When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cũng Vừa Đủ Vui
hế này nhé!... Chúa tạo ra ông Adam và Chúa ngừng ngang tại đó, tất cả mọi chuyện trên thế gian này sẽ đơn giản hơn nhiều vì ông chỉ có một mình, lấy đâu ra những hậu duệ... khờ dại giống ông bây giờ. Nhưng Chúa lại cho ông ăn thử trái đắng trước khi nếm trái cấm... Chúa trao cho ông một người đàn bà được tạo dựng bằng chính một phần từ con người ông, bà Eva... Người gần ta nhất là người dễ đâm ta nhất!
Nhưng Chúa cũng rất nhân từ. Sau khi đuổi tổ tiên chúng ta ra khỏi vườn địa đàng, Ngài thưởng ban cho loài người một năm có 4 mùa để sống vui hạnh phúc. Rồi chẳng hiểu từ bao giờ, chúng ta chia ra mùa Xuân để yêu nhau, mùa Ðông để nhớ nhau, mùa Thu để các văn, thi và nhạc sĩ viết cho đời những khúc tình ca. Còn mùa Hạ có lẽ vì nóng quá, con người dễ trở thành... bất thường, dễ cãi nhau, chửi nhau, giận nhau, bỏ nhau, sau khi đã đẻ một tăng.
Thôi thì kệ. Mùa nào cũng thế. Yêu Nhớ Giận Hờn đã đủ rồi nên bốn mùa cứ việc thản nhiên đi qua cùng với những chuyện của thế nhân. Tôi chỉ chờ mỗi mùa... cà pháo. Cái con mẹ này lẩm cẩm, cà pháo ở đây thiếu giống gì mà phải chờ với đợi, mà nào có quý báu gì ba cái quả cà tí hin trong khi thịt thà cây trái ê hề, tôm cua nghêu sò ốc hến bò lổm ngổm. Ở đây, mùa nào thức ấy, chỉ thiếu con kinh... Nhiêu Lộc lềnh bềnh rác rến và rất nhiều... áo mưa - thì quả là chúng ta vẫn ở quê nhà.
Mặc, ai muốn nói gì thì nói, tôi cứ gào lên qua điện thoại... “Cha ơi, bà con đòi ăn quá, Cha thử làm một vòng thăm hỏi xem cà đã hái được chưa...” Cha Nam Hải bao giờ cũng cười... “Chưa có đâu nhưng để hỏi, nếu có, sẽ gửi cho Mai Ðoan...” “Này Mai Ðoan ơi! Kỳ này cà ngon lắm, Nam Hải gửi rồi, thứ tư sẽ đến, nhớ ở nhà mà nhận...” Ôi! Của cho không bằng cách cho. Cứ tưởng tượng một Linh Mục Chánh Xứ - Xứ Mỹ có đầy - lui hui gom cà đóng thùng, khiêng tới UPS, những trái cà pháo nhỏ tí hin mà ngày xưa, chỉ có nhà nghèo mới ăn, chỉ có dân rau muống nghèo mới chuộng, nay lại “ngự” máy bay bay một cái vèo tới tận Cali. Nằm mơ chăng nếu những người ở Việt Nam hay biết.
Còn một mùa nữa, một mùa không ai mong đợi mà nó cứ tự đến bất cứ lúc nào, như một người khách không mời, cứ tới. Ðó là mùa... tai họa hay... tai nạn cũng vậy. Ðã bảo là người Trung Hoa có câu nói rất hay: “Khi xui uống miếng nước cũng sặc”. Ai lại không phải uống nước. Uống nhiều sặc nhiều, ít sặc ít. Dĩ nhiên tôi cũng không tránh khỏi dù rất ít... uống nước.
Tai nạn lúc tự mình khi thì người khác mang đến âu yếm tặng cho. Tai họa cũng thế. Cái miệng ăn mắm ăn muối với cái lưỡi không xương, thường là đầu mối của mọi tai họa. Ta thường gọi là vạ “mồm”. Cái này hình như anh nào cũng bị. Nhiều oan trái nhưng vì lớn cả rồi, đối chọi là chuyện không nên không hay, nên nạn nhân đành ngậm bồ hòn mà chịu. Tôi vốn là người vẫn kính trên nhường dưới, luôn luôn kéo cái díp-pô ở miệng lại, không la cà
đàn đúm, tối ngày rúc trong nhà, một nơi xa xôi hẻo lánh, không thấy không nghe không nói, ấy vậy mà nó cứ sừng sững mọc lên.
Sống đến tuổi này, từ Bắc vô Nam, từ Nam tới... Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ kể cũng không dễ gì, nhưng nhịn nhục vốn là tính Trời cho khó có ai theo kịp nên tôi cứ vuốt ngực mà nuốt vào tất cả, chỉ biết cầu nguyện mong cho qua đi tất cả. Tôi rất biết ơn, rất cần những viên thuốc ngủ, bởi nó đã từng theo tôi mấy chục năm nay, giúp tôi quên đi ưu phiền, cho tôi những giấc ngủ tương đối bình yên.
Sáng nay tôi thức dậy và ngạc nhiên khi thấy Ðoan ở nhà. Chưa đi thì đúng hơn. Anh ngồi, mặt nghiêm và buồn trước một đống bill. Tôi làm lơ như không biết, nhìn qua bếp, một thúng cà to như cái gò Ðống Ða... “Giời ơi! Cà anh ơi! Cha gửi cà nhiều quá, đã quá...” “Ừ! UPS mới giao, anh khiêng đâu nổi, nó phải khiêng vào đây giùm.” Cà ngon quá. Liếc nhìn, thì quả là ngon thật. Tôi đứng trước thùng cà lòng vừa cảm động vừa vui vừa hãi hùng vì không biết phải “xử lý” cả trăm pounds cà này cách nào trong vòng hai ngày với... một cánh tay còn nhúc nhích được.
Một quả cà bằng ba thang thuốc... Quả cà bé tí, tròn vo, trông dễ thương thế mà lại bảo là độc, mà đã độc, sao lại cứ ăn. Tôi cũng chưa thấy ai chết vì ăn cà pháo, chỉ biết là ở xứ này, thịt thà cố lắm vào, béo quá, không chết vì bệnh cũng chết vì... rửng mỡ. Các cụ ta ngày xưa cứ quanh năm ngày tháng bốn mùa là cà. Vại lớn vại nhỏ. Mở mắt ra là cơm với cà cho tới lúc lên giường cũng cà với cơm. Ấy thế mà giờ này các cụ còn đi đứng chạy phom phom. Ngược lại, nhiều người mới tí tuổi đầu đã lặc lè, đi không nổi, thế thì tại cái gì? Ôi đàn bà, cãi với đàn bà là một điều dại dột, nếu không muốn nói rằng ngu. Người cãi ngu chứ đàn bà không ngu, không phải chỉ qua ngọn cỏ. Ai đó, tôi không nhớ bảo rằng con người là cái “vốn” thì phải nói rõ thêm đàn bà là cái “vốn” của đàn ông. Cứ để dành đấy sẽ có lúc phải xài đến, mà xài cho việc lớn chứ không hèn. Nếu không vậy, chẳng lẽ Chúa sinh ra đàn bà chi để làm khổ, hành hạ, tra tấn cuộc đời? Nói cái vụ “xử tử” thùng cà pháo này của tôi, cũng dư thừa nói lên sự kiên nhẫn ngàn đời không thể có được ở các ông.
Ông Tô Văn Lai và Anh Hoa chở giùm tôi đi chữa bệnh. Ông Lai dặn: “Này khỏi rồi nhớ đừng ăn cà pháo với sầu riêng đấy nhé, mít nữa, độc lắm em ạ. Ở xứ này ăn uống phải cẩn thận, đã cái miệng thì hại cái thân cứ rau cá mà ăn. Tốt lắm.” Ðoan im lặng nhìn tôi. Khôn. Anh dạy vợ không được để người khác dạy. Nhưng không nói thì thôi, nói ra, tôi thấy cách tốt nhất là... không ăn gì cả. Bởi vì, cái gì cũng độc hại, đến... lời nói còn độc hơn rắn độc thì cái gì lành bây giờ? Tuy vậy, tôi chỉ nghĩ chứ không nói ra, vì các điều ông Lai nói đều đúng. Các cụ xưa cũng bảo “có kiêng có lành”.
Xương mới chụp hình được, còn gân và bắp thịt thì chịu. Ðể đau cả ba tuần rồi, chẳng có cách nào khỏi ngay được. Cách đây chừng hai ba năm gì đó, tôi cũng bị đau như vậy, tôi không chữa chạy gì cả, cứ cắn răng cuối tuần kéo vali đi. Gặp bà Hoàng Oanh tôi bảo chắc tôi bị... ung thư. Nay thì biết đúng là “khi xui uống miếng nước cũng sặc”. Cái anh Tàu ngẫm lại thế mà vui. Gặp Trường Thanh chưa kịp nói gì thì Trường Thanh đã cười sằng sặc “Ôi năm nay chị xui lắm...” “Thôi, thôi lạy mẹ! Năm nào cũng xui, cả đời xui, chắc tôi lúc vào hòm nằm
cũng chưa chắc đã gọi là hên.” “Chị đừng có lo, năm tới hết rồi.” Tôi chỉ cười, không biết hên cái gì?
Là một người thích hát, mê hát, lúc nào tôi cũng muốn được vui, gần với nỗi vui, làm cho mọi người vui. Ngày xưa, một người bạn tôi thường nói... làm cho chúng ăn đi, hầu hạ cho cố vào, rồi chúng chửi cho. Cái này đúng. Nhưng tôi thây kệ đời. Lúc nào còn khả năng mang lại niềm vui cho kẻ khác, có nghĩa là cuộc đời tôi còn có ý nghĩa, còn đáng để mình bám víu vào mà sống, nhất là đối với một ca sĩ. Tôi cho rằng, những khổ ải của trần thế, là cái vốn liếng quý báu cho văn, thi, nhạc và ca sĩ, hình như cả họa sĩ nữa. Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ lắm, ông Nguyễn Ðình Toàn - trong những bài học vỡ lòng - bảo: “Ðứa nào không bị đời, bị tình quật ngã bầm dập tả tơi, đứa đó không thể hát hay được.” Bây giờ, sau mấy chục năm rồi, những lúc tập hát, tôi thường muốn hỏi lại ông rằng những chịu đựng của tôi mấy chục năm qua, liệu tôi có thể được coi là một ca sĩ, dưới cái nhìn của ông không? Bởi có những nỗi niềm rất ai oán mà không ai có thể chia sẻ được, kể cả ông.
Riết rồi, vui hay buồn, tôi coi như nhau. Oán hay ưng tôi cũng chẳng màng để ý. Và bây giờ thì tôi như cục đá, hễ ai muốn đá cứ đá, người đau không phải là tôi. Ai mà nghĩ rằng nỗi buồn đôi khi trở thành quen thuộc đến không còn biết thế nào là buồn. Tôi bỗng nhiên trở nên ngu hẳn đi giữa những biến thiên của cuộc sống. Hê... hê... Tôi ngu triền miên, thông minh đột xuất và, tôi lợi dụng lúc mình thông minh đó để hát, hóa ra lại dễ sống!
Tôi đang “xử lý” thùng cà pháo của Linh mục Nam Hải gửi cho bằng tất cả sự thông minh và can đảm khi bắt tay vào việc. Cánh tay phải treo lơ lửng, tôi ngồi bệt dưới đất, chân trái duỗi chân phải co lên làm điểm tựa cho cánh tay phải, ráng quên đau với ý nghĩ thùng cà này sẽ chia cho những ai. Ðoan nhìn tôi bảo: “Anh phục em thật. Em có vẻ say mê hơn anh tưởng nhiều”. Tôi trả lời: “Ấy! Em chỉ cực chút xíu thôi, cứ nghĩ đến lúc bạn mình ăn, xuýt xoa từng miếng là em vui rồi. Vả lại, công lao Cha gửi về cho mình còn dặn - Mai nhớ chia cho các bạn! - Dẫu thế này chứ đau nữa em cũng phải làm”.
Thế nên năm nào Cha cũng gửi cà pháo cho chúng tôi. Ðòi trả tiền UPS, Cha không chịu, còn phone trước dặn ở nhà cho UPS đến giao cà. Có lần, mới năm ngoái đây thôi chớ có xa gì, đã qua mùa cà rồi, nói Cha cứ nghĩ đã bắt đầu lạnh, thế mà không hiểu vì sao vẫn còn cà. Cha Nam Hải bảo: “Này, hên cho Mai đấy nhé! Chứ bình thường người ta đã nhổ hết để trồng thứ khác”. Kỳ đó cũng khoảng 50 pounds và tôi phone cám ơn: “Cha ơi. Cha cho mọi người cái hên của cha đó. Con đâu có ăn bao nhiêu”. Cha cười: “Ừ. Thôi làm cho mọi người vui, mình cũng vui Mai ạ...”.
Mùa Hè hình như đã qua. Khế đã cho hoa, cho trái. Hồng đã bắt đầu ửng chín. Ổi trĩu cành. Bơ có thể hái được rồi và, những đóa cúc nhỏ xíu, nở bừng một màu tím dịu dàng trước sân nhà. Chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi Úc, con đường dài hun hút 14 tiếng đồng hồ bay, chỉ thấy trời mây và đại dương sâu thẳm mênh mông. Ở đó, tôi có cảm tưởng như chỉ cần với tay là chạm tới Quê Nhà, mùi thơm của hoa bưởi, hoa ngâu dường như thoang thoảng trong những cơn gió còn mang chút lạnh của ngày cuối Ðông. Ôi! Mùa của thương nhớ. Thì ra, nói gì thì nói, tôi vẫn là kẻ tha phương hoài vọng về cố quận, nơi ngày xưa đã
cho tôi những tấm lòng hiền lành như trái bầu, trái bí, trái cà... Phải, cái gì đã mất thường làm ta xót xa...
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười