Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Bệnh Thời Hiện Đại
N
gười ta thường chép miệng... “Nói cái gì mà ác thế. Nói đến chết cây, gãy cành.” Để chỉ những người cái mồm không được hiền. Cái mồm ăn mắm, ăn muối. Người ta là ai. Là các cụ mình ngày xưa ấy mà. Như vậy nghĩa là các cụ cũng... ác lắm. Có ác mới biết rõ người khác. Có ác mới biết cái ác nó ra sao. Vì biết rõ như vậy nên giờ con cháu có thì giờ ngồi ngẫm lại lời các cụ phán, sao mà đúng thế. Không trật một li ông cụ nào.
Nào là gái đĩ già mồm. Nào là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Nào là kẻ cắp gặp bà già. Mướp đắng, mạt cưa. Trai tứ chiếng gái giang hồ. Ôi thôi còn nhiều lắm, nói đến Tết Công Gô cũng chưa hết. Nhưng những câu tôi khoái nhất là... phú quý sanh lễ nghĩa. No cơm ấm cật dâm dật tứ tung. Nhà giàu đứt tay bằng nhà nghèo... đổ ruột. Nghe nó đã làm sao. Nhiều điều bỗng trở thành một... cái bệnh. Như một thứ thời trang. Để trang điểm thêm cho cuộc đời vốn đã rất... lắm chuyện này. Song ở đây có nhiều... bệnh mới, nên mỗi ngày, người ta có một đề tài mới.
Một trong những căn bệnh làm tôi chú ý là bệnh cụp xương sống. Vì lý do đơn giản là Đoan vừa bị và dù đã được chạy chữa đúng mức Đoan vẫn mới chỉ đi lại được ở trong nhà. Có nhiều người cho là Đoan... nhõng nhẽo. Nhưng đâu có ai khùng đến độ tự trói mình nằm một chỗ suốt mấy tháng trời. Nhất là người đó lại có hai cái chân, sinh ra để... đi. Làm một cái nghề phải đi tối ngày. Và tôi đã thấy chồng tôi... khóc các cụ ạ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chàng... nhỏ lệ, trong cơn đau. Chưa bao giờ chuyện này xảy ra dù ngay cả trong cơn dầu sôi lửa bỏng của hai vợ chồng. Lần đầu chàng... khóc là ngày tôi đưa Cu Hố Nai vào quân trường cho đúng câu... thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Chàng Hố Nai có mỗi một cậu con, nên xót xa lắm mà không dám chống lại quyết định... rất có lý của tôi, đành ôm gối khóc thầm ngày con... đi học. Bà nội xót cháu nhưng cũng như Đoan, cụ gặp phải đứa con dâu mặt sắt đen sì nên cũng chỉ hỏi thăm rất... nhẹ nhàng. Thế nào con, thằng Cu nó có chịu ở trong trường không. Dạ không chịu cũng phải chịu mẹ ạ. Đó là câu trả lời cũng nhẹ nhàng không kém của tôi.
Ấy thế là cơn đau của Đoan hình như kéo dài hơn vì cái sự... vào trường nội trú của con. Nhưng chỉ nội cái xương sống bị cụp thôi, cả tôi và đương sự lẫn bạn bè đã... khổ lắm rồi. Nhiều người dù không quen cũng điện thoại lại thăm hỏi và chia sẻ... kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm nào cũng làm Đoan ta xanh mặt. Có người... liệt luôn. Có người ba tháng, có người tám tháng mới lành. Và ai cũng đã từng... khóc trong cơn bệnh. Gặp mười người thì có đến một nửa bị bệnh này. Không hiểu hồi xưa ở Việt Nam có hay không và nếu có, vô lý ai cũng liệt, cũng nằm bảy, tám tháng hay sao. Tôi ít nghe nói đến bệnh này. Người chưa bị, bĩu môi. Gớm bằng nhà nghèo đổ ruột. Đó là ác mồm. Đó là cái mồm ăn mắm ăn muối. Chỉ có người nào qua cầu mới thông cảm cho cái đoạn trường Đoan đang bước qua và ông Trầm Tử Thiêng, ông Du Miên, bác Lâu Boy, Tâm San Diego. Ông Kiêm Thêm và những người Đoan gặp ở phòng mạch bác sĩ Nguyễn Thế Thứ mới thấy... nhỏ lệ.
Lúc đầu, tôi suy diễn. À tại lớn tuổi rồi lại không đủ chất bổ, thiếu dinh dưỡng nên dễ bị. Song tôi trật lất bởi đó là sự suy diễn của một người... đối lập văn hóa. Nói như tôi thì có nghĩa là chỉ cầu ăn uống tẩm bổ, bồi dưỡng đúng... tiêu chuẩn, đúng quy cách... nhà nước là tránh được bệnh. Trật quá trật. Già trẻ lớn bé, mập ốm giàu nghèo gì cũng có thể bị như thường. Bị là bị. Tới lúc bị là bị. Đang ngồi, cúi xuống cột dây giày cũng bị. Thì cái xương nào cũng chỉ là cái xương. Không thể nói tại thiếu thể thao, hoạt động hay thiếu chất bổ mà bị.
Cái bệnh này như một cái... mode. Làm như ai chưa cụp xương sống chưa phải... là người. Các cụ nói đúng. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Ai đã từng... bò, từng... khóc. Một tiếng kêu... Mai. Ba tiếng kêu... Chúa sẽ biết... đời nhau.
Cũng như phận đàn bà. Ai đã qua sông đắm đò mới thương người đi đò bị đắm. Sướng ích gì, danh giá chi cái chuyện đò... bị lủng, bị chìm, bị ướt như chột lột. Rồi con anh, con tôi, con chúng ta, chưa kể... con nuôi. Ôi một lần... đò lủng, một tỷ chuyện thương đau. Đàn ông hay đàn bà đều đáng thương như nhau. Bởi ai thì cũng đầu đen, máu đỏ, cũng có một trái tim biết đập như nhau. Cực chẳng đã, chẳng đặng đừng mới phải... thôi chia ly từ đây. Chứ thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi. Không yêu sao lấy. Lấy nhau rồi, quen hơi. Dễ gì bỏ. Cái gì cũng có... lý do. Chánh đáng hay không, chỉ người trong cuộc mới biết.
Cái bệnh... bỏ nhau hình như bắt đầu từ ngày cả nước tan hàng. Nặng nề hơn là khi các ông lấy cớ về Việt Nam thăm cha mẹ họ hàng rồi... thăm người khác họ luôn, rồi đem lòng nhớ thương sái buổi chợ. Về lại Mỹ, bỗng thấy con vợ mình... đã cũ. Thế rồi... bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu... dông. Nhưng có cái gì mới mãi đâu. Quần, áo mặc rồi cũng cũ. Biết được bao người còn gọi tên nhau khi áo xưa đã nhàu, đã rách. Có lẽ vì thế Trịnh Công Sơn mới phải... xin rằng “Áo xưa dù có nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Gọi mãi tên nhau để yêu thương thêm chứ không phải gọi tên nhau để... Cái bệnh này nói ra thì vô cùng. Không nói được. Nói không được và không nên nói nữa. Chỉ nên hát nhạc của ông Trầm Tử Thiêng, may ra đỡ buồn hơn chăng. “Nếu sớm đã biết thế. Thà đừng gặp nhau. Thà phụ lòng nhau lúc đầu. Còn hơn thương đau lắng trong đêm thâu réo tên nhau... Đường em, em đi. Đường anh, anh đi. Đã sao đâu”. Đúng, đường ai nấy đi có sao đâu.
Liền theo cái bệnh này là bệnh yêu... vòng vòng. Mới đó là bạn, chồng người này bạn với chồng người kia, vợ người kia bạn với vợ người nọ. Bỗng một hôm đẹp trời nào đó, chồng người này lấy vợ người kia, vợ người kia thành vợ người nọ. Ngó đi ngó lại. Ồ thì cũng là chỗ... quen biết cả. Đụng nhau rầm rầm vẫn tỉnh như ruồi.
Tôi bỗng nhớ đến chuyện một bà Bắc kỳ mất gà. Bả đứng chửi đổng ngoài sân vì có biết rõ ai lấy đâu. “Tiên sư nhà đứa nào bắt trộm gà bà. Con gà nó ở nhà bà thì nó là con gà, nó về nhà mày thì nó là con chồn, con cáo, con yêu, con tinh”. Phải vậy chăng? Tôi ở với anh, chị, anh, chị coi tôi không ra gì, đằng này người ta chiều chuộng tôi, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Lỗi tại ai? Chẳng phải tại anh cũng không phải tại em. Tại thằng... hàng xóm bỏ mẹ đó mà thôi.
Nếu không yêu nhau nữa, cứ bỏ. Không sao cả. Bỏ rồi lấy chồng, lấy vợ khác. Cũng không sao cả. Cái này nghe... quen quen, nghĩ lại cũng thấy... buồn. Buồn lắm ấy chứ. Nhưng
cũng... không sao cả. Đổi đời thì đời phải đổi, có vậy nó mới... update, mới... văn minh, hiện đại.
Một bệnh nữa, rất thịnh hành, ngang ngửa với bệnh cụp xương sống là bệnh... beeper. Cách đây lâu lắm rồi, nhìn ai cũng thấy kè kè cái beeper. Đoan cũng đeo beeper mỗi khi ra khỏi nhà. Nhưng đeo mãi mà chả có ai kêu, chàng bèn năn nỉ... vợ kêu, vợ không kêu, lại năn nỉ... cu Hố Nai. Gọi là có người kêu, chứ không ai kêu thì quê. Sau vài tháng, cu Hố Nai cũng không tha thiết trong việc beep cho bố. Đoan bèn bỏ luôn. Tôi rất kị cái... beeper. Cái tiếng kêu của nó nghe không êm tai. Rất là phiền vì nó hay kêu vào những lúc không cần thiết. Nó hay báo những tin ít vui như... đòi nợ chẳng hạn. Và hình như đa số những người đeo beeper đều bị chung một bệnh... lao ví. Điển hình nhất là... chồng tôi và... bạn tôi, ông Tùng Giang, và mới đây nhất là ông Du Miên, chủ nhiệm Thời Báo. Có nhiều người về Việt Nam cũng còn đeo beeper cơ mà. Thế mới oai. Bà con ta ở bên nhà nghe tiếng beeper kêu cứ ngỡ là tiếng kêu của hạnh phúc từ thiên đàng vọng lại.
Nhưng cái bệnh ghê gớm nhất bây giờ là bệnh... cao máu. Máu cao. Đoan diễn giải là vì trong máu có nhiều mỡ, làm máu không lưu thông được. Mỹ nó gọi là cô-lét-tơ-rôn. Từ cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ, tôi cứ nghĩ là trong mỡ... có máu chứ ai biết trong máu có mỡ. Ấy cũng tại không có học nên... hơi ngu, nên vẫn không hiểu được vì sao bà Lâu, tục danh là Bích Thu Lê (chứ không phải Bích Thu Vân nhé) lại sợ hãi vấn đề ăn uống như thế. Cái gì ngon, bà cũng... sợ. Đời thuở nhà ai, tôi phải... lượm... bỏ vào... mồm ăn giùm kẻo... uổng phí của giời. Tôm hấp ăn với sốt mayonnaise tuyệt vời là thế mà bà lắc đầu. “Cái này cholesterol dữ lắm.” Riết rồi tôi cũng... mỏi mòn trong việc mời bà ăn cơm. Trong lúc ông Lâu thì lại rất tự nhiên. Cái gì ông cũng ăn. Thuồng luồng, rắn ráo ông cũng không chê. Nghe vợ nói về cholesterol, mặt ông... xị ra. Vẽ. Tự nhiên lại mua cái khổ vào cho mình, ngày xưa ở Việt Nam sao cái gì cũng ăn mà có... chết đâu, có nghe nói gì tới cholesterol đâu. Đoan và ông Thiêng là hạm ăn mỡ. Da gà, thịt heo luộc, tôm, cua các thầy quất ráo nên cũng ra mặt chống đối cái vấn đề cô-lét-tơ-rôn. Mặc, bà Lâu vẫn giữ vững lập trường. Cái gì bác sĩ bảo không nên ăn thì bà không ăn. Thế thôi. Mà dưới mắt bà thì món nào cũng nguy hiểm, cũng... chết người được. Bà Lâu sợ cholesterol hơn sợ bất cứ cái gì trên đời.
Tại tôi hay thắc mắc lẩm cẩm, chứ ai cũng có lý do của họ. Có cái tôi biết đúng. Có cái tôi biết sai. Có cái tôi... không biết. Có điều tôi vẫn luôn tin vào số mệnh đã dành sẵn cho mỗi người. Tin, cho nên tôi không thắc mắc lâu. Cứ xem đây là những cái vặt vãnh của... đàn bà. Các ông làm chuyện lớn, mấy ai để ý ba cái lẻ tẻ của đời sống. Mà cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì mọi người... vẫn sống. Anh cụp xương sống rồi sẽ khỏi. Vẫn sống. Anh đeo beeper dù không có tiền. Vẫn sống. Chị bị chồng chê, anh bị vợ bỏ. Vẫn sống. Người bị cholesterol. Vẫn sống. Sống vui, sống mạnh, sống lâu, sống hùng là đằng khác.