Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 44
M
ột đợt biên chế nữa trong nội bộ các trại lại diễn ra. Một số bạn nằm cùng nhà 2 đội 17 với Vĩnh như Ý, Huy, Dương... lại bị phân tán sang các nhà khác. Bù lại, một số bạn khác như Tạc, Tiến, Hóa... lại trở về nhà 2 nằm chung với Vĩnh. Khi đợt biên chế đã hoàn tất thì trời đất cũng xoay vần trở lại mùa tang chế của quê hương!...
Cuối tháng Tư năm 77, trong lúc lòng mọi người đang cư tang cho ngày mất nước hai năm về trước, thì bọn cai tù trại An Dưỡng được lệnh tổ chức một đêm chiếu phim cho tù cải tạo xem. Bộ phim này có tên là Sao Tháng Tám. Những cảnh đói trong phim đã gây bàn tán thật nhiều. Bọn tù, người thì cả quyết đó là tài liệu thật, người thì cam đoan đó chỉ là những phim được dựng cảnh sau này nhằm Mác-xít hóa nội dung một thảm cảnh có thật của người Việt Nam.
- Dựng thế chó nào được. Một người trong nhà 2 lên tiếng. Lấy tài tử đâu ra mà đóng những vai ốm đói!?
Có tiếng cười của người khác.
- Tiên sư anh, sao anh ngu thế? Anh cứ nhìn lại thân anh coi, anh có giống y chang những người ốm đói năm 45 không? Hiện giờ cả nước có hàng triệu người đang rất thừa khả năng thủ những vai ốm đói như vậy mà không cần một chút ngụy trang nào. Nhà nước dựng một phim như thế, chứ dựng hàng trăm phim như thế vẫn có thừa tài tử đóng chùa...
Chiều cuối tháng Tư trời oi ả như muốn ngột bất cứ lúc nào. Nằm trong phòng lúc nhúc người, mỗi người hai gang tay rộng cho chiều ngang chỗ nằm, Vĩnh chỉ muốn chui ra ngoài sân ngồi cho thoải mái nhưng lại làm biếng. Ra sân ngồi thế nào cũng khổ vì cái đói thức dậy hoành hành. Thà nằm trong nhà, lỗ tai lùng bùng đủ thứ chuyện bàn tán của bạn bè mà đâm hay; cái đói chẳng có thì giờ len vào quấy nhiễu, không những trong bụng mà còn trong tim trong óc.
Đàng góc kia, Nguyễn Đình Tạc đang ra sức hành một nghề mới kiếm tí thuốc lào của anh em cúng dường. Hắn nằm trên một chiếc võng, bạn bè bu quanh để nghe hắn "lên phim" - một từ ngữ mới dùng cho việc kể chuyện Tam Quốc hoặc chuyện chưởng - Vĩnh phải công nhận Tạc có một trí nhớ tuyệt vời. Hắn có khả năng kể lại bộ tam quốc ròng rã ba tháng trời với không một chi tiết hay một lời bình nào bị bỏ sót. Tạc còn sở hữu một lối kể chuyện duyên dáng không thu gì Đặng Thế Tiến, thành thử rạp hát của hắn cũng chẳng thua Tiến bao nhiêu. Ở góc khác, trong tinh thần cạnh tranh thương nghiệp tư sản, Tiến cũng nằm trên võng và lên phim cho một số thích phim chưởng nghe. Trong mấy tháng nay, đêm nào cũng một tiếng, hắn lần lượt chiếu hết các bộ Cô Gái Đồ Long, lại sang bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tiếng kể chuyện râm ran, tiếng thì thầm bàn tán những chiến thuật tuyệt vời của Khổng Minh, sự nhẫn nhục để thành đại sự của cha con Tư Mã, những đường đao bất hủ của Lãnh Diện Nhân hoặc cái đàn ông tính đầy quyết thắng của Lâm Bình Chi trong Tiếu Ngạo Giang Hồ... Vĩnh nằm giữa nhà, bên nào hấp dẫn anh xử dụng lỗ tai bên đó.
Thỉnh thoảng lại có tiếng chửi thề đồng nổi lên một lượt để phê phán thái độ phá đám bầu không khí yên lặng của Bùi Vịnh. Từ ngày được xem phim Sao Tháng Tám, bọn tù chỉ rút ra được một câu duy nhất trong phim, ấy là lời rên xiết của một người sắp chết đói nằm bên vệ đường, bị người ta hốt ném lên xe đem đi chôn. Người sắp chết ấy dù chỉ còn là một bộ xương, vẫn cố ngốc đầu lên thều thào than một câu: Bẩm lạy quan, con chưa chết xin đừng chôn con!...
Câu nói ấy được bọn tù lập đi lập lại như một hàm ý chọc ghẹo bọn quản giáo, xa hơn, mỉa mai cả chế độ rằng họ đang chôn sống những người cải tạo trong các trại tập trung.
- Con chưa chết xin đừng chôn con!
Mọi người đang mải mê lắng nghe Tiến và Tạc kể chuyện, bỗng nhiên Bùi Vịnh lại rú lên cái câu nói nhiều chất thảm chen lẫn chất tếu ấy khiến ai cũng bực. Bực thì bực, lâu lâu buồn miệng nó vẫn rú lên.
- Ối giời ơi con chưa chết xin đừng chôn con!
Đêm nay cũng như mọi đêm, sau một ngày lao động cật lực; sau bữa chiều với hai sét cơm độn khoai sắn chan tí nước muối với tí rau dền luộc; sau giờ họp tổ và họp nhà với đủ thứ đấu tranh, phê bình, mổ xẻ...; sau khi biết rõ ngày mai mình sẽ làm công tác gì; Vĩnh và các bạn lại chui vào phòng nằm thở ra. Thình lình ông già Đang chui vào chỗ Vĩnh nói.
- Ông có quen ai là Nguyễn Chí Kham phải không?
Vĩnh gật đầu.
- Vâng, sao?
- Có người xưng tên là Nguyễn Chí Kham muốn gặp ông ngoài cửa kìa.
Nghe ông già Đang nói Vĩnh vội ngồi bật dậy và phóng nhanh ra cửa. Một anh tù với dáng lè phè đang đứng ngay bên trái cửa, tuy nhiên Vĩnh thấy đôi mắt anh ta nhìn ngang liếc dọc như phải dè chừng một cái gì. Vì chưa từng gặp nhau trước đó, Vĩnh vội hỏi khẽ.
- Ông là Nguyễn Chí Kham?
Người đối diện chợt cười vui vẻ.
- Dĩ nhiên không thể là Nguyễn Chí Thanh! Nói đoạn anh tiếp. Gớm, tôi với ông Dzoãn Bình nhắn tin mấy tháng nay mà không cách nào gặp được ông. Tôi có gặp Nguyễn Hữu Nhật đi lao động cách đây cả tháng. Hắn làm ở khối mộc, nói rằng gặp ông trên bệnh xá. Ông đau gì vậy?
- Đủ thứ ông ơi, nhưng đau đầu là bệnh nặng nhất.
Nói rồi Vĩnh nắm tay Kham lôi vào nhà. Vào đây ông, vào đây nằm nói chuyện thú hơn. Nhà này chịu chơi lắm.
Kham có vẻ e ngại khi nghe lời đề nghị của Vĩnh. Anh ta nói.
- Tôi đội thằng Lê Bá Lý. Nó đã cấm ngặt liên hệ linh tinh và cấm ngặt người của đội nó dẫn người đội khác vào nhà mình hoặc ngược lại. Nó vồ được cũng phiền lắm.
Vĩnh cười.
- Ông cứ yên tâm. Nhà tôi toàn là những thằng từng ở với nhau từ Trảng Lớn lên đây. Biên chế qua lại rồi cũng gặp nhau cả. Chịu chơi chứ không tệ như mấy đội khác đâu.
Thế rồi Kham theo Vĩnh vào nhà và hai đứa trò chuyện với nhau đủ thứ. Kham cho biết đơn vị sau cùng của anh là đài phát thanh Huế. Anh được biệt phái và đi tù với cấp bậc thiếu úy. Anh cũng khoe về một số truyện ngắn anh viết trong tù và phải dấu diếm thật kỹ càng. Vĩnh hỏi.
- Thế ông trước ở trại nào?
- Tôi từ trại 2 biên chế sang trại 4 tuần rồi. Có cả anh Dzoãn Bình nữa. Anh ấy ở cùng đội tôi hiện giờ. Ông nội ấy tôi teo quá.
Vĩnh ngạc nhiên.
- Sao vậy?
- Ở tù mà vẫn giữ nguyên cái tật ăn to nói lớn.
- Tốt chứ sao!
- Tốt gì. Hồi bên trại cũ ông ấy bị chúng nó nhốt connex hết mấy ngày.
- Lý do?
- Hôm ấy đi lao động lên luống. Tôi với ông ấy cuốc gần nhau. Thằng chính trị viên trại 2 nó ra tham quan hiện trường, nó hứng thế nào kể cho lũ tù nghe một hai mẩu Tam Quốc. Ông Dzoãn Bình nhà ta coi mòi cảm khái, tự dưng hỏi lớn: Ủa! anh cũng biết cả chuyện Tam Quốc nữa à? Thằng chính trị viên nó sùng, nó kết án ông ấy khinh người Cách mạng là ngu dốt, đem cất ông ấy vào connex hết mấy ngày.
- Vậy lúc này ông ấy ra sao?
- Ông ấy muốn gặp ông lắm, bảo tôi sang đây rà đường xem có ông không. Nếu có ông ấy sẽ mò sang sau.
Mười phút sau đó Vĩnh, Nguyễn Chí Kham và anh Dzoãn Bình đã gặp nhau nơi chiếc bàn ọp ẹp ngoài sân nhà 2. Ba người gặp nhau thầm thì to nhỏ. Anh Bình than thở về gia cảnh anh, rằng vợ anh mất, anh đi tù để lại ba cô con gái tuổi còn vị thành niên. Thế nhưng lần thăm vừa qua anh không ngờ ba cô bé cũng lo cho bố thật đầy đủ. Rồi thì câu chuyện lan man qua vấn đề sinh hoạt. Kham than thở anh xui xẻo rơi vào cái đội quá hắc ám, cầm đầu là ông Lê Bá Lý. Anh Dzoãn Bình sau lúc đầu thủ thỉ, dần dần trở lại thói quen cũ, anh cười nói oang oang ngoài sân khiến Vĩnh cũng phát ngại.
- Cậu cứ yên tâm. Cứ khai bệnh cho tôi. Cậu đau thật cậu sợ đếch gì. Nhưng mà tôi bảo thật cậu còn lãng mạn lắm, tóc tai vẫn nghệ sỹ bồng bềnh thế kia...
Vĩnh cười.
- Thôi lạy anh. Bồng bềnh nghệ sỹ cái con khỉ. Chẳng có dao kéo mà hớt đấy thôi.
Qua câu chuyện tiếp nối, Vĩnh cũng được biết đáng lẽ Dzoãn Bình chưa bị bắt, nhưng vì nghe theo lời kêu gọi của Ủy Ban Quân Quản, anh vào trình diện Việt Nam Thông Tấn Xã và chúng khui ra tiểu sử anh từng là cựu thiếu úy tham gia chống Pháp xưa kia, thế là anh mắc kẹt luôn...
Anh Bình lại nói.
- Tôi nghe phong thanh sẽ có đợt đi Bắc hoặc tổng chuyển trại lớn sẽ được thực hiện vào tháng Sáu hay tháng Bảy này. Cũng có thể một số rất lớn được thả. Tuy nhiên cậu và Kham còn có hy vọng được thả, chứ nếu có đi Bắc phải hẳn là tôi bỏ mẹ trước nhất! Bỗng nhiên anh reo lên. Quên! Chuyện qua chuyện lại, tôi có thằng bạn nhỏ nằm bên cạnh nó bảo nó là học trò cũ của cậu. Thằng ấy nó lai Tàu, nhà giàu lắm. Chuẩn úy hay thiếu úy gì đó. Quà thăm cả hai tạ, nó ăn ròng rã từ đó đến giờ vẫn chưa hết...
Nghe nói thì biết vậy. Người ta chỉ có thể nhớ được ai từng là thầy mình, làm sao nhớ nổi ai từng là học trò mình.
Đêm xuống, anh Bình và Kham trở về đội của họ. Vĩnh vào nhà nằm nghĩ mà buồn vì đã chẳng có gì để đãi hai người bạn văn mới gặp trong tù. Vĩnh đành nằm yên lắng nghe tiếp chuyện Tam Quốc đang được Tạc say sưa kể. Anh chợt chồm tới đánh cắp một bi thuốc của Tạc được cúng dường nhét trên vành lỗ tai. Tạc vừa kể vừa đong đưa võng, không biết mình mất thuốc. Vĩnh bò ra kiếm cái điếu. Anh ngửi bi thuốc và biết rằng đây cũng chỉ là một bi thuốc rổm, thứ quái quỷ này rít vào rát cổ như bị Lý Tiểu Long đá trúng một ngọn thất cước liên hoàn.
Giọng Tạc vẫn đều đều.
- Ấy là: Thành quách Hớn gia đã đổi chủ
Giang sơn Ngô quốc lại hầu nghiêng...... Tấn chúa biếu chơi Tôn Hạo chức Quỷ Mạng Hầu, con cháu đều phủ phê cảnh cơm no bò cỡi. Bọn nâng bi cho Tôn Hạo cung bắt tạm cái tước Liệt Hầu thừa sức tham ô lãng phí; đè đầu đè cổ nhân dân. Chỉ có Thừa Tướng Trương Để là đau. Lịch sử với mâm trên mâm dưới chỉ thuộc về những thằng còn sống nhăn. Trương Để sớm ra đi để làm người thiên cổ, thành thử chuyện quyền cao chức trọng, áo mão xênh xang đành để cho lũ con cháu hưởng hàm xài tạm...
Ấy ta mới thấy rằng rốt cuộc ba nước đều quy về tay một thằng trời ơi đất hỡi... Nhưng nói thế cũng chẳng đúng lắm, vì người ta có tài mới quy được đất nước về một mối. Ít nhất cũng phải có tài lỳ lợm, chịu khổ chịu nhục như cha con Tư Mã, phải không các đồng chí? Để ứng dụng vào thực tế cải tạo, đề nghị các đồng chí tối nay nằm vắt chân chữ ngũ, đào sâu suy nghĩ xem làm cách nào hạ nổi những kẻ lỳ lợm đến vô sỉ cở cha con Tư Mã. Anh nào tìm ra giải pháp, kẻ hèn này sẽ tình nguyện chiếu hết bộ phim Hán Sở Tranh Hùng cho riêng người ấy người nghe.
Những tiếng xầm xì nổi lên. Tạc ngồi bật dậy khỏi võng, đọc như một bài học thuộc lòng.
Bộ Tam Quốc đến đây là dứt.
Ai muốn biết nhà Tấn ra sao?
Mau mau quyên góp thuốc lào,
Nộp cho hàn sỹ (thì) chuyện nào cũng cân.
Những cái điếu cầy lại rú lên trong đêm. Bên kia Đặng Thế Tiến cũng có vẻ mệt mỏi và máy chiếu cũng coi mòi hết pin. Hắn kết thúc thật mau đoạn kết câu chuyện kể và nhào về phía Vĩnh.
Mấy thằng thân thiết với nhau lại kéo ra sân ngồi quây quần tán dóc. Vĩnh luôn luôn là kẻ vô tài trong việc kiếm chác thuốc lào. Nhưng Tạc và Tiến đã biến thành hai nhà cung cấp thuốc lào chính yếu cho cả bọn. Tiến moi trong túi ra năm bảy bi thuốc gói cẩn thận trong miếng giấy nhỏ, trình làng như khoe một thành tích. Tạc cũng chẳng kém gì. Hắn cũng moi ra mấy bi thuốc lào thật "xiện" trình làng. Tạc cười.
- Khi nãy tao nhét một bi thuốc "lá cà chua" trộn vài sợi lông nách trên vành tai, chẳng biết thằng khốn nạn nào thuổng mất. Tao cứ cười trong bụng mãi. Mẹ kiếp, thằng nào hút nhằm bi đó hết đầu thai.
Vĩnh biết Tạc đùa xỏ anh nhưng anh chỉ cười. Vĩnh hiện có một cái khổ tâm là có đến hai nhóm bạn đều thân thiết nhưng lại không hợp nhau. Một bên là Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý, Vũ Duy Dương, Đặng Minh Tuấn tự Tuấn Râu và Phạm Điểu. Một bên là Nguyễn Đình Tạc, Đặng Thế Tiến và Nguyễn Văn Hóa. Ngồi với đám Phạm Xuân Huy chỉ bàn tới chuyện trốn trại. Còn ngồi với đám này chỉ bàn chuyện tiếu lâm chửi xiên chửi xéo chế độ. Đêm nay Vĩnh ngồi với đám Tạc nói chuyện văn nghệ văn gừng. Đôi khi qua những câu chuyện ôn lại những chuỗi ngày ở Trảng Lớn, Vĩnh lại chùng lòng xuống khi nhớ tới Nguyễn Thành Đính và Nguyễn Tất Ứng. Chả hiểu giờ này chúng nó trôi dạt tới đâu!? Bàn hết chuyện này đến chuyện khác, cuối cùng thế nào cũng tới chuyện ăn chuyện uống. Lúc này cả trại đều đói thê thảm. Quà cáp và thăm nuôi chưa thấy trại nhắc nhở gì. Trong cái hoàn cảnh thiếu thốn này cái thèm như có lý do tăng nhanh tăng mạnh gấp trăm lần trong lòng mọi người mỗi khi có ai lỡ dại nhắc đến những món ăn này kia kia nọ.
Đặng Thế Tiến bàn chuyện món ăn, Tạc bỗng nói len vào với giọng báo động.
- Này tụi mày, tao thấy thằng Võ Hữu Hiệp lúc này nó có vẻ trở chứng rồi đấy. Từ dạo nó lên làm nhà phó, lại bị vồ vụ lượm cam dọc đường, tao thấy nó đổi tính hẳn. Lầm lì ra mặt trông ngại lắm. Vĩnh gạt đi.
- Kệ cha nó. Mình làm chó gì mà sợ!
Tiến chen vào.
- Rầu mấy đấng ăng ten quá. Sống đã khổ quá rồi, còn hành hạ nhau làm gì nữa!? Lắm khi tao không hiểu nổi vì đâu lại có tệ nạn ăng ten trong tù! Chả lẽ giờ lại còn kẻ tin rằng đi làm chó săn sẽ được về sớm hơn chăng? Thà lên năm lên mười, đây thằng nào cũng có sạn trong đầu cả, ấy thế mà vẫn làm những chuyện tào lao gì đâu!
Tạc nói.
- Chuyện này không phải là chuyện lên năm lên mười. Chuyện này là chuyện của bản chất con người. Gần hai năm qua, ai cũng có thể biết rõ một điều chưa có thằng nào bị thúc súng vào lưng bắt làm ăng ten cả. Dầu cũng có một vài trường hợp bị khung chiếu cố và bắt chẹt chuyện nhà, nhưng mình tiếp tục cứng nó cũng chẳng làm đếch gì được mình. Nói cho cùng nó cũng chẳng có quyền gì. Chỉ là một đám cai tù thuần túy. Nhiệm vụ duy nhất là giữ sao cho tù không thoát chạy. Có thế thôi. Nịnh bợ, van xin, tâng công, chỉ điểm... người có óc phải hiểu rõ đó là những hành động cực kỳ vô ích chứ?
Tí than hồng tù mù để trên chiếc bàn xiêu vẹo bỗng rực lên vì một cơn gió bất chợt thổi qua. Vài con mối dại dột lao vào bốc lên một mùi khét chen lẫn mùi thơm thơm. Cái đói tự dưng như cồn lên trong lòng mọi người. Giờ này và nơi đây biết đào cái gì ra mà ăn!? Cả bọn chợt rủ nhau ra giếng tắm để hy vọng quên đi được cái đói đang hành hạ mình.
Vừa dợm chân đứng dậy thì Vĩnh vội đứng lại vì có một người lạ tiến đến trước mặt. Trong bóng tối mờ mờ ánh trăng, người lạ hỏi khẽ Vĩnh như sợ có người đi sau theo dõi.
- Xin lỗi, anh có phải là Vĩnh không?
Vĩnh ngạc nhiên.
- Tôi đây.
Người đối diện bỗng nhìn kỹ Vĩnh hơn và reo khẽ.
- Ồ thầy! Thầy nhớ em không?
Vĩnh thành thật.
- Xin lỗi quả tình tôi không nhớ ra anh.
Vĩnh lại phải kéo anh bạn trẻ ngồi xuống bàn, để mặc đám Tiến dẫn nhau đi tắm.
- Em là học trò lớp Anh văn của thầy ở trường Quốc Việt. Em là Lâm Thanh.
Dù chẳng thể nhớ ra người đối diện, nhưng Vĩnh vẫn tin đây là người học trò cũ của mình. Vĩnh tươi cười.
- Anh em mình không ngờ lại gặp đây.
Người bạn trẻ bỗng khoa tay như từ chối một điều gì.
- Ý thầy, sao thầy nói vậy? Em vẫn là học trò của thầy mà. Đâu có dám ngang hàng anh em.
Quả tình Vĩnh thấy khó xử trong trường hợp này. Nhưng thôi kệ, anh ta muốn gọi Vĩnh là sao cũng được. Phần mình, trong tù giữ lấy cái thế bình đẳng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Vĩnh xoay sang chuyện khác.
- Vì sao cũng đi cải tạo vậy?
- Thầy ơi đáng lẽ em đâu có kẹt vậy. Hồi 70 em đỗ tú tài Việt. Ông già em lo cho em đi Hồng Kông nhưng em thích đi lính hơn. Em nhất định ở lại và tình nguyện đi khóa 2/71. Hồi 75 gia đình em kẹt hết trọi vì em mắc kẹt dưới Cần Thơ lên không đặng. Em bị đi cải tạo với cấp bậc thiếu úy thầy à. Vậy chớ thầy sao?
- Thì tôi cũng đang ngồi đây với anh chứ có khác gì đâu!
Người đối diện như muốn nói một cái gì khác, nhưng có lẽ sự ứng phó tiếng Việt của anh ta không nhạy bén, thành thử anh ta chỉ ậm ừ rồi hỏi han tiếp.
- Thầy có được gia đình thăm không?
Trong này ai cũng học được một kinh nghiệm xương máu, ấy là sơ giao không bao giờ nên móc ruột ra cho bất cứ một người nào khác xem. Tránh nói bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Con ếch nó chết vì cái mồm! Bài học ấy Vĩnh rất thuộc nên anh tìm cách hỏi trở lại.
- Sao anh Thanh biết tôi đi cải tạo vậy?
Thanh thành thật.
- Dạ em nằm bên cạnh anh Kham từ hồi bên trại 2. Cả cái ông già Bình nữa. Em nghe họ nhắc đến bút hiệu của thầy. Em nhớ thầy.
- Ủa, sao anh biết bút hiệu tôi?
Thanh trả lời với giọng hơi kinh ngạc.
- Ý thầy, lớp em hồi đó ai mà không biết bút hiệu thầy. Hồi thầy in quyển truyện dịch gì đó em quên tên rồi, thầy có đem vào trong lớp cho tụi em coi mà. Em có ra ngoài tiệm sách mua mấy cuốn tặng bạn bè tùm lum.
Bây giờ Vĩnh đã hoàn toàn tin Thanh là học trò anh. Câu chuyện từ đó trở thành thân mật hơn.
Đêm đã khuya, bọn Tạc đã từ giếng kéo về. Các nhà trưởng đã ra trước sân yêu cầu giải tán tập họp, tắt những bếp than nhỏ và vào nhà ngủ. Thanh vội vã đứng lên, lễ phép nói với anh.
- Chiều mai lao động về em sẽ gặp thầy. Em còn nhiều đồ lắm. Em sẽ tiếp hơi cho thầy bất cứ thứ gì thầy cần. Thuốc tây em cũng không xài gì hết trọi.
Vĩnh ậm ừ cám ơn và quay vào nhà khi Thanh đã rảo bước vào bên hông nhà đầy bóng tối tìm đường trở về dãy trại của anh ta nằm đâu phía cuối trại 4 sát khu thăm nuôi.
Một ngày qua đi với đủ muộn phiền. Ít khi Vĩnh nhớ đến gia đình nhưng đêm nay tự nhiên anh trằn trọc nhớ đến các con quá sức. Anh nhớ thằng Khoa, thằng Nguyên, thằng Trung...
Vài phút sau nóng quá ngủ không được, Vĩnh quyết định trở ra giếng tắm một mình. Vừa bước ra cửa, một tiếng gọi thật khẽ cất lên ngoài cái bàn ban nãy.
- Thầy!
Ánh đèn trong nhà chiếu ra nhưng không chiếu tới chỗ mấy cái bàn. Dù vậy, dưới ánh trăng mới nhú mỏng như một cái lưỡi liềm mòn, Vĩnh vẫn nhận ra Thanh. Anh tiến lại gần.
- Ủa, anh quên cái gì chăng?
Thanh nói.
- Không, thầy! Em trở lại ngay để biếu thầy ít trà với đường nhưng thầy vô mất rồi! Em đang lo không biết làm sao kêu thầy...
Nói rồi Thanh đứng lên, cẩn thận trao tận tay Vĩnh một cái gói được bọc kỹ bằng một miếng giấy dầu. Vĩnh khó nghĩ vô cùng. Tuy nhiên, anh không thể không nhận trước chân tình của một người học trò cũ Việt gốc Hoa. Anh cám ơn và giục Thanh trở về nhà ngủ với lời hẹn sẽ còn gặp nhau trò chuyện nhiều nữa. Trước khi Thanh quay đi, anh ta hỏi.
- Thầy có chơi thân với anh Kham không thầy?
- Không, chỉ biết nhau thôi. Nhưng anh cần gì?
- Không, em không cần gì cả. Em tưởng thầy thân anh ấy, thầy nói giùm anh ấy đừng gây gỗ tùm lum nữa. Sao anh ấy nóng tính quá hà...
Nói rồi Thanh chào Vĩnh và lẳng lặng rút đi cũng bằng cái lối đi đầy bóng tối bên hiên nhà 2 đội 17...