If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 49: Vượt Ngục…!
rưa hôm nay, tuy đã đầu Thu, nhưng cái nóng chói chang vẫn như hun đốt không gian. Không khí như một miếng bông thấm khổng lồ, hút khô cảnh vật. Làm môi như co lại, bong ra từng miếng vẩy, để chống lại cái nóng hanh của đất trời.
Tôi đang nằm đăm chiêu, vướng vất những suy tư về vụ án của anh Căn, đột nhiên cửa sổ nhỏ mở. Tiếng mụ Hoa, giọng rèn rẹt Quảng Nam:
- Đi cung!
Rồi mụ quay ra, rút xoạch chiếc chốt cùm. Chà! Lâu quá không đi cung, và cũng khá lâu rồi không gặp mụ Hoa. Chẳng hiểu, bặt đi 4, 5 tháng, tôi đi cung chẳng thấy mụ ta đâu, tôi cứ tưởng mụ đã đổi đi nơi khác rồi.
Vừa đi tôi vừa liếc nhìn dáng đi vặn vẹo, với đôi chân vòng kiềng khều khào của mụ như múa bên cạnh, tôi liên tưởng tới thời kỳ con gái của mụ. Tôi không thể hình dung được sắc đẹp của mụ thời gian ấy, nó như thế nào mà có thể đánh đổ kềnh một anh Trung Sĩ nhà ta. Để rồi đè bẹp một đồn binh của chúng ta, như lời tên Tân kể lại cho tôi nghe trước đây.
Tôi chậm chạp, lầm lủi đi theo mụ. Quen như mọi khi, tôi rẽ về phía trái. Là chỗ dẫy phòng đi cung, nhưng mụ lại ra hiệu bằng ngón tay, hướng ra phía cổng Hỏa Lò. Tôi thấy hơi lạ! Hơn 2 năm trời, chưa bao giờ tôi lại ra phía cổng Hỏa Lò để đi cung, vì vậy, tôi phải chuẩn bị ngay tư tưởng để phòng hờ, đối ứng với những việc bất ngờ. Khi gần tới cổng, mụ dẫn tôi quẹo về phía bên phải, trèo lên một bậc hè, đến một căn buồng có chiếc xe đạp đang dựa vào tường gần cửa buồng. Mụ đẩy cửa, bảo tôi vào. Bên trong là một căn buồng trống trơn, cũng như nhiều căn buồng hỏi cung khác, nghĩa là chỉ có một cái bàn mộc cũ kỹ, trước bàn có một cái ghế đẩu để cho bị can (người tù còn đang trong thời gian khai thác) ngồi. Một tên cán bộ lạ hoắc, chừng 30 tuổi, đang ngồi trước bàn. Trên bàn có một chiếc căp đen đầy, có lẽ đựng hồ sơ. Thấy tôi vào, y chỉ chiếc ghế đẩu, ra hiệu bảo tôi ngồi:
- Anh “nà” Đặng Chí Bình?
Chỉ thoáng qua giọng nói cùng vài cử chỉ, tôi đã thấy tên cán bộ này ở một tỉnh xa về đây có việc. Tỉnh đó có thể là quê hương tôi. Tôi dè dặt, chỉ “dạ” một tiếng! Y đứng dậy, nghiêm mặt lạnh lùng:
- Anh phải thành khẩn trả “nời” rõ ràng những câu tôi hỏi: “Núc” 1954, bố mẹ anh di cư vào “Lam” rồi. Trong cuộc cải cách ruộng đất, nhân dân, trong đó có họ hàng và người ở “nàm” thuê cho gia đình anh đã tố cáo “nà” bố anh, có chôn trong thửa đất nhà anh một cái chum to, chứa toàn đồ cổ bằng sứ và đồng đen. Đường phố cũ bây giờ mở rộng, dẫy phía nhà anh đều phá bỏ. Đây “nà” sơ đồ thửa đất và nhà của bố mẹ anh. Anh hãy chỉ, bố anh chôn cái chum đó chỗ “lào”? “Lếu” tìm thấy, anh sẽ được hưởng một “lửa”.
Nhìn và nghe y hỏi, tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên là năm 1953, tôi từ Hà Nội về quê chơi mấy tháng, và một đêm yên ắng, tối trời, (ngay chị giúp việc, cũng đã phải cho về quê nghỉ mấy ngày), chỉ có bố tôi và tôi ở nhà, hì hục đào dưới nền nhà bếp để chôn cái chum, thế mà giờ đây bên ngoài đã biết. Như vậy, đã từ lâu và nhiều lần rồi, ngay từ cuối 1954, khi bố mẹ tôi di cư vào Nam, chúng nó đã xâm, chọc và đào khắp thửa đất nhà tôi, nhưng chưa thấy! Bây giờ, từ Hà Nội, công an về điều tra lý lịch của tôi tại quê. Rồi từ đấy, tụi cầm quyền địa phương chợt nhớ đến chuyện cái chum, cho nên chúng đã phái một cán bộ lên Hỏa Lò, xin phép để gặp tôi. Chúng hy vọng tôi biết và nhớ chỗ chôn cái chum, sẽ chỉ chỗ cho chúng đào.
Điều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là, không biết chúng đánh giá sự hiểu biết của tôi thế nào, mà lại hỏi tôi thế? Tôi nghĩ rằng, ngay một người dân bình thường, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc từ 1954 đến bây giờ; ai cũng hiểu những loại của đó không những không được dùng, mà đôi khi còn bị liên lụy để vào “ấp” nữa. Huống chi, tôi đã là một người tù, lại là một người tù chính trị chống đảng nặng nhất. Vậy, một tên tình báo ra ngoài Bắc, cho dù bẹt đi nữa, cũng phải được học và nghiên cứu về xã hội miền Bắc, nơi sắp sửa xâm nhập để hoạt động. Rồi nó ra ngoài miền Bắc hàng tháng trời đi lại tứ tung; thế mà nó lại không biết một điều đơn giản như vậy hay sao, đến nỗi để mắc vào cái mưu “mua chuộc” trẻ con ấy của cộng sản”? Chỉ có họa chăng là anh ấy điên, mới bị mắc cái “bẫy” ấu trĩ này.
Nghĩ như vậy, tôi ngửng mặt lên nhìn y, thái độ và vẻ mặt của tôi càng tỏ vẻ ngạc nhiên hơn, nhưng là cái ngạc nhiên khác:
- Thưa ông, khi rời nhà quê, tôi mới 12 tuổi. Hơn nữa, chưa bao giờ tôi nghe thấy bố mẹ tôi nói về cái chum chôn đó cả; cả ngay sau này ở miền Nam cũng vậy. Như thế, có thể đây là một chuyện nhầm lẫn hay chăng?
Không biết dáng vẻ của tôi trả lời như thế nào, mặt nó nghệt ra như ngỗng…ỉa. Vừa như tiếc là bao hy vọng của bọn cầm quyền địa phương, cũng như của y lên đến đây, đều không được việc gì. Vừa như ngẩn ngơ bần thần, không biết rồi đây có cách nào để tìm được cái chum. Tâm lý người đời là vậy! Con cá sẩy là con cá to, cái chưa biết và không thể tìm thấy thì cho là quý lắm. Nhìn cái gò má bên trái của y giật giật, và bàn tay của y cứ xoa đi xoa lại trên mặt bàn, tôi chợt lóe lên một ý nghĩ:”Tên này, thật cả đẫn! Hay ta lợi dụng thời cơ chớp nhoáng, chuồn? Thời cơ bất ngờ đưa đến! Thời cơ thường dễ đi, khó đến. Thời cơ đến, không biết chớp lấy, đôi khi còn mang họa nữa ấy chứ! Hơn nữa, canh bạc cuộc đời tôi ra ngoài Bắc đánh với chúng, tôi đã thua rồi cơ mà. Bây giờ được đánh lần nữa, biết đâu chẳng gỡ được. Vả lại, dù thua, tôi có mất thêm gì nữa đâu. Bởi có còn gì nữa đâu mà mất! Tóm lại, hành sự đi, chỉ có được chứ không mất gì cả.
Suy tới nghĩ lui xong, tôi tính toán thật nhanh, nhìn tổng quát mọi điều kiện, rồi hình thành ngay một kế hoạch.
Bây giờ đã gần 3 giờ chiều rồi, còn 2 tiếng nữa mới tới giờ tan tầm. Tôi liếc nhìn cửa buồng đóng, nhớ chiếc xe đạp dựa tường phía bên ngoài. Tên cán bộ đang cúi nhìn bàn sơ đồ của thửa đất và mấy ngôi nhà tôi. Y chỉ cao bằng tôi. Có mập hơn một chút; nhưng, nhìn bắp thịt tay, tỏ ra là y không có tập tành gì cả.
Hơn 2 năm nay, từ khi tôi bắt đầu đi cung, đã thấy ra một điều gần như quy luật: Sau khi chấp pháp hỏi, tra xong, dẫn bị can xuống phòng trực giao cho cán bộ trại. Chứ chưa thấy cán bộ trại lên phòng cung đón bị can mang về bao giờ. Cá biệt, cán bộ trại mới đưa bị can tới phòng chấp pháp. Thông thường, chấp pháp phải đợi ở phòng trực, khi cán bộ vào trại vào các buồng lấy tù ra đến phòng trực, bấy giờ chấp pháp mới ký vào một cuốn sổ để nhận người. Khi đem trả, cũng ký trả.
Đầu tôi căng lên vì tính toán, cuối cùng tôi quyết định, phải tiến hành. Có nguy hiểm, nhưng phải liều. Không liều, nhiều khi không có gì cả. Tôi cũng hơi ngập ngừng băn khoăn một chút, khi nghĩ tới sợi chì mật, vẫn giấu trong cái vỏ ba lô gối đầu, để ở buồng xà lim. Thôi, dù sau này có kẻ nào nhìn thấy sợi ny lông, cũng không thể nào cho đó là chì mật. Hơn nữa, nó ở trong đường chỉ của mép túi, có khi cái ba lô ấy dùng đến rách nát, bỏ đi, cũng không ai trông thấy. Thời gian cấp bách quá rồi, không thể chần chừ được nữa. Cứ giùng giằng thì không làm nên việc gì cả!
Trong cuộc đời tình báo của tôi, và khi thụ huấn một số “cao nhân” trong nghề, tôi biết nhiều thế đánh, thế khóa, nhưng tựu chung, có mấy thế thật hữu hiệu. Tùy theo người đánh muốn đối phương chết, hay ngất ngay, không một tiếng kêu. Tất nhiên, cũng phải ở những cánh tay, cứng cáp và…yếu tố bất ngờ.
Tính rồi, tôi tươi nét mặt, tay vỗ trán nhìn tên cán bộ, vờ nói để có thể đến gần y được:
- À, tôi nhớ ra rồi! Tôi nhớ mang máng khoảng 1952 hay 53 gì đó, một hôm chơi trong buồng, tôi không thấy cái chum to nhất, tôi vẫn thường trèo vào trốn ú tim với các em. Tôi hỏi, con em 10 tuổi bảo là bố chôn ngoài vườn hoa, giữa gốc cây đào và cây mơ.
Mắt y sáng lên, y cúi gầm xuống tờ giấy ở trên bàn, hấp tấp:
- Đâu? Đâu? Cây đào và cây mơ nhà anh ở đâu?
“Thế là anh bạn đã lãnh đủ với tôi rồi!” Tôi đứng dậy, tiến sát vào bàn, cũng cúi xuống, tay trái của tôi chỉ chỉ, trỏ trỏ, như tìm những vật chuẩn ở phía sau nhà. Y đang ngồi, tay cầm một cái bút chì cũng rê rê theo ngón tay tôi. Trong khi đó, tôi chậm chạp xê dịch người, lựa đúng khoảng cách để ra đòn có trọng lượng cao nhất.
Vận sức vào cánh tay phải, tôi lấy đà quay một vòng, chớp nhoáng chém một phát như búa bổ vào cái gáy đang cúi xuống của y. Tôi vừa sử dụng cùng một miếng đòn của vỏ sĩ Samsaray, vô địch quyền tự do của Cam-Pu-Chia, đã hạ võ sĩ Hà Châu, vô địch Hồng Kông, và hạ võ sĩ Vĩnh Tiên, vô địch quyền anh Đông Dương, ở trận võ đài quốc tế những năm trước, được tổ chức trong sở thú (Sài Gòn). Tôi đã tính rồi, bây giờ vì đói khổ lâu ngày, sức giảm đã nhiều, vậy cú đòn đầu này có thể làm y choáng váng. Tiếp theo, tôi sẽ dùng một thế khóa cho ngất đi, mà không cho y chết, bởi vì, y không phải là kẻ thù chính của tôi. Nhưng, thật không ngờ, cú đánh của tôi vẫn còn quá mạnh. Y chỉ kêu được một tiếng “Hực”! nhỏ, rồi gục ngay xuống bàn, tay chân xuội ra, ngất ngay.
Tôi chạy lẹ ra chốt cửa lại. Trở vào, tôi cởi ngay bộ quần áo kaki xám cán bộ của y ra, cởi quần áo của tôi đắp cho y, để mặc y nằm nghiêng dưới chân bàn. Tôi móc ví y, thấy có hơn 10 đồng và nhiều giấy tờ. Tôi xem một cái thẻ, có ghi tên “Đỗ Đình Hạ”. Trong cặp có nhiều giấy tờ, tôi không có thời giờ xem, cứ việc cắp lấy đã. Tên Hạ này không có đồng hồ.
Trước khi mở cửa buồng tiến ra ngoài, tôi liếc nhìn tên Hạ. Thấy chân y từ từ co lại, duỗi ra, mặt y hồng hồng trở lại. “Phải cho y ngủ thêm lúc nữa đã”, tôi nghĩ thế, rồi tiến lại sau lưng y, dùng một thế khóa chẹn cổ, không cho y thở; chừng 5 phút, cả người y lẫn tay chân giật dúm lại. Một mùi thối hoăng xông lên. Tôi liếc nhìn xuống phía dưới: Y bĩnh ra một bãi. Nếu cứ giữ thế khóa này 15, 20 phút, chắc chắn y sẽ xuống lòng đất hầu hạ tên “đầu bóng, râu xồm” ở Hồng Trường Mạc Tư Khoa. Nhưng, tôi chỉ giữ yên khoảng 6, 7 phút rồi buông ra. Bây giờ, coi như đã trèo lên lưng cọp rồi. Đàng nào cũng thế, không tiến tới không xong. Tôi vuốt lại đầu tóc, quần áo, đi cả đôi dép râu của y, tôi đường hoàng mở cửa tiến ra ngoài.
Tên này không có mũ, tôi phải cần có một cái mũ nữa mới giải quyết được. Tôi vừa ra khỏi buồng, liếc nhanh toàn bộ sân giàn nho và cổng Hỏa Lò. Nhìn về phía trái, tôi thấy hành lang sâu hút, có lẽ là khu nhà của bọn công an vũ trang. Đầu không có mũ, ra cổng dứt khoát không ổn. Bằng mọi giá, phải kiếm được một cái mũ. Tôi liếc mắt nhìn chiếc xe đạp vẫn dựa vào tường phía ngoài buồng, chiếc khóa dây đeo ở ghi đông, không khóa vào xe. Có lẽ tên Hạ đã nghĩ đây là trong Hỏa Lò làm gì có ăn cắp. Nhưng, điều đó cũng nói lên là y không có chủ trương gặp tôi lâu. Tôi đành lần vào khu nhà của công an vũ trang để tùy cơ kiếm một cái mũ.
Phải làm nhanh, làm lẹ. Lúc này đã gần bốn giờ chiều. Để tới năm giờ là sự việc sẽ đổ bể. Giờ tan tầm, tụi cán bộ trực nhìn sổ, thấy còn tôi đi cung chưa về, sẽ phải báo cáo, và từ đấy phải đến phòng tôi đi cung…..
Thấy một cánh cửa khép hờ, tôi lại gần, nghe ngóng, liếc vào bên trong, yên ắng. Tôi đẩy nhẹ, thì ra đây là chỗ rửa mặt và giặt giũ của bọn công an vũ trang. Nhìn lướt qua một lượt không có cái gì tôi cần. Mãi chỗ góc treo nhiều khăn mặt, có một cái mũ nồi đen, tôi tiến nhanh đến, chộp lẹ. Cái mũ đã thủng một lỗ phía sau. Nhìn chéo phía trước mặt, tôi thấy một cánh cửa nữa, cũng chỉ khép hờ. Tay vẫn cầm chiếc mũ nồi, tôi tiến về phía cánh cửa đó. Ghé mắt liếc vào, nghe thoáng có tiếng ngáy nhè nhẹ. Có lẽ phòng ngủ của đám công an vũ trang. Có thể có những tên trực đêm, nên đang ngủ ngày. Như vậy, biết đâu trong buồng cũng có kẻ thức? Tôi muốn gắng kiếm một cái mũ cối của công an, nhưng nếu khó khăn quá, đành dùng cái mũ nồi này vậy. Có còn hơn không. Có mũ, mới che bớt được bộ mặt, chắc là gầy và xanh tái, của tôi. Hơn nữa, nhớ gặp cán bộ quen mặt, chúng khó nhận ra. Thử xem sao? Tôi nghĩ vậy và khe khẽ, từ từ đẩy cánh cửa đang khép hờ đó ra. Tôi giật thót người! Ngay cạnh cửa, một tên công an mặc áo may ô, da trắng hồng, đang ngồi qua lưng ra, lúi húi viết trên một cái rương màu xanh. Quá căng thẳng, tay tôi nhè nhẹ kéo cánh cửa lại như cũ. Hú vía, nếu hắn quay mặt ra thì…..
Thôi, không thể kiếm mũ được rồi. Thời gian trôi qua, cấp bách lắm rồi, tôi không được phép chần chừ nữa. Lùi qua phòng rửa mặt, tôi trở ra. Lúc này, tôi đành đội cái mũ nồi lên đầu. Về tới phòng cung, cửa vẫn đóng như trước, tôi đẩy nhẹ, vào lấy cái cặp khi nãy tôi để ghệ vào chân tường, bên trong buồng. Tên Hạ vẫn nằm một đống, căn buồng nồng nặc mùi phân. Ra khỏi buồng, tôi khép cửa lại.
Vừa đặt tay vào chiếc xe đạp, định buộc cái cặp vào yên hành lý phía sau xe, mắt tôi chợt thoáng thấy tên Thế “mũi cà chua” đang từ giữa vườn hoa tiến về hướng tôi. Tôi vội vàng nghiêng người đi, như đang tập trung trí óc vào việc buộc cái cặp. Một luồng lạnh chạy từ dưới lưng lên gáy tôi. Qua kẽ nách, tôi thấy đôi dép râu và hai ống quần màu vàng, đang chậm chạp tiến sát lại gần. Tôi thoáng lên một quyết định trong óc. Được, hôm nay, có gì, tôi sẽ cùng chết với tên “mũi cà chua” này. Tôi vẫn bầm gan tím ruột vì trận đòn phủ đầu của nó ở Hỏa Lò, hơn hai năm về trước với tôi. Đôi dép râu và hai ống quần kaki màu vàng đã đến gần hơn, còn cách sau lưng khoảng chừng 7 – 80 phân thì ngừng lại, như ngập ngừng do dự một lúc. Chân trái tôi đã hơi chùn xuống và bàn tay phải nắm chặt lại, sẵn sàng. Nhưng, hai ống quần vàng lại rẽ đi vào phía nhà ngủ, của công an vũ trang. Một hơi thở nén từ nãy bây giờ từ từ xì ra, tôi nhẹ hẳn người. Muốn hay không muốn, lúc này tôi phải tiến ra cổng rồi.
Thường ngày, hai cánh cổng lớn Hỏa Lò ở giữa, to như cổng thành, vẫn đóng, chỉ trừ khi có xe ô tô ra vào đặc biệt, mới mở. Còn như bình thường, tụi cán bộ làm việc ra vào, sẽ đi hai ngách cổng nhỏ ở hai bên cửa chính. Mỗi bên, đều có một bàn xét giấy tờ, và một công an vũ trang bồng súng gác phía ngoài. Chiếc ngách cổng này là một lối đi rộng chừng 1m rưỡi, dài chừng 8m bằng bề ngang của chiếc cổng. Bên trên cổng là căn lầu nhiều buồng, xây kiên cố, để bọn giám thị và cán bộ ở. Với lối đi hẹp như vậy, nếu có hai chiếc xe đạp cùng ra vào một lúc, một chiếc phải ngừng lại, nép sát phía tường, nhường cho chiếc kia đi, rồi chiếc này mới đi được.
Dắt chiếc xe đạp từ từ về phía cổng, tôi hơi băn khoăn là khi đi qua bàn giấy, có phải cán bộ nào cũng phải trình giấy, hay chỉ người lạ. Vì vậy, tôi dừng lại, vờ cúi xuống sờ sờ, mó mó lại cái má thắng của bánh trước, trong lúc tiến chậm về phía cổng, chờ mấy tên cán bộ đi ra vào để quan sát. Thực ra, đứng ở đây rất nguy hiểm, lỡ bất ngờ có cán bộ quen mặt ra vào, thì chỉ có nước…..độn thổ. Nhưng khốn nổi, tôi lại chưa biết gì về cách ra vào trình giấy tờ…Thật may, nếu không dừng lại để theo dõi, chắc chết. Một số cán bộ đi ra (tất nhiên là lạ) đều ghé vào bàn giấy để lấy tấm thẻ, chắc lúc vào đã phải gởi. Bây giờ, tôi lại lo lắng điều khác, nếu tên cán bộ ngồi ở bàn giấy quen với tên Đỗ Đình Hạ này, việc sẽ đổ bể ra ngay. Nhưng, dù nguy hiểm đến đâu, đã ngồi trên lưng “ông ba mươi” rồi, tôi không còn cách chọn lựa nào khác.
Tôi đường hoàng dắt xe tiến tới chỗ bàn giấy. Tên cán bộ ngồi ở bàn giấy chừng 28, 30 tuổi, trông hơi quen quen mặt, hình như tôi đã có lần thoáng thấy y, những khi trên đường đi cung thì phải. Nhưng, lúc này, tôi không thể nhớ ra được. Và, hy vọng là y cũng không thể nhớ ra mặt tôi!…..
Khi tới gần bàn, y ngẩng mặt lên nhìn tôi quan sát. Tôi tươi mặt tình cảm:
- Chào đồng chí! Tôi, Đỗ Đình Hạ!
Y nhìn tôi, mắt y mở to, thoáng vẻ như ngỡ ngàng. Tôi cũng thấy nóng hai bên má, ngực tôi ngứa ran lên. Im lặng và nặng nề. Tôi phải phá tan cái không khí này, vừa cười, tôi vừa nói như ca thán:
- Tôi tưởng chỉ một giờ, thế mà kéo dài gần ba tiếng!
Giữa lúc đó, có hai tên cán bộ dắt xe đạp từ ngoài cổng đi vào, phải dừng lại một bên chờ vì vướng xe tôi. Tên cán bộ ngồi bàn giấy đưa tay lên cái khay xếp nhiều tấm thẻ, lật vài tấm, rồi cầm một cái lên, mở ra coi. Trước khi đưa cho tôi, y còn nhìn tôi như ngập ngừng định hỏi gì lại thôi. Tôi cầm tấm thẻ, cười với y, rồi dắt xe tránh lối cho hai chiếc xe đạp kia vào.
Trời đã đầu Thu mà trán tôi cũng rướm mồ hôi. Đây là cửa ải sinh tử! Nếu tôi qua được, ra khỏi cổng Hòa Lò, coi như thoát 80-90%.
Tôi phác một viễn ảnh sơ khởi trước mắt: để đánh lạc hướng điều tra, lùng sục của công an vì chúng sẽ đặt trọng tâm hướng đi của tôi là về Nam, hoặc hướng Tây để sang Lào, vậy tôi sẽ đi ngược lại về hướng Bắc. Sau đó, tìm cách bán chiếc xe đạp, nằm lì một thời gian, rồi tìm thời cơ ăn cắp một giấy tờ khác, tùy theo điều kiện mới ìm về hướng Nam.
Trước cổng Hỏa Lò, tôi đã thấy con phố hẹp và vắng. Liếc thoáng tên cán bộ vũ trang đang đứng gác, nét mặt y trẻ măng, chừng 20 tuổi. Nhìn từ phía sau, tôi thấy đầu tóc y cắt ngắn ngủn và nhọn hoắt lên, như trái bưởi Biên Hòa. Khẩu CKC đeo ở vai y chúc mũi xuống. Chiếc báng súng lắc lư theo nhịp điệu bàn chân y, đang đập đập xuống nền hè. Mắt y hình như đang lơ đãng nhìn mấy cây sấu phía bên kia phố. Lúc tôi dắt chiếc xe đạp ngang qua y, y mới xoay người đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt vẫn còn lờ đờ như vừa đắm chìm, trong một giấc mộng dài. Tôi hơi tuơi nét mặt, nhếch mép mỉm cười với y. Môi y cũng cong lên, ngọ nguậy một cách ngờ nghệch thụ động, để đáp lại nụ cười của tôi.
Bất chợt, bánh sau chiếc xe đạp tôi đang dắt, nẩy lên một cái từ trên hè xuống dưới đường, chiếc dây xích tuột ra. Đúng lúc đó, từ phía bên kia đường, tên Lê phó giám thị và tên Điền coi nhà tiếp tế đang ngồi trên hai chiếc xe đạp rẽ sang cổng Hỏa Lò. Không kịp tránh nữa rồi! Cả hai tên đang cười đùa gì đấy, bỗng im bặt. Tôi xoay nhanh mặt về phía tên công an vũ trang đang gác, cũng còn kịp thấy hai cặp mắt cú vọ của chúng mở to nhìn tôi.
Căng thẳng và hồi hộp. Nếu tôi cúi xuống lắp xích xe, chắc chắn chúng sẽ đến hỏi để xem kỹ mặt tôi. Nếu cứ để tuột xích dắt xe đi ra cổng, chúng có thể càng nghi ngờ hơn, đuổi theo hỏi. Thần kinh tôi như tê dại đi mấy giây đồng hồ. Đành quyết định dắt chiếc xe đạp tuột xích đi.
Không xong rồi, một tiếng gọi rổn đanh lên của tên Lê, như ra lệnh:
- Đồng chí kia, đứng lại!…..
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen