This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Alexandre Dumas
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3490 / 64
Cập nhật: 2015-01-06 15:32:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 42 - Chuyện Cơ Mật
iều đầu tiên quận công d Anjou được biết khi trở về Louvre là lễ đón long trọng các sứ thần được ấn định vào năm hôm sau. Thợ may và thợ làm đồ châu báu đang đợi ông hoàng với những bộ áo quần lộng lẫy và những đồ trang sức tuyệt vời mà nhà vua đã sai làm cho ông.
Trong khi Henri d Anjou thử áo quần và đồ trang sức trong cơn tức giận khiến mắt ông mờ lệ thì Henri de Navarre lại rất hớn hở với một chuỗi ngọc bích, một thanh kiếm chuôi nạm vàng và một chiếc nhân quý mà Charles vừa gửi tới cho ông sớm hôm đó.
D Alençon vừa nhận được một bức thư liền đóng cửa một mình trong phòng để đọc cho thoải mái.
Về phần Coconnas, chàng hỏi thăm tất cả kẻ qua người lại ở Louvre về tin tức bạn mình.
Quả thật ta cũng dễ đoán là Coconnas cũng chẳng ngạc nhiên gì lắm khi thấy De Mole suốt đêm không về, tới sáng ra chàng bắt đầu thấy hơi lo. Vì vậy chàng bắt đầu đi tìm bạn từ quán Tinh tú tới phố Cloche Percée từ phố Cloche Percée tới phố Tizon, từ phố Tizon tới cầu Saint-Michel, rồi lại từ cầu Saint-Michel về tới Louvre.
Đối với những người được hỏi thăm thì cái công việc tìm kiếm này được tiến hành một cách khi thì quá độc đáo, khi thì quá bức bách, và vì chúng ta đã biết tính tình kỳ cục của Coconnas nên cũng dễ hiểu được là giữa chàng và ba vị lãnh chúa trong triều đã xảy ra lời qua tiếng lại và kết thúc theo cái mốt của thời đó, nghĩa là ngoài bãi đấu. Coconnas đã tận tình để hết tâm lực vào các cuộc gặp gã loại này như chàng vẫn thường làm.
Chàng giết chết người thứ nhất và làm bị thương hai người kia, vừa đánh nhau, chàng vừa than thở:
- Tội nghiệp La Mole, hắn giỏi tiếng Latinh biết chừng nào!
Đến nỗi nam tước de Boissey, người đấu cuối cùng cũng phải kêu lên khi ngã xuống:
- Ôi lạy Chúa! Coconnas, thay đổi đi một tí, ít ra cũng nói rằng ông ta có biết tiếng Hy Lạp.
Cuối cùng tin đồn về cuộc tiễu trừ trong hành lang đã lộ ra.
Coconnas đau đớn vô cùng, có lúc chàng đã nghĩ rằng tất cả những ông vua ông hoàng đã giếi bạn mình và ném xác vào trong một ngục tối nào đấy. Chàng được biết d Alençon cũng dự cuộc. Và chẳng thèm đếm xỉa đến cái tôn nghiêm của một ông hoàng theo huyết thống, chàng tới tìm ông ta và đòi giải thích tựa như đối với một quý tộc bình thường vậy.
Mới đầu d Alençon định tống cổ cái anh chàng lếu láo dám bắt ông trả lời về những việc ông làm, nhưng Coconnas nói với giọng cộc lốc quá, mắt chàng ánh lên những tia lừa gắt gao quá, và chuyện ba trận đấu trong vòng chưa đầy hai mươi bốn tiếng đặt chàng lên cao quá, nên d Alençon phải suy nghĩ và thay vì làm theo những toan tính đầu tiên của mình, ông lại trả lời viên quý tộc của mình với một nụ cười dễ mến:
- Ông Coconnas thân mến, quả đúng là đức vua tức giận vì bị ném một bình nước bằng bạc vào vai cùng với quận công d Anjou bất bình vì bị chụp lên đầu một lọ mứt cam và quận công de Guise lấy làm nhục vì bị một tảng thịt lợn rừng ném vào mặt nên đã tham gia việc định giết ông de Mole. Nhưng một người bạn của bạn ông đã xoay chuyển được đòn đánh. Cú đòn đã trượt, ta thề bằng danh dự hoàng tử với ông như thế.
