Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
Chuyện Linh Và Lucy
L
inh hay là Lucy? Khánh hay Chris? Phạm Thi Nguyệt Nhung hay Tizzie Lulu Pham?
Tôi tính hai trường hợp mà người Việt đi nước ngoài nên đổi tên khác: tên mình có ý nghĩa xấu trong ngôn ngữ của người ta,và tên mình khó phát âm quá - dù muốn cuốn đến mấy nhưng lưỡi của người ta không liếm được các nguyên và phụ âm đó.
Một anh tên Chiến sắp đi du học ở Pháp nên đổi tên. Trong tiếng Pháp, “chien” có nghĩa là “chó” - “Je m’apelle Chien” (“Tôi tên chó”) là cách giới thiệu chỉ phù hợp với ca sĩ hát rap.
Còn hai tên Dung và Dũng có vấn đề ở Anh. Theo cách đọc của tiếng Anh, cả hai sẽ thành phát âm là “Đăng”, ý nghĩa là “phân”. Kể cả ca sĩ hát rap cũng không có người nào tên Phân cả.
Hai tên Phước và Phức cũng hơi “phức tạp”. Ví dụ, bạn là cô gái Sài Gòn đang yêu một anh Việt kiều ở Mỹ. Anh ấy tên thật là Phước nhựng bạn bè toàn gọi anh ấy bằng tên tiếng Anh là Peter. Một hôm hai người cãi nhau máu lửa qua điện thoại. Peter tắt máy, tức giận. Cảm thấy mình có lỗi, bạn sáng tác thư tình bằng tiếng Việt (để tăng độ tình cảm), gọi điện lại anh ấy, đọc cho anh ấy nghe.
Peter. Phước yêu... Alô? Alô, anh còn đó không?
Bên cạnh nguy cơ người ta hiểu không đúng, có nguy cơ khủng khiếp hơn là người ta phát âm không nổi
What’s your name?
I’m Nguyệt.
Nờ'gu-yệt?
No> no. Nguyệt
Nơ-goẹt?
Nguyệt.
Nguy-y-hệt?
Actually it’s Jane.
Với nhiều người Tây, buộc dây giày bằng lưỡi sẽ dễ hơn phát âm tên Nguyệt. Đó không phải lỗi tại ai; đơn giản tên đó kết hợp những âm khó nói nhất trong một diện tích nhỏ. Một vấn đề nữa là sự mất đi của phát âm đặc trưng. Ba tên Hùng, Hưng và Hương thường bị nói là “Hoong” hết. Một bạn tên Hùng sang Tây một mình chắc không sao, nhưng sang cùng bạn Hương và bạn Hưng thì... “Hey, Hoong!” Sếp kêu, khiến cả ba người phải nhìn nhau, nhìn sếp, rồi nhìn nhau một lần nữa.
Tuy nhiên, đa số tên Việt Nam không có ý nghĩa xấu, cách phát âm bất khả thi trong tiếng nước ngoài; đổi hay không là sự quyết định “tùy thích”. Bạn thích được gọi bằng Linh hay Lucy? Không phải bạn chấp nhận tên Lucy, bạn đồng ý tên Linh, mà bạn thích tên nào hơn?
Tôi có nhiều bạn Việt Nam đi nước ngoài và đổi tên thành công. Họ cảm thấy tên mới của mình (những Mike, Linda, Sam.) giúp mình hòa nhập với cuộc sống, thêm bạn, thêm vui. Tôi cũng có nhiều bạn nước ngoài sang Việt Nam và đổi tên thành công (những Duy, Khải, Cường). Họ không thiếu lời mời đi uống bia hơi.
Thêm vào đó, nhiều người cho rằng muốn thành công ở các lĩnh vực sáng sủa toàn cầu như điện ảnh Hollywood thì phải có tên tiếng Anh. Michelle Yeoh (Dương Tử Quỳnh) và Jackie Chan (Thành Long) thành công một phần vì tên tiếng Anh của họ tạo ấn tượng tốt trong lòng khán giả Tây.
Nhưng cứ một Michelle Yeoh có một Zhang Ziyi (Chương Tử Di), cứ một Jackie Chan có một Chow Yun Phat (Châu Nhuận Phát), là diễn viên châu Á giữ tên gốc và thành công không kém. Tên “lạ tai” cũng có thể tạo ấn tượng tốt - Nếu “anh hùng Núp” đổi tên thành “anh hùng Mạnh” liệu cồn có ai nhớ ông chăng?
Cũng có người giữ tên gốc nhưng thêm “tên vui” - như cái tên “Dâu” mà các đồng nghiệp ở Liên Hiệp Quốc đặt cho tôi. Tên đó giúp tôi phát triển thương hiệu với cộng đồng mang lại nhiều lợi ích. Nhưng thêm một tên vui như vậy là việc rủi ro: nó luôn có nguy cơ lấn át tên thật (quả Dâu siết cổ chú Joe, cười tươi khi chôn xác ngoài vườn) Chính vì thế tôi phải vất vả chăm sóc cả hai.
Tuy nhiên dù chọn phương án nào - giữ tên gốc, đổi tên mới, giữ tên gốc và thêm tên vui - có một điều luôn phải để ý. Đó là đã tự giới thiệu bằng một cái tên thì sẽ rất khó thuyết phục mọi người gọi mình bằng tên nào khác.