Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 47
uỳnh Trang làm tiệc mừng Ngô trở về. Việc buôn bán bận bịu nên nàng mời khách quí đến dự tiệc vui vào tám giờ tối. Ông bà Bỗng vẫn có mặc cảm giàu nghèo với ông bà Thanh Tuyến nên lấy cớ bận việc không lên dự. Diễm thì cũng tìm cớ thoái thác, bảo mình bận ra Nha trang có việc riêng.
Bữa tiệc đoàn viên chỉ có ông Điển và Ngô là khách. Tường và Nam cũng dẫn con về nhà nội, nhưng Tường bận có cuộc họp tối ở cơ quan nên lấy xe đi lúc chín giờ.
Không khí bữa tiệc thoải mái tự nhiên hơn nhiều người tưởng. Ngô đến sớm nên có dịp nói chuyện nhiều với Quỳnh Trang. Chàng tự nhiên cư xử như người thân trong nhà, phụ Quỳnh Trang lặt rau, xếp đặt bàn ăn, chạy đi mua hộ Quỳnh Trang một ít đồ gia vị còn thiếu. Quỳnh Trang khen:
- Anh giỏi việc nhà lắm, không hư như anh Ngữ. Cô nào lấy anh làm chồng chắc là may mắn.
Ngô đáp:
- Đàn ông ngoài Bắc đều như thế cả. Đi làm về là lo đi hứng nước, nấu ăn, rửa chén, giặt giũ. Toàn là những tay nội trợ cừ. Còn đàn bà thì đoảng lắm, động một chút là dọa báo cáo cho cơ quan.
- Ơ! Chuyện nhà mình mà lại báo cáo cơ quan?
- Ấy! Ngoài đó khác. Nhà nước chăm lo cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân mà!! Vợ chồng có chuyện lục đục là Công đoàn xen vào liền. Nhất là các bà! Họ gọi mình lên góp ý xây dựng, ngồi nghe mấy con nhãi ranh giải thích thế nào là nam nữ bình quyền, thế nào là giải phóng phụ nữ, ôi lôi thôi! Chưa kể động một tí các bà ấy đòi ly dị.
- Ngoài đó cũng có ly dị à?
- Sao lại không. Ly dị như máy. Dễ dàng lắm, không có gì phức tạp cả. Nếu không bị cái nạn khan hiếm nhà cửa, thì số người ly dị còn tăng gấp trăm lần.
- Nhà cửa ăn nhằm gì tới chuyện này?
- Sao lại không ăn nhằm! Trên nguyên tắc, Nhà nước cấp chỗ ở cho cán bộ công nhân viên. Nhưng Hà nội chật chội, độc thân ở tạm nhà tập thể như ở trại lính thì sao cũng xong. Còn lập gia đình thì phải có chỗ ở riêng kín đáo một chút. Nhiều cặp quen nhau đã lâu nhưng không làm đám cưới được vì chờ mãi chưa được cấp phòng. Có vợ chồng được cấp phòng nhưng ở chung với nhiều gia đình khác, mỗi gia đình phân cách nhau bằng một tấm màn che nên nhiều chuyện cười ra nước mắt: múc nước nhầm của nhau này, cầm nhầm dép của nhau này; thấy họ sống như vậy dù có muốn cũng không dám lấy vợ. Nhiều cặp vợ chồng, xin lỗi Trang nghe, nhiều cặp vợ chồng không có cả những giờ phút riêng tư thuận tiện để ân ái với nhau nữa. Họ phải ngoéo tay hẹn cùng trở về nhà vào giữa giờ hành chánh, lúc cả nhà đã đi vắng, để làm cái chuyện đó. Nhưng chưa bi đát bằng cảnh những cặp vợ chồng đã ly dị. Họ được phép ly dị, nhưng khó tìm ra chỗ ở để dọn ra riêng. Giải pháp duy nhất là hùn tiền nhau mua một tấm màn ngăn đôi cái giường. Ông chồng cũ hay bà vợ cũ lỡ có đem bồ bịch về thì người còn lại phải rán mà chịu.
Quỳnh Trang trố mất nhìn Ngô, lắc đầu nói:
- Anh bất mãn chỉ đặt điều chứ đâu đến nỗi như vậy. Mấy hôm nay nghe chú Điển kể đời sống ngoài đó cũng khá lắm mà.
Ngô không tin:
- Ông Điển mà kể tốt cho chế độ à? Phải rồi, Ông ấy mới vào quen thói cảnh giác của người Bắc, lúc nào cũng phải nói cho đúng chính sách. Chờ ít lâu nữa, Trang xem! Ông ấy biết nhiều chuyện động trời ở hậu trường Hà nội. Tường về đây có kể chuyện ra Hà nội gặp chú Điển không?
Quỳnh Trang lắc đầu:
- Không. Cho nên thầy em mới ngạc nhiên, hỏi anh Tường là tại sao đã nhận được họ hàng gần ngoài Hà nội từ lâu, mà không cho thầy biết.
Ngô suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Kể ra Tường nó không muốn nhắc tới ổng cũng phải. Ngoài Hà nội, ổng là cái gai của bọn công an. Dính tới ổng chỉ thêm phiền. Ổng lanh lắm, “dám nghĩ dám làm” nhiều chuyện động trời.
- Em không tin. Trang thấy chú tủn mủn nhỏ mọn thế nào ấy! Thầy me em mừng được gặp người em thúc bá, nên không tiếc gì cả, me với em đã bàn là thế nào chú ra, sẽ mua một ít vải gửi chú đem về Bắc biếu cho họ hàng. Chưa kịp nói, chú đã hỏi. Thấy cái gì chú cũng xin. Bực hơn nữa là nhiều hôm chú tự tiện mua đồ đạc thuê cyclo chở về nhà rồi bảo em cho chú mượn tiền trả, ra Hà nội chú sẽ gửi “măng đa” vào hoàn lại.
Ngô cười khoái trá, nói:
- Đấy. Ông Điển là mẫu người ở ngoài guồng máy phải làm như thế để sống còn. Loại này nhiều lắm, nhưng thành công được như ông Điển chỉ có một nhúm nhỏ. Cả một nghệ thuật đi dây đấy, tay mơ không làm được đâu. Tiếc quá, thằng Ngữ không ở nhà để hỏi chuyện đời ổng mà viết một cuốn tiểu thuyết dài.
Quỳnh Trang hỏi
- Một loại Xuân Tóc Đỏ à?
- Không! Không có gì đáng ghét như Xuân Tóc Đỏ. Ngược lại là khác. Mẫu sống đó có cái gì đáng nể, đầy mưu lược và dũng cảm. Họ từ vai trò một nạn nhân tự xoay xở để trở thành tay phù thủy điều khiển trở lại những kẻ hành hạ họ. Tôi kể không hay đâu. Trang nên tìm cách bắt chú ấy kể.
° ° °
Quỳnh Trang không phải chờ đợi lâu. Ngay sau bữa tiệc tối, thấy không có Tường, ông Điển đã ăn nói dạn dĩ hơn. Ngô đóng vai cò mồi giả vờ quên một vài đầu mối, lại thêm có những đôi mắt nao nức chờ đợi, nên ông Điển quên hết dè dặt. Giọng ông run run vì xúc động, ông nói liên miên như chưa bao giờ được dịp dốc hết bầu tâm sự của mình:
- Anh chị đi Nam rồi thì căn nhà của anh chị ở Hà đông bị tịch thu làm trụ sở xã. Sau đó Ủy ban Nhân dân Xã dời ra căn nhà gần đường, thằng bí thư xã lấy nhà anh chị để ở, mãi cho tới nay nó đã nghỉ hưu nhưng con cháu vẫn chiếm căn nhà đó. Lâu lâu có việc em đi ngang nhìn vào, thấy vườn nhãn ngày xưa đã bị chặt sạch, lấy đất cất thêm nhiều dãy phụ cho đủ chỗ ở cả đại gia đình. Nhà ở phố Huế thì cũng thành trụ sở Công an rồi. Cháu Tường chắc đã kể rõ cho anh chị. Không à? Chắc cháu nhiều việc, quên đi. Chính em dẫn cháu tới xem nhà mà!
Gia đình em giữ được căn phố ở Hàng Đào cho đến ngày chúng nó đánh tư sản. Em bị liệt vào thành phần tư sản mại bản, tội còn nặng hơn những bạn buôn khác vì chuyên bán quần áo mỹ phẩm nhập cảng từ bên Pháp. Trước đó em có nghe phong thanh là mình bị xếp vào loại tư sản, nhưng vẫn hy vọng có nhiều người bạn cũ làm việc trong Ban Cải tạo, quá lắm cũng bị xếp vào loại tư sản dân tộc mà thôi. Không ngờ chúng nó xếp em lên hàng đầu cuốn sổ đen. Em trở tay không kịp. Chúng nó ập vào nhà, kiểm kê từ cái chổi quét nhà cho đến cái piano, nữ trang, vàng bạc. Chúng nó bảo đây là máu mủ em hút của nhân dân, không được quyền chạm đến bất cứ thứ gì. Mỗi người chỉ được mang theo hai bộ quần áo, và phải ra khỏi nhà lập tức. Nhà em khóc lóc năn nỉ xin thêm được vài cái tã lót cho cháu bé, và một ít soong chảo, bát đũa. Chúng nó bảo để thấy giá trị của lao động, Nhà nước cho phép gia đình em được dùng cái xe ba gác để mưu sinh.
Anh chị hiểu, hôm trước còn sống tiện nghi đầy đủ hôm sau đã thành một đám trẻ già nheo nhóc vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ, tình cảnh bọn em hồi đó thê thảm đến mức nào. Dọn hết quần áo, đồ nấu bếp lên chiếc xe ba gác đẩy qua bên kia đường, đứng nhìn trở lại căn phố của mình, em xót xa đứt ruột. Em thầm thề với vong linh thầy mẹ em, tổ tiên họ hàng nhà ta rằng thế nào em cũng chiếm lại căn nhà này, thế nào em cũng rán cho các em của em ăn học thành tài, không để cho chúng nó thành dân ăn mày ngủ chợ Đồng xuân được. Anh chị biết đấy, mười bốn năm sau, em thực hiện trọn được lời thề. Năm 1972, em đẩy được gia đình thằng cán bộ Sở Văn hóa Hà nội ra khỏi nhà để kéo vợ chồng con Dung về trám chỗ, thế là anh em cả nhà đã trở lại sống trong căn phố thầy mẹ em tạo dựng. Hôm đó, em làm một mâm cỗ nhỏ, thay mặt tất cả anh em và các cháu cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho em thành công. Em vừa khấn to vừa khóc, cả nhà đều khóc.
Ông Điển nghẹn lời không kể tiếp được. Mọi người trên bàn tiệc đều xúc động. Bà Thanh Tuyến chặm nước mắt, hỏi:
- Rồi gia đình cô chú sống cách nào?
- Cũng may là chúng nó không dẫn tụi em ra bêu riếu làm nhục như những người bị ghép vào thành phần địa chủ cường hào ác bá trong cải cách ruộng đất, chứ nếu bị làm nhục, tính em anh đã biết, chắc em đã cắn lưỡi tự tử chết từ hồi đó rồi. Em nói với nhà em và các em gia đình mình bây giờ như một lũ hủi đâu có sợ lở, làm cái gì để sống được thì cứ làm, miễn không phạm đến đạo đức gia phong nhà ta là được. Thấy cái chái nào ở được tụi em tới chiếm đại mà ở, tụi nó thấy chướng mắt bêu xấu bộ mặt chế độ thì chúng nó có phận sự tìm chỗ cho gia đình em đi, bỏ tù tụi em còn khỏe thân khỏi lo chỗ ăn chỗ ngủ.
Tội nghiệp là lũ con gái như con Lệ, con Dung, chứ đàn ông con trai thì sao cũng được. Riết rồi cũng quen. Đàn bà bày vài món kẹo, chuối, nước trà vối bán ở chỗ đông người qua lại. Đàn ông con trai thì dùng xe ba gác ban ngày đi chở hàng thuê, ban đêm đi đổ thùng cầu. Vâng. Nhà xí ngoài đó vẫn y như thời Pháp thuộc, dùng thùng hứng phân chứ không phí phạm như trong này. Không ngờ chính cái nghề hôi thối đó lại giúp anh em bọn em lấy lại được căn nhà. Em chạy chọt xin đổ thùng cho khu có nhiều biệt thự, cơ quan nhà nước, cán bộ cao cấp ở khu đó cả. Chúng nó có cách mạng từ ngọn tóc cho tới gót chân thì chúng nó cũng là con người, có ăn thì phải có ỉa. Ăn vào nhiều thì ỉa khỏe. A ha! Em không nắm được phần đầu thì cũng tóm được phần đuôi của chúng nó. Chúng nó bận lo những chuyện vĩ đại nhưng vợ con chúng nó sẽ cằn nhằn tối ngày không cho chúng nó làm chuyện vĩ đại, nếu hầm cầu dơ. Nắm được cái bửu bối ấy, em làm quen với các bà. Con nào tử tế thì em làm sạch sẽ. Con nào phách lối cửa quyền, em phạt. Chẳng những phạt cái ỉa của chúng nó, mà còn phạt luôn cả cái uống cái ăn của chúng nó nữa. Anh chị đừng ngạc nhiên. Ngày ngày ra vào nhà chúng nó, em biết hết cả đường dây điện, ống nước. Lôi thôi này nọ, em lén khóa nước lại, hoặc làm bể ống để đem đồ nghề tới sửa.
Em xin được vô số bằng khen, được báo đăng tên trong mục “Người tốt việc tốt” như một gương cải tạo lao động tốt của một người vốn là tư sản mại bản.
Hai năm sau, em chạy chọt mua được một căn nhà nhỏ ở khu Khâm thiên. Cái nhà đó bị Mỹ dội bom sập năm 1972 rồi. Em thấy nếu muốn cho các em tiếp tục học hành thì phải có chỗ ăn chỗ ở ổn định cho chúng nó. Nhờ phúc gia đình ta tuy học hành dở dang đứa nào học lại cũng học giỏi. Cái lo của em là lý lịch gia đình ta quá xấu, bị xếp vào giai cấp tư sản mại bản thì đừng có hòng mon men lên đại học. Em cứ tuần tự thấy cái gì khẩn trương cần làm trước thì phải giải quyết ngay. Em xoay xở để bọn công an chịu thay hồ sơ lý lịch, từ “tư sản mại bản” đổi thành “tư sản dân tộc đã giác ngộ lao động tốt”. Nhờ thế thằng Thận mới vào được trường kỹ sư, thằng Đường mới vào được trường đại học tổng họp. Con Lệ với con Dung thì dễ hơn vì cả hai đứa đều có nhan sắc lại biết đàn piano. Chúng nó vào trường âm nhạc dễ dàng, một đứa học thanh nhạc một đứa học kịch nghệ.
Thằng Thận vừa ra trường xong, em bắt đầu thực hiện phương án lấy lại căn nhà ở phố hàng Đào. Em biết rõ căn nhà đó hiện có bao nhiêu hộ ở chung, chủ hộ làm gì, ở đâu, lý lịch ra sao, tính tốt tính xấu thế nào. Em chọn cái đích dễ nhất để bắn trước: đó là gia đình một thằng công tác ở báo Thanh niên Tiền phong, một vợ một con, ở căn sau cùng của lầu trên, căn phòng trước đây em làm nhà kho để chứa bàn ghế hư thùng giấy cũ vì thiếu ánh sáng và chỉ có một cái cửa tò vò nhỏ xíu trên cao, tường sau hướng ra phía bắc thường bị mưa tạt, nước thấm vào bên trong làm căn phòng thường bị ẩm. Thằng chồng tính hay ghen bóng ghen gió, con vợ lại hay cười nói xởi lởi với ai cũng anh anh em em ngọt xót. Em lân la làm quen với thằng chồng, bắn tiếng là tay cán bộ thương nghiệp ở căn kế cận từ ngày rủng rỉnh đồng tiền đâm đổ đốn, mèo mỡ lăng nhăng lung tung, già trẻ không tha, gần xa thân sơ gì cũng tán tuốt.
Thằng chồng từ đó nhìn đâu cũng thấy tình địch, vợ chồng cãi cọ nhau luôn. Từ xa, em đổ thêm xăng vào. Thế là hắn tự động xin dời đi chỗ khác. Em bảo thằng Thận chộp ngay lấy căn phòng trống, đóng được cái chốt đầu tiên làm hậu cứ để tổng tấn công.
Cứ tuần tự như thế, tùy trường hợp mà em ra phương án. Có đứa em dùng tiền để vì ham mà nó chịu ra khỏi nhà. Có đứa em nắm cái tẩy của nó bắn tiếng dọa, nó sợ phải tìm nhà khác. Nói thì nhanh và gọn, nhưng thực tế không phải vậy. Từ ngày thằng Thận dọn về cho tới ngày vợ chồng con Dung dọn về, thời gian đằng đẵng những tám năm.
Xin báo cáo để anh chị mừng, hiện nay bốn đứa em của em đứa nào cũng có địa vị, nhìn thiên hạ không thẹn là đã có thời gia đình sống bằng nghề đi đổ thùng cầu. Thằng Thận đã vào công tác ở Nha trang, thế nào nó cũng đem cả gia đình vào đây. Nó viết thư cho em bảo nó được cấp nguyên cả một cái biệt thự gần bờ biển, xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thằng Đường thì đang dạy ở Đại học Sư phạm Hà nội, vợ nó công tác ở cửa hàng bách hóa, nếp sống tương đối đủ so với mức sống ở thủ đô. Gia đình con Lệ con Dung đều là nghệ sĩ, tiêu chuẩn cao, lâu lâu có được cử đi công tác ở nước ngoài. Em thỏa nguyện lắm rồi. Em thề những gì với thầy mẹ thì bây giờ đã làm trọn. Em không cần giữ căn phố đó nữa. Em tính đưa hết cả gia đình vào Nam.
° ° °
Phái già đã ngồi riêng với nhau để nói về những họ hàng bà con mà lớp trẻ không biết họ là ai, nên tự nhiên Quỳnh Trang, Nam, con Thúy và Ngô lập thành một nhóm riêng, ngồi ngay tại bàn ăn tiếp tục chuyện vãn. Ngô trở thành cây đinh của cuộc hàn huyên. Nam và Quỳnh Trang thấy Ngô không có thái độ dè dặt thủ thế như Tường, nên hỏi đủ thứ chuyện.
Nam muốn làm sáng tỏ cái chết của cha, bắt Ngô kể lại những gì Ngô tham gia hoặc chứng kiến hồi Tết Mậu Thân. Ngô kể lại hết, phần cuối chàng nói thêm:
- Vì vậy mà lên tới Khu hầu hết bọn nầy đều xuống tinh thần. Họ nhồi nhét đủ thứ lý luận, nào là bạo lực cách mạng, nào là đấu tranh giai cấp, nào là xu thế tất yếu của lịch sử, nghe thì nghe nhưng lòng không ổn. Cứ cảm thấy tức anh ách thế nào! Đúng lúc đó thì xảy ra vụ Mười Chí bị Mỹ bắt và vụ của tôi.
Nam nói:
- Anh Mười Chí hiện làm việc chung một chỗ với anh Tường. Anh Tường có kể sơ cho Nam nghe vụ Mười Chí. Anh ấy căm anh em bạn bè cho tới bây giờ vẫn còn căm, tính nết khó khăn lắm.
Nam kể sơ vụ Mười Chí cho Quỳnh Trang nghe. Quỳnh Trang nói:
- Bạn bè mà cư xử với nhau như vậy, anh ấy căm là phải. Còn vụ anh ra sao?
Ngô đáp:
- Tôi suýt chết vì dại dột. Thành thật mà nói, như Quỳnh Trang với Nam đã biết, tôi chỉ thích vẽ chứ cách mạng cách miết gì đâu. Chỉ vì có Tường mà tôi bị cuốn vào dòng, rồi bị tù lãng nhách. Đến lúc sắp được tha thì họ vào, mở cửa lao Thừa phủ giao cho khẩu AK. Suốt gần một tháng trời có lúc muốn trốn mà trốn không được, họ rút thì cũng rút theo. Lên rừng, số rủi lại gặp ngay thời kỳ khó khăn, học tập, phê tự phê, kiểm thảo thu hoạch liên miên. Nản quá. Một hôm được tạm nghỉ, tôi xách súng đi sâu vào rừng, không chú tâm gì hết. Đi đâu phải đem súng theo phòng thân là chuyện thường, vì thời đó Mỹ nó thường thả biệt kích vào làm lén một quả rồi rút êm, nhiều thằng đã bị chết rồi. Đi lang thang một hồi, thấy chim chóc nhiều, tôi nghĩ tại sao mình không bắn vài con đem về “cải thiện” bữa ăn. Tôi bắn dở ẹt, bốn năm phát mà chẳng hạ được con nào cả. Hành động tài tử ấy không ngờ gây vạ lớn. Cả khu xôn xao, không hiểu do đâu có tiếng súng. Khi truy ra biết chính tôi bắn, bọn An ninh liền đặt nghi vấn: tôi bắn súng để làm gì? Đây đâu phải là buổi picnic cắm trại hay đâu phải là rừng Phi châu mà tôi giải thích gọn là bắn chim. Họ qui cho tôi cái tội bắn súng để chỉ điểm cho biệt kích Mỹ. Ngay tối hôm đó, tôi đã bị An ninh bắt cột tay bịt mắt dẫn đi giam ở một cái hầm kín. Tôi bị bỏ nằm đói một ngày một đêm dưới hầm để tinh thần bạc nhược, sau đó cán bộ An ninh thay nhau đến hạch hỏi, bảo tôi phải khai ai đã ra lệnh cho tôi len lỏi vào hàng ngũ Cách mạng để do thám, nhận lệnh lúc nào, ngoài lệnh đó còn có lệnh nào khác, đồng bọn gián điệp còn có những ai.
Quỳnh Trang vội hỏi:
- Anh có bị đập không?
- Chưa. Họ chỉ uy hiếp tinh thần. Mà dù có bị đập tôi vẫn chỉ khai thực như thế như thế, chứ khai cái gì nữa. Họ nhất định không tin. Trong lúc đó, về sau tôi nghe kể là bạn bè bên ngoài sợ xanh mặt, chỉ sợ tôi bị đòn đau khai ẩu cho họ. Ai bị kêu lên hỏi cũng lo thủ thân, tử tế lắm thì nói hàng hai, còn không thì cứ nói thế nào để vừa lòng An ninh.
Có người khai là tôi vốn đã thiếu tinh thần đấu tranh, tham gia đấu tranh chỉ vì a dua ham vui chứ không có lập trường gì cả, nếu bị địch dụ dỗ thì cũng tự nhiên thôi. Có người dám xác nhận tôi thuộc thành phần tốt, chưa hề tham gia những công việc chống Cách mạng lúc theo học Cao đẳng Mỹ thuật, nhưng không biết suốt thời gian bị địch giam có đầu hàng địch hay không. Có người cũng đã từng ở tù tại lao Thừa phủ thuật rằng trong những ngày giáp Tết Mậu Thân, tôi có vẻ hí hửng vì biết trước địch sắp phóng thích tôi. Tóm lại những lời khai của bạn bè đều bất lợi cho tôi. Lúc đó tôi chưa biết bạn bè khai những gì, chỉ mong bạn bè quá rõ mình thì thế nào họ cũng giải oan cho mình. Tôi hoang mang vì càng ngày bọn thẩm vấn càng gay gắt hơn, lời lẽ lổ mãng hơn. Họ kết tội tôi ngoan cố. Họ dụ dỗ là nếu thành thực khai báo sẽ được Cách mạng khoan hồng. Tôi biết khai báo cái gì bây giờ? Tay đại úy cơ quan an ninh giận quá, xô tôi ngã xuống dí súng vào đầu tôi la lớn: “Mày còn ngoan cố nữa tao bắn nát óc mày. Mày khai không?” Tính tôi hay nổi cộc, Trang với Nam đã biết. Tôi định nói: “Mày giỏi thì cứ bắn đi. Tao không có gì để khai nữa hết!” Nếu tôi thốt câu đó chắc hắn bóp cò rồi. May phước, đúng lúc đó Năm Được tới. Không ngờ Năm Được làm lớn như vậy. Anh ấy đứng ra bảo đảm tôi là người tốt, gia đình tôi thuộc giai cấp công nhân đường sắt. Thật tức cười, không ngờ mấy ông công nhân đường sắt ở tận bên Nga từng giúp Lénine lên nắm chính quyền đời xửa đời xưa lại cứu mạng tôi. Nghe nói tôi thuộc giai cấp “công nhân đường sắt”, tay đại úy dịu giọng liền. Tôi được thả ra. Bạn bè tránh không muốn gặp hay ở gần tôi. Lúc đó tôi tưởng họ còn sợ bị liên lụy. Sau này tôi mới biết chỉ vì họ ngượng. Sáu tháng sau, tôi được đưa ra Hà nội, và làm việc ở đài phát thanh cho đến nay.
Nam nói:
- Hèn gì anh Tường cứ nói muốn biết rõ vụ này thì phải chờ anh về kể. Mấy lần Nam hỏi, anh ấy không chịu nói. Sao họ không chịu tin lời anh Tường nhỉ?
Ngô ngửng phắt lên nhìn Nam hỏi:
- Tường khai với họ những gì, có kể cho Nam biết không?
Nam lúng túng đáp:
- Em không biết. Nhưng chắc chắn anh Tường khai tốt cho anh.
Ngô mỉm cười, định nói gì đó nhưng lại thôi. Một lúc sau, Ngô nói:
- Đôi lúc cũng phải thông cảm cho bạn bè. Sống giữa không khí căng thẳng đó, ai cũng phải lo thủ thân. Ai cũng thấy mạng người hồi Tết Mậu Thân rẻ như thế nào rồi. Tại sao Mười Chí tới nay vẫn còn căm hận anh em? Gặp nó, tôi sẽ khuyên nó. Mình không làm việc ác thì dù gặp nguy hiểm phút cuối vẫn có người đột ngột xuất hiện cứu mình.
Nam mừng rỡ tìm được đề tài ít gai góc hơn, vội nói:
- Anh Năm Được hiện công tác ở quận Tân bình đấy, anh Ngô biết chưa?
Ngô mừng rỡ nói:
- Thật à? Tôi phải tìm thăm mới được. Anh ấy cứu mạng tôi.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương