Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Chương 45: Kẻ Ích Kỷ
N
hư Auguste Comte[64] đã lưu ý, một trong những sai lầm của các tôn giáo Tây phương là dạy chúng ta rằng con người ích kỷ vô phương cứu chữa, trừ khi được thần thánh cứu rỗi. Ý nghĩ này đã đầu độc mọi thứ, kể cả sự cống hiến[65], đến mức mà, trong số những ý nghĩ bình dân nhất, cũng như trong những tinh thần tự do nhất, ta sẽ nhận thấy một ý kiến lạ lùng cho rằng kẻ tận hiến vẫn còn đi tìm cho mình sự sung sướng. “Kẻ thì thích chiến tranh, kẻ thì đòi công bằng, còn tôi thì thích rượu.” Chính kẻ vô thần cũng là một nhà thần học, cuộc nổi dậy đáp trả sự sỉ nhục, tất cả đều cùng một giuộc với nhau mà thôi.
Trong thực tế, người ta chắc phải thấy rằng con người nói chung thích hành động hơn là khoái lạc, như thường thấy ở các trò chơi của thanh niên. Một trận bóng có gì khác ngoài xô đẩy, đấm đá, và cuối cùng để lại những vết thâm tím và bông băng quấn đầy trên cơ thể? Nhưng tất cả những điều đó đem lại sự khao khát cháy bỏng; tất cả những điều đó được ghi vào ký ức; chỉ nghĩ tới chuyện đó thôi người ta đã cảm thấy xúc động, chân rục rịch như muốn chạy. Và người ta yêu sự hào hiệp, đến độ xem thường những cú đấm đá, đau đớn và mệt mỏi. Chúng ta chắc cũng nên nói tới chiến tranh, một trò chơi đáng ngưỡng mộ mà trong đó ta thấy lòng hào hiệp nhiều hơn là sự tàn bạo, bởi cái thật sự tệ hại trong chiến tranh, đó là sự nô lệ chuẩn bị cho chiến tranh và sự nô lệ sau khi chiến tranh kết thúc. Nói cho cùng, sự hỗn loạn của chiến tranh nằm ở chỗ những người tốt nhất thì bị giết, còn những kẻ khôn khéo tìm được thời cơ nắm quyền chống lại công lý. Nhưng phán đoán bản năng lạc lối tại đây vì những người tốt tính như Déroulède[66] thậm chí còn khoái bị mắc lừa nữa.
Tất cả những điều đó rất đáng để nghĩ tới. Người ích kỷ thường chế giễu một cách vô ích, vì anh ta muốn cảm khái phải nhường đường cho cân nhắc giữa thỏa mãn và khổ đau. “Các ngươi thật là những kẻ dại khờ, hỡi những kẻ ỵêu thích vinh quang, hơn nữa lại là vinh quang của người khác!” Và Pascal, thiên tài thiên chúa giáo, đã viết lời này, một lời chỉ có vẻ sâu sắc bề ngoài: “Chúng ta vui vẻ chịu đánh mất cuộc đời, miễn là người ta nói về cuộc đời ấy.” Đó cũng chính là người đã giễu cợt kẻ đi săn tốn quá nhiều công sức để bắt cho bằng được một con thỏ, trong khi anh ta chẳng thích thú gì nếu người ta đem cho anh con thỏ đó. Định kiến thần học phải đủ mạnh để con người không thấy được việc họ thích hành động hơn là khoái lạc, thích hành động quy củ và có kỷ luật hơn mọi hành động khác, và thích hành động vì công lý hơn tất cả. Từ đó mới nảy sinh một khoái cảm lớn lao, hẳn là thế; nhưng sẽ là sai lầm nếu tin rằng hành động cần đến khoái cảm; bởi khoái cảm đồng hành cùng hành động. Những khoái cảm của mê say làm quên đi sự say mê khoái cảm. Đó chính là tố chất của người con của đất thịt, của vị thần biết luyện chó và luyện ngựa.
Người ích kỷ, ngược lại, không đi đến đích do đánh giá sai lầm. Anh ta chỉ muốn động tay vào nếu thấy mình sẽ đạt được một khoái cảm nào đó, nhưng trong phép tính này, những khoái cảm đích thực luôn luôn bị lãng quên, bởi những khoái cảm đích thực trước hết luôn muốn khổ đau; đó là lý do tại sao, trong những tính toán thận trọng, đớn đau luôn giành chiến thắng, nỗi sợ mạnh hơn niềm hy vọng và rốt cuộc người ích kỷ coi bệnh hoạn, tuổi già, cái chết là những gì không thể tránh khỏi. Và nỗi tuyệt vọng của anh ta cho tôi thấy rằng anh ta đã hiểu sai về chính con người mình.
5 tháng hai 1913