Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Tôi Làm Phim Về Ông Kim Ngọc
N
ăm 2004, tròn 14 năm tôi và ê-kíp làm phim hăm hở lên Vĩnh Phúc thực hiện bộ phim “Người đi trước thời gian”.
Kịch bản được nhà biên kịch Nguyễn Hậu phác thảo đường dây một cách đại khái, sơ lược như bao kịch bản phim tài liệu khác. Câu hỏi làm sao làm được bộ phim với độ dài 30 phút mà trong tay chỉ có khoảng 30 giây hình tư liệu khi Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc có hình ông Kim Ngọc với bộ ka-ki mầu trắng cùng nét mặt tươi vui bên Bác?
“Cái khó chẳng bó được cái khôn” tôi tìm gặp bà Liên, vợ ông cùng hai con trai là Kim Sơn và Kim Nam và người thư ký của ông là ông Nguyễn Thành Tô, một nhân chứng tuyệt vời, khi tôi được nghe những câu chuyện thú vị. Những cuộc gặp mặt và trao đổi cho chúng tôi những chi tiết chân thực và sống động về một con người anh hùng của đất nước.
Ông Kim Ngọc từng đánh con bằng roi
Tôi và ê-kíp làm phim không áp đặt cho người xem rằng, Kim Ngọc là một “vị thánh” không tỳ vết! Anh Kim Sơn - con trai cả đã kể chuyện bị bố đánh đòn bằng roi khi ông bò ống máng ra đường chơi, khi còn ở trong TP. Hà Nội. Ông Bí Thư huyện ủy Vĩnh Tường kể, ông Kim Ngọc có thói quen chơi tổ tôm và thích bắn chim bằng súng hơi... Ông Nguyễn Thành Tô là người dạy chữ cho ông Kim Ngọc, suốt nhiều năm vừa làm, vừa học ông Kim Ngọc đã hoàn thành chương trình lớp 7 (hết cấp hai thời đó). Một thầy, một trò và ông Bí Thư tỉnh ủy là học trò xuất sắc của thầy giáo, Thư ký Nguyễn Thành Tô.
Thầy dạy chữ của ông Kim Ngọc
Vì bận công việc và điều kiện làm việc nên ông Kim Ngọc có một thư ký riêng. Quan hệ giữa Bí thư Kim Ngọc và thư ký rất đặc biệt. Ban ngày là quan hệ Bí thư Tỉnh ủy với nhân viên, còn buổi tối ông Kim Ngọc là học trò. Ông Tô kể với tôi, ông đã kèm học cho Bí thư từ trình độ lớp 3 đến hết lớp 7. Ông tâm sự ngược lại, ông học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo. Ông chia sẻ thêm, không chỉ “Khoán hộ”, ông Kim Ngọc còn đề nghị Trung ương cho “Khoán quỹ tiền lương”!
Ông Tô kể, ông Kim Ngọc yêu cầu ông sắp lịch làm việc một tuần hai ngày nghiên cứu, hai ngày giải quyết các công việc và hai ngày đi thực tế cơ sở. Chi tiết này đã thể hiện sinh động một con người lãnh đạo rất thực tế, gần dân.
Không biết ông có học tác phong của Bác Hồ không? Điều này tôi không rõ, nhưng nghe đồng nghiệp kể lại, có những hôm ông Kim Ngọc khoác súng săn cùng chiến lợi phẩm bất ngờ xuất hiện ở Ủy ban huyện làm cán bộ tá hỏa! Ông quá hiểu người nông dân, nên ông hiểu mảnh ruộng 5% của người nông dân được chăm sóc tử tế, nên năng suất rất cao nuôi sống được họ, còn đất hợp tác xã thì của chung nên năng suất thấp. Vì của chung, nên ban chủ nhiệm hợp tác xã “rong công phóng điểm” nên mỗi công chỉ được vài ba lạng thóc, có khi chỉ là con số không tròn trĩnh!
Xuất phát từ thực tiễn, ông Kim Ngọc đã quyết định, năm 1968 ra nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “khoán hộ” nhằm kích thích sản xuất, tạo động lực phát triển. Bị Trung ương kiểm điểm ông vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình về nghị quyết “khoán hộ” của Tỉnh ủy do ông đứng đầu.
Không có cây nhót trong vườn nhà ông Kim Ngọc
Khi còn là sinh viên báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền những năm 1980, tôi rất ấn tượng với bút kí “Tiếng đất” của nhà văn Hoàng Hữu Các đăng trên Báo Văn nghệ. Chi tiết nhà văn viết cuối bút kí là hình ảnh những quả nhót dưới nắng chiều trong vườn nhà ông Kim Ngọc nhìn xa trông như những giọt máu...
Khi đến nhà ông Kim Ngọc, tôi gặng hỏi bà Liên, vợ ông, trong vườn có cây nhót nào không? Bà Liên khẳng định, trong vườn nhà ông bà chưa bao giờ có cây nhót. Gặp lại nhà văn Hoàng Hữu Các, tôi chất vấn ông về chuyện cây nhót. Nhà văn trả lời tôi bằng tiếng cười khà khà... Hóa ra trong bút kí các nhà văn vẫn “bịa” ra!
Phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy tại ruộng ngô
Trong phim, có một trường đoạn tôi muốn quay lại cảnh các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc viếng mộ ông Kim Ngọc, thời điểm đó ở tỉnh Phú Thọ. Tôi điện thoại cho Chánh văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị quay phim. Tôi nhận được lời từ chối của vị Chánh văn phòng với lý do các đồng chí lãnh đạo tỉnh bận! Tôi nghiêm giọng qua điện thoại: Đây là một cảnh quay nhiều ý nghĩa trong phim, anh cứ chuyển lại nguyên văn đề nghị của tôi! Tùy các đồng chí lãnh đạo.
Sáng hôm sau một đoàn xe của Tỉnh ủy, ủy ban xếp dài trước khách sạn nơi chúng tôi ở. Tôi được đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chu Văn Rỵ mời lên ngồi cùng xe. Thật thú vị, khi chính Bí thư đề nghị cho biết câu hỏi tôi dự định phỏng vấn. Công việc suôn sẻ. Sau khi quay xong cảnh lãnh đạo tỉnh viếng mộ ông Kim Ngọc, trên đường về tôi nhìn thấy một cánh đồng lúa xen ngô rất đẹp và đề nghị Bí thư trả lời phỏng vấn. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp hơn cả mong muốn của chúng tôi. Cuộc phỏng vấn diễn ra tại ruộng ngô!
Bà Liên vợ ông kể,“hôm gặp ở nhà anh Trường Chinh, anh ấy hỏi anh Kim Ngọc: Thế quan điểm hiện nay về khoán hộ của anh thế nào? Anh Kim Ngọc đáp: Tôi xin bảo lưu ý kiến của mình vì nếu cứ hợp tác xã như hiện nay, thì rau muống đỏ như lông bò cắt lên xe chở cho bộ đội ăn. Nếu không khoán các nhà máy sẽ bị đóng cửa, nông dân sẽ chết đói nên tôi xin bảo lưu ý kiến của mình”!
Bài báo cuối cùng của Bác đọc
Trong quá trình làm phim tôi cứ đau đáu, không hiểu Bác Hồ quan tâm như thế nào với trường hợp của ông Kim Ngọc. Tình cờ, nhà báo Quốc Phong, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên giới thiệu bài báo cuối cùng Bác đọc và có bút tích, bài báo có liên quan đến Kim Ngọc. Cuối cùng chúng tôi đã phát hiện một chi tiết lịch sử: Đó là bài báo đăng trên Báo Hà Nội Mới với tiêu đề: Những vấn đề về ba khoán ngày 15/3/1969 trên đó có dòng chữ của Bác: “Kính gửi đồng chí Trường Chinh! Đọc xong trả Bác luôn”.
Đây là lưu bút cuối cùng trên một tờ báo trước khi Người vĩnh viễn ra đi. Bài báo vẫn còn nguyên vẹn bút tích của Bác trong phòng làm việc tại nhà sàn Phủ Chủ tịch.
Nuôi con gì, trồng cây gì?
Khi làm phim chúng tôi được gặp ông Hoàng Hữu Trĩ, 93 tuổi - nguyên Phó Chủ tịch huyện Lập Thạch, cán bộ dưới quyền thời Bí thư Kim Ngọc. Ông kể, khi Bí thư Kim Ngọc về làm việc, ông ấy luôn đặt vấn đề: Các anh phải xem khí hậu, đất đai ở đây thì “nuôi con gì, trồng cây gì” cho phù hợp để chỉ đạo nông dân sản xuất. Hóa ra là từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông Kim Ngọc đã nói câu này và được lưu truyền trong dân gian cho đến tận bây giờ!
Mộ ông Kim Ngọc được chuyển về Vĩnh Phúc
Sau khi phim phát sóng một thời gian, chúng tôi được tin, với sự kính trọng một con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho nông dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng gia đình đã chuyển mộ của ông Kim Ngọc từ Phú Thọ về và xây lại khang trang tại Vĩnh Phúc. Một đường phố ở TP. Vĩnh Yên được mang tên ông.
Đã 14 năm trôi qua sau khi chúng tôi làm phim tài liệu về ông Kim Ngọc, nhưng những kỷ niệm về một con người viết bằng chữ hoa ấy sẽ theo chúng tôi mãi mãi. Bài viết nhỏ như một nén hương chúng tôi thắp lên để tưởng nhớ về một con người anh hùng - người đi trước thời gian./.
Vũ Quang