Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 43
C
ái Tết thứ hai trong tù đã qua đi và không còn để lại một tăm tích gì. Những bữa ăn ngon, những món quà gia đình đem vào gửi tại trại và được các tổ trực chuyển tiếp vào bên trong phát lại cho người được nhận hưởng cũng không còn lại chút dư hương nào. Cảnh no dồn đói góp đã khiến mọi người có gì là lôi ra ăn thục mạng với nhau trong mấy ngày Tết. Từ đó, ngày tháng lầm lì trôi qua và đói vẫn hoàn đói...
Tin tức bên ngoài không ai nắm vững. Tù cải tạo luôn luôn sống sôi nổi trên những nguồn tin đồn. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, những tin đồn không thấy xảy ra một cách cụ thể, thì nó lại tan biến đi, để lại đôi chút muộn phiền xủi tăm trong giấc mộng đêm đêm và sáng ra sẽ nhường cho những đợt tin đồn kế tiếp...
Nhưng đó là tin đồn, còn những tin có thật đăng rành rành trên mặt báo mà chiều về anh em xúm lại đọc nơi căng tin, dĩ nhiên sinh ra nhiều lời bình hơn và nhất là nhiều... hy vọng hơn. Chẳng hạn vụ Vinh Sơn xảy ra trong tháng 2 vừa qua.
Với truyền thống bôi nhọ đểu cáng của bọn Cộng sản, dĩ nhiên vụ Vinh Sơn được đưa lên mặt báo bằng những hình ảnh và ngôn ngữ bẩn thỉu nhất..."tên phản động Nguyễn Quang Minh, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, đã cấu kết với bọn côn đồ để biến nhà thờ thành nhà thổ với máy in bạc giả... Cách mạng đã khám phá kịp thời, đã tịch thu được một số bạc giả cùng nhiều tư liệu chống phá chính quyền nhân dân dấu sau cung thánh... Trong cuộc lục soát, công an nhân dân đã tìm thấy cả những đồ lót của đàn bà trong phòng ngủ tên đầu sỏ Nguyễn Quang Minh... Nguyễn Quang Minh là tên cực kỳ phản động, đã từng làm việc cho CIA và có quá trình chống phá Cách mạng trong nhiều thập niên qua... Trong phòng hắn treo những câu thơ có tính chất ru ngủ và đầy yếm thế như: Trăm năm nào có gì đâu. Chẳng qua một mớ cỏ khâu xanh rì...".
Bản tin đầy tính chất bôi nhọ được đăng tải trên tờ Sài Gòn giải phóng, thực tế đã làm cho mọi người lên tinh thần không ít. Nơi đây, nơi chốn lao tù cải tạo này khác nào một cái hộp sắt kín bưng! Vấn đề Vinh Sơn công khai bùng nổ trên mặt báo, nghiễm nhiên đã biến thành một cái mốc cho mọi suy diễn và hoài vọng: Như thế là việc chống đối có tổ chức của nhân miền Nam nhằm vào bạo quyền Cộng sản là một điều có thực! Và phải chăng Vinh Sơn chỉ là một? Còn bao nhiêu cái tương tự như vụ Vinh Sơn mà vì lý do chính trị, báo chí Cộng sản đã phải hoàn toàn bưng bít?
Gia đình anh Phạm Xuân Huy sống ở Xóm Mới, nơi có nhiều cuộc ám sát bọn bộ đội và công an quăng xác vào nghĩa trang. Mấy tháng về trước chị Huy vào thăm và cho anh Huy biết rằng Sài Gòn bây giờ ví như một con rồng có nhiều đầu. Cộng sản đã dại dột nhảy lên lưng con rồng ấy với một thanh mã tấu gẫy trên tay. Chúng chém đầu này thì đầu kia nổi lên, quơ mã tấu đầu kia thì đầu khác lại ngóc dậy nhả khói phun lửa. Con rồng Sài Gòn dù hiện nay chưa hất thằng Cộng sản khỏi lưng được, nhưng chắc chắn thằng Cộng sản sẽ tự hủy vì phải dương đông kích tây quá nhiều mà kiệt sức...
Vĩnh đã nghe kể lại câu chuyện ấy, và dù nằm trong một hộp sắt không thể phối kiểm được với thực tế bên ngoài, nhưng chuyện Vinh Sơn đã khiến không riêng Vĩnh mà hầu hết các bạn đều tin rằng quả thực Sài Gòn đang là một con rồng nhiều đầu!
Bọn cai tù cũng biết bọn tù đang hướng về con rồng nhiều đầu đó, do vậy, chúng làm mọi cách để những bộ óc phản động ưa suy diễn phải mờ mịt đi. Một trong những phương thức xuất sắc là "cho chúng mày nếm đủ mùi khổ nhục thì ắt chúng mày sẽ chẳng còn hơi đâu mà suy diễn nữa". Và sự khổ nhục hiện tại là tù cải tạo đã có dịp hát lại một câu hát bất hủ của Phạm Duy viết nhiều chục năm về trước... "Có người cày thay trâu cày!".
Cánh rừng nằm giữa trại An Dưỡng và phi trường Biên Hòa giờ đã thật sự biến thành ruộng trồng lúa. Trại 4, nơi mà Vĩnh và các bạn hiện đang sống kể từ sau lần tổng biên chế tháng Mười Một, được xử dụng như thành phần chính trong công tác cải tạo đất, dẫn thủy nhập điền và cấy lúa. Khâu này có nhiệm vụ phân lô đất, lên bờ, thu góp và san xẻ đều lớp đất màu mỡ cho những chỗ ruộng có quá nhiều chất phèn. Khâu dẫn thủy nhập điền phải thi công gánh nước từ con suối chạy dọc khu canh tác của trại 1 về đổ trên ruộng. Khi ruộng đã có một độ lầy đủ, tù bắt đầu kéo cày xới đất. Những cái cày do khối mộc chế tạo cũng tương tự như cái cày đã xuất hiện trên mặt trái đất từ đời ông A-Dong. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện "văn minh văn hóa" thì thời đại Hồ Chí Minh nhất định phải thua thời đại A-Dong, do bởi thời đại A-Dong và bà E-Và đã biết xử dụng con trâu để ông A-Dong đỡ phải nai lưng ra kéo. Ngày nay, dưới chế độ giàu mạnh và khoa học tiên tiến của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dù con trâu con bò không được thờ phụng như ở Ấn Độ, nhưng mạng nó quý gấp trăm nghìn lần mạng con người cải tạo; do đó, con người cải tạo được nhà nước xử dụng vào vị trí con trâu con bò!
Toán kéo cày của Vĩnh gồm Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý và nhà trưởng Nhan Quang Minh. Vì đây là một công tác cực kỳ vinh quang trong xã hội mới là được trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người, cho nên không ai có quyền đứng mãi ở vị trí của anh nông dân trên lưỡi cày để điều khiển bạn bè kéo cày, cho dù người ấy có đủ thứ bệnh tật trong người và sức nặng có thể còn thua ngay cả sức nặng cái lưỡi cày sắt... như Vĩnh. Nguyên tắc về kéo cày thực ra đã được mổ xẻ rất nhiều đêm tại các tổ các đội. Sau đó, hầu như tập thể nào cũng đưa ra quyết định như nhau: Thay phiên nhau kéo!
Suốt ngày bì bõm với cái bụng đói meo, Vĩnh và các bạn thay phiên nhau đứng vào vị trí của con trâu kéo. Kéo tới, kéo lui, kéo ngang, kéo dọc! Kéo ngày này sang ngày khác mà vẫn chưa đạt chỉ tiêu và yêu cầu cải tạo đất của Cách mạng. Nếu giả như chúng để yên cho tù làm tròn cái kiếp trâu kéo cày thì cũng đành lấy làm sung sướng. Nhưng chuyện đâu giản dị như thế! Bọn vệ binh của trại 4 ác có lông bụng. Chúng không dễ chịu như bọn vệ binh trại 1 - có lẽ chúng ảnh hưởng nhiều phong thái của bọn an ninh trung đoàn, vốn đặt căn cứ tại ban chỉ huy trại 4 - Chúng hò, chúng hét, chúng chửi bới và báng súng sẵn sàng đập lên đầu bất cứ "con trâu" nào để cho sợi thừng trên vai mình chùng hơn những sợi thừng của hai "con trâu" đi cạnh. Dù sao thì việc qua mặt bọn vệ binh không phải là việc quá khó khăn. Nhưng qua mặt được anh cai nông trường hiện nay là chuyện không thể. Anh cai nông trường ấy, khốn khổ thay, lại cũng là một thằng tù. Một thằng tù từng là sỹ quan cấp thiếu úy "ngụy quân", thì dĩ nhiên mánh mung của lũ tù ra sao anh cai đều thuộc nằm lòng! Anh cai này cả trại 4 biết danh có tên là Lê Bá Lý. Chao ôi! Nói đến anh Lê Bá Lý ai cũng hồn phi phách tán.
Anh cai được Cách mạng nhiều lần đưa lên hội trường biểu dương như là một cải tạo viên ngoại hạng, cực kỳ tiến bộ, cực kỳ học tập tốt, cực kỳ lao động tốt và cực kỳ đấu tranh sai trái tốt. Thành quả đạt chỉ tiêu trong lao động của anh ta đã đánh tan mọi nghi vấn của Cách mạng (?) bởi những lời than vãn của nhiều chục triệu dân, rằng khẩu phần trong xã hội mới không thể cung cấp đủ ca-lo cho một người để hoàn tất một phần mười cái chỉ tiêu lao động trong ngày mà họ được nhà nước mời tham gia một cách... "tự nguyện có bắt buộc".
Do thành quả đó, Lê Bá Lý được đưa ra làm cai chính trong nông trường An Dưỡng.
Vốn đã thừa thắng xông lên, anh ta còn xông hăng hơn nữa do những lời biểu dương và hứa hẹn công khai trên hội trường của quản giáo trại 4, theo đó, nếu có đợt thả trong những ngày tới đây (!?) thì anh Lê Bá Lý sẽ là người đầu tiên rời cổng trại An Dưỡng. Lý, do đó, ra tay quần thảo anh em. Hắn hò, hắn hét, hắn chạy đầu ruộng này tới cuối bìa rừng kia với một cái cây trên tay. Hắn chửi bới, hắn hăm he, hắn nạt nộ, hắn bắt đứng nghiêm, bắt ra trình diện vệ binh, ghi tên, lôi cả đội trưởng tổ trưởng của người chai lười lao động lên bờ ruộng chửi bới và bắt họp đội đấu tranh sai trái trong giờ kiểm thảo ban chiều. Chấm dứt kiểm thảo, đội trưởng phải đích thân nộp cho hắn biên bản giờ kiểm thảo cùng bản tự kiểm với lời thú nhận tội lỗi và lời cam kết nặng nề nhất của "tội phạm".
Bọn trâu-người bỗng thê thảm hơn sau lần Lê Bá Lý, một đêm kia được anh em trùm chăn khênh ra dãy cầu tiêu trại 4 với một sợi dây thừng. Không hiểu sao mạng hắn lớn quá. Hắn thoát chết treo lần ấy và thay vì tỉnh ngộ, hắn càng ra tay triệt hạ anh em tàn bạo hơn.
Bì bõm kéo cày dưới nắng mưa, mắt lo canh chừng bọn vệ binh, mắt lo canh chừng Lê Bá Lý, mắt lo cảnh giác những con đỉa đói to bằng ngón tay cái bơi lền khên dưới ruộng phèn; hầu như tất cả mọi người đều ngậm miệng để giữ sức. Nhưng anh Huy ít khi ngậm miệng. Anh than thở.
- Chao ôi! Mình thua chúng nó rốt cuộc chỉ vì hai nguyên do. Nguyên do thứ nhất là chúng ta đã bất hạnh có một thế hệ đàn anh cầm quyền lèo lái quốc gia, khi mà chính bản thân họ chưa được trang bị kiến thức và đạo đức tối thiểu của những người lãnh đạo; chưa có khả năng để phân biệt nổi đâu là ranh giới của nhà bếp và nhà nước. Nguyên do thứ hai là chúng ta đã bất hạnh có một thằng bạn đồng minh ích kỷ và lọc lừa...
Anh Huy bỏ dở câu nói. Anh lại lẩm bẩm trong miệng như người đọc kinh và ra sức kéo lưỡi cày vừa bị lún quá sâu dưới lớp đất sình.
Ý nói.
- Bây giờ chẳng thể ngồi trách ai được. Mình lo thân mình thôi.
Huy lại cất tiếng vu vơ.
- Giai đoạn này trốn được chưa nhỉ?
Cả Vĩnh và Ý đều giận cái kiểu nói vu vơ của anh Huy. Dù sao cũng có nhà trưởng cày chung trong toán. Nhan Quang Minh không phải là người xấu, nhưng kín đáo hơn vẫn là giải pháp hay nhất.
Nhà trưởng Minh bỗng len ào và nói về một câu chuyện không ăn nhậu gì đến câu chuyện Ý và Huy nói khi nãy.
- Tôi nghe hậu cần trại bảo trong tuần thế nào cũng có tiếp phẩm.
Huy trả lời ngay.
- Chao ôi! Từ tháng 10 đến giờ cho ba lần tiếp phẩm rồi. Lần nào cũng xà bông bột với xà bông ghẻ. Không có thì cần thật, mà có kiểu này không biết lấy chỗ đâu mà chứa.
Vĩnh cười.
- Có còn hơn không.
Huy cãi.
- Đồng ý, nhưng có kiểu này thì kẹt lắm. Tiếp phẩm được quy định rõ ràng mỗi hai tháng được một lạng thuốc lào, hai lạng đường, một kem răng. Xà bông đâu phải dành cho cải tạo. Xà bông là của cán bộ và vệ binh. Họ dư dùng, họ gạt phéng cho cải tạo tính trên trị giá tiếp phẩm cải tạo được quyền hưởng và hiên ngang xử dụng số tiền đó cho việc bồi dưỡng riêng họ. Chơi gì chơi cha vậy!
Nhà trưởng Minh có vẻ rất khổ sở khi phải nghe những lời lẽ "phản động" của ông già Huy. Nhưng anh ta cứ lờ đi và có chút ân hận rằng chính anh đã nêu ra cái tiền đề cho việc tranh cãi không đúng lúc đúng chỗ này.
Huy vẫn chưa muốn thôi, anh tiếp. Mẹ kiếp cướp cơm chim!
Trong lúc đó bỗng nhiên những tràng súng nổ ròn rã vang lên chấn động cả một vùng. Những tên vệ binh ngồi trong những túp lều tranh tránh nắng được dựng trên bờ ruộng khắp đó đây đồng loạt lao ra khỏi lều và hét bọn tù.
- Tất cả ngồi xuống tại chỗ! Tất cả ngồi xuống tại chỗ! Ai bất tuân bị bắn hạ ngay!
Mặc dù biết rõ có một biến cố quan trọng đã xảy ra trong bọn tù, trốn trại chẳng hạn, nhưng vì kéo cày mệt quá, được lệnh ngồi xuống thì hầu như tất cả mọi người đều lợi dụng thời cơ nghìn năm có một ngả luôn người cái phịch xuống ruộng bùn. Nằm thở một cái đã rồi tính.
Quả nhiên một phút sau đó tin trốn trại của một vài anh em làm gần chỗ ruộng giáp ranh rừng thuộc phạm vi trại 2 đã loan truyền khắp nơi. Bọn quản giáo và vệ binh chạy như bầy vịt về phía ven rừng. Những tràng súng thay phiên nhau nổ ran trời. Vĩnh và các bạn đều hồi hộp lo âu cho người đào thoát. Một lúc sau, bọn quản giáo và vệ binh trong toán truy lùng cạnh rừng bước ra. Thằng nào thằng nấy sình lầy lên tới cổ. Nhưng thảm thương nhất là một anh cải tạo bị bốn thằng vệ binh dùng dây trói kéo lê phía sau. Vì cách quá xa, Vĩnh và các bạn chỉ có thể nhìn thấy người bị kéo trồi lên tụt xuống trên một địa thế sình lầy và cao thấp không đều. Kẻ trốn trại sau cùng được lôi lên mặt đường nhựa.
Sự cựa quậy và rên xiết của anh khiến mọi người biết anh còn sống. Lên tới mặt đường nhựa, anh còn bị kéo một khoảng nữa. Giờ đây, kẻ trốn trại đã nằm trong tầm nhìn rõ rệt của Vĩnh. Thốt nhiên, người Vĩnh như bốc lên một cơn sốt. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy một con người bị trói bằng dây thép gai và bị kéo lết gần một cây số đường ruộng ra tới đường nhựa.
Xưa kia Chúa đầu đội mão gai, vác Thánh Giá ngã lên ngã xuống nhưng liệu có đau đớn bằng người tù hiện nay không? Anh ta nằm trên đường, hiện thân chỉ còn là một đống bùn lầy pha trộn với máu đỏ đang ứa ra từ trên bụng, trên tay, trên lưng và trên cả cần cổ. Trời ơi, rõ ràng ngày nay một con chó bị què, hoặc bị thương, thậm chí đã chết nằm trên đường chắc chắn có hàng trăm người nhảy tới dành giật để kiếm chác tí thịt; nhưng một con người nằm quằn quại trên đường không ai muốn; hoặc nếu muốn cũng không có quyền nhào tới dù chỉ để quan sát cho tận tường...
Thằng vệ binh đang canh chừng đội 17 trên thửa ruộng nằm cạnh đường, hích hích mũi súng về phía Vĩnh, lên giọng: Đấy, ngoan cố trốn trại tìm cách chống phá Cách mạng kết quả là như thế đấy! Chúng mày thằng nào anh hùng cứ bỏ chạy tao coi.
Nói xong câu hăm he vu vơ, hắn xách súng bò lên đường nhựa tiến đến gần người lâm nạn và tiện chân đá đại vào người "tên phản động" một cái. Đá xong, hắn chà chà mũi dép râu xuống đám cỏ ven đường và lẩm bẩm chửi thề, tuồng như cái thân xác kia đã làm dơ bẩn mũi dép của hắn.
Lúc này mọi người ngồi dưới ruộng đều âu lo cho số phận người nằm trên đường. Không ai nhận được lệnh bước lên tìm cách cầm máu cho nạn nhân. Vĩnh vẫn đăm đăm ngó vào những sợi thép gai giờ đã cắm sâu vào thân thể đầy bùn của người nằm trên đường. Máu vẫn rỉ ra và đã nhuộm đỏ một khoảng đường nhựa. Bọn vệ binh và quản giáo đứng dạt ra vì sợ dính máu dính bùn của người trốn trại. Trong lúc bọn tù chưa biết số phận người trốn trại sẽ bị xử lý ra sao, thì tiếng reo hò tở mở nơi góc rừng lại vang lên. Tiếp theo đó là những tràng súng thị uy bắn khắp cùng. Nơi các bộ chỉ huy trại hình như đã được báo động. Một số vệ binh từ các ngả chạy túa ra dàn đội hình tăng cường. Một số chạy thẳng ra cổng trại An Dưỡng. Vĩnh cố gắng nhìn cho rõ những việc đang diễn ra nơi bìa rừng. Ý bỗng thều thào.
- Chết mẹ, chúng nó lôi ra một thằng nữa kìa!
Vĩnh đã nhìn thấy rõ một người cũng đang bị bốn thằng vệ binh khác lôi xềnh xệch trên ruộng nước. Người đó hình như còn khỏe vì anh ta dẫy dụa coi mòi còn hăng. Bọn vệ binh đi theo cầm súng phang chí tử vào thân xác người đang bị kéo đi. Khi kéo tới mặt đường nhựa. Vĩnh thấy người trốn trại không còn dẫy dụa được nữa. Ít phút sau, anh ta cũng được lôi đến nằm cạnh người thứ nhất. Có lẽ anh này bị đánh quá nhiều nên máu ở đầu chảy chan hòa trên mặt đường. Dù sao anh vẫn còn rên được. Nghe rên, bọn vệ binh vừa tức tối nguyền rủa vừa dùng báng súng đánh vào xương sống anh cho đến lúc anh quằn quại rồi nằm yên như một xác chết. Máu, bùn, những con đỉa bám theo xác người giờ trộn với nhau trên mặt đường dưới ánh nắng chói chang của mặt trời tháng Tư.
Giọng Huy.
- Hai con rồi, chả hiểu còn con nào nữa không?
Bây giờ bọn quản giáo và vệ binh đã cho hầu hết các đội trở lên mặt đường nhựa tập họp để sửa soạn ra về.
Bọn quản giáo sau khi bàn thảo, bỗng ra lệnh cho Lê Bá Lý di chuyển các đội hình sang một khu đất rộng gần lề đường bên kia con lộ. Non một nghìn tù, sau năm bảy phút đã thiết lập xong đội hình tề chỉnh bên những đống cột đèn còn để ngổn ngang bên bờ đường. Hai người trốn trại vẫn để mặc nằm trên đường. Những bầy ruồi từ trong các trại, từ phía cầu tiêu của ban chỉ huy trại 4 đã ngửi thấy mùi máu bay ra và bu đen trên những vũng máu, cả trên xác hai người giờ không ai biết chắc sống chết ra sao!
Một trong những tên quản giáo tiến ra trước hàng quân. Sau khi Lê Bá Lý hô nghiêm nghỉ, hắn bắt đầu lấy giọng và lên lớp.
- Các anh thấy gì chưa?
-......!
- Đấy, hậu quả tất yếu của những kẻ ngoan cố không chịu học tập cải tạo đấy! Hôm nay, tôi tranh thủ quán triệt sơ bộ các anh vài điều. Hắn khẽ lắc đầu. Không, đúng ra là nhắc nhở lại với các anh vài điều. Xã hội ta, Cách mạng đã nói rất nhiều lần, là một xã hội có tình cho những người tốt và có biện pháp xử lý đích đáng cho những kẻ xấu. Hai tên phản động kia đã lợi dụng trong lúc lao động bỏ trốn vào rừng, và còn có hành động chống trả lại các đồng chí vệ binh khi bị bắt lại. Bản án tử hình đã treo sẵn trên cổ chúng nó. Nói tới đây, tên quản giáo giơ hai tay lên trời, nói lớn. Tôi không hiểu các anh nghĩ thế nào!? Cách mạng đã quy các anh về đây, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các anh học tập cải tạo, tại sao trong các anh vẫn còn nhiều kẻ không nhận ra lòng bao dung của Cách mạng? Học tập trong xã hội ta là một nghĩa vụ, các anh hiểu chưa? Một nghĩa vụ đòi hỏi mọi người phải có một thái độ tự giác một cách... bắt buộc. Tại sao các anh không nhận ra được rằng bánh xe lịch sử đang quay? Mà bánh xe lịch sử đâu có phải là một cuộn chỉ! Hai thằng phản động kia, các anh đã thấy rõ. Hành động trốn trại, khước từ học tập của chúng rõ ràng là một sự chận lại bánh xe lịch sử và đã bị bánh xe ấy nghiền nát. Tôi cũng cho các anh biết, một thằng tên Trần Thiện Lân, cựu đại úy ngụy hoạt động cho CIA nhiều năm. Thằng thứ hai là Lê Thành Nhân, cựu hạ sỹ tình báo của chế độ Sài Gòn. Cả hai thằng đều đã biết rõ tội ác chúng phạm với Đảng, với nhà nước và với nhân dân sẽ khó được tha thứ. Do đấy, đã quyết định từ khước học tập và tìm cách trốn vào rừng theo bọn tàn quân chống phá đánh trả lại Cách mạng. Nhưng...
Tên quản giáo không nói tiếp nữa. Hắn quay lại nhìn một thằng quản giáo khác, hỏi. Đồng chí Thùy, đồng chí có muốn lên lớp gì không?
Thằng được gọi là Thùy chỉ lắc đầu. Tên quản giáo quay lại bọn tù, tiếp. Thôi được, bây giờ các anh đội trưởng lần lượt điểm danh báo cáo nhân số lần cuối và tuần tự cho anh em trở về trại.
Một chuỗi đội hình như một con rắn khổng lồ mệt mỏi bỗng cựa mình dưới nắng. Con rắn từ từ bị cắt ra từng đoạn nhỏ, tiến lên đường nhựa và tủa ra các hướng trong trại An Dưỡng. Chẳng còn mấy ai ngoái nhìn lại hai người bạn đang nằm trên mặt đường với thép gai quấn chặt trên người, với từng bầy ruồi bu đen, với những tiếng rên thật khẽ như lời thì thầm với một thần chết nào đó, với máu lệ, với nỗi tuyệt vọng sau cùng trước định mệnh quá khắt khe đang từ từ khép lại hai mảnh đời muốn bỏ trại tù ra đi tìm lại các chiến hữu cũ...
Đội 17 trên đường về trại 4 không quá xa, nhưng bước chân của mọi người dường như không còn muốn cất nổi. Nắng đã làm khô những lớp sình trên đầu cổ chân tay, trên những bộ quần áo rách như tổ đỉa. Có người vừa đi vừa cố gắng gỡ từng tảng bùn khô trên mặt xuống. Có người than đói, có người thầm thì ước ao sao giờ này có được một ly nước đá lạnh...
Trên đường, một người đàn bà từ phía bộ chỉ huy trại 4 bỗng xuất hiện và đi ngược chiều với đội 17. Vóc dáng mụ vừa lùn vừa mập. Đôi hông nỡ quá độ khiến mụ có chiều ngang gần như suýt soát bằng chiều cao. Bộ tóc dài tới đít quấn đuôi Sam trông dị hợm khác thường. Thê thảm nhất là bộ mặt. Dù có tí phấn hồng quệt vụng về trên đôi má có nọng, nhưng cặp mắt ti hí và hàm răng vẩu đã tạo cho mụ một cái vẻ thật kỳ hình dị tướng. Mụ đi một đôi dép Nhật, diện một cái quần sa tanh đen và một mảnh áo phin nõn. Bọn tù xì xầm trong hàng.
- Chắc vợ thằng thủ trưởng.
- Tao sợ là nữ cán bộ hộ lý.
Bọn vệ binh đi xa xa không nghe thấy lũ tù bàn tán. Nhưng mụ ta thì nghe thấy rất rõ. Có thằng cất lên một tiếng thở dài lúc mụ tiếng ngang qua đội hình.
- Chao ôi! Đúng là người đẹp năm tấn bảy tấn. Thèm quá!
Thật là tai biến chung cho cả đội vì câu nói ấy. Mụ ta chợt đứng phắt lại. Câu nói của một thằng tù đã như một chiếc đũa đóng thấu vào tai mụ. Mụ trợn mắt méo mồm la to mà không một ai ngờ nổi.
- Các đồng chí vệ binh đâu, các đồng chí để cho mấy thằng tù vô giáo dục nó tự do thị phi tôi phải không?
Hình như mụ rất có uy lực trong tiểu đoàn, do đó, khi nghe thấy mụ hét, bọn vệ binh áp tải đang đi thụt phía sau bỗng giẫy nẩy và vác súng chạy lên chận đội 17 lại. Nhiều đội khác vội vàng lách sang một bên để vượt qua đội 17 với những ánh mắt e ngại ngoái nhìn. Tên vệ binh chận đội 17 xong, lên đạn và hét lớn.
- Gì đấy chị cả? Có chuyện gì thế?
Bên kia đường mụ đàn bà đã xoay hẳn người lại trực diện với tên vệ binh và đội 17. Bây giờ mọi người mới nhận ra bên tay phải của mụ cầm hai ổ bánh mì vàng au vô cùng hấp dẫn, được bọc ơ hờ trong một mảnh báo. Hai ổ bánh mì vàng căng trong tích tắc đã thu hút được tất cả những ánh nhìn chiếu tướng của bọn tù đội 17. Chẳng mấy ai còn lưu tâm tới cái tai biến đang xắp xảy diễn ra cho cả đội vì sự la làng của mụ đàn bà.
Mụ đàn bà hình như cũng ngượng khi thấy hàng trăm đôi mắt ngó vào mình một cách quá trìu mến! Nhưng đã lỡ làng, mụ đành nói với tên vệ binh.
- Đồng chí áp tải cải tạo đi lao động sao ơ hờ thế? Mụ nghĩ ngợi một chút. Khi nãy đi qua đội này, tôi nghe tiếng người chọc ghẹo tôi.
Tên vệ binh hình như sợ uy người đàn bà, hắn quay sang bọn tù. Thốt nhiên hắn cũng nhận ra bọn tù hiền quá, thằng nào thằng nấy đều chiếu những ánh mắt thật kính cẩn vào người đàn bà đứng đối diện. Hắn có vẻ không tin bọn tù lại dám chọc nữ cán bộ giữa ban ngày. Thế nhưng hắn cũng phải lên tiếng.
- Này, các anh đội này ấm ớ gì đấy? Muốn về ăn trưa hay muốn bị quỳ cả đội tại đây? Ai? Ai đã có lời xúc phạm chị cả của trại?
Mụ đàn bà sau khi thấy bọn tù có vẻ hiền lành thật, vả lại như còn gấp chuyện gì, mụ ta chỉ lên tiếng.
- Thèm quá, thèm quá là cái ý gì? Khi nãy tôi nghe rõ ràng trong hàng có người thấy tôi đi qua cất tiếng chọc ghẹo bảo là thèm quá! Cải tạo thế bao giờ tiến bộ mà về.
Nói xong mụ ta có vẻ hơi ngượng cho lời lẽ của chính mình. Tên vệ binh cũng hơi buồn cười nhưng đã có vấn đề thì phải giải quyết. Hắn quay lại một người đứng gần nhất, hỏi càn.
- Thèm? Anh có thèm không?
Tên tù ngây thơ.
- Dạ thèm chứ!
Cả mụ đàn bà lẫn tên vệ binh đều ngẩn người. Mụ ta bỗng gắt.
- Đồ đàn ông gì mà lỗ mãng. Thèm, thèm cái gì?
Tên tù đầy "ngụy tính" bỗng mỉm cười nói khơi khơi.
- Dạ thưa thèm ổ bánh mì!