As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 44
ả hai gia đình đều thắc mắc không hiểu vì sao giữa Nam và Tường, tình trạng nhẩn nha ẩm ương kéo dài quá lâu.
Mới thoạt nhìn, người ngoài tưởng không có gì bất thường. Tuần nào Nam cũng dẫn con lên Lý Thái tổ thăm Tường, gặp bữa thì ở lại ăn cơm tối đến khuya mới về. Nhiều bữa tan sở Tường xuống Thị nghè thăm vợ con, và nếu không có Lãng ở đó, Tường cũng ở lại dùng cơm tối. Hai người đã dẫn con đi làm giấy khai sinh lại, đổi họ con Thúy theo họ cha. Nam nghe lời Tường bằng lòng xin đi học khóa bổ túc nghiệp vụ để niên khóa tới làm giáo viên môn Văn. Nhưng cả hai đều tránh né khi bị hỏi lúc nào họ mới tổ chức một bữa tiệc nhỏ để chính thức thành vợ chồng, và lúc nào họ chung sống với nhau. Mỗi lần bị Quế chất vấn gay gắt, Tường thường đổ lỗi cho việc nhà cửa. Tường đã xin cơ quan cấp cho một căn nhà để ở, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tường nói cốt lấy lòng những đứa em không có thiện cảm với chính quyền mới.
- Mấy ông lớn ngoài Hà nội lâu nay ăn ở chật chội đổ xô vào Sài gòn tìm nhà để ở. Nhà tịch thu của dân di tản đều là biệt thự đẹp, nhưng không đủ. Anh cấp thấp, chắc còn lâu mới tới phiên.
Nam cũng dùng cái cớ ấy để giải đáp mọi thắc mắc. Thật ra, cả Nam lẫn Tường đều thấy lòng mình có gì bất thường.
Nam gặp lại Tường mới thấy mình không hoàn toàn thù ghét Tường như lâu nay nàng vẫn tưởng. Trước đây, Nam liên kết Tường với cái chết bi thảm của ông Văn. Gặp lại Tường, Nam mới thấy chính cái guồng máy khổng lồ mới chịu trách nhiệm chính, và Tường chỉ là cái đinh ốc trong guồng máy ấy. Những lời tâm sự của Tường về cảnh cô đơn trong gia đình, cô đơn ở cơ quan cho Nam thấy một con người khác, phức tạp hơn, yếu đuối hơn. Lần hai người ân ái trở lại với nhau sau mười năm dâu bể, tại căn phòng một người bạn của Tường, cũng bắt đầu bằng lòng thương hại bao dung. Hôm đó Tường kể hết những nỗi cô đơn ở cơ quan, Nam rưng rưng nước mắt nhìn Tường, ban đầu còn ngồi đối diện với Tường đưa tay qua mặt bàn kính nắm lấy bàn tay Tường an ủi, sau đó Nam qua phía Tường ngồi ôm vai Tường, hôn lên tóc Tường. Cuộc ái ân đến tự nhiên không vội vàng, vồ vập, Nam gượng nhẹ theo dõi Tường như lo lắng quan tâm tới một người bệnh.
Sau cuộc ái ân, cả hai nằm im không nói gì với nhau. Cái khoái lạc họ chờ đợi từ lâu đã không đến. Nam nhắc lại những kỷ niệm cũ, Tường cũng cố tô điểm cho những nhớ nhung không lấy gì làm nồng nàn. Dù cố gắng, cả hai đều thấy mình không tự nhiên.
Họ bằng lòng là cứ tạm thời sống riêng như lâu nay, chờ khi nào xin được nhà sẽ làm một bữa tiệc hợp thức hóa tại căn nhà mới, sau đó bắt đầu cuộc sống chung.
Giai đoạn chờ đợi có vẻ bình lặng, nhưng thật ra cả hai đều gặp những phiền lụy. Nhất là Tường. Về nhà cha mẹ hay xuống nhà Nam đều gặp chuyện không vui. Từ khi quá hạn mười ngày mà Ngữ không được về, rồi trong danh sách các tác giả tác phẩm bị cấm tàng trữ lưu hành, Ngữ rủi ro lọt vào mấy mươi tác giả có sách bị cấm toàn diện, mỗi lần về nhà Tường sợ đôi mắt sầu khổ và trách móc của Quỳnh Trang. Quỳnh Trang chạy đi hỏi đâu cũng gặp những câu hỏi trả lời ấm ớ, đọc giải thích trên báo lại càng lộn ruột, bao nhiêu uất hận không biết đổ cho ai, dồn hết cho ông anh. Có lần Tường giận quá, nạt em gái:
- Mình ngu bị lừa thì rán nhịn chứ kêu ca cái gì! Họ ra thông cáo bảo đem quần áo và lương thực đủ dùng trong mười ngày chứ có nói rõ là học tập trong mười ngày đâu. Bây giờ họ giải thích rõ rồi đó. Thời gian mười ngày đầu vì nhà nước chưa có phương tiện lo đời sống của cải tạo viên nên nhờ gia đình cải tạo viên lo giùm. Sau mười ngày đâu vào đó rồi, Nhà nước sẽ lo hết. Học tập tốt thì về, việc gì mà nhặng lên thế!
Quỳnh Trang mếu máo cãi lại:
- Chưa chi đã lừa người dân thì sau này nói gì ai tin nữa. Rõ ràng họ cố ý mập mờ để hốt hết sĩ quan cũ đi bỏ tù. Đây này, kế hoạch âm mưu rành rành ra đấy: ban đầu cho hạ sĩ quan và lính đi học có ba ngày rồi cho về. Sau đó bảo cấp lớn đi học ba mươi ngày, nộp l3.500 đồng tiền ăn. Mấy ông tướng ông tá chưa hết hạn ba mươi ngày thiên hạ chưa biết ất giáp ra sao, thì gọi tới cấp úy, cấp đông đảo nhất. Họ không dám giết hết sợ mang tiếng, nhưng tha xong lại tiếc, nghĩ mưu gom hết lại đem bỏ tù. Em biết thế này thì…
Tường hỏi gằn:
- Thì làm gì? Mày bảo nó trốn à?
Quỳnh Trang thút thít nói:
- …Thì em bới thêm đồ dùng cho anh ấy nhiều hơn. Em cứ tưởng mười ngày, bấy nhiêu cũng đủ.
Tường hết giận em, ganh với bạn. Từ đó, Tường thường tránh nhìn thẳng vào mắt Quỳnh Trang, hoặc nói chuyện riêng với em gái.
Xuống nhà Nam, Tường rất ngại gặp Lãng. Tường chỉ dám khuyên Quế nên xin làm công nhân viên bỏ hẳn việc buôn bán, nhưng không bao giờ Tường dám khuyên răn Lãng. Tường đã mất uy tín đối với Lãng, khi không can thiệp được để lấy sổ hộ khẩu cho gia đình vợ.
Gia đình bà Văn vào Sài gòn giữa tháng Ba, và mãi tới thượng tuần tháng Tư mới dọn xuống ở tại căn nhà thuê đường Dương Công Trừng. Khi các phường lập sổ hộ khẩu cho dân, Tường chạy xuống báo động cho gia đình bà Văn biết là bằng bất cứ giá nào phải xin cho được sổ hộ khẩu. Tường giải thích sổ hộ khẩu không phải chỉ là một chứng nhận cư trú như là sổ gia đình cũ. Đó là sinh mệnh chính trị, là quyền lợi, là mạng sống. Không có tên trong sổ hộ khẩu chẳng khác nào bị đẩy ra ngoài lề xã hội, từ đó làm cái gì cũng là bất hợp pháp. Một người có hộ khẩu thường trú tại Sài gòn có đời sống khác một trời một vực với người nhập hộ khẩu ở Phước tuy, Rạch giá.
Cả gia đình bà Văn nghe Tường nói, tuy chưa tin lắm nhưng cũng gật gù. Họ không có vẻ gì lo lắng. Ai cũng nghĩ Tường nhấn mạnh tầm mức quan trọng của sổ hộ khẩu chỉ vì sau đó Tường sẽ đứng ra lo liệu hết, đoạn đầu càng gian nan, thì đoạn kết càng rực rỡ.
Nhưng không! Tường không giúp được gì cả. Tường mặc quần áo bộ đội, mũ cối trên đầu, dép cao su dưới chân, vai mang cả túi vải nhỏ đúng kiểu cán bộ, thế mà mấy lần ra Phường lo xin làm hộ khẩu cho gia đình bà Văn đều thất bại.
Lãng và Quế phải ra tay. Gia đình được cấp một sổ tạm trú, và theo lời hứa, sau khi chủ hộ bổ túc thêm giấy tờ chứng nhận rằng họ không còn bà con ruộng đất gì ở Huế và Ninh hòa để trở về nguyên quán sản xuất, thì Phường sẽ cấp hộ khẩu thường trú chính thức. Lãng bằng lòng xén bớt số vốn giấu mẹ để chi phí trà nước, coi đây như là lần đầu tiên trả hiếu cho mẹ. Từ đó, gặp Tường lúc nào, ở đâu là Lãng nói thẳng những điều mình nghĩ, không gượng nhẹ tế nhị như mẹ và chị.
° ° °
Quỳnh Trang chăm lo buôn bán nên ít khi đọc báo. Nàng chỉ đọc được tên Ngữ trong danh sách các tác giả có sách bị cấm toàn diện nhờ vô tình gặp Tâm ngoài phố, và Tâm tỏ vẻ lo lắng giùm cho người bạn học lớn. Danh sách cấm tàng trữ lưu hành sách báo cũ được đăng nhiều kỳ trên tờ Sài gòn Giải phóng nên Quỳnh Trang phải tìm nhiều nơi mới tìm ra đoạn báo có tên chồng. Nàng cằn nhằn chất vấn anh, hỏi tại sao Tường làm việc ngay tại ban thanh lọc sách mà lại để cho chuyện đó xảy ra. Tường chối, bảo mình không phụ trách phần việc này, sau đó nói thêm đó chỉ là vấn đề thủ tục chẳng đặng đừng, không ảnh hưởng gì tới thời gian học tập của Ngữ.
Từ đó, Quỳnh Trang chăm đọc báo hơn. Nàng bắt gặp tên chồng trên một số bài, hoặc dẫn chứng một đoạn truyện của Ngữ, hoặc nêu tên trong một nhóm tác giả cũ. Những bài báo đó lại được Phòng Thông tin phường đem phát thanh cho cả khu phố nghe. Quỳnh Trang lo ngại dò xét phản ứng của hàng xóm. Cũng may nếp sống dân Sài gòn xưa nay là nhà nào chỉ lo nhà nấy, không ai biết cái ông trung úy cao gầy đi bỏ cà phê cho họ tên là Lê Đình Ngữ, người bị kê tên trên báo, đọc tên trên loa phóng thanh.
Nhưng mọi sự trở nên trầm trọng khi bài báo cáo của Tường tại hội nghị bị đem đăng lên báo. Bài viết ngắn vừa đăng trọn trong một kỳ, hai phần ba bài viết phân tích cặn kẽ nội dung các truyện ngắn của Ngữ, ở đầu bài và cuối bài có in tên người viết rõ ràng. Tường không còn chối cãi được nữa. Quỳnh Trang khóc rũ, giận quá sức nên nói thật lớn:
- Anh em trong nhà mà anh nỡ hại anh Ngữ như vậy à? Anh thù oán gì anh Ngữ? Ảnh có nói gì với anh là vì ỷ tình bạn, tình anh em, sao anh để tâm rồi viết hằn học như vậy?
Tường không biết trả lời thế nào, phải ngồi im chịu trận. Quỳnh Trang vừa khóc vừa nói những lời nặng nề khác, thề từ nay tuyệt tình anh em. Bà Thanh Tuyến thấy tình thế găng quá, vỗ vai con gái an ủi:
- Trang, con bình tĩnh lại đi. Anh con ở thế kẹt không làm không được nên phải viết như vậy. Me khổ lắm, thấy hai anh em nặng lời với nhau, me đứt ruột (bà Thanh Tuyến phải dừng lại vì nghẹn lời). Thầy me chỉ có ba con, một đứa đã lạc tận bên Mỹ rồi, hai đứa ở bên thầy me thì bây giờ thề không nhìn mặt nhau nữa.
Quỳnh Trang ôm mẹ khóc. Thằng Bình thấy ngoại và mẹ khóc, sợ quá cũng khóc theo. Tường buồn rầu nói:
- Anh biết thế nào cũng xảy ra chuyện hôm nay. Trang, em sẽ hiểu anh. Có ngày em sẽ hiểu anh. Anh cũng không sung sướng gì. Em thấy từ ngày anh về, có lúc nào anh được vui hồn nhiên đâu. Có những điều anh không thể giải thích cho em, vì có giải thích em cũng không hiểu. Phải chờ thời gian thôi. Anh nghĩ ngày đó không xa đâu. Có những điều em thấy mâu thuẫn, vô lý, khó hiểu. Rồi em sẽ hiểu. Làm cho em lo em buồn, anh chẳng vui gì. Nhưng anh muốn em hiểu cho là anh không có thù oán gì Ngữ hết, anh phục tài của Ngữ, anh quý lòng nhiệt thành của Ngữ, lòng chân thật của Ngữ. Anh vui khi nghe tin em lấy Ngữ. Mà Ngữ cũng nói với anh là nó may mắn lắm mới được em. Bây giờ anh chưa giải thích gì được. Chỉ mong em thông cảm cho anh.
Bà Thanh Tuyến nói:
- Anh mày đã hết lòng mới nói như vậy. Trang, con không nên giận. Dỗ cháu cho nó nín khóc đi. Bình, lại đây với ngoại. Để yên cho ngoại lau nước mắt nào! Tường, hôm nay không đi làm à?
- Dạ con sắp đi.
Bà Thanh Tuyến nhìn theo lưng Tường, thở dài:
- Thời thế đổi thay chi cho khổ vậy trời! Trang, con còn giận anh con nữa không?
Quỳnh Trang ngồi yên không nói. Một lúc sau, nàng lắc đầu.
° ° °
Cũng may là đúng giai đoạn gay go căng thẳng đó Tường được cấp nhà. Cơ quan cho Tường được lựa chọn: hoặc một căn nhà riêng của một người Hoa đã bỏ nước ra đi nằm trên đường Văn Điển Quang quận 11 dưới Chợ lớn, hoặc một căn phòng trong chung cư ở đường Công lý. Tường hớn hở, xem đây là cơ hội đầu tiên chứng tỏ thế giá của mình đối với cả hai gia đình.
Chàng lấy xe gắn máy chở Nam xuống Chợ lớn xem căn nhà biệt lập. Quế xúi Tường nên nhận căn nhà đó, vì ở Chợ lớn dễ buôn bán hơn. Lãng và Quỳnh Trang thản nhiên. Hai bà mẹ thì thầm mừng cho đôi trẻ, vì họ biết có nhà thì Tường và Nam sẽ sống chung, gây dựng lại gia đình, họ không còn phải hồi hộp áy náy trước tình trạng nhẩn nha ỡm ờ như lâu nay.
Nam và Tường đến liên hệ với Phường để xin xem căn nhà được cấp. Họ thất vọng ê chề. Chủ nhà trước đây làm nghề xoáy xi lanh máy nổ nên từ trước tới sau nhà đâu đâu cũng dính dầu mỡ và bụi sắt. Cái máy tiện ô dề nằm choán gần hết căn phòng giữa, con lạch nhỏ đắp trên nền xi măng dẫn nước rửa máy chảy ra sau bếp, luồn qua chỗ làm nơi chứa đồ, ăn và ngủ. Phòng trước ăn thông ra đường bằng một cánh cửa sắt nặng nề không sơn, cả nền lẫn tường xây gạch nhưng không tô xi măng và quét vôi. Những đồ gia dụng đều đã bị lấy trộm hết, đây đó vương vãi toàn giẻ lau máy và những hộp giấy rách.
Nam ngao ngán nhìn căn nhà, lắc đầu. Tường ngượng, nói:
- Chắc căn phòng trên đường Công lý khá hơn nhiều. Tòa building đó nghe nói trước đây cho tụi Mỹ độc thân thuê mà. Mỹ ở thì chắc tiện nghi khá hơn. Chỉ có điều anh không thích là phải sống chung với toàn dân làm văn nghệ.
Nam hỏi:
- Họ làm văn nghệ thì sống chung với họ vui hơn chứ?
Tường lắc đầu không nói gì.
Họ đi thăm căn phòng ở đường Công lý. Căn phòng này nằm ở lầu ba, thang máy không dùng được nên phải leo bậc cấp ba vòng mới tới tầng chót. Nhưng mở cửa phòng ra, cả hai đều vui mừng vì quả nhiên so với căn nhà vừa xem, căn phòng này sạch sẽ tiện nghi hơn nhiều. Tòa building được xây để cho người Mỹ thuê nên theo đúng tiêu chuẩn tiện nghi của nhà cửa bên Mỹ. Phần studio rộng ăn thông với bệ đặt bếp và bồn rửa chén, đối diện là phòng tắm có vòi sen, hai vòi nước lạnh và nóng riêng biệt. Nam mở thử vòi nước nóng thấy vòi này đã bị khóa, nhưng vòi nước lạnh còn hoạt động. Phòng ngủ hơi nhỏ nhưng cũng đủ đặt một cái giường đôi, cái bàn con, tủ đựng quần áo thì khỏi cần vì người ta đã xây tường thụt vào để làm chỗ móc quần áo và chứa đồ, khỏi phải bày choán lối đi. Nam nói:
- Mình đặt ở đây cái giường đôi. Còn ngoài kia sát cửa sổ mình mua một cái giường chiếc và cái bàn học cho con. Chỗ này đặt bộ xa lông. Họ xài bếp điện, mình chịu sao nổi tiền điện. Nấu bếp dầu hôi không biết có bị khói không.
Tường nói:
- Gần cửa sau chắc là khói bếp thoát ra được. Mình nên xin căn phòng này. Em lên cầu thang có bị mỏi đầu gối không?
Nam bóp nhẹ vào hai đầu gối, đáp:
- Mỏi. Nhưng em nghĩ đến lúc xuống để an ủi.
Nam mở cánh cửa gần bếp nhìn ra ngoài trời đo lường xem khói bếp có đường thoát hay không. Nàng hỏi vọng vào:
- Sao có mùi gì hôi hôi hở anh?
Tường nói:
- Chắc tại thùng rác ở dưới lầu.
Tường bước ra hành lang vịn lang cang sắt nhìn xuống đất, nói vọng vào cho Nam nghe:
- Khuân bàn ghế từ dưới lên đây chắc phờ người. Hôm dọn nhà chắc phải huy động bạn bè cho đông.
Nam đi xem xét lại bệ bếp, bồn rửa chén, cái nhìn quan sát trở nên tỉ mỉ thực tế hơn. Nàng gọi Tường vào, than:
- Sao không còn bóng điện nào cả.
Tường nhìn lên trần. Mấy ngọn đèn ai đã gỡ đi mất, chỉ còn những sợi dây điện bị bẻ ngoặt để tránh chạm điện ở chỗ trước đây là hai đầu ống đèn. Tường nói:
- Chắc hôm 30-4 tụi hôi của đã vào làm thịt chung cư này. Mình phải cho gắn đèn, rồi mới nối điện vào.
Nam chỉ lên một lỗ tròn trên trần nhà:
- Còn chỗ này chắc trước kia là cái quạt máy.
- Có lẽ thế. Nhưng cái máy điều hòa không khí vẫn còn kia. Chắc không phải quạt máy đâu.
Nam thắc mắc:
- Hình như căn phòng này đã có người ở rồi.
Tường nói:
- Dĩ nhiên là đã có người ở. Anh đã nói trước tụi Mỹ độc thân thuê ở đây mà.
- Không, em nói gần đây thôi. Người Việt. Nhà dọn sạch không còn thứ gì, nhưng em thấy trong phòng ngủ còn hai cái dây cột mùng. Mỹ nó đâu có nằm mùng.
Tường vỗ trán, nói:
- Ờ phải, có ông cán bộ vừa tìm được căn nhà biệt lập ở đường Nguyễn Du nên mới trống căn phòng này cho anh.
Nam hô hoán:
- Mà sao mấy cái ổ khóa cũng bị gỡ hết.
Tường nhìn lại mấy cánh cửa. Phải, họ vội vã nao nức muốn xem căn phòng được cấp nên từ đầu không lưu ý là căn phòng không có khóa, đẩy cửa là vào tự do. Tường nói:
- Thôi, anh hiểu ra rồi. Khi dọn đi, ông cán bộ đã gỡ hết quạt máy, bóng điện, ổ khóa mang theo.
Nam kinh ngạc hỏi:
- Làm như vậy đâu được. Nhà này là của công mà!
Tường cười:
- Không làm không được! Đó là cái vòng luẩn quẩn. Vì khi ổng tới nhận căn nhà kia, người ở trước cũng đã gỡ hết đèn đóm, khóa khiếc mang đi. Không gỡ ở đây để lắp ở đó thì tiền đâu mà mua. Đây là một bài học cho em đấy. Em bắt đầu sống theo nếp sống của gia đình cán bộ, còn phải học nhiều lắm.
Nam lo âu hỏi:
- Anh có tiền sắm đồ đạc không?
Tường đỏ mặt, lắc đầu, Nam nói:
- Để em mượn con Quế với thằng Lãng.
Tường nói, giọng yếu hơn:
- Nếu không đủ, anh sẽ hỏi mượn con Trang… à không, anh sẽ xin me.
Nam cảm động khi thấy Tường bối rối lúng túng. Nàng thấy lòng yên ả, yên tâm vì thấy Tường trở nên bình thường, gần gũi ở gọn trong tầm tay. Nam nghĩ: “Có lẽ mình đã mất cái bồng bột say đắm của tình yêu. Nhưng mình sắp có cái dung dị êm đềm của tình vợ chồng”. Nam hy vọng cuộc đời nàng được yên ổn từ đây!
° ° °
Bà Văn muốn “đám cưới” Nam và Tường tổ chức chung một lần với đám cưới Quế và Tân, nhưng Tường không chịu. Nam rất buồn. Tuy con Thúy đã lên mười, làm đám cưới mà con đầu lòng đã lớn sầm sầm như thế chỉ tổ cho những người xấu miệng xì xào chế giễu, nhưng Nam muốn mọi người thấy dù sao mình vẫn là một người vợ người mẹ bình thường, hợp thức. Những giấc mơ đẹp ấp ủ thời con gái (giấc mơ mặc áo “von” trắng cầm hoa để cho chàng dìu đi trên xác pháo, tiến tới cánh cửa phòng hợp cẩn, đôi tân lang tân giai nhân dừng lại trước cửa phòng kết hoa mỉm cười nhìn nhau, nàng quàng đôi tay mềm lên cổ chàng chờ đợi một nụ hôn say, nhưng chàng không hôn vội, ôm lấy tấm thân nhỏ nhắn trinh nguyên rồi nhấc bổng bồng lên tay, đưa chân đẩy cánh cửa mở lối vào hạnh phúc và khoái cảm), giấc mơ Nam mô phỏng theo tiểu thuyết và những phim tình cảm Tây phương, nàng biết không bao giờ mình thực hiện được. Nàng đã lỡ làng, sống cô quạnh và tủi nhục, mỗi lần những người mới quen hỏi đến cha con Thúy là mỗi lần Nam tủi thân. Nàng muốn có một cơ hội nào đó được mọi người công nhận mình là vợ Tường, một cơ hội có tính chất trang trọng, thiêng liêng chứ không phải chỉ là một buổi tối chè chén ồn ào hay gượng gạo.
Tường nại ra một vài cớ không mấy mạch lạc vững chãi, cuối cùng thú nhận rằng mình sợ bị làm mục tiêu chế nhạo, khích bác, mỉa mai trong những cuộc họp mặt gồm toàn bạn bè thân nhân người Huế. Tường đã trải qua kinh nghiệm chua xót đó. Những bực bội và bất hạnh của bạn bè thân nhân suốt mấy tháng nay, Tường biết quá rõ. Họ bị mất nhà, họ phải chờ cả ngày để xin một cái giấy chứng nhận, họ bị chị bán hàng ở cửa hàng mậu dịch mắng xối xả vào mặt, họ mua phải thứ gạo mốc đầy bông cỏ và sạn, họ bị mấy chú công an mặt mày non choẹt hống hách hành hạ tra hỏi, bấy nhiêu cái hận cái nhục của người thua cuộc, họ không biết giải tỏa làm sao, gặp Tường họ xổ hết ra. Họ biết chắc Tường sẽ không làm hại họ, Tường nhảy núi dẫn “tụi nó” về thì Tường phải lãnh trách nhiệm.
Nam nghe Tường tâm sự càng thương chồng hơn, bằng lòng đề nghị của Tường là chỉ nên tổ chức một bữa tiệc tân gia tại căn phòng đường Công lý, nhân tiện giới thiệu để Nam làm quen với những chị vợ cán bộ văn nghệ sĩ hoặc từ Hà nội vào hoặc từ trong rừng về. Đó là một thế giới xa lạ đối với Nam, mà bắt đầu từ đây Nam phải tiếp xúc, làm quen, hội nhập trọn vẹn vào đó.
Sự thay đổi nếp sống tạo cho Nam những phản ứng phức tạp. Nàng vừa bị phấn kích vì tò mò, lại vừa sợ bị lạc lõng. Cùng tầng lầu ba của chung cư có ba gia đình khác đã dọn tới trước gia đình Nam và Tường. Hai căn bỏ trống nằm phía bên trái cầu thang, vì chủ nhà vừa tìm được một căn nhà biệt lập yên tĩnh và nhiều tiện nghi hơn. Tường dẫn Nam qua làm quen với các “hàng xóm”.
Căn phòng ngoài cùng cửa sổ hông nhìn xuống những ngọn me cao đường Công lý là chỗ ở của gia đình một nhà thơ từ Bắc vào. Anh chồng tuổi vừa ba mươi, gốc bộ đội vừa được chuyển về làm báo Văn Nghệ. Sự nghiệp văn chương là một tập thơ in chung với một nhà thơ bộ đội khác (tập thơ mỏng chưa đủ một trăm trang, bìa vẽ đơn sơ, thơ in trên giấy xấu), một giải khuyến khích trong cuộc thi thơ phát động chiến dịch Trồng Cây Nhớ Bác, và những bài thơ in rải rác trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tuần báo Văn Nghệ. Chị vợ người Nam định, nghe lời chồng mạnh dạn bỏ cửa hàng mậu dịch huyện dẫn đứa con trai ba tuổi vào “thủ đô ngụy” sống bất hợp pháp nhưng hưởng được đôi chút “phồn vinh giả tạo” đế quốc Mỹ để lại, chuyện mưu sinh đến đâu hay đấy. Chị mập tròn, nói cười luôn miệng, gặp cái gì cũng tò mò hỏi cho ra gốc gác. Chị có một cách biện giải đơn giản để giải quyết mọi khó khăn. Khi Nam thắc mắc làm sao số lương bảy mươi đồng đủ để nuôi ba miệng ăn ở cái chỗ đắt đỏ nhiều nhu cầu này, chị vợ ông nhà thơ cười giòn, bảo:
- Ối giời, hơi đâu mà lo cho mệt! Đế quốc Mỹ dội bao nhiêu tấn bom lên đầu không chết, thì bây giờ hòa bình rồi chết làm sao được!
Vâng, quả thật chị vợ nhà thơ tinh nhạy trong việc tìm ra những cách sống. Chị hớn hở khoe với Nam:
- Em mới mua được hai chú lợn xinh xắn.
- Ông bà giàu ghê! Làm thơ mà cũng có tiền bỏ ống à?
- Chị hỏi gì thế?
Nam ngỡ ngàng, hỏi lại:
- Không phải chị vừa nói là vừa mua được hai con lợn đất đựng tiền tiết kiệm sao?
Chị vợ nhà thơ hiểu ra, cười ngặt ngoẽo:
- Không. Em mua hai con lợn thật cơ. Em đi một vòng thấy trong này họ phí lương thực quá. Cơm thừa, nước vo gạo, gốc rau muống họ vất hết. Thật phí của đời. Em đã liên hệ với họ rồi. Họ cho em gửi mỗi nhà một cái ống bơ, đồ ăn thừa họ cứ đổ hết vào ống bơ cho em, mỗi ngày em đạp xe thu về, thừa sức để nuôi lợn. Chị vào xem, giống lợn này tốt, da trắng có lang đen ở đầu. Nuôi lớn chắc phải to tướng như thế này này.
Nam theo chị chủ nhà đi ra phía sau. Chị vợ nhà thơ lấy tấm ván ép chận cửa phòng tắm lại. Hai chú lợn đang nằm lim dim trên nền gạch men phòng tắm. Nam lo âu hỏi:
- Thế anh chị tắm giặt ở đâu?
- Khi nào cần thì dắt chúng ra ngoài này.
- Nhưng còn phân lợn?
- Mình hốt đổ vào bồn cầu.
Nam hiểu vì sao khi mới tới thăm phòng, nàng ngửi thấy mùi khắm khi mở tấm cửa sau gần bếp.
Nam khen:
- Phải nhận các chị ngoài Bắc xoay xở khéo quá. Tụi em trong này không dám nghĩ tới chuyện nuôi heo trên lầu ba đâu.
Chị vợ nhà thơ không nhận ra giọng mỉa mai nhẹ nhàng của Nam, cười sung sướng trỏ cái máy điều hòa không khí:
- Còn cái máy này thì em cũng nghĩ ra cách dùng rồi. Hôm mới vào, em bảo anh Thắng đóng hết cửa lại mở máy lạnh ra xem sao. Kể ra tụi Mỹ nó sang thật. Mát dịu đến là! Anh Thắng ngại tốn điện nhà nước chỉ mở thử vài giờ rồi tắt, thằng bé nhà em khóc quá. Mùa này Sài gòn buổi trưa oi quá chị nhỉ? Em nhìn cái máy lạnh, nghĩ ngay tới chuyện làm nước đá để bán. Chị muốn hùn với em không? Mình thuê người ta làm máy nước đá, để bán ngay dưới đường cũng đắt khách chứ không cần mang đi đâu xa. Mình buôn bán vặt cải thiện bữa cơm gia đình, không phạm chính sách Nhà nước.
Cứ thế chị vợ anh nhà thơ thao thao bất tuyệt về các cơ hội “cải thiện bữa cơm gia đình”. Thành thật mà nói, Nam thấy bữa cơm gia đình của gia đình nhà thơ cũng cần “cải thiện” thật. Vợ chồng ăn uống ngon lành cười nói hớn hở nhưng trên cái mâm nhôm chỉ có dĩa rau muống luộc, bát nước rau và một chén xì dầu. Phần sang trọng nhất là soong cơm trắng không có độn. Thấy Nam nhìn mâm cơm, chị vợ anh nhà thơ hơi bị mặc cảm. Chị nói:
- Đất nước mình còn khó khăn, chị nhỉ!
° ° °
Căn phòng bên trái cửa thường đóng im ỉm suốt ngày, đêm khuya Nam nghe bên kia vách có tiếng chân người đi lại, tiếng đồ đạc bàn ghế xê dịch, tiếng những vật bằng kim khí rơi trên nền nhà tạo một âm thanh chói và trong, nhưng họa hoằn lắm Nam mới gặp chủ nhà, một người đàn ông trạc bốn mươi, thân hình ốm, tóc muối tiêu, ăn mặc xuề xòa và ít nói. Gặp Tường và Nam, ông ta chỉ khẽ gật đầu chào rồi đến tra chìa khóa vào ổ mở cửa, sau đó khép cửa lại, chứ không hề mời ai vào bên trong. Nam chưa hề thấy ông ta cười, hoặc nói lớn.
Tường cho biết ông này công tác tòa soạn ở tờ Sài gòn Giải phóng, lập gia đình muộn không có con cái gì và người vợ bị sốt rét ác tính đã từ trần năm 1973, lúc hai vợ chồng cùng ở trên rừng.
Tường cảnh giác Nam:
- Ông ấy khó tính lắm. Cái gì ông ấy cũng dở chủ trương chính sách của Nhà nước ra bắt bẻ, nên nếu có nói chuyện với ổng, em nên giữ gìn từng lời. Ổng sống khắc khổ và khép kín, lại không hề làm gì sai trái với chính sách chủ trương nên ai cũng sợ ổng. Những bài chửi rủa tàn dư Mỹ Ngụy gay gắt nhất đăng trên tờ Sài gòn Giải phóng là của ổng. Như bài ổng chửi tờ Tin Sáng đăng quảng cáo rao vặt em đọc hôm qua đó. Ổng lý luận đăng rao vặt là tiếp tay khuyến khích cho bọn xấu mua bán linh tinh, tiếp tay cho bọn tiểu thương phá rối lũng đoạn thị trường. Sau này em dự cuộc họp các hộ ở chung cư này, ổng có dạy gì thì em nhớ đừng cãi lại. Cứ để cho ổng nói. Đối với ổng, tốt hơn hết là em “kính nhi viễn chi”. Căn phòng của mình tương đối sạch sẽ hơn những căn còn lại nằm bên kia cầu thang nhưng còn bỏ trống là vì ai cũng ngán không dám ở bên cạnh ổng.
Nam nghe theo lời Tường dặn, từ đó về sau tránh nói chuyện với ông ta, và khi biết ông đã về phòng, nàng dặn con phải cẩn thận, đừng mở radio hay ca hát lớn tiếng.
Căn phòng duy nhất có người ở phía bên kia cầu thang thì ngược lại, lúc nào cửa lớn cửa sổ cũng mở rộng. Gia chủ là một nhà văn tuổi đã gần năm mươi thời trẻ theo kháng chiến nhưng sau hiệp định Genève không đi tập kết mà đem vợ con về sống tại Sài gòn. Vì sao ông không đi tập kết ra Bắc như một số bạn bè giờ đây trở về làm lớn ở các cơ quan văn hóa, thì có nhiều cách giải thích khác nhau. Ông Trang giải thích là hồi đó ông được chỉ thị phải ở lại để về Sài gòn phát động dòng văn chương yêu nước tiến bộ, và ông đã chịu đựng nhiều gian khổ để thực hiện công tác khó khăn này. Báo ông làm bị thua lỗ không cạnh tranh nổi với cách làm báo của những người di cư từ Bắc vào. Văn ông viết bị giới trẻ chê là quê mùa cổ lổ sĩ. Cảnh sát mật vụ theo dõi ông vì sách báo ông làm nhắc nhở hoài tới thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân vật chính nào cũng khinh chê bơ sữa thành thị và sẵn sàng nằm tầm vông vạt nhọn, thật đáng nghi. Ông bị bắt, bị giam ở Chí hòa, bị đày ra Côn đảo. Ông vượt ngục, móc nối được đường dây giao liên lên rừng. Ông Trang kể những gian khổ của mình, rồi cười to, uống một ngụm rượu đế, nói:
- Ở rừng, tụi nó chê tao viết chưa tới. Tao sợ giặc nên cứ nhai đi nhai lại cái màn tầm vông vạt nhọt hoài. Toàn bọn nói dóc!
Chính những người bị ông Trang chê là “bọn nói dóc” đó giải thích hoàn toàn khác về ông. Họ bảo hồi đó ông cũng được lệnh tập kết ra Bắc như họ, nhưng ông ngại xa cô vợ mới cưới nên tìm cách ở lại. Ông ở lại vì còn mang nặng đầu óc hưởng thụ tiểu tư sản chứ không phải ở lại vì nhận công tác lớn lao nào cả. Vì mặc cảm đào ngũ, về thành ông cũng có làm được một vài công tác văn hóa tương đối tốt. Nhưng nội dung tờ báo ông làm, những truyện ông viết chỉ dừng lại ở chỗ hô hào tinh thần yêu nước, bảo vệ giá trị đạo đức. Còn cái phận sự thiêng liêng của văn nghệ là tố cáo tội ác thực dân đế quốc và vận động nhân dân vùng-bị-tạm-chiếm nổi dậy phá ách kềm kẹp, thì ông Trang chưa làm được gì. Ông Trang có lần mượn rượu chửi xéo:
- Đù mẹ tụi nó giỏi thử ở Sài gòn để viết như vậy coi. Ở Hà nội viết sách chống Mỹ Diệm dễ ợt, thằng con nít cũng làm được, đừng có phách lối.
Bà vợ ông Trang cũng dân miền Nam, thuộc lớp gia đình khá giả vì trước khi lấy chồng đã được cha mẹ gởi lên Sài gòn học trường mấy bà phước, biết chữ Tây, giải trí bằng tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn. Hiện giờ thì cái vỏ thị thành chỉ còn sót lại trong cách ăn nói của bà mà thôi. Còn bề ngoài, từ cách bới tóc, vắt khăn rằn trên vai, cách đi đứng, bà giống hệt một bà già trầu miệt vườn.
Nam mừng vì có được một cô bạn Bắc xởi lởi và một bà má Nam kỳ mộc mạc. Nàng tránh xa không muốn dây vào những chuyện phức tạp của thế giới đàn ông.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương