Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 45: Công Bằng Xã Hội
C
ông bằng xã hội được thể hiện bằng sự bình đẳng của các công dân.
Trước hết và quan trọng nhất là sự bình đẳng trước pháp luật. Đã là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì pháp luật là như nhau đối với tất cả mọi người. Nếu một số người bị phá dỡ nhà vì xây dựng trái phép, một số khác lại chỉ bị phạt và cho tồn tại, thì đó là một sự bất công. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đã bị vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy áp dụng một cách thống nhất các quy phạm pháp luật nhiều khi hết sức khó khăn. Xin lấy chính ví dụ về những căn nhà được xây trái phép để phân tích. Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà ở nhiều thành phố khác trong cả nước, nhà xây trái phép rất nhiều, có nơi thậm chí lên đến trên dưới 80%. Trong bối cảnh như vậy, phải tiến hành một cuộc “tiêu thổ kháng chiến” mới có thể bảo đảm được sự công bằng cho những công dân có nhà vừa bị phá dỡ. Tuy nhiên, phát động một cuộc “tiêu thổ kháng chiến” trong thời bình có nhất thiết là việc nên làm? Rõ ràng, nếu 80% các gia đình xây nhà không phép, thì số 20% có phép mới là ngoại lệ. Pháp luật chỉ áp dụng được cho 20% sẽ không thể là một thứ pháp luật công bằng. Như vậy, điều
quan trọng là cần xem xét, sửa đổi các quy định của pháp luật về việc cấp giấy phép xây dựng sao cho 80% người dân kia có thể tuân thủ được một cách dễ dàng. Một nền pháp luật công bằng phải tính đến khả năng tuân thủ của người dân.
Sự bình đẳng trước pháp luật không chỉ tồn tại trong mối tương quan giữa những công dân với nhau, mà còn giữa các công dân đối với Nhà nước. Trước hết, các quyền và nghĩa vụ của công dân và của công quyền đều do pháp luật quy định… với sự thiên vị nhiều hơn cho các công dân: “Người dân có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, các quan chức nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép”. Pháp luật nước ta cho phép các quan chức khá nhiều điều. Tuy nhiên, những điều cho phép bao giờ cũng chỉ là hữu hạn, những điều không cấm mới thật sự là vô hạn.
Tính chất quan hệ giữa các công dân và các cơ quan công quyền có thể thay đổi phụ thuộc vào các lĩnh vực khác nhau của pháp luật. Ví dụ, khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự, các cơ quan nhà nước chỉ là những đối tác bình đẳng với các công dân và các pháp nhân khác. Ở đây, tự do ý chí và bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản của luật chơi. Nếu thay vì giao đất, Nhà nước quyết định cho thuê đất, Nhà nước đã tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Các quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê sẽ ràng buộc Nhà nước và các đối tượng thuê đất như nhau. Không một bên nào có quyền đơn phương phá bỏ những cam kết đã được ghi nhận trong hợp đồng thuê đất.
Hai là, công bằng xã hội thể hiện ở sự bình đẳng về cơ hội của các công dân. Bình đẳng không có nghĩa là chia đều sự nghèo khó, mà có nghĩa là chia đều các cơ hội. Cơ hội chỉ trở thành hiện thực trong những điều kiện nhất định. Các điều kiện này ở những công dân khác nhau là rất khác nhau. Không phải ai cũng có thể trở thành tiến sĩ, nhưng ai cũng phải có cơ hội để học hành. Cũng như không phải ai cũng có thể trở nên giàu có, nhưng ai cũng phải có được cơ hội để làm giàu. Các rào cản về cơ hội chính là con đẻ của sự bất công. Quy định sau đây của chính quyền một thành phố (không tiện nêu tên ở đây) là ví dụ điển hình: “Những người có hộ khẩu mới được mua nhà trong thành phố. Những người có nhà trong thành phố mới được cấp hộ khẩu”. Với một quy định như vậy, cơ hội sở hữu nhà ở một cách danh chính ngôn thuận của những người nhập cư đã hoàn toàn bị loại bỏ.
Phấn đấu để tất cả mọi người đều được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là một điều hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, trước khi đến được với tương lai huy hoàng đó, điều quan trọng là phải bảo đảm được trên thực tế sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi công dân.
Những công dân bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về cơ hội sẽ chính là lực lượng sáng tạo to lớn của đất nước ta trong công cuộc xây dựng hòa bình và tiến tới phồn vinh.