- A! - Coconnas thở phào khi nghe lời đảm bảo ấy - Ôi, mẹ kiếp! Tốt quá, thưa điện hạ, tôi muốn được biết người bạn ấy để bày tỏ lòng biết ơn của tôi.
Ông d Alençon không nói gì nhưng mỉm cười còn ưu ái hơn trước khiến Coconnas tưởng rằng người bạn đó chẳng phải ai khác ngoài chính hoàng thân.
- Thưa bệ hạ - Chàng nói tiếp - Người đã có lòng kể cho tôi nghe phần đầu câu chuyện, xin hãy gia ân kể nốt phần cuối. Họ định giết bạn tôi, nhưng chưa giết được như điện hạ vừa dạy. Thế nhưng họ đã làm gì ông ta rồi? Xin điện hạ cứ nói đi tôi là người can đảm và biết chịu đựng những tin buồn. Có phải họ đã ném cậu ấy vào đáy hầm giam nào rồi phải không?
Càng tốt, có thế hắn mới cẩn thận hơn. Hắn không bao giờ chịu nghe lời tôi. Vả lại, mẹ kiếp, ta sẽ kéo hắn ra! Gạch đá cũng chẳng quá rắn đối với tất cả mọi người.
D Alençon lắc đầu nói:
- Coconnas thân mến, tệ nhất là từ khi có chuyện đó bạn người đã biến mất mà không ai biết ông ta ở đâu.
- Mẹ kiếp! - Anh chàng xứ Piémontais lại tái mặt đi - Hắn có mà chui xuống âm ty thì tôi cũng sẽ tìm ra.
- Nghe đây - Vì những lý do hoàn toàn khác hẳn, quận công cũng muốn biết chỗ ẩn náu của De Mole như Coconnas - Ta sẽ khuyên người như một người bạn.
- Xin điện hạ cứ dạy.
- Đến gặp hoàng hậu Marguerite xem, chắc bà ta biết cái người mà người đang thương nhớ, ở đâu.
- Tôi cũng xin thú thật với điện hạ là tôi đã nghĩ tới nhưng không dám. Vì ngoài cái việc lệnh bà Marguerite khiến tôi e ngại lắm lắm thì tôi còn sợ lại gặp phải lệnh bà đang khóc lóc. Nhưng nếu điện hạ cam đoan chắc với tôi là De Mole chưa chết và lệnh bà được biết hắn đang ở đâu thì tôi sẽ thu hết can đảm để tới gặp hoàng hậu.
- Đi đi anh bạn - Quận công nói - Khi nào người có tin thì báo cho ta biết với nhé. Thực tình tà cũng lo lắng chẳng kém gì người. Nhưng này Coconnas, phải nhớ một điều là…
- Điều gì ạ?
- Đừng có nói ta xui người đến. Vì nếu người bất cẩn như thế thì có thể người sẽ chẳng biết được gì đâu?
- Thưa điện hạ, khi điện hạ đã dặn tôi phải giữ mồm giữ miệng về việc này thì tôi sẽ câm như hến hay nín thinh như lệnh bà Thái hậu thôi ạ.
"Ông hoàng tốt bụng, ông hoàng tuyệt vời, ông hoàng đại lương". Coconnas vừa lẩm bẩm vừa đi tới cung hoàng hậu Navarre.
Marguerite đang chờ Coconnas vì tiếng đồn đại về nỗi tuyệt vọng của chàng đã lan tới tai nàng. Khi được biết niềm thất vọng đó được thể hiện bằng những chiến công như thế nào, nàng gần như đã tha thứ cho Coconnas về tội đã đối xử một cách khá là thô bạo với bạn nàng, quận chúa de Nervers. Anh chàng Piémontais không nói năng gì với quận chúa vì một chuyện xích mích lớn giữa hai người từ hai ba hôm nay. Ngay sau khi được báo danh, chàng được dẫn ngay vào chỗ hoàng hậu.
Coconnas bước vào mà vẫn không thắng nổi cơn lúng túng mà chàng đã kể với d Alençon là thường vẫn cảm thấy mỗi khi ở trước mặt hoàng hậu, sự lúng túng của chàng do tính ưu việt về trí tuệ của hoàng hậu đã gây ra hơn là do sự hơn hẳn về đẳng cấp. Nhưng Marguerite đón tiếp chàng với một nụ cười khiến chàng an tâm ngay.
- Ồ, thưa lệnh bà, xin Người hãy trả ông bạn tôi cho tôi. Tôi cầu xin Người đấy, hay ít ra lệnh bà hãy cho tôi biết hắn ta ra sao rồi, vì tôi không thể sống thiếu hắn được. Lệnh bà cứ thử tưởng tượng Euyale mà không có Nisus, Damon không có Pythias, hay d Oreste không có Pylade mà xem. Lệnh bà hãy vì một trong những vị tôi vừa nêu tên mà rủ lòng thương nỗi bất hạnh của tôi, tôi xin thề là tình thương mến trong lòng họ cũng không thể hơn lòng tôi đối với bạn.
Marguerite mỉm cười và sau khi bắt Coconnas hứa giữ bí mật, nàng kể cho chàng nghe về cuộc trốn chạy qua cửa sổ. Còn về nơi ở của De Mole thì dù cho Coconnas cố vật nài khẩn khoản đến đâu chăng nữa, nàng vẫn nín thinh. Điều này chỉ làm Coconnas hài lòng có một nửa, vậy nên chàng bèn thả mình theo những ước đoán rất chi ngoại giao khiến rốt cuộc là Marguerite nhận thấy rõ rành rành rằng quận công d Alençon cũng dính líu đến phân nửa trong cái ý đồ của viện quý tộc của ông ta muốn biết De Mole nay ra sao.
- Thế này, nếu ông đã muốn biết một điều gì hơn nữa về bạn ông, thì xin ông hãy hỏi đức vua de Navarre. Chỉ ông ta mới có quyền nói ra thôi. Còn về phần tôi, tôi chỉ có thể nói với ông rằng người mà ông tìm kiếm vẫn sống. Xin hãy tin lời tôi.
- Thưa lệnh bà, tôi còn tin một điều chắc chắn hơn nữa cơ - Coconnas đáp - Đó là đôi mắt đẹp của lệnh bà không hề phải khóc.
Lòng đầy tin tưởng rằng mình chẳng còn gì để nói thêm sau một câu vừa tóm lược được cả ý nghĩ của mình, vừa thể hiện việc đánh giá cao giá trị của De Mole, Coconnas xin cáo lui, vừa đi vừa nghĩ cách làm lành với phu nhân de Nervers, không phải vì nàng, mà là đề thông qua nàng mà biết được cái điều chàng đã không thể moi được ở Marguerite.
o O o
Những nỗi đau khổ lớn lao đều là những tình huống bất thường mà trí tuệ con người thường vẫn tìm cách giũ bỏ ngay khi có thể được. Ý nghĩ phải rời bỏ Marguerite khiến trái tim De Mole tan nát. Chàng chịu trốn đi cũng chỉ vì muốn giữ gìn danh dự cho hoàng hậu còn hơn cả để giữ gìn tính mạng mình.
Ngay tối hôm sau, chàng đã trở lại Paris để được nhìn thấy Marguerite ngoài ban công nhà nàng. Về phần Marguerite, dường như cũng có lời mách bảo bí ẩn nào báo cho nàng biết việc chàng trai trở về nên cả buổi tối nàng cứ đứng bên cửa sồ.
Kết quả là cả hai đều đã được nhìn lại nhau với nỗi vui mừng khôn xiết của những niềm hoan lạc bị cấm đoán. Hơn thế nữa, đầu óc ưu sầu và lãng mạn của De Mole lại coi việc trắc trở này như có điều hấp dẫn. Tuy nhiên vì người thực sự si tình chỉ được hạnh phúc lúc chàng ta được nhìn ngắm hoặc chiếm đoạt còn thì chịu khổ đau suốt lúc vắng bóng người yêu, nên De Mole khao khát được gặp lại Marguerite và chăm lo tới việc tổ chức thật nhanh việc trả nàng lại cho chàng, đó là cuộc đi trốn của vua Navarre.
Còn Marguerite, nàng để thả mình trong niềm hạnh phúc được yêu bằng một mối tình tận tụy và trong sáng đến thế. Nàng thường hay tự oán mình về điều mà nàng coi như một sự yêu đuối Nàng, một trí tuệ đáng sánh với nam nhi, vốn coi khinh những trò nhỏ nhặt của tình yêu tầm thường, vốn dửng dưng với những điều chăm chút cỏn con khiến cho tình yêu đó trở thành niềm hạnh phúc ngọt ngào, tinh tế và đáng ao ước nhất đối với những tâm hồn đa cảm. Nay nàng chỉ coi đó là một ngày hạnh phúc trọn vẹn hay ít ra là kết thúc một cách may mắn khi nàng khoác một chiếc áo choàng trắng bước ra ban công vào khoảng chín giờ và thấy trên bờ sông, trong bóng tối, có một chàng kỵ mã với bàn tay đặt trên môi, trên trái tim. Khi đó nàng bèn ho một tiếng đầy ý nghĩa để nhắc người tình nhớ lại giọng nói thân thương. Đôi khi bàn tay bé nhỏ của nàng lại mạnh dạn ném đi một mảnh thư cuộn quanh một đồ trang sức quý giá, nhất là vì nó đã thuộc về người gửi chứ không phải chất liệu tạo nên đó. Mảnh thư rơi xuống lăn lốc trên nền đá cách chàng trai vài bước chân. Nhanh như cắt, de Mole lao tới tờ thư, siết lên ngực và lại trả lời bức thư cũng theo cách ấy. Và Marguerite chỉ quay trở vào nhà sau khi nghe chìm dần trong đêm tiếng chân ngựa phi xa. Để tới chỗ nàng, chàng đã ra roi thật lực, còn lúc trở về dường như ngựa chàng được làm bằng cùng thứ vật liệu như con ngựa khổng lồ đã làm thành Troie. thất thủ khi xưa(1).
Đó là lý do tại sao hoàng hậu không lo lắng gì về số phận của De Mole. Hơn nữa sợ rằng mỗi bước đi của mình đều có người rình rập, nàng từ chối không cho La Mole gặp nàng dưới hình thức nào khác ngoài những cuộc hẹn hò kiểu Tây Ban Nha này. Những cuộc hẹn đó bắt đầu từ khi chàng đi trốn và tối nào cũng lặp lại trong những ngày trước buổi triều kiến của các sứ thần. Như chúng ta đã biết, buổi triều kiến đó bị hoãn lại vài ngày do nghiêm lệnh của Ambroise Paré.
Khoảng chín giờ tối đêm trước ngày có buổi triều kiến, vì mọi người ở Louvre đều đang bận rộn chuẩn bị cho ngày mai, nên Marguerite mở cửa sồ và tiến ra ban công. Nàng mới vừa ra thì De Mole hấp tấp hơn ngày thường không chờ thư của Marguerite đã ném thư của mình đi. Lá thư được một bàn tay thành thạo ném đi rơi xuống chân người tình hoàng tộc của chàng. Marguerite hiểu rằng bức thông điệp hẳn có điều gì đặc biệt nên nàng trở vào nhà để đọc.
Trên mặt phải trang đầu của thư có những dòng sau:
"Thưa lệnh bà, tôi cần phải nói chuyện với đức vua Navarre. Việc khẩn cấp. Tôi xin chờ".
Trên mặt phải của trang hai mà người ta có thể xé từ trang thứ nhất ra có những dòng sau:.
"Lệnh bà và hoàng hậu của tôi, hãy làm sao cho tôi có thế trao cho nàng một cái hôn mà tôi gửi tới nàng đây. Tôi xin chờ".
Marguerite vừa kịp đọc xong phần thứ hai của lá thư thì nàng đã nghe thấy tiếng Henri de Navarre, với sự giữ ý thường lệ, đang gõ vào cánh cửa lớn và hỏi Gillonne xem liệu ông có thể vào được không.
Tức thì hoàng hậu xé đôi lá thư ra, nhét một trang vào lần áo lót trang kia vào túi, chạy tới đóng cửa sổ và lao về phía cửa ra vào, nàng nói:
- Xin bệ hạ hãy vào.
Dù Marguerite đã đóng cửa rất nhanh, nhẹ nhàng và khéo léo, Henri vẫn nhận thấy sự chấn động, các giác quan của ông luôn luôn căng thẳng và ở giữa cái xã hội mà ông rất đỗi ngờ vực này, các giác quan đó đã đạt được sự tinh tường như của người sống trong hoang dã. Nhưng vua Navarre đâu phải là kẻ chuyên chế đến nỗi cấm vợ thở hít khí trời lẫn ngắm trăng sao. Henri vẫn tươi cười và mềm mỏng như mọi khi, ông nói:
- Thưa bà, trong khi các triều thần của chúng ta thử các đồ lễ phục, tôi lại nghĩ tới việc đến trao đổi với bà vài lời về công việc của tôi mà bà vẫn tiếp tục coi như công việc của mình, có phải thế không bà?
- Thưa bệ hạ, đúng vậy, các quyền lợi của chúng ta chẳng vẫn là một đó sao?
- Thưa bà, vì thế nên tôi muốn hỏi bà nghĩ thế nào về việc ông quận công d Alençon cố tình lẩn tránh tôi từ mấy ngày nay, đến nỗi hôm kia, ông ta rút lui về tận Saint-Germain. Phải chăng đối với ông ta đó là cách để ra đi một mình, vì ông ta ít bị theo dõi hoặc là một cách để không phải ra đi nữa? Xin bà cho biết ý kiến của bà, tôi xin thú thật là nó sẽ giúp tôi khẳng định ý kiến của tôi.
- Bệ hạ thật quả có lý do để lo lắng về sự im lặng của ông em tôi. Cả ngày hôm nay tôi nghĩ về việc đó và thiển ý của tôi là do tình hình thay đổi nên quận công cũng thay đổi theo tình hình.
- Có phải thế có nghĩa là khi thấy vua Charles ốm, quận công d Anjou trở thành vua Ba Lan, ông ta cũng không thấy phiền lòng nếu được ở lại Paris để canh chừng cái ngai vàng nước Pháp, đúng không?
- Chính thế.
- Thôi được. Tôi cũng chẳng mong gì hơn cho ông ta ở lại.
Tuy nhiên việc này làm thay đổi tất cả kế hoạch của chúng ta vì để ra đi một mình tôi cần được đảm bảo gấp ba lần hơn những điều tôi yêu cầu để ra đi cùng ông em của lệnh bà. Chỉ cần tên và sự có mặt của ông ta trong công cuộc này cũng đủ để cứu trợ cho tôi rồi. Chỉ có điều làm tôi ngạc nhiên đó là không thấy tăm hơi gì của ông de Mouy cả. Ông ta không có thói quen án binh bất động như vậy. Lệnh bà có tin tức gì không?
- Thưa bệ hạ, tôi ấy à?… - Marguerite ngạc nhiên hỏi - Nhưng tôi làm sao mà…
- Ồ! Thế có Chúa chứ, cũng thật hiển nhiên thôi, bà bạn thân mến. Để làm vui lòng tôi, bà đã có nhã ý cứu sống anh chàng De Mole nhỏ bé… Chàng trai đó đã đi Nantes… Đi được thì cũng có thể về được…
- À ra thế, việc này giải thích cho tôi điều khó hiểu khiến từ nãy đến giờ tôi nghĩ mãi không ra - Marguerite đáp - Lúc tôi đi để ngỏ cửa sổ, khi về tôi thấy trên thảm rải sàn có cái gì như một bức thư.
- Bà thấy chưa! - Henri thốt lên.
- Mới đầu tôi chẳng hiểu gì về bức thư này cả và cũng không coi nó là quan trọng. Nhưng có lẽ tôi nhầm, có khi thư lại từ phía ấy gửi đến đấy.
- Có thể lắm - Henri đáp - Thậm chí tôi còn dám nói là chắc chắn thế. Tôi có thể xem thư đó được không?
- Tất nhiên rồi, thưa bệ hạ - Marguerite vừa nói vừa trao cho nhà vua lá thư mà nàng đã nhét vào túi.
Nhà vua liếc mắt qua và hỏi:
- Có phải nét chữ của ông de Mole đây không?
- Tôi không biết - Marguerite đáp - Tôi thấy hình như nét chữ có vẻ giả mạo thì phải.
- Thôi kệ, xem nào.
Và Henri đọc:
"Thưa lệnh bà, tôi cần phải nói chuyện với đức vua Navarre. Việc khẩn cấp tôi xin chờ".
- À đấy - Henri nói tiếp - Bà thấy chưa, ông ta nói là ông ta chờ.
- Tất nhiên là tôi thấy… Nhưng bệ hạ định làm gì?
- Ồ! Quỷ quái thật! Tôi muốn ông ta đến đây.
- Ông ta đến đây ấy ạ! - Marguerite tròn đôi mắt đẹp của nàng lên nhìn chồng - Sao bệ hạ lại nói vậy? Một người mà đức vua đã định giết… một người đã bị niêm yết nhận dạng, bị đe doạ Bệ hạ truyền cho ông ta tới đây - Làm sao có thể như thế được? Cửa ra vào đâu có mở đối với những kẻ…
- Đã bị buộc phải trốn qua cửa sổ… Bà định nói thế chứ gì?
- Đúng vậy, bệ hạ đã nói hộ tôi.
- Thế này, nếu như họ biết đường cửa sổ thì cứ việc đi bằng đường ấy thôi, vì tuyệt nhiên là họ không thể đi bằng đường cửa lớn được. Thật đơn giản quá.
- Bệ hạ nghĩ thế ạ? - Marguerite đỏ mặt lên sung sướng khi nghĩ sắp được gần De Mole.
- Tôi tin chắc thế.
- Nhưng làm sao lên được? - Hoàng hậu hỏi.
- Vậy bà không giữ chiếc thang tôi gửi cho bà à? Ồ, tôi thật không nhận ra tính vẫn hay lo xa của bà đấy.
- Thưa bệ hạ có chứ - Marguerite đáp.
- Thế thì tốt lắm.
- Vậy bệ hạ định truyền cho tôi làm gì?
- Đơn giản lắm, bà cứ buộc thang vào ban công và để treo ở đấy. Nếu đó là de Mouy đang chờ… Tôi dám tin thế lắm… vậy nếu đó là de Mouy đang chờ và muốn lên thì hắn, cái anh chàng can đảm ấy sẽ lên đây.
Mặt thản nhiên như không, Henri cầm nến soi cho Marguerite đi tìm chiếc thang. Nàng tìm cũng nhanh thôi. Chiếc thang được cất trong một chiếc tủ trong căn buồng trứ danh kia.
- Được, được lắm - Henri phán - Bây giờ nếu không làm phiền bà nhiều quá thì tôi xin bà buộc thang vào ban công.
- Thưa bệ hạ, tại sao lại là tôi buộc chứ không phải là bệ hạ buộc? – Marguerite hỏi.
- Bởi vì những kẻ âm mưu giỏi nhất cũng chính là những người thận trọng nhất. Nếu ông bạn chúng ta thấy một người đàn ông có thể ông ta sẽ e dè, xin bà hãy hiểu cho.
Marguerite mỉm cười và đi buộc thang.
- Thế, thế - Henri nấp trong góc nhà nói - Bà cứ đứng hẳn ra đi. Tốt lắm, tôi tin chắc là de Mouy sắp trèo lên đấy.
Quả thật, chừng mươi phút sau, một người đàn ông say sưa sung sướng leo qua ban công, nhưng khi thấy hoàng hậu không tới đón mình, chàng ta đứng lại ngập ngừng vài giây. Thay cho Marguerite, Henri tiến ra và ân cần nói:
- Ồ không phải de Mouy, té ra là ông de La Mole. Chào ông, ông de Mole, kìa xin ông vào đi chứ.
De Mole ngẩn người ra một lát.
Có lẽ nếu chàng còn treo lơ lửng trên thang chứ không phải đã đặt chân lên ban công rồi thì chàng sẽ ngã lộn cổ ra sau mất.
- Ông đã muốn hầu chuyện đức vua Navarre về những công việc khẩn cấp - Marguerite nói - Tôi cho người báo với Hoàng thượng và Người đã tới đây.
Henri tới đóng cửa sổ lại.
"Em yêu mình" - Marguerite vừa nói vừa hấp tấp siết tay chàng trai.
- Thế nào, ông de Mole - Henri kéo ghế cho De Mole và hỏi - Có chuyện gì vậy?
- Tâu bệ hạ - La Mole đáp - Tôi vừa mới chia tay với ông de Mouy ở chỗ chắn đường. Ông ta muốn biết Maurevel đã nói năng gì chưa và việc ông ta có mặt ở phòng bệ hạ hôm đó đã bị phát giác hay chưa?
- Chưa đâu, nhưng cũng chẳng lâu nữa đâu. Vì thế chúng ta phải nhanh nhanh lên thôi.
- Ý bệ hạ cũng trùng với ý kiến ông de Mouy. Vậy nếu tối mai ông d Alençon sẵn sàng ra đi thì ông ta phải có mặt ở cửa ô Saint-Marcel với một trăm năm mươi tùy tùng. Năm trăm người nữa sẽ đợi Hoàng thượng và điện hạ tại Fontainebleau, rồi từ đó người sẽ đi qua Blois, Angoulême và tới Bordeaux.
- Thưa bà - Henri quay sang hỏi vợ - Ngày mai, về phần tôi tôi sẽ sẵn sàng, còn lệnh bà?
De Mole nhìn Marguerite đăm đăm với ánh mắt đầy lo âu.
- Tôi đã hứa với Hoàng thượng. Người đi đâu tôi sẽ theo đấy.
- Nhưng bệ hạ cũng biết rằng ông d Alençon cũng phải ra đi cùng chúng ta. Không thể nửa vời với ông ta được, hoặc ông ta phục vụ chúng ta, hoặc ông ta phản chúng ta, nếu ông ta ngập ngừng thì chúng ta cũng phải án binh bất động.
- Liệu ông ta có biết gì về dự định này không, ông de Mole? - Henri hỏi.
- Ông ta đã nhận được một bức thư của ông de Mouy cách đây vài hôm.
- À à! Thế mà ông ta chẳng nói gì với ta! - Henri thốt lên.
- Xin bệ hạ hãy cảnh giác - Marguerite nói.
- Xin bà yên tâm, tôi vẫn cẩn thận. Làm sao trả lời cho ông de Mouy được?
- Tâu bệ hạ, xin Người đừng lo ngại gì cả. Ngày mai trong buổi lễ tiếp các sứ thần, ông ta sẽ ở đâu đấy quanh bệ hạ, dù cho bệ hạ có nhìn thấy ông ta hay không. Chỉ cần một câu trong bài diễn văn của hoàng hậu là đủ khiến ông ta hiểu được rằng bệ hạ có đồng ý hay không, ông ta phải trốn đi hay ở lại chờ Người. Nếu quận công d Alençon từ chối, ông ta chỉ cần mười lăm hôm để tổ chức lại tất cả nhân danh bệ hạ.
- De Mouy quả là người quý giá thật - Henri nói - Lệnh bà có thể xen cái câu ấy vào bài diễn văn của lệnh bà được không?
- Dễ lắm - Marguerite đáp.
- Thế ngày mai ta sẽ gặp ông d Alençon, de Mouy cứ ở chỗ ông ta và phải chú ý chưa nói nửa lời đã hiểu đấy nhé.
- Tâu bệ hạ, ông ta sẽ ở vị trí của mình.
- Này ông De Mole, ông đi trả lời ông de Mouy cho ta nhé
- Henri nói - Chắc quanh đây ông có ngựa với người hầu nào chứ?
- Có Orthon đang đợi tôi trên bờ sông.
- Thôi đi ra gặp hắn đi, bá tước. Ồ không, không phải bằng đường cửa sổ đâu, làm thế chỉ ổn trong các trường hợp cần kíp lắm thôi. Người ta có thể nhìn thấy ông, họ không biết ông liều thân như thế vì ta nên ông sẽ làm hoàng hậu mang tiếng mất.
- Vậy đi bằng đường nào, thưa bệ hạ?
- Ông không thể vào Louvre một mình, nhưng ông có thể đi ra với ta, ta có khẩu lệnh đây. Ông và ta đều có áo choàng. Chúng ta cứ quấn áo vào và sẽ qua được cửa ghi-sê không khó khăn gì. Vả lại, ta cũng muốn được ra vài lệnh đặc biệt cho Orthon. Chờ ở đây nhé, ta ra xem có ai ngoài hành lang không.
Vẻ mặt thản nhiên nhất đời, Henri ra dò đường, de Mole còn lại một mình với hoàng hậu, chàng nói:
- Ồi khi nào tôi lại được gặp lệnh bà?
- Nếu chúng ta trốn thì tối mai mình sẽ gặp nhau, nếu không thì một tối nào đó trong vài hôm nữa.
- Ồng de Mole - Henri vừa bước vào vừa nói - Ông đi được rồi đấy, không có ai.
De Mole kính cẩn nghiêng mình thi lễ hoàng hậu.
- Xin lệnh bà hãy đưa tay cho ông ta hôn - Henri nói - Ông de Mole không phải là một triều thần bình thường.
Marguerite tuân lời.
- Nhân thể - Henri tiếp - Xin bà hãy cất chiếc thang dây cho cẩn thận. Đó là một đồ dùng quý báu đối với những kẻ đang âm mưu, những lúc ta ít ngờ tới nhất lại có thể là lúc ta cần tới nó. Nào, đi thôi, ông de Mole.
Chú thích:
(1) Con ngựa khổng lồ thành Troie. được làm bằng gỗ, trong có giấu binh lính vào chiếm thành
Hoàng Hậu Margot Hoàng Hậu Margot - Alexandre Dumas Hoàng Hậu Margot