệnh, tay lựa khoai nhưng mắt vẫn nhìn đăm đăm về phía cầu tiêu trại. Gần nửa tháng nay Vĩnh đã nhìn, đã suy nghĩ và đã tính toán đủ chuyện.
Sáu người cùng trốn trại một lượt. Đây có thể là một con số trốn trại kỷ lục từ trước đến nay tại trại An Dưỡng nếu như nó xảy ra và thành công. Nhưng làm sao thành công đây?
Rồi thì cuối cùng thực phẩm lẫn thuốc men cũng đã được đem chôn và đánh dấu kỹ càng. Sau những lần thảo luận, anh em đều quyết định sẽ trốn bằng đường hào khi những trận mưa vào trung tuần tháng Sáu đổ xuống. Càng gian nan càng dễ thoát! Đó là một lập luận đúng. Trong lúc chờ đợi ngày N giờ G, Ý nảy ra ý kiến bắt Vĩnh dạy Anh Văn cho mọi người trong toán. Ý lý luận rằng trên con đường vạn dặm đi tìm kháng chiến, ai biết đâu một ngày nào đó cả bọn lại chẳng lạc sang mãi tận Thái Lan!? Và việc sang tới đó rồi mà phải nói bằng tay coi không văn minh tí nào; do đó, việc Vĩnh phải làm siêng dạy Anh Văn cho anh em là chuyện rất nên làm. Từ đó từng đêm, ngoài việc "nhật tu" cho cái lệnh hành quân do Nguyễn VănÝ thảo bằng mồm, cả bọn còn phải kiếm một góc tối tương đối an toàn để Vĩnh lên lớp các bài học What is this? What is that!
Một buổi sáng tháng Sáu gai gai lạnh do hậu quả của một cơn mưa dầm đêm hôm trước, như thông lệ, khi tiếng kẻng báo thức lôi mọi người ra sân tập họp điểm danh trước khi được phép ra giếng đánh răng xúc miệng, thì nhà 3 báo cáo vắng mặt Nguyễn Văn Ý. Tiếp đó nhà 4 báo cáo vắng mặt Vũ Duy Dương và nhà 1 báo cáo vắng mặt Phạm Xuân Huy. Cả đội nháo nhào như lâm cảnh cháy nhà. Đội trưởng Uyên, đội phó Hiệp và các nhà trưởng tức tốc gặp nhau hội ý và cùng quyết định đi báo quản giáo cho kịp thời.
Vĩnh đứng trong hàng nhà 2 mà run rẩy chân tay. Trời ơi! Vĩnh không thể ngờ được sự thể diễn ra ngoài dự trù như vậy. Tất cả mọi kế hoạch trốn trại đã từng bàn thảo với nhau bỗng trở về óc Vĩnh với đầy đủ mọi chi tiết. Tại sao họ ra đi mà không báo cho Vĩnh, Điểu và Tuấn lấy một lời!?
Vĩnh không tránh khỏi sự rung động khi nghe rõ cái giọng nửa đực nửa cái của Võ Hữu Hiệp báo động nhà trưởng Nhan Quang Minh.
- Anh kiểm lại nhà anh xem còn thằng Vĩnh không? Mất nó nữa là đủ bộ đấy!
Vĩnh cố lấy lại bình tĩnh để ứng phó với biến cố ngoài dự tưởng trước mặt. Khi bọn vệ binh đi theo mấy tay quản giáo từ khung chạy xuống đội 17, Vĩnh sực nhớ ra một điều quan trọng: Tuyệt đối phải thủ tiêu mọi dấu vết mà bọn cán bộ có thể dùng làm bằng chứng quy tội Vĩnh có dính líu trong vụ này. Nhưng thủ tiêu cái gì bây giờ? Vĩnh bỗng lạnh mình nhớ tới việc bọn cán bộ sẽ lục lạo kiểm kê mớ quần áo mùng mền của những người trốn trại. Chao ôi, nếu thế thì nguy to! Vĩnh biết chắc trong đống đồ đạc của Huy không có gì, nhưng trong đống đồ đạc của Dương có quyển vở ghi nhạc lý mà Vĩnh từng chép ra để chỉ cho một số anh em. Thế nhưng quyển vở này cũng không nguy hại bằng hai quyển vở viết tay đầy ngữ vựng và văn phạm Anh Văn của Vĩnh đưa cho Ý. Hiện nó rất có thể đang nằm trong đống chăn mùng mền của Ý. Vĩnh hy vọng trước khi ra đi, Ý và Dương đủ bình tĩnh để thủ tiêu bút tự của Vĩnh, tránh lưu lại những phiền phức nguy hiểm cho anh.
Đội 17 được lệnh tan hàng và trở về nhà ngồi tại chỗ, chờ đến khi có lệnh mới. Ngoài sân, bọn quản giáo và vệ binh dẫn vài tay chức sắc đi quan sát phạm vi đội 17 như để tìm tòi một cái gì. Giọng một quản giáo cất lên.
- Anh Uyên đội trưởng đi một vòng các đội khác xem sao. Có thể ba anh ấy mới sáng sớm đã đi liên hệ linh tinh chăng?
Giọng Uyên.
- Dạ tôi đã đi hai ba lần rồi.
Một quản giáo khác.
- Thôi được. Trước khi báo cáo lên trên, tôi muốn các nhà cho người đi mò các giếng xem sao đã. Nhỡ người ta rơi xuống...
Tên quản giáo nói tới đây chợt ngừng lại vì có lẽ hắn thấy lời đề nghị của mình hơi khôi hài. Chả lẽ cùng lúc cả ba thằng tù cải tạo cùng rơi xuống và chết chìm dưới giếng?
Vĩnh ngồi trong nhà thấp thỏm lo lắng. Tuấn ở cùng nhà, ngồi một góc lâu lâu đưa mắt nhìn Vĩnh như chia xẻ mối lo lắng. Dù sao, Tuấn râu cũng có nhiều lý do để an tâm hơn trong tình trạng hiện tại. Từ buổi đầu bàn chuyện trốn trại, Tuấn vẫn luôn luôn giữ đúng bản tính lặng lẽ của anh ta. Anh hạn chế tối đa việc la cà công khai với đám Vĩnh và chỉ gặp nhau khi thật cần thiết. Hầu như hiện nay chẳng ai nghi ngờ Tuấn có dính líu với đám trốn trại. Nhưng riêng với Vĩnh ở nhà 2 và Điểu ở nhà 1 thì khác. Khi Dương, Ý và Huy vắng mặt trong lần điểm danh khi nãy và đã được báo cáo trốn trại, thì hầu như cả bạn lẫn bọn ăng ten, dù chưa nói ra, nhưng ai cũng biết "tụi nó một băng với nhau".
Nghĩ tới những quyển vở, Vĩnh không cho phép anh ngồi yên nữa. Bằng mọi giá, Vĩnh phải tìm biết xem nó còn nằm trong đống đồ đạc của Dương và Ý hay không? Nếu còn, nó phải được thủ tiêu kịp thời. Vĩnh xin phép nhà phó đi tiêu. Anh luồn qua phía cửa sau nhà 3 với hy vọng gặp được Ân Xệ, người từng là tổ trưởng cũ của Vĩnh và hiện nay được làm trực phòng nhờ bệnh sa ruột của nó. Ân là bạn của bọn Vĩnh. Không rõ trước kia Ân có từng là học trò của anh Huy không, mà mọi người đều thấy Ân gọi anh Huy bằng thầy một cách rất kính trọng.
Vừa lách qua một dãy thùng phuy kê sau nhà 3 Vĩnh đã nghe gọi.
- Vĩnh!
Vĩnh quay phắt người lại. Anh thấy Ân đang loay hoay bên đống rác sau nhà. Vĩnh mừng quá.
- Trời ơi tao đang mong gặp mày đây.
Như hiểu ý, Ân ngoắc Vĩnh lại gần, nói khẽ.
- Tao biết mày đang lo đái ra máu. Nhưng cứ bình tĩnh. Vĩnh sốt ruột vào đề luôn.
- Nhà mày chúng nó đã xét đồ thằng Ý chưa?
Ân đáp.
- Từ khi báo cáo mất Ý, thằng nhà trưởng tao đã cho lệnh tao lôi đồ đạc nó xuống kiểm kê liền. Tao thấy nó có một quyển tự điển Anh Việt và hai quyển vở viết đầy chữ, tao dấu luôn.
Nghe Ân nói Vĩnh mừng còn hơn chết sống lại. Anh hỏi.
- Mấy quyển vở đâu rồi?
- Tao dấu trong sắc tao...
Vĩnh dặn dò ngay.
- Thôi được, chuyện dài lắm. Tao sẽ nói với mày sau. Bây giờ trước khi trở về phòng để tụi nó không nghi, tao dặn mày một điều. Hai quyển vở Anh Văn ấy toàn là chữ của tao. Mày dấu biệt nó đi. Chúng nó mà vớ được hai quyển vở ấy trong sắc thằng Ý thì giờ này chắc tao mềm mình rồi.
Nói xong không đợi Ân trả lời, Vĩnh lẳng lặng quay trở về phòng, và dù còn biết bao chuyện rắc rối chưa ngờ tới được, Vĩnh vẫn thở ra một hơi dài nhẹ nhỏm.
--------------------------------
1 Phấn đấu: Trong quân đội CSVN, những nhãn hiệu bác sỹ hoặc kỹ sư không bao hàm một căn bản trí thức cho người mang nhãn hiệu hay chức vụ ấy. Bác sỹ quân y là một y tá có trình độ lớp 3, phấn đấu thực tế 5 năm trở thành bác sỹ... Do đó, bác sỹ, kỹ sư của quân đội CSVN đa số đều đọc không thông và viết không thạo!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu