If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Samuel Butler
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 88
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1817 / 16
Cập nhật: 2017-09-14 17:11:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 44
ôi nghĩ là nên cho các bạn biết cụ thể hơn về cuộc sống ở trường của Ernest. Dù không muốn, nó vẫn phải theo khuôn khổ của tiến sỹ Skinner, và trong hai năm gần đây hoặc hơn, nó đã có những tiến bộ trong các môn Latin cổ điển mặc dù chưa bao giờ được xếp vào hạng khá trở lên. Nó ít làm bài, và tôi nghĩ rằng ông Skinner đã bó tay và thấy tốt hơn nên bỏ mặc nó tự lo cho mình, bởi nó hiếm khi hiểu được bài, và thường nộp bài hoặc không tùy ý thích của nó. Cái tính phản kháng ngầm và vô thức của nó có lúc còn ảnh hưởng xa hơn những cuộc vượt rào liều lĩnh mà tôi đã kể ở giai đoạn đầu. Đến cuối cùng, nó vẫn cứ dậm chân tại đúng chỗ ban đầu của nó, cụ thể là dù ở lớp lớn hay nhỏ, nó vẫn nằm trong số kém của những đứa đáng trọng, hay đúng hơn là trong số khá của những đứa bất hảo.
Trong suốt nhiều năm học, chỉ có một lần duy nhất nó được tiến sỹ Skinner khen ngợi về bài làm, và nó trân trọng điều này như một biểu hiện tán thưởng nhất mà nó từng nhận được. Nó đã phải viết một bài thơ thể alcaics[21] về ‘Những con chó của các thầy dòng thánh Bernard,’ và khi trả bài cho nó, tiến sỹ đã phê là: ‘Trong bài thơ alcaics này, dù vẫn còn tệ quá chừng, nhưng tôi tưởng là tôi có thể thấy được một vài biểu hiện mơ hồ của sự tiến bộ.’ Ernest bảo rằng nếu các bài tập của nó khá hơn đôi chút thì đó hẳn phải là do may mắn, bởi nó chắc chắn là nó luôn thích những chú chó, đặc biệt là những con chó của thánh Bernard, đủ nhiều để có hứng thú viết một bài thơ alcaics về chúng.
‘Khi nhìn lại bài đó,’ nó nói với tôi kèm một nụ cười thật rạng rỡ, ‘con thấy mình đáng trọng hơn bởi chưa bao giờ con kiếm cho bằng được những điểm cao hơn năng lực thực của con, dù nếu muốn kiếm điểm thì thì chắc chắn con sẽ kiếm được. Con mừng là chẳng có thứ gì bắt con phải lao vào những bài thơ Latin và Hy Lạp, con mừng là tiến sỹ Skinner không gây tác động tinh thần nào lên con, con vui vì con đã biếng nhác lúc ở trường, và con vui vì cha con đã giao cho con những bài học quá nặng đối với con – nếu không, có lẽ con cũng sẽ chơi trò gian lận, và có thể viết một bài thơ alcaics về con chó của các tu sỹ của thánh Bernard cũng hay như các bạn trong lớp, nhưng con không rõ nữa, bởi con nhớ là có một đứa khác trong lớp đã nộp một bài thơ tiếng Latin viết theo hứng thú của nó như thế này đây:
‘Những con chó của các thầy của thánh Bernard
đi kéo trẻ con ra khỏi tuyết
Quanh cổ chúng là cái bẫy êm dịu
Cột chặt cùng một ít chỉ dây.’
Con nên viết giống như thế, và con đã cố, nhưng không thể. Đến cuối cùng, con vẫn không thể làm giống thế, rồi cố sửa lại, nhưng vô ích.’
Tôi cho rằng tôi có thể nhìn ra được những dấu vết đầy cay đắng đối với các thầy giáo trong cái lối kể của Ernest, và rồi nói đôi câu về thái độ này của nó.
‘Ôi, không,’ nó trả lời, và vẫn cười, ‘chuyện của con cũng chẳng khác gì cảm giác của thánh Anthony đối với những con quỷ đã cám dỗ ngài, lúc tình cờ gặp lại chúng hàng trăm năm sau. Tất nhiên, ngài biết đó là quỷ, nhưng mà sự thật là quỷ đầy rẫy ra đó. Và có lẽ thánh Anthony thích những con quỷ mà ngài đã từng gặp hơn những quỷ khác, và vì sự quen biết đó mà ngài ưu ái nhẹ nhàng với chúng hơn.’
‘Ngoài ra, bố biết đó,’ nó nói thêm, ‘thánh Anthony cũng cám dỗ lũ quỷ nhiều như chúng đã cám dỗ ngài, bởi sự thánh thiện đặc biệt của ngài còn là thứ cám dỗ lớn hơn những cám dỗ của quỷ nữa. Nói một cách rõ ràng hơn thì những con quỷ mới là kẻ đáng thương hơn trong chuyện này, bởi chúng bị thánh Anthony dẫn dắt và bị cám dỗ cùng sa ngã, trong khi chính bản thân thánh thì không. Con tin con là một đứa trẻ khó hiểu và khó chịu, và nếu có lúc nào gặp tiến sỹ Skinner thì con sẽ chẳng bắt tay cũng như sẵn sàng đối đãi tốt với ông ấy đâu.’
Còn ở nhà, mọi chuyện với nó cũng đã khá hơn, chuyện của Ellen và việc nợ nần với bà Cross đã chìm dần vào quên lãng, thậm chí nó còn có nhiều thời gian thong thả hơn bởi là huynh trưởng trong nhà. Dù vậy, những đôi mắt dò xét và cánh tay can thiệp của bố mẹ vẫn dõi theo từng lúc nó đi về, và lục lọi mọi bước đi của nó. Thật kì lạ là dù luôn cố để giữ vẻ ngoài như thể đang vui thú và thoải mái, đôi lúc thực sự là vậy, nhưng mỗi khi thấy không có ai theo dõi mình, đôi mắt của nó vẫn thường lộ ra vẻ lo lắng và mệt mỏi, điều này cho thấy trong con người nó đang diễn ra một xung đột gần như liên tục?
Chắc chắn Theobald đã thấy được những ánh mắt này của nó và cũng lý giải được lý do vì sao, nhưng anh quá thạo trong việc bịt mắt lại với những gì hiển nhiên, và không một mục sư nào giữ được chén cơm quá một tháng nếu không làm được việc này, hơn nữa, trong nhiều năm rồi, anh đã tự để mình nói ra những điều không nên nói, và ngậm miệng với những điều phải nói, đến nỗi giờ đây tựa hồ như anh nhìn mọi sự theo cái kiểu có thể xem là tốt hơn không nên thấy gì trừ phi đó là việc chẳng đặng đừng.
Có những việc người cha phải làm, chẳng hạn như không làm rối rắm thêm những gì vốn đơn giản, điều khiển lương tâm mình cho đúng đắn, trao đổi tâm tư với con trai nhiều hơn một chút, chất vấn nó ít hơn, và cho nó tiền tiêu để mong nó dùng vào những gì khiến nó thấy vui vẻ..., nhưng Theobald không làm được nhiều trong số đó.
‘Đúng là không nhiều,’ Ernest bật cười, khi tôi đọc cho nó những dòng trên. ‘Những việc trên là toàn bộ bổn phận của người cha. Nhưng trong tất cả, thứ xấu xa nhất chính là việc làm cho mọi chuyện cứ rối tung và lẫn lộn cả lên. Nếu người ta dám giải bày với nhau một cách cởi mở, thì hẳn hàng trăm năm sau, thế giới đã bớt đi được nhiều muộn phiền rồi.’
Nhưng chúng ta hãy trở lại với Roughborough đã. Vào ngày rời trường, khi Ernest được gọi đến thư viện để bắt tay tạm biệt với ngài hiệu trưởng, nó ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù chắc chắn nó mừng vì được rời khỏi đây, nhưng nó không thấy trong lòng bất kỳ sự căm ghét đặc biệt nào dành cho ngài tiến sỹ. Nó đã đi hết chặng đường, và vẫn còn sống tốt, cũng như không sống quá xấu so với những người khác. Tiến sỹ chào đón nó một cách ân cần, và thậm chí còn đùa với cái vẻ nặng nề của nó nữa. Những người trẻ luôn dễ tha thứ, và Ernest cảm thấy giả như có thêm một cuộc gặp như thế này nữa, thì hẳn nó sẽ quên hết mọi chuyện cũ, và thậm chí còn gia nhập hàng ngũ những người ái mộ và ủng hộ ngài tiến sỹ, mà phần đông trong số đó vốn là những cậu trai đầy hứa hẹn.
Trước khi nói lời tạm biệt, tiến sỹ lấy một quyển sách từ chiếc giá mà sáu năm trước Ernest đã thấy nó thật khủng khiếp, rồi trao cho nó sau khi viết tên mình và vài chữ tiếng Hy Lạp, mà tôi tin có nghĩa là ‘với những lời chúc tốt đẹp nhất từ tôi.’ Đó là một quyển sách Latin viết bởi học giả Đức Schomann: ‘De comitiis Atheniensibus’ (Nghị trường thành Athen), thật sự không phải là một quyển sách sáng sủa và vui vẻ gì, nhưng Ernest cảm thấy đây là lúc thích hợp để nó tìm hiểu về thể chế và cách bầu cử của athen, nó đã từng học về những thứ này rồi, nhưng lại quên sạch ngay sau đó, tuy vậy, giờ đây khi tiến sỹ trao cho nó quyển sách, nó lại muốn nắm vững những thứ này cho trọn. Thật là lạ lùng! Nó cực kỳ muốn nhớ những thứ này, nó biết là nó muốn, nhưng nó không thể giữ nổi chúng trong đầu, dù nó có cố thế nào thì những kiến thức đó cứ vào tai này ra tai kia ngay lập tức, trí nhớ của nó thật tệ hại; nhưng nếu có ai chơi cho nó nghe một bản nhạc và bảo nó biết tác giả là ai, thì chẳng bao giờ nó quên được, dù chẳng cần phải cố gắng chút gì, và cũng không ý thức cố gắng nhớ chúng. Cái đầu của nó chắc có gì đó không ổn, và như thế là nó không tốt.
Tranh thủ chút thời gian rỗi còn lại, nó lấy chìa khóa nhà thờ thánh Michael và đến đó đàn một bài giã biệt. Tay đàn của nó bây giờ đã khá nhuần rồi. Nó trầm tư bước đi lên xuống dọc lối giữa nhà thờ một lúc, rồi ngồi xuống cạnh cây đàn và chơi bản ‘họ ghét uống dòng nước sông này’ đến sáu lần, rồi nó cảm thấy yên bình và hạnh phúc hơn, xong tất cả, nó rời cây đàn yêu quý, vụt chạy ra nhà ga.
Khi con tàu xuất hiện, từ gờ cao của nhà ga, nó nhìn lại ngôi nhà nhỏ nơi cô Alethea từng ở, và cũng là nơi mà cô đã chết cùng với mong muốn được làm những điều tốt đẹp cho nó. Có hai vòm cửa sổ nó biết rất rõ, nơi nó thường nhảy qua rồi băng ngang bãi cỏ đến xưởng mộc. Nó tự trách mình vì đã dành quá ít lòng biết ơn đối với người cô ân cần của nó, người duy nhất nó từng cảm nhận là xứng đáng để nó có thể tin tưởng giãi bày mọi chuyện. Càng trân trọng những kỉ niệm về cô, nó càng thấy mừng vì cô không phải chứng kiến những chuyện tệ hại nó đã vướng phải sau khi cô mất, có thể cô sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho những chuyện đó, và như thế thật khủng khiếp biết bao! Nhưng, nếu cô Alethea còn sống, có thể cô đã xoa dịu đi nhiều nỗi đau buồn của nó. Nghĩ đến đó nó lại thấy buồn. Đến bao giờ, đến tận bao giờ, nó tự nhủ với mình, chuyện này mới chấm hết? Chẳng lẽ tương lai của nó cũng vẫn là phạm lỗi, hổ thẹn và đau buồn y hệt như trong quá khứ hay sao? Chẳng lẽ đôi mắt dò xét và bàn tay can thiệp luôn mãi của cha nó cứ đè những gánh nặng quá sức chịu đựng lên vai nó hay sao? Hay một ngày nào đó, nó sẽ được thấy mình khá ổn và hạnh phúc?
Bầu trời đang phủ mờ bởi một màn mây bạc nên mắt trần có thể nhìn thẳng được vầng mặt trời trên cao, và khi đang trầm ngâm những điều trên, Ernest ngước lên nhìn thẳng vào chính diện vầng thái dương như thể đang nhìn vào khuôn mặt một người nó quen biết và yêu mến. Lúc đầu khuôn mặt của nó ủ dột, nhưng nhẹ nhàng, kiểu như một người mệt mỏi sau khi hoàn tất một nhiệm vụ lâu dài, nhưng vài giây sau, nó chợt thấy ra được phần khôi hài trong sự bất hạnh của nó, nó mỉm cười nửa cay đắng nửa vui vẻ, và nghĩ rằng trong tất cả những gì đã xảy ra chỉ có một số quá ít thật sự có ý nghĩa với nó, và sự gian khổ của nó so với những người khác thật tầm thường bé nhỏ biết bao. Vẫn mãi nhìn chăm chăm vào đôi mắt của vầng thái dương và mỉm cười mơ mộng, nó nghĩ về chuyện nó đã đốt cái hình nộm của cha nó, và như thế đôi mắt nó rạng rỡ dần, đến cuối cùng bùng ra thành một tràng cười sảng khoái. Ngay đúng lúc này, tấm màn mây kéo ra và ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt đưa nó về lại với thực tại. Nó nhận ra có một quý ông lớn tuổi có cái đầu to và mái tóc xám tro đứng đối diện, đang chăm chú nhìn nó.
‘Anh bạn trẻ của tôi ơi,’ ông nói một tử tế, ‘đúng là anh không được trò chuyện với người trong mặt trời khi đang ở trên toa xe lửa.’
Quý ông lớn tuổi không nói gì thêm nữa, chỉ mở tờ báo Times ra và bắt đầu đọc. Còn Ernest thì thẹn đỏ mặt. Trong suốt chuyến tàu, hai người chẳng nói gì với nhau, nhưng lại nhìn nhau nhiều lần, đến nỗi cả hai đều ghi nhớ sâu ký ức về người còn lại.
Xác Thịt Về Đâu Xác Thịt Về Đâu - Samuel Butler Xác Thịt Về Đâu