Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhất Giang
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Pé Ngốc
Số chương: 53
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2511 / 42
Cập nhật: 2015-07-30 00:41:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 48: Trường Bạch Tứ Quái Và Tam Tài Kiếm Trận
rì Phật Minh nhận lấy ba viên thuốc, lòng mừng khấp khởi, trổ thuật phi hành đi như mây như gió cuốn về Thiên Hương cốc.
Đường xa trên năm trăm dặm mà nàng đi chẳng đến một ngày là về tận nơi.
Phật Anh nghe tin lấy làm mừng rỡ, hai nàng mừng vội cùng nhau ra mắt Thánh Y.
Ngày đêm hôm ấy Thánh Y chẳng ngủ, ông ta thức suốt đêm canh chừng bên lò luyện thuốc, chờ cho hai vị thuốc này hòa hợp với nhau...
Lò luyện linh đơn của Thánh Y nổi lửa từ khoảng giờ dậu mà đến khi trời tờ mờ sáng, hai vị thuốc quí nầy mới chịu hòa hợp với nhau.
Nhìn qua làn kính thủy tinh, thấy hai vị thuốc đỏ và vàng hòa hợp với nhau, đoạn từ từ ngả sang màu trắng. Thánh Y mừng rỡ truyền lệnh tắt lửa và lấy thuốc ra.
Thần dược quả thật hiệu nghiệm, Tâm Đăng vừa uống vào tức khắc nằm vật ra mê man bất tỉnh.
Các yếu huyệt trông cơ thể chàng như Dũng Tuyền, Côn Lôn, Đản Trung, Thanh Linh, Ngũ Lý, Hoàn Cơ, Khúc Trạch thảy đều đau đớn như dần.
Mặc dù hết sức vận dụng nội công để kháng cự, nhưng cơn đau càng lúc càng ra tăng...
Cuộc hành hạ thể xác khéo dài hơn một tiếng đồng hồ, Tâm Đăng mới vùng dậy thổ ra một ngụm máu tím bầm, vì vết thương tích tụ lâu ngày nên màu sắc trông thật kinh rợn.
Thánh Y vội vàng thò ra một bàn tay yểm ngay vào huyệt Ngũ Lý trên đùi của Tâm Đăng, huyệt Ngũ Lý thuộc gan, nên nội lực vừa truyền vào thì Tâm Đăng tiếp tục nôn mửa kịch liệt.
Những ngụm máu của chàng thổ ra dần dần ngả sang màu vàng nhạt, rồi không chốc trở nên hồng hào.
Chừng đó Thánh Y mới buông tay, nói:
- Thế là xong...
Tâm Đăng cũng trút một hơi thở nhẹ nhõm, khi bàn tay của Thánh Y vừa rút ra, chàng tức tốc vùng dậy ngồi theo thế nhập định tham thiền để điều khí luyện công.
Không đầy hai giờ đồng hồ sau, sắc mặt của chàng mới dần dần tươi tỉnh.
Trì Phật Anh vén vạt áo phía sau của Tâm Đăng ra, thấy vết bàn tay tím bầm ở phía sau bậu tâm của Tâm Đăng bây giờ đã ngả sang màu hồng nhạt.
Thánh Y trỏ vào đầu bàn tay đó, bảo rằng:
- Tâm Đăng phải uống thuốc điều dưỡng thêm ba bẩy hai mốt ngày nữa, thì vết thương mới hoàn toàn khỏi hẳn.
Tuy nói vậy Tâm Đăng chỉ lưu lại Thiên Hương cốc có ba ngày, thì trong lòng nóng nảy, nên vào bái biệt Thánh Y, đoạn cùng với Phật Anh và Phật Minh cất bước lên đường, nằm Thiếu Thất sơn trực chỉ, sau khi uống được phương thuốc lạ lùng của Thánh Y, khí lực của Tâm Đăng bỗng nhiên tăng tiến lạ thường, mặc dù bệnh nặng chưa mười phần bình phục, nhưng tốc độ khinh công của chàng lại không kém Phật Anh, chốc chốc chàng lại phải dừng chân chờ đợi Phật Anh...
Chỉ có Phật Minh khinh công của nàng đã luyện đến mức tuyệt vời, nên luôn luôn dẫn đầu đoàn người một khoảng cách vô cùng kiêu dũng...
Hai hôm sau, đoàn người mới đến Thiếu Thất sơn, sau khi vào yết kiến Thiếu Lâm ngũ lão mọi người thảy đều mừng rỡ vì thấy Tâm Đăng khí sắc đã hồng hào, mười phần đã bình phục được tám chín phần.
Lúc bấy giờ, Tâm Đăng trên danh nghĩa mặc dù đã hoàn tục nhưng trong lòng vẫn còn thiết tha mơ đạo, nên vẫn mặc áo thầy tu.
Lại nữa, khi ngọa bệnh trong Thiên Hương cốc, Phật Minh đã cạo đầu cho chàng để được sạch sẽ, bây giờ bước vào Thiếu Lâm tự người người đều cho chàng là kẻ xuất gia.
Sự hiểu lầm nầy, không những làm cho chư vị Thiếu Lâm tăng trong chùa thêm mến Tâm Đăng, mà trong lòng của Tâm Đăng cũng lấy làm thanh thản.
Sẵn dịp chàng yêu cầu Tuệ Minh phương trượng cho phép chàng được nhập môn Thiếu Lâm và tu niệm ngay trong Thiếu Lâm tự.
Tuệ Minh thấy Tâm Đăng là học trò cũ của Cô Trúc, vui vẻ nhận lời, thế là từ đó Tâm Đăng lưu lại trong Thiếu Lâm tự rèn luyện võ nghệ.
Nhờ sẵn có căn cơ võ học nên nghệ thuật của chàng tăng tiến vô cùng nhanh chóng, không đầy hai tháng mà được phép vào Đạt Ma viện để luyện công.
Về phần Phật Anh và Phật Minh vì phận nữ nhi không thể trú ngụ trong chùa thường kỳ được, nên Tuệ Minh phương trượng viết một bức thư gửi gắm hai nàng nơi Thanh Liên tự.
Trụ trì của ngôi Thanh Liên tự này vốn là Tĩnh Tâm sư thái, vì lão ni nầy khi xưa vốn là một vị tục gia đệ tử của phái Thiếu Lâm nhưng sau nầy chán cảnh hồng trần thế phát quy y.
Được hai nàng trẻ đẹp giống nhau như hai giọt nước đến sớm khuya hầu hạ, Tĩnh Tâm sư thái trong lòng mừng rỡ lắm nhưng bà có biết đâu chỉ vì thu dụng Phật Minh và Phật Anh mà Thanh Liên tự sau nầy nổi cơn sóng gió.
Về phần Tâm Đăng sau khi vào Đạt Ma viện ngày thứ nhất liền được Đạt Ma viện Trưởng là Tuệ Tâm thiền sư gọi vào phòng riêng nói chuyện.
- Con đã gia nhập phái Thiếu Lâm mà con có rõ tôn chỉ của bản phái chưa.
Tâm Đăng cúi đầu trả lời:
- Thưa sư bá đệ tử mới nhập môn mấy ngày nên chưa được tường tận.
TuệTâm nói:
- Bản phái kể từ khi Đạt Ma sư tổ diện bích cửu niên (tức là nhìn vào vách chín năm) để sáng lập môn phái, và chư vị thần tăng đời Đường, giúp cho Vạn Tông hoàng đế bình định được loạn Vương Thế Sung làm cho rạng rỡ môn phái, thì người trong Thiếu Lâm chúng ta thảy đều là những trang hiệp sĩ anh hùng, lấy võ thuật ra an bang tế thế, cứu khổ phò nguy, trừ kẻ bạo tàn, giúp người chính trực.
Nay ta thấy ngươi cốt cách phi phàm, lại có công khó nhọc tìm được Tàm Tang khẩu quyết là một quyển võ thư quí báu của bản phái, nay chư vị sư huynh đệ cho con từ nay được phép luyện tập Tàm Tang khẩu quyết để sau này làm rạng rỡ môn phái Thiếu Lâm và cũng để hoàn thành một vấn đề nan giải của Thiếu Lâm đại phái.
Tâm Đăng nghe qua trong lòng, biết mình học xong Tàm Tang khẩu quyết thì phải gánh thêm một trách nhiệm nặng nề.
Linh tính báo cho chàng biết chuyện gì trách nhiệm này sẽ cam go gấp mấy lần công việc đi lấy lệnh phù của Cô Trúc lão nhân, vì lẽ chỗ này là đại địa của Trung Nguyên, cao thủ nhiều như rạ, chỉ một chút sơ hở là sẽ chuốc lấy cái thảm bại vào thân...
Tuệ Tâm thiền sư nói dứt lời, hướng dẫn Tâm Đăng đi vào Đạt Ma chánh điện, nơi ấy tứ bề vắng vẻ, không một bóng người, vì chư vị cao tăng lúc bấy giờ thảy đều tập trung trong Diễn Võ Sảnh để thao luyện.
Tâm Đăng lặng lẽ theo chân Tuệ Tâm thiền sư vào một gian mật thất, vừa bước chân vào phòng, Tâm Đăng giật mình kinh hãi, vì trước mặt chàng thình lình hiện lên một bước tường bằng đồng đen, hình dáng cực kỳ oai vũ.
Tâm Đăng nhìn kỹ thấy người trong tường là một vị cao tăng, mình mặc áo cà sa, tuổi thất tuần, nhưng bắp thịt trên toàn thân nổi lên cuồn cuộn.
Vị cao tăng này đang ngồi theo thế nhập định tham thiền, tuy đôi mắt hơi khép lại, nhưng sắc mặt vẫn lộ vẻ oai nghiêm, làm cho Tâm Đăng chỉ trông thấy hình giả mà cũng phải e dè dễ kính nể.
Tuệ Tâm cung kính làm lễ trước pho tượng, Tâm Đăng thấy vậy cũng quỳ xuống hành đại lễ, đoạn Tuệ Tâm bảo cho chàng biết rằng, đây là bức tượng của Đức Đạt Ma sư tổ.
Tâm Đăng trong dạ nghĩ thầm:
- Người ta đồn Đạt Ma sư tổ là một người thần đồng bây giờ trông tượng mới biết lời đồn không ngoa.
Chợt nghe Tuệ Tâm thiền sư nói:
- Bốn vị hộ pháp đâu?
Có tiếng người ứng thính, rồi từ bên của lách có bốn vị cao tăng bước ra, Tuệ Tâm thiền sư nói nhỏ vài câu, bốn vị này đồng bước tới làm lễ Đạt Ma sư tổ, đoạn cùng một lượt nhát lên bực, bốn người chia nhau thành tứ giác đứng quanh pho tượng.
Tâm Đăng còn đang lấy làm kinh dị, thì bốn vị hộ pháp đồng cúi xuống, nạt lên bốn tiếng, dùng sức nhấc bổng pho tượng đồng của Đạt Ma sư tổ lên.
Nhanh như chớp, Tuệ Tâm thiền sư cũng bay mình lên đó, thò tay vào chỗ pho tượng đang ngồi ban nãy, rút ra một quyển sách.
Nhác trông, Tâm Đăng đã biết ngay đó là Tàm Tang khẩu quyết.
Thì ra, vì nơi Tàng Kinh các là chỗ nổi danh nên Thiếu Lâm ngũ lão không muốn cất giữ Tàm Tang khẩu quyết nơi ấy, Tâm Đăng thấy pho tượng này nặng hơn nghìn cân, mà bốn vị hộ pháp nhắc bổng lên một cách nhẹ nhàng, bật giác trong lòng thầm bội phục.
Sau khi lấy được quyển sách rồi, Tuệ Tâm cẩn thận trao lại cho Tâm Đăng và truyền thụ ngay tâm pháp.
Kể từ hôm đó ngày ngày Tâm Đăng không rời khỏi Đạt Ma viện nửa bước, chàng để hết tâm thần ý chí vào những thế võ nhiệm mầu của Tam Tàng Tử.
Thời gian qua thật nhanh chóng, đã mất hơn mười hôm rồi mà Tâm Đăng chỉ luyện được một thế võ vỡ lòng là Vạn Tàm Khai Tâm.
Càng luyện tập đến chỗ cao thâm chừng nào, Tâm Đăng càng thấy chỗ nhiệm mầu của Phật pháp, thì quyển Tàm Tang khẩu quyết chỉ có vẻn vẹn có ba thế võ mà thôi, nhưng trong ba thế này, chẳng có một đòn nào là sát thủ, nhưng lối bố cục của thế võ này thật là tinh vi huyền diệu, làm cho đối phương phải tự động bó tay.
Sáng hôm sau, Tâm Đăng vừa định luyện sang thế thứ nhì, chợt có Tuệ Tâm thiền sư cho mời vào dạy việc.
Sau khi gặp mặt Thiền sư, ông ta hỏi qua về việc luyện tập Tàm Tang khẩu quyết, được biết Tâm Đăng đã học song đòn Vạn Tàm Khai Tâm, ông ta lấy làm mừng rỡ, đoán hỏi Tâm Đăng rằng:
- Con đã học được một đòn Vạn Tàm Khai Tâm, con đã vì Tàm Tang khẩu quyết mà cực khổ mười mấy năm trời, nhưng con có biết tại sao pho sách này lại lạc vào Tây Tạng hay không.
Tâm Đăng trả lời:
- Con chỉ biết khi xưa Trác Đặc Ba phao truyền tin tức Tàm Tang khẩu quyết xuất hiện tại Tam Tạng còn vì sao quyển sách này thất lạc đến đó thì con không biết.
Tuệ Tâm thiền sư thở dài nói:
- Đây là một chuyện buồn trong làng Võ Lâm Trung Nguyên mà cũng là một chuyện buồn của Thiếu Lâm phái, con hãy theo ta thì rõ.
Nói đoạn dẫn đường đi trước Tâm Đăng thấy ông ta rời khỏi chánh điện, rồi thoát ra phía sau cổng chùa.
Lấy làm lạ, nhưng chàng không dám hỏi, cứ lặng lẽ theo sau, Tuệ Tâm thiền sư, qua một rừng thông xanh tươi rậm rạp, đoạn rừng chân trước một sơn động kín đáo.
Tâm Đăng vừa dừng gót, là bên trong có người lên tiếng:
- Chẳng hay vị nào đến đây?
Tuệ Tâm trả lời:
- Ta... Tuệ Tâm!
Dứt lời cửa động xích mở bên trong có một vị tăng nhân còn trẻ tuổi thò đầu ra mời Tuệ Tâm bước vào.
Tâm Đăng theo chân của Tuệ Tâm bước vào động, đi quanh co khá lâu, mới đến một gian thạch thất trong tận cùng, nơi đây đèn đuốc sáng mờ mờ...
Nhưng nhờ cặp mắt của Tâm Đăng trông chỗ tối như chỗ sáng, nên lập tức phân biên được trên một chiếc giường cũ kỹ, có một vị tăng gầy gò ốm yếu, đang nằm thoi thóp.
Tuệ Tâm thiền sư cung kính đến bên giường hỏi han vài lời, đoạn ngoắc Tâm Đăng bước tới gần, ông ta thong thả vén áo của người bệnh ra cho Tâm Đăng thấy.
Ghé mắt trông vào, Tâm Đăng hồn phi phách tán, vì thấy giữa ngực của người bệnh, trên năm đại huyệt là Phân Thủy, Ngọc Đường, Đoạn Trường, Tỷ Cung và Thương Khúc thảy đều có năm dấu bàn tay đen như mực.
Chàng nghĩ:
- Ta chỉ trúng một chưởng Đại Thủ Ấn sau lưng mà phải mang bệnh trầm kha như vậy, nay vị tăng nhân thọ thương như vậy, thì đau đớn dầy vò sẽ lên đến mức nào?
Ngẩng mặt nhìn lên, thấy nét mặt của nhà sư răn reo hốc hác, sắc diện không còn một chút máu, hơi thở yếu ớt như một đường tơ...
Trong dạ còn đang bàng hoàng, thì Tuệ Tâm nhẹ nhàng kéo ống tay áo của chàng ra ngoài.
Sau khi rời khỏi sơn động, Tuệ Tâm không về thẳng nơi chùa, mà dẫn Tâm Đăng đến ngồi dưới một cội tòng rậm mát.
Ông ta trỏ một phiến đá, bảo Tâm Đăng ngồi, đoạn nói rằng:
- Vị cao tăng mà con ra mắt ban nãy, chính Độ Phàm phương trượng, tuổi cao hơn Thiếu Lâm ngũ lão thật nhiều chính là vị Phương trượng Trụ trì Thiếu Lâm từ hai mấy năm về trước... lúc ấy pho Tàm Tang khẩu quyết vốn tàng trữ trong Thiếu Lâm tự, vốn là một bảo vật vô song của Thiếu Thất sơn, chưa có một vị môn đệ trong chùa được diễm phúc luyện tập môn bí truyền này..
Quyển Tàm Tang khẩu quyết này được ba mươi sáu vị La Hán trong bản tự ngày đêm thay phiên nhau canh gác...
Nhưng vào một đêm kia, bỗng có một số người không biết từ đâu tới, tổng số có hơn ba mươi, thảy đều là những cao thủ thượng thừa, dùng toàn một môn võ công là... Đại Thủ Ấn Tâm Đăng nghe đến đây đông “a” lên một tiếng kinh hoàng trong lòng nghĩ:
- Cũng lại là Đại Thủ Ấn... vậy là bọn này xuất xứ từ Tây Tạng chẳng sai...
Bỗng nghe Tuệ Tâm nói tiếp:
- Chắc con nghĩ bọn người này từ Tây Tạng thâm nhập đến Trung Nguyên... Chính thế... họ là những cao thủ thượng thừa trong phái Mật Tông Tây Tạng, họ cứ khư khư cho rằng Tàm Tang khẩu quyết là do một vị cao tăng Tây Tạng viết ra, nên bây giờ phải giao hoàn cho Tây Tạng.
Thế là lời qua tiếng lại, đôi bên tức khắc động thủ, bọn họ vì có chuẩn bị sẵn sàng từ trước, nên ra tay thì đánh ba mươi sáu vị La Hán tơi bời không còn manh giáp...
Thiếu Lâm tự tức khắc gióng chuông báo động, và Độ Phàm phương trượng phải thân hành xuất chiến.
Bên phái Mật Tông Tây Tạng cũng tức khắc chọn một người cao tay nhất ra đấu chiến... Đôi bên đấu chiến hơn một ngàn hiệp, thật là một trận đấu kinh hoàng thảm khốc nhất trong Võ Lâm Trung Quốc, trót một ngàn hiệp này thảy đều là sát thủ.
Thảm thương cho Độ Phàm phương trượng vì tuổi cao sức yếu, nên rốt cục phải trúng đòn mà thảm bại.
Tâm Đăng nóng nảy cắt ngang câu nói:
- Nếu trúng phải Đại Thủ Ấn cớ sao chẳng dùng thuốc của bản tự, nhờ Thánh Y chạy chữa.
Tuệ Tâm cũng cắt ngang câu nói của Tâm Đăng, răng:
- Nếu việc đơn giản thế thì thật dễ giải quyết... Đằng này, Độ Phàm phương trượng chẳng trúng phải Đại Thủ Ấn, mà năm vết thương trên yết hầu còn trông thấy kia đều là... Vạn Hỏa Công Tâm chưởng...
Bốn chữ “Vạn Hỏa Công Tâm chưởng” lọt vào tai của Tâm Đăng như bốn tiếng sét hãi hùng...
Thì ra khi ở Tây Tạng, chàng đã từng nghe Cô Trúc lão nhân kể rằng môn Vạn Hỏa Công Tâm chưởng lợi hại gấp mấy lần Đại Thủ Ấn, hễ ai trúng phải, trong lòng nóng như lửa đốt, nhiệt độ cứ lần lần tăng gia mà chết một cách thảm thiết...
Tuệ Tâm kể tiếp:
- Độ Phàm phương trượng sau khi thọ thương, bọn Mật Tông tràn vào cướp lấy pho Tàm Tang khẩu quyết...
Tâm Đăng chừng đấy mới ngã ngửa ra, thì ra những bọn tăng nhân nầy đến Thiếu Lâm tự cướp lấy pho sách quí, đoạn mang về giấu trong Bố Đạt La Cung, làm của riêng của Tây Tạng.
Tuệ Tâm nói tiếp:
- Kể từ đó, Tàm Tang khẩu quyết mất đi, mà Độ Phàm phương trượng thọ bệnh trầm kha, không thể nào đi đứng được.
Vì vậy trong môn phái Thiếu Lâm phải tạm cử Tuệ Minh tạm giữ chức Phương trượng và đồng thời tìm danh y trị bệnh cho Độ Phàm phương trượng.
Tâm Đăng nói:
- Muốn trị bệnh thì trong gầm trời nầy còn ai hơn Thánh Y nữa.
Tuệ Tâm thở dài nói:
- Việc này đã có cầu cứu Thánh Y, Nhưng... ông ta bảo rằng, muốn trị Vạn Hỏa Công Tâm chưởng chỉ có đi tìm được Linh Chi Thần Thảo mọc trên Tuyết Sơn mới có thể thối được chất nhiệt trong người.
Tâm Đăng hỏi:
- Vậy cớ sao chẳng đi tìm?
Tuệ Tâm nói:
- Hai mươi năm nay chẳng biết bao nhiêu người trong môn phái đã lên đường đến Tuyết Sơn, nhưng chẳng có một thành công mà trở về... Vì rằng...
Ông ta nói đến đây, vùng nhiên sắc mặt nói với Tâm Đăng rằng:
- Vì chỗ sản xuất Linh Chi Thần Thảo, hơi lạnh thấu xương, không ai có thể chịu đựng được sức lạnh đó, nên chẳng ai có thể đến gần.
Tâm Đăng vung nhảy nhổm, kêu lên một tiếng “à” vì chàng vừa nhớ đến mình khi xưa nhờ Bệnh Hiệp ép vào hang tối, nơi chỗ vô cùng lạnh lẽo để tập sức chịu đựng... biết đâu... phải, biết đâu mình chẳng nhờ sự luyện tập nầy, mà có thể thâm nhập vào vùng Tuyết Sơn để lấy Linh Chi Thần Thảo về cho Thánh Y trị bệnh cho Độ Phàm.
Nghĩ đoạn, chàng kể sơ đầu đuôi cho Tuệ Tâm nghe, Tuệ Tâm nói:
- Việc này ta nghe Tuệ Thiện sư huynh (tức Cô Trúc lão nhân) nói qua, vì vậy mới truyền Tàm Tang khẩu quyết cho mi để tăng thêm phần công lực, ngõ hầu hoàn thành một sứ mạng khó khăn cho môn phái.
Tâm Đăng hỏi:
- Vậy thì chừng nào con mới lên đường?
Tuệ Tâm buồn bã trả lời:
- Trên hai mươi năm nay, ngày nào Độ Phàm phương trượng cũng phải vận dụng công lực để chống cự với hơi nóng công tâm, sự cực khổ ấy biết nhường nào, nay con liệu lên đường sớm chừng nào tốt chừng ấy.
Tâm Đăng trả lời:
- Kính thưa sư bá kể từ ngày con luyện Tàm Tang khẩu quyết nghe thấy công lực của mình tăng lên rất nhiều, liệu chắc có thể lên đường ngay bây giờ.
Tuệ Tâm mừng rỡ nói:
- Được như vậy thì hay lắm, nhưng chúng ta phải chuẩn bị chu đáo mới khởi hành được.
Thế rồi sáng hôm sau, Tâm Đăng cùng với ba vị trong Thiếu Lâm ngũ lão là Tuệ Kiến, Tuệ Thiện và Tuệ Minh đồng thời lên đường đến Tuyết Sơn tìm Linh Chi Thần Thảo.
Vì Tuệ Minh phương trượng biết đường đi nước bước nên phải dẫn đường đi trước.
Phải đi mất một khoảng thời gian hơn mười ngày, đoàn người mới đến Tuyết Sơn và phải vượt núi thêm hai ngày nữa, mới đến chóp núi.
Tuệ Minh đưa đoàn người đến trước miệng cái hang sâu thẳm nơi đây gió núi đã lạnh thấu xương nhưng đến chừng Tâm Đăng bước tới gần miệng hang, ghé mắt trông xuống dưới kia sâu thăm thẳm, từ phía dưới bốc lên một luồng cương khí lạnh lẽo gấp mấy lần.
Chàng thầm nghĩ:
- Vì nơi đây có một luồng cương khí như vậy, thảo nào chẳng ai dám xuống dưới nầy.
Bỗng nghe Tuệ Kiến nói:
- Dưới kia tối đen như mực, nếu người khác xuống chắc chắn không thấy đường.
Tâm Đăng mới sực nhớ ra mình được Bệnh Hiệp luyện tập khi xưa, nên trông vào chỗ tối như ban ngày, nhờ vậy mà chàng không cảm thấy dưới kia tối đen.
Vì có nghiên cứu từ trước, nên Tuệ Minh rút từ sau lưng một sợi dây thật dài và một chiếc cọc thật chắc, ông ta đóng cọc vào miệng hang, đoạn buộc đầu dây vào đó rồi từ từ thả xuống.
Xong đầu dây, Tuệ Minh vỗ vào vai Tâm Đăng, nói:
- Chúc con được mã đáo thành công, mang thánh dược về trị bệnh cho Phương trượng, ba chúng ta sẽ chờ con ở Viễn Lai khách sạn.
Tâm Đăng cất lên một tiếng hú thật dài, vận dụng hết toàn thân công lực, để chống cự với sức lạnh, đoạn noi theo đường dây mà đi xuống.
Thân hình của Tâm Đăng từ trên xuống nhanh như một làn khói tỏa, trong khoảnh khắc đã xuống hơn trăm trượng thình lình trước mặt chàng bỗng nhiên sáng rực, thì ra phía dưới này có vùng đất rộng, cây cỏ xanh tươi, ánh dương rực rỡ.
Dù vậy nhưng hơi lạnh từ dưới đất xông lên, vẫn giá buốt như băng, Tâm Đăng nghĩ:
- Nếu người công lực bình thường, không thể nào lọt vào đây được.
Tâm Đăng đi về phía trước, thấy phong cảnh xinh tươi, dường như đây là chỗ thần tiên mộng cảnh.
Đi ngoặc sang một đoạn đường, bỗng nghe thấy có mùi hương bay ngào ngạt, biết rằng Linh Chi Thần Thảo chắc ở ngần trong ngang tấc.
Ráo mắt nhìn quanh, quả thật thấy một thảm cỏ xanh mướt như nhung, vượt lên một khóm hoa mầu sắc trông như bạch ngọc.
Vì Tuệ Minh có dặn từ trước, nên thoáng trông là chàng biết ngay là Linh Chi Thần Thảo, lại nữa mùi hương từ trong chỗ đó bay ra ngào ngạt.
Lòng mừng khấp khởi, Tâm Đăng vội vàng bước tới, vừa thò tay ra định hái lấy những chiếc lá thần dược mà người trong võ lâm hằng mơ ước...
Chính vào lúc bàn tay của chàng sắp sửa chạm vào Linh Chi Thần Thảo, bỗng từ phía sau lưng chàng có một tiếng hú vang lừng trỗi dậy.
Quay đâu nhìn lại thấy có một chiếc bóng trắng mờ phi tới như bay bằng tốc độ nhanh không thể nào tưởng tượng...
Chiếc bóng đó vừa phi tới, là tung ngay ra một đòn Thôi Sơn Điền Hải, một luồng sức mạnh kinh thiên tức khắc chạm vào cơ thể của Tâm Đăng làm cho chàng phải thu tay về để bảo vệ hậu tâm...
Hai luồng chưởng lực va chạm vào nhau, làm cho vang lên một tiếng “sầm” kinh hồn.
Tiếng vang vừa dứt, cả hai đồng lảo đảo lui lại hai bước, và Tâm Đăng mới kịp nhìn kỹ, người mới đến là một nàng thiếu nữ mặc một bộ đồ võ y mầu đỏ.
Nàng vốn có một nước da trắng như ngọc, lại mặc áo màu hồng, càng làm tăng vẻ diễm kiều của một mỹ nhân.
Nàng cau đôi mày liễu đáp:
- Tiểu hòa thượng, sao dám tới đây?
Tâm Đăng điềm đạm trả lời:
- Nơi đây là chỗ thâm sơn cùng cốc, người trong thiên hạ ai cũng có thể tới đây.
Thiếu nữ quắc mắt:
- Câm mồm lại, nơi đây ta đã đến trước mi nửa năm về trước, quyết không để mi tự do ngang dọc.
Tâm Đăng không ngờ một thiếu nữ trẻ đẹp thế kia mà tính tình nóng nảy như thế, chàng đã quen biết nhiều thiếu nữ, chưa thấy ai nói chuyện một cách khó nghe như vậy.
Còn đang suy tính để tính cách đánh đuổi người đẹp đi, bỗng nghe nàng nói:
- Nếu mi chẳng rời khỏi nơi này, chớ trách Hồng Long Nữ ra tay cay độc.
Tâm Đăng buông ra một tiếng cười nhạt, chưa kịp trả lời, thì Hồng Long Nữ bước xéo ra hai bước, dùng bàn tay phải tung ra một đòn như trời nghiêng đất lệch, thế là có một luồng sức mạnh kinh thiên xô tới, làm cho Tâm Đăng phải thầm e ngại.
Hồng Long Nữ chỉ dùng có sáu phần công lực, nhưng Tâm Đăng ban nãy so qua một chưởng, biết người nầy chẳng phải tay vừa, lên vội vàng dồn hết sức mạnh vào cánh tay tung ra một đòn Càn Nguyên Lợi Hạnh.
Lại một tiếng bùng mãnh liệt nữa vang lên, Hồng Long Nữ bắn lùi ba bước, còn Tâm Đăng chỉ lắc lư thân mình mà thôi.
Xem tiếp chương 49 Linh Chi Thần Thảo
Cổ Phật Tâm Đăng Cổ Phật Tâm Đăng - Nhất Giang Cổ Phật Tâm Đăng