You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7 - Dạo Trên Bãi Biển Thời Gian
iệu có thể kể về thời gian, chỉ về thời gian thôi, như một hiện tượng tự thân? Không, ý định ấy quả là gàn dở! Một câu chuyện được kể đại loại như: “Thời gian bay vèo qua, trôi tuột mất, dòng thời gian cuồn cuộn chảy” và cứ thế tiếp diễn - không ai có trí khôn lại đi gọi đó là chuyện kể. Làm thế cũng chẳng khác gì chơi một nốt nhạc hay một hợp âm suốt cả tiếng đồng hồ và gọi đó là âm nhạc. Bởi chuyện kể giống âm nhạc ở chỗ, nó rót nội dung vào thời gian, nó “lấp đầy” và “phân chia” thời gian, để thời gian “ít nhiều còn lưu lại chút dấu vết” và “mang một nội dung có ý nghĩa” - với lòng thành kính đau thương dành cho Joachim đã quá cố, xin trích dẫn lời chàng trong một dịp xa xưa, những lời nói mà âm hưởng của nó đã tắt ngấm từ lâu - lâu đến nỗi chúng tôi chẳng chắc độc giả có còn nhớ chàng nói ra khi nào nữa hay không. Thời gian là đặc tính của chuyện kể, cũng như nó từng là đặc tính của cuộc sống - hai điều ấy gắn bó mật thiết với nhau và không thể tách rời, cũng như vật thể trong không gian. Thời gian cũng là đặc tính của âm nhạc, đồng thời âm nhạc có chức năng đo đếm và phân chia thời gian, làm cho thời gian bớt dài dằng dặc, trở nên lý thú và quý báu: như đã nói, ở đây tồn tại sự tương đồng giữa âm nhạc và chuyện kể, vì, khác với một tác phẩm nghệ thuật tạo hình chỉ làm nổi bật lên hình ảnh một khoảnh khắc trong hiện tại và là một vật thể gắn liền với thời gian, một câu chuyện kể - giống như âm nhạc - phải được thể hiện liền một mạch gồm nhiều đoạn tuần tự nối tiếp nhau, ngay cả khi nó tìm cách bộc lộ mình một cách trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và chiếm toàn bộ thời gian vào mục đích ấy[405].
Điều đó đã rõ như lòng bàn tay. Nhưng có một điều cũng rõ ràng không kém, đó là giữa âm nhạc và chuyện kể tồn tại một điểm khác biệt căn bản. Yếu tố thời gian trong âm nhạc mang đặc tính đơn: đó là một đoạn thời gian của con người trên mặt đất, trong đó con người bày tỏ tâm tư, làm cho nó trở nên có ý nghĩa và cao quý. Một câu chuyện thì khác, nó có tới hai thời gian: thứ nhất là thời gian của nó, giống như thời gian âm nhạc, thời gian thực tế, được quy định bởi trình tự và hình thức kể chuyện; thứ hai là thời gian trong nội dung câu chuyện, rất tương đối và có thước đo khác hẳn. Thời gian hư cấu của câu chuyện có thể gần như hoặc thậm chí hoàn toàn trùng lặp với thời gian thực, thời gian âm nhạc, nhưng cũng có thể cách xa một trời một vực. Một bản nhạc có tên Valse năm phút kéo dài năm phút - ở đây chứ không đâu khác tồn tại mối quan hệ của nó với thời gian. Nhưng một câu chuyện với nội dung bao gồm một khoảng thời gian năm phút lại rất có thể dài gấp ngàn lần, nhờ vào sự tận tụy của người kể chuyện khi cố gắng lấp đầy khoảng thời gian năm phút nội dung này - và đồng thời vẫn rất lý thú mặc dù thời gian kể chuyện có thể bảo rằng dài dòng đến phát chán so với thời gian hư cấu của câu chuyện. Mặt khác, một cách đảo lộn, thời gian trong nội dung câu chuyện cũng có thể vượt quá mọi hạn lệ - chúng tôi nói rằng “một cách đảo lộn” là để chỉ tính ảo hay nói trắng ra là tính bệnh hoạn của thời gian, yếu tố chủ đạo trong trường hợp này: chúng tôi muốn nói đến trường hợp câu chuyện sử dụng một phép màu đóng kín như cái chai gắn con dấu niêm phong của thần Hermes và một phối cảnh thời gian quá lệch lạc, gợi nhớ đến những kinh nghiệm thực tế bất bình thường theo nghĩa siêu nhiên. Có nhiều tài liệu ghi lại lời kể của những người hút thuốc phiện, trong một khoảnh khắc say thuốc ngắn ngủi họ đã trải qua những giấc mơ có nội dung kéo dài tới mười, ba mươi hay sáu mươi năm, hay thậm chí vượt quá nhận thức thời gian của con người - tức là những giấc mơ mà thời gian hư cấu của nó dài gấp bội thời gian thực tế, trong đó tồn tại một sự rút ngắn trải nghiệm thời gian đến mức bệnh hoạn, mất tự nhiên, các hình ảnh dồn dập hiện ra với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, hay theo lời một người hút cần sa ví von: trong lúc phê bộ óc anh ta như “bị lấy mất cái gì, như cái đồng hồ hỏng lò xo”[406].
Tương tự như những giấc mơ tội lỗi này, câu chuyện có thể diễn ra với thời gian, và cũng tương tự như thế, nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian. Vì nó có thể “làm thay đổi” thời gian nên thời gian, được coi như là một đặc tính của chuyện kể, cũng có thể trở thành đối tượng của câu chuyện; và như thế, nếu không sợ quá lời thì có thể bảo rằng người ta rất có thể “kể về thời gian”. Vậy ra muốn kể về thời gian hoàn toàn không phải là một ý định gàn dở như nhận định ban đầu của chúng tôi, và cái tên “tiểu thuyết thời gian” ngẫm cho kỹ lại có vẻ nước đôi, mơ mộng lạ lùng. Kỳ thực chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu có thể kể về thời gian không chỉ để thú nhận rằng, bản thân chúng tôi đúng là ấp ủ dự định này với câu chuyện đang được kể hầu quý vị đây. Và nếu như câu hỏi tiếp theo được đặt ra, liệu những người quây quần nghe chuyện có nhận thức rõ được rằng, bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ khi chàng Joachim trung hậu đã quá cố trong một câu chuyện phiếm ngày xưa đưa ra nhận xét về âm nhạc và thời gian (cần phải nói thêm rằng đó có lẽ là kết quả của một quá trình nâng cấp giả kim thuật trong cơ thể chàng, vì những nhận xét kiểu này thực tình không ăn nhập gì với bản chất trung hậu của chàng) - thì chúng tôi có lẽ cũng không quá bất bình với câu trả lời chung rằng chẳng ai còn nhớ đến chuyện ấy nữa. Không những không bất bình mà thậm chí chúng tôi còn có thể hài lòng vì một lẽ đơn giản, đưa được độc giả tham dự vào những trải nghiệm của nhân vật chính đã là một thành công lớn của chúng tôi, và nhân vật chính của chúng ta, Hans Castorp, đã từ lâu rồi chẳng còn dám chắc điều này. Đó cũng là đặc điểm câu chuyện của chàng, một tiểu thuyết thời gian.
Joachim đã ở trên này với chàng bao lâu rồi mới tự tiện xuống đồng bằng, hay nói cách khác, chuyến đi trái phép của Joachim diễn ra vào thời điểm nào trong cuốn lịch, rồi sau đó chàng đã vắng mặt bao lâu và trở lại khi nào; và bản thân Hans Castorp đã ở đây bao lâu cho tới lúc anh họ chàng quay về để rồi vĩnh viễn ra khỏi thời gian; hay nếu thôi đừng động tới Joachim trung hậu thì Madame Chauchat vắng mặt đã bao lâu, và từ khi nào cô ta quay trở lại (vì cô nàng đã quay trở lại), bao nhiêu thời giờ trên mặt đất, chỉ cần tính số năm thôi, Hans Castorp đã trải qua ở ‘Sơn trang’ cho đến lúc cô ta trở về: tất cả những câu hỏi ấy không ai đặt ra cho chàng, bản thân chàng cũng không bao giờ tự đặt ra cho mình, bởi đó là điều chàng e sợ và tránh né; nhưng nếu như có ai hỏi thì hẳn chàng sẽ ngẩn người gõ gõ ngón tay lên trán và không biết phải trả lời ra sao - một hiện tượng không kém phần đáng ngại, như cảm giác bất lực của chàng trong buổi tối đầu tiên bước chân lên đây khi bị ông Settembrini hỏi tuổi, đúng thế, về mặt này chàng càng ngày càng tệ, vì bây giờ chàng thực sự không biết mình bao nhiêu tuổi nữa!
Nghe thì có vẻ khó tin, nhưng thực ra chuyện ấy không có gì là vô lý hay khó hiểu, trong những hoàn cảnh nhất định mỗi chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp phải: khi ấy không gì có thể giúp chúng ta khỏi sa lầy vào sự vô ý thức tuyệt đối về thời gian và về tuổi tác của chúng ta. Hiện tượng ấy xảy ra có lẽ bởi trong cơ thể chúng ta thiếu mất một bộ phận đo đếm thời gian, khiến cho chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự xác định tốc độ dòng thời gian một cách tương đối chính xác nếu không căn cứ vào các cột mốc bên ngoài. Những người thợ mỏ bị sập hầm lò không biết đâu là ngày đâu là đêm, khi được cứu thoát cứ tưởng thời gian chờ đợi đầy hy vọng và tuyệt vọng của mình dưới lòng đất chỉ có ba ngày. Trong thực tế đó là mười ngày. Người ta có thể bảo, lẽ ra trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy họ phải cảm thấy thời gian dài dằng dặc mới phải chứ. Vậy mà theo đánh giá của họ nó đã rút lại chỉ còn chưa đến một phần ba độ dài khách quan. Có vẻ như trong những điều kiện rối loạn thất thường con người cảm thấy bất lực và hay thiên về hướng đặc biệt rút ngắn thời gian hơn là đánh giá quá cao độ dài của nó.
Dĩ nhiên không ai chối cãi một điều rằng, Hans Castorp, nếu chàng muốn, chỉ cần vài phép tính đơn giản là có thể thoát ngay ra khỏi tình trạng không minh bạch ấy một cách chẳng khó khăn gì, cũng như quý độc giả, với một chút cố gắng có thể làm sáng rõ tình hình, nếu sự mơ hồ rối trí của chàng không vừa ý họ. Về phần Hans Castorp, có lẽ bản thân chàng cũng không sung sướng gì đâu, có lẽ chàng cũng áy náy vì chẳng chịu bỏ công tìm cách thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ ấy và làm sáng tỏ vấn đề, để biết từ khi ở trên này chàng đã thêm mấy cái xuân xanh; nhưng một sự ngại ngần phát xuất tự lương tâm đã ngăn cản chàng làm việc đó - mặc dù lẽ ra không thèm đếm xỉa đến thời gian phải gọi là sự vô lương tâm tệ hại nhất mới đúng.
Chúng tôi không biết có nên coi đó là một yếu tố thanh minh cho Hans Castorp hay không, vì mọi sự diễn ra quá thuận lợi cho sự thiếu thiện chí - nếu không muốn nói là ác ý - của chàng. Khi Madame Chauchat quay trở lại (khác hẳn mọi trông đợi trong những giấc mơ của Hans Castorp - nhưng giờ nào việc ấy, đến lúc đó chúng tôi sẽ kể hầu quý vị), trên này người ta đã vào mùa vọng và ngày ngắn nhất trong năm, ngày lập đông theo thiên văn lịch, đã lại ngấp nghé ngoài ngưỡng cửa. Nhưng trên thực tế, nếu không tính đến những quy ước lý thuyết mà chỉ bằng vào lượng tuyết băng ngoài trời thì có Chúa mới biết mùa đông đã ngự trị ở đây từ bao lâu rồi, đúng thế, như thường lệ mùa đông chỉ bị ngắt quãng một cách tạm thời bởi những ngày hè rực rỡ với bầu trời xanh thăm thẳm, sâu hun hút nhìn lâu tối sầm như ngả sang đen - thật ra những ngày hè ngắn ngủi như vậy hoàn toàn có thể xuất hiện giữa mùa đông, nếu ta cố ý không tính đến những đống tuyết ngổn ngang trên mặt đất - và những đống tuyết ấy đôi khi cũng trút xuống cả trong những tháng hè. Đã bao lần Hans Castorp và Joachim quá cố trò chuyện cùng nhau về sự hỗn loạn này, nó trộn nháo nhào cả bốn mùa, cướp đi sự phân chia rạch ròi các phần của một năm và làm cho thời gian đang dài trở nên ngắn hay cũng có thể đang ngắn trở nên dài, khiến cho, theo một nhận xét đầy chán ghét của Joachim quá cố, không thể gọi cái mớ hổ lốn ấy là thời gian được nữa. Cái được trộn vào với nhau trong sự hỗn độn này, theo cảm tính hay tùy tâm trạng có thể gọi là ‘vẫn còn’ hay ‘đã lại’ - một mớ bòng bong rối ren kinh khủng, làm người ta ngẩn ngơ như bị bỏ bùa, mà sự cám dỗ vô đạo đức của nó Hans Castorp đã được nếm mùi ngay từ ngày đầu tiên ở trên này, khi tham dự năm bữa ăn thịnh soạn trong gian phòng rộng với những hình vẽ dập khuôn ngộ nghĩnh, ngay từ ngày ấy cơn choáng váng đầu tiên - mặc dù còn tương đối vô tội - đã ập đến xâm chiếm lấy chàng.
Từ đó về sau sự đánh lừa cảm giác và lý trí ở chàng đã tăng lên vượt bậc. Thời gian, dù cho vai trò của nó theo cảm tính chủ quan bị hạ thấp hay được nâng cao mặc lòng, vẫn hiện hữu một cách cụ thể, chừng nào nó biểu lộ qua sự kiện, chừng nào có cái gì đó ‘diễn ra’. Đây là một đề tài dành cho các nhà tư tưởng chuyên nghiệp - và Hans Castorp chỉ có mỗi một lần, do tính ngông cuồng của tuổi trẻ, dám đề cập tới - đó là khi chàng hỏi, liệu những cái lọ thủy tinh đóng kín trên giá để thực phẩm dự trữ có đứng ngoài thời gian không[407]. Chúng ta biết rằng thời gian đã thực hiện kỳ công của nó trong trường hợp thất miên tử[408]. Một vị bác sĩ chứng thực một ca lạ lùng, trong đó một bé gái mười hai tuổi rơi vào giấc ngủ kéo dài mười ba năm trời - tuy nhiên trong thời gian ấy cô bé không ở mãi tuổi mười hai mà đã phát triển thành một phụ nữ sung mãn. Làm sao có thể khác được. Người chết đã chết và lìa bỏ cõi đời; anh ta có vô khối thời gian, hay nói cách khác, anh ta không có thời gian. Điều đó không ngăn cản móng tay móng chân và tóc anh ta vẫn tiếp tục mọc dài ra - ở đây chúng tôi không có ý định nhắc lại nhận xét có phần khiếm nhã của Hans Castorp về hiện tượng này khiến Joachim, cảm thấy giá trị đạo đức dưới đồng bằng bị động chạm, phải lên tiếng trách. Cả tóc và móng tay móng chân của Hans Castorp cũng mọc dài ra, mà mọc rất nhanh. Chàng thường xuyên phải khoác lên vai tấm vải trắng ngồi vào chiếc ghế của tiệm hớt tóc trên phố chính bên ‘Làng’ để được sửa sang mái tóc đã lại trùm tai. Chàng ngồi đó tán dăm ba câu vu vơ với gã thợ cắt tóc lắm lời ưa nịnh, để mặc cho gã trổ tài trên mái tóc mình sau khi thời gian đã làm công việc của nó. Hoặc chàng đứng bên khung cửa mở ra ban công hì hục cắt cắt giũa giũa móng tay bằng những món đồ xinh xẻo lấy ra từ cái hộp bọc nhung rất đẹp - những lúc ấy thường có một cơn choáng váng đột ngột trào lên xuyên suốt người chàng, một cảm giác lẫn lộn giữa kinh sợ và tò mò thích thú, và cảm giác choáng váng ở đây đúng theo cả hai nghĩa của từ này: vừa mất thăng bằng vừa mất sáng suốt, không còn khả năng phân biệt giữa ‘vẫn còn’ và ‘đã lại’, hai trạng thái mà sự hòa trộn và xóa nhòa ranh giới giữa chúng làm nên sự vĩnh cửu không thời gian.
Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định mình không có ý tô vẽ cho Hans Castorp tốt hơn mà cũng không muốn nói về chàng xấu hơn trong thực tế, cho nên chúng tôi không thể ỉm đi chuyện chàng bỗng nảy sinh lòng ham thích đáng chê trách đối với những tưởng tượng về cõi âm, và thậm chí còn cố tình chủ động gợi chúng lên trong đầu, mặc dù sau đó cũng thường cố gắng theo hướng ngược lại để chuộc tội. Chàng có thể ngồi lặng hồi lâu với chiếc đồng hồ mở nắp trên tay - vẫn chiếc đồng hồ quả quýt tròn dẹt vỏ vàng, nắp chạm hai chữ cái đầu tên chàng - và chăm chú nhìn vào mặt sứ vẽ hai vòng chữ số A Rập đen đỏ, trên đó cặp kim giờ kim phút bằng vàng dát chầm chậm chạy theo nhau và vượt qua nhau, trong khi cây kim giây ốm nhách bận rộn nhích những bước hối hả quanh vòng tròn nhỏ của nó. Hans Castorp không rời mắt khỏi cây kim này, để trì hoãn và kéo dài dù chỉ trong khoảnh khắc, để nắm đuôi thời gian và giữ chân nó lại giây lát. Cây kim nhỏ xíu chạy lon ton trên con đường của mình, không đếm xỉa tới những con số nó chạy tới, chạm vào, vượt qua, bỏ lại đằng sau, bỏ lại rất xa, lại chạy tới và lại chạm vào. Nó hoàn toàn vô cảm trước những cái đích thời gian, những đoạn đường, những cột mốc. Lẽ ra tới số sáu mươi nó cũng có thể chựng lại một chút hay chí ít cũng nên tỏ một tí ti dấu hiệu là ở đây có một quá trình vừa mới hoàn thành. Nhưng không, bằng vào cái cách nó nhanh chóng lướt qua, chẳng khác gì khi chạy qua những cái vạch nhỏ không đánh số, người ta hiểu rằng những sự đánh số và chia đoạn trên đường đi không đáng để nó quan tâm, nó chỉ biết có chạy, chạy hoài, chạy mãi... Hans Castorp nhét cái sản phẩm tinh vi của xưởng thủy tinh kia vào lại túi áo gi lê và để mặc thời gian với dòng trôi của nó.
Biết nói thế nào để những đầu óc chất phác dưới đồng bằng hiểu được các thay đổi diễn ra với quỹ thời gian trong nội tâm nhân vật phiêu lưu trẻ tuổi của chúng ta? Thước đo thời gian của chàng dài ra đến chóng mặt. Với một chút nhân nhượng chàng dễ dàng đánh đổi hiện thực với hôm qua, hôm kia hay trước nữa, những ngày đối với chàng giống hệt nhau như những giọt nước, ngày nào cũng như ngày nào, và nếu đã không thể phân biệt được thì hiện tại của ngày hôm nay có lẽ cũng chẳng khác gì của những ngày diễn ra trước đó một tháng hay một năm, rốt cuộc tất cả nhòa nhạt hòa lẫn vào nhau thành vĩnh cửu. Tuy nhiên theo truyền thống cái ‘vẫn còn’ và ‘đã lại’ và ‘sẽ tới’ tiếp tục tồn tại riêng biệt trong nhận thức, nên người ta dễ ngả theo một cám dỗ âm thầm biến đổi những tiêu chuẩn phân biệt ‘hôm nay’ với quá khứ và tương lai, tức là với ‘hôm qua’ và ‘ngày mai’, nới rộng phạm vi ý nghĩa của chúng và áp dụng cho chúng một thước đo giãn dài đến mức đáng sợ. Một cách đơn giản xin hãy hình dung ra những sinh vật ở trên một hành tinh nhỏ hơn trái đất của chúng ta, đối với quỹ thời gian tí hon và cuộc đời ‘ngắn ngủi’ của chúng thì những bước chạy gấp gáp của chiếc kim giây hẳn cũng chậm chạp và tiết kiệm đường như chiếc kim giờ đối với chúng ta. Nhưng đồng thời ta cũng phải hình dung rằng, không gian của chúng gắn liền với thời gian có bước tiến khổng lồ, khiến cho các khái niệm phân biệt ‘vẫn còn tiếp diễn’ và ‘vượt qua một chút’, của ‘hôm qua’ và ‘ngày mai’ trong nhận thức của chúng đạt tới một sự mở rộng có ý nghĩa áp đảo. Đó không chỉ là một khả năng, mà theo ý chúng tôi đánh giá một cách rộng rãi theo tinh thần tương đối luận và theo châm ngôn “nhập gia tùy tục” thì điều đó hoàn toàn có thể coi là hợp lý, hợp tình và đáng coi trọng. Nhưng biết nghĩ thế nào đây về một đứa con của trái đất, nhất là còn ở trong độ tuổi mà một ngày, một tuần, một tháng hay một học kỳ đáng lý ra phải đóng một vai trò rất quan trọng, mang lại rất nhiều thay đổi và tiến bộ trong cuộc đời - một ngày kia bỗng nhiễm thói quen xấu, hay có thể bảo rằng đôi khi dễ dãi nhượng bộ một ham muốn nguy hiểm, đáng lẽ phải nói “năm ngoái” thì lại bảo là “hôm qua” và dùng từ “ngày mai” thay cho “một năm nữa”? Rõ ràng ở đây có một sự “lầm lạc và rối trí” và do đó rất nên lo lắng.
Trong đời người trên trái đất có một tình huống với phong cảnh tương ứng (nếu như có thể dùng từ “phong cảnh” cho những gì diễn ra trong óc chúng ta), trong đó sự hòa trộn và xóa nhòa khoảng cách không gian-thời gian, biến tất cả thành một khối đơn điệu đến chóng mặt, ở một mức độ nào đó được chấp nhận cả về trí tuệ lẫn tinh thần, và việc ngụp lặn vào trong sự màu nhiệm của hiện tượng này, giả sử như trong khi nghỉ mát, ít nhất cũng không bị coi là tội lỗi. Chúng tôi muốn đơn cử hình ảnh một cuộc dạo chơi trên bãi biển - một hình dung rất được Hans Castorp hoan nghênh, vì như chúng ta đã biết, những lúc vất vả lội trong tuyết trắng trập trùng chàng vẫn thường cảm thấy ấm lòng khi nhớ về phong cảnh những đụn cát quê nhà. Và chúng tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm sống và ký ức của quý độc giả sẽ không phụ lòng chúng tôi khi chọn hình ảnh một cuộc dạo chơi bên bờ biển để diễn tả cảm giác mất mát kỳ lạ đối với thời gian. Bạn đi, đi mãi... bạn đi mà biết rằng mình không bao giờ về nhà đúng giờ được, vì bạn là thời gian và đã đánh mất thời gian. Ôi biển cả bao la, chúng ta ngồi đây xa cách nghìn trùng kể câu chuyện của mình, nhưng vẫn hướng tất cả tâm tư tình cảm về ngươi, cất lời khẩn cầu tha thiết nhất mong có sự hiện diện của ngươi trong câu chuyện của chúng ta, như ngươi vẫn đã, đang và sẽ âm thầm hiện diện ở đó... Hoang mạc rì rầm tiếng sóng, bên trên là bầu trời xám bạc, làn không khí ẩm ướt mặn mòi để lại vị muối đắng chát môi ta. Ta cứ đi, đi mãi trên nền cát êm êm rải rác rong rêu và vỏ sò vỏ ốc, quấn quít bên tai làn gió nhẹ, rộng rãi và khoáng đạt, tự do không ràng buộc, không nham hiểm quẩn quanh, vượt không gian mênh mông tới mơn man ru ngủ các giác quan ta. Ta bước, bước mãi, những lưỡi sóng len lén bò vào liếm chân ta rồi lại rút nhanh ra biển. Sóng lừng sôi sục, ầm ì, dựng lên cuồn cuộn nối đuôi nhau vỗ vào bãi cát thoai thoải mềm như lụa - đây một con sóng, kia một con sóng, và cả ở những đụn cát ngoài xa, tiếng gầm hoang dã đều đều không dứt của chúng tràn ngập tai ta, không cho những âm thanh khác của cuộc đời lọt vào. Ta cố tình quên đi tất cả, chỉ giữ lại một niềm hạnh phúc thẳm sâu... Khép chặt hàng mi ta đắm mình trong cõi vĩnh hằng! Ô không, nhìn kìa, ngoài xa giữa đám bọt tung lên xanh xám, mất hút nơi chân trời ngắn, ở đó thấp thoáng một cánh buồm. Ở đó? Ở đó là ở đâu? Bao xa? Bao gần? Bạn không biết. Nó mơ hồ lẩn tránh năng lực đánh giá của bạn. Để có thể biết con tàu ấy cách bờ bao xa bạn cần biết thân tàu bao lớn. Một con tàu nhỏ ở gần hay một con tàu lớn ở xa? Mắt bạn mờ đi không chắc chắn, vì trong bạn không có cơ quan bộ phận nào giúp bạn đo khoảng không gian vời vợi kia... Ta cứ đi, đi mãi - ta đi đã bao lâu rồi? Bao xa? Chẳng biết. Chẳng có gì thay đổi sau mỗi bước ta đi, ở đó cũng như ở đây, trước đó cũng như bây giờ và lát nữa; thời gian chết đuối trong cái đơn điệu vô biên của không gian, chuyển động từ điểm này đến điểm khác không còn là chuyển động nữa khi sự đơn điệu thống trị khắp nơi; và ở đâu chuyển động không còn là chuyển động, ở đó không có thời gian.
Các học giả thời Trung cổ cho rằng, thời gian chỉ là ảo tưởng, vòng quay nhân quả của nó chỉ là sản phẩm do các giác quan của chúng ta tạo ra và chân giá trị của sự vật nằm trong hiện tại bất biến. Có phải nhà bác học đầu tiên đã nảy ra ý nghĩ ấy trong đầu khi đang dạo chơi trên bãi biển, vị đắng vĩnh hằng đọng trên môi? Chúng tôi phải nhắc lại rằng, tất cả những điều chúng tôi vừa nói chỉ được chấp nhận trong kỳ nghỉ mát, là những suy tưởng an nhàn khi trà dư tửu hậu có thể mau chóng làm chán ngán một trí tuệ sáng suốt, như một người đàn ông cường tráng chán cảnh nằm ườn trong cát nóng. Phê phán phương tiện và khả năng nhận thức của con người, đặt vấn đề nghi vấn tính hợp thức của nó, đó là một việc làm ngông cuồng, thực thế, thậm chí thù địch với cuộc sống, một khi việc làm ấy không giúp ta vạch ra giới hạn mà lý trí không thể vượt qua nếu không mắc tội lơ là nhiệm vụ của chính mình. Chúng tôi chỉ có thể biết ơn một người như ông Settembrini, con người sư phạm với quyết tâm mở mắt cho anh chàng trẻ tuổi mà số phận đang là mối quan tâm chính của chúng tôi, tên đệ tử đôi khi được ông nhẹ nhàng châm biếm gọi là “học sinh cá biệt của trường đời”, vạch ra cho chàng ta thấy rằng siêu hình chính là “cái ác”. Và chúng tôi vô cùng trân trọng tưởng nhớ đến một người đã khuất từng chiếm được lòng thương mến của chúng tôi, khi phát biểu rằng, ý nghĩa, mục tiêu và phương tiện của nguyên tắc phê bình chỉ có thể và chỉ được phép là một điều này thôi: đó là ý thức trách nhiệm làm theo mệnh lệnh của cuộc sống. Đúng thế, khi vạch ra ranh giới cho lý trí, các quy luật của cuộc sống đã cắm lên ranh giới này một ngọn cờ và tuyên bố: nghĩa vụ của con người là chiến đấu dưới ngọn cờ ấy. Chúng tôi cũng có thể đặt vào đĩa cân biện hộ cho chàng trẻ tuổi Hans Castorp thêm một điều này, coi đó như là nguyên nhân làm gia tăng lòng say mê tội lỗi chàng dành cho cõi vĩnh hằng và cách sử dụng thời gian rất đáng chê trách của chàng, đó là cái mà một kẻ lộng ngôn trầm cảm gọi là thói “hăng tiết vịt” đã dẫn đến kết cục tử vong cho anh họ chàng, người lính trẻ Joachim.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần