Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2559 / 89
Cập nhật: 2015-08-18 16:19:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19: Cô Tô Thành Ngoại Hàn Sơn Tự
ô Châu không cách Hàng Châu bao xa, nằm trong đồng bằng hạ lưu sông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô. Tô Châu cũng được xem là thiên đường hạ giới như Hàng Châu, đã là kinh đô của nhiều triều đại rất cổ, trong đó có nhà Ngô cách đây trên hai ngàn năm.
Thời Đông Chu liệt quốc có một nhà vua nước Ngô tên là Ngô Hạp Lư. Năm 484 trước công nguyên, Hạp Lư lấy Tô Châu làm kinh đô và xây một cái thành bao quanh Tô Châu, đặt tên là thành Cô Tô. Theo một tài liệu cũ thì thành Cô Tô dài 23,5km và có 16 cổng thành. Ngày nay thành Cô Tô không còn dấu tích gì nữa, chỉ còn hai cổng thành đã đổ nát.
Hạp Lư có con trai là Ngô Phù Sai. Phù Sai là tướng giỏi, đánh tan và thu tóm nước Việt. Vua Việt là Câu Tiễn phải chạy về miền nam, đóng tại Cối Kê, thuộc tỉnh Triết Giang ngày nay. Thế nhưng Phù Sai là người mê gái đẹp nên bị rơi vào bẫy của Phạm Lãi. Lãi là người của Câu Tiễn tìm kế phục hận Cối Kê. Thật ra Cối Kê là một nơi trù phú, nó chính là Thượng Hải ngày nay nhưng hai ngàn năm trước Thượng Hải dĩ nhiên chỉ là một làng đánh cá. Phạm Lãi đi tìm mỹ nhân và kiếm ra được hai nàng, đó là Tây Thi và Trịnh Đán. Hai nàng này hẳn rất đẹp và cũng rất khỏe mạnh vì theo Ngô Việt Xuân thu kể thì hai nàng đi "hái củi và ngày nào cũng đập sợi trên sông".
Sau đó Tây Thi và Trịnh Đán khỏi phải "đập sợi" nữa vì Câu Tiễn đem "trăm nén vàng" đến thôn Trữ La, quê của hai người đẹp, rước về cho tập múa hát và dâng cho Phù Sai. Phù Sai được cả hai người đẹp nhưng yêu Tây Thi hơn và cho xây một cái đài gọi là Cô Tô đài.
Cô Tô đài được xây trên núi Linh Nham, cách Cô Tô thành khoảng 12km. Núi Linh Nham chỉ cao có 82m nhưng đá núi có hình thù kỳ dị, Tây Thi đi guốc lượn lên đó nghe tiếng "leng keng". Cũng theo sách xưa kể lại, đài Cô Tô xây năm năm mới xong, "cao năm trăm trượng, rộng tám mươi bốn trượng". Sau đó Phù Sai ở riết trong đài Cô Tô với Tây Thi, bỏ bê chính sự, cuối cùng quả nhiên bị Câu Tiễn diệt. Câu Tiễn lên ngôi vua thì Phạm Lãi thấy nên xa lánh triều đình, vì hoạn nạn thì Câu Tiễn chia xẻ nhưng danh lọi thì chưa chắc! Cuối cùng Phạm Lãi, con người đầy minh triết và nghệ sĩ đó, bỏ đi, cùng Tây Thi "giong chơi ngũ hồ rồi biệt tích". Có thuyết nói Tây Thi bị vợ Câu Tiễn dìm chết tại sông Tiền Đường nhưng tôi thích thuyết Tây Thi đi chơi với Phạm Lãi hơn.
Về sau Lý Bạch và Bạch Cư Dị đến Linh Nham để sáng tác những bài thơ bất hủ về Tây Thi và mối tình khó kiếm đó. Ngày nay trên núi Linh Nham không còn dấu vết gì của Cô Tô đài cả. Còn lại với thời gian là chùa Linh Nham xây thời nhà Lương (502-519). Qua bao nhiêu triều đại, Linh Nham tự là đạo trường của tông Pháp Hoa, Luật tông. Thời gian đã nhiều lần hủy phá Linh Nham tự, ngày nay du khách tìm thấy ngôi chùa mới xây lại năm 1919 và 1932.
Hãy trở lại thành Cô Tô, ngày nay nó cũng đã bị phá hủy. Thế nhưng ở phía tây của thành, bên con kênh đại vận hà nối liền nam bắc, có một ngôi chùa nhỏ trường tồn với thời gian. Đó là Hàn Sơn tự. Một buổi tối nọ, trăng đã tàn, có người ghé đậu thuyền trên đại vận hà, nghe một tiếng chùa của Hàn Sơn tự và làm bài thơ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (47).
Đó là bài Phong Kiều dạ bạc, tác giả là Trương Kế, ông vốn là một vị quan coi sóc chuyện buôn bán, sống cuối thế kỷ thứ 8. Bài thơ này đã trở thành giai thoại, Trương Kế lưu danh thiên cổ mặc dù chỉ làm vài bài thơ. Người đời sau có nhiều câu chuyện về sự tích của bài thơ này, nhất là thắc mắc chùa làm gì mà đánh chuông nửa khuya. Nhưng có thế mới ra thơ, nếu chuông đánh buổi sáng sớm gặp lúc Trương Kế ngủ dậy lo đi coi sóc hợp đồng mua bán ngành sắt và muối thì ngày nay đã không ai biết Hàn Sơn tự.
Tôi đến Hàn Sơn tự và tìm xem Trương Kế đã đậu bến nào. Đó là một kênh sông nhỏ, chiếc cầu Phong kiều chính là loại cầu vòm cong cong như ta thường thấy tại Hàng Châu, Tô Châu. Hai bên cầu là bờ kênh trồng những cây phong, đó là "cây bến" của Tản Đà, loại cây có gỗ màu sáng, có lá như hình cờ Ca-na-đa. Ngày nay cây phong cũng còn, chen lẫn với nhiều cây khác để nơi đây ngày tôi đến có một phong cảnh xinh đẹp lạ thường. "Lửa chài" của ngày xưa nay hẳn đã biến mất nhưng ngược lại tiếng chuông chùa nổi lên dồn dập. Tôi vào Hàn Sơn Tự, ngay cửa vào là bài Phong Kiều dạ bạc do Khang Hữu Vi đời Thanh viết chữ đại tự đứng mãi với thời gian và mưa gió chào khách.
Hàn Sơn chỉ là một ngôi chùa nhỏ, được xây năm 502. Trong loạn Thái Bình thiên quốc chùa bị phá hủy và được xây lại năm 1905. Chiếc chuông mà Trương Kế nghe tiếng thời nhà Đường đã bị mất và được thay thế bằng một chiếc mới. Chúng tôi may mắn được phương trượng chùa Hàn Sơn tiếp. Ông chuyên viết chữ đại tự, trên tường treo đầy những bức thư pháp của ông, chỗ viết là một chiếc bàn dài kê dọc đầy những mực. Ông nói chậm rãi: "Chùa Hàn Sơn chỉ là một chùa nhỏ, nó lưu danh chỉ nhờ một tiếng chuông. Thế nhưng, chúng ta là Phật Tử, chùa nhỏ chùa lớn không quan trọng, chúng đều chỉ là danh tự".
Thanh nhã thay và cũng sâu sắc thay! Chùa Hàn Sơn nhỏ nhưng tiếng chuông quá lớn nên ngày nay khách du lịch đến đầy nơi đây. Gác chuông đầy kẻ lên người xuống. Tôi cũng sắp hàng lên gác chuông gỗ nhỏ hẹp chỉ có chỗ cho vài người. Ôi tiếng chuông làm nao lòng Trương Kế ngày xưa bây giờ nó vang lên loạn xạ, khi to khi nhỏ lẫn trong tiếng cười đùa của các thanh niên thiếu nữ mặc quần sọt. Họ đánh một tiếng chuông lấy có rồi vội lên xe đi chỗ khác, đâu biết rằng trong chùa có nhiều điều đáng trân trọng nữa như kinh sách, bia đá của tiền nhân. Ít người trong họ không biết sau hậu điện của chùa có hình vẽ của người xem như một gã điên mà tên người đó chính là tên của chùa. Đó là Hàn Sơn, một cuồng sĩ của thế kỷ thứ 7, thường hay được nhắc chung với Thập Đắc.
Ngày đó Hàn Sơn là một bần sĩ sống trong hang đá trong núi Thiên Thai, là chỗ của Tế Điên hòa thượng. Trên núi Thiên Thai có chùa Quốc Thanh nổi tiếng, bấy giờ do thiền sư Phong Can trụ trì. Hàn Sơn hay lui tới chùa này, chơi với Thập Đắc. Thập Đắc (lượm được) cũng không khá gì hơn, là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được Phong Can lượm đem về chùa. Thập Đắc quí Hàn Sơn, hay thu góp thức ăn, đựng trong một ống tre, cho Hàn Sơn mang đi. Thế nhưng Hàn Sơn không biết thân phận, đã không biết cám ơn chùa mà còn chửi đời.
Sách Tống cao tăng truyện viết: "Hàn Sơn đi trong hành lang chùa, chốc chốc lại kêu gào chửi bới lăng mạ mọi người, hoặc là ngẩng mặt lên trời mà chửi đổng. Các vị sư trong chùa không chịu nổi các gậy đuổi đi thì Hàn Sơn lăn lộn, vỗ tay cười hà hà rồi bỏ đi, quần áo rách bươm, mặt mũi hốc hác, đầu đội mũ bằng vỏ cây hoa, chân kéo lê đôi guốc mộc". Hàn Sơn Thập Đắc thường bá cổ bá vai đi chơi với nhau và cũng thường lui tới chùa Hàn Sơn hiện nay ở Tô Châu.
Ngày nọ có vị quan tên là Lư Khâu Dẫn đến hỏi Phong Can, ở đây ai là người hiền. Phong Can là một thiền sư đắc đạo, cảm hóa được cả cọp, đáp: "Có Hàn Sơn tức là Văn-thù, Thập Đắc tức là Phổ Hiền, hình dạng như người nghèo, điệu bộ như người cuồng". Lư Khâu Dẫn đến chùa gặp hai vị đó liền cúi lạy vái chào, các vị sư khác kinh ngạc hỏi: "Ngài là quan to sao lại cúi lạy kẻ cuồng phu". Hàn Sơn, Thập Đắc cười hà hà, nói "Phong Can lắm chuyện" rồi bỏ đi.
Về sau Lư Khâu Dẫn đến tìm thì Hàn Sơn chỉ la lớn "Các ngươi hãy cố gắng" rồi biến mất trong hang, để lại nhiều thơ ca. Còn Thập Đắc cũng bỏ đi đâu không ai biết. Ngày nay hậu thế còn lại Hàn Sơn thi tập do Lư Khâu Dẫn đề tựa và Đạo Kiều ghi chép, phụ thêm cả thơ của Thập Đắc và Phong Can, gồm hơn 300 bài, gọi chung là Tam Ẩn Tập. Sau khi Hàn Sơn biến mất rồi thì chùa ở Tô Châu mang tên Hàn Sơn để nhớ đến vị cuồng sĩ này, trong chùa còn tranh tượng của Hàn Sơn Thập Đắc.
Xem Thêm: (BBT TVHS)
Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế
Đến Hàn San Tự Để Tìm Hiểu Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc
Thiền Sư Nhất Hạnh Nói Về Bài Thơ Trên
Đọc Lại Phong Kều Dạ Bạc, Trần Long Hồ
Trở Lại Với Phong Kiều Dạ Bạc, Hải Đà Vương Ngọc Long
Đôi Bạn Chùa Hàn Sơn, Duyên Trường
Mùi Hương Trầm Mùi Hương Trầm - Nguyễn Tường Bách Mùi Hương Trầm