Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Vỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 63
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12562 / 212
Cập nhật: 2015-01-28 14:16:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 45 -
931
- Hoàng Tích-Chu và " Le Retour de France "
- Phong trào " Tiểu thư đi bộ "
- Hai tiệm khiêu vũ đầu tiên mở ra ở Hà Nội.
- Phản ứng của báo chí và dân chúng.
- " Tiểu Thư Tân Thời " và các bài danh ca của ca sĩ Pháp Tino Rossi.
- Hội Ái Tino, phố hàng Bún.
Giữa lúc đó, vài phần tử thanh niên trí thức du học ở Pháp về khoảng năm 1930 nhưng có những lý tưởng khác nhau, đã biến đổi nếp sống thầm lặng, còn đầy cổ điển của Hà Nội, thành một không khí lãng mạn hoàn toàn mới hẳn.
Tuấn tìm cách tiếp xúc với những phần tử ấy, cốt để hiểu họ. Một phần vì tính tò mò của Tuấn, muốn học hỏi những mới lạ của những người đáng tuổi anh mình đi du học từ Pháp mới về, một phần vì những phong trào do họ gây ra đã làm sôi nổi dư luận của người Hà Nội. Những thanh niên du học ở Pháp mới về, được gọi chung bằng một danh từ
“Retour de France “.
Một buổi sáng mùa hè, một tờ tuần báo mới ra đời, một lối trình bày độc đáo, khác hẳn tất cả các báo xuất bản từ trước ở Hà Nội, Huế, Saigon, và được giới sinh viên, học sinh hoan nghênh nhiệt liệt. Ðó là tờ Ðông Tây mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là Hoàng Tích Chu. Vừa trông thấy tờ Ðông Tây, manchette in đỏ tươi, treo bán sau tủ kiếng tiệm sách Nam Kỳ ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Tuấn vội vàng mua ngay một tờ (lúc bấy giờ ở Hà Nội không có các sạp báo trên lề đường. Các tuần báo được treo sau tủ kiếng các tiệm sách và bán trong tiệm. Báo hằng ngày, chỉ có ba bốn tờ, được tụi con nít ôm đi bán rong).
Tờ Ðông Tây không những khác biệt các tuần báo trong xứ bằng cách trình bày các mục, mà khác cả ở lối viết văn. Ấn loát tinh vi, tiến bộ hơn nhiều. Văn viết rất gọn gàng, câu văn ngắn chứ đựng đầy đủ ý nghĩa, không dài lê thê như trong các sách báo hiện hành.
Tuấn say mê đọc những đoạn văn như sau đây trong một số báo Ðông Tây, của Hoàng Tích Chu :
“Ðông Tây không gặp nhau “ Rudyard Kipling nói đúng, nhưng không đúng hẳn. Ðông trọng về tinh thần, Tây quá trọng về vật chất. Nhưng Ðông Tây đã gặp nhau. Tinh thần vật chất hòa hợp. Triệu chứng loài người tiến bộ …"
Ðó, một mẫu văn của Hoàng Tích Chu. Ít khi một câu dài quá một dòng. Những ý tưởng cô đọng trong những chấm và phết. Tuấn có đến thăm Hoàng Tích Chu một buổi sáng tại toà soạn báo Ðông Tây, với tư cách một độc giả trẻ tuổi có nhiều cảm tình. Cảm tình vì trong lúc hầu hết thanh niên trí thức An nam đi du học bên Pháp đều học làm bác sĩ, trạng sư, kỹ sư, thì Hoàng Tích Chu và Ðỗ Văn, bạn của anh, ở Paris mấy năm học nghề nhà in và viết báo. Ðỗ Văn về một lượt với anh và cùng anh hợp tác mở tờ Ðông Tây để thi thố kỹ thuật mới về ấn loát và văn nghệ.
Hoàng Tích Chu là một nghệ sĩ tài hoa, phong nhả. Rất tiếc đời anh quá ngắn ngủi. Thời gian làm Chủ bút báo Ðông Tây, anh không giàu, nhưng anh được tình yêu trung thành cảm động của một Kỹ Nữ ở Khâm Thiên, lừng danh khắp Bắc kỳ và Trung kỳ : cô Ðốc Sao.
Cô Ðốc Sao, xưa kia, là một ả đào có giọng hát trong như ngọc, gương mặt đẹp như tiên, nụ cười “ nghiêng nước nghiêng thành “đã làm sụp đổ biết bao nhiêu gia tài của khách làng chơi sang trọng. Những công tử, công tôn từ các nơi tìm đến, những Quan lớn từ Huế và những Ðốc Phủ Sứ từ Saigon Lục tỉnh ra, say mê giọng hát và nụ cười của cô, có khi ăn dầm nằm dề ở nhà cô cả tháng. Nhưng không bao giờ cô ban cho ân huệ tối hậu như họ thèm thuồng van lơn. Ấy thế mà cô yêu Hoàng Tích Chu, một văn sĩ nghèo, một nhà báo kiết. Và cô say mê anh, xin làm vợ anh, lo tươm tất cho đời sống của anh, cho cả tờ báo của anh.
Một hôm Tết, Tuấn nhận được thiệp của cô Ðốc Sao :
Madame Hoàng Tích Chu.
Chữ “ Madame “đó khiến cho Tuấn vô cùng cảm động. Khi anh Hoàng Tích Chu đã qua đời, danh thiếp của cô Ðốc Sao đổi lại :
Mme Veuve Hoàng Tích Chu
(Bà quả phụ Hoàng Tích Chu) và một băng tang trên góc.
Hoàng tích Chu là người đã tạo ra phong trào lãng mạn Văn nghệ I -1930-1932, rồi sau đó mới kế tiếp nhóm Phong Hóa của Nguyễn Tường Tam và các nhóm Thi Văn sĩ lãng mạn từ 1932 trở về sau.
Ðồng thời, một nhóm khác gây được phong trào lãng mạn trong giới thể thao phụ nữ, và tổ chức rầm rộ một cuộc phụ nữ đi bộ từ Hà Nội xuống Hải Phòng.
Một số trên mười cô, phần đông là nữ sinh “ tân thời “ hưởng ứng phong trào và được các hội thể thao các tỉnh ở dọc đường đón tiếp long trọng mỗi khi đoàn bộ hành đi tới một thành phố nào. Từ Hà Nội đến Hải Phòng đường dài 100 cây số. Ðể chứng tỏ rằng các cô thuộc về thế hệ thiếu nữ tân tiến và đính chánh danh từ “ phái yếu “, mặc dầu các cô chân yếu tay mềm các cô quyết định đi bộ hết con đường thiên lý ấy. Nhưng các cô đi mất ba ngày mới đến đích.
Vài ba cô bỏ cuộc ở dọc đưòng, vì đi không nổi nữa. Các cô khác đến Hải Phòng đều mệt lả, phải trở về Hà Nội bằng xe lửa.
Phong trào này được dân chúng và nhất là giới thanh niên cả nam lẫn nữ theo dõi với một nụ cười chế nhạo. Người ta đặt ra danh từ “ tiểu thư đi bộ “ rất được thông dụng với ý nghĩa khôi hài. Một giáo sư Thiên Chúa Giáo, rất giỏi về tiếng La Mã và Hy Lạp, nhưng phải tính hơi gàn gàn, Pétrus Lê Công Ðắc, có viết ra một hài kịch nhan đề là “ Tiểu thư đi bộ “, suýt bị mấy cô đón đánh ngoài phố.
Dư luận chung của đồng bào các giới thì chê cười rằng : "có lẽ mấy cô tiểu thư kia, con nhà quyền quý, ít có dịp đi bộ cho nên mới cho rằng việc đi bộ là mới lạ, và cổ động rùm beng, chứ chị em thôn nữ đi bộ hằng ngày từ xưa đến nay có cần cóc gì phong trào tân tiến lãng mạn đó đâu."
Cuộc “ tiểu thư đi bộ “ chỉ gây được một tiếng cười mỉa mai chứ không có ảnh hưởng gì đến đời sống của các cô gái được gọi là “ tiểu thư tân thời “.
Tuấn theo sát các phong trào của thời đại, nhận xét rằng danh từ “ tiểu thư “ có ý nghĩa rõ rệt là chỉ có các thiếu nữ con nhà trâm anh thế phiệt, phần nhiều là con các quan, hoặc con nhà giàu, mới tham gia các phong trào lãng mạn mới nẩy nở, chỉ sốt sắng theo các cải cách về y phục (kiểu áo mới, giầy cao gót v.v…). Hầu hết con gái bình dân và trung lưu đều bảo thủ nề nếp nho phong cổ cựu.
Ðồng thời ở Khâm Thiên, ngoại ô Hà Nội, Tuấn thấy mở ra hai tiệm khiêu vũ đầu tiên, hai thanh niên du học ở Pháp mới về. Một tiệm do người em cô Ðốc Sao làm chủ, tên là Vũ Ðình Hải, và một tiệm do một chàng có cái tên “ lãng mạn “ là Jean Dod Khang. Những vũ nữ đầu tiên của hai tiệm này phần nhiều là các cô ả đào.
Hai tiệm “ nhẩy đầm “ vừa mở ra, lôi kéo được một số công chức làm thông phán ở Phủ Toàn Quyền, phủ Thống Sứ, hoặc ở các công sở khác, phần nhiều là những ông ăn lương cao, và chưa có vợ. Giới giáo sư và sinh viên chưa muốn đến các nơi này, trừ những người du học ở Pháp về.
Các báo mở ra một trận bút chiến khá sôi nổi chung quanh đề tài :” Người An nam có nên khiêu vũ không ?”. Một số dư luận đông đảo đều kịch liệt công kích môn nhẩy đầm. Trái lại, có những bài rất tán thành khiêu vũ, và tác giả đã viện ra những lý do về nghệ thuật, coi đó là môn giải trí tao nhã của văn minh Tây phương.
Ðại đa số sinh viên, học sinh, đều công kích khiêu vũ. Nhưng dần dần chính nhiều cậu sinh viên đã công kích hăng hái nhất lại bị lôi cuốn mau nhất bởi cái mà trước kia họ cho là đồi phong bại tục.
Tuấn là một trong số sinh viên “ muốn tập “ nhẩy đầm thử xem sao, và Tuấn đã thường đi nhẩy những bản Tango, Fox-trot, Valse, cùng vài người bạn, trong những tối chủ nhật.
Phong trào khiêu vũ bị công kích mỗi ngày một kịch liệt, nhưng nó vẫn lan tràn mỗi ngày mỗi mạnh trong giới thanh niên trưởng thành từ 21, 22 tuổi đến 40 tuổi.
Tuấn nhận thấy rằng trong vài năm đầu, vũ nữ toàn là những cô ả đào hoặc những cô gái làng chơi. Giới nữ sinh dù là phái tiểu thư tân thời, vẫn còn tránh xa các vũ trường. Thành kiến khiêu vũ là bất lương, là đồi phong bại tục vẫn còn ăn sâu trong quan niệm của phụ nữ Hà Nội thời bấy giờ.
Tuy nhiên, để bù lại, các cô đã bắt đầu say mê “ nhạc cải cách “ danh từ rất thông dụng để chỉ về tân nhạc, theo điệu những bài hát Tây. Tài tử ca sĩ Pháp được các giới thanh niên nam nữ, nhất là nữ, mê say lúc bấy giờ là Tino Rossi.
Khắp các thành phố Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Phòng, và sau đó tràn lan vào Huế, Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ, ở các thành phố lớn số đông các cô “ tiểu thư tân thời “, các bài hát của Tino Rossi được phổ biến rất nhanh. Ở Hà Nội, đi đường nào Tuấn cũng nghe các cô hát : "J’ai deux amours, mon pays et Paris - Je t’aimerai toujours – C’est à Capri que je l’ai rencontrée, v.v…"
Một hôm, Tuấn được một cô bạn học cùng lớp đưa đến một căn gác trọ ở Rue des Vermicelles, nơi tụ họp của “ Hội Ái Tino“, gồm toàn các nữ sinh viên yêu Tino Rossi, thờ Tino như một thần tượng. Các cô nhóm họp mỗi tuần một lần, tối chủ nhật, để hát những bản của Tino Rossi, dưới một bức ảnh của Tino đẹp trai rọi lớn và lồng kính đóng khung vàng.
Tuấn đuợc các cô cho biết rằng “Hội Ái Tino “ không nhận hội viên đàn ông con trai, vì các cô chỉ “ thờ “ người đàn ông duy nhất là thần tượng của họ.
Số hội viên của Hội Ái Tino không quá 20 người. Tuấn được giới thiệu đến đây là một trường hợp đặc biệt, nhưng không nhận vào Club (thường các cô gọi bằng tiếng Pháp lai Anh Việt Pháp là : Club Ái Tino). Vả lại, Tuấn không thích hát và cũng không phải là một “ admirateur “ của Toni Rossi.
Quyển tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách đã mất thời gian tính và đã bị các phong trào lãng mạn mới vượt qua. Tiểu thuyết ái-tình lãng mạn bán chạy nhất trong thời kỳ 1930-1932, là quyển Tuyết Hồng Lệ Sử dịch của Tàu, và quyển Mồ Cô Phượng. Ngày nay, ít ai có nhớ tên tác giả.
Tuấn, Chàng Trai Đất Việt Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Nguyễn Vỹ Tuấn, Chàng Trai Đất Việt