Remember that great love and great achievements involve great risk.

Anonymous

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 43
rong những người thuộc lớp trẻ thành thị sau vụ tranh đấu Phật giáo nhảy núi, Năm Được là người thành công nhất. Năm Được học Đại học Khoa học Huế, một sinh viên tầm thường chậm chạp không có gì nổi bật cả về học lực lẫn sinh hoạt. Năm nào Năm Được cũng đậu các chứng chỉ nhưng chỉ đậu hạng thứ. Trong trường, giữa giai đoạn Đại học Huế sôi động náo nhiệt vì các cuộc hội thảo xuống đường, Năm Được như người ngoại cuộc, nhút nhát, sợ dùi cui lựu đạn cay, ai làm cái gì cũng làm theo để khỏi bị khinh chê nhưng chỉ làm sau mọi người, lúc đã an toàn không phải gánh chịu nguy hiểm nào. Về sinh hoạt Năm Được chỉ cần cù lo quay bài cho các bạn, suốt ngày chân tay lấm lem vì mực ronéo.
Những bạn cùng học thường thông cảm cho Năm Được. Theo anh kể thì gia cảnh anh nghèo, gia đình bắt lấy vợ sớm nên quá nặng gánh gia đình, chỉ lo làm sao học lấy cho xong cái bằng cử nhân vạn vật học để xin đi dạy, tìm một chỗ sáng sủa hơn cho vợ con. Năm Được hoàn toàn vô danh suốt bao nhiêu năm biến động.
Mãi cho tới lúc lên Khu, nhờ Mười Chí kể, Tường mới biết Năm Được là đầu não núp đằng sau bẻ lái hết cả các biến động ở Huế.
Tường kinh ngạc về Mười Chí có một phần, thì kinh ngạc về Năm Được gấp đôi gấp ba. Năm Được nắm vai trò quan trọng hơn Mười Chí nhiều, dù Tường không biết rõ Năm Được làm chức gì. Đối với Tường, ở Khu, Năm Được vẫn còn là một thứ kỳ bí, xa cách, khó hiểu. Đến lúc Năm Được can thiệp cho Ngô thoát nạn kịp thời, Tường mới biết Năm Được thực sự có quyền hành.
Ngô bị gửi ra Bắc xong thì Năm Được cũng được chuyển công tác, không ai biết Năm Được đi đâu. Những thay đổi bí mật và đột ngột ấy xảy ra quá thường xuyên, nên bỗng nhiên Năm Được vắng bóng, những người ở lại chỉ xì xào bàn tán ít lâu rồi thôi, không ai còn thắc mắc nữa.
Về lại Sài gòn, Tường mới gặp lại Năm Được, lúc người Bí thư Quận ủy Tân bình lên Thành đoàn họp để phối hợp công tác thanh niên xung phong. Năm Được già hơn hồi trước nhiều, nhưng đôi mắt linh hoạt tươi cười, đôi mắt của người thỏa mãn về tinh thần. Họ nối lại liên lạc với nhau vì cùng ở một phe đặc biệt: phe “nhảy núi” gốc trí thức đô thị hiện đang bị ép giữa hai phe khác: phe lao động ít học muốn làm cái gì cũng rầm rộ ngoạn mục (như một vài nơi tổ chức lễ hỏa thiêu văn hóa phẩm cũ) và phe “cháu nội” từ Bắc vào. Đưa Năm Được làm Bí thư Quận ủy Tân bình là một thí nghiệm liều lĩnh của Thành ủy, một thí nghiệm nhiều người lão làng chờ đợi thất bại nhiều hơn là mong thành công.
Tường đúng hẹn với cô học trò cũ đưa Tâm đến trụ Sở Ủy ban Nhân dân quận Tân bình. Cơ sở của quận vẫn là cơ sở hành chánh của chính quyền cũ, bàn ghế phòng ốc vẫn đầy đủ tiện nghi, nhưng phong cảnh chung khác trước. Luộm thuộm xốc xếch hơn trước. Ngay trước bàn làm việc của Năm Được, ở bộ sofa vẫn còn nguyên tấm võng vải dù ai đã trải để ngủ đêm trước, tấm võng nhăn nheo một nửa ở trên mặt nệm một nửa thòng xuống nền gạch hoa. Trên bàn là khay nước trà với mấy cái tách dỉ nâu vì cáu nước trà cũ, và một cái điếu thuốc lào bằng ống nứa. Tường giới thiệu qua loa rồi để cho Tâm trình bày hoàn cảnh mình. Tâm vắn tắt kể lại những điều đã kể với Tường hôm qua, chỉ khác là dùng chữ rất đúng chính sách, chẳng hạn “từ ngày giải phóng”, “được Đảng và Nhà nước khoan hồng cho dự lớp học tập cải tạo” v.v… Tâm cũng lược bớt vài điều, như không nhắc đến việc cả gia đình ở Vũng tàu hôm 30-4. Năm Được kiên nhẫn lắng nghe, rồi hỏi:
- Chị đang ở nhà, ai dám vào đuổi mẹ con chị đi?
Tâm bối rối thú thực:
- Ngày giải phóng, gia đình em về Vũng tàu thăm bên ngoại.
Năm Được nói:
- Dù chị đi không được trở về cũng không ai có quyền chiếm nhà của chị. Không ai được xâm phạm tài sản của nhân dân. Chị ở phường nào?
- Dạ phường 11.
Năm Được chụp điện thoại, vừa quay số vừa nói:
- Cho tôi nói chuyện ngay với đồng chí phường trưởng. A lô, có đồng chí Tám Lúa đó không?
- …
- Chừng nào đồng chí ấy về?
- …
- Thôi được. Chừng một giờ nữa sẽ có người đến liên hệ với đồng chí về một việc thuộc Phường. Quận ủy nhận khiếu nại, và thấy trong vụ này, Phường phải giải quyết thỏa đáng cho người ta. Đồng chí Tám Lúa về, đồng chí cứ nói lại như vậy. Vâng, tôi là Năm Được Quận ủy.
Năm Được quay lại nói với Tâm:
- Để tôi viết cho chị mấy chữ. Hiện giờ đồng chí Phường trưởng còn đi họp chưa về. Dưới đó họ nói cuộc họp mãn lúc 9 giờ rưỡi, 10 giờ lại có cuộc họp ở Phường, nên chị xuống bây giờ thì vừa kịp. Chị đưa tấm giấy này cho đồng chí Phường trưởng giải quyết cho. Sao, Tư Vịnh? Về bên đó khỏe hơn không?
Tường thành thực đáp:
- Phức tạp hơn. Tôi tưởng chơi với sách vở đơn giản hơn. Ai ngờ…
Năm Được ngả người lên lưng ghế dựa, cười nói:
- Cậu lầm lẫn hoài. Chính sách vở mới đau đầu. Nhiều bữa học bồi dưỡng lý thuyết Mác Lê, mắt tôi cứ ríu lại, ngủ gật hoài.
Cả Tâm lẫn Tường đều cười.
Chủ khách từ biệt nhau. Tường nhìn quang cảnh văn phòng, hỏi:
- Anh ở luôn đây à?
- Ừ. Cho tiện việc. Từ sáng bận quá, chưa kịp xếp võng.
Tâm chờ ra khỏi văn phòng quận mới dám mở tờ giấy gấp tư Năm Được đưa. Thấy mặt Tâm xịu buồn, Tường hỏi:
- Ông ấy viết cái gì thế?
Tâm nói:
- Con tưởng ông ấy lấy giấy tờ công văn có “en-tête”, ai ngờ chỉ nguệch ngoạc có vài chữ.
Tường cười:
- Cách mạng thế đấy. Giấy tờ công văn loàng xoàng thế thôi, miễn tin nhau là được, không số công văn, không lưu chiếu gì cả.
Tâm vẫn còn lo ngại, năn nỉ:
- Thầy đã giúp con thì xin giúp cho trót. Thầy đi giùm với con xuống Phường. Một mình con, sợ họ không nể. Con đã lên khiếu nại mấy lần, lần nào họ cũng nặng lời nạt nộ, con sợ lắm.
Tường đành phải đưa cô học trò cũ xuống Phường 11. Trên đường đi, Tường hỏi:
- Anh nhà đi học tập hôm nào?
- Dạ đi trình diện hôm 15. Còn nửa tháng nữa thì anh ấy về. Khóa học cho cấp tá tướng và ty sở trưởng ít thôi, kỳ vừa rồi cấp úy đông ghê hở thầy. Con dặn nhà con tới nơi viết thư về liền, nhưng con đợi mãi chẳng thấy tăm hơi gì cả. Hôm qua nói chuyện với chị Trang, hóa ra anh Ngữ cũng vừa đi học.
Tường ái ngại không muốn nghe cô học trò cũ nói thêm gì nữa, tìm cách hỏi sang chuyện khác:
- Hồi trước học xong Đồng Khánh, Tâm học cái gì?
- Dạ con lấy chồng, rồi ở nhà nuôi con. Bây giờ con không biết phải học nghề gì đây. Đằng nào cũng chờ nhà con về rồi tính. An cư rồi mới lạc nghiệp được, phải không thầy? Thầy quẹo phía này. Dạ, phía trái. Trụ sở Phường ở cái nhà có tấm bảng đỏ ấy.
Ủy ban Nhân dân Phường lấy một gian phố lầu bê tông của người đã di tản làm trụ sở, căn phố nằm ngay ngoài mặt đường. Căn phòng trước trống trơn từ trước ra sau, chỉ có vài cái bàn gỗ để làm việc. Trước cửa, xe đạp xe gắn máy dựng ngổn ngang. Dọc theo tường phía bên tay phải là một hàng ghế xếp sắt có lẽ tịch thu từ nhiều nơi khác nhau nên kiểu ghế, mầu ghế, kích thước không có cái nào giống cái nào. Nhiều người dân, phần đông là đàn bà, đang ngồi chờ.
Tường nhìn đồng hồ thấy đã 10 giờ. Ngay nơi bàn giữa, ông Phường trưởng mặc đồ bà ba đen đang ngồi chậm rãi xem giấy tờ, phía bên trái ông, một bà thư ký cũng đang trực tiếp giải quyết những gì dân trong phường có việc cần tới cơ quan hành chánh. Lối làm việc của bà thư ký cũng thư thả chậm rãi y như cấp lãnh đạo, trong khi số người ngồi chờ lên tới mười lăm người, chưa kể người tới cuối cùng là Tâm.
Tường thầm đo lường tốc độ làm việc của phường, so sánh với số người chờ, lo lắng đến phiên Tâm thì hoặc đã tới giờ trưa phường đóng cửa nghỉ ăn cơm, hoặc Tường phải đi làm. Chàng nói nhỏ với Tâm:
- Tâm đưa cái giấy đây, tôi thử đến nói với đồng chí Phường trưởng xem sao. Chờ tới phiên lâu lắm.
Tâm lí nhí cảm ơn, vội mở xắc tay lấy tấm giấy đưa cho thầy. Tường đến chỗ bàn Phường trưởng mà ông Phường trưởng không thèm ngưng công việc cứ tiếp tục đọc hồ sơ. Ở xa, Tâm thấy Tường cúi xuống nói gì đó với ông Phường trưởng, ông này ngửng lên, kính viễn thị trễ xuống đầu sống mũi. Tâm thấy ông Phường trưởng lắc đầu. Tường nói thêm vài câu, dáng điệu có vẻ mất kiên nhẫn. Ông Phường trưởng bỏ hẳn cặp kính lão xuống bàn, la lớn:
- Yêu cầu đồng chí thực hiện nếp sống văn hóa mới. Ai tới trước thì được giải quyết trước.
Tường rút tấm giấy ra đưa cho ông Phường trưởng:
- Tôi có giấy của đồng chí Huyện ủy gửi cho đồng chí. Đồng chí Năm Được….
Ông phường trưởng cắt ngang lời Tường:
- Có Mười Được, Một Trăm Được thì cũng phải xếp hàng.
Tường vừa thẹn vừa giận, vì lúc đó những người tới trước cũng đã bắt đầu xôn xao bàn tán, khó chịu nhìn Tường như một người cậy quyền thế muốn qua mặt họ. Tâm chờ ông thầy tới gần, nói nhỏ:
- Thầy cứ để con chờ. Làm phiền thầy quá. Ông này hắc búa lắm.
Tường bỏ đi ra ngoài đường hút thuốc lá cho đỡ ngượng. Chú bảo vệ thấy Tường mặc quần áo dân sự theo kiểu Sài gòn mà lại mang dép nhựa kiểu bộ đội, băn khoăn không biết phải đối xử với Tường ra sao cho phải. Phía bên trong, đến phiên bà thư ký lớn tiếng gắt một ông lão:
- Tui làm việc cho nhân dân chớ không phải làm việc cho riêng ông, ông không được thúc hối. Giấy tờ thì phải đọc kỹ mới dám ký, chớ mau làm sao được.
Ông lão không nói gì, kiên nhẫn đứng nghe mắng để lấy cho được cái giấy đi đường. Sau khi xong việc, ông lão mừng đi ra. Nhưng tới chỗ Tường đứng thì khựng lại, quày trở vào hỏi:
- Thưa bà, sao giấy đi đường không có đóng mộc gì hết trơn vậy?
Bà thư ký không ngửng lên, đáp:
- Người giữ mộc chiều nay mới đi làm.
Ông lão chán nản bỏ về. Thấy Tường cũng là nạn nhân bị xài xể như mình, ông lão tiến tới gần nói nhỏ:
- Cái con mẹ dân Củ chi hách dịch còn hơn mấy ông cảnh sát thời ông Thiệu nữa. Con mẽ dốt, đọc chữ có thông đâu. Nó ký mà con mắt lé thế này, cái miệng méo lại để lấy gân thế này, (vừa nói ông lão vừa làm bộ phụ họa), bị tôi nhìn cười nên nó nổi giận. Lại mất thêm buổi chiều để lấy con dấu nữa.
Tường mừng là ông lão không nhìn ra đôi dép bộ đội dưới chân Tường. Mãi tới gần mười hai giờ, mới đến phiên Tâm.
Tâm không dám đi trước, chỉ rụt rè đi theo sau ông thầy cũ tiến tới bàn ông Phường trưởng. Bà thư ký nạt:
- Việc gì đem tui giải quyết trước.
Tường nói:
- Tôi là cán bộ Sở Văn hóa. Tôi có công tác cần liên hệ với đồng chí Phường trưởng.
Ông phường trưởng ngước lên, chờ Tường và Tâm tới, ánh mắt nhìn có vẻ thiện cảm hơn lúc nãy.
Tường thay Tâm nói sơ qua việc mất nhà cửa Tâm, rồi mới đưa tờ giấy của Năm Được cho ông Phường trưởng xem. Ông Phường trưởng chậm rãi mở tờ giấy gấp tư ra, đeo lại kính lão, chậm rãi đọc. Tường và Tâm hồi hộp chờ đợi. Ông Phường trưởng gấp tờ giấy lại như cũ, trả Tường và nói:
- Ông Trần văn Trà mà gửi tôi cái giấy như thế này tôi cũng gửi trả lại, chứ đừng nói gì tới Năm Được. Nhà tụi phản động chạy theo đế quốc bị tịch thu là phải, đòi đòi cái gì!
° ° °
Tâm bật khóc trước mặt Tường:
- Đấy mấy lần con ra khiếu nại ổng đều nói y như vậy. Con khổ quá, nhà con lại không có đây không biết tính sao. Sống làm chi cho khổ vậy, thầy!
Đột nhiên Tâm ngửng lên, mặt đanh lại:
- Đến nước liều chắc có ngày con đem cả lũ nhỏ lại nhà phá cửa vào mà ở. Con mua sẵn can xăng. Con biết hai vợ chồng ông cán bộ đó đi làm buổi chiều mới về. Con sẽ dẫn mấy đứa nhỏ ra ngồi choáng cửa trước. Họ đem súng tới đuổi mẹ con con đi thì con sẽ phóng hỏa tự thiêu luôn. Chết như vậy còn mát mẻ hơn là sống vô gia cư.
Tường vội can:
- Tâm đừng nóng, dại dột không ích gì. Thôi bây giờ Tâm về đi. Tôi trở lại quận nói cho Năm Được biết. Quận ủy nói mà Phường trưởng không nghe thì còn ra cái thể thống gì nữa? Hay là thằng này có tư thông gì với gia đình anh cán bộ kia? Tôi sẽ tìm hiểu cho rõ. Sáng mai Tâm ghé lại nhà, tôi cho biết kết quả.
Chị Tâm cúi xuống lấy vạt áo bà ba lau nước mắt, rồi ngửng lên nói:
- Trăm sự nhờ thầy. Dạ mai con đến. Con cảm ơn thầy.
Tường lái xe gắn máy chạy trở lên Ủy ban Nhân dân quận. May cho Tường, Năm Được còn ở đó. Nghe Tường kể đầu đuôi, mặt Năm Được đỏ bừng, mày cau lại. Ông chụp cái điện thoại, áp đầu ống nghe vào tai và bắt đầu quay số. Nhưng ngón tay trỏ vừa chạm tới mặt điện thoại thì Năm Được rút tay về, do dự. Ông thở dài, gác điện thoại vào chỗ cũ, và nói với Tường:
- Thôi! Tư Vịnh về nói với chị ấy nhờ người kín đáo đưa cho nó một ít tiền. Hoặc biếu cho con vợ thằng già đó cái tivi. Cho nó xong chuyện đi.
Hai người cùng nhìn nhau, và cùng lắc đầu.
Tường vào cơ quan lúc hai giờ chiều. Căn phòng làm việc vắng hoe, chỉ có một mình Ba Liệu. Bàn của Tường lại thêm một chồng sách khác, xếp trên cùng là hai cuốn sách của Ngữ. Chưa kịp hỏi Ba Liệu đã tới chỗ Tường đứng, tay cầm một mảnh giấy.
- Hồi sáng Tư Vịnh nghỉ anh em có mở một cuộc họp để phân công chuẩn bị các chuyên đề báo cáo tại hội nghị sắp tới. Phần những tên biệt kích chống cộng điên cuồng thì đã có người lo rồi. Mấy ổng khôn chọn trước những đề tài dễ. Loại nghiên cứu phê bình trong này thì anh Nhã đã giành phần. Thứ gì khó nuốt họ đẩy cho ba đứa mình. Mười Chí lo phần văn nghệ tâm lý chiến. Tôi lo phần văn nghệ dâm ô đồi trụy. Phần của Tư Vịnh là loại văn nghệ nhân đạo chung chung, văn nghệ ngụy dân tộc. Chuyên đề này hồi ở Trị Thiên tụi mình đã thảo luận kỹ, Tư Vịnh nhớ không? Anh em nghĩ Tư Vịnh thích hợp với chuyên đề này nhất, từng giao thiệp quen biết với nhiều người thuộc loại này nên nhất định Tư Vịnh phải có cái nhìn sắc bén nhất, chính xác nhất. Chưa kể khuynh hướng tiểu tư sản này có dây mơ rễ má với các trào lưu triết học phản động ở phương Tây, như sách của Camus, Sartre. À, may quá, tôi bới lại đống sách xin của phòng nạp bản thì vớ được hai cuốn truyện của anh Ngữ. Có phải anh Ngữ chỉ mới in được hai cuốn không? Tôi đã để hai cuốn đó trên bàn anh. Thêm một số sách khác của Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Cung Tích Biền, Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Y Uyên… Tùy anh chọn mỗi tác giả một cuốn đúng kiểu ngụy dân tộc để làm tư liệu minh họa. Tôi nghĩ nếu siêng thì anh làm công phu như thế, còn nếu lười thì cứ việc đem những truyện ngắn của anh Ngữ ra làm mẫu điển hình cũng đủ. Có điều lúc đó mình mổ xẻ phân tích theo tinh thần khác, theo nhu cầu học tập lúc bấy giờ. Nay thì mình có thể nhìn rộng hơn, có lý có tình hơn.
Tường đã chán nản vì vụ nhà cửa của cô học trò cũ, bây giờ lại phải nghe thêm những lời chỉ bảo của một cán bộ văn hóa gốc sinh viên ban hóa học. Tường gật đầu, đáp cho qua:
- Được. Để đó tôi lo.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương