Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Aziz Nesin
Dịch giả: Đưc Mẫn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1807 / 73
Cập nhật: 2015-09-24 02:51:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đúng Là Thời Buổi Bây Giờ
ôi đã ngoài bốn mươi, đến giờ vẫn chưa lấy vợ, và không có vẻ gì là đến lúc nào đó tôi sẽ lấy vợ. Người ta nói người không có vợ chẳng khác gì cây không có quả. Nhưng dù sao không thể coi tôi là cái cây không có quả, vì tôi có những đứa cháu. Bao nhiêu tình thương tôi dành cho những đứa con của các anh em tôi. Ông anh tôi là một công chức quèn, có cuộc sống khá chật vật. Trong ngân sách chi tiêu của gia đình anh ấy không bao giờ có các mục như giải trí, du lịch hay tiệc tùng. Anh ấy không đi xem phim, xem hát, cũng không đi tắm biển. Hai vợ chồng anh ấy chỉ có thú vui duy nhất là đẻ con, mỗi năm một.
Người em giữa thì công việc làm ăn bình thường, vì nó chỉ học đến lớp bảy. Nó lấy vợ đã mười lăm năm nay. Có hai con.
Tôi còn một đứa em út. Nó học tối dạ và vất vả lắm mới hết lớp bốn.Chính vì nguyên nhân đó mà nó rất giàu. Hai vợ chồng nó ăn chơi xả láng không thiếu thứ gì. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu sao giữa tất cả bấy nhiêu thứ giải trí như thế hai vợ chồng nó vẫn tìm được thời gian để đẻ con.
Chúng tôi có bốn anh em, và cả bốn anh em như kẻ thù của nhau. Những đứa em không bằng lòng với ông anh cả vì ông đã biến vợ mình thành “cái máy đẻ”. Còn anh ấy thì trả lời vui: “Tổ quốc cần có đàn ông”. Tôi bị gọi là “Cái cây không có quả”. Nhưng tôi nhìn những cái quả của họ: một đứa thì giống như quả đào sâu, đứa khác thì giống quả lê ủng, đứa thứ ba thì như quả dưa héo… Nhưng tôi rất yêu những đứa cháu của mình. Và chúng cũng quý tôi. Hôm qua chúng ở chơi nhà tôi suốt một ngày. Tám đứa. Đứa lớn nhất mười hai tuổi, bé nhất ba tuổi.
Thằng Altan lên chín lục hết đống sách của tôi rồi nói:
– Bác ơi, sao bác có nhiều sách thế mà chẳng có cuốn nào để đọc?
Tính đến lứa tuổi của nó, tôi bảo:
– Sao lại chẳng có cuốn nào? Đây này, “Rôbixơn”, “Juyn vecnơ ở xứ xở những con thiên nga trắng…”
Bọn trẻ cười khanh khách. Thằng Altan nói:
– Bác hãy giữ lấy những cuốn đó cho bác, thế bác có cuốn “Những bước chân đẫm máu”, “Những bài học tình yêu”, hay ít nhất là “Bách khoa toàn thư tình dục” không?
Tôi không có cuốn nào như vậy cả. Con bé Phatôx mười một tuổi đúng là một con quỷ con. Nó hỏi luôn mồm không lúc nào nghỉ. Nó muốn biết tất cả. Đúng là tôi không phải là người bố thật, nhưng tôi cũng hiểu đôi chút về giáo dục trẻ con. Trong hầu hết các cuốn sách viết về cách giáo dục trẻ con đều có nói: “Trẻ con trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài ngày càng muốn biết nhiều hơn về những gì xung quanh và thường xuyên hỏi người lớn. Cần phải trả lời tất cả những câu hỏi của trẻ con và kiên nhẫn giải thích cho chúng tất cả”.
Theo đúng những nguyên tắc giáo dục mà sách nói, khi những đứa cháu tôi hỏi bất cứ vấn đề gì tôi đều cố gắng trả lời chúng như thể trước mắt tôi là người lớn chứ không phải trẻ con. Con quỷ con Phatôx chỉ cho tôi một chỗ trong tờ báo và hỏi:
– Bác ơi, “thụ tinh nhân tạo” là gì hả bác? Trong báo viết như thế.
Tôi cựa quậy trên ghế không biết trả lời thế nào. Nhưng theo các nguyên tắc sư phạm tôi phải giải thích cặn kẽ tất cả những gì trẻ con hỏi.
– Đó là, – tôi bắt đầu, – nói thế nào cho cháu hiểu nhỉ… Ví dụ như những đứa trẻ…
Mấy đứa cháu xúm lại chỗ tôi. Chúng chằm chằm nhìn vào miệng tôi.
– Những đứa trẻ làm sao ạ? – Chúng hỏi.
– Muốn có những đứa trẻ thì cần có cái gì?
– Cần có bố và mẹ.
– Sao nữa ạ?
– Còn nếu một người mẹ nào đó muốn tự mình làm ra đứa con… Nếu bà mẹ đó không tìm được người bố để cùng làm ra đứa con… Thì lúc đó…
Tôi toát cả mồ hôi. May sao thằng Erol xen vào cắt ngang và đã cứu tôi.
– Bác ơi, thế còn “trong tư thế không đẹp mắt” là gì hả bác? Đây này, báo viết là: “Cảnh sát đã bắt quả tang đôi nam nữ đang trong tư thế không đẹp mắt…”
Tôi không biết các tác giả sách giáo khoa sư phạm sẽ trả lời thế nào câu hỏi này. Họ viết rằng tùy theo lứa tuổi của đứa trẻ mà bố mẹ cần phải tìm hình thức giải thích phù hợp, nhưng nhất định phải nói sự thật…
– “Trong tư thế không đẹp mắt”, – tôi ấp úng, – nghĩa là khi người ta làm phiền người khác, la hét, làm ồn…
Bây giờ lại đến lượt con bé Ilđưz:
– Bác ơi, ở đây viết là: “Hắn ta đã dụ dỗ một thiếu nữ”. Thế là gì hả bác?
– Thôi chúng ta đi chơi đi! – Tôi nói.
– Không, bác kể đi, kể đi! – Mấy đứa trẻ khăng khăng.
– Thế nghĩa là, nghĩa là… Nếu như người ta lấy mất của cô gái một thứ rất quý giá…
– Thế thì hôm qua cháu cũng bị chúng nó lấy mất! … – Con Ilđưz kêu lên.
– Im ngay – Tôi ngắt lời con bé! – Cháu không biết ngượng à!
Thằng Aiđưn còn đi xa hơn:
– Bác ơi, thế những đứa trẻ lấy ở đâu ra hả bác?
Tôi đã định chuyển đề tài, nhưng vừa lúc thằng Altan kịp nói chêm vào:
– Người ta tìm thấy chúng ở ngoài phố, phải không bác?
– Có một vài đứa trẻ thôi, chứ không phải tất cả cháu ạ!
– Các thiên thần mang chúng trên đôi cánh của mình, phải không ạ? – Con Ilđưz hỏi.
Tất cả bọn chúng cười ồ lên. Thằng cháu chín tuổi của tôi nói:
– Bác ơi, may mà bác không lấy vợ.
Tôi đỏ mặt.
– Tại sao?
– Còn tại sao nữa? – Thằng bé đáp. – Cho đến bây giờ bác vẫn không biết các đứa trẻ từ đâu ra? Bác không biết “trong tư thế không đẹp mắt” là gì. Bác không biết một tí gì cả. Thế mà cũng đòi làm người lớn!…
Rồi bọn chúng ôm nhau cười lăn cười bò. Tôi cúi gầm mặt bước ra khỏi phòng.
Tập Truyện Aziz Nesin Tập Truyện Aziz Nesin - Aziz Nesin Tập Truyện Aziz Nesin