Số lần đọc/download: 2794 / 97
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Chương 44: Những Cơn Sóng Gió Mới
Đ
ám đông dần dần giải tán trong sự yên tĩnh. Sau buổi ồn ào, tôi càng lo sợ nhiều hơn. Tình hình Huế vẫn còn sôi động, tuy bề ngoài chẳng có gì rõ rệt. Tôi nhận thấy một số phần tử quá khích vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đấu tranh dưới một hình thức mới. Phía Phật giáo vẫn không cho rằng việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã đủ thoả mãn họ.
Trong bầu không khí ngột ngạt của thành phố Huế, những ngày cuối năm 1963 và đầu năm 1964 tôi nhận thấy nhiều hứa hẹn bùng nổ nay mai, thú thật là tôi vùi đầu vào công việc bề bộn của Viện Đại học, ít để ý đến những sinh hoạt chính trị bên ngoài. Thỉnh thoảng có vài đám đông Phật tử kéo đi biểu tình ngoài đường phố, nếu những đòi hỏi không rõ rệt. Phía chính quyền địa phương thì cố gắng mị dân và trấn an mọi người, đưa ra những hứa hẹn mập mờ chẳng thoả mãn được ai.
Vào khoảng đầu tháng ba năm 1964 sau Tết ít lâu, một hôm ông Lãnh sự Mỹ tại Huế, là ông Helble đến gặp tôi, nói rằng ông Đại sứ Lodge muốn ra Huế, gặp riêng tôi nay mai, vậy ông đem tin cho tôi biết trước. Theo chương trình thì ông Lodge sẽ ra vào buổi sáng, gặp tôi tại tư thất rồi hai ông bà Đại sứ lên lăng Tự Đức ăn trưa tại đó, và về Sài Gòn trong ngày. Tôi trả lời:
- Ông Đại sứ Mỹ đích thân ra thăm tôi thật là vinh hạnh lớn cho tôi, nhưng tôi thiết nghĩ trong hoàn cảnh hiện tại, việc ông Đại sứ đến tư thất tôi, gặp riêng tôi không tiện lắm, có thể gây ra một số hiểu lầm từ nhiều phía. Vì vậy tôi nghĩ rằng chỉ ít lâu nữa, việc xây cất trường Đại học Sư phạm Huế, do quỹ viện trợ Hoa Kỳ đài thọ một phần phí tổn sắp hoàn tất. Hoặc là ông Đại sứ cố chờ đến lúc đó ra khành thànhh trường và gặp tôi nhân dịp đó tốt hơn. Nếu ông Đại sứ muốn gặp tôi sớm hơn thì lấy cớ ra thăm trường đang xây cất, tôi sẽ hướng dẫn ông đi coi công trường, rồi nói chuyện trong dịp đó, nhờ ông Lãnh sự chuyển lời với ông Đại sứ như thế.
Ông Helble điện thoại ngay cho ông Lodge, nhưng ông Lodge trả lời rằng ông muốn ra Huế gặp tôi ngày mai. Ông sẽ đến Huế lúc mười một giờ trưa, và gặp ông ngay sau đó, đôi bên nó chuyện khoảng một giờ, rồi sau đó ông bà Đại sứ đi thăm lăng Tự Đức. Tôi không còn cách gì thoái thác được, đành làm mặt vui nhận lời vậy.
Hôm sau khoảng mười một giờ, ông đến tại nhà riêng của tôi. Vừa bước vào cửa, nhìn tôi ông Lodge nói một câu ca ngợi tôi bằng tiếng Pháp.
- Cha là một nhân vật nổi tiếng nhất Việt Nam, tôi không thể đến Việt Nam mà không đến dâng lên cha lòng kính mến của tôi.
Dĩ nhiên là tôi chỉ cho rằng đây là một câu nói xã giao hơi quá, chớ thực tình tôi chẳng dám nghĩ mình là nhân vật nổi tiếng chi cả.
Trong phòng chỉ có tôi và ông Lodge. Câu chuyện xoay quanh tình hình chính trị Việt Nam và những nhân vật lãnh đạo lúc bấy giờ. Khởi đầu ông Lodge hỏi tôi một cách tổng quát:
- Cha nghĩ thế nào về những tướng lãnh hiện đang lãnh đạo Việt Nam?
Thực tình tôi không biết rõ và quen thân với một tướng lãnh nào lúc bấy giờ, vả lại tôi cũng không muốn trả lời, dù biết:
- Tôi chỉ quen nhiều trong giới giáo sư, trí thức, chính trị, ngoại giao. Đối với các tướng tá, thì số lớn tôi có nghe nói đến, có biết mặt một số, và giao thiệp theo phép lịch sự và xã giao với một số khác khi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế lần thứ nhất, tôi không hiểu rõ một tướng lãnh nào quan trọng trong tân chế độ.
Ông Lodge hỏi rõ ràng hơn:
- Chắc là cha có biết nhiều về tướng Trần Văn Đôn?
Lúc bấy giờ chính phủ Nguyễn Khánh vừa được thành lập ngày 1-2 sau cuộc chinh lý ngày 31-1. Chính phủ dưới quyền tướng Khánh Thủ tướng gồm một số nhân vật chính trị tên tuổi như Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Lê Văn Hoạch, Âu Trường Thanh, Nguyễn Xuân Oánh.
Hình như trước ngày ông Lodge ra Huế gặp tôi vài hôm thì có Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mak Namara và tướng Maxwell Taylor sang Việt Nam xem xét tình hình quân sự và duyệt xét chương trình bình định.
Để xoa dịu Phật giáo tướng Khánh chấp nhận hiến chương Phật giáo 4-1-64 ngày 14-3-64 dành cho Phật giáo nhiều quyền lợi và biệt đãi tối đa. Lúc đó tướng Trần Văn Đôn không còn giữ một chức vụ gì quan trọng trong chính phủ Nguyễn Khánh cho nên nghe ông hỏi đến tướng Đôn tôi hơi ngạc nhiên:
- Tôi quen biết trong thời kỳ ông làm tư lệnh tại vùng này. Tôi thường gặp ông trong các dịp lễ lạc, nhưng cũng không thân tình lắm hay biết về ông nhiều, tuy nhiên tôi nghe nhiều người nói rằng ông Đôn là một tướng lãnh có trình độ văn hoá cao, đối xử với các quân nhân tử tế, nên được nhiều người trọng nể mến phục. Về chính kiến của ông thì tôi không dám bình phẩm chi hết.
Ông Lodge lần lượt hỏi tôi về một số các tướng lãnh và chính khách trong ngoài chính phủ Nguyễn Khánh bấy giờ. Tôi tránh né trả lời, bởi vì tôi không muốn phê bình ai hết, cũng chẳng có tư cách gì để phê bình ai. Tôi sợ những lời mình nói ra có thể bị hiểu lầm và gây nên những ảnh hưởng mình không muốn. Cuối cùng, tôi trình bày với ông Lodge trường hợp ông Cẩn.
- Nhân dịp ông Đại sứ ra đây thăm tôi, tôi lấy làm cảm kích lắm, và nhân tiện muốn trình bày với ông Đại sứ một việc mà tôi đã muốn tìm dịp thưa với ông từ lâu. Đó là trường hợp ông Ngô Đình Cẩn. Tôi nói thật là tôi quen thân với ông Cẩn, và nhận thấy ông không phải là người xấu, ông lại cũng không có trách nhiệm và tội lỗi gì trong việc gây ra những cuộc đàn áp Phật giáo trước đây.
Trái lại theo chỗ tôi biết thì chính ông đã cố gắng dung hoà, nềm dẻo, nhưng tình thế dồn dập không cho phép ông làm được việc tốt cho đất nước chúng tôi. Sau cái chết của ông Diệm, ông Nhu mới đây, và ông Khôi thời Việt Minh, hiện nay trong gia đình họ Ngô, một gia đình cách mạng lừng danh ở Việt Nam, chỉ còn mình ông Cẩn đang sống sót, nhưng hiện nay bệnh hoạn, vì bị đau trong tù, vì bị đối xử không lấy gì làm nhân đạo lắm.
Vì tình nhân đạo cũng như vì lẽ phải, sự công bằng, tôi tha thiết xin ông Đại sứ dùng những ảnh hưởng sẵn có của ông để cứu ông Cẩn khỏi chết, và nếu có thể giúp cho ông ra ngoại quốc thoát nạn chữa bệnh luôn thể.
Bây giờ ông Diệm, ông Nhu đã bị ám sát, ông Cẩn không còn là kẻ đáng sợ đối với các tướng lãnh cách mạng nữa, giết ông chẳng ích lợi gì cho ai, mà chỉ gây thêm một tội ác.
Ông Lodge có vẻ đặc biệt lưu ý đến việc này:
- Tôi xin long trọng hứa với cha rằng tôi sẽ làm mọi cách để ông Cẩn khỏi bị khép án tử hình. Lời tôi hứa với cha hôm nay cũng là lời tôi đã hứa với Đức giáo hoàng. Trong dịp tôi về Mỹ dự tang lễ cố Tổng thống Kennedy, tôi được lệnh của tân Tổng thống Johnson sang ngay La Mã gặp các Giám mục Mỹ và Đức giáo hoàn để đưa ra lời hứa đó. Dịp đó Đức Hồng y Spellman đưa tôi vào bệ kiến Đức giáo hoàng và tôi đã hứa với ngài rằng tôi sẽ làm mọi cách để cứu ông Cẩn bằng được. Vậy bây giờ trước mặt cha, tôi xin nhắc lại lời hứa đó, và nếu tôi không làm tròn lời hứa này, tôi sẽ từ chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lập tức.
Câu chuyện giữa tôi và ông Lodge đến đây thì chấm dứt, và đó cũng là ngày cuối cùng tôi gặp ông Lodge với tư cách Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Ít lâu sau, toà án cách mạng ở Huế xử vụ Phan Quang Đông, và đến ngày 8 tháng 3 Phan Quang Đông bị kết án tử hình, bồi thường 18 triệu đồng cho các nạn nhân do y ra lệnh hạ sát. Các tội danh được nêu lên để kết án Phan Quang Đông là mưu sát, bắt giam người trái phép, sách thủ tiền tài, lũng đoạn kinh tế v.v…
Đến ngày 16-4 toà án cách mạng Sài Gòn xử vụ ông Cẩn. Phiên toà kéo dài đến ngày 22-4 thì ông Cẩn bị kết án tử hình về các tội danh tương tự như trường hợp Phan Quang Đông. Lúc ra trước toà, ông Cẩn đi không nổi, phải có người dìu đi. Tiếng ông thều thào trả lời thật chân thành:
- Tôi, quân sự không biết, hành chánh không biết, học hành tầm thường, làm sao có thể ra lệnh cho ai được.
Vài hôm sau, ông Cẩn và Phan Quang Đông xin ân xá. Tình trạng mập mờ kéo dài đến ngày 5-6 thì đại tướng Dương Văn Minh, quốc trưởng bác đơn xin ân xá, và ngày 5-6 Phan Quang Đông bị xử tử tại Huế, cùng ngày đó ông Cẩn bị xử bắn tại Sài Gòn. Ngày 23-6 ông Lodge chính thức đệ đơn từ chức, và tướng Maxwell Taylor được cử thay thế.
Tôi không hiểu vì thất bại trong việc cứu ông Cẩn như đã hứa với Đức giáo hoàng hay vì lý do nào khác mà ông Lodge từ chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhưng rất có thể lý do thứ nhất là lý do chính.
Khi rời Sài Gòn ngày 28-6 ông Lodge còn tiếp tục đóng kịch, lấy tư cách được tặng là công dân danh dự của Việt Nam, ông mặc áo gấm, đội khăn đóng nói vài tiếng Việt tung hô Việt Nam và từ giã đám tiễn đưa ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Cái chết của ông Cẩn làm tôi buồn lắm, và từ đó tôi ít chú ý đến những biến cố chính trị. Tình hình chính trị chung có vẻ bình thường, nhưng tôi nhận thấy dân chúng bắt đầu chán chường đối với cuộc cách mạng 1-11. Những phần tử tham gia cào cuộc cách mạng, cách riêng Phật giáo, lại càng bất mãn hơn bất cứ ai, vì họ có cảm tưởng họ bị cướp công.
Trong các chính phủ sau cách mạng phe Phật giáo không có một chân gì được coi là xứng đáng. Nhiều nơi bắt đầu có những cuộc biểu tình lẻ tẻ phản đối chính phủ. Phía Công giáo thì lo sợ nạn kỳ thị tôn giáo, đôi lúc cũng có vài hành động vội vàng, như cuộc biểu tình của giáo dân từ các trại định cư ở Biên Hoà kéo về công trường Lam Sơn, tố cáo những kẻ lợi dụng cách mạng gây nên những vụ đàn áp Công giáo.
Tại Huế, hôm 15-9 hàng vạn giáo dân biểu tình trên các đường phố lớn, nêu lên những lời tố cáo tương tự như ở Sài Gòn. Tôi lo sợ sẽ có những cuộc chống lại các cuộc biểu tình của Công giáo. Rất may chuyện này không xảy ra, ít nhất trên một qui mô rộng lớn.
Sở dĩ những cuộc chống đối giữa Phật tử Huế và những cuộc xuống đường lên án kỳ thị tôn giáo của giáo dân Phủ Cam không bùng nổ trên một qui mô rộng vì sau cách mạng đa số Phật tử Huế đã hiểu thế nào là sự tiến công, sự phản bội sau nhiều ngày tranh đấu cam go, không khí cách mạng đã mang lại những đột biến không ngờ ngoài sức tưởng tượng của họ.
Hầu hết những lãnh tụ sinh viên Phật tử, từng nắm giữ vai trò quan trọng trong công cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, có vẻ bơ vơ, dường như họ bị thời cuộc mới bỏ quên hoặc có nhớ tới họ chăng nữa cũng chỉ dùng họ vào những vai trò đánh bóng quá trớn cho luồng khí mới.
Đành rằng, trong suốt thời gian dài trước đây, Phật tử cố đô bị ngược đãi, bị khống chế nhưng tôi thấy khi cách mạng hình thành họ lại không muốn khơi thêm hố sâu của sự chia rẽ. Hơn ai hết dân Huế hiểu rằng chia rẽ cũng không mang lại lợi ích gì, chỉ tạo đau thương thêm, ngộ nhận thêm.
Tôi nói vậy là nói một cách bao quát rộng lớn. Thời gian bấy giờ, làm sao tránh khỏi một vài cá nhân xách động cho việc kỳ thị. Họ mang một số thanh niên đột nhập khu Công giáo Phủ Cam gây những vụ thanh toán nhau lẻ tẻ.
Về những vụ thanh toán nhau lẻ tẻ này, tôi được một người bạn sinh viên Văn khoa cho biết, nhóm quá khích kia thành lập một Ủy ban thanh trừng của sinh viên học sinh cách mạng, kê danh sách những người mà họ mệnh danh là "tay sai chế độ cũ" để tìm cách thanh toán hành hung.
Sinh viên này nói: một buổi sáng đang ngồi uống café ở Lạc Sơn thì bị Ủy ban kia đến "hỏi thăm sức khỏe". Bọn họ khoảng chín người vây quanh, đánh anh cho đến lúc ngã gục rồi mới bỏ đi.
Nhiều trường hợp xích mích lẻ tẻ tương tự đã xảy ra ở Huế trong thời gian này. Nên đa số người Công giáo lo ngại mỗi khi xuất hiện một mình ngoài thành phố. Đi đâu họ cũng rủ bạn bè thật đông. Một đôi lần xảy tới những cuộc xô xát lớn. Có một số lánh vào Nam.
Tuy nhiên như tôi đã nói, đây chỉ là những hành động đơn phương của một số cá nhân quá khích, trên tổng quát, giữa Phật giáo và Công giáo Huế không hề có những chia rẽ, đố kỵ diễn ra quá đáng.
Người Công giáo phần nhiều tuy không hưởng lợi lộc gì của chế độ cũ khi cách mạng đã tỏ ra thức thời. Họ sống khép nép, thu mình trong giáo khu Phủ Cam, hoặc Cầu Kho. Mọi hình thức phô diễn vào các ngày lễ cũng được giới hạn. Ngôi thánh đường Phủ Cam đang xây cất dở dang, vội vàng ngưng ngang. Cho tới bây giờ vẫn chỉ có mặt tiền uy nghi vươn lên giữa trời xanh, phô bày nhiều vết tích loang lở, tội nghiệp. Những hào khí của cách mạng thực sự tàn đi, để lại một cố đô trầm mặc và mơ mộng cũ.
Trong khi đó, sau nhiều tháng, chính phủ cách mạng đã không thực thi được điều gì mà toàn dân trông chờ. Vẫn chỉ là những khuôn mặt cũ, những chương trình cũ khiến đại đa số những kẻ trực tiếp góp phần vào công cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm chán nản.
Họ mang cảm tưởng sự góp phần xương máu của họ trở thành vô duyên, hoặc chỉ là một cái thang cho một vài cá nhân leo lên danh vọng để rồi tà tà hưởng thụ.
Những lãnh tụ cách mạng của Phật giáo và sinh viên, thay vì giúp Hội đồng quân nhân cách mạng nhiều ý kiến, đã không ai bảo ai, đột ngột thu mình vào những nơi trú ngụ an toàn. Có một lãnh tụ sinh viên tâm sự với tôi, anh ta đầy chán nản khi thấy mỗi ngày luồng gió cách mạng thêm nhuốm mùi băng hoại. Anh tỏ vẻ bi quan về tình thế hiện tại. Đôi mắt của anh tôi thấy đã buồn, nhắc chuyện cách mạng, anh càng buồn hơn.
Sở dĩ tôi phải nhắc nhở đến những sự kiện này là để chứng minh rằng đa số đồng bào Phật giáo cũng như Công giáo Huế khác với Sài Gòn đã không bước vào hành trình đối chọi nhau, gây thêm rắc rối thù hận cho nhau.
Hơn bất cứ nơi nào hết trên quê hương, ở miền đất được mệnh danh là lỗ rốn của cách mạng này, người ta lại ít nghe thấy dân chúng trầm trồ về bầu khí cách mạng. Tôi có dịp ghe qua nhiều nơi, dưới tầm mắt tôi người dân Huế đang cố gắng sống thu mình vào cuộc sống bình thường, như thời gian tiền chế độ.
Sau cách mạng, người ta tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện, vạch mặt những chỗ mà người ta gọi là các thủ đoạn độc tài của chế độ Diệm từ thành thị đến thôn quê.
Những cuộc mít tinh tập trung dân chúng địa phương kéo dài nhiều tháng. Những sinh viên, lãnh tụ Phật giáo được sử dụng trong vai trò thuyết trình viên, họ hô hào cách mạng vùng lên, tàn tích của chế độ Diệm phải được triệt hạ. Tuy nhiên các lãnh tụ sinh viên tranh đấu chân chính, oái oăm thay, lại kín miệng cẩn trọng và khi xuất hiện nói chuyện giữa đám đông, chỉ có những sinh viên lãnh tụ lạ hoắc.
Tôi có tham dự một vài buổi nói chuyện kiểu này, và thấy thuyết trình viên quả thực đã thành công. Một thuyết trình viên sinh viên văn khoa, học trò của tôi, đã khóc ròng khi diễn tả lại cảnh tra tấn tù đày, cảnh chín hầm, cảnh thủ tiêu rồi anh giơ tay lên trời hô hào toàn dân hãy huỷ diệt làn sóng độc tài của chế độ cũ.
Lối diễn tả của sinh viên này làm nhiều kẻ cảm động, nhưng làm tôi buồn cười. Vì có lẽ nhiều lãnh tụ sinh viên Huế thời đó biết rõ thực chất của sinh viên kia. Thời gian đấu tranh, anh ta chỉ tham gia cầm chừng. Ngục tối anh ta chưa từng nếm. Cảnh dã man anh chưa từng chứng kiến, tham dự.
Anh không hề có mặt ở chùa Từ Đàm, suốt thời gian ngôi chùan ày bị phong toả. Cơm chay anh không hề ăn như rất nhiều bạn bè Quốc Học, Đồng Khánh. Ấy vậy mà anh nói năng như thật, diễn tả như thật. Hội đồng tướng lãnh cách mạng rất thành công trong việc sử dụng đường lối tuyên truyền này, nhưng họ không ngờ, những lãnh tụ sinh viên thực sự, thái độ xa rời họ, mất niềm tin tưởng nơi họ.
Tôi không có ác ý gì với sinh viên kia, nhưng phải ghi lại điều này, để cho mọi người thấy rằng, ngay những công cuộc bé nhỏ, những tướng lãnh cách mạng đã không tìm cách hoàn bị chu toàn, huống gì những công cuộc lớn.
Bởi vậy, dân chúng miền Trung sống xa cách, âm thầm, sự xa cách và âm thầm đáng quan ngại, cho thấy những bùng nổ lớn trong tương lai…
Đúng như điều tôi dự đoán trước, những manh nha của một sự phản kháng chính trị đã bắt đầu hình thành từ những thành phần trí thức của cố đô đưa tôi đến sự chán nản tột độ. Cho tới bây giờ, tôi cũng không biết động lực nào thúc đẩy những cộng sự của tôi, học trò của tôi bước vào hành trình phiêu lưu đưa đất nước vốn rối loạn, lại càng thêm rối loạn như vậy.
Vào năm 1064 tôi vừa chẵn hai mươi lăm tuổi linh mục. Vì không còn nao nức gì, lại buồn hoa thời đại mình đang sống, tôi quyết định không tổ chức lễ Ngân khánh to tát làm gì, dường như tôi đã giấu hết bạn bè thân thuộc. Tôi dự định nhân dịp này suy nghiệm về những chuyện đã trải qua trong đời, như một tấm gương thanh khiết, tôi muốn soi lại đời mình trong đó thế thôi.
Tuy nhiên những giáo sư và sinh viên trong Đại học cũng tìm ra, họ kéo tới chúc mừng thật đông ngoài sức tưởng tượng.
Cầm đầu số giáo sư, sinh viên tới mừng lễ Ngân khánh của tôi là bác sĩ Lê Khắc Quyến, lúc bấy giờ đang giữ chức Khoa trưởng y khoa, ông Quyến có mang theo một bức Hoành Phi bằng gỗ mít khắc mấy chữ Hán sơn son thiếp vàng: "Thiện Mỹ lưỡng toàn".
Thú thực lúc bấy giờ tôi cảm động lắm. Số giáo sư đến đông đủ như vậy, chứng tỏ sau cách mạng mối giao hảo giữa chúng tôi vẫn bền chặt, thắm thiết. Tình hình mới của chính trị không hề ảnh hưởng đến tình thân thiện trong Viện đại học với nhau.
Tôi còn cảm động hơn lúc giáo sư Lê Tuyên với một người bạn gái tới mừng tôi cùng với bức Hoành Phi ghi mấy chữ "Sư sinh đại nghĩa". Tuyên là học trò của tôi, chọn mấy chữ này, tôi thấy vừa khéo vừa cảm động.
Những sinh hoạt Đại học trở lại bình thường như xưa đó là điều làm tôi hãnh diện. Mặc dù ở Sài Gòn hoặc ở Cố đô Huế đã sôi sục những xáo trộn vừa nổi rõ lên, vừa âm thầm, nhưng trong Viện Đại học cả giáo sư lẫn sinh viên không có xảy ra chuyện chi.
Tôi hằng duy trì Đại học chỉ duy nhất có một thiên chức là phát huy văn hoá thuần tuý.
Chính trị không thể tự do vào tung hoành hoặc lũng đoạn trong lãnh vực Đại học dưới quyền tôi điều khiển. Ngay thời gian đấu tranh chống chế độ Ngô Đình tôi cũng không bao giờ chấp nhận cho các giáo sư và sinh viên chọn Đại học làm địa điểm tập trung xách động.
Mặc dù đôi lần có mấy giáo sư thân tình tới yêu cầu tôi thay đổi quan điểm này, tôi nhất định từ chối đến cùng.
Bây giờ sau cách mạng tôi càng muốn không khí Đại học Huế phải được bình thường hơn bao giờ. Cuộc tìm kiếm và phát huy văn hoá phải được tiếp tục.
Bởi vậy dù không chống đối những phong trào mà sinh viên học sinh tham dự trước đây, nhưng tôi cũng không chấp nhận để nó bành trướng trong những lãnh vực sinh hoạt Đại học. Thà là tôi không còn hiện diện ở sinh hoạt này hơn là ngoảnh mặt chấp nhận những điều ngược hẳn với chủ trương vững mạnh của mình.
Lúc bấy giờ tôi có nghe nhiều sinh viên rục rịch kéo về miền quê, tham dự những sinh hoạt cộng đồng với những người dân nghèo khó như hát cho đồng bào nghe, nói chuyện với đồng bào… tìm hiểu ra, tôi được biết những sinh viên của tôi tham dự vào chương trình bình định của chính quyền do Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn phát động.
Nhiều giáo sư có tới gặp tôi yêu cầu tôi có thái độ về sự việc này, nhưng trong thâm tâm tôi thấy việc làm đó không có gì nguy hại, còn đáng cổ võ thêm lên, tuy nhiên tôi chỉ im lặng không bác bỏ, cũng không chấp nhận.
Sinh viên làm gì ngoài khu Viện Đại học thì làm, miễn việc học hành không gián đoạn, các kỳ thi không đến nỗi tệ, đó là tâm trạng thực nhất của bất cứ vị nào điều khiển, coi sóc ngành giáo dục.
Tôi nghĩ đa số sinh viên Huế sau một mùa tranh đấu đầy nước mắt và cam go họ đã thức tỉnh. Nhìn chung quanh đất nước vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu, dân chúng không hưởng lợi bao nhiêu, có lẽ họ đã nhận ra cuộc cách mạng không thể ngày một, ngày hai là đạp đổ được tất cả, thay đổi tất cả.
Phải có một cuộc cách mạng lâu dài mới hy vọng đem đến những mục đích cao đẹp mà mọi người mong muốn. Để có một cuộc cách mạng xã hội hữu hiệu như vậy trước hết tuổi trẻ phải có căn bản văn hoá, phải kiên gan tìm tòi mới không gặp những cam go, thất bại…
Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Ơn trên đã không chìu lòng những kẻ trần tục tội lỗi của Ngài. Không khí im lìm chỉ kéo dài một thời gian, như tôi đã dự đoán trước đây, nó đã tới giai đoạn bùng dậy.
Huế cố đô thân yêu, mảnh đất trầm mặc nghìn năm của dòng sông Hương đang chuẩn bị bước tơi một chuyển mình khác kinh khủng hơn, không chỉ ngắn hạn như cuộc tranh đấu có máu và nước mắt trước đây, nó kéo dài hơn và tạo thêm những xáo trộn cho một chính phủ, một quốc gia đang đối đầu với kẻ thù ghê gớm của thế kỷ: Cộng sản.
Tôi tưởng qua thời gian nổi sóng cũ, những kẻ thức thời ỏ Huế đã học được mớ kinh nghiệm, đã hiểu thế nào là lạm dụng chiếm đoạt, bất công. Câu nói của anh sinh viên ngày nào chúng tôi còn nhớ rõ ràng: "Chúng con đã chán nản". Đôi mắt buồn của anh tôi cũng nhớ như đinh đóng cột. Không nhẽ lúc này nó đã đổi thay, nó đã bỏ rơi kẻ hằng suy nghĩ về nó.
Tôi không nhớ rõ phong trào chính trị hậu cách mạng ở Huế được chuẩn bị từ thời gian nào, với động lực nào thúc đẩy. Tôi vốn không quan tâm tới chính trị, nên muốn tìm hiểu lúc này thật khó khăn. Tuy nhiên tôi có thể ghi lại đây không sai chạy cái ngày mà tổ chức nhân dân Cứu quốc Huế hình thành, khởi đầu cho giai đoạn đấu tranh chống đối mãnh liệt thời đó.
Điều mà tôi không mấy quản ngại trước đây khi giáo dân Hố Nai kéo về Sài Gòn biểu tình chống kỳ thị nay đã thực sự là đáng lưu ý ở Huế, phong trào chính trị mới đang cố tình đào sâu cái hố kỳ thị giữa Phật tử và giáo dân Ky-tô.
Người ta có muốn ngăn chận cũng không cứu vãn lại được nữa.
Trước đó, khi có dịp gặp gỡ những giáo sư hoặc sinh viên trong Viện Đại học tôi khoác lác đề cập đến những xáo trộn xảy ra tại Thủ đô Sài Gòn không ngoài mục đích cho họ thấy rằng:
Những xáo trộn như vậy không đi đến đâu, chỉ tạo thêm những ngộ nhận, những mặc cảm giữa người và người với nhau. Mệnh danh là xuống đường đòi bình đẳng, nhưng bình đẳng đâu thấy, chia rẽ hiện hình nguyên vẹn, nồng nàn. Đó là điều bất hạnh nhất, đáng lấy làm đề tài suy ngẫm nhất.
Những người gặp gỡ tôi đã phát biểu những ý kiến đồng nhất như vậy. Lúc đó tôi hân hoan và tin tưởng rằng Đại học Huế phải được trưởng thành thêm và bành trướng thêm. Tuy nhiên khi hay tin phong trào chính trị bắt đầu hoạt động, mà những kẻ khởi xướng chính là những người cộng sự với tôi, đã làm cho tôi bàng hoàng không ít…
Thoạt đầu nhóm hoạt động chính trị mang tên là Phong trào nhân dân cứu quốc qui tụ một số giáo sư như Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh và do bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng y khoa làm chủ tịch, nhưng sau đó phong trào lan rộng trong hàng ngũ sinh viên Huế, thực sự biến Đại học Huế làm môi trường hoạt động chính trị, trái hẳn với những nguyện ước của tôi.
Giáo sư Lê Khắc Quyến còn ngang nhiên đặt văn phòng của phong trào trong Viện Đại học. Họ lấy mọi phương tiện trong cơ sở văn hoá này để dùng vào các chương trình chính trị của họ. Tôi có nghe một vài sinh viên thân tín tường trình lại những hoạt động này, nhưng tôi không tin, vì mới hôm nào đây Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên còn tới mừng lễ Ngân khánh của tôi bằng mấy bức hoành phi, mang những dòng chữ chí tình "Thiện mỹ lưỡng toàn", "Sư sinh đại nghĩa".
Qua nhiều lần gặp gỡ ông Quyến cũng như người học trò cũ của tôi Lê Tuyên đã quá hiểu ngyện vọng của tôi là gạt hẳn những không khí, những phong trào chính trị ngoài ngưỡng cửa Đại học. Tôi còn ân cần tâm sự với họ rằng, Đại học chỉ dùng cào công cuộc kiếm tìm và phát huy văn hoá mới, gây dựng và nuôi dưỡng những bác học cho tương lai, không thể đem những thứ thành quả ngắn, những xáo động nửa vời vào lũng đoạn chi phối sinh hoạt hướng thượng đó. Hơn những người nnào hết, chính Quyến và Lê Tuyên là những người vồn vã nhất trong việc ủng hộ mục đích của tôi. Không ngờ vật đổi sao dời, ngày một ngày hai họ đã phát lộ một bộ mặt khác, chủ trương khác, tới khi Lê Khắc Quyến đích thân đến gặp tôi và mời tôi tham gia phong trào nhân dân cứu quốc lúc đó mới thấy thực sự chán nản bàng hoàng. Tôi đã cố gắng giữ vững tinh thần trong lúc đó với Quyến để câu chuyện diễn ra trong vòng thân thiết bình thản.
Tôi im lặng ngh Quyến trình bày về phong trào nhân dân cứu quốc, có lẽ Quyến nói khá nhiều về mọi vấn đề, mọi khía cạnh. Nhưng cho tới nay tôi chẳng còn nhớ được gì. Tuy nhiên điều làm tôi không bao giờ quên đi, Quyến ngỏ lời yêu cầu tôi ủng hộ phong trào chính trị này. Và tôi thành thực nói với giáo sư chủ tịch Lê Khắc Quyến:
- Các anh lập phong trào chính trị tôi không có quyền ngăn cản. Nếu lập phong trào tranh đấu tự do dân chủ cho quê hương, tôi càng tán thành là đằng khác. Hơn lúcn ào hết anh thấy quê hương đang cần nhiều hậu thuẫn để đánh bại hay đối đầu với làn sóng đỏ Cộng sản…
Tôi nhấn mạnh với bác sĩ Quyến rằng, tư cách một Linh mục Viện trưởng viện đại học không cho phép tôi có ý kiến rõ ràng về phong trào chính trị của ông ấy. Tôi còn nhắc lại lập trường cũ của tôi là tách rời chính trị khỏi sinh hoạt Đại học và nói với ông Quyến là tôi không chấp thuận việc phát động phong trào trong giới sinh viên của tôi.
Bác sĩ Quyến có vẻ bất bình, ông ta biện dẫn một vài lý do để bênh vực cho lập luận của ông. Tuy nhiên tôi vẫn trầm tĩnh nói:
- Anh dư biết mơ ước của tôi là phát huy văn hoá dân tộc. Trước đây tôi đã nhiều lần nói với các anh rằng chính trị là nhất thời văn hoá mới trường cửu. Nếu Đại học muốn trường cửu, Đại học không nên làm những chuyện nhất thời. Các anh đã đồng ý với tôi về điểm đó trước, thì bây giờ tôi cũng xin các anh cho tôi giữ vững lập trường ấy.
Bác sĩ Quyến chống chế:
- Trước đây tình thế khác, chúng tôi đã chấp thuận lập trường của cha. Bây giờ với không khí chính trị mới, phải có sinh khí mới trong Đại học.
Tôi mỉm cười, có lẽ nụ cười bấy giờ chua xót lắm, buồn thảm lắm.
- Tôi xác định với anh một lần nữa: Tôi không muốn cho Đại học có Đảng phái chính trị. Chẳng phải lúc này tôi mới có chủ trương lập trường này mà ngay từ khi Đại học khai sinh, tôi cũng đã nhấn mạnh đến lập trường của tôi. Khi nào tôi còn giữ chức coi sóc Đại học Huế, tôi còn tranh đấu tới cùng. Không ngờ lúc này các anh đặt văn phòng của phong trào ở Đại học mà không cho tôi hay. Lại khám xét sinh viên trước khi họ vào trường nữa. Đó là chuyện trái ngược với không khí Viện Đại học này. Nếu các anh tiếp tục hoạt động, các anh gắng tìm chỗ khác đặt văn phòng, xin trà Đại học cho tôi ngay.
Giáo sư Lê Khắc Quyến lớn giọng:
- Cha đuổi chúng tôi đi hả?
Tôi lắc đầu:
- Không phải đuổi. Anh nói quá. Tôi chỉ yêu cầu các anh trả lại không khí trầm mặc cho Đại học. Tôi chưa hiểu rõ lắm về phong trào của các anh, nhưng có đi phố và nhìn thấy nhiều khẩu hiệu đả đảo tướng lãnh, đồng hoá người Công giáo với Cần lao.
Tôi là Công giáo, nhưng không phải bất cứ người Công giáo nào cũng là đảng viên Đảng Cần lao của chế độ cũ. Tập thể Cần lao không xấu, chỉ có cá nhân xấu mà thôi. Cho nên các anh đừng lẫn lộn…
Các anh cần phân tích người nào tốt, kẻ nào xấu, đừng đồng hoá tập thể tôn giáo và Cần lao, làm như thế không đạt được mục tiêu gì, chỉ gây chia rẽ giữa tôn giáo này và tôn giáo khác mà thôi.
Tôi cũng nhấn mạnh với ông Quyến:
- Lực lượng duy nhất hiện nay để chống Cộng sản là lực lượng quân đội. Bây giờ các anh nêu đích danh những tướng lãnh cầm đầu quân đội đả kích. Hành động đó có khác nào chúng ta phá đi bức thành trì chống cộng. Điều đó không thể chấp nhận được. Đất nước chúng ta đã chìm đắm bao nhiêu năm. Không thể tạo cơ hội thuận tiện để cho mảnh đất còn lại của quê mẹ khốn khổ này rơi vào tay Cộng sản.
Tôi còn nói với giáo sư Quyến một lần nữa là, ông ta hãy dời văn phòng của phong trào ra khỏi Viện Đại học để tôi khỏi lấy làm thất tín vì đã không giữ vững lập trường duy trì ch của mình. Giáo sư Quyến không nói gì. Ông ta đứng dậy cùng với mấy giáo sư đi theo xin cáo lui.
Tôi tiễn ông Quyến ra tận cửa. Tuy ông không phản đối những ý kiến của tôi trong cuộc mạn đàm, nhưng tôi thấy nét mặt ông có vẻ buồn buồn, và tức bực. Thú thực tôi đã hết sức khiêm tốn trong câu chuyện với mục đích duy trì hoà khí giữa những kẻ cộng tác hàng ngày với nhau. Vậy mà câu chuyện không ít thì nhiều đã đem lại sự nghi kỵ, nếu không nói là bất bình giữa tôi và giáo sư chủ tịch Lê Khắc Quyến. Trong lúc Quyến lẳng lặng lên xe, các giáo sư khác, trong phong trào chính trị có lẽ thông cảm cho mục tiêu tối thượng của tôi, đã thân ái hứa hẹn với tôi rằng, phong trào nhân dân cứu quốc không đả kích tập thể giáo dân Ky-tô nữa và ngưng lại mọi chương trình đồng hoá Cần lao với Công giáo. Những giáo sư này đoán chắc rằng, họ chỉ tranh đấy cho tự do dân chủ mà thôi.
Sở dĩ tôi góp ý họ về những vấn đề đả kích tướng lãnh, tố khổ Cần laolà vì, ngay sau khi phong trào nhân sân cứu quốc hình thành, họ ra một tờ báo lấy tên là Lập Trường làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo đặt ngay ở nhà in của Viện Đại học dưới chân cầu Bạch Hổ.
Và mọi phương tiện của nhà in này, phong trào đều xung công vào việc ấn loát tờ báo này.
Từ những số đầu tiên, những tờ báo này vạch mặt chỉ tên những kẻ họ cho là Cần lao ác ôn, tay sai hoặc công an mật vụ của chế độ cũ. Hầu như tất cả những nhân vật nắm những chức vụ từ hạ tầng cơ sở như xã quận đến tỉnh thành đều là những mục tiêu chính để cho họ nguyền rủa, mặc dầu trên thực tế, những kẻ bị chỉ trích chỉ là công cụ mọn hèn của chế độ Ngô Đình Diệm.
Qua tờ báo địa phương này, phong trào Nhân dân cứu quốc của giáo sư Lê Khắc Quyến lên án gắt gao đảng Cần lao, quan trọng và nguy hiểm hơn nữa họ còn dùng những luận cứ để đồng hoá người Công giáo với Cần lao nòng cốt. Tạo phong trào chống Cần lao kịch liệt trên báo chí, với đủ mọi phương tiện, đủ mọi lập luận, họ gây căm hờn giữa quần chúng và giáo dân cố đô Huế.
Tờ Lập Trường còn nêu đích danh những tướng lãnh mà họ cho là con đẻ của chế độ cũ để đả kích. Xuyên qua số tướng lãnh này, họ chỉ trích luôn cả tập thể quân đội. Phải công nhận rằng (dù tôi bất đồng ý với chủ trương của phong trài nhân dân cứu quốc) các giáo sư từng cộng tác với tôi ít nhiều đã thành công. Dân chúng Huế, đa số đã ủng hộ, cổ võ cho mục tiêu của phong trào.
Ngoài thành phố, hàng trăm khẩu hiệu viết trên những tấm vải màu, nội dung chống chế độ nhà Ngô, chống tướng lãnh nhan nhản khắp nơi, tôi đọc những câu khẩu hiệu này tự nhiên thấy trái tim mình nôn nao, quặn thắt. Dầu gì đi nữa, chế độ cũ kể như đã hoàn toàn bị triệt hạ rồi, không khí cách mạng và nhiều người khao khát mong chờ cũng đã hết.
Giờ đây không phải lúc để chúng ta đả kích lẫn nhau, vạch mặt chỉ tên lẫn nhau, triệt hạ uy tín lẫn nhau mà là giai đoạn cần phải tạo dựng lại, củng cố lại. Chế độ nhà Ngô sụp đổ, mang theo cả công trình của ông Diệm lại từ con số không, tất cả nguồn mạch quê hương lại phải khởi đi từ con số không buồn thảm đó.
Muốn thành công cứu vớt sự suy tàn của quê cha đất tổ, một nhóm người không thể gồng mình làm được công việc đòi hỏi nhiều mức sống và can đảm này mà tất cả phải bắt tay với nau, quên đi những kỷ niệm u buồn, hướng về bầu trời tương lai đang mở ra trước mắt.
Có lẽ không riêng gì tôi, nhiều người ở giải đất ốm ông gầy yếu này đều mong muốn như vậy.
Nhưng không hiểu tại sao những người trí thức lại hiểu lệch lạc như vậy. Tôi không tin những cộng sự của tôi cố tình tạo ra một tình trạng chia rẽ, nhiễu nhương thêm cho quê hương. Hơn bất cứ người nào hết, những cộng sự của tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn chuyển tiếp vừa rồi. Trong thâm tâm tôi tin họ sẽ hiểu bao quát vấn đề để kịp thời dừng lại ở giai đoạn khởi đầu nhiều sôi bỏng.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự mong ước ảo tưởng của tôi, không những cộng sự viên thuộc lãnh vực Đại học Huế với tôi chẳng soát xét lại công cuộc chống lại Cần lao mà càng tiến sâu hơn nữa. Ngoài thành phố, trong trường sở, đâu đâu tôi cũng nhìn thấy sự căm thù và nổi giận.
Phong trào chính trị này còn lập thêm những trạm phóng thanh ở các phân khoa Đại học, các ngôi chùa và tối tối họ loan truyền những bài viết đả kích quân đội, Công giáo, Cần lao nặng nề.
Tôi không hưởng ơn mưa móc gì của chế độ Tổng thống Diệm.
Tôi không hề bênh vực gì chế độ ông ấy. Tuy nhiên tôi cũng không mấy hài lòng khi thấy phong trào kia cố tình đồng hoá người Công giáo với Cần lao. Cần lao cũng có kẻ tốt người xấu, không phải tất cả Cần lao đều xấu hết. Vì vậy trong buổi gặp gỡ với giáo sư Quyến, tôi đã thành thật nói với ông ấy điều này.