Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 46 -
T
ừ khi vùng Cổ Đình có dịch tả, Julien lo phòng thủ cho đồn điền của mình rất cẩn thận. Ông ra Hà Nội, gặp bác sĩ Alexanđre hỏi về cách thức chống lại căn bệnh nguy hiểm. Bác sĩ nói:
- Bệnh dịch tả là căn bệnh của sự đói nghèo, bẩn thỉu. Có thể phòng ngừa được...
Julien trở về, biến ngôi nhà của mình thành một pháo đài chống bệnh, mà vũ khí của nó là sự sạch sẽ, vệ sinh. Ông ra lệnh ngôi nhà của ông sẽ nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đầy tớ gia nhân phải ở ngay tại chỗ, không được liên hệ với dân làng Cổ Đình. Ai thấy không thể thực hiện được thì cho phép trở về nhà nghỉ việc. Phải tuyệt đối uống nước sôi, ăn chín, nóng. Để ngăn ruồi, thứ sinh vật đem mầm bệnh lan truyền, ông ra lệnh phải đóng cửa kính ngôi nhà lớn; còn nhà của đày tớ, ông sai mua mành mành treo. Ngay cả những nông phu trong đồn điền của ông cũng không được phép ra vào ngôi nhà lớn.
Ngoài ra, Julien và Pierre còn tập hợp các gia đình cu li đồn điền dạy cho cách chống bệnh. Ngay cả những người dân này cũng không được phép đi lại với dân làng Cổ Đình. Việc đồng áng thì chỉ chăm sóc những vườn cà phê và việc gia đình, các công việc khác tạm ngừng. Lại sai quản Láu và các gia đình công giáo đôn đốc dân thi hành nghiêm cẩn. Ai không chịu thi hành, đồn điền biết, sẽ bị đuổi thẳng thừng.
Julien áp dụng kỷ luật quân sự. Có lính đồn điền canh gác các ngả đường, người dân trong làng Cổ Đình ai bén mảng đến gần đồn điền lập tức bị đuổi đi ngay. Nhờ những biện pháp quyết liệt như thế nên đã nửa tháng dịch hoành hành trong làng mà đồn điền Messmer vẫn không hề gì.
Julien rất hãnh diện về những điều đạt được. Riêng đối với cá nhân, đề phòng dịch, dạo trước Julien chăm uống rượu Rhum. Sau khi ra Hà Nội về, ông thay rượu Rhum bằng rượu áp xanh, thứ rượu có chất ngải đắng. Thứ rượu này rất khó uống do vị đắng ngắt của nó. Người ta còn bảo uống áp xanh có hại cho bộ não, tuy nhiên nó lại có khả năng chữa bệnh, phòng bệnh rất kỳ điệu. Julien còn khuyến khích ông anh Pierre cùng uống, nhưng Pierre không chịu được. Pierre vẫn uống thứ rượu Rhum thơm tho.
Đang lúc đồn điền sống một cách khắc khổ kiểu thời chiến như vậy, thì xuất hiện René dễ Fromentin. Ông ta từ Hà Nội đến. Julien vốn không có cảm tình với René vì những tư tưởng tự do của ông, nhưng cũng thấy cảm kích vì sự nhiệt tình của một vị khách dám đến nơi nguy hiểm, dám đến cái ốc đảo đang bị dịch bệnh chết người bao vây. Pierre đến ôm hôn bạn. Còn Julien thì giơ tay lên trời hoan hỉ:
- Ngọn gió lành nào đưa ông tới đây! Rất hoan nghênh sự có mặt của ông trong ngôi nhà chúng tôi. Vả lại, tôi xin đảm bảo với ông dù dịch bệnh quanh đây có hoành hành đến thế nào, thì ngôi nhà của chúng tôi cũng vẫn đứng vững an toàn.
Vào phòng khách, Julien mời René uống rượu áp xanh pha nước lọc:
- Thứ rượu này rất gắt nhưng rất giải khát và nhất là có tác dụng phòng bệnh.
René cám ơn, ông vẫn chỉ quen uống Rhum. Ông bảo với Pierre:
- Nhờ có sự luôn đi lại nghiên cứu làng Cổ Đình và nhờ cả những bức thư của Pierre mô tả tỉ mỉ đám tang bà lý Cỏn nên vừa qua tôi viết được bài "Tang lễ của người An Nam". Trong bài đó phần Táng thức của người chết trùng tang tôi hoàn toàn dùng tư liệu của Pierre. Tôi rất cám ơn Pierre. Rất cám ơn và xin mang về biếu một bản tạp chí có bài ấy.
Pierre đỡ lấy tờ tạp chí; Julien thở khói xì gà đặc quánh lên trần nhà rồi hỏi:
- Còn lần này ông về đây chắc cũng có dự kiến về một bài viết nào đó chứ? -
- Quả có như vậy. Tôi định quan sát tại thực địa những sinh hoạt tập tục của người Nam trong một trận dịch tả. Dịch bệnh chết người hàng loạt hiếm xảy ra. Nhất là nó đang xảy ra ở một địa điểm mà tôi đã từng đi lại. Hơn nữa, ở đây tôi lại có nhiều người thân quen. Tôi rất cám ơn sự hiếu khách của ngài Julien, của ông bạn lâu ngày Pierre của tôi. Tôi cũng không thể quên cha xứ Colombert, người rất thông thạo tâm hồn người bản xứ. Rồi còn nhiều người khác nữa như ông quản Láu, ông Lềnh... Vậy nên, tôi nghĩ mình đến Cổ Đình vào mùa dịch bệnh này là phải quá...
Julien phá lên cười ngất:
- Tôi chưa hiểu nổi sự nghiên cứu của ngài có lợi ích gì cho công cuộc thuộc địa của nước Pháp, song tôi phải thán phục sự cần mẫn không nề hiểm nguy của ngài.
Ngay chiều tối hôm ấy, Pierre dẫn René đến thăm ông Lềnh. Từ khi có dịch, ông Lềnh không được phép ở bên ngoài trong xóm đồn điền. Julien bắt ông phải chuyển vào phía trong tường bao quanh khu ngôi nhà lớn. Bởi vì lúc này vai trò ông đầu bếp là rất quan trọng. Ăn uống mà sơ sẩy thì hậu họa không biết đâu mà lường. Đích thân Julien phải thuyết giảng một buổi cho ông Lềnh về thế nào là vi trùng, thế nào là bàn tay sạch. Được cái người Trung Hoa quen ăn đồ nóng sốtt nên Julien rất yên tâm về ông đầu bếp của mình.
Nhà ông Lềnh nằm ở phía sau ngôi nhà lớn, trong khu vườn trồng toàn bưởi. Tháng tư mùa hoa, vườn thơm nức. ông già Tầu này thật lạ, chỉ ưa những nơi tận cùng và hoang vắng. Ngay cả khi vào ở trong khu nhà tây tiện nghi, cũng không chịu ở nhà gạch, chỉ xin ông chủ cao ở tại ngôi nhà tre nhỏ cuối vườn. Gọi là cái lều thì đúng hơn. Ngôi nhà chỉ rộng chừng tám mét vuông, xinh xắn và gọn ghẽ. Tất cả toàn bằng tre. Ở một góc nhà kê một tấm phản gỗ với ngọn đèn leo lét. Thấy khách vào, ông già đốt ngọn đèn ba dây treo giữa nhà lên. Cái tù mù bị xua tan. Lúc này, René mới nhìn rõ trên tấm phản không phải là một ngọn đèn đầu lạc. Đó là cái khay đựng một cây đèn đặc biệt với cái thông phong rất lạ hình nón trụ; cùng với hai cái tẩu, một cái bằng tre, một cái bằng sừng đen bóng... Hóa ra ông già Tầu là dân nghiện. Ở Hà Nội, René cũng có một ông bạn người Pháp nghiện thuốc phiện. Ông ta rất chăm chút trang trí cho cái góc nhà nơi ông hàng ngày phiêu diêu cùng với nàng tiên nâu. Ông có cái tẩu bằng ngà rất quý. Cái gối nằm hút bằng sứ Tầu. Ở đầu giường còn có một pho tượng phật nhỏ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Cũng như ông già Tầu, ông bạn nghiện người Pháp kia cũng không thích ánh đèn sáng quắc; ông thích cái tù mù của ngọn đèn dầu lạc. Người bạn ấy bảo René: "Bạn chưa hiểu hết đấy, có cả một nền văn hóa thuốc phiện. Bạn đã bao giờ thấy một đám đánh nhau trong một tiệm thuốc phiện chưa. Đó là cái hơn hẳn của người si mê nàng tiên nâu so với kẻ nghiện rượu...".
Nghĩ đến cái lý lẽ biện hộ cho mình của người bạn kia, René chợt mỉm cười. Ông mở đầu cuộc viếng thăm ông đầu bếp Tầu bằng câu nói:
- Chào cụ Lềnh. Chúng tôi lại đến quấy quả, mong lại được hưởng chén trà hồng mai, thứ thiền trà của cụ đây.
Cả ba người cùng ngồi trên giường của ông Lềnh vì nhà không có bàn ghế tiếp khách. Ông Lềnh giải thích cho René về cái đèn bàn:
- Tôi nhớ lần trước ông đến chơi, nhà ở trong xóm đồn điền. Lần ấy không có cái bàn đèn này, đúng không... Khi trước, tôi không đặt bàn đèn tại nhà, tôi thường đến bàn đèn nhà ông hương ất hút dăm ba điếu. Tôi hút vào những giờ khác nhau. Không đều đặn thường xuyên... Tôi không dám rước bàn đèn về, vì sợ mình sẽ là đầy tớ cho thuốc phiện... ông hiểu tôi chứ...
- Tôi hiểu... Nhưng tại sao bây giờ cụ lại mang bàn đèn về...
- Dễ hiểu thôi... Vì...
- Vì ông sợ bệnh dịch?
- Đúng thế... Tôi đã ở trong quân Cờ Vàng. Có lần chúng tôi kéo quân về Bắc Giang. Toán quân của chúng tôi bị dịch tả. Toán quân ấy chết gần hết. Điều lạ lùng là riêng những người nghiện thuốc phiện lại không việc gì. Trong số người sống sót ấy có tôi.
Pierre gật đầu:
- Chuyện ấy có thật... Những người Pháp nghiện ở Hà Nội cũng xác nhận điều đó. Ông em tôi Julien cũng biết.
- Thế sao ông ta không phòng bệnh dịch bằng nha phiến mà lại dùng rượu áp xanh? - René vừa hỏi vừa cười.
- Ông cũng rõ. Em tôi chỉ mê đàn bà. Ngoài ra không một thứ gì khác có thể hấp dẫn được Julien. Bởi vì Julien không muốn làm nô lệ cho một thứ gì. Ngay cả đàn bà, thứ cậu ta không thể thiếu, nếu cần, cậu ta cũng có thể quăng bỏ.
Ông già Lềnh giới thiệu từng thứ trên bàn đèn:
- Đây là cái cóng đựng thuốc bằng sừng tiện. Đây là cái chụp đèn pha lê... cái này là kim tiêm, cái này là tẩu lục lăng...
Nhiều người bảo quanh bàn đèn thuốc phiện, con người trở nên cởi mở hơn, dễ giao lưu hòa hợp, để thổ lộ với người khác.
Câu chuyện bên khay bàn đèn nở như pháo rang. Đúng là thuốc phiện làm cho con người dễ cởi mở. Có lẽ ông già Lềnh, trước khi hai người đến, đã hút một vài điếu thuốc rồi. René chợt nhớ tới một đề tài mà ông muốn trao đổi từ lâu nhưng chưa tiện dịp. ông hỏi:
- Người Trung Hoa đã đến nước này và cai trị đến một ngàn năm. Người Pháp chúng tôi mới đến đây được vài chục năm. Riêng cụ, có nhận xét gì?
- Ý ông muốn hỏi thế nào?
- Nghĩa là ta thử so sánh. Có cái gì giống nhau...
Ông già Tầu đang nói thao thao bỗng trở nên trầm ngâm, đắn đo. Tưởng ông không trả lời, nhưng ông ngẫm nghĩ một lúc rồi cuối cùng nói:
- Ngày xưa, tổ tiên tôi chắc lúc đầu đến nơi đây cũng chưa biết cách, nhưng mãi sau mới nghĩ ra. Sự bình định không gì bằng chữ nghĩa. Gươm giáo rồi sẽ qua đi, song hận thù còn lại mãi. Nhưng chữ nghĩa đem ra giảng dạy thì chẳng bao giờ qua đi. Nó còn lại mãi. Khi người Việt, khoảng thế kỷ thứ mười dành lại được độc lập, người Trung Hoa ra đi, người Việt không dùng những nho sĩ do chúng tôi đào tạo, vì nho sĩ có nhiều liên hệ với thiên triều. Người Việt dựa vào giới tăng ni phật tử... Tuy nhiên, một trăm năm sau, họ lại quay trở lại sử dụng rồi tôn vinh nho học. Như vậy đấy, chúng tôi ra đi, nhưng chữ nghĩa vẫn ở lại. Ảnh hưởng của chúng tôi còn mãi. Người Pháp các ông mới đến đây hơn năm mươi năm đã nhìn ra điều ấy. Chúng tôi biết các ông muốn cho mảnh đất này quên chữ nho đi và tôn vinh chữ Pháp. Nhưng để làm cho toàn dân việt biết tiếng Pháp, tức là biến nước An Nam này thành một tiểu Pháp quốc, các ông lại dùng qua một bước trung gian, tức là qua thứ chữ quốc ngữ. Đó là điều các ông vừa giống chúng tôi vừa khác chúng tôi.
- Ông thử nói thêm về cái khác xem sao. - René gặng hỏi.
Ông già Lềnh lim dim con mắt:
- Mấu chốt là thứ chữ quốc ngữ này. Các ông muốn thứ chữ này là phương tiện trung gian. Cái đích cuối cùng là phổ biến tiếng Pháp. Các ông quên mất rằng ở xứ sở này vẫn có những con người ưu thời mẫn thế. Họ sẽ bám lấy thứ chữ trung gian này, biến nó thành thứ chữ cuối cùng của họ. Thứ chữ ấy đôi bên cùng lợi dụng. Hoặc họ sẽ thắng... hoặc các ông sẽ thắng... Cuộc vật lộn gay go ấy ai mà biết được sẽ ra sao.
- Thế ý ông thế nào...
- Tôi làm sao biết được. Chỉ có điều... chúng tôi hiểu họ hơn các ông. Chúng tôi cũng đã vật lộn với họ hơn hai ngàn năm rồi...
Trong đêm khuya mùa đại dịch, đứng trong hàng rào khu Nhà lớn nhìn ra ngoài đồng vẫn thấy những bó đuốc lập lòe của những người dân Cổ Đình đi chôn đêm. Thế mà, bên khay bàn đèn thuốc phiện vẫn có những con người ngồi bàn tán chuyện thế sự.
o O o
Sáng hôm sau, Julien nhận được công văn mật của viên công sứ đầu tỉnh báo có một nhóm phiến loạn, lợi dụng tình hình dịch bệnh, đang ráo riết hoạt động, kích động dân chúng vùng Cổ Đình. Từ khi mới lập đồn điền, Philippe đã tuyên bố. “Nơi tôi có mặt phải luôn sạch sẽ. Một kẻ phiến loạn nào xuất hiện, tôi sẽ bắn nát sọ nó ngay”. Quan niệm quyết liệt ấy, khi Julien làm chủ đồn điền, càng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Vậy nên khi nhận được tin, mặc dù đang mùa dịch và rất sợ bệnh tả, Julien cùng với mấy tay chân thân tín vội vàng chuẩn bị vào làng ngay. Ông René cũng xin đi theo. Họ nai nịt cứ như ra trận. Kín mít từ đầu đến chân. Đi bốt, đội mũ, vác súng. Juiien còn đeo găng tay và bịt miệng. Julien ra lệnh: "Vào bất cứ nhà nào cũng không uống nước, không ngồi ghế, không sờ mó vào bất cứ vật gì".
Họ đến nhà chánh Thi, ông Chánh đi vắng. Đến nhà tiên chỉ, ông Nhậm ở ngoài Hà Nội. Vào nhà hương Ất, nhà vắng teo, ông Hương kheo khư đang nằm ôm cái bàn đèn. Cuối cùng đến nhà lý Cỏn. Một quang cảnh làm Julien hãi hùng. Căn nhà tanh lộn mửa. Người ta vẩy vôi lên tường. Còn rắc cả vôi bột dưới gậm giường người bệnh. Lão lý Cỏn như một bộ xương. Biết rằng lão còn sống bởi vì đôi mắt vẫn mở. Đôi mắt sao mà to màu trắng dã. Hỏi thì lão ta ngơ ngác và ú ớ. Julien rùng mình. Đã thế, mụ ba Váy vợ hắn còn bê nước ra mời. Mụ tiến một bước Julien lùi một bước, không muốn mụ đến gần... Cuối cùng hắn xua tay rồi quay lưng chuồn thẳng.
Cũng may Julien gặp được lão trương tuần và quản Boong...