I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 46
hững ngày giữa tháng 5 năm 77 bỗng dưng các công tác có quy hoạch lớn được ngưng lại. Bọn tù được lệnh ở nhà sửa sang doanh trại, vét cống vét rãnh, vét giếng hoặc chỉ luân phiên tưới rau xanh ngoài các khu canh tác. Cũng có nhiều đội bị lôi lên các ban chỉ huy trại làm tạp dịch cho cán bộ. Những công tác này đã số chỉ là vét hầm cầu, quét dọn hoặc khuân gạo vào kho hậu cần, xuống thực phẩm khỏi các xe tiếp tế của khung hoặc sửa bếp, đóng bàn ghế...
Nhà 2 đội 17 có nhiệm vụ thực hiện một đường mương dài, dẫn từ nhà bếp ban chỉ huy trại 4 ra thửa ruộng nằm phía sau. Vĩnh và các bạn tay cuốc tay xẻng hùng hục đào mương dưới sự giám sát và canh phòng rất ơ hờ của một tên vệ binh. Vĩnh vừa cuốc vừa nhìn tên vệ binh. Nó trẻ quá, tuổi chỉ độ 17 là cùng. Trong bộ quân phục bèo nhèo và hơi rộng, thân thể nó coi mòi chẳng mập mạp hơn bọn tù bao nhiêu. Tệ hơn thế, nước da nó xanh mét như người đã phải chịu đựng chứng sốt rét nhiều năm không đủ thuốc chữa. Hàm răng vẫn là một hàm răng hô. Đôi mắt kèm nhèm như một người từng có thời kỳ bị đau mắt hột. Dáng dấp thằng vệ binh rõ ràng là một bằng chứng cụ thể về một con người đã bị một sức nặng vô hình đè bẹp từ thời còn măng sữa, và đã phải khắc phục quá sớm hết gian khổ này đến gian khổ khác để tiến tới... thành công đúng như lời Bác và Đảng đã từng ép uổng chịu đựng.
Nó ngồi trên một đống gạch vỡ, súng để ngang đùi ngó trời ngó đất và không thèm ngó ngàng gì đến bọn tù đang đào đường mương.
Giọng tổ trưởng Trần Bình cất lên đốc thúc anh em.
- Ráng lên mấy ông. Đào vòng đi. Tránh mấy cái cột điện có đế xi măng bằng không sẽ gãy cuốc hết.
Vĩnh quăng cái cuốc sang một bên, tiện tay cầm lấy cái xẻng và chống dưới đường mương đứng thở. Anh nhìn Trần Bình và thấy thương hắn. Bình cũng dân Hải quân như Vĩnh. Hắn mang cấp bậc trung úy đoàn viên. Anh ruột của Bình là Trần Công Quốc, cựu Hải quân thiếu tá khóa 12 Nha Trang và cũng là dân biểu quốc hội. Quốc thành dân biểu chính nhờ anh em Hải quân vận động cho rất nhiều trong thời gian tranh cử. Nhưng không ai ngờ Trần Công Quốc đã phản bội ngay khi làm dân biểu. Những đêm nằm bên nhau tâm sự, chính Trần Bình đã tiết lộ hết sự thật cho Vĩnh nghe. Theo Bình kể, Quốc đã chứa điện đài của Việt cộng trong nhà. Đã cưu mang trong tư thất ông dân biểu một bầy gián điệp địch mà cầm đầu là một trung tá Cộng sản từ Bắc vào...
Đợt thăm tháng Mười, ông anh vào thăm ông em. Ông anh, ông em cãi nhau một trận kịch liệt. Ông em hỏi.
- Bây giờ Cách mạng chiêu đãi anh chức vụ gì?
Ông anh buồn buồn nói.
- Chức vụ gì đâu. Họ cho trở về làm nghề gõ đầu trẻ là may rồi!
Bình không nhận tí quà nào của ông anh phản bội trong lần thăm ấy!
Tên vệ binh thình lình đứng dậy nhìn mặt trời và ra lệnh.
- Thôi mấy anh nghỉ tay uống nước đi. Cũng 10 giờ rồi đấy. Tôi cho các anh nghỉ tối đa, nhưng coi chừng mấy thằng quản giáo đấy.
Vĩnh và các bạn đều kinh ngạc với thái độ và lời nói đầy thân mật của tên vệ binh trẻ tuổi. Tất cả bò lên khỏi đường mương, tụm lại với nhau dưới mái hiên một dãy cầu tiêu của bộ đội ngồi uống nước nghỉ ngơi.
Vĩnh kiếm một chỗ riêng biệt, ngồi tựa lưng vào một phuy nước lôi cái ống sáo tre trong người ra và dùng một cái đinh chặt nham nhở dũa những lỗ sáo.
Tên vệ binh bỗng xà xuống bên cạnh và Vĩnh thực sự ngẩn người khi nghe nó hỏi bằng một ngôn ngữ không ngờ.
- Anh biết làm sáo hả? Em cũng thích sáo lắm cơ!
Vĩnh ngước mắt nhìn nó dò xét. Nét mặt nó thành thật quá, ngây thơ quá nhưng Vĩnh không biết làm sao trả lời.
Tên vệ binh lại tiếp. Thế anh có biết thổi sáo không?
Vĩnh cười khẽ.
- Tôi làm sáo được thì phải biết thổi sáo chứ.
Tên vệ binh thả mắt nhìn về phía văn phòng ban chỉ huy trại.
- Em biết thổi sáo từ hồi mười tuổi lúc còn chăn trâu ở quê nhà. Nhưng em lại không biết làm sáo. Em yêu âm nhạc lắm anh ạ.
Lối nói chuyện của tên vệ binh làm Vĩnh đâm tò mò.
- Quê anh ở đâu? Sao lại chăn trâu? Chứ không đi học à?
- Quê em ở Hà Nam Ninh anh ạ. Làng em nhỏ lắm. Em mồ côi cha từ bé. Mẹ em làm việc cho hợp tác xã nông nghiệp, nhờ đó em được chăn trâu cho hợp tác xã...
Vĩnh ngạc nhiên quá, bật hỏi.
- Thế việc chăn trâu của hợp tác xã không có quy mô lớn à?
- Làm gì có quy mô anh! Cả hợp tác xã chỉ có hai mươi đôi. Con em các xã viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến được giao trâu mà chăn và được hưởng thêm 12 cân khoai bằng nếu là gạo thì 6 cân... Em bỏ học sớm lắm để lao động giúp đỡ mẹ em. Mẹ em bị lao mà cứ phải tranh thủ làm thêm ngày nghỉ khổ lắm.
Quả thực Vĩnh không sao tránh khỏi bùi ngùi. Chao ôi, trên căn bản con người, thế hệ thanh niên ngoài Bắc nào đã được sống như một kiếp người! Vĩnh lại hỏi.
- Anh đi bộ đội lâu chưa?
Tên vệ binh ngó Vĩnh buồn thảm.
- Lâu rồi anh ạ. Em bị bắt nghĩa vụ từ hồi mười bốn. Năm nay em mười tám. Em chẳng biết mẹ em có ai đắp mộ cho không!?
- Ủa, thế mẹ anh mất rồi à?
Tên vệ binh hơi ngẩng cao cổ như đang cố nuốt vào bụng một hòn bi.
- Uất hận lắm anh ơi. Vừa giải phóng xong thì mẹ em mất. Người trong hợp tác xã có đánh giây thép cho đơn vị em lúc còn đóng ở Tây Ninh. Thế nhưng chúng nó dấu biệt. Chúng không muốn cho em về phép. Sau này người làng vào Nam tìm gặp được em. Người ấy là ông chú em. Ông chú em cho biết mẹ em đã mất và hợp tác xã có đánh hai lần giây thép báo tin. Em khóc muốn mù mắt. Chú em giao lại cho em một cái rương giờ còn để đầu giường. Trong rương chỉ có ít thước ka-ki Nam Định mẹ em để dành cộng với mấy cái quần sờn gối của bố em ngày xưa. Chú em cũng giao cho em một gói nhỏ bảo đó là tiền của mẹ em để dành. Được 204 đồng anh ạ. Em cầm tiền mà khóc mùi. Em biết đó là vốn liếng cả đời lao động của mẹ em...
Vĩnh nói khẽ.
- Thôi mẹ anh mất rồi, để yên cho mẹ anh yên nghỉ. Mẹ góa con côi, anh buồn đau nhiều quá mẹ anh không chết yên đâu.
Tên vệ binh nhìn Vĩnh đăm đăm. Mắt nó đỏ hoe.
- Quên sao được anh! Em đâu có muốn đi bộ đội. Sau hiệp định Paris nó bắt nghĩa vụ trên quy mô lớn. Làng em đâu còn thanh niên. Đi trước sốt cả rồi. Nhưng vì chỉ tiêu của trên, làng bắt cả những đứa 13, 14 tuổi như em đem nộp về tỉnh cho đủ số. Làng em giờ này chắc chỉ còn những ông già bà cả. Con gái cũng bắt nghĩa vụ luôn. Họ nói là chỉ vào Nam tiếp quản thôi, không đánh đấm gì hết. Nhưng thực tế đánh gần chết anh ạ!
Câu chuyện của tên vệ binh bỗng dưng Vĩnh được nghe một cách quá thình lình, khiến anh không biết phải đối đáp ra sao. Một lúc Vĩnh cố lái sang vấn đề khác.
- Đời sống anh thế nào?
- Thế nào là thế nào anh?
- Thì ở trại này này, sống thoải mái không?
- Thoải mái là thoải mái với mấy thằng có tuổi Đảng kìa. Tụi em nào có đặc quyền đặc lợi gì đâu. Có hơn là hơn các anh tí chút thôi. Hơn ở chỗ gần đây không phải ăn cơm độn và mỗi bữa đều có tí chất tanh, chất đường và cả chất mỡ...
Vĩnh lại ngó tên vệ binh. Đôi mắt của nó rõ ràng không ẩn một nét dối trá nào. Anh khai thác thêm.
- Tôi thấy quân đội các anh sống thương nhau lắm mà. Bình đẳng nữa. Mọi người đều gọi nhau anh anh em em.
Tên vệ binh bỗng đẩy cái súng ra khỏi đùi, trợn mắt.
- Anh lầm hiện tượng với bản chất rồi! Chúng nó quan liêu còn hơn phong kiến.
Vĩnh bỗng cười cười và nói chận.
- Thế anh có biết phong kiến quan liêu thế nào không mà dám đem so sánh?
Tên vệ binh có vẻ hơi ngượng.
- Ừ thì Đảng dạy phong kiến quan liêu thì biết phong kiến quan liêu thôi. Em đâu biết gì hơn.
- Vậy các đồng chí chỉ huy quan liêu thế nào mà anh than quá thế?
- Ối dào! Hôm nọ em mang bát cơm ra trước ban chỉ huy ngồi ăn một mình cho mát, chẳng may đánh rơi mấy hạt cơm xuống đất, thằng thủ trưởng nó chửi em như tát nước rồi nó bắt em cởi áo bộ đội ra lau sạch cái nền đất trước phòng của nó. Em ức lắm mà vẫn phải chấp hành lệnh.
- Tôi...
Vĩnh tính ngắt lời nhưng tên vệ binh không chịu. Nó vẫn ào ào kể.
- Anh để em kể hết cho anh nghe. Em yêu nhạc lắm. Em thấy anh tranh thủ giờ giải lao để làm ống sáo tức là anh cũng phải yêu nhạc ghê lắm. Từ ngày vào đây thú thật em chết mê chết mệt với nhạc vàng trong này. Chao ôi sao mà hay quá anh ạ. Dù em phải học ngày học đêm chính sách chống văn hóa đồi trụy nô dịch của Mỹ ngụy, nhưng sao em vẫn chẳng thấy nó đồi trụy nô dịch chỗ nào cả. Em chỉ thấy nó hay thôi. Mà hay thì em cứ bảo rằng hay. Em còn biết thằng thủ trưởng và thằng chính trị viên chúng nó cũng tàng trữ trong phòng cả đống băng nhạc vàng chứ bộ không sao! Phần em, sau nhiều đêm tính toán, em quyết định dùng số tiền để lại của mẹ em ra chợ trời Biên Hòa mua một cái cát-xét và bốn cuộn băng nhạc vàng. Em đưa về trại và dấu nghe một mình. Nhưng rồi có lẽ mấy thằng bạn trong Đoàn 1 nó báo cáo em, nên thằng chính trị viên nó biết, nó gọi em cảnh cáo. Kệ nó! Nó nghe nhạc vàng được, nó đọc truyện chưởng được thì em cũng cứ nghe nhạc vàng xem đã chết ai! Thấy em không chấp hành nghiêm chỉnh lời cảnh cáo, tụi nó tịch thu mất của em một băng nhạc vàng Thanh Thúy. Cho tụi nó tịch thu, em còn tới ba cuốn băng khác. Nhưng không ngờ lần sau chẳng những tụi nó tịch thu cả ba cuốn băng còn lại mà còn tịch cả máy và đuổi em ra khỏi Ban Quân Y trại nữa!
Vĩnh hết ý kiến với câu chuyện kể quá thành thật của tên vệ binh. Nhưng anh biết an ủi nó cái gì bây giờ. Bọn "tụi nó" chỉ tịch thu của một đồng chí thấp cổ bé họng một cái cassette và vài cuốn băng nhạc thôi, chứ tụi nó tịch thu cạn tầu ráo máng của cả đất nước này đến tận cùng xương máu rồi, ai an ủi cái đất nước lầm than này đây!? Nghĩ thế Vĩnh chỉ nói khẽ.
- Thôi mất cái này anh mua cái khác.
Tên vệ binh vội đứng lên vì thấy một thằng quản giáo đang trờ tới.
- Trời ơi! Lương em trừ tất cả cơm nước linh tinh mỗi tháng chỉ còn 5 đồng nhét túi. Đi một cuốc xe lam ra Biên Hòa là hết nhẵn. Đến kiếp sau họa may mới mua nổi cái khác...
Nói rồi tên vệ binh vội vã lớn tiếng với mọi người. Thôi, yêu cầu các anh trở lại lao động, giải lao xong rồi...
Vĩnh trở lại với cuốc với xẻng. Anh Huy đứng bên cạnh đùa khẽ.
- Này, tớ ghi nhận hết đấy. Cậu thủ thỉ tuyên truyền phản động cái gì với thằng vệ binh nhóc tì ấy đấy? Liệu hồn không bị "phản phúc" vỡ mặt đấy nhé!
Quản giáo Thừa bước tới phía bọn Vĩnh đang đào mương vừa lúc những tiếng kẻng bất thường từ nhà kiểm soát nơi cổng trại vang lên. Mọi người hơi ngơ ngác vì tiếng kẻng khua lên lúc chưa tới 11 giờ. Lúc này Vĩnh mới nhận thấy nhiều toán tạp dịch khác như toán kéo nước cho nhà bếp bộ đội, toán sửa mái nhà cho ban chỉ huy, toán sửa bàn ghế cho bọn hậu cần, toán chuyển phân trong cầu tiêu cán bộ ra ao rau muống gần khu chuồng bò... đều đã nghỉ tay và tập họp đội hình. Quản giáo Thừa chợt ngoắc tổ trưởng Trần Bình ra lệnh.
- Này anh Bình! Ngưng tay công tác cho anh em tập họp về trại.
Cả đám cố dấu sự vui mừng trong lòng, vội vã tập trung cuốc xẻng vào một góc rồi ra tập họp. Tổ trưởng Bình sau khi điểm danh, cất tiếng báo cáo.
- Báo cáo anh tổ đào mương 10 người tập họp đủ!
- Thôi được, bây giờ cho anh em về trại. Khẩn trương lên!
Từ ban chỉ huy trại 4 về tới trại chỉ băng qua một con đường. Bọn Vĩnh vừa đi vừa bàn tán.
- Chuyện gì mà được nghỉ đột xuất vậy nhỉ?
Một người lên tiếng.
- Chuyện gì! Chẳng lẽ thống chế Nguyễn Cao Kỳ và đại tướng Ngô Quang Trưởng đã tiến vào Sài Gòn? ĐM. được nghỉ thì cứ sướng cái đã!
Về tới phòng Vĩnh nằm vật ra thở. Chung quanh anh các tổ khác hầu như đã về trước từ hồi nào. Họ đang bu vào hút thuốc lào rổm và bàn tán việc được nghỉ lao động sớm.
- Đám thằng Thừa nó nói đúng đấy. Tao nghi được thả một mớ không chừng! Lúc này nghe đồn áp lực quốc tế dữ lắm. Nghe phong thanh có nhiều phái đoàn Hồng Thập Tự và Liên Hiệp Quốc đã ghé thăm nhiều trại cải tạo ngoài miền Trung.
- Nhiều ít không cần, miễn sao có người được thả thì mới hy vọng cánh cửa trại tù từ từ được mở rộng hơn.
Nghe anh em bàn tán mà Vĩnh đau đầu. Mấy ngày nay anh bị bệnh nhức đầu hành hạ. Nghe mấy vụ này còn khiến đau đầu hơn nữa. Cái vụ được thả... sang trại nuôi trâu bò của thằng Hạ mấy tháng trước còn rành rành trước mắt, có lãng mạn cách mấy thì Vĩnh cũng không thể tin được nữa. Chim bị bắn hụt cả trăm lần rồi sao vẫn nhiều anh cứ bị mắc hợm! Vĩnh moi mấy viên thuốc bổ mà ông học trò của anh đã tặng cho uống một viên, xong anh lại nằm xuống suy nghĩ vẩn vơ. Ngay lúc ấy Nguyễn Chí Kham từ ngoài dáo dác bước vào. Anh tiến đến chỗ Vĩnh nằm và nói khẽ.
- Vĩnh, ra ngoài này nói chuyện.
Vĩnh chồm dậy đi theo Kham ra ngoài sân. Hai người tiến tới khoảng trống gần bếp đội 18. Vĩnh hỏi.
- Chuyện gì vậy?
- Chưa biết à?
- Biết gì đâu!
- Trưa nay cả trại sẽ lên hội trường học bài gì đó, sau đấy sẽ rất nhiều người được thả.
- Chắc không?
- Lấy gì làm chắc, nhưng chính tôi nghe thấy thằng Lê Bá Lý nó nói như thế.
- Thằng Lê Bá Lý đâu có phải thằng Lê Duẩn.
Kham lắc đầu.
- Thì chỉ biết vậy thôi. Tôi báo cho ông vui. Vả lại thằng Lý nó bảo với nhà trưởng của tôi rằng ít lắm cũng thả một phần ba. Không biết mình có đẻ bọc điều không!?
- Ông Dzoãn Bình thế nào?
- Ông ấy cũng hý hửng lắm.
Vĩnh lại hỏi.
- Có liên lạc với Nguyễn Hữu Nhật không?
Kham bỗng giẫy nẩy.
- Thôi chết tôi quên mất! Hôm qua Nhật nhờ người chuyển cho ông một lá thư. Tôi để quên ở nhà mất rồi.
- Thôi được. Chút tôi theo ông sang đó lấy. Hắn còn ở trại 2 hả?
- Tôi không biết. Lá thư được chuyển từ bệnh xá. Tôi nghe phong thanh hắn làm khối mộc, bào gỗ bị trật đường bào, dằm gỗ xẻ rách cả bàn tay phải đi nằm bệnh xá.
Sau đó Vĩnh theo Kham đến đội của anh ta, tuy nhiên Vĩnh chỉ đứng xa xa vì đội của Kham có thằng Lê Bá Lý quá hắc ám, anh không muốn gây phiền hà cho bạn và cả cho mình.
Một lúc sau Kham chạy ra, mặt mày hớt hải.
- Chết rồi ông ơi. Ông Dzoãn Bình vừa có lệnh thu quần áo chăn mùng và cơ động chờ lệnh.
- Có người nào khác nữa không?
- Không, chỉ mình ông ấy thôi.
- Lạ nhỉ! Lâu lắm rồi mới có vụ biên chế lẻ tẻ như thế này. Lạ nhỉ! Ông ấy đâu?
- Ông ấy trong nhà đang sửa soạn đồ đạc.
- Tôi vào được không?
Kham ngần ngại.
- Không nên, thằng Lê Bá Lý nó khó lắm. Kẹt đấy!
- Thôi được, ông nói với Dzoãn Bình có tôi muốn gặp ông ấy. Có gì ông ấy chạy qua đội tôi.
Nói rồi Vĩnh nhận lá thư cuộn nhỏ của Nhật gửi và quay gót về nhà. Lá thư viết.
Tôi bị thương ở tay nằm viện 4 ngày rồi. Hai ngày nay trên bệnh xá thiên hạ đồn vụ thả ghê lắm. Các bác sỹ Cách mạng ở đây cũng úp mở cho biết trong số bệnh nhân có quá trình học tập lao động tốt cộng với lời đề nghị yếu kém sức khỏe của quân y trại sẽ được thả trong nay mai. Phần ông thế nào? Có khỏe không? Tôi chịu bài Mộng Về lắm. Hát đã thuộc lòng. Có cách gì chuyển cho tôi ít bài nữa. Tôi có đường dây Tây.
Thân. ĐĐH
Vĩnh xé nhỏ lá thư của Nhật nhét vào túi. Anh không quan tâm lắm đến nội dung của lá thư. Hiện tại bên trại này đang có cả núi tin đồn nghe không hết, nghe thêm làm chi tin đồn ở bệnh xá. Còn chuyện đưa thêm cho Nhật ít bài nhạc nữa để "Tây" 2 là điều không thể. Chưa phải lúc. Vả lại, nói cho cùng Vĩnh không đủ can đảm liều mạng vì mấy bản nhạc chưa đâu vào đâu.
Nghĩ thế nhưng Vĩnh cũng viết vài chữ trả lời và tính chuyện chuyển cho Nhật khi có thể.
Đang loay hoay viết thư thì ông Dzoãn Bình xuất hiện nơi cửa gọi lớn.
- Vĩnh! Vĩnh! Ra đây cái coi.
Vĩnh choàng dậy chạy ra cửa.
- Nghe nói anh có thể bị lôi đi đâu phải không?
- Ừ, tôi đang lo đái ra máu đây. Tự dưng khi nãy thằng quản giáo đội nó tìm tôi và ra lệnh thu vén đồ đạc cơ động chờ lệnh của khung. Lo quá ông ạ. Không biết nó lôi tôi đi đâu đây!
Vĩnh đành an ủi.
- Cá nằm trốc thớt, lo làm gì cho nó tổn thọ. Kệ mẹ nó anh! Đi chỗ khác thay đổi không khí không chừng lại đạt yêu cầu hơn.
Dzoãn Bình trông có vẻ buồn lắm. Nhưng có lẽ vì chưa có một cái gì xác đáng để mà than thở nên anh im lặng, móc túi lôi ra một gói giấy nhỏ xíu.
- Chả biết chút nữa đây ra sao. Thôi thì cũng đành kệ mẹ nó. Tới đâu thì tới. Tôi nghe cậu đang bị chứng đau đầu hành hạ. Tụi nhỏ kỳ thăm vừa rồi chúng nó có đem vào cho tôi 20 viên Cervotonique. Tôi để dành 10 viên, chia cho cậu 10 viên. Nói rồi Dzoãn Bình vỗ vai Vĩnh. Ráng giữ sức khỏe nghe "thi sởi". Cái đầu là quan trọng nhất. Ráng tỉnh táo. Tôi tin cậu sẽ...
Dzoãn Bình chẳng nói hết câu. Anh bỏ tay khỏi vai Vĩnh và lầm lũi quay đi.
Cơm trưa xong thì tất cả được lệnh tập trung lên hội trường. Tin đồn đã có một phần nào đúng. Hơn một ngàn tù của trại 4 dồn hết lên một hội trường chật hẹp, được tù đắp nền đất và khênh luôn ba dãy nhà cũ có chiều dài 5m X 8m ráp dính vào nhau từ ngày Vĩnh vừa được biên chế sangđây. Diện tích không chứa nổi số tù nên bọn quản giáo đã cho phép một số đông xếp hàng ngồi ngoài hiên để lắng nghe một "thông cáo quan trọng" của chính sách cải tạo đầy khoan hồng và nhân đạo của nhà nước Cộng sản.
Một giờ trưa, sau những thủ tục ổn định chỗ ngồi, sau những bài phát hát đại loại "Như Có Bác Hồ Trong Ngay Vui Đại Thắng", sau những nghiêm những nghỉ, bọn quản giáo và cán bộ khung đã ngồi đầy trên những hàng ghế kê trước mặt bọn tù. Trước mặt chúng có một cái bàn, trên bàn có một cái radio cải tiến thành máy vi âm với năm sáu cái loa lớn giăng khắp đó đây. Tên chính trị viên mang quân hàm thượng úy ngồi trước cái máy radio cải tiến và bắt đầu lên lớp.
- Hôm nay khung cho các anh nghỉ lao động, tập họp tại hội trường để nghe một thông cáo quan trọng. Yêu cầu trước mặt các anh phải tuyệt đối trật tự, giữ yên lặng và lắng nghe tốt thông cáo. Trời tháng này có nóng, hội trường ta có chật, yêu cầu các anh khắc phục nghe cho tốt.
Sau khi ngoái lại để hội ý sơ qua với thằng thủ trưởng ngồi ghế phía sau, tên chính trị viên trở lại với bọn tù: Vậy thì là thế này. Như các anh đã biết, sau ngày đất nước ta toàn thắng đế quốc Mỹ, toàn thắng bọn tay sai ngụy quân ngụy quyền, chính quyền Cách mạng đã phát huy truyền thống anh hùng và bao dung của người xưa, chỉ đánh kẻ chạy đi, không bao giờ đánh người chạy lại, đã tạo điều kiện quy các anh về đây học tập cải tạo, mong các anh sớm trở nên người lương thiện, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ Cách mạng sau này...
Tên chính trị viên khởi đầu bằng bài học mà bọn tù trong gần hai năm qua đã nghe cả 1.001 lần. Do đó, dù sốt ruột không rõ thông cáo quan trọng là thông cáo gì, bọn tù chỉ dùng thì giờ quay ngang quay dọc bàn tán nho nhỏ cho quên cái nóng đang phủ trùm trong hội trường. Mãi cho đến khi có vài tay báo động rằng: Nghe kìa! Họ đọc thông cáo... thì hầu hết mọi người mới chú ý trở lại. Bên trên, tên chính trị viên vẫn vuốt mồ hôi lên lớp.
- Có vào thì phải có ra. Cách mạng luôn luôn trước sau như một. Ngày mai đây, một số đông đảo các cải tạo viên đã học tập tốt, lao động tốt, có những chuyển biến lớn trong tư tưởng, đã tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình học tập cải tạo vừa qua, sẽ được Cách mạng cho về đoàn tụ với gia đình. Việc xét thả này sẽ chứng minh với những kẻ xấu, những kẻ vẫn yếu lòng tin không chịu phấn đấu học tập cải tạo thấy rằng sự xuyên tạc về chính sách cải tạo của nhà nước ta là hoàn toàn sai trái...
Đối với Vĩnh, nghe thế là đủ rồi! Đến lúc này ít ra cũng đã phải 3 giờ rưỡi chiều. Vĩnh ngó qua cửa sổ hội trường ra ngoài vuông sân xi măng chan chứa nắng nằm gần dãy nhà của đội 13. Thốt nhiên Vĩnh giật mình. Rõ ràng Dzoãn Bình đang ngồi trên sân nắng với cái túi chăn mùng quần áo và đợi một điều gì đó. Anh ta ngồi thu mình dưới nắng, trên đầu đội cái nón cối rách cũ không còn vải bọc mà chỉ còn lớp bần bên trên trong trông tàn tạ quá sức tưởng tượng.
Dzoãn Bình bị lôi đi đâu? Tại sao chỉ đi có một mình? Ngồi lẻ loi ngoài sân nắng chờ một quyết định cho vận mệnh mình chẳng biết từ đâu đưa tới, anh ta đang nghĩ ngợi gì? Vĩnh rất muốn nhưng vô phương chạy ra ngồi với bạn.
Một lúc sau đó Dzoãn Bình bị hai tên vệ binh từ cổng trại bước vào và dẫn đi mất. Vĩnh còn nhớ như in cái địa chỉ của anh Dzoãn Bình, nhưng làm cách nào báo tin cho gia đình anh biết?
Dưới sức nóng của tháng Năm, ngồi trong hội trường với đủ thứ vấn đề quay cuồng trong đầu, óc Vĩnh như muốn vỡ tung. Anh tính đóng một vở kịch ngất xỉu để được về nhà nằm. Nhưng vở kịch chưa kịp thực hiện thì những tiếng hô hoán đã nổi lên. Những bài hát kế tiếp cho Vĩnh biết giờ lên lớp sắp chấm dứt...
--------------------------------
1 Đoàn: Cán binh miền Bắc trên thực tế rất chia rẽ, do sự chênh lệch về quyền lợi giữa người chưa được nhập Đoàn, nhập Đảng với những người đã được gia nhập. Qua một thời gian ở bộ đội, thanh niên hội đủ điều kiện mới được đề bạt nhập Đoàn. Trở thành đảng viên đòi hỏi phải có một thời gian phấn đấu tốt trong Đoàn.
2 Tây: Tiếng lóng trong tù dùng để ám chỉ đi hoặc chuyển một cái gì ra ngoại quốc. Thí dụ vợ anh Nam "Tây" rồi có nghĩa là vợ anh Nam đã vượt biên rồi. Hoặc xừ Bắc đã "Tây" được vài bài thơ có nghĩa là xừ Bắc đã chuyển ra ngoại quốc được vài bài thơ...
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu