Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 45. -
4
5. Nơi Điền Sơn, phê bình liệt truyện,
Giữa hội trường, tái ngộ Cúc Xuyên.
Tôi thiết nghĩ (Nguyên Thái dùng từ tôi cố ý. Trong văn bài hồi xưa không ai dùng « tôi », vì như thế là phạm tội vô lễ với thầy, với người đọc…phải dùng: « Trộm nghĩ rằng… »)
« Chúng ta gần hai ngàn năm nay rồi, từ ngày lập quốc. Mắc bệnh giáo điều trầm trọng…tinh thần tôn sư mù quáng, đến nỗi bán tự cũng tôn sư, nhất tự cũng tôn sư..câu chuyện luân lý bán tự vi sư, nhất tự vi sư là câu khuyên đầu lưỡi của con người……cái suy luận của chúng ta đã biến đi…chúng ta chỉ còn biết cúi đầu phục tùng, chấp nhận bất cứ những ý nghĩ sai lầm hay bất hợp thời của tiền bối…
nay nói về Liệt truyện:
Bá Di Thúc Tề:
Bá Di Thúc Tề là hai hoàng tử nước Cổ Trúc, một nước nhỏ chư hầu; nước này bị Chu Võ Vương thôn tính cùng một thời với các nước khác. Bá Di Thúc Tề tức giận, bỏ vào rừng, sau khi hai ông tuyên bố, không thèm ăn gạo nhà Chu. Về sau hai ông chết đói trong rừng sâu.
Thầy học chúng ta, mỗi khi nhắc chuyện này lại đề cao tinh thần khí khái của hai người ấy. Theo tôi thì hai người khí khái tự cho mình là bất khuất ấy đã lầm lẫn, ít ra trong hai điểm sau đây:
Lầm lẫn thứ nhất là đã nói: « Không thèm ăn gạo của nhà CHU » vì hai vị đã đặt quyền sở hữu gạo không đúng chỗ. Gạo là của nhân dân, không phải của nhà CHU, không phải của vua Chu, hay của một chính thể nào trị vì đất nước.
Lầm lẫn thứ hai là thái độ khước từ, thái độ đó chỉ phục vụ lòng tự ái của hai vị mà thôi, không giúp ích gì cho việc khôi phục giang sơn, vì các vị đó có trách nhiệm lãnh đạo?
Quản Trọng:
Quản Trọng là Tể tướng nước Tề. Quản Trọng là một vị Tướng Quốc (ngày nay: Thủ tướng) tài ba với thuyết kinh tế « dân giàu nước mạnh ». Nước Tề tuy nhỏ bé nhưng nhờ chính sách của Quản Trọng là cái gì cũng phải thuận lòng dân, cho nên Quản Trọng đã thành công, và người nước Tề đã có giai đọan dài hưởng thụ hạnh phúc kinh tế và tinh thần.
Thế mà thầy Khổng không phê bình chính sách « vi dân » của Quản Trọng, lại chỉ nghĩ đến thân thế của Quản Trọng từ khi chưa làm Tể tướng (câu chuyện liên minh giữa Quản Trọng và Bảo Thúc), trong Luận Ngữ, chương Bất Dật, chê Quản Trọng khí tượng nhỏ mọn, không biết điều Lễ…….
Bình Nguyên Quân:
Bình Nguyên Quân Triệu thắng là em ruột vua nước Triệu. Lẽ dĩ nhiên với vị thế ấy, Triệu Thắng giàu có, nhà cao cửa rộng, đủ tiền để chiêu đãi một số đông kẻ sĩ trên đời. Trong nhà lúc nào cũng nuôi mấy trăm kẻ sĩ, chắc hẳn ăn không ngồi rồi, ngày tháng bàn tán những chuyện không đâu…hay mưu đồ danh lợi cho « chủ nhân ông »…
Lẽ dĩ nhiên, thiên hạ đồn xa, tiếng vang Bình Nguyên Quân, kính chuộng hiền sĩ, trong nghĩa khinh tài…
Tôi (Nguyên Thái) nghi ngờ bọn người mang danh « kẻ sĩ » ấy, phần đông chỉ là những kẻ khôn ngoan miệng lưỡi, thụ hưởng, ăn chực nằm chờ…
Bình Nguyên Quân có một người đẹp mà ông ta rất sủng ái.
Một hôm, trên lầu cao, nhìn thấy dưới đường làng một chàng thọt chân, khập khểnh gánh nước, người đẹp cả cười…
Tôi nghĩ rằng, đó là tiếng cười hồn nhiên của người đẹp trước một cảnh tượng bất thường, chưa chắc đã là một tiếng cười chế nhạo. Vả lại dù có thoáng giây chế nhạo, thì chắc đâu mỹ nhân không có lòng thương người tàn tật…
Thế mà hôm sau, chàng thọt chân đến yết kiến Bình Nguyên Quân:
« Nghe nói ông là người mến trọng kẻ sĩ…kẻ sĩ từ bốn phương ngàn dặm xa xôi đến với ông…Ông tỏ ra trọng kẻ sĩ hơn nàng hầu…Có người hầu của ông hôm qua, trên lầu cao, đã ngó tôi mà cười. Tôi muốn được cái đầu của người đã cười tôi… »
Bình Nguyên Quân ầm ừ, nhưng không giết người đẹp, khoảng hơn năm…bọn kẻ sĩ kéo đi đâu quá nửa.
Ông ta lo ngại. Môn hạ nhắc lại đó chỉ vì ông ta yêu sắc đẹp mà khinh kẻ sĩ, cho nên họ bỏ đi.
Bình Nguyên Quân liền chém đầu người đẹp đã cười người thọt, đem đến tận nhà người thọt, dâng cho chàng kẻ sĩ thọt chân ấy…
Liệt truyện Tư Mã Thiên kể lại rằng sau chuyện này, bọn kẻ sĩ trở lại về gấp bội.
Tôi (Nguyên Thái) nghĩ rằng Bình Nguyên Quân trong truyện này…chỉ là một « minh chủ » nhỏ mọn, hẹp hòi…Đồng thời với ông ta có Mạnh Thường ở Tề, Tinh Lăng ở Ngụy, Xuân Thân ở Sở…ông ta tranh giành danh tiếng trọng kẻ sĩ với mấy người đó, nên ông không ngần ngại hy sinh một mạng người.
Chàng thọt cũng nhận mình lè kẻ sĩ…một kẻ sĩ bạo tàn man rợ, đòi giết người chỉ vì tiếng cười, tôi (Nguyên Thái nghĩ rằng, nếu chẳng may nước nhà được kẻ sĩ này lên giữ chính quyền…thì chính sách bạo tàn độc đoán sẽ không tránh nổi. Mà Triệu Thắng Bình Nguyên Quân…đúng như nhà « hiền triết » Ô Mã Thái sư…không phải là minh chủ…mà một « u minh chủ » mù-câm-điếc mà thôi!…
Mải mê đi vào một trò chơi trí tuệ. Nguyên Thái quên cả thời gian. Bản thuyết trình đầy châm biếm hài hước dài hơn trăm trang viết rằng Quốc ngữ mới, song song với bản viết tiếng Nôm, số trang ít hơn, nhưng hai bản không sai nhau một chữ. Thời gian bó buộc chỉ là tám ngày, khi Nguyên Thái nghĩ tới Cúc Xuyên thì chỉ còn hai ngày « cấm cung » văn phòng. Phải công nhận Nguyên Thái từ sau buổi tiệc kỳ khôi được một căn phòng thượng khách. Luôn luôn có hai gia nhân phục dịch. Quyển Viễn Trình Nhật Ký (Đoạn II) và tất cả các tài liệu trong hành lý đều được Đinh Soái chủ cho mang vào phòng, sau khi ban thơ lại thành Điền Sơn đã chép thành năm bản khác, mang về lưu trữ tại Trấn Bắc. Đó cũng là một điều hãnh diện cho Nguyên Thái. Chàng trai có cảm tưởng những tài liệu ấy sẽ ích lợi cho đời, vì chứa đựng khá nhiều đề tài, khá nhiều lý thuyết về chính trị, kinh tế, xã hội, nông, công, thương.
Nói là văn phòng thì không đúng. Nơi chàng ở là một cánh lâu đài đá tảng của thành Điền Sơn, không trông xuống Điền Sơn, mà xuống một thung lũng kín đáo, có để ý suốt ngày mà không thấy ai qua lại. Nhưng chim muông đủ loại, có tiếng mãnh thú, ngải cứu, hổ báo, voi và trâu rừng …Một màn thác đổ nước ào ào, và suối xối chảy sang đông. Từ cửa sổ xuống tới chân núi, thẳng dựng như bức tường, tới ngang mặt suối có thể khoảng 10 trượng (40m). Ngày cuối cùng, Nguyên Thái dự định bỏ đi, qua cửa sổ ấy, dự tính băng qua rừng…sẽ thực hiện dự định khi nào làm được sợi dây chắc chằn dài hơn 10 trượng. Nhưng nghĩ lại, không thể nào sai lời hứa với Đinh Soái chủ…vả lại tự coi như đã nhập trường Trấn Bắc, theo như lời Ô Mã Thiền Sư, chàng bỏ dự định kín đáo thoát thân.
Kể ra thế là hơn năm ngày không gặp ai ngoài hai gia nhân phục vụ. Ô Mã thái sư, Đinh Minh Chủ thì không cần lắm…như tâm niệm chỉ mong cô Bạch Phụng đến thăm, mà không hề thấy cô nàng đặt chân nơi đây.
Đang nghĩ đến Bạch Phụng, thì như linh tính, gia nhân gõ cửa, mang vào một cánh thiệp màu hồng đặt trên một đĩa ngọc màu lá mạ.
« Gửi Trần quân, « tù nhân » kính mến của Đinh tiện nữ,
« Ngày mai là ngày giải phóng, là ngày tiếc hận của tiện nữ, Trần quân sẽ rời xa Điền Sơn, sau khi đã « lều chõng » vào trường thi. Ô Mã giáo sư và song đường đều nói Trần quân chẳng phải hàng sinh viên…mà là hàng giáo sư, cái chức vụ giáo sư đã tự nhiên thâu nhận từ Trận Thạch Đào…việc về trường chỉ là cơ hội để Trần quân cùng bạn đồng song nghiên cứu tự mình học hỏi mà thôi…
« Ngày mai là ngày tiếc hận của tiện nữ, chắc hẳn Trần quân hiểu rằng, Đinh tiện nữ đã có nhiều cảm tình dành cho Trần quân, từ khi Trần quân mải mê nhìn tiện nữ rồi rơi vào bẫy…Trần quân sẽ ra đi, tiện nữ sẽ mất một bạn hiền..vì thế là ngày tiếc hận…nhưng đã hứa với song thân, giúp song thân cho song việc lớn.
« Việc lớn, chẳng phải xưng bá đồ vương nhưng bất cứ bằng cách nào đánh thức người dân từ hơn ngàn năm ngủ vùi trong sách của các người xưa, mà chúng ta tôn trọng lên bực thánh thần, vì ta nhầm hiểu từ muôn đời…
« Cảm tình dành cho Trần quân, là cảm tình của người bạn thiết…tiếc rằng, tiện nữ sinh ra thân phận nữ nhi, nếu là nam nhi, đã sẵn sàng theo Trần quân trên đường sự nghiệp…
"Thôi không nói gì hơn, thiệp này kính mời Trần quân cùng tiện nữ tới dự dạ hội Điền Sơn, dạ hội tổ chức để tiễn biệt Trần quân, một danh nhân của Trấn Bắc, mà tiện nữ hân hạnh được là một bạn đồng song, khóa trước…. »
Đinh Bạch Phụng ký
Đọc đi dọc lại, Nguyên Thái nhận thấy chàng được mời vào một lãnh vực tâm tình mới mẻ, tình bạn giữa đôi trai gái, chỉ có thể là một tình bạn trong sạch, như tình bạn giữa hai nam nhi. Nguyên Thái cho là có thể được, nhưng chắc chắn chỉ có thể có giữa hai người nam nữ nào đã « hiểu biết chuyện đời », không bị những « bản tính thiên nhiên » thúc đẩy.
Tủm tỉm cười thầm, Nguyên Thái của chúng ta ra vẻ thạo thành: có thể là cô nàng thuộc hạng « hiểu biết chuyện đời »?
Thời gian mau qua, sau khi duyệt lại hai bản thuyết trình, trời thì đã tối.
Ngoài hành lang huyên náo. Đinh Bạch Phụng gõ cửa. Nguyên Thái ra đón. Đinh Bạch Phụng trong bộ võ y màu nâu nhạt, thực nhạt, thắt lưng và đôi hài màu bồ quân. Cặp mắt sáng ngời, đôi môi mọng đỏ, tươi cười rạng rỡ, nước da trắng hồng, theo sau hai nữ binh cực kỳ xinh đẹp, nhưng lại thêm mấy người nữa, trai gái, cùng hàng tuổi Nguyên Thái, tươi cười tự giới thiệu.
Nguyên Thái theo đoàn người dự dạ hội…bỗng ngập ngừng: bộ võ y của Nguyên Thái đâu có so sánh sang trọng bằng võ y của các bạn mới…
Đinh Bạch Phụng hiểu ý định nói gì, thì Nguyên Thái xin phép trở lại phòng. Vài phút sau, hiện ra ngưỡng cửa với bộ áo quần văn nhân Kẻ Chợ, bằng lụa Dương Châu, quà của cô Cúc Xuyên kín đáo bỏ vào hành lý, hôm chia tay.
Thực là khác biệt với cả đoàn. Không quên chiếc quạt Trần Nhị Ngọc, võ khí hộ thân (cùng kiểu quạt của chàng Quốc Đức).
Trên đường xuống hội trường, Nguyên Thái thấy kiến trúc đặc biệt của thành Điền Sơn. Người lạ lạc vào nơi đây, khó lòng ra khỏi. Mỗi lối đi đến một nơi nào, đều có dấu hiệu kín đáo, phải con mắt tinh tường mới nhận ra. Nguyên Thái trí nhớ đặc biệt ghi nhận dấu mốc đường đi.
Tới một cửa hai cánh lim rất to có máy móc tinh vi. Một vệ binh quay một bánh xe tròn…tức thì hai cánh mở rộng. Ánh sáng bỗng tràn ngập hành lang, Nguyên Thái chớp mắt, chưa quên với mức độ sáng trắng. Bước lên mấy bực, hiện ra giữa hội trường…Đột nhiên, tiếng hoan hô của hàng ngàn người vang dội như phá tan núi rừng:
« Hoan nghênh Trần tráng sĩ! Hoan nghênh Trần tráng sĩ! »
« Nguyên Thái muôn năm! Nguyên Thái muôn năm! »
Nguyên Thái ngượng ngùng, xấu hổ, trong bộ áo quần văn nhân lụa Dương Châu, sáng tỏ dưới hàng ngàn bạch lạp!
Chưa nhận định tình thế, hơi tức bực: Đây lại là cái trò chơi « chế tạo minh chủ » của Ô Mã thái sư! Nhất định sẽ từ chối, không dự trò chơi này…
Còn đang lúng túng suy tư chưa kịp tiếp xúc qua ánh mắt với các khán giả có thể tới ngàn người ngồi trên bực xếp từng, chung quanh sân hội trường, thì có tiếng oang oang của Ô Mã Thiền sư:
- Hỡi chư vị hội viên Song Lưu, hỡi các sinh viên Trấn Bắc, hỡi binh sĩ các cấp của Điền Sơn binh đoàn, Hân hạnh giới thiệu với các vị, đoàn viên dự bị Trần Nguyên Thái, lệnh nam của danh sĩ Trần Nguyên Chính, trở thành thực thụ kể từ ngày hôm nay. -
Bài giới thiệu của Ô Mã thiền sư còn dài, dài nữa, nhưng Nguyên Thái như mất trí:
Trong hàng đầu của bực tân khách danh dự, bất ngờ cho Thái, hiện diện La Cúc Xuyên....
Thái nhìn Cúc Xuyên trìu mến, nàng quay mặt đi, giận hờn tức bực…
Nguyên Thái chưa hiểu thái độ giận dỗi của Cúc Xuyên, nhưng lễ độ của hội trường không cho phép chàng đến bên người đẹp. Lúc đó chàng cùng Đinh cô nương trên bục cao, giữa sân hội trường đối diện với khán giả.
Nguyên Thái chưa hay biết những chuyện đã xảy ra trong khi chàng mải miết văn bài trong « cấm địa ».
Số là La Cúc Xuyên đã ra đi một hay hai ngày sau khi Nguyên Thái từ biệt Thạch Đào, thep thppéo khắc biễu đã định, cho nên có mặt hôm nay ở hội trường.
Cúc Xuyên đi cùng mấy cô bạn Thạch Đào, nghĩ lại từ khởi hành tám người, mà khi đến Điền Sơn chỉ còn sáu. Hai người lập gia đình dọc đường...Cúc Xuyên không phản đối hai cô bạn xây tổ ấm, nhưng cũng có lúc buồn phiền, cứ như thế này thì khi về Trấn Bắc còn được mấy người?
Đoàn y dược Thạch Đào đi tơí đâu cũng được ngưỡng mộ.
Đến Điền Sơn, sau khi đến chùa sư nữ, nơi này không tin tức Kim Chi, y dược đoàn vào tỉnh, vào lữ quán Song liễu. Chuồng ngựa không đủ chỗ, đoàn ngựa phải buộc ngoài sân, gần hai bên cây liễu kỳ khôi.
Đường xa mệt mỏi, Cúc Xuyên cùng hai cô bạn chia giường làm giấc ngủ ngon. Mấy nàng rất hài lòng, các cửa sổ đều trông ra hồ Song Liễu, đêm nay bất ngờ trăng sao sáng tỏ tuy không khí sơn lâm có phần giá buốt.
Một câu hỏi đặt ra cho Cúc Xuyên: Khi đến chùa sư nữ Điền Sơn cho biết trước đấy mầy ngày có Nguyên Thái đã đến hỏi về sư nữ Kim Chi. Cúc Xuyên xuống văn phòng: sổ tân khách có tên Trần Nguyên Thái. Nàng cho là Nguyên Thái đã đi rồi, cũng sắp gặp nhau nay mai thôi. Đêm ấy không tài nào chợp mắt…thế là chàng đã lấy vợ…chàng đã đọc thơ mình? Không biết có nên giữ lời hứa trong thư không? Lời hứa trong lúc mình quá yêu thương chàng sau những ngày bão tố Thạch Đào.
Có gì không ổn định trong chuyện này, Nguyên Thái không bao giờ bỏ nơi nào đi mà không thanh toán đàng hoàng. Vả lại bà chủ quán lại thêm Nguyên Thái đã bị bắt...Vì vậy, Cúc Xuyên ở lại Điền Sơn, điều tra manh mối.
Phái đoàn y dược Thạch Đào đến tận doanh trại Điền Sơn xin yết kiến Đinh soái chủ sáng sau. Quân sĩ đón tiếp lịch sự, ai nấy chiêm ngưỡng một bầy tiên nữ giáng trần. Như thường lệ, Đinh Bạch Phụng, sĩ quan tình báo, phỏng vấn phái đoàn trước khi vào văn phòng chủ súy.
Trưởng đoàn La Cúc Xuyên cố giữ bình tĩnh trình bày dược phẩm, tuyệt nhiên không đả động đến Nguyên Thái…
Vào tới văn phòng chủ súy, La Cúc Xuyên đệ trình danh sách dược phẩm đặc biệt chế tạo ở Thạch Đào của họ La rồi xin cáo từ. Bạch Phụng tiễn phái đoàn.
Qua một sân lát đá phiến, Cúc Xuyên nhìn hai lá cờ. Lá thứ nhất màu vàng chữ đỏ: Điền Sơn Binh Đoán Soái Kỳ…còn lá thứ hai màu đỏ, hai chữ đen lớn: Thiên Mệnh. Nàng giật mình nghĩ lại, thì ra đúng như bà chủ Song Liễu nói, họ Đinh mưu đồ bá nghiệp. Nàng lẩm bẩm: Chả sao, nếu thực là minh chủ…! Nhưng tại sao bắt Nguyên Thái của ta?
Ra tới cổng, vòng tay bái biệt, đột ngột, nàng hỏi: - « Đinh cô nương, anh tiện muội, Trần Nguyên Thái ở nơi nào trong doanh trại? »
Đinh cô nương thản nhiên:
- Trần Nguyên Thái nào? Tôi không gặp bao giờ! -
Cúc Xuyên cũng ra vẽ thản nhiên:
- Thế mà em cứ tưởng anh của em ở lại Điền Sơn.
Nói xong nàng cùng các bạn lên ngựa phi xuống Điền Sơn. Biết chắc Nguyên Thái bị cầm giữ ở doanh trại Điền Sơn, óc quan sát của nàng không bỏ qua một chi tiết. Trong góc văn phòng Đinh soái chủ, trên một án thư nhỏ, có quyễn Viễn Trình Nhật Ký của chàng, và trên quyển nhật ký, đặt ngang chiếc bảo kiếm mà dây chuôi vỏ, chính nàng đã tết buộc cho chàng trai ở Thạch Đào.
Suy tính mưu kế cứu chàng…Lại có lúc nghi ngờ tự hỏi, cứu làm gì? Hay là chàng đã lấy Đinh Bạch Phụng, vì vậy mới đọc cẩm nang và không muốn gặp ta nữa, nên sai Bạch Phụng nói dối. Không thể như vậy vì bản tính hiên ngang của chàng. Sau cùng kết luận là chàng lâm nguy. Bổn phận Cúc Xuyên phải can thiệp.
Đinh chủ súy và nội bọn, nhất là Đinh cô nương là địch của mình, mình phải tìm ra một yếu điểm của họ để tấn công…còn nếu đột nhập thành trì chắc chắn đi đến thất bại.
Thăm dò hàng phố, không thấy ai nói có đám cưới gần đây…hỏi thăm Đinh cô nương có chồng chưa thì ai cũng nói chưa? Cúc Xuyên an lòng. Nàng nghĩ lại thực ra nàng cũng gàn dở đã bảo chàng muốn lấy ai thì lấy…nhưng không hiểu sao, nàng không muốn chia người yêu với cô Bạch Phụng…đáng ghét này! Tâm tình thực phức tạp!
Cố trấn tĩnh, tìm mưu kế. Sau cùng, gặp một lão trượng, ông nói:
- Đinh chủ soái chỉ mới « thành đạt » hai ba năm nay thôi…ông ta cũng phúc đức nhân từ, mọi người nể vì, lão cũng có cảm tình, dù sau này lên nghiệp bá vương, lão cũng bằng lòng. Trước đây, chỉ là gia đình một phú hào…nhưng từ ngày đặt lại mồ mả tổ tiên, giàu có gấp bội, chiêu quân mãi mã, người theo như ong theo chúa -
Cúc xuyên nảy ra sáng kiến, hỏi thăm lão trượng nơi đặt mồ mả tổ tiên họ Đinh. Mả táng hàm rồng, còn có thể nào hơn? Lão trượng tỏ ra rành khoa địa lý, tự nhiên, vui vẻ nói chuyện…
Hành động phương pháp, Cúc Xuyên họp bạn, trình bày mưu kế, ban ngày, vờ đi thăm danh lam thắng cảnh, đến tận nơi « mả táng Hàm Rồng », nhận xét địa thế, hội họa địa đồ.
Đêm đến mấy chị em, võ y màu đen, lẻn đến nơi ấy, đào mấy mộ bia, xoay hướng rồi đắp lại như cũ…một cô bạn, học trò của Phạm Nguyệt Hà, phụ trách công trình thủy lợi, đập Xích Bích Thạch Đào, đặt mấy hòn đá kín đáo, bên cạnh ngọn suối phía trên…tức thì một giòng nước nhỏ chảy ra bờ suối, từ từ xuống nơi « Hàm Rồng ». Cách đặt đá, tự nhiên nước suối chảy qua bờ, nhưng chỉ chừng hai ngày là cùng, đất gặp nước mềm, đá lún, nước không chảy nữa.
Bố trí xong, chị em về quán trọ, vào giấc ngủ ngon lành, Cúc Xuyên thì thao thức, không tin nhiều ở mưu kế.
Sáng sau, trở lại doanh trại để thảo luận việc tiếp tế dược phẩm.
Buổi họp vừa được tuyên bố bế mạc, đột nhiên Cúc Xuyên đến trước Đinh chủ soái vòng tay:
-Thưa Đinh soái chủ, Thạch Đào rất hân hạnh, vui mừng, được liên minh với Điền Sơn..trong việc lớn, nhưng có một điều, tiện nữ không thể không nói ra, vì tiện nữ coi tướng của chủ soái, có một điểm không hay mà tiện nữ chưa kiếm ra, nhưng linh tính thì chắc chắn. tiện nữ được đại thúc và đại bá, cùng gia đình truyền lại nghề y, lẽ dĩ nhiên thêm về địa lý -
Ô Mã thiền sư thì mỉm cười, nhưng Đinh soái chủ chú ý nghe, xin nàng tiếp tục.
- Chủ soái có tướng tinh của một người có tổ tiên táng nơi đắc địa…hàng bá vương, nhưng có điềm chẳng lành nơi này, tiện nữ không biết ở đâu? Có thể cho tiện nữ đến coi chăng? -
Đinh soái chủ lo ngại, giữ Cúc Xuyên và mọi người ở lại dùng cơm trưa, sai gia nhân hỏa tốc phi ngựa đi coi. Giữa bữa cơm, người này trở về tường trình: bia mộ tự nhiên xoay chiều và có một phần ngập nước.
Đinh soái chủ giật mình đứng lên, tần ngần suy nghĩ. Cúc Xuyên nói:
- Thôi đúng rồi, tiện nữ tìm ra rồi…Nơi đắc địa này trước đây có thể gọi là hàm rồng…rồng trên mây, bay bổng vận hồng,…còn rồng xuống nước thì không tốt lắm…tiện nữ có thể đăng đàn sửa chữa -
Ô Mã thiên sư ghé tai Đinh soái chủ: - Không nên tin nhảm…có gì, tôi cũng đăng đàn bái thần đất..!
Đinh soái chủ không để ý đến câu hài hước, tức mình trả lời:
- Anh biết gì về địa lý mà góp ý kiến? Anh đâu có phải là nhà sư thực thụ, anh biết quái gì! -
Ô Mã thiền sư cũng mất bình tĩnh, tức mình, bỏ phòng họp, về « phòng trai » tìm cách đối phó. Vị sư « hổ lửa » này hết sức bực mình. Mình đã xếp đặt văn minh, khoa học, mà tên « minh chủ » này còn tin nhảm quá, thua con bé này chăng? Ông ta tự hỏi.
Chính ông ta đặt trên án thư góc phòng quyển Viễn Trình Nhật Ký và thanh bảo kiếm của Nguyên Thái, để cho Cúc Xuyên nhìn thấy. Chính ông ta đã biết Cúc Xuyên là ai rồi, vì mục đích của cô nàng chỉ muốn cứu Nguyên Thái thôi…
Cái trò chơi trí tuệ của ông ta, nửa chừng lạc hướng, vì nước cờ bất ngờ của cô bé. Ban điệp viên riêng của cô ta giỏi hơn ban điệp viên chính thức của Điền Sơn binh đoàn do cô Bạch Phụng đảm nhiệm. Có nhiều chi tiết ông « minh chủ » không hay biết.
Nghĩ lại ông ta rất nhiều cảm tình dành cho anh bạn thân minh chủ, dành cho cô Bạch Phụng, và bọn Cúc Xuyên…ông ta nghĩ thầm: cái nước bài sắp tới mới là nước hay và đẹp, nước cờ tự nhiên phải qua! Đó là sự đụng độ giữa Cúc Xuyên và Bạch Phụng, ông ta chỉ can thiệp khi nào có gì nguy hiểm mà thôi. Ông ta để minh chủ tự do cư xử với cô nàng địa lý Cúc Xuyên. Không có gì thú bằng chứng kiến một cuộc đấu trí.
Quả nhiên, như tiên đoán, phần thua về minh chủ. Sau khi đăng đàn tại hàm rồng, dựng lại một bia…thì nước hết chảy…Minh chủ cám ơn thấy địa lý, cho nàng biết Nguyên Thái hiện ở biệt khu trong doanh trại, làm việc cho Trấn Bắc, ba ngày nữa mới hết hạn…theo luật nhà trường, không được gặp ai, dù là người thân.
Đoàn La Cúc Xuyên được tiếp đón theo ngôi thượng khách ở doanh trại dành cho phái nữ, do Đinh phu nhân giám sát.
Cúc Xuyên đành chịu chờ, nhờ Đinh cô nương báo cho Nguyên Thái biết nàng đến Điền Sơn, nhưng Đinh cô nương không nói, vì thế chàng mới ngạc nhiên nhìn thấy bạn gái trong hàng tân khách hội trường.
Nhắc lại, ở hội trường, đến lượt Nguyên Thái tuyên bố đôi lời, khước từ tiếng « anh hùng » mà Đinh chủ soái gọi chàng.
Không bao giờ chàng nghĩ mình là anh hùng, có những hành vi, có những động tác hợp thời, hợp lý, chỉ vì thời thế mà thôi. Theo chàng tất cả mọi người, ai cũng có thể thành anh hùng nếu hiểu thấu và suy nghĩ trước mỗi sự kiện xãy ra…kết luận là anh hùng, là những người ngồi chung quanh chàng hiện nay, không phải là chàng…(cử tọa vỗ tay khen cái khiêm nhường của diễn giả)…trong kết luận, chàng nói về lòng chung thủy, chung thủy với chính mình, và với các bạn mình, vừa nói vừa gửi ánh nhìn tới Cúc Xuyên, nhấn mạnh, chàng chưa hề lừa dối một người bạn nào…(Cúc Xuyên quay mặt đi nơi khác, chưa nguôi giận?).
Theo nghi lễ, Nguyên Thái phải ngồi cạnh Đinh soái chủ và Ô Mã thiền sư, Đinh cô nương và thân mẫu ngồi cùng hàng.