It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: ねじまき鳥クロニクル Nejimaki-dori Kuronikuru - The Wind-Up Bird Chronicle
Biên tập: Gió
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 69
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 16175 / 1172
Cập nhật: 2018-03-18 01:34:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 - Chuyện Của Nhục Đậu Khấu
kasaka Nhục đậu khấu phải mất mấy tháng mới kể xong chuyện đời mình cho tôi nghe. Đó là một câu chuyện dài, rất dài, nên những gì tôi ghi lại ở đây chỉ là một bản tóm tắt đã được lược giản hóa rất nhiều (tuy không hẳn là ngắn) của toàn bộ câu chuyện. Tôi không thể tự tin tuyên bố rằng câu chuyện tóm lược này hàm chứa được những gì cốt tử của câu chuyện đời Nhục đậu khấu, song ít nhất nó cũng chuyển tải được nét đại cương các sự kiện quan trọng xảy ra vào những thời điểm then chốt của cuộc đời bà.
o O o
Nhục đậu khấu cùng mẹ chạy thoát từ Mãn Châu về Nhật Bản, của quý duy nhất họ mang theo được là nữ trang mang trên người. Từ cảng Sasebo họ dắt díu nhau về Yokohama để sống với gia đình của mẹ bà, vốn từ lâu đã làm chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm ăn chủ yếu với Đài Loan. Hồi trước chiến tranh gia đình làm ăn phát đạt, nhưng từ khi Nhật Bản mất Đài Loan thì họ cũng mất gần như toàn bộ doanh thu. Người cha đã mất vì bệnh tim, còn người con trai thứ của gia đình, vốn là cánh tay phải của người cha, thì chết trong một cuộc không kích ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Người con trai trưởng bỏ nghề dạy học để cáng đáng cơ nghiệp của gia đình, song vì khí chất không thích hợp với nghề buôn nên ông không gây dựng lại nổi gia sản trước kia. Nhà cửa đất đai thì họ vẫn còn, nhưng đó không phải là một nơi dễ sống đối với Nhục đậu khấu cùng mẹ, những kẻ giờ đây chỉ là thêm mấy miệng ăn vào thời buổi khó khăn sau chiến tranh. Họ luôn luôn cố gắng càng thu mình lại càng hay, đến bữa ăn thì lấy phần mình ít hơn người khác, buổi sáng dậy sớm hơn, việc nhà thì tự gánh vác nhiều hơn. Từng món đồ mà Nhục đậu khấu mặc - từ găng tay, tất đeo chân, thậm chí cả quần lót - đều là đồ cũ của các anh chị họ để lại. Bút chì thì cô bé nhặt nhạnh những mẩu bút thừa người khác vứt đi. Nội chuyện mỗi sáng thức dậy cũng đã là khổ sở đối với cô bé. Chỉ cần nghĩ rằng một ngày mới đang bắt đầu là ngực cô đã đau nhói lên.
Cô muốn thoát khỏi căn nhà này, để sống một mình với mẹ ở đâu đó nơi họ không phải luôn cảm thấy bị gò bó, cho dù phải sống bần hàn. Nhưng mẹ cô không bao giờ tìm cách bỏ đi. "Mẹ tôi vốn luôn luôn là người hoạt động," Nhục đậu khấu nói. "Nhưng từ khi từ Mãn Châu chạy về đây, bà cứ như cái vỏ sò rỗng. Dường như bao nhiêu sức mạnh để sống còn ở trong bà đã biến đâu mất hết". Bà không còn có thể tỉnh thức trước bất cứ việc gì. Bà chỉ còn làm được mỗi một việc là kể đi kể lại với Nhục đậu khấu về những ngày hạnh phúc xưa kia. Điều đó khiến cho Nhục đậu khấu phải trông vào tài tháo vát của chính mình đặng có thể tiếp tục sống.
Nhục đậu khấu không hẳn là không thích học hành, nhưng bà hầu như không chút quan tâm đến các môn người ta dạy ở trường trung học. Bà không tin nổi rằng cứ nhồi vào đầu cả mớ ngày tháng lịch sử hoặc quy tắc ngữ pháp tiếng Anh hay bằng thức hình học thì có lợi gì cho bà. Điều bà muốn hơn hết thảy là học một kỹ năng hữu ích để có thể tự lập càng sớm càng tốt. Những gì bà quan tâm hoàn toàn khác với đám bạn cùng lớp, những kẻ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống học đường.
Điều duy nhất bà bận tâm hồi đó là thời trang. Từ sáng đến tối tâm trí bà tràn ngập toàn những ý nghĩ về quần áo. Chẳng phải bà có đủ tiền để mặc theo mốt này mốt nọ đâu: bà chỉ có thể đọc tới đọc lui các tạp chí về thời trang tìm được, và vẽ đầy vào sổ tay các mẫu áo váy bắt chước những mẫu trong các tạp chí hay những thứ quần áo tự bà nghĩ ra. Bà không hề biết những chiếc áo váy lạ đời kia có gì mà hút hồn mình đến vậy. Nhục đậu khấu nói, có thể đó là do bà vẫn có thói quen nghịch cái tủ quần áo to đùng của mẹ bà hồi ở Mãn Châu. Mẹ bà đúng là một cái giá phơi quần áo. Bà có nhiều bộ kimono và váy áo kiểu âu đến nỗi bao nhiêu tủ cũng không chứa xuể, và cô bé Nhục đậu khấu hễ có cơ hội là lập tức lôi ra sờ mó. Hầu hết các áo váy và bộ kimono này họ đã phải bỏ lại Mãn Châu, còn những gì họ nhét vào ba lô được thì dọc đường đã phải đổi lấy cái ăn hết cả. Mỗi lần như vậy, mẹ bà lại trải chiếc áo váy sắp đem đổi ra, thở vắn than dài rồi mới cho đi.
"Thiết kế quần áo là cánh cửa bí mật của tôi để bước vào một thế giới khác", Nhục đậu khấu nói. "Một thế giới chỉ thuộc riêng tôi. Trong thế giới đó, sức tưởng tượng là tất cả. Ta càng có khả năng tưởng tượng những gì ta muốn thì lại càng có thể lánh xa thực tại hơn. Và cái mà tôi thích nhất ở công việc này là nó tự do. Không tốn một đồng nào. Thật tuyệt vời! Nhưng tưởng tượng ra những quần áo đẹp trong trí mình rồi chuyển lên mặt giấy không chỉ là một cách để tôi xa lìa thực tại mà bước vào cõi mộng. Tôi phải làm việc này còn là để sinh nhai nữa. Việc đó với tôi cũng tự nhiên và hiển nhiên như là hít thở. Thành thử tôi cứ cho rằng người khác cũng làm thế. Khi tôi nhận ra rằng người khác chẳng ai làm thế, rằng thậm chí dù có cố họ cũng không làm được, tôi bèn tự nhủ: "Ta vốn khác người, vì vậy cuộc sống của ta cũng phải khác người."
Nhục đậu khấu bỏ trường trung học mà chuyển sang trường dạy cắt may. Để có tiền đóng học phí, bà xin mẹ bán đi một trong những món nữ trang cuối cùng còn lại. Với số tiền đó, bà đã có thể học khâu, cắt, vẽ kiểu và những kỹ năng hữu ích khác trong hai năm. Khi tốt nghiệp, bà thuê một căn hộ rồi bắt đầu sống một mình. Để có thể tiếp tục theo học một trường đào tạo thiết kế thời trang chuyên nghiệp, bà đi làm hầu bàn ở nhà hàng và làm những việc vặt như khâu vá thuê. Tốt nghiệp trường này xong, bà đi làm cho một nhà sản xuất trang phục phụ nữ cao cấp, ở đây bà được vào làm ở phòng thiết kế.
Không nghi ngờ gì nữa, bà có một tài năng độc đáo. Bà không chỉ vẽ giỏi mà ý tưởng và quan điểm của bà luôn luôn khác mọi người. Bà luôn có hình dung rõ rệt về những cái mình muốn làm; mà đó không phải do bà vay mượn từ bất cứ ai: đó luôn luôn là ý tưởng của chính bà, nảy sinh từ bà một cách tự nhiên. Bà đeo đuổi từng chi tiết cỏn con của cái ý tưởng kia với sự riết róng và mãnh liệt của con cá hồi bơi ngược dòng sông lớn về nguồn. Bà chẳng có thời gian để ngủ. Bà yêu công việc và chỉ mơ đến ngày trở thành nhà thiết kế độc lập. Bà không bao giờ nghĩ tới thú vui ngoài giờ làm việc: trên thực tế, bà không biết gì về những trò tiêu khiển thông thường của người đời.
Chẳng bao lâu, các sếp nhận ra chất lượng công việc của bà và quan tâm đến những đường nét phóng túng, đầy khinh khoái trong phong cách của bà. Thế là kết thúc những năm học việc của bà, từ nay bà được giao phụ trách hẳn một bộ phận nhỏ, đó là một sự thăng tiến phi thường.
Nhục đậu khấu tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc hết năm này qua năm khác. Tài năng và nghị lực của bà thu hút sự chú ý không chỉ của người trong công ty mà của cả ngành thời trang. Giới thiết kế thời trang là một giới khép kín, nhưng đồng thời là một giới rất công bằng, một xã hội được thống trị bằng quy luật cạch tranh. Thực lực của nhà thiết kế được xác định bởi một điều duy nhất: số lượng đơn hàng lớn có được nhờ các bộ quần áo mà anh hay chị ta thiết kế. Hoàn toàn không nghi ngờ gì chuyện ai thắng ai thua: nhìn con số là đủ rõ. Nhục đậu khấu không bao giờ cảm thấy mình đang cạnh tranh với ai, song thành tựu của bà thì không thể phủ nhận.
Bà làm việc quên mình đến khi xấp xỉ tuổi ba mươi. Bà từng gặp nhiều người qua công việc, một vài người đàn ông đã tỏ ra quan tâm đến bà, nhưng quan hệ giữa bà với họ thường ngắn ngủi và hời hợt. Nhục đậu khấu không bao giờ có thể quan tâm một cách sâu sắc tới những người sống. Tâm trí bà tràn ngập hình ảnh những quần với áo, và những mẫu thời trang đàn ông có tác động trực tiếp tới bà hơn bất cứ người đàn ông sống thật nào.
Tuy nhiên, khi bà bước qua tuổi hai mươi bảy, ở một buổi dạ hội của giới thời trang nhân dịp năm mới người ta giới thiệu Nhục đậu khấu với một người trông là lạ. Đường nét anh ta cũng bình thường thôi, nhưng đầu tóc anh ta rối bù, mũi và cằm anh ta sắc nét như những công cụ làm bằng đá. Anh ta giống một tay thuyết giáo giả cầy hơn là nhà thiết kế thời trang phụ nữ. Anh ta trẻ hơn Nhục đậu khấu một tuổi, có cặp mắt sâu không đáy. Từ chiều sâu không đáy đó anh ta nhìn mọi người bằng cái nhìn soi mói như thể cố tình buộc người ta phải thấy khó chịu. Tuy nhiên, trong mắt anh ta, Nhục đậu khấu thấy hình phản chiếu của chính mình. Lúc đó anh ta là một nhà thiết kế hãy còn vô danh nhưng có triển vọng, hai người gặp nhau mới lần đầu. Dĩ nhiên bà đã nghe người ta nói về anh. Họ nói anh ta có tài năng độc đáo, nhưng anh ta kiêu căng, vị kỷ và lý sự, hầu như chẳng ai ưa.
"Hai chúng tôi cùng một loại," Nhục đậu khấu nói. "Cả hai đều ra đời ở đại lục. Cũng như tôi, anh ấy hồi hương sau chiến tranh, nhưng là từ Triều Tiên, bị mất hết của cải. Cha anh ấy là quân nhân chuyên nghiệp, gia đình vô cùng khốn quẫn những năm hậu chiến. Mẹ anh ấy mất vì sốt phát ban khi anh ấy còn rất nhỏ, tôi cho rằng chính vì vậy anh ấy mới đâm ra quan tâm mạnh mẽ đến y phục nữ giới. Anh ấy tài thì có tài, nhưng không hề biết cách giao tiếp với mọi người. Chẳng gì thì cũng là nhà thiết kế trang phục nữ, nhưng cứ hễ trước mặt đàn bà là anh đỏ bừng mặt lên và cư xử rồ dại. Nói cách khác, cả hai chúng tôi là những kẻ lạc loài, tách biệt khỏi bầy."
Họ lấy nhau vào năm sau đó, 1963, và đứa con mà họ sinh vào mùa xuân năm sau nữa (năm diễn ra đại hội Olympic Tokyo) là Quế. "Tên cậu ấy là Quế phải không?" Chẳng bao lâu sau khi sinh Quế, Nhục đậu khấu đưa mẹ về sống chung nhà để nhờ bà trông cháu. Bản thân Nhục đậu khấu làm việc từ sáng đến tối không ngừng nghỉ, chẳng có đâu thì giờ chăm con mọn. Vậy là Quế ít nhiều được dưỡng dục nhờ bà ngoại.
o O o
Nhục đậu khấu chẳng bao giờ biết rõ liệu mình có thực sự yêu chồng như một người đàn ông không. Bà không có bất cứ tiêu chí nào để có thể phán xét như vậy, và điều này cũng đúng đối với chồng bà. Họ gắn bó với nhau chỉ là do gặp gỡ tình cờ và do cả hai cùng đam mê nghề thiết kế thời trang. Dù sao, mười năm đầu chung sống mang lại cho hai người khá nhiều thành quả. Ngay sau khi kết hôn, cả hai đều rời bỏ công ty mình đang làm việc rồi cùng mở một xưởng thiết kế thời trang độc lập trong một căn hộ ở một tòa nhà nhỏ nhìn về hướng Tây ngay sau xa lộ Aoyama. Bởi thông gió kém lại không có điều hòa không khí nên vào mùa hè chỗ ấy nóng đến nỗi mồ hôi làm cho bút chì tuột khỏi tay. Ban đầu việc làm ăn không được thuận buồm xuôi gió. Cả Nhục đậu khấu lẫn chồng đều thiếu năng lực kinh doanh thực tế đến kỳ lạ, hậu quả là họ bị những kẻ vô liêm sỉ trong giới thời trang lừa bịp dễ dàng, hoặc không đáp ứng được đơn hàng bởi không biết gì về lối làm ăn hay phạm phải những sai lầm sơ đẳng. Nợ nần chồng chất đến nỗi có lúc dường như họ chỉ còn giải pháp duy nhất là bỏ trốn. Bước đột phá xảy ra khi Nhục đậu khấu tình cờ gặp một nhà quản trị kinh doanh giỏi biết nhìn nhận tài năng của họ và phục vụ họ một cách trung thành tận tụy. Từ đó trở đi, công ty phát đạt đến nỗi bao nhiêu vấn đề trước kia của họ chỉ còn như là một giấc mơ rồi. Doanh số của họ năm sau cao gấp đôi năm trước, cho tới năm 1970 thì cái công ty nhỏ họ gây dựng nên gần như từ hai bàn tay trắng đã đạt được thành công thần kỳ đến nỗi ngay cả đôi vợ chồng cao ngạo, xa rời thực tế kia, người khai sinh ra nó, cũng phải lấy làm kinh ngạc. Họ thuê thêm nhân viên, chuyển đến một tòa nhà lớn trên đại lộ và mở những cửa hàng của riêng mình ở những khu sang trọng như Ginza, Aoyama và Shinjuku. Phong cách thiết kế độc đáo của họ thường được giới thiệu trên phương tiện truyền thông và nức tiếng xa gần.
o O o
Khi công ty đã lớn mạnh đến một độ nhất định, cách phân chia công việc giữa hai vợ chồng bắt đầu thay đổi. Tuy thiết kế và may quần áo là một quá trình sáng tạo, nhưng khác với điêu khắc hay viết tiểu thuyết, nó cũng là một ngành kinh doanh có liên quan đến số phận của nhiều người. Người ta không thể cứ ngồi nhà sáng tạo ra bất cứ cái gì mình thích được. Phải có ai đó đi ra ngoài, trình "bộ mặt" của công ty ra với mọi người. Các giao dịch của công ty ngày càng có quy mô lớn thì nhu cầu ngày càng tăng. Một trong hai người phải có mặt tại các bữa tiệc và show thời trang, phát biểu dăm câu và chén chú chén anh với khách khứa, trả lời phỏng vấn. Nhục đậu khấu không hề có ý định đóng vai trò đó, thế là chồng bà đành phải nhận. Vốn cũng là người kém quảng giao như bà, đầu tiên ông thấy phải làm những trò đó là cả một cực hình. Ông không biết nói năng khéo léo trước mặt nhiều người lạ, nên sau mỗi buổi như vậy về đến nhà là ông kiệt sức. Tuy nhiên, sau nửa năm, ông nhận ra rằng việc đó không còn làm ông khổ sở lắm nữa. Ông vẫn không phải là người khéo nói, nhưng phản ứng của thiên hạ đối với cung cách vụng về thô lỗ của ông đã khác với hồi ông còn trẻ: nay người ta dường như lại thấy ông đầy lôi cuốn. Họ cho cái phong thái nói năng cộc lốc của ông (vốn là do bản tính trời sinh hướng nội) không phải là bằng chứng của thói ngạo đời lập dị mà là của một tư chất nghệ sĩ đầy quyến rũ. Ông bắt đầu thực sự thích thú cái vị thế mới này, nơi ông tìm thấy chính mình, và chẳng bao lâu ông được người ta xưng tụng như là một người hùng văn hóa của thời đại.
