Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 48
ường khó chịu vì mỗi lần Ngô ghé cơ quan chơi, người bạn cũ chỉ nói qua loa với Tường đôi câu cho có lệ rồi qua bên bàn Mười Chí ngồi cả buổi, sau đó họ dẫn nhau ra nói chuyện tiếp ở quán cà phê lề đường Nguyễn Du mà tránh không mời Tường.
Từ lúc có Ngô vào, Mười Chí thay đổi nhiều. Nét mặt bớt đăm đăm. Đôi lông mày bớt cau có. Những lời trao đổi với các bạn đồng nghiệp cũng bớt những câu nói móc họng độc địa, chỉ còn cái giọng chung chung, không thân thiện mà cũng không lạnh lẽo.
Mười Chí giải thích với mọi người rằng Ngô vào Sài gòn giúp Mười Chí tìm lại được cái đam mê cũ: đam mê hội họa. Hai người say mê nói về các loại sơn dầu, khung vải, các loại cọ và dao vẽ, những sách hội họa bán rẻ ở chợ trời, tranh thủy mạc tranh lụa tranh sơn dầu tranh giấy dán của những bạn học cũ còn ở lại thành.
Ngô có nhiều thì giờ rảnh hơn nên lang thang suốt ngày ở chợ sách, lúc nào vớ được những tập sách hội họa quí giá là vội vã khuân đến sở làm của Mười Chí rối rít khoe khoang, bàn luận. Một bộ sách in tranh các danh họa phái ấn tượng, Ngô mua được với giá mười tô phở. Một tập tranh của Van Gogh giá chỉ từng ấy. Ngô thích nhất là cả một bộ sách bỏ túi in tranh các danh họa lớn trên thế giới với đầy đủ tiểu sử và những bài phân tích ngắn ngọn chính xác về tranh Picasso, Renoir, Toulouse Lautrec, Goya, Van Gogh, Gauguin… mà giá mỗi cuốn chỉ bằng giá một tô phở. Ngô tìm lại được tập tiểu sử của người họa sĩ một thời là thần tượng của mình: Modigliani, và một tập in gần đủ những tác phẩm chính của ông này. Ngô khám phá ra rằng mình không còn mê Modigliani như thời xưa nữa. Những nét ốm o quằn quại của tranh Modigliani chỉ làm Ngô đớn đau. Ngô thích cái gì nhẹ nhàng hơn, êm ả hơn, mộc mạc hơn. Nét vẽ thơ ngây hồn nhiên của Rousseau thời trước Ngô cho là quê mùa, làm dáng, giả ngộ, bây giờ Ngô lại thấy đẹp.
Ngô đi thăm một số bạn cũ trước cùng học Cao đẳng Mỹ thuật với mình. Trừ một vài bạn bán được tranh nếp sống còn khá giả, số đông còn lại sống nghèo và cực. Đã thế, ở hội Mỹ thuật cảnh ganh tị đấu đá nhau cũng không kém phần gay cấn hơn ở những bộ môn khác. Người này tố người kia trước đây làm cho Tâm lý chiến. Người kia tố người nọ đã từng vẽ poster hình bác Hồ má hóp và răng có nanh. Lớp họa sĩ từ Bắc vào lấy thành tích vẽ tranh cổ động ra loè giới họa sĩ miền Nam. Lớp họa sĩ thất thế lấy kỹ thuật ra chê lớp chiến thắng. Ngô thành thực mong cái giai đoạn nhiễu nhương đổi đời qua đi, để tới lúc người họa sĩ dù ở chiến tuyến nào cũng chỉ ganh đua với nhau bằng chính tài năng của mình, không cần mượn bất cứ loại môn bài nào để che giấu cái kém cỏi, cái yếu đuối của cây cọ.
Suốt thời gian ở Hà nội Ngô không vẽ được bức tranh nào. Ngô cũng không muốn cho ai biết mình có khiếu vẽ. Về Sài gòn, Ngô thử cầm cọ trở lại. Chàng mang giá vẽ qua Xóm Chùa vẽ cảnh cây cầu gỗ bắc ngang qua kinh. Ngô sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn không vừa lòng. Nhìn vào tranh, từ màu sắc tới đường nét vẫn có cái gì gượng gạo chưa ổn. Cây cầu không thoải mái ghếch đầu vào hai bờ xanh mà như nằm chết đuối trên con kinh nước đen. Ở chân cầu, nước xoáy tròn như dòng lũ xoáy đầy bất trắc. Một lần nữa, Ngô lại thấy lòng mình chưa thật sự êm ả. Chàng không còn thích nét quằn quại ốm o của Modigliani, Van Gogh, nhưng chàng vẫn chưa tìm được chốn bình yên.
Một lý do nữa khiến Ngô dễ thân với Mười Chí, là hai người từng trải chung một cảnh ngộ. Ngô nhắc lại ý chàng nói với Quỳnh Trang và Nam tối hôm đó:
- Tao biết vì sao mày lạnh nhạt với tụi bạn cũ. Hãy quên đi. Coi đó như một kỷ niệm buồn. Nếu mày với tao ở vào hoàn cảnh tụi nó, chưa chắc tụi mình đã khá hơn.
Mười Chí vội cải chính:
- Mày lầm rồi. Không phải chỉ vì vụ đó mà tao ghét tụi nó đâu. Gặp lúc gian nan nguy hiểm thì ai cũng lo thủ thân, tao biết chứ. Chuyện đó hiện nay đang xảy ra, nhan nhản. Nếu tao còn căm tụi nó thì bây giờ tao đã hại tụi nó rồi. Tao hại tụi nó dễ ợt. Cả lũ rút lại chỉ có tao là đảng viên. Tụi nó chui vào được đảng Nhân dân Cách mạng à? Trời! Cái đảng ma bầy vị đó, ghi vào lý lịch tụi công an nó cười cho thối mũi. Vài đứa hí hửng được Sở Công an mời về công tác cứ tưởng bở. Thời gian đầu họ cần nắm tình hình mới phải nhờ tụi nó, sau này ổn định rồi thì tụi Bắc trình độ nghiệp vụ cao, được huấn luyện ở Đông Đức về ngồi cả đống ở Bộ Nội vụ, còn chỗ nào đâu cho bọn nó. Ở Thanh niên thì đào kinh đắp đập quanh năm liệu chịu thấu không? Tụi nó không được dự họp chi bộ, đâu có hiểu cái quái gì. Đừng nói chi xa, nếu tao muốn ghim gút với thằng Tường, tao hại nó dễ ợt. Con em nó lấy chồng Mỹ là một. Ông già nó làm băng nhạc phản động là hai. Nó lên Khu ăn nói lạng quạng là ba. Vạch lá tìm sâu thì kê thêm sơ sơ vài chục mụt ghẻ nữa. Nó tinh ý nên lo thủ kỹ lắm. Thằng Ba Liệu chơi độc giao truyện thằng Ngữ cho nó phê phán, nó đâu có dám từ chối. Tao đủ điều kiện để muốn chơi thằng nào là chơi cạn láng, nhưng tao không thèm. Tao nói thật, tao chán cái trò nhìn đâu cũng thấy rắn. Cứ vẽ rắn hoài thì nhìn đâu cũng thấy nọc độc.
Nhưng cái làm tao xuống tình thần khủng khiếp là cái này. Tao mới nghĩ ra được câu ví von này, khoái lắm, mà chưa nói với ai. Mày nhất trí với tao không: “Cứ vẽ rồng hoài tới lúc nhìn loài bò sát nào cũng thấy có cánh”. Cái nguy lớn của mình là ở đó. Hồi trước lo đánh Mỹ cái gì cũng xí xái được. Cứ hẹn như bác Hồ viết: “Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Bây giờ thắng giặc Mỹ rồi đó, thử làm đi coi. Mày ở ngoài đó lâu, mày thấy họ làm được gì chưa?
Ngô cười:
- Thì Bác đã nói rồi. Bác hẹn ngày thắng được giặc Mỹ.
- Tao muốn nói là những người được đào tạo ngoài đó liệu vẽ rồng được không, khi đã thắng giặc Mỹ. Tao chưa ở ngoài Bắc nên không dám có ý kiến. Nhưng nhìn mấy ông ngoài Bắc vào, nghe họ nói, xem họ làm, tao nản quá. Tao sợ họ không còn cớ gì để hẹn nữa. Đánh nhau với Mỹ thì nói là phải dồn sức chống tên đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, mọi việc phải tạm gác lại, chờ độc lập thống nhất hãy hay. Bây giờ độc lập thống nhất rồi đấy.
Ngô nói:
- Tao xem qua luận điệu báo chí đài phát thanh gần đây, thì e là họ sẽ đổ thừa cho tàn dư chế độ cũ một thời gian nữa. Tụi mày đang làm cái công việc đó. Ôi thôi! Chán lắm. Tao chỉ muốn vẽ.
Mười Chí cũng nói:
- Tao cũng vậy. Sống với màu sắc đơn giản hơn.
Ngô thử thăm dò ở các cơ quan thông tin văn hóa để xem liệu họ có nhận cho mình chuyển công tác về Sài gòn hay không. Quyết định phải về Sài gòn với bất cứ giá nào là một quyết định không còn bàn cãi gì nữa. Vấn đề là làm sao chuyện về Nam không gây xáo trộn lớn trong đời sống mà thôi. Đối với gia đình, Ngô muốn từ đây mình phải ở gần mẹ để sớm hôm an ủi bà, chăm sóc bà. Đối với nghiệp vụ, Ngô công nhận dù Hà nội dễ sống hơn ở các tỉnh khác ngoài Bắc, nhưng Sài gòn còn dễ thở hơn Hà nội nhiều. Một vài bạn bè của Ngô nói rằng trong tương lai mặc dù trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa vẫn ở thủ đô, nhưng Sài gòn mới thực sự là nơi tập trung quyền lực kinh tế. Về văn hoá, Sài gòn là lỗ mũi của cả nước, chỉ ở Sài gòn người ta mới được thở trọn. Ngô nhận thấy nhận xét ấy đúng.
Sau khi liên hệ thăm dò một số nơi, Ngô thấy mình khó có hy vọng được một cơ quan văn hóa nào đó ở Sài gòn đứng lên xin cho Ngô chuyển công tác về Nam. Họ đều biết vụ tai tiếng của Ngô ở khu Trị Thiên, quan trọng nhất là vị thế của Ngô ở Đài Phát thanh Hà nội. Nhận Ngô chẳng được lợi lộc gì, nhiều khi lại phải ngay ngáy như là chứa bom nổ chậm, dễ bị gán cho cái tội thu nạp dung dưỡng cán bộ kém phẩm chất.
Ngô bỏ ý định xin về Sài gòn, bắt đầu nghĩ tìm cách xin tạm về tỉnh nào đó ở miền Nam, sau đó trong đợt hai hãy tính chuyện về Sài gòn. Ngô gạt hẳn ý nghĩ xin về Huế. Nhìn và sống ở Huế trở lại chẳng khác nào vạch áo nhìn một vết thương cũ, chỉ thêm nhức nhối, đau lòng. Ngay ở Sài gòn, mỗi lần gặp người quen ở Huế nhắc lại vụ Tết Mậu Thân, Ngô đã cảm thấy khó chịu, huống hồ…
Ngô cũng có nghĩ tới Đà lạt. Cuối cùng Ngô chọn Nha trang. Tại sao không? Thận hiện đang công tác tại ban quản đốc đài, tuy chỉ nắm phần kỹ thuật nhưng ảnh hưởng tới quyết định nhân sự cũng lớn. Xin đổi về Nha trang chắc dễ dàng hơn về Sài gòn nhiều. Hãy ra đó thăm dò thử trước khi về Hà nội nộp đơn.
Diễm dùng chiếc Simca chở anh ra Nha trang. Diễm đi Nha trang do việc làm ăn của Diễm, chứ không phải vì Ngô muốn ra đó.
Hai anh em khởi hành sớm để hy vọng đến Nha trang trước lúc trời tối. Ngô nhìn em gái gọn gàng nhanh nhẹn trong cái quần jeans màu xanh lam và cái áo sơ mi trắng tay dài xăn lên tới cùi chỏ, ngắm dáng ngồi thoải mái thành thạo của Diễm trước tay lái, bàn tay mặt đặt hờ trên vòng lái bọc nhung còn cùi tay trái thì gác lên khung cửa xe, mắt đeo kính râm màu nâu nhạt…, tự nhiên phục em quá. Ngô nói:
- Anh về, cái làm anh kinh ngạc nhất là em. Em làm anh ngợp. Em cứ khơi khơi như thời thế không có gì thay đổi cả. Anh lo cho Diễm. Em ra Nha trang làm gì vậy?
Diễm cười, quay lại liếc nhìn nét mặt lo lắng của anh, rồi tiếp tục nhìn thẳng ra trước để lái xe, nói:
- Anh hỏi thì em nói rõ cho anh bớt lo. Em chẳng làm điều gì bất hợp pháp đâu. Công chuyện như thế này: Như anh biết, hiện nay tỉnh nào cũng cần một số vật liệu xây cất như gỗ, xi măng để sửa sang lại công sở, công viên, đường sá. Chữ các anh dùng là “vật tư” đấy. Nhưng họ đào đâu ra gỗ xi măng? Xin Hà nội chắc chắn là không có rồi. Xin Sài gòn cũng không vì Sài gòn phải giữ vật tư để lo chuyện sửa sang của mình, chưa kể lâu nay bọn Chợ lớn nắm những thứ đó, chính phủ cũ đâu có nắm. Các tỉnh có đem bao nhiêu thứ giấy tờ đóng bao nhiêu thứ khuôn dấu vào Sài gòn tìm mua gỗ xi măng cũng về tay không mà thôi. Vô tình em có gặp tay trưởng phòng vật tư của Nha trang hồi tháng trước. Hắn gốc bộ đội chuyển ngành, mê giọng nói của em trên đài Mẹ Việt Nam nên tìm tới gặp em cho được. Em thấy hắn cũng dễ thương nên em có mời hắn đi tiệm một bữa. Biết hắn vào Sài gòn tìm mua xi măng, em bảo em có quen vài chỗ hiện còn giữ xi măng trong kho. Hắn mừng quá, hỏi ở đâu để hắn tìm tới mua. Em bảo để em đi hỏi các chủ vựa trước xem họ có chịu bán hay không, và bán với giá bao nhiêu. Em có máu buôn lớn mà. Em muốn đứng ở giữa làm trung gian cho hai bên để kiếm một ít tiền. Không ngờ mấy ông ba Tàu phòng xa, bảo bán xi măng cho cán bộ nguy hiểm lắm. Ngộ không chơi với mấy ông Nhà nước. Em về nói lại với hắn. Hắn về Nha trang, rồi trở vô liền. Hắn nói đã hội ý với lãnh đạo là tìm một giải pháp như thế này: Tỉnh sẽ ký hợp đồng với một tư nhân nào đó, hai bên đồng ý, à quên, hai bên nhất trí về giá cả, số lượng và thời gian giao hàng, tỉnh trả tiền mặt cho người ký hợp đồng, người này tự tìm lấy nguồn hàng và thanh toán tiền nong cho các nơi giao hàng, tỉnh không can thiệp tới. Tỉnh chỉ can thiệp khi các cơ quan chính quyền địa phương như Sài gòn, các tỉnh dọc theo quốc lộ 1 làm khó dễ cho việc mua hàng chở hàng. Để kịp thời giải quyết ngay tại chỗ những khó khăn, tỉnh đồng ý cứ hắn đại diện tỉnh đặc trách vụ này. Đấy em ra Nha trang chuyến này để ký hợp đồng cung cấp đợt đầu 5000 bao xi măng. Họ đã dành sẵn cho em một phòng ở hôtel Prégate. Anh thấy sao, việc em làm có bất hợp pháp không?
Càng nghe em gái nói Ngô càng ngợp. Chàng không biết phải trả lời em thế nào. Suy nghĩ một lúc lâu, Ngô đáp:
- Kể ra trong giai đoạn chuyển tiếp như thế này, thì việc đó không có gì bất hợp pháp cả. Người ta còn để cho tư nhân buôn bán, chưa biết tới lúc nào thì họ dẹp hết, thu trọn vào tay Nhà nước như ngoài Bắc lâu nay. Ở Hà nội, một cụ già bán trà vối ở vỉa hè kiếm thêm chút tiền đong gạo cho cháu cũng bị Công an đuổi bắt chứ đừng nói tới chuyện buôn bán vật tư nhu yếu phẩm. Uống tách cà phê muốn uống cho ngon cũng phải lén lút thậm thụt uống chui. Nhiều hôm thèm chất thịt quá anh đi ăn thịt chó chui với bạn, nhai chưa mềm miếng dồi chó đã phải tung cửa sau chạy vì Công an tới bố. Miếng ăn đúng là miếng nhục. Chưa biết bao giờ họ đem chính sách đó áp dụng cho miền Nam. Trong khi chờ đợi, việc em làm vẫn còn hợp pháp.
Diễm mừng rỡ reo lên:
- Hắn cũng nói thế. Lần trước ra Nha trang, chính tay Chủ tịch Ủy ban Tỉnh cũng nói như vậy. Em…
Ngô đưa tay ngăn Diễm, nói tiếp:
- Nhưng em cũng cần phải đề phòng. Hôm qua anh lên thăm anh Năm Được, anh ấy nói tới “tinh thần sứ quân”. Phải, em nên đề phòng cái nạn rừng nào cọp nấy. Anh nói rõ hơn cho em hiểu: mỗi ông tỉnh ủy là chúa của một vùng, tự tung tự tác muốn làm gì thì làm không ai nói gì được. Rồi mỗi huyện một ông chúa khác, mỗi xã lại có một ông chúa nhỏ. Xi măng của Nha trang mua nhưng ông Phan thiết muốn chận lại không cho đi thì ông Nha trang cũng đành chịu. Ông Thuế vụ bắt đóng thuế, đóng xong rồi nhưng ông Công an không cho đi thì mười cái giấy thuế cũng coi như không.
Diễm vội nói:
- Vì sợ vậy mà họ mới cử hắn lo riêng việc này. Em chỉ việc liên lạc với mấy ông Chợ lớn nhận hàng, giao tiền, thuê xe. Việc di chuyển hàng về Nha trang có hắn lo.
- Nhưng tiền nong họ giao cho ai?
- Cho em, vì em đứng tên ký hợp đồng.
- Như vậy trên giấy tờ họ coi em như người đứng bán số xi măng đó. Nếu Công an họ hạch hỏi làm sao em có số xi măng đó, em trả lời làm sao?
Diễm hãnh diện đáp:
- Em đâu có dại. Em cũng đã nghĩ như anh, vì em biết chơi với mấy anh Vẹm dễ bị đứt tay lắm. Trong hợp đồng, em bắt ghi rõ em không phải là chủ nguồn hàng, em chỉ là người có điều kiện đứng ra liên lạc với các nguồn hàng để họ dạn dĩ bán xi măng cho Nhà nước. Để đền bù cho công lao em, Nhà nước đồng ý ủy nhiệm cho em thay mặt Nhà nước trả tiền cho các nguồn hàng, và được hưởng một món tiền hoa hồng là ba phần trăm trên giá mua. Tỉnh ngoài đó họ bằng lòng chi thêm ba phần trăm hoa hồng cho em, vì cái giá em đưa ra rẻ hơn giá họ định nhiều lắm. Họ định giá cao mà mua không được, nên mới nhờ tới em. Ông Tỉnh ủy còn nịnh em, bảo em đang đóng góp lớn cho Cách mạng trong giai đoạn khó khăn.
Ngô nói:
- Em nên dè dặt đừng vội mừng khi nghe họ nói nịnh kiểu đó.
- Em biết chứ! Muốn được việc, cái gì họ không nói. Mất gì đâu một câu nói nịnh.
Ngô thở dài nói:
- Anh không quen những vụ như thế này nên hkông biết khuyên em cái gì. Anh mong em thành công. Nếu trục trặc chuyện vỡ lở ra, họ đem em ra thí trước tiên. Họ sẽ đổ lên đầu em đủ thứ tội: móc ngoặc này, hủ hóa cán bộ này, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa này…
Diễm nổi giận, nói:
- Vừa thôi chứ! Em bán hàng cho họ lấy tiền, đổ tội cho em ăn cắp sao được!
Ngô nói:
- Được chứ. Em không thấy họ ra thông cáo là Nhà nước độc quyền quản lý vật tư xây dựng, thuốc men, lương thực, độc quyền sản xuất và phân phối nhu yếu phẩm hay sao. Trên nguyên tắc, hiện nay dù nằm ở đâu, xi măng đó là tài sản của Nhà nước.
Diễm giận quá, đột ngột thắng xe lại. Chiếc Simca rít bánh trên mặt đường, chuếnh choáng trườn tới một đoạn rồi nằm sát vào lề. Đầu Ngô đập vào kính trước. Diễm hốt hoảng vì suýt gây ra tai nạn, xanh mặt chết lịm một lúc, rồi la lớn:
- Họ ức hiếp dân vừa thôi chứ! Nói như anh thì ăn cướp miếng cơm của dân rồi còn gì!
Diễm im lặng lái xe suốt gần nửa giờ đồng hồ không nói với anh tiếng nào. Ngô cũng im lặng, nhìn mông hai bên đường, đầu óc hoang mang không ghi nhận được gì khác hơn là những cây lá, đồi núi nằm dọc theo quốc lộ 1 khoảng Rừng Lá.
Rồi đột nhiên Diễm hỏi:
- Theo anh thì em phải làm gì? Có nên tiếp tục không? Bỏ vụ này uổng quá.
Ngô đáp:
- Nếu có làm thì xong một hai lần nên thôi ngay. Chơi dao lâu có ngày mang họa.
- Em cũng tính chỉ làm vài chuyến để kiếm một số vốn để lại cho mạ. Anh về Sài gòn rồi, trước sau gì em cũng đi.
Ngô lo lắng hỏi:
- Em định bỏ Sài gòn à? Sao lại bỏ Sài gòn? Về tỉnh sống lại càng kẹt nữa. Hay em định theo ông nào?
Diễm cười lớn, quay nhìn anh, hỏi:
- Sao anh hỏi vậy?
Ngô ngần ngừ một lúc rồi nói:
- Anh hỏi thật em, có phải hiện em đang cặp bồ với ông nào phải không?
Diễm cười lớn hơn trước, nhắc lại câu hỏi:
- Tại sao anh hỏi vậy?
- Tại anh thấy trong căn nhà ở Xóm Chùa có dấu vết đàn ông.
- Dấu vết nào? Anh học nghề thám tử lúc nào?
- Đôi dép Nhật đàn ông dưới gầm giường, và cái bót đánh răng.
Diễm bị bất ngờ, đỏ mặt chưa tìm câu gì để chống chế. Ngô nghĩ mình đoán đúng, hỏi dồn:
- Ai vậy? Sao Diễm giấu anh? Cán bộ hay ngụy?
Diễm mỉm cười, đáp:
- Ngụy
- Ngụy nặng hay ngụy nhẹ?
- Vừa vừa.
- Người quen hay người lạ?
- Quen.
- Có quen với anh không?
- Có.
- Quen với anh lâu rồi hay mới quen đây?
- Lâu rồi.
- Lạ nhỉ! Chịu, anh không đoán được thằng bạn nào. Em có tính chuyện dài lâu không? Còn chuyện chồng con em đó, em giải quyết cách nào?
Diễm thôi mỉm cười, nét mặt buồn buồn. Ngô không hỏi tiếp, chỉ kiên nhẫn chờ em trả lời. Diễm nói:
- Tính chuyện dài lâu sao được. Không bao giờ được nữa. Em trả lời câu anh hỏi khi nãy. Trước sau gì em cũng tìm cách đi khỏi Việt Nam. Em đã tính đưa ba mạ đi mà không xong. Bây giờ có anh về, em sẽ đi một mình, qua đó với con. Em chỉ còn có con.
- Còn ông Mân bên đó bỏ cho ai? Anh nói thật, khi nghe tin em lấy Mân, anh buồn lắm.
- Thôi, đừng nhắc chuyện ấy nữa. Hai đứa em đã dứt khoát với nhau rồi, ai đi đường nấy.
- Thật à? Từ lúc nào?
- Từ lâu lắm. Ở Phú quốc, hai đứa em đã nói thẳng ra lời. Ông ấy có dẫn theo bà vợ mới.
Ngô nhìn em ngỡ ngàng, rồi thương xót. Chàng than:
- Không ngờ đời em lận đận vậy. Anh cứ tưởng… À, em định làm lại cuộc đời với cái chàng mới này.
Diễm lắc đầu. Ngô kinh ngạc kêu lên:
- Sao thế? Anh chẳng hiểu gì cả.
Diễm buồn rầu nói:
- Họ có vợ rồi.
- Trời ơi trời! Em muốn viết tiểu thuyết ái tình lâm ly hay sao đây! Thằng nào vậy?
Diễm lắc đầu không đáp.
- Nó có ở Sài gòn không?
Lắc đầu.
- Hay nó ở Nha trang?
Lại lắc đầu. Không chờ Ngô nói, Diễm giành nói trước:
- Em cũng chẳng biết hiện nay ảnh ở đâu. Em chỉ biết số hộp thư.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương