Số lần đọc/download: 5019 / 271
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:52 +0700
Chương 5: Dực Tông (1847-1883), Niên Hiệu: Tự Đức
2. Đình thần
3. Việc ngoại giao
4. Việc cấm đạo
5. Việc thuế má
6. Việc văn học
7. Việc binh chế
1. Đức độ vua Dực Tông.
Vua Hiến Tổ mất, truyền ngôi lại cho hoàng tử thứ hai húy là Hồng Nhậm. Bấy giờ hoàng tử mới có 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Đến tháng 10 năm đinh mùi (1847), thì ngài lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức, lấy năm sau là năm Mậu Thân làm Tự Đức nguyên niên.
Vua Dực Tông đối với vận hội nước Nam ta thật là quan hệ, vì là đến đời ngài thì nước Pháp sang bảo hộ, đổi xã hội mình ra một cảnh tượng khác. Bởi vậy cho nên ta cần phải biết rõ ngài là người thế nào, để xét đoán những công việc thời bấy giờ cho khỏi sai lầm. Quan tổng đốc Thân Trọng Huề đã được trông thấy dung nhan của ngài và đã tả rõ chân tượng của ngài ra như sau này: "Ngài hình dung như một người nho sĩ, không cao, không thấp, trạc người bậc trung, không gầy không béo, có một phần hơi gầy một tí. Da không trắng không đen. Mặt hơi dài; cằm hơi nhỏ, trán rộng mà thẳng, mũi cao mà tròn, hai con mắt tinh mà lành.
Ngài hay chít cái khăn vàng mà nhỏ, và mặc áo vàng, khi ngài có tuổi thì hay mặc quần vàng đi giày hàng vàng của nội vụ đóng. Ngài không ưa trang sức mà cũng không cho các bà nội cung đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch sẽ làm đẹp.
Tính ngài thật là hiền lành. Những người được hầu gần ngài nói chuyện rằng: một hôm ngài ngự triều tại điện Văn Minh, ngài cầm cái hoa mai 1 sắp hút thuốc, tên thái giám đứng quạt hầu, vô ý quạt mạnh quá, lửa hoa mai bay vào tay ngài. Tên thái giám sợ xanh mặt lại, mà ngài chỉ xoa tay, chứ không nói gì cả.
Ngài thờ đức Từ Dụ rất có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẽ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần, ngự triều 15 lần, trừ khi đi vắng và khi se yếu 2. Trong 36 năm, thường vẫn như thế, không sai chút nào.
Khi ngài chầu cung thì ngài tâu chuyện này chuyện kia, việc nhà việc nước, việc xưa việc nay. Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục.
Một hôm rảnh việc nước, ngài ngự bắn tại rừng Thuận Trực 3 gặp phải khi nướt lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nữa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngày lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng:
- Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị.
Ngài lạy tạ lui về, nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự. Quan thì mỗi người được một đồng tiền bạc, lớn nhỏ tùy theo phẩm, còn lính thì mỗi tên được một quan tiền kẽm. Đến sáng ngài ngự ra điện Long An lạy kị. Xem cách ngài thờ mẹ như thế, thì tự xưa đến nay ít có.
Tính ngài siêng năng, sáng chừng năm giờ, ngài đã ngự tánh, nghĩa là thức dậy, chừng sáu giờ, ngài đã ra triều. Cho nên các quan ở Kinh buổi ấy cũng phải dậy sớm để mà đi chầu. Thường thấy các quan thắp đèn ăn cháo để vào triều cho sớm.
Thường ngài ngự triều tại điện Văn Minh, ở bên tả điện cần chính. Các quan đến sớm, quan văn thì ngồi chực tại tả vu, quan võ tại hữu vu. Khi ngài đã ngự ra, thì thái giám tuyên triệu các quan vào chầu. Các quan đều mặc áo rộng xanh, đeo thẻ bài đi vào, quan văn bên hữu, quan võ bên tả 4
Khi các quan theo thứ tự đứng yên rồi, quan bộ Lại hay là quan hộ Binh tâu xin cho mấy ông quan mới được thăng thuyên bái mạng. Các quan bái mạng thì phải chực ở ngoài, đợi bộ Lại hay là bộ Binh tâu xong mới được vào. Quan văn thuộc bộ Lại, quan võ thì thuộc bộ binh. Bái mạng thì phải mặc áo đại trào.
Các ông bái mạng xong rồi, bộ nào có việc gì tâu thì đến chỗ tấu sự quỳ tâu. Như bộ nào có tâu việc gì thì các quan ấn quan trong bộ ấy đều quỳ chỗ tấu sự, rồi ông nào tâu, thì đọc bài diện tấu. Một bên các quan tấu sự lại có một ông quan nội các và một ông ngự sử đều quỳ. Quan nội các để biên lời ngài ban; quan ngự sử để đàn hạch các quan phạm phép.
Đức Dực Tông đã thuộc việc mà lại chăm cho nên nhiều bữa ngài ban việc đến chín mười giờ mới ngự vào nội.
Ngài thường làm việc ở chái đông điện Cần Chánh. Trong chái ấy lót ván đánh bóng. Gần cửa kính có mấy chiếc chiếu, trên trải một chiếu cạp bằng hàng vàng, để một cái yên với nghiên bút, một trái dựa (cái gối dựa), chứ không bày bàn ghế gì cả. Cách một khoảng có để một cái đầu hồ với thẻ. Ngày làm việc mỏi thì đứng dậy đánh đầu hồ, hay là đi bách bộ. Ngài ngồi làm việc một mình, vài tên thị nữ đứng hầu để mài son, thắp thuốc hay là đi truyền việc.
Lệ nước ta xưa nay các quan không được vào chỗ ngài ngự tọa làm giúp việc cho vua, cho nên việc lớn việc nhỏ, ngài phải xem cả.
Phiến sớ ác nơi đều gởi về nội các. Nội các đề trong tráp tấu sự, đưa cho giám, giám đưa cho nữ quan dâng lên ngài. Ngài xem rồi giao nội các. Nội các giữ bản chính có châu điểm, châu phê, lục bản phó ra cho các bộ nha.
Nay xem các nguyên bản trong Các, thì thấy có nhiều tờ phiến ngài phê dài hơn của các quan tâu. Chữ đã tốt mà văn lại hay, ai cũng kinh cái tài của ngài.
Ngài vốn là người hiếu học. Đêm nào ngài cũng xem sách đến khuya. Có ba tập Ngự Chế Thi Văn của ngài đã in thành bản. Ngài lại làm sách chữ nôm để dạy dân cho dễ hiểu, như là sách Thập Điều, Tự Học Diễn Ca, Luận Ngữ Diễn Ca, v.v..."
Xem cái chân tượng của vua Dực Tông như thế, thì ngài không phải là người to béo vạm vỡ 5, mà cũng không phải là ông vua tàn ác bạo ngược như người ta thường nói. Chỉ vì ngài làm vua về một thời đại khó khăn, trong nước lắm việc, mà những người phò tá thì tuy có người thanh liêm như ông Trương Đăng Quế, ông Vũ Trọng Bình, trung liệt như ông Phan Thanh Giản, ông Nguyễn Tri Phương, ông Hoàng Diệu, v.v.... nhưng mà các ông ấy đều là người cũ, không am hiểu thời thế mới. Vả lại các thế lực lúc bấy giờ kém hèn quá, dẫu có muốn cải cách duy tân, cũng không kịp nữa, cho nên mọi việc đều hỏng cả.
2. Đình Thần.
Đình thần là các quan ở trong Triều giúp vua để lo việc nước. Nhưng lúc bấy giờ tình thế đã nguy ngập lắm, vì từ đầu thập cửu thế kỷ trở đi, sự sinh hoạt và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình, chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu, Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy, các đình thần lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có một vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ, về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy hoại mất kỷ cương! Thành ra người không biết thì cứ một niềm tự đắc, người biết thì phải làm câm làm điếc, không thở ra với ai được, phải ngồi khoanh tay mà chịu.
Xem như mấy năm về sau, nhà vua thường có hỏi đến việc phú quốc cường binh, các quan bàn hết lẽ nọ lẽ kia, nào chiến, nào thủ, mà chẳng thấy làm được việc gì ra trò. Vả thời bấy giờ, cũng đã có người hiểu rõ thời thế, chịu đi du học và muốn thay đổi chính trị. Như năm bính dần (1866) là năm Tự Đức thứ 19, có mấy người ở Nghệ An là Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều đi du học phương tây. Sau Nguyễn Trường Tộ về làm mấy bài điều trần, kể hết cái tình thế nước mình, và cái cảnh tượng các nước, rồi xin nhà vua phải mau mau cải cách mọi việc, không thì mất nước. Vua giao những tờ điều trần ấy cho các quan duyệt nghị. Đình thần đều lấy làm sự nói càn, không ai chịu nghe.
Năm mậu thìn (1868) là năm Tự Đức thứ 21, có người ở Ninh Bình tên là Đinh Văn Điền dâng tờ điều trần nói nên đặt doanh điền, khai mỏ vàng, làm tàu hỏa, cho người các nước phương tây vào buôn bán, luyện tập sĩ tốt để phòng khi chiến thủ, thêm lương thực cho quan quân, bớt sưu dịch cho dân sự, thưởng cho những người có công, nuôi nấng những người bị thương, tàn tật, v.v.... Đại để là những điều ích quốc lợi dân cả, thế mà đình thần cho là không hợp với thời thế, rồi bỏ không dùng.
Các quan đi sứ các nơi về tâu bày mọi sư, vua hỏi đến đình thần thì mọi người đều bác đi, cái gì cũng cho là không hợp thời. Năm kỷ mão (1879) là năm Tự Đức thứ 32, Nguyễn Hiệp đi sứ Tiêm La về nói rằng khi người nước Anh Cát Lợi mới sang xin thông thương, thì nước Tiê m La lập điều ước cho ngay, thành ra người Anh không có cớ gì mà sinh sự để lấy đất, rồi Tiêm La lại cho nước Pháp, nước Phổ, nước Ý, nước Mỹ v.v... đặt lĩnh sự để coi việc buôn bán. Như thế mọi người đều có quyền lợi không ai hiếp chế được mình. Năm tân tị (1881) là năm Tự Đức thứ 34, có Lê Đĩnh đi sứ ở Hương Cảng về, tâu rằng: các nước Thái Tây mà phú cường là chỉ cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy binh lính mà bênh vực việc buôn bán, lấy việc buôn bán mà nuôi binh lính.
Gần đây Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp cả mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người ngoại quốc ra vào buôn bán. Nước ta, người khôn ngoan, lại có lắm sản vật, nên theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc lập của nước nhà.
Năm ấy lại có quan hàn lâm viện tu soạn là Phan Liêm làm sớ mật tâu việc mở sự buôn bán, sự chung vốn lập hội, và xin cho người đi học nghề khai mỏ. Giao cho đình thần xét, các quan đều bàn rằng việc buôn bán không tiện, còn việc khác thì xin đòi hỏi các tỉnh xem thể nào, rồi sẽ xét lại. Ấy cũng là một cách làm cho trôi chuyện, chứ không ai muốn thay đổi thói cũ chút gì cả. Nhân việc đó vua Dực Tông khuyên rằng các quan xét việc thì nên cẩn thận và suy nghĩ cho chín, nhưng cũng nên làm thế nào cho tiến bộ, chứ không tiến, thì tức là thoái vậy.
Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay đổi. Chỉ vì vua ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền tước thì lắm người trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngôi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải làm quan to hay là quan nhỏ. Cái phẩm giá con người ta cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước.
Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam Kỳ, đã ra đánh Bắc Kỳ, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.
Đã hay rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác ly, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy.
3. Việc Ngoại Giao.
Việc chính trị đời Dực Tông là nhất thiết không cho người ngoại quốc vào buôn bán. Như năm canh tuất (1850) là năm Tự Đức thứ 3, có tàu Mỹ Lợi Liên vào cửa Đà Nẵng, đem thư sang xin thông thương, nhà vua không tiếp thư.
Từ năm ất mão (1855) cho đến năm đinh sửu (1877) tàu Anh Cát Lợi ra vào mấy lần ở cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và ở Quảng Yên, để xin buôn bán, cũng không được. Người I Pha Nho và nước Pháp Lan Tây xin thông thương cũng không được.
Về sau đất Gia Định đã mất rồi, việc ngoại giao một ngày một khó, nhà vua mới đặt Bình Chuẩn Ti để coi việc buôn bán, và Thương Bạc Viện để coi việc giao thiệp với người ngoại dương. Tuy vậy nhưng cũng không thấy ai là người hiểu việc buôn bán và biết cách giao thiệp cả.
4. Việc Cấm Đạo.
Việc cấm đạo thì từ năm mậu thân (1848) là năm Tự Đức nguyên niên, vua Dực Tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Còn những ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại v.v....
Đến năm tân hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này, cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.
Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.
5. Việc Thuế Má.
Thuế má trong nước đời bấy giờ, thì đại khái cũng như đời vua Thánh Tổ và Hiến Tổ, duy chỉ từ khi nước Pháp và nước I Pha Nho vào đánh lấy mấy tỉnh Nam Kỳ rồi, lại phải bồi tiền binh phí mất 4 triệu nguyên, nhà nước mới tìm cách lấy tiền, bèn cho người khách tên là Hầu Lợi Trịnh trưng thuế bán thuốc nha phiến từ Quảng Bình ra đến Bắc Kỳ. Sử chép rằng đồng niên nhà vua thu được có 302.200 quan tiền thuế nha phiến.
Nhà vua lại định lệ cho quyên từ 1.000 quan trở lên thì được hàm cửu phẩm, lên đến 10.000 quan thì được hàm lục phẩm, nghĩ là phải dùng lối đời trước bán quan để lấy tiền.
6. Việc Văn Học.
Vua Dực Tông là một ông vua hay chữ nhất đời nhà Nguyễn, cho nên ngài trọng sự nho học lắm. Ngài chăm về việc khoa giáp, sửa sang việc thi cử đặt ra Nhã Sĩ Khoa và Cát Sĩ Khoa, để chọn lấy người văn học ra làm quan.
Ngài lại đặt Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để ngài ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, làm thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Lại sai quan soạn bộ Khâm Định Việt Sử, từ đời thượng cổ cho đến hết đời nhà Hậu Lê.
7. Việc Binh Chế.
Đời vua Dực Tông lắm giặc giã, nhà vua cần đến việc võ, nên chỉ năm tân dậu (1861) là năm Tự Đức thứ 14 mới truyền cho các tỉnh chọn lấy những người khỏe mạnh để làm lính võ sinh. Đến năm ất sửu (1865) là Tự Đức thứ 18 lại mở ra khoa thi võ tiến sĩ.
Tuy rằng lúc bấy giờ nước mình có lính võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời đại đã khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng đạn nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải bồi thường.
Quân lính như thế, binh khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chống giữ được.
--------------------------------
1 Hoa mai là một sợi dây làm bằng chỉ để thắp lửa mà hút thuốc.
2 Se yếu là đau yếu. Tiếng se ở Huế nói cách tôn kính, như vua đau thì nói vua se mình.
3 Cách Kinh thành chừng độ 15 cây số, ở bên bờ sông Lợi Giang, có một cái rừng cấm gọi là Thuận Trực. Chỗ ấy nhiều chim, đức Dực Tông thường ngự đến bắn ở đấy.
4 hi ngài ngự điện Thái Hòa hay là điện Cần Chính, hay là đi hành lễ điện Phụng Tiên, thì quan văn lại đứng bên tả, quan võ bên hữu, duy ở điện Văn Minh thì quan võ bên tả, quan văn bên hữu, không biết tại làm sao?
5 Ta thường trông thấy có cái tranh vẽ một người to lớn vạm vỡ, mặt mũi dữ tợn mà mặc áo đội mũ không ra lối lăng gì cả, ở dưới cái tranh có chữ đề là vua Tự Đức. Cái tranh ấy chắc là của một người nào tưởng tượng mà vẽ ra chứ không phải là chân dung của ngài. Vì là thủa trước chỉ trừ những quan đại thần và những người được vào hầu cận, vua ta không cho ai trông thấy mặt, mà cũng không bao giờ có hình ảnh gì cả.