- Chắc hẳn cậu từng nghe tên ông ấy, - Nhục đậu khấu nói. - Nhưng trên thực tế, tới hai phần ba công việc thiết kế là một tay tôi làm. Những ý tưởng táo bạo, độc đáo của ông ấy đều thành công lớn về thương mại, và ngần đó ý tưởng của ông ấy đã là thừa đủ để duy trì công ty của chúng tôi. Việc của tôi là phát triển, triển khai các ý tưởng đó, định hình cho chúng. Dù công ty có lớn mạnh đến đâu, chúng tôi vẫn chẳng bao giờ thuê người khác thiết kế. Nhân viên ngày càng đông, nhưng phần việc cốt yếu nhất thì chúng tôi tự làm. Chúng tôi chỉ muốn nhằm một điều là làm ra những trang phục mình muốn làm, không quan tâm đến những người sẽ mua trang phục đó. Chúng tôi không nghiên cứu thị trường, không tính giá, cũng không hoạch định chiến lược. Một khi đã quyết định mình cần làm một cái gì, theo cách nào đó là chúng tôi thiết kế theo đúng cách ấy, dùng những chất liệu tốt nhất có thể tìm được, và tốn bao nhiêu thời gian cũng được, để làm. Những gì các nhà khác làm trong hai bước, chúng tôi làm trong bốn bước. Ở đâu họ chỉ dùng ba thước vải thì chúng tôi dùng bốn. Chúng tôi đích thân kiểm tra và duyệt từng cái áo, cái quần xuất khỏi cửa hàng của chúng tôi. Cái gì không bán được, chúng tôi thanh lý. Chúng tôi không bao giờ bán giảm giá. Giá của chúng tôi rất cao, dĩ nhiên. Dân trong nghề cho chúng tôi điên, nhưng trang phục của chúng tôi đã trở thành biểu tượng của thời đại, ngang hàng với Peter Max, Woodstock, Twiggy, Easy Rider, vân vân. Hồi ấy chúng tôi thiết kế quần áo thật là vui biết mấy! Chúng tôi có thể làm những thứ điên rồ nhất, thế mà mình ở đâu là khách hàng có đó ngay. Dường như chúng tôi đã mọc những đôi cánh khổng lồ, muốn bay đâu cũng được.
o O o
Tuy nhiên chính lúc việc làm ăn của họ đang đi vào ổn định thì Nhục đậu khấu và chồng ngày càng trở nên xa cách. Ngay cả những khi làm việc bên nhau, thỉnh thoảng bà nhận thấy tâm hồn ông cứ vơ vẩn ở đâu đâu. Mắt ông dường như đã mất cái tia đói khát mà trước kia từng có. Tính tình hung bạo, trước kia ông thường ném vật này vật nọ, song nay cái hung bạo đó hầu như không bao giờ trỗi dậy nữa. Thay vào đó bà hay bắt gặp ông nhìn đăm đăm vào khoảng không như đang đắm mình suy nghĩ. Hai người hiếm khi nói chuyện với nhau ngoài nơi làm việc, và càng ngày ông càng hay đi suốt đêm không về. Nhục đậu khấu cảm thấy giờ đây ông có tới mấy người đàn bà khác, nhưng bà không lấy đó làm đau khổ. Bà coi chuyện đó là không thể tránh được, bởi đã từ lâu họ không có quan hệ về thể xác với nhau (chủ yếu vì Nhục đậu khấu đã mất sự thèm muốn về tình dục).
o O o
Vào cuối năm 1975, khi Nhục đậu khấu bốn mươi tuổi và Quế mười một tuổi, chồng bà bị giết. Người ta tìm thấy xác ông bị chặt ra thành từng mảnh trong một phòng khách sạn ở Akasaka. Người hầu phòng phát hiện ra ông khi cô ta dùng chìa khóa mở cửa vào phòng để quét dọn lúc 11 giờ trưa. Bồn rửa mặt trông như vừa trải qua một cuộc tắm máu. Bản thân cái xác gần như đã cạn hết máu, không còn tim, dạ dày, gan, cả hai trái thận và lá lách, bởi kẻ nào giết ông đã cắt những cơ quan đó ra khỏi xác rồi cho vào túi nhựa hay một đồ chứa tương tự đặng mang đi đâu đó. Cái đầu bị chặt khỏi thân, đặt trên nắp bệ xí, quay ra ngoài, mặt bị băm nát. Rõ ràng kẻ giết người đã chặt cái đầu và băm vằm khuôn mặt trước, sau đó mới thu các cơ quan nội tạng.
Để cắt các cơ quan đó ra khỏi thân người thì phải có những dụng cụ đặc biệt sắc và kỹ năng đáng kể. Hung thủ đã dùng cưa để cưa đứt vài cái xương sườn, một công việc mất nhiều thời gian và đẫm máu. Người ta không rõ sao lại có người chịu bỏ ra bao nhiêu công phu để làm việc như vậy.
Vì quá bận rộn do đang là ngày nghỉ nên nhân viên quầy tiếp tân chỉ nhớ được rằng chồng của Nhục đậu khấu đã nhận phòng trên tầng mười hai vào lúc 10 giờ đêm hôm trước cùng với một phụ nữ - một phụ nữ xinh đẹp chừng ba mươi tuổi, mặc áo khoác ngoài màu đỏ, người không cao lắm. Cô ta không mang gì khác ngoài một cái ví nhỏ. Giường nằm có dấu vết của hoạt động tình dục. Sợi lông và chất lỏng tìm được trên đệm trải giường là lông dương vật và tinh dịch của ông. Căn phòng đầy dấu tay, nhưng vì có quá nhiều dấu nên không dùng để điều tra được. Chiếc va li nhỏ bằng da của ông chỉ đựng một quần lót để thay, vài món đồ rửa mặt cạo râu, một cặp hồ sơ đựng ít tài liệu liên quan đến công việc, một tờ tạp chí. Ví của ông có hơn một trăm ngàn yên và vài thẻ tín dụng, nhưng một cuốn sổ mà lẽ ra ông phải mang theo người thì không tìm thấy. Không có dấu vết đánh nhau trong phòng.
Cảnh sát điều tra tất cả những người quen biết ông nhưng không tìm thấy người đàn bà nào khớp với mô ta của tiếp tân khách sạn. Một vài người đàn bà mà họ tìm thấy thì không có lý do gì để nuôi mối thâm thù hoặc ghen tuông đối với nạn nhân, và đều có chứng cớ ngoại phạm vững chắc. Có khá nhiều người ghét ông trong giới thời trang (vốn không hề được tiếng là một giới thân thiện và gần gũi), nhưng không ai có vẻ thù ghét ông đến độ phải giết ông, và không ai được huấn luyện kỹ năng cắt các cơ quan nội tạng ra khỏi xác ông.
Vụ ám sát một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng dĩ nhiên là được đưa tin rộng rãi trên báo chí, với ít nhiều chi tiết giật gân, nhưng cảnh sát đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ để ém nhẹm thông tin về việc cắt các cơ quan nội tạng, nhằm tránh không cho một vụ giết người quái đản như vậy thu hút quá nhiều sự chú ý của công chúng. Cái khách sạn có uy tín kia dường như cũng đã tạo áp lực để người ta càng ít nhắc đến họ trong vụ việc này càng tốt. Báo chí gần như chẳng đưa tin gì hơn chuyện ông đã bị đâm chết trong một phòng ở khách sạn họ. Có một dạo người ta đồn đại rằng trong vụ này có "cái gì đó không bình thường", nhưng cụ thể là gì thì không rõ. Cảnh sát tiến hành điều tra diện rộng, nhưng không bắt được kẻ sát nhân, cũng không xác định được động cơ giết người.
- Căn phòng khách sạn đó có lẽ đến giờ vẫn đang niêm phong, - Nhục đậu khấu nói.
o O o
Năm trước chồng bị giết thì mùa xuân năm sau Nhục đậu khấu bán toàn bộ công ty - cả các cửa hàng bán lẻ, kho hàng, thương hiệu - cho một nhà sản xuất thời trang lớn. Khi viên luật sư được bà thuê để tiến hành đàm phán mang hợp đồng đến cho bà, Nhục đậu khấu chẳng nói chẳng rằng đóng triện lên, gần như không buồn liếc qua giá bán.
Bán công ty xong, Nhục đậu khấu mới phát hiện ra rằng niềm đam mê của bà đối với nghề thiết kế thời trang đã biến sạch không còn dấu vết. Dòng suối khát vọng mãnh liệt từng có thời là ý nghĩa cuộc đời bà nay đã cạn khô. Thỉnh thoảng bà vẫn nhận đơn hàng và thực hiện với toàn bộ kỹ năng của một chuyên gia hàng đầu, nhưng không có chút niềm vui. Đó cũng giống như ăn mà chẳng thấy có mùi vị gì. Bà có cảm giác như "bọn họ" đã lôi hết gan ruột của bà ra. Những ai từng biết đến nghị lực và kỹ năng của bà trước kia vẫn còn nhớ đến Nhục đậu khấu như một huyền thoại: đơn hàng vẫn không ngừng đến từ những người như vậy, nhưng ngoại trừ số rất ít mà Nhục đậu khấu không thể từ chối, bà khước từ tất cả. Theo lời khuyên của kế toán, bà đầu tư vào cổ phiếu và bất động sản, và tài sản của bà khuếch trương lên dần trong những năm tăng trưởng đó.
Nhục đậu khấu bán công ty chưa được bao lâu thì mẹ của bà qua đời vì bệnh tim. Bà cụ đang tưới nước vỉa hè bên ngoài nhà vào một buổi chiều tháng tám nóng nực thì bỗng kêu thấy "khó ở". Bà nằm xuống ngủ, ngáy to một cách đáng ngại, chẳng mấy chốc sau thì bà mất. Nhục đậu khấu và Quế còn lại bơ vơ trên cõi đời. Nhục đậu khấu giam mình trong nhà suốt hơn một năm, ngày nào cũng ngồi trên sofa nhìn ra vườn, như muốn tìm lại sự bình an êm ả bà đã đánh mất trong đời mình từ bấy lâu nay. Bà hầu như không ăn gì, ngủ mỗi ngày mười tiếng đồng hồ. Quế - lúc đó ở độ tuổi mà như trẻ thông thường là bắt đầu vào trung học - liền thay mẹ cáng đáng gia đình, những lúc rảnh sau khi làm việc nhà thì cậu chơi các bản xô nát của Mozart, Haydn và học được mấy ngoại ngữ.
Giai đoạn gần như trống rỗng và tĩnh lặng này trong đời Nhục đậu khấu kéo dài được một năm, cho tới khi bà tình cờ phát hiện rằng mình có một "năng lực" đặc biệt nào đó, một sức mạnh kỳ lạ mà trước kia bà không hề biết tới. Bà cho rằng cái năng lực đó khởi sinh tự bên trong bà để thay cho nỗi đam mê mãnh liệt đối với thời trang mà nay đã khô kiệt. Và quả thực, cái năng lực đó đã trở thành nghề mới của bà, mặc dù tự thân bà không tìm kiếm nó.
o O o
Người đầu tiên được thụ hưởng năng lực kỳ lạ của bà là vợ của chủ nhân một siêu thị, một phụ nữ thông minh, năng nổ thời trẻ từng là ca sĩ opera. Bà ta từng thừa nhận tài năng của Nhục đậu khấu từ lâu trước khi bà trở thành nhà thiết kế nổi tiếng và vẫn thường xuyên bảo bọc cho sự nghiệp của bà. Không có sự hỗ trợ của người đàn bà này thì công ty của Nhục đậu khấu hẳn đã lụt bại ngay từ buổi đầu. Do quan hệ đặc biệt giữa hai người, Nhục đậu khấu đồng ý giúp người phụ nữ này và con gái bà ta chọn và phối hợp trang phục cho đám cưới của cô con gái, một việc mà bà thấy cũng không lấy gì làm vất vả.
Nhục đậu khấu và người đàn bà đang tán gẫu trong khi chờ cô con gái thử quần áo thì bỗng nhiên người đàn bà ép cả hai tay lên đầu và lảo đảo quỳ sụp xuống sàn nhà. Nhục đậu khấu hoảng hốt ghì lấy bà ta cho khỏi ngã và xoa xoa thái dương trái của bà ta. Bà làm việc đó theo phản xạ, không suy nghĩ gì, nhưng ngay khi lòng bàn tay bắt đầu di chuyển, bà cảm thấy "có một cái gì đó", như thể bà đang cảm nhận được một vật bên trong chiếc túi vải.
Bối rối, Nhục đậu khấu nhắm mắt lại cố nghĩ đến một cái gì khác. Bà chợt nhớ đến vườn thú ở Tân Kinh; vườn thú vào một ngày đóng cửa, chỉ có một mình bà ở đó, ấy là một biệt lệ chỉ mình bà được hưởng do là con gái của bác sĩ trưởng vườn thú. Đó là thời hạnh phúc nhất trong đời bà, cái thời bà được đùm bọc, thương yêu, che chở. Đó là ký ức đầu đời của bà. Vườn thú vắng tanh. Bà nghĩ đến những mùi, đến làn ánh sáng rực rỡ, đến hình dáng mỗi đám mây trôi trên trời. Bà tha thẩn một mình từ chuồng này sang chuồng khác. Đang thu, bầu trời sáng rõ cao vời vợi, từng đàn chim từ Mãn Châu về chuyền từ cây này sang cây khác. Đó là thế giới bản lai của bà, cái thế giới mà theo nhiều nghĩa là vĩnh viễn đã mất. Không biết bao nhiêu thời gian đã qua trong khi Nhục đậu khấu mơ màng như vậy, nhưng rốt cuộc người đàn bà đứng thẳng dậy và cảm ơn bà. Bà ta nói, bà vẫn còn mất phương hướng, nhưng cơn nhức đầu dường như đã qua. Mấy ngày sau, Nhục đậu khấu sửng sốt khi nhận được khoản thù lao lớn hơn bà tưởng rất nhiều cho việc bà đã làm.
Chừng một tháng sau vợ của ông chủ siêu thị gọi điện thoại cho Nhục đậu khấu mời bà đi ăn trưa. Sau khi ăn xong, bà ta đề nghị hai người cùng về nhà bà, ở đó bà nói với Nhục đậu khấu: "Không biết bà có vui lòng đặt tay lên đầu tôi như bà đã làm lần trước không. Có đôi điều tôi muốn kiểm tra". Nhục đậu khấu chẳng có lý do gì để từ chối. Bà ngồi cạnh người phụ nữ kia, đặt lòng bàn tay lên thái dương bà ta. Bà cũng cảm thấy "cái gì đó" giống như lần trước. Để nắm rõ hơn hình dạng của cái đó, bà tập trung chú ý vào nó, nhưng cái hình dạng đó bắt đầu uốn éo và biến đổi. Nó là vật sống! Nhục đậu khấu cảm thấy sợ. Bà nhắm mắt lại nghĩ về vườn thú ở Tân Kinh. Việc này đối với bà không khó. Bà chỉ việc hồi tưởng lại câu chuyện từng kể cho Quế, những cảnh tượng bà đã mô tả cho cậu. Ý thức của bà rời khỏi thể xác bà, lang thang một hồi trong những không gian giữa ký ức và câu chuyện, rồi quay trở lại. Khi bà lấy lại ý thức, người đàn bà kia nắm lấy tay bà mà cám ơn. Nhục đậu khấu không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra, bà ta cũng chẳng giải thích gì. Cũng như trước, Nhục đậu khấu thấy hơi mệt, một lớp mồ hôi mỏng rịn trên trán. Khi bà ra về, người đàn bà kia cảm ơn bà đã dành thời gian và bỏ công đến thăm, rồi toan đưa bà một phong bì đựng tiền, nhưng Nhục đậu khấu từ chối, một cách nhã nhặn nhưng kiên quyết. "Tôi làm việc này không phải để kiếm tiền, - bà nói. - Vả lại, lần trước bà đã trả tôi quá nhiều rồi." Bà ta không nài thêm.
Mấy tuần sau, người đàn bà kia giới thiệu Nhục đậu khấu với một bà khác. Bà này trạc giữa tứ tuần. Bà ta bé nhỏ, có cặp mắt sắc, trũng sâu. Quần áo bà ta mặc thuộc loại tuyệt hảo, nhưng ngoài một thắt lưng đám cưới bằng bạc ra bà không có trang sức nào khác. Khi sắc thái toát ra từ bà thấy rõ bà không thuộc hạng người thường. Bà vợ ông chủ siêu thị đã nói với Nhục đậu khấu: "Bà ta muốn bà cũng làm với bà ta như đã làm với tôi. Lần này xin bà đừng từ chối, và khi bà ta đưa tiền, đừng nói gì cả, cứ nhận. Về lâu dài, đây sẽ là một điều quan trọng đối với bà, cả với tôi nữa".
Nhục đậu khấu đi vào một phòng phía trong cùng với người đàn bà kia rồi đặt lòng bàn tay lên thái dương bà ta như những lần trước. "Cái gì đó" trong người đàn bà này thì khác. Nó mạnh hơn cái ở trong bà vợ ông chủ siêu thị, chuyển động của nó nhanh hơn. Nhục đậu khấu nhắm mắt lại, nín thở, cố kìm chuyển động đó lại. Bà tập trung mạnh hơn và đeo đuổi những ký ức của mình một cách riết róng hơn. Đào sâu vào những nếp gấp nhỏ nhất tìm thấy ở đó, bà chuyển hơi ấm của ký ức mình vào "cái gì đó" kia.
- Và đó trở thành nghề của tôi từ lúc nào không biết, - Nhục đậu khấu nói. Bà nhận ra rằng mình đã bị một dòng chảy lớn bao trùm lấy. Và khi Quế lớn lên, cậu trở thành trợ lý cho mẹ.
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót - Haruki Murakami Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót