Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7 - Vingt Et Un
hời gian thấm thoắt thoi đưa - một vài tuần đã trôi qua, có lẽ là ba hay bốn tuần theo đánh giá của chúng tôi, vì khả năng đánh giá và đo lường của Hans Castorp hoàn toàn không đáng tin cậy nữa. Thời gian cứ thế trôi tuột đi không mang lại một thay đổi lớn nào, nó chỉ tạo ra ở nhân vật chính của chúng ta một thói quen xấu, chàng trở nên ương ngạnh và thách thức: chống lại những sự kiện không lường trước buộc chàng phải giữ gìn mà chẳng mong được đền đáp; chống lại con người tự xưng là Pieter Peeperkorn mỗi khi tự thưởng cho mình một ly; chống lại sự có mặt rắc rối của người đàn ông vương giả, đồ sộ và nhòe nhoẹt này - chàng cảm nhận sự phá rối của ông ta còn tệ hại hơn bội phần so với “người quay đàn thùng” Settembrini dạo trước. Những nếp nhăn cau có và bướng bỉnh hằn sâu giữa cặp chân mày Hans Castorp, mỗi ngày năm lần từ dưới đó bắn ra tia mắt gườm gườm quan sát hai kẻ đồng hành, vừa mừng là còn có cơ hội để mà quan sát, vừa thầm chống đối và khinh bỉ sự hiện diện vương giả kia, nó đâu biết rằng dưới bóng đen quá khứ quyền sở hữu hiện tại của nó chẳng là cái quái gì.
Nhưng một tối, sinh hoạt giao lưu trong đại sảnh và dãy phòng giải trí bỗng trở nên sôi động hơn thường lệ, ở đây chuyện ấy thỉnh thoảng vẫn xảy ra không cần có lý do gì đặc biệt. Âm nhạc được cử lên, một điệu nhảy Di gan bốc lửa, do một anh chàng sinh viên người Hungary hăng hái kéo trên cây vĩ cầm; ông cố vấn cung đình vừa dắt bác sĩ Krokowski xuống tham dự khoảng mươi mười lăm phút, ông ta ép người nào đó ngồi vào đàn dương cầm chơi những nốt thấp trong giai điệu bản Hành hương[415], còn mình thì đứng bên cầm một cái bàn chải cào bập bõm trên dãy nốt cao nhại tiếng vĩ cầm đệm theo. Tiếng cười rộ lên. Bản nhạc kết thúc, ông cố vấn cung đình làm bộ lắc đầu vì sự liều lĩnh của chính mình và bỏ đi trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của mọi người. Sự vui nhộn chung không vì thế mà giảm sút, người ta lại chơi nhạc, người ta ngồi xuống quanh bàn domino và bàn bridge vừa đánh bài vừa nhấm nháp nước giải khát, lại có những người loay hoay bên mấy dụng cụ giải trí quang học hoặc tụ tập chỗ này chỗ kia trò chuyện. Cả các thực khách ở bàn Nga thượng lưu cũng trà trộn vào với đám người giải trí ngoài đại sảnh và trong phòng dương cầm. Quý ngài Peeperkorn xuất hiện ở một vài nơi - không thể nào không nhìn thấy ông ta, mái đầu vương giả của ông ta cao vượt lên trên những người khác, áp đảo môi trường xung quanh vì sức nặng và tầm quan trọng của mình. Những người xúm xít chung quanh ông ta, lúc đầu chỉ bâu lại vì những lời đồn đại về sự giàu có của ông ta, sau đó đã nhanh chóng bị lôi cuốn bởi nhân cách của con người này: họ quây quần quanh ông ta lắng nghe và mỉm cười, đầu gật gật khuyến khích, quên hết mọi sự, như bị thôi miên bởi đôi mắt nhạt màu dưới vầng trán đầy nếp nhăn hùng hậu của người nói, hồi hộp theo dõi những cử chỉ sinh động rất văn hóa với móng tay rất dài, và không cảm thấy mảy may thất vọng về những lời lẽ đứt đoạn mơ hồ và trên thực tế hoàn toàn vô dụng được nói ra sau đó.
Nếu như lúc này có ai đi tìm Hans Castorp thì sẽ gặp chàng trong phòng đọc báo và viết thư, nơi chàng có lần (“có lần” là một trạng từ mơ hồ; người kể chuyện, nhân vật chính và cả độc giả không ai biết nó đứng chỗ nào trong bậc thang quá khứ nữa) được tiết lộ những thông tin quan trọng về hoạt động của một tổ chức phục vụ tiến bộ loài người. Ở đây rất yên tĩnh; ngoài chàng ra chỉ còn một hai người nữa. Một người hí hoáy viết thư trên một trong mấy cái bục viết kê trong phòng, dưới ánh sáng ngọn đèn điện. Một bà đeo kính kẹp mũi ngồi bên giá sách lật xem mấy trang họa báo. Hans Castorp ngồi với một tờ báo gần lối cửa thông sang phòng dương cầm, quay lưng về phía tấm màn cửa, trên một chiếc ghế tình cờ nằm đó, kiểu ghế bành bọc đệm thời Phục hưng có lưng dựa cao thẳng đứng và không có tay vịn. Chàng trai trẻ cầm tờ báo trong tay giơ lên trước mặt, nhưng chàng không đọc mà nghiêng đầu lắng nghe tiếng nhạc bập bõm vọng sang thỉnh thoảng bị tiếng trò chuyện át đi một lúc, cặp chân mày chau lại cho thấy chàng cũng chỉ nghe có nửa tai, trong khi tâm trí còn bận lang thang trên những nẻo đường phi âm nhạc, những nẻo đường chông gai đầy thất vọng vì cái hoàn cảnh trớ trêu khiến một người đàn ông đang tuổi thanh xuân bỏ ra một khoảng thời gian lớn để chờ đợi và rốt cuộc trở thành trò cười cho thiên hạ - những nẻo đường cay đắng và ương ngạnh chắc hẳn không níu bước chân chàng được bao xa nữa, chắc hẳn chàng sắp bỏ tờ báo che mặt xuống chiếc ghế lẻ loi và bất tiện đang ngồi để đi qua cửa, qua đại sảnh, bỏ lại sau lưng sự vui nhộn héo gan héo ruột này, về với sự cô đơn băng giá trên ban công phòng mình, bầu bạn với Maria Mancini.
“Anh họ ông đâu, Monsieur?” Một giọng nói bất ngờ vang lên phía sau hỏi chàng. Giọng nói thần kỳ ấy rót vào tai chàng, đôi tai chỉ được sinh ra để tiếp nhận âm thanh ngọt đắng khao khao của nó, đối với chàng được nghe nó là tột đỉnh hạnh phúc trần gian - đó là giọng nói một thời xa xưa đã cất lên bảo chàng: “Được thôi. Mà đừng có làm gãy của tớ.” Giọng nói hút hồn người, giọng nói định mệnh. Và nếu chàng không lầm thì giọng nói ấy hỏi về Joachim.
Chàng từ từ hạ tờ báo xuống, ngẩng mặt lên một chút khiến cho cái xoáy trên đỉnh đầu chạm vào lưng ghế. Chàng thậm chí nhắm mắt lại một thoáng, nhưng lập tức mở ra ngay, nhìn thao láo lên cao đâu đó trong khoảng không trống rỗng phía trước mặt. Trông bộ dạng anh chàng tội nghiệp chẳng khác gì nhà tiên tri mù hay kẻ mộng du. Chàng cầu mong nàng hỏi thêm một lần nữa, nhưng điều đó không xảy ra. Thế nên chàng không dám chắc nàng còn đứng sau lưng mình không, khi cất tiếng khản đặc chậm rãi trả lời, mãi một lúc khá lâu sau đó:
“Anh ấy chết rồi. Anh ấy xuống đồng bằng nhập ngũ và đã chết.”
Chàng chợt nhận ra “chết” là từ đầu tiên mở đầu câu chuyện giữa họ. Chàng cũng đồng thời nhận ra, vì không thạo tiếng nói của chàng nên lời chia buồn đơn giản của nàng có phần hơi vụng. Nàng lại cất tiếng vọng ra từ phía sau lưng và trên đầu chàng:
“Ôi trời. Tiếc quá. Đã chết hẳn và chôn cất rồi ư? Khi nào?”
“Ít lâu rồi. Mẹ anh ấy đưa anh ấy về dưới kia. Trước đó anh ấy mọc ra một bộ râu chiến trận. Trên mộ anh ấy người ta bắn ba phát súng tiễn biệt.”
“Ông ấy xứng đáng với vinh dự ấy. Ông ấy rất dũng cảm. Dũng cảm hơn những người khác rất nhiều, hơn một số người nào đó.”
“Phải rồi, anh ấy rất dũng cảm. Rhadamanth lúc nào cũng mắng anh ấy là hăng tiết vịt. Nhưng cơ thể anh ấy muốn khác. Rebellio carnis[416], ở dòng Tên họ bảo thế. Anh ấy luôn luôn coi trọng cơ thể, như coi trọng danh dự. Nhưng cơ thể anh ấy để cho những thứ vô danh dự lọt vào, thế là lòng dũng cảm đi đời nhà ma. Có điều dám sống hết mình còn đạo đức gấp ngàn lần cứ khư khư giữ gìn danh dự[417].”
“Tôi thấy có người vẫn ưa triết lý và vô tích sự như xưa. Rhadamanth là ai?”
“Behrens. Settembrini đặt cho ông ta cái tên ấy.”
“A, Settembrini, tôi biết. Đấy là một người Ý... Tôi không thích ông này. Ông ta không nhân ái.” (Từ “nhân ái” bị kéo dài ra thành “nhăn ái”, nhưng nghe không dễ ghét mà lại có cái gì như mơ mộng.) “Ông ta kiêu ngạo lắm” (phát âm thành ra “kiu ngạo”). “Ông ta không ở đây nữa à? Tôi dốt lắm. Tôi không biết Rhadamanth là cái gì.”
“Cái ấy thuộc về lĩnh vực nhân văn. Settembrini dọn đi rồi. Thời gian vừa qua chúng tôi triết lý rất nhiều, ông ta và Naphta và tôi.”
“Naphta là ai?”
“Đối thủ của ông ta.”
“A, thế thì tôi muốn được làm quen với đối thủ của ông ta. Nhưng mà này, không phải tôi đã bảo ông rằng anh họ ông sẽ chết nếu cứ nhất định xuống đồng bằng nhập ngũ hay sao?”
“Phải, em đã nói thế.”
“Ông dám gọi tôi là em!”
Tiếp theo là một khoảng im lặng khá dài. Chàng không cãi lại. Chàng đợi, xoáy tóc trên đỉnh đầu dựa vào lưng ghế, mắt thẫn thờ nhìn ra phía trước, chàng đợi giọng nói ấy lại cất lên, một lần nữa lại không dám chắc là nàng còn đứng sau lưng, sợ rằng tiếng nhạc bập bùng ở phòng bên đã át mất tiếng bước chân nàng bỏ đi. Cuối cùng giọng nói ấy lại vang lên: “Và Monsieur thậm chí không về dự tang lễ người anh họ?”
Chàng trả lời:
“Không, tôi đã vĩnh biệt anh ấy ở đây, từ trước khi người ta đóng nắp hòm, vì anh ấy bắt đầu cười. Em không biết trán anh ấy lạnh như thế nào đâu.”
“Lại em rồi! Ông ăn nói suồng sã như thế với một phụ nữ hầu như không quen biết hay sao!”
“Em muốn tôi nói chuyện nhân văn hay là nhân ái?” (Chàng bất giác kéo dài giọng giống lối nói của nàng, khiến cho cái từ ấy cũng vang lên uể oải như vừa nói vừa vươn vai ngáp.) “Quelle blague![418] Ông ở đây suốt từ hồi ấy đến giờ?”
“Phải. Tôi đợi.”
“Đợi cái gì?”
“Đợi em.”
Một tiếng cười nhẹ rơi xuống đầu chàng, lẫn trong đó là câu gì nghe như “Ngốc ơi là ngốc!” - “Đợi tôi! Người ta không cho anh đi thì có!”
“Có, có một lần Behrens đã đồng ý để tôi đi, hôm ấy ông ta giận dữ khiếp lắm. Nhưng có phép mà như vậy cũng bằng không. Vì ngoài vết sẹo cũ tôi có từ thời còn đi học, em biết đấy, Behrens đã tìm thấy một chỗ ướt mới làm tôi sốt.”
“Ông vẫn còn sốt?”
“Vẫn còn. Gần như không dứt. Có lúc lên có lúc xuống. Nhưng không phải sốt nóng lạnh.”
“Des allusions?[419]”
Chàng im lặng. Mắt chàng hướng cái nhìn mộng du ra phía trước, hai hàng chân mày chau lại. Lát sau chàng hỏi: “Còn em thời gian vừa qua ở đâu?” Một bàn tay đập xuống lưng ghế.
“Mais c'est un sauvage![420] - Tôi ở đâu ư? Khắp mọi nơi. Ở Moscow” - giọng nói phát âm thành “Mouscow”, kéo dài ra tương tự như ‘nhăn ái’ - ở Baku, ở vài vùng nghỉ mát của Đức, ở Tây Ban Nha.”
“À, Tây Ban Nha. Em có thích nơi ấy không?”
“Cũng tàm tạm. Đường xá xấu lắm. Dân chúng lai da đen một nửa. Castile[421] cằn cỗi và cứng nhắc. Điện Kremlin đẹp hơn cái lâu đài hay là tu viện ở chân núi ấy nhiều...”
“Ý em muốn nói Escorial.”
“Phải. Lâu đài của vua Philipp. Một công trình không nhăn ái. Tôi thích điệu nhảy dân gian xứ Catalonia[422] hơn, gọi là vũ điệu sardana, trong tiếng kèn mục đồng. Tôi cũng nhảy nữa. Tất cả khoác vai nhau nhảy thành vòng tròn. Kín cả quảng trường luôn. C’est charmant[423]. Thế mới nhăn ái. Tôi có mua một cái mũ nồi nhỏ màu xanh, gọi là boina, gần giống cái mũ fez ấy. Ở đấy đàn ông con trai ai cũng đội mũ này. Tôi đội lúc nằm nghỉ ngoài ban công và cả những lúc khác. Monsieur sẽ thấy nó có hợp với tôi không.”
“Monsieur nào?”
“Người ngồi trong cái ghế này.”
“Tôi cứ tưởng quý ngài Peeperkorn.”
“Ông ấy thấy rồi. Ông ấy bảo, tôi đội đẹp lắm.”
“Ông ấy nói thế à? Nói được hết câu? Nói đến đầu đến đũa để người ta có thể hiểu được?”
“A, có người đang hờn dỗi. Có người giở bài ác ý châm chọc đây... Người ta kiếm cớ chê cười những người cao cả hơn và tốt hơn và nhăn ái hơn mình và cả... avec son ami bavard de la Méditerranée, son maître grand parleur[424]! Nhưng tôi không cho phép ai nói xấu bạn bè tôi...”
“Em còn giữ tấm chân dung nội tạng của tôi không?” Chàng cắt ngang giọng nói kia, rầu rĩ hỏi.
Nàng cười. “Để tôi thử tìm xem.”
“Tôi thì đeo tấm của em trong ngực. Ngoài ra tôi có một cái giá nhỏ trên mặt tủ, để ban đêm...”
Chàng không nói hết câu. Peeperkorn đứng lù lù trước mặt chàng. Ông ta đi tìm cô bạn đồng hành, rẽ tấm rèm cửa bước vào phòng và đến thẳng trước chiếc ghế có cô ta đứng đằng sau chuyện trò với người ngồi trên đó. Ông ta mọc lên như cái tháp cao sừng sững ngay sát mũi chân Hans Castorp, khiến anh chàng này dù đang ở trong trạng thái mộng du vẫn biết cần phải đứng lên chứng tỏ sự có giáo dục của mình. Để khỏi đụng vào ông ta chàng phải né người lánh qua một bên, và như thế ba nhân vật chính của vở kịch đứng thành hình tam giác, trung tâm là cái ghế.
Theo phép xã giao của nền văn minh Tây phương, Madame Chauchat buộc phải giới thiệu “hai ông” với nhau. Đây là một người quen cũ - cô ta chỉ vào Hans Castorp - từ lần dưỡng bệnh trước của cô ta. Sự tồn tại của ông Peeperkorn không cần thêm một lời giải thích nào. Cô ta chỉ đơn giản nói tên ông ta với Hans Castorp, và ông người Hà Lan khổng lồ đưa cặp mắt nhạt màu dưới những nếp nhăn biểu lộ sự tập trung cao độ hằn sâu trên vầng trán và hai bên thái dương như những nét hoa văn kỳ lạ, chiếu tướng chàng trai trẻ, trước khi đưa tay cho chàng ta bắt, bàn tay rộng bản, lưng bàn tay lấm tấm vết tàn nhang. Bàn tay thủ lĩnh, một ý nghĩ xẹt qua đầu Hans Castorp, nếu không tính đến những cái móng tay dài nhọn hoắt. Lần đầu tiên chàng đứng dưới tác động trực tiếp của uy quyền tỏa ra từ nhân cách lớn mang tên Peeperkorn (“nhân cách lớn” là cái từ bật ra trong trí bất cứ người nào đứng đối diện với ông ta; chỉ cần nhìn ông ta là người ta thấm thía ý nghĩa của từ này, và còn hơn thế nữa, người ta bất giác tin rằng một nhân cách lớn không thể có hình thức nào khác hơn hình hài trước mắt mình), và tuổi trẻ non nớt của chàng bị đè bẹp dưới sức nặng của người đàn ông lục tuần vai rộng, mặt đỏ gay, mái tóc bạc phơ, với cái miệng rộng đau đớn te tua và bộ râu cằm lơ thơ dài xuống ngực áo gi lê cài kín kiểu thầy tu. Thêm vào đó sự lịch thiệp của Peeperkorn không thể chê vào đâu được.
“Thưa quý ông”, ông ta bảo, “- rất hân hạnh. Không, xin ông cho phép - rất hân hạnh! Tối hôm nay được làm quen với ông - một người trẻ tuổi đáng tin cậy - tôi rất ý thức được điều đó, thưa quý ông, tôi toàn tâm toàn ý. Ông rất đáng mến, thưa quý ông; tôi - không có chi! Dứt điểm. Ông hợp ý tôi.”
Không thể cãi lại được. Những cử chỉ văn hóa của ông ta quá quả quyết, quá “dứt điểm”. Hans Castorp hợp ý ông ta. Và Peeperkorn nảy ra một ý mà ông ta như thường lệ diễn giải chủ yếu qua cử chỉ, được bổ sung hữu hiệu bằng lời qua miệng cô bạn đồng hành của ông ta.
“Cưng ơi”, ông ta bảo, “- tốt lắm. Nhưng giờ ta có nên - xin hiểu đúng ý tôi. Cuộc đời rất ngắn ngủi, chừng nào chúng ta còn khả năng đáp ứng những yêu cầu của nó - vậy đấy. Đó là thực tế, cưng à. Quy luật. Không thể khác. Tóm lại, cưng ơi, ngắn gọn và dứt điểm.” Ông ta ngừng lời giữa một cử chỉ phó mặc đầy ấn tượng, như thể không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trong trường hợp ở đây vẫn xảy ra một sai lầm quyết định, mặc dù mọi cố gắng cảnh báo của ông ta.
Rõ ràng Madame Chauchat rất có kinh nghiệm trong việc phỏng đoán nguyện vọng của ông ta chỉ qua nửa lời. Cô ta bảo:
“Sao lại không nhỉ. Chúng ta có thể ngồi lại thêm một lúc, chơi một ván bài hay uống một chai rượu chẳng hạn. Ông còn chần chừ gì nữa?” Cô ta quay sang Hans Castorp. “Giúp tôi một tay đi chứ! Dĩ nhiên chúng ta không thể mở tiệc chỉ có ba người, phải thêm nhiều người nữa mới vui. Trong phòng khách còn ai không? Ông cố tìm lấy vài người, gọi cả mấy người bạn của ông trên ban công phòng họ xuống đây.
Tôi sẽ mời tiến sĩ Ting-Fu ngồi ở bàn chúng tôi.” Peeperkorn xoa xoa tay khoan khoái.
“Cừ lắm”, ông ta bảo. “Hoàn hảo. Tuyệt vời. Nhảo nhảo lên, ông bạn trẻ! Chấp hành đi! Chúng ta sẽ tụ tập thành một hội, đánh bài và ăn và uống. Hãy để chúng ta cảm thấy rằng - tuyệt đối, ông bạn trẻ!”
Hans Castorp đi thang máy lên lầu hai. Chàng gõ cửa phòng A. K. Ferge, ông này lôi kéo thêm Ferdinand Wehsal và ông Albin, tất cả bỏ cái ghế nằm lục tục kéo xuống tầng trệt. Người ta tìm thấy ông công tố viên Paravant và cặp vợ chồng Magnus còn đang la cà ngoài đại sảnh, bà Stöhr và cô Kleefeld còn ngồi trong phòng khách. Một cái bàn đánh bài rộng được kéo ra dưới ngọn đèn chùm pha lê giữa phòng giải trí, ghế ngồi và những cái sập nhỏ để đồ ăn được kê xung quanh. Quý ngài Peeperkorn đích thân chào hỏi từng người khách tới nhập bọn, với ánh mắt nhạt màu lịch thiệp dưới những hàng hoa văn kéo lên trán biểu lộ sự tập trung cao độ. Mười hai người ngồi vào quanh bàn, Hans Castorp ngồi giữa vị sếp sòng vương giả và Clawdia Chauchat; người ta soạn ra bộ bài và thẻ đặt cửa để chơi vài ván vingt et un; Peeperkorn trịnh trọng gọi cô người lùn bảo mang lên loại rượu trắng Chablis năm 1906, tạm thời ba chai cái đã, và đồ ngọt để ăn kèm, tùy theo giờ này còn kiếm được hoa quả khô hay bánh trái gì cũng được. Ông ta xoa xoa tay tỏ ý hài lòng trước những món đồ được bưng lên, và thể hiện sự mãn nguyện của mình cả bằng lời nói, những lời đứt đoạn không đầu không cuối nhưng đầy vẻ quan trọng, rất thành công trên thực tế, ít nhất là về ấn tượng nhân cách lớn ấy tác động lên tất cả. Ông ta đặt hai bàn tay lên cánh tay hai người ngồi kế bên, giơ cao ngón trỏ móng dài nhọn như mũi giáo yêu cầu cả bàn dành sự chú ý ở mức cao nhất cho chất lỏng tuyệt vời màu hổ phách đựng trong những cái cốc vại trước mặt họ, cho vị ngọt tiết ra từ nho Malaga, cho thứ bánh mì vòng nhỏ rắc muối và hạt anh túc mà ông ta ca ngợi là cao lương mỹ vị của thần linh, đồng thời bằng một cử chỉ văn hóa nhưng dứt điểm ông ta kiên quyết dập tắt từ trong trứng mọi mầm mống phê bình có thể nảy sinh chống lại những từ ngữ đao to búa lớn của mình. Ông ta là người đầu tiên nhận cầm cái, nhưng lát sau đã tình nguyện nhường lại cho ông Albin, vì, nếu người ta hiểu đúng những lời lắp bắp của ông ta, trách nhiệm ấy cản trở ông ta theo đuổi thú ẩm thực.
Rõ ràng ông ta coi cờ bạc chỉ là trò tiêu khiển phụ. Họ chơi ăn tiền một cách tượng trưng thôi - đối với ông ta, chứ thực ra số tiền đặt cửa thấp nhất được quy định ở mức năm mươi rappen[425] theo gợi ý của ông ta đã là quá lớn đối với nhiều người tham dự; ông công tố viên Paravant và bà Stöhr mặt cứ hết đỏ lại tái đi từng chặp, bà này thậm chí còn giãy giụa như lên cơn co giật mỗi khi phải quyết định có bốc bài thêm không lúc đã được mười tám điểm. Bà ta rú lên the thé khi bị ông Albin vẻ mặt lạnh tanh rất nhà nghề ném sang cho một lá bài quá cao làm bao nhiêu công tính toán liều lĩnh đổ hết xuống sông xuống biển, và Peeperkorn cười hể hả.
“Cứ kêu đi, kêu to lên, thưa bà!” Ông ta bảo. “Tiếng kêu của bà rất chói tai và đầy sức sống, nó phát ra từ nơi sâu thẳm nhất - uống đi bà, uống cho tinh thần thêm phấn chấn!” Và ông ta rót thêm cho bà nọ một ly, rót cả cho hai người ngồi kế bên và bản thân mình, gọi thêm ba chai nữa, đứng lên cụng ly với Wehsal và với bà Magnus nội tâm héo hắt, vì theo ý ông ta hai người này có vẻ cần được làm phấn chấn hơn ai hết. Nhờ tác dụng của loại rượu quả tình ngon tuyệt, các gương mặt quanh bàn nhanh chóng chuyển sang màu đỏ ở mọi sắc độ, chỉ trừ mỗi một ngoại lệ là ông tiến sĩ TingFu, mặt ông này vẫn giữ nguyên màu vàng tai tái với đôi mắt xếch nhỏ như hai vạch mực tàu. Nhưng trong cờ bạc thì ông ta đỏ không thể tưởng tượng được. Những người khác cũng không chịu kém. Ông công tố viên Paravant mắt đục ngầu thách thức số phận bằng cách đặt hẳn mười franc vào lá bài thứ nhất với một hy vọng rất khiêm tốn, mặt tái nhợt đi khi bốc lá bài thứ hai, và ăn gấp đôi vì ông Albin, mù quáng tin tưởng vào quân As của mình, tuyên bố gấp đôi tiền đặt. Sự căng thẳng không chỉ giới hạn ở cá nhân thủ phạm. Tất cả bị cuốn theo canh bạc đầy kích động, và bản thân ông Albin, mặc dù vẻ mặt lạnh te có thể cạnh tranh với các hồ lì chuyên nghiệp ở sòng bạc Monte Carlo, nơi ông ta theo lời tự thuật từng là khách quen, cũng phải khó nhọc lắm mới giữ được tự chủ. Hans Castorp nâng tiền đặt, cả cô Kleefeld và Madame Chauchat cũng vậy. Người ta chuyển sang chơi touren, chơi baccarat, chơi naši-vaši, và cả trò chơi mạo hiểm différence[426]. Người ta reo hò và tuyệt vọng, giận dữ chửi thề và cười nói hả hê, buồn vui tùy thuộc vào sự tráo trở của thần tài, nhưng mọi cảm xúc đều được thể hiện một cách nghiêm túc và chân thật cứ như thể đang trải qua những thăng trầm thực sự của cuộc đời.
Tuy nhiên không phải chỉ có cờ bạc và hơi men là nguyên nhân độc nhất hay chính yếu gây ra sự căng thẳng tinh thần cao độ của những người quanh bàn, làm cho gương mặt họ hừng hực say mê, đôi mắt họ mở to sáng rực, hồi hộp đến mức nín thở, tập trung đến mức gần như đau đớn toàn bộ giác quan vào chỉ một khoảnh khắc này thôi. Đúng ra đó là tác động tinh thần tự nhiên của một cá tính áp đảo trong số những người có mặt, của “nhân cách lớn” giữa bọn họ, của quý ngài Peeperkorn, người nắm quyền lãnh đạo trong bàn tay thủ lĩnh với những cử chỉ linh hoạt của mình và làm mê hoặc tất cả mọi người bằng diễn xuất tài tình đầy ấn tượng trên nét mặt, bằng ánh mắt nhạt màu dưới hệ thống nếp nhăn đồ sộ trên vầng trán, bằng lời nói và sự quả quyết thể hiện rõ rệt trong cử chỉ. Ông ta nói gì? Rặt những lời lộn xộn, và càng uống nhiều ông ta nói năng càng lộn xộn. Nhưng tất cả vẫn nghe như nuốt từng lời từ đôi môi ông ta; miệng cười cười, chân mày rướn cao, đầu gật gật, họ không rời mắt khỏi cái vòng tròn khoanh bằng ngón cái và ngón trỏ bàn tay ông ta với mấy ngón còn lại chĩa ra những cái móng dài nhọn như mũi giáo; họ như bị thôi miên bởi gương mặt vương giả của ông ta, kèm theo lời nói là những cử chỉ linh hoạt thay đổi không ngừng, và không một mảy may chống cự, quên hẳn bản thân, họ để cho mình bị lôi cuốn theo một xúc cảm vượt quá mọi giới hạn sức chịu đựng thông thường của mình. Cái giá phải trả rõ ràng quá lớn đối với một số người trong bọn họ. Bà Magnus thấy khó ở và có nguy cơ bất tỉnh, nhưng nhất định không chịu về phòng mà chỉ bằng lòng nằm nghỉ trên chiếc đi văng và đắp lên trán một tấm khăn ăn nhúng nước, lát sau cảm thấy hơi tỉnh tỉnh bà ta lại lò dò quay trở lại bàn nhập bọn cùng những người kia.
Peeperkorn quy kết nguyên nhân sự khó ở của bà ta là do thiếu hụt chất dinh dưỡng. Bằng những lời đứt đoạn vô cùng trọng đại và ngón tay trỏ giơ lên cao, ông ta sa đà một hồi lâu vào chủ đề ấy. Phải ăn, ăn cho đến nơi đến chốn, để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống, ông ta dạy mọi người và quay ra đòi tiếp tế thêm cho bàn tiệc. Ông ta đặt hẳn một bữa ăn khuya với thịt nguội, pho mát, lưỡi muối, ức ngan, ngỗng rán, xúc xích và giăm bông - những đĩa đồ ăn đầy có ngọn xung quanh trang trí bằng những viên bơ, củ cải đỏ và rau mùi tây, rực rỡ như những bồn hoa được bưng lên. Sáng kiến này được tất cả hưởng ứng nhiệt tình, mặc dù họ vừa mới ăn xong một bữa tối mà về sự thịnh soạn của nó không cần phải bàn thêm một lời nào nữa. Nhưng quý ngài Peeperkorn, chỉ sau vài miếng, đã nổi giận đùng đùng tuyên bố tất cả những thứ này chỉ là đồ “nhảm nhí” - ông ta quát tháo om sòm, bộc lộ bản chất khó lường đáng sợ của một nhân cách lớn quen có các quyết định độc đoán. Cơn thịnh nộ của ông ta lại càng dữ dội khi ai đó dám lên tiếng bênh vực bữa ăn nhẹ này; những mạch máu trên cái đầu vĩ đại của ông ta nổi vồng lên, ông ta thẳng tay đấm xuống bàn, gầm lên gọi tất cả là đồ bỏ - và những người ngồi quanh sượng sùng nín bặt, vì xét cho cùng ông ta là chủ tọa và chủ chi bữa tiệc này và có toàn quyền đánh giá chất lượng của nó theo ý mình.
Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng vẻ tức giận rất hợp với ông ta, như Hans Castorp thầm nhận xét. Nó không làm ông ta xấu đi một chút nào, không làm ông ta trở nên nhỏ mọn hay tầm thường, và mặc dù cơn giận tỏ ra vô cớ - không ai dám cả gan liên hệ sự kiện này với lượng rượu ông ta đã tiêu thụ, dù chỉ là tự nhủ một mình - nhưng nó càng làm cho ông ta thêm vương giả và cao ngạo, khiến tất cả mọi người khép nép cúi đầu, không ai dám ăn thêm một miếng nào nữa. Madame Chauchat phải trổ tài xoa dịu ông bạn đồng hành. Cô ta vuốt nhẹ bàn tay thủ lĩnh to tướng nằm yên trên bàn sau cú đấm nảy lửa và đề nghị bằng giọng dàn hòa rằng họ có thể đặt thứ gì khác, một món ăn nóng chẳng hạn, nếu ông ta muốn và ông đầu bếp chịu để cho người ta lôi ra khỏi giường vào giờ này. “Cưng nói đúng”, ông ta bảo, “- được rồi.” Và không gặp khó khăn gì, thậm chí rất khả kính là đằng khác, ông ta chuyển từ trạng thái thịnh nộ sang trạng thái bình thường không qua giai đoạn trung gian, và cầm bàn tay Clawdia đưa lên môi hôn một cách rất ga lăng. Ông ta đòi làm trứng tráng cho mình và cho mọi người - mỗi người một suất trứng tráng với rau thơm và đầy đủ gia vị, để có thể đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống. Và gửi kèm theo đơn đặt hàng vào trong bếp tờ giấy bạc một trăm franc, để thuyết phục nhân viên ở đó tận tâm với công việc.
Cả sự hài lòng của ông ta cũng được khôi phục hoàn toàn khi những đĩa đồ ăn nóng hổi được bưng lên, vàng ươm và lấm tấm xanh, tỏa ra khắp phòng mùi thơm ấm áp của trứng và bơ. Người ta ăn cùng Peeperkorn và dưới sự giám sát của ông ta, trong lúc ông ta bằng những lời đứt đoạn và những cử chỉ rất văn hóa quả quyết kêu gọi mọi người bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với món quà này của thượng đế. Ông ta đòi rót một vòng mời khắp quanh bàn loại rượu Genever xứ Hà Lan của ông ta, thứ chất lỏng trong suốt thơm nồng mùi ngũ cốc, hơi thoang thoảng hương đỗ tùng, và ép tất cả mọi người cùng kính cẩn nâng ly uống cạn một hơi.
Hans Castorp hút thuốc. Cả Madame Chauchat cũng thưởng thức một điếu thuốc lá lấy ra từ một cái hộp rất đẹp kiểu Nga, nắp sơn hình một cỗ xe tam mã phóng như bay, mà cô ta đặt hờ hững trên bàn, và Peeperkorn không trách cứ những người ngồi cạnh đã buông mình theo thói xấu này, mặc dù bản thân ông ta không hút. Ông ta không hút thuốc bao giờ. Nếu người ta hiểu đúng những câu nói rời rạc của ông ta, thì theo ý ông ta hút thuốc là một trong những cái thú tinh vi mà theo đuổi nó có nghĩa là để mất khả năng hưởng thụ sự cao cả của những tặng vật bình dị của cuộc sống, những tặng phẩm và yêu cầu gần như vượt quá khả năng cảm thụ của chúng ta. “Ông bạn trẻ”, ông ta bảo Hans Castorp, và chàng nhìn như bị mê hoặc vào đôi mắt nhạt màu và những cử chỉ hùng hồn của ông ta - “ông bạn trẻ, - bình dị! Thần thánh! Tốt lắm, ông hiểu đúng tôi. Một chai rượu, một món trứng bốc hơi nghi ngút, một ly ngũ cốc lỏng trong suốt - chúng ta hãy đáp ứng và thưởng thức, hãy tận hưởng nó, hãy thực sự cảm thấy toại nguyện với nó, trước khi - đúng thế, thưa quý ông. Dứt điểm. Tôi biết đủ mọi hạng người, đàn ông và đàn bà, họ xài cocain, hút cần sa, chích ma túy - rất tốt, bạn thân mến! Thực thế! Họ cứ việc! Chúng ta không nên tranh cãi và chỉ trích. Nhưng cái đáng được ưu tiên, điều bình dị, điều cao cả, món quà nguyên thủy của Chúa, điều đó những người này đã hoàn toàn - dứt điểm, ông bạn thân mến. Bị lên án. Bị ruồng bỏ. Không đáp ứng được! Ông tên gì nhỉ, ông bạn trẻ - phải, tôi đã biết, nhưng tôi quên rồi - tội lỗi không phải ở trong cocain, không phải ở trong thuốc phiện, không phải ở trong thói hư tật xấu. Tội lỗi không thể tha thứ được, tội lỗi ấy nằm trong -”
Ông ta đột ngột dừng lời. Cao to lừng lững, quay hẳn người về phía Hans Castorp, ông ta ngừng lời trong một sự im lặng đầy uy quyền và ấn tượng, bắt người nghe phải tự hiểu, với ngón tay trỏ giơ cao, với cái miệng rộng tơi tả dưới làn môi trên trần trụi bị lưỡi dao cạo làm trầy đôi chỗ, nghiêm khắc kéo những nếp nhăn song song chạy ngang qua vầng trán hói lơ thơ tóc bạc, đôi mắt ti hí nhạt màu mở to tiết lộ một ánh kinh hoàng khiếp sợ cái tội ác kia, một lỗi lầm tày trời, một sự bất lực không thể tha thứ, điều mà từ nãy tới giờ ông ta vẫn cố gắng ám chỉ và diễn giải, bằng tất cả sức mạnh nội tâm của một nhân cách lớn hơi nhòe và giờ thì bằng cả sự im lặng không lời... Đó là một nhận xét chung, Hans Castorp thầm nghĩ, tuy nhiên trong đó vẫn có một chút gì hơi hướng cá nhân ông ta, thuộc về bản thân ông ta, người đàn ông oai vệ này; đó là nỗi sợ, nhưng không phải một nỗi sợ nhỏ nhặt thông thường, mà trong đôi mắt đó lúc này như đang cháy lên một tia sáng hãi hùng khủng khiếp, và lòng kính trọng ở Hans Castorp quá cao khiến chàng không thể nào không rung động tâm can trước phát hiện này, bất chấp tất cả những ác cảm trước đó của chàng đối với người bạn đồng hành vương giả của Madame Chauchat.
Chàng cụp mắt nhìn xuống gật đầu, chứng tỏ mình đã hiểu diễn giả vĩ đại ngồi bên cạnh.
“Điều đó đúng”, chàng đáp. “Rất có thể đó là tội lỗi - và là một biểu hiện bất lực - say mê theo đuổi những thú vui tinh vi đến nỗi không còn khả năng tiếp nhận những tặng vật tự nhiên và bình dị của cuộc sống, những tặng vật thực ra vô cùng to lớn và thiêng liêng. Nếu tôi hiểu đúng thì đó là quan điểm của ông, thưa quý ngài Peeperkorn, và mặc dù trước nay chưa hề nghĩ tới điều này nhưng nhân đây tôi vẫn xin được ủng hộ quan điểm ấy bằng tất cả niềm tin vững chắc của chính mình. Cũng phải nói thêm rằng hiếm khi những tặng vật tốt lành và bình dị của cuộc sống được hưởng sự trân trọng công bằng xứng đáng với nó. Đa số con người ta quá nhu nhược và lơ đãng, quá vô lương tâm và mù quáng để có thể đánh giá đúng giá trị của những món quà này, có lẽ thế.”
Người đàn ông đồ sộ tỏ ra hài lòng tột đỉnh. “Ông bạn trẻ”, ông ta bảo, “- tuyệt lắm. Xin cho phép tôi - không thêm một lời nào nữa. Xin mời ông nâng cốc cùng tôi, chúng ta hãy vòng tay quàng vào nhau và cùng cạn chén. Thế chưa có nghĩa là tôi muốn ngay lập tức xưng hô anh em với ông - đúng ra tôi vừa mới định đề nghị ông điều này, nhưng đã nghĩ lại vì e rằng như thế hơi nóng vội. Vậy thì, một ngày nào đó, sắp tới thôi - ông cứ tin lời tôi! Trừ phi ông có nguyện vọng ngay lập tức -”
Hans Castorp tỏ ý tán thành đợi một thời gian nữa theo ý Peeperkorn.
“Tốt, ông bạn trẻ. Tốt lắm, chiến hữu. Bất lực - đúng. Đúng một cách kinh dị. Vô lương tâm - rất đúng. Tặng vật - không đúng. Đòi hỏi mới đúng! Những đòi hỏi thiêng liêng và đầy nữ tính của cuộc sống đối với danh dự và nam tính của chúng ta -”
Hans Castorp chợt nhận ra là Peeperkorn đã say khướt. Nhưng tình trạng say sưa của ông ta không có một chút gì tầm thường hay đáng hổ thẹn, không làm mất tư cách, mà kết hợp một cách hài hòa với bản chất vương giả trong con người ông ta tạo nên một ấn tượng áp đảo khiến tất cả mọi người phải cúi đầu e sợ. Bản thân Bacchus[427], Hans Castorp tự nhủ, khi say cũng dựa vào những kẻ tùy tùng vui nhộn mà không đánh mất một mảy may uy tín thần thánh của mình. Điều quyết định ở đây là ai say, một nhân cách lớn hay một tên thợ dệt. Trong thâm tâm chàng cố tránh không để lòng kính trọng người đồng hành vĩ đại kia bị giảm sút, mặc dù những cử chỉ văn hóa đã thiếu chính xác và ông ta đã bắt đầu líu lưỡi.
“Người anh em”, Peeperkorn lè nhè, tấm thân đồ sộ kiêu hãnh trong cơn say tự do đổ vật vào lưng ghế, cánh tay duỗi dài, bàn tay khép hờ thành một nắm đấm lỏng lẻo thỉnh thoảng đập nhẹ xuống mặt bàn, “- một ngày nào đó sẽ là anh em - trong tương lai gần, trước tiên phải suy nghĩ chín chắn - tốt lắm. Dứt điểm. Cuộc sống - ông bạn trẻ, đó là một người đàn bà, một người đàn bà nằm duỗi dài với bộ ngực căng phồng và cái bụng trắng ngần giữa cặp hông nở nang, với đôi cánh tay mảnh dẻ và cặp đùi tròn trĩnh, với đôi mắt lim dim mời mọc. Đầy thách thức và khêu gợi, cô ả đòi hỏi phẩm chất cao nhất của chúng ta, năng lực đàn ông và niềm ham muốn của chúng ta, đứng trước cô ả chúng ta chỉ có một trong hai lựa chọn, thắng hay bại. Thắng hay bại - thất bại nhục nhã, ông bạn trẻ, ông có hiểu như thế là thế nào không? Sự đầu hàng của cảm xúc trước sự sống, đó là bất lực, đối với nó không có sự khoan hồng, không có lòng thương hại, không còn danh dự, chỉ có sự trừng phạt và ruồng bỏ trong tiếng cười mai mỉa - dứt điểm, ông bạn trẻ, ván bài chấm dứt, ông thua trắng... Nhục nhã và hổ thẹn là những từ ngữ quá nhẹ đối với tâm trạng đau đớn tơi bời, đối với sự sỉ nhục ghê gớm này. Đó là kết cục thảm hại của một người đàn ông, là địa ngục thất vọng, là tận thế...”
Trong lúc nói người đàn ông Hà Lan càng ngày càng ngả người ra phía sau, mái đầu vương giả dần dần cúi gục xuống ngực như người ngủ gật. Nhưng đến câu cuối ông ta giơ cao nắm tay lỏng lẻo giáng một cú đấm nặng trịch xuống bàn, khiến chàng Hans Castorp thư sinh, thần kinh đã căng như dây đàn vì cờ bạc và hơi men và vì khung cảnh kỳ quái bao quanh, giật thót mình kính cẩn ngước mắt nhìn lên. “Tận thế” - cái từ này mới phù hợp với ông ta làm sao! Hans Castorp không nhớ mình đã bao giờ được nghe từ này, ngoại trừ trong giờ học tôn giáo ở trường. Đó chẳng phải là sự ngẫu nhiên, chàng nghĩ bụng, vì ai trong số những người quen của chàng có thể nảy ra ý định sử dụng khái niệm ghê gớm tột cùng này, hay nói đúng hơn, ai là người có đủ tầm vóc để mở miệng nói ra cái từ sấm sét ấy? Ông Naphta bé nhỏ có lẽ rất muốn mượn khái niệm ấy để phô trương thanh thế; nhưng đó sẽ chỉ là một sự lạm dụng đầy sáo rỗng, trong khi từ cửa miệng Peeperkorn cái từ sấm sét ấy được giáng xuống với toàn bộ sức mạnh phán xét và hủy diệt kinh hồn của nó, tóm lại, với sức mạnh long trời lở đất của thượng đế. ‘Lạy Chúa - một nhân cách lớn!’ Chàng kính cẩn tự nhủ đến lần thứ một trăm. ‘Mình được ngồi gần một nhân cách lớn, và đó lại là người đồng hành của Clawdia!’ Chàng ngồi một tay xoay xoay ly rượu trên bàn, tay kia thọc trong túi quần, mắt nheo lại vì khói điếu thuốc lá ngậm vắt vẻo bên mép, đầu óc cũng đã hơi biêng biêng. Lẽ ra chàng nên ngậm miệng lại là khôn nhất, để cho lời tuyên bố sấm sét kia kết thúc vấn đề. Tại sao giọng nói thiếu tự nhiên của chàng còn cất lên làm gì? Nhưng dưới sự dạy dỗ của hai ông thầy dân chủ - cả hai đều dân chủ từ trong bản chất, mặc dù một ông ra sức chối cãi điều ấy - chàng đã quen thói tranh luận, và không nhịn được nhất định phải bày tỏ ý kiến theo cái cách ngây thơ của mình. Chàng bảo:
“Nhận xét của ông, thưa quý ngài Peeperkorn”, (“nhận xét” là cái quái gì, chẳng lẽ người ta có thể “nhận xét” ngày tận thế), “đã đưa những ý nghĩ của tôi trở về với nguyên nhân gây ra tội lỗi ở đời, cụ thể là sự coi thường những tặng phẩm bình dị và thiêng liêng của cuộc sống - thiêng liêng là cách diễn đạt của ông, tôi thì muốn gọi là cổ điển - những tặng phẩm lớn lao bị người ta rẻ rúng để say mê theo đuổi những thú vui cầu kỳ - ‘say mê’, đó là lời của một trong hai chúng ta - trong khi những tặng phẩm lớn lao kia cần được ‘trân trọng’ và ‘ngưỡng mộ’. Nhưng chính ở chỗ này tôi lại thấy cần lật ngược vấn đề - xin lỗi ông, tôi là người bản chất hay lật ngược vấn đề, mặc dù tự tôi cũng hoàn toàn lĩnh hội được rằng không có lý do lớn lao gì để bào chữa cho các tội lỗi kia - vậy là, nếu xét theo một khía cạnh khác thì lời bào chữa cho tội lỗi có thể nằm chính trong sự ‘bất lực’ mà chúng ta vừa nhắc đến. Ông đã nói về nỗi khủng khiếp khi lực bất tòng tâm bằng những điều có tầm vóc lớn lao khiến tôi chấn động tâm can, hẳn ông cũng thấy. Nhưng theo ý tôi, con người tội lỗi không phải là không ý thức được nỗi khủng khiếp này; ngược lại là đằng khác, họ dành cho nó một sự tôn trọng xứng đáng, bằng cách để mặc cho sự bất lực của cảm xúc trước những tặng vật cổ điển của cuộc sống đẩy mình vào tội lỗi. Bởi chúng ta không nên và không cần phải coi tội lỗi là điều sỉ nhục cuộc sống, nó hoàn toàn có thể được coi là biểu hiện tôn thờ cuộc sống, chừng nào những thói hư tật xấu tinh vi kia được sử dụng như phương tiện giúp người ta tìm khoái cảm, từ chuyên môn gọi là chất kích thích, để củng cố và nâng cao sức mạnh của cảm xúc, thế cho nên có thể nói mục đích và ý nghĩa của cuộc sống cũng là tình yêu trong cảm xúc, là cố gắng bất lực săn lùng cảm xúc... Tôi muốn nói rằng...”
Chàng có biết mình đang nói cái gì không? Chẳng phải đó là một sự lạm dụng dân chủ đến mức vô liêm sỉ khi nói “một trong hai chúng ta”, làm như nhân cách lớn kia và chàng cá mè một lứa không bằng? Phải chăng chàng có can đảm để nói ra điều đó là nhờ vin vào quá khứ, cái quá khứ phủ bóng đen mờ ám lên quyền sở hữu trong hiện tại? Ghen tuông nào đã khiến chàng mù quáng đến mức lao vào phân tích “tội lỗi” một cách tự phụ nhường kia? Giờ phải làm sao tìm cách thoát thân, vì không còn nghi ngờ gì nữa, chàng đã cả gan vuốt râu hùm.
Quý ngài Peeperkorn giữ nguyên tư thế nửa nằm nửa ngồi đầu gục xuống ngực trong suốt thời gian vị khách của ông ta ba hoa thiên địa, người ta có thể tưởng rằng không một lời nào của Hans Castorp lọt vào tâm trí ông ta. Nhưng giờ đây, khi chàng trai trẻ lúng túng ngừng lời, ông ta bắt đầu vươn người ngồi thẳng dậy, rất từ từ, mỗi lúc một cao hơn cho đến hết tầm cao của mình, đồng thời mái đầu vương giả của ông ta dần dần căng phồng và đỏ tía lên, những đường hoa văn trên trán bị đẩy lên cao xô vào nhau, đôi mắt ti hí mở rộng hết cỡ phóng ra tia nhìn không màu lạnh lùng đầy đe dọa. Tai họa đến nơi rồi! Một trận cuồng phong đang ầm ầm kéo đến, so với nó cơn giông tố lúc nãy chỉ là một đám mưa bóng mây. Môi dưới quý ngài hằm hằm ép chặt vào môi trên khiến hai bên mép xệ xuống và cái cằm chìa ra, trong khi cánh tay phải quý ngài chầm chậm nhấc lên khỏi mặt bàn đưa lên cao ngang đầu và cao hơn nữa, bàn tay siết chặt lại thành nắm đấm khổng lồ, lấy đà chuẩn bị giáng một đòn hủy diệt xuống đầu anh chàng dân chủ lắm lời, người về phần mình đang sợ gần chết nhưng vẫn mạo hiểm hoan hỉ thưởng ngoạn bức tranh đầy ấn tượng mở ra trước mắt có thể lấy làm minh họa mẫu mực cho cơn giận lôi đình của một quốc vương. Cố nén nỗi sợ và ý muốn bỏ chạy tháo thân, chàng vội vàng rào đón:
“Dĩ nhiên tôi đã rất thiếu sót khi trình bày ý kiến của mình. Tất cả chỉ là vấn đề tầm cỡ mà thôi. Cái gì có tầm cỡ thì không thể gọi là tội lỗi được. Tội lỗi không bao giờ có tầm vóc lớn. Những thói hư tật xấu tinh vi kia cũng không. Nhưng từ thời thượng cổ con người đã nắm trong tay một phương tiện hữu hiệu trợ giúp công cuộc săn lùng cảm xúc, một chất kích thích thuộc về hàng những tặng vật cổ điển của cuộc sống, đủ cả những đặc tính bình dị và thiêng liêng, không thể coi là tội lỗi, thậm chí tôi xin được gọi là có tầm cỡ. Ý tôi muốn nói đến rượu, một món quà thần thánh tặng cho con người. Theo truyền thuyết của các dân tộc cổ đại thì đó là phát kiến nhân từ của một vị thần, từ đấy mới bắt đầu có nền văn minh nhân loại, cho phép tôi được lưu ý ông điều đó. Vì như chúng ta đã biết, nhờ nghệ thuật trồng nho và ép rượu, nhân loại mới thoát ra khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ và trở nên có văn hóa; cho đến tận ngày nay các dân tộc nắm được nghệ thuật này vẫn được coi - hay tự coi mình - là văn minh hơn, trong khi các dân tộc không biết đến cây nho bị coi là Kimmerians[428], đó hẳn là một điều rất đáng quan tâm. Bởi như người ta vẫn nói, văn minh hoàn toàn không phải là một vấn đề thuộc về lý trí, về sự xét đoán tỉnh táo và ngôn ngữ; đúng ra nó liên quan nhiều hơn đến tinh thần, đến sự phấn chấn và bốc đồng trong cảm xúc - hy vọng tôi không bị coi là thiếu lễ độ khi mạo muội đặt câu hỏi, chẳng hay trong lĩnh vực này quý ngài có cùng một ý với tôi không?”
Một tay láu cá, anh chàng Hans Castorp này. Hay, như ông Settembrini đã có lần diễn tả một cách rất văn chương và giàu hình tượng, chàng đúng là một người “khéo đánh trống lảng”. Lỡ lời đến mức hỗn xược trong giao tiếp với những nhân cách lớn - rồi sau đó trơn như lươn khôn khéo thoát ra khỏi thế kẹt. Trước tiên, trong lúc nước sôi lửa bỏng anh chàng đã nhanh trí rặn ra một bài phát biểu ngẫu hứng cứu vãn danh dự cho người say; sau đó làm bộ tình cờ đưa đẩy câu chuyện về chủ đề “văn minh”, điều mà người ta khó lòng tìm thấy trong tư thế hăm dọa đầy bạo lực của quý ngài Peeperkorn; và cuối cùng hoàn toàn dẹp bỏ tư thế này của người đối thoại bằng cách đặt cho ông ta một câu hỏi không thể trả lời với nắm đấm giơ cao. Nét mặt người đàn ông Hà Lan đồ sộ từ từ giãn ra, cơn hồng thủy dần dần rút đi; cánh tay ông ta chậm rãi hạ xuống bàn, mái đầu hết căng phồng. “Lần này ta tha cho!” Câu hăm dọa vuốt đuôi như hiện rõ trên nét mặt chỉ còn rơi rớt một chút vẻ tức giận của ông ta, mây đen đã tan gần hết. Madame Chauchat xen vào rất đúng lúc và lưu ý người bạn đồng hành của mình về tâm trạng rã đám của bàn tiệc.
“Bạn thân mến ơi”, cô ta nói bằng tiếng Pháp, “ông bỏ rơi những người khách khác để dành toàn bộ sự quan tâm cho một mình quý ông này. Tất nhiên ông có nhiều điều quan trọng để trao đổi với ông ta, nhưng khách khứa gần như không còn ai chơi bài nữa, em sợ rằng người ta đã cảm thấy chán. Ta có nên chấm dứt bữa tiệc ở đây không?”
Peeperkorn quay ra nhìn quanh bàn tiệc. Đúng thế: tinh thần rã đám, trạng thái ù lì chán nản thể hiện khắp nơi. Thực khách mạnh ai người ấy quậy như một lớp học vắng thầy. Nhiều người đã ngủ gà ngủ gật. Peeperkorn lập tức ra tay chấn chỉnh tình hình. “Thưa các quý vị!” Ông ta cất tiếng kêu gọi với ngón tay trỏ giơ cao - cái ngón tay móng nhọn như mũi giáo không khác gì một thanh gươm hay một ngọn cờ giương cao kêu gọi xung trận, và giọng ông ta vang lên như lời hiệu triệu ‘Ai không hèn nhát, theo ta!’ - Tình trạng thoái trào vừa mới chớm bị chặn đứng ngay khi vị thủ lĩnh cất tiếng gọi, uy tín của ông ta lập tức phát huy tác dụng thức tỉnh và lôi cuốn tinh thần mọi người. Người ta nhổm cả dậy, nét mặt đang uể oải tươi lên, vừa mỉm cười vừa gật đầu nhìn vào đôi mắt nhạt màu dưới những hàng nếp nhăn thần tượng trên vầng trán vị minh chủ oai phong lẫm liệt. Ông ta lại mê hoặc và thu hút họ vào nhiệm vụ, bằng cách khép mũi nhọn của ngón trỏ vào với ngón cái thành một vòng tròn và chĩa ra xung quanh những cái móng của các ngón còn lại. Ông ta xòe bàn tay thủ lĩnh to bè ra dấu che chắn và đè nén tiếng ồn, từ đôi môi đau đớn te tua của ông ta thoát ra những lời lẽ mơ hồ đứt đoạn, nhưng nhờ được yểm trợ bằng một nhân cách lớn nên vẫn đầy quyền lực và gây tác động áp đảo lên tâm trạng những người ngồi quanh.
“Thưa các quý vị - tốt lắm. Thể xác, thưa quý vị, là thứ - dứt điểm. Không - xin quý vị cho phép tôi - yếu hèn, trong Kinh Thánh ghi rõ. ‘Yếu hèn’, tức là không đáp ứng được các đòi hỏi - nhưng ở đây tôi muốn kêu gọi quý vị - nói tóm lại và ngắn gọn, thưa quý vị, tôi kêu gọi. Quý vị sẽ bảo tôi: giấc ngủ. Đúng, thưa các quý vị, tuyệt đối, chính xác. Tôi yêu quý và trân trọng giấc ngủ. Tôi ái mộ khoái cảm sâu lắng, ngọt ngào, phấn chấn của nó. Giấc ngủ là một trong những - ông gọi là gì nhỉ, ông bạn trẻ? - Một trong những tặng vật cổ điển của cuộc sống, mà là tặng phẩm hàng đầu, hảo hạng - không có chi - là tặng phẩm cao quý nhất, thưa quý vị. Nhưng xin quý vị hãy nhớ lại đi, chỉ một điều này thôi: Gethsemane[429]! ‘Người gọi Petros cùng hai con trai của Zebedee theo mình. Và nói với bọn họ: Hãy ở lại đây và thức canh cùng ta.’ Quý vị nhớ ra chưa? ‘Người đến chỗ họ và thấy họ ngủ quên, bèn bảo Petros: Chẳng lẽ các ngươi không thể thức được lấy một giờ cùng ta?’ Thấm thía, thưa quý vị. Sâu sắc. Cảm động. ‘Và tới và lại thấy họ đang ngủ, mắt họ ríu lại. Và bảo họ: Lúc này mà các ngươi muốn ngủ, muốn nghỉ ngơi? Hãy xem, giờ của ta đã điểm -’ Thưa quý vị: đau đớn, xuyên thấu trái tim.”
Thế là tất cả mọi người đều cảm thấy xúc động và hổ thẹn tận đáy linh hồn. Ông ta đã chắp hai bàn tay lại trước ngực, trước chòm râu cằm lưa thưa, đầu hơi cúi xuống. Đôi mắt bạc màu dại đi cùng với những lời kể lể về nỗi đau và sự đơn độc đón chờ cái chết tuôn lên trên đôi môi tơi tả. Bà Stöhr khóc nức lên. Bà Magnus thở hắt ra một hơi dài não nuột.
Những câu in nghiêng tiếp theo là lời trích trong Kinh Thánh.
Ông công tố viên Paravant cảm thấy trách nhiệm đại diện cộng đồng nằm trên vai mình, bèn hạ giọng thay mặt mọi người trong bàn tiệc có mấy lời an ủi gửi đến vị chủ tọa và khẳng định lòng trung thành của họ đối với ông ta. Chắc là có sự hiểu lầm, chứ ở đây tất cả mọi người đều tươi tỉnh, vui nhộn và hoạt bát, sẵn sàng dấn thân làm bất cứ việc gì bằng tất cả tấm lòng. Thật là một buổi tối tuyệt vời, một bữa tiệc linh đình, phải nói là vô tiền khoáng hậu - đó là cảm nghĩ của tất cả mọi người, và trong lúc này không ai trong số họ nghĩ đến món quà quý báu của cuộc sống là giấc ngủ. Quý ngài Peeperkorn có thể tin tưởng vào bọn họ, vào từng người trong số họ.
“Cừ lắm! Tuyệt lắm!” Peeperkorn hài lòng reo lên và vươn người ngồi thẳng dậy. Ông ta thôi chắp tay mà dang rộng cánh tay, lòng bàn tay mở ra hướng thẳng về phía trước như kiểu cầu cúng của người đa thần giáo. Gương mặt vương giả của ông ta vừa mới u ám vì một nỗi đau khắc khổ, giờ đây tươi tắn lên, nở nang ra, thậm chí trên má còn thấp thoáng một lúm đồng tiền[430] tinh nghịch. “Giờ ta phải hưởng thụ -”, ông ta bảo và đòi lấy thực đơn ra, đưa lên mắt một cái kính kẹp mũi gọng sừng nhô cao đến trán, rồi đặt thêm rượu sâm panh, ba chai Mumm & Co., Cordon rouge[431] đặc biệt chua; kèm theo là petits fours, một loại bánh nhỏ hình nón ngon tuyệt, vỏ ngoài xốp như bánh bích quy, bên trong là sôcôla trộn với kem hạt hồ trăn tử, được dọn ra trên những tấm giấy lót ren rua rất mỹ thuật. Bà Stöhr liếm cả mấy đầu ngón tay khi ăn. Ông Albin nét mặt thản nhiên thành thạo tháo lưới kẽm bọc nút chai rượu sâm panh đầu tiên, đợi cho cái nút bấc hình cây nấm bật ra khỏi cổ chai bắn lên trần nhà nổ giòn như tiếng súng bắn đạn giả của trẻ con, rồi nhã nhặn bọc chai rượu vào trong một tấm khăn ăn và lịch sự rót ra từng ly. Rượu sủi bọt thấm ướt cả tấm khăn trải bàn. Người ta nâng những chiếc ly nông lòng lên cụng vào nhau lanh canh và ngửa cổ uống cạn hơi đầu tiên, để cho dòng chất lỏng lạnh buốt thơm tho thấm vào thành bao tử rạo rực như điện giật. Những cặp mắt sáng long lanh. Ván bài đã hết, nhưng không ai nghĩ đến chuyện dọn dẹp quân bài và tiền đặt cửa bề bộn trên bàn. Họ buông mình theo một sự nhàn rỗi đầy khoan khoái, trao đổi dăm ba câu chuyện rời rạc, bản thân nó trong nguyên gốc có thể rất hay ho và tươi đẹp, nhưng trên đường đến tai người nghe đã bị cặp môi và cái lưỡi tê liệt làm cho biến dạng thành những lời ngọng nghịu không đầu không cuối, khiếm nhã và vô nghĩa lý, đủ khiến người ở trạng thái tỉnh táo xấu hổ và tức giận, nhưng giờ đây không gây phản ứng nào ở người tham dự, vì rốt cuộc tất cả đều chìm trong một tâm trạng buông thả vô trách nhiệm như nhau. Bà Magnus đỏ ửng tai thú nhận, bà ta cảm thấy như có sự sống chảy rần rật khắp người mình, và ông Magnus có vẻ không khoái chí khi nghe mấy lời này. Hermine Kleefeld dựa hẳn người vào vai ông Albin lúc chìa ly cho ông này rót thêm rượu. Peeperkorn vừa chỉ đạo bữa tiệc bằng những cử chỉ văn hóa với móng tay dài vừa tổ chức việc cung cấp và tiếp tế kịp thời: sau rượu sâm panh tới cà phê, mỗi người một ly mocca đúp, rồi lại một vòng “bánh mì” và các loại chất cay khác, rượu mơ, rượu mùi Chartreuse, rượu ngọt vanille và rượu anh đào Maraschino cho các bà. Tiếp theo còn có cá muối chua và bia, cuối cùng là trà, cả trà tàu lẫn trà hoa cúc dành cho những người đã giã từ sâm panh và rượu ngọt nhưng cũng không muốn theo gương quý ngài trở lại với những thứ nặng đô hơn. Vì sau lúc nửa đêm ông ta cùng với Madame Chauchat và Hans Castorp chuyển sang giải khát bằng một chai rượu đỏ Thụy Sĩ, và quý ngài - có vẻ khát thực sự - dốc hết ly này đến ly khác thứ chất lỏng mộc mạc sủi bọt ấy vào cổ họng.
Bữa tiệc còn kéo dài đến quá một giờ, các thực khách phần vì bị cơn say nặng như chì níu chân, phần vì nổi ý ngông cuồng muốn phá đời một đêm, phần vì chịu tác động của nhân cách lớn mang tên Peeperkorn - không ai muốn noi tấm gương tai hại của thánh tông đồ Petros và thú nhận sự yếu hèn về thể xác của mình. Nhìn chung về phương diện này phái nữ có vẻ dai sức hơn phái nam. Vì trong khi các ông, mặt đỏ hay tái, chân duỗi dài, má phồng lên, chỉ thỉnh thoảng nâng lên hạ xuống cái ly một cách máy móc và không tỏ vẻ gì là hăng hái vào việc nữa, thì các bà lại tỏ ra hoạt bát hơn nhiều. Hermine Kleefeld ngồi chống cùi chỏ xuống bàn, áp má vào bàn tay cười khoe men răng cửa với ông Ting-Fu cũng đang khúc khích, trong khi bà Stöhr õng ẹo rụt cằm vào giữa đôi vai nhô cao, tìm cách kéo ông công tố viên Paravant về với những ham muốn của cuộc sống. Bà Magnus thì đã xong phim từ lâu, bà ta ngả hẳn vào lòng ông Albin và dang tay kéo cả hai tai ông này, trước cảnh tượng ấy ông Magnus không bất bình thì chớ lại còn có vẻ cảm thấy nhẹ nợ. Anton Karlovitsch Ferge được yêu cầu kể lại không biết đến lần thứ mấy cơn sốc phế mạc của ông ta, nhưng vì không điều khiển được cái lưỡi ngọng nghịu nên đành chào thua và thật thà thú nhận sự phá sản của mình, được đồng bọn nhao nhao hưởng ứng và lấy đó làm lý do để uống thêm một chầu nữa. Wehsal bỗng cay đắng ngồi khóc ti tỉ, vì một lý do nào đó nằm sâu dưới đáy linh hồn thảm hại của gã mà gã không thể bộc bạch cùng đồng bọn vì sự bất lực của cái lưỡi. Họ xúm vào khôi phục tinh thần cho gã bằng cà phê và cognac, nhưng những cơn nấc vẫn dội lên trong ngực làm rung rung cái cằm nhăn nhúm ướt nước mắt của gã, hình ảnh ấy đánh thức mối quan tâm to lớn của Peeperkorn, ông ta lại giơ cao ngón tay trỏ và kéo những đường hoa văn lên trán kêu gọi sự chú ý của mọi người tập trung vào hiện tượng này.
“Đó là -” ông ta bảo. “Đó thật là - Không, xin phép quý vị: thần thánh! Cưng ơi, lau cái cằm cho ông ta, lấy khăn ăn của ta đây này! Hay thôi, đừng, đừng lau! Tự ông ta muốn để thế. Thưa các quý vị - thần thánh! Thần thánh theo mọi nghĩa, cả Thiên Chúa giáo lẫn đa thần giáo! Một hiện tượng nguyên thủy! Một hiện tượng hàng đầu - thượng thặng - Không, không, đó là -”
“Đó là” và “đó thật là” trở nên thành phần chính trong những mệnh lệnh chỉ đạo của ông ta, đi kèm với những động tác múa may vẫn còn khá chính xác mặc dù đã có vẻ hơi hề. Ông ta có cái cách đưa vòng tròn làm bằng ngón cái và ngón trỏ khum lại với nhau lên ngang tai, đầu nghiêng nghiêng né ra xa vẻ tinh quái đùa cợt - cử chỉ ấy khơi dậy ở người xem cảm xúc giống như khi chứng kiến cảnh ông thầy cúng già của một nền văn hóa xa lạ vén vạt áo dài nhảy múa trước bàn thờ trong một nghi lễ tế thần. Rồi, tăng sự đồ sộ chiều ngang của mình bằng cách quàng tay lên lưng ghế người ngồi cạnh, ông ta làm tất cả mọi người sửng sốt khi vẽ lên trước mắt họ bức tranh sinh động của buổi ban mai, một buổi sáng mùa đông u ám và băng giá, với ngọn đèn ngủ thao láo hắt ánh sáng vàng vọt qua cửa sổ rọi lên những cành cây khẳng khiu trong sương mù lạnh buốt tiếng quạ kêu... Bằng những lời bóng gió và ẩn dụ ông ta biết cách đánh thức trí tưởng tượng của người nghe để người ta tự hình dung ra cảnh đời ảm đạm một cách ấn tượng nhất khiến họ rùng mình, nhất là khi ông ta mô tả việc tắm nước lạnh buổi sáng sớm, rằng người ta nhúng một miếng bọt biển lớn vào thau nước ra sao rồi vắt lên gáy như thế nào để cho những giọt nước lạnh như băng chảy tràn xuống cổ xuống vai, và ca ngợi cảm giác ấy là thần thánh. Đó chỉ là một ví dụ bên lề để lưu ý người ta quan tâm đến những điều giản dị trong đời, một sản phẩm ngẫu hứng tuyệt vời mà ông ta bỏ rơi ngay phút sau đó để quay lại dành toàn bộ các giác quan và cảm xúc của mình cho bữa tiệc đêm đã có mòi phóng túng. Ông ta tỏ tình với tất cả các sinh linh giống cái trong tầm tay với, không chọn lựa và không phân biệt đó là ai. Ông ta tán tỉnh cô người lùn đến nỗi con người tàn tật ấy cười nhăn cả khuôn mặt già khằng to quá khổ. Ông ta không tiếc lời ca ngợi bà Stöhr, khiến cho người đàn bà thô thiển càng vai xo cổ rụt làm duyên làm dáng quá mức tưởng như đã phát khùng. Ông ta cầu xin được của ả Kleefeld một cái hôn lên đôi môi rộng tả tơi, và thậm chí còn tìm cách lấy lòng cả bà Magnus héo hon - nhưng tất cả những cái đó không hề phương hại đến sự chăm sóc tận tâm và dịu dàng ông ta dành cho cô bạn đồng hành, lúc lúc ông ta lại âu yếm đưa bàn tay cô nàng lên môi hôn một cách rất đỗi ga lăng. “Rượu”, ông ta lắp bắp, “đàn bà - đó là - đó thật là - xin cho phép tôi - ngày tận thế - Gethsemane...”
Gần hai giờ sáng chợt có tin “lão già” - tức là ông cố vấn cung đình Behrens - đang trên đường kéo quân đến dãy phòng giải trí. Các thực khách không còn hồn vía bỏ chạy tứ tung. Ghế ngồi và thùng nước đá bị xô đổ lổng chổng. Người ta chen lấn tìm đường tẩu thoát qua lối phòng đọc. Peeperkorn lại nổi trận lôi đình vì bữa tiệc của ông ta chấm dứt đột ngột kiểu này, ông ta giộng một cú đấm vương giả xuống mặt bàn và gầm lên sau lưng những người chạy trốn câu gì như “bầy nô lệ đớn hèn”, nhưng cũng chịu để tai nghe Hans Castorp và Madame Chauchat khuyên nhủ và tạm nguôi ngoai với ý nghĩ rằng một bữa tiệc đã kéo dài sáu giờ đồng hồ thì cũng có thể kết thúc được rồi. Thêm vào đó có lẽ đã tới lúc nên thưởng thức sự ngọt ngào thần thánh của giấc ngủ, hai người kia nhắc nhở, và cuối cùng ông ta bằng lòng để họ đưa mình về giường.
“Lại đây cho ta dựa, cưng! Đỡ giùm bên kia, ông bạn trẻ!” Ông ta bảo Madame Chauchat và Hans Castorp. Họ giúp ông ta nhấc tấm thân đồ sộ lên khỏi ghế, đưa tay cho ông ta vịn, và thế là treo giữa hai người, chân xoạc ra, đầu ngoẹo xuống một bên vai nhô cao, ông ta chập chững lên đường về phòng, lúc xô người này lúc dúi người kia hết sang trái lại sang phải tùy theo bước chân nghiêng ngả của mình. Có người nâng đỡ và dẫn đường kiểu này quả là một sự xa hoa vương giả. Nếu cần chắc hẳn ông ta vẫn tự đi được - nhưng ông ta không thèm cố gắng, ông ta thấy không cần phải hạ mình che giấu tình trạng say xỉn đáng xấu hổ làm gì. Bởi ông ta tuyệt đối không cảm thấy hổ thẹn chút nào, ngược lại là đằng khác, ông ta rất khoái chí vì phát hiện ra cái thú giả bộ nghiêng ngả để cố tình xô đẩy hai người phụ tá. Tự ông ta cũng thú nhận lúc đi đường:
“Mấy cưng ơi - tầm bậy thật. Tất nhiên ta chẳng - nếu lúc này - thử nhìn xem! Nực cười...”
“Nực cười lắm!” Hans Castorp đồng tình. “Không còn nghi ngờ gì nữa. Người ta tỏ lòng trân trọng tặng vật cổ điển của cuộc sống và thẳng thắn nghiêng ngả vì danh dự. Mặt khác thật tình... Tôi cũng đã lãnh đủ, nhưng mặc dù say quắc cần câu tôi vẫn ý thức được rõ ràng rằng mình đang có cái hân hạnh đưa một nhân cách lớn về giường ngủ, có thể nói là cơn say chẳng có bao nhiêu quyền lực đối với tôi, mặc dù về mặt tầm cỡ thì tôi hoàn toàn không thể so sánh được...”
“Này, anh chàng ba hoa chích chòe”, Peeperkorn bảo và đẩy chàng một cái dúi vào lan can cầu thang, mạnh đến nỗi kéo cả Madame Chauchat chúi theo.
Cái tin về ông cố vấn cung đình hóa ra chỉ là báo động giả. Cũng có thể cô người lùn mệt đừ đã tung ra tin ấy để chấm dứt bữa tiệc quá dài. Peeperkorn muốn quay lại uống tiếp, nhưng bị thuyết phục từ cả hai phía cuối cùng ông ta chịu từ bỏ ý định ấy.
Người hầu phòng Mã Lai, một người đàn ông nhỏ thó thắt cravat trắng và đi giày lụa đen đứng đợi chủ ngoài hành lang trước cửa phòng, khi thấy họ bèn nghiêng người thật thấp cúi chào, một tay đặt lên ngực.
“Hôn nhau đi!” Peeperkorn ra lệnh. “Hôn lên trán tạm biệt người đàn bà khả ái này đi, ông bạn trẻ!” Ông ta bảo Hans Castorp. “Nàng sẽ không phản đối đâu và sẽ hôn đáp lại. Ta cho phép các ngươi làm thế, để chúc sức khỏe ta!” Hans Castorp từ chối.
“Không, tâu bệ hạ!” Chàng đáp. “Tôi xin lỗi, nhưng không thể được.”
Peeperkorn đã dựa vào tay gã người hầu, nghe thấy thế quay lại kéo những hàng hoa văn lên trán và đòi được giải thích lý do.
“Vì người bạn đồng hành của quý ngài và tôi không thể trao đổi một cái hôn trên trán được”, Hans Castorp bảo. “Chúc quý vị ngủ ngon. Không, tôi không thể làm thế được, như thế là vô nghĩa.”
Madame Chauchat đã đi về phía cửa phòng mình; Peeperkorn miễn cưỡng để người khách cứng đầu rút lui, nhưng vẫn ngoái cổ qua vai mình và vai gã người Mã Lai nhìn theo một lúc, vầng trán in đầy hoa văn, kinh ngạc trước sự bất tuân thượng lệnh, vì trước nay không quen thấy người nào dám cự lại uy tín quốc vương của mình.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần