Nguyên tác: The Painted Veil
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2023-06-14 21:36:44 +0700
Chương 43
Đ
ám tang cử hành ba giờ sau. Kitty bực tức khi nghĩ là Walter sẽ bị chôn trong một cỗ áo quan Tầu, làm như giấc ngủ nghìn thu của chàng có thể không yên vì thế. Nhưng nàng cũng đành chịu. Các bà sơ thì việc gì cũng biết trước mọi người, đã hay tin Walter mất nên gửi đến một chiếc thánh giá kết bằng hoa thược dược cứng nhắc nhưng xứng đáng là công trình của một tay thợ hoa chuyên nghiệp. Nằm trên cỗ áo quan Tầu trần trụi chiếc thánh giá độc nhất ấy có vẻ lạ lùng, lạc lõng. Lúc mọi thứ đã xong thì còn phải đợi viên đại tá, vì ông ta có nhờ Waddington cho biết là ông sẽ đến dự tang lễ. Ông ta đến, có một viên hầu cận đi theo. Đám tang đi lên ngọn đồi, chỗ trước kia đã chôn vị mục sư y sĩ. Sáu người phu khiêng cỗ quan tài. Waddington đã tìm thấy trong số vật dụng của vị mục sư một quyển kinh tiếng Anh. Bằng một giọng khe khẽ, lúng túng khác hẳn lúc thường, Waddington đọc bài kinh lễ cho người chết. Khi đọc đến những câu trang nghiêm ghê rợn ấy có lẽ Waddington đã nghĩ là nếu chẳng may đến lượt ông ta cũng ngã xuống vì bệnh tả thì chắc sẽ không còn ai ở lại để đọc kinh cho ông ta nữa. Cỗ quan tài được hạ huyệt, và bọn phu bắt đầu lấp đất.
Viên đại tá đội mũ kính cẩn chào Kitty, trao đổi mấy câu với Waddington rồi cùng viên hầu cận ra về. Bọn phu vì tò mò muốn xem đám tang của người có đạo nên đã ở nán lại một lúc nhưng bây giờ thì cũng đã đòn cầm tay ra về từng nhóm nhỏ. Kitty và Waddington đứng đợi cho đến lúc cỗ quan tài được lấp kín, rồi đặt lên nấm mộ còn thoảng mùi đất mới chiếc thánh giá thược dược của các bà sơ. Kitty không khóc, nhưng khi xẻng đất đầu tiên dội lên nắp ván thiên, tim nàng nghe như quặn thắt. Waddington có vẻ muốn ra về.
Nàng hỏi:
- Ông có việc gì vội lắm không? Tôi thì chưa muốn về nhà ngay.
- Tôi cũng chẳng có việc gì làm. Bà còn gì xin cứ dạy.
°
° °
Hai người đi dọc theo con đường, rồi lên đến đỉnh đồi nơi có cái mái tam quan dựng lên để thờ người tiết phụ, cái mái tam quan đã từng gây cho Kitty một mối xúc động sâu xa. Tại sao bên dưới cái biểu tượng mà nàng không hiểu nghĩa kia nàng chỉ thấy có một cái gì mỉa mai khó nói?
- Chúng ta ngồi nhé? Đã lâu quá không có dịp trở lại chốn này. Tôi đến Mai-tân-phố tính ra chẳng được bao lâu thế mà tôi vẫn có cảm tưởng là đã sống ở đây suốt một đời rồi.
Dưới chân đồi, cánh đồng trải dài, mênh mông, tỉnh mịch và êm ả trong nắng sớm.
Waddington không đáp. Kitty thì cứ nghĩ lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia, rồi nàng thở dài và hỏi.
- Ông có tin là linh hồn bất tử không?
- Câu hỏi ấy hình như không làm cho Waddington ngạc nhiên. - Tôi không biết.
- Tôi đã nhìn Walter trước khi người ta khâm liệm. Nhà tôi có vẻ trẻ quá. Trẻ quá mà đã chết. Ông còn nhớ người ăn mày chúng ta đã gặp hôm đi dạo lần đầu không? Trông hắn người ta tưởng như hắn không phải là người. Có thể nói đó là xác của một con vật. Chính điều ấy đã làm tôi kinh sợ nhất, cái chết cũng chưa đáng kinh sợ bằng. Walter giống như một cái máy đã bị liệt. Nếu thực sự con người chỉ là một cái máy thì những nỗi khổ đau, phiền não nghĩ lại mới thấy là hư huyễn và vô lý làm sao!
Waddington nín lặng đưa mắt nhìn cảnh vật. Trong vẻ rạng rỡ của mặt trời buổi sáng, tâm hồn lâng lâng ngắm đường chân trời rộng bao la. Những thửa ruộng thẳng tấp nối tiếp nhau bất tận, ở đây ở đó, một vệt màu xanh: một người nông phu cặm cụi trên chiếc cày do trâu kéo. Cảnh thiên nhiên chỉ là hạnh phúc và yên vui.
Kitty cất tiếng:
- Tôi không biết làm sao nói được sự xúc động của tôi trước những việc đã thấy trong nhà dòng. Các bà ấy thực là phi thường. Sánh với các bà, tôi hoàn toàn là một người vô dụng. Tổ quốc, gia đình, tình yêu, con cái, tự do, các bà bỏ cả. Đến những thứ vặt vãnh tạo nên sinh thú ở đời mà nhiều người sẽ khổ sở biết bao nếu phải hy sinh từ bỏ như: hoa cỏ, cánh đồng, cuộc đi dạo một ngày mùa thu, sách vở, âm nhạc, các bà cũng bỏ. Bỏ để dấn thân vào một cái gì? Vào một cuộc đời nghèo khó, phục tòng, quanh năm suốt tháng chỉ biết có những công việc nặng nhọc và những bài kinh. Đối với các bà thì cõi trần quá thực là một chốn lưu đày. Kiếp sống là một cây thập tự mà các bà vui lòng vác, và trong thâm tâm thì lúc nào cũng nuôi mãi cái nỗi khát khao chờ đợi cái chết để được bước vào cõi sống đời đời.
Đến đây Kitty nhìn Waddington, thắc thỏm.
- Thế rồi sao?
- Ta hãy tỉ dụ là không có cõi sống đời đời. Nếu chết là hết, thì các bà đã hy sinh cho một cái ảo ảnh. Như thế chẳng hóa ra các bà đã bị lừa ư?
Waddington ngẫm nghĩ:
- Tôi vẫn thường băn khoăn, tự hỏi tôi như thế. Nhưng dù cho các bà ấy có đuổi theo một cái bóng thì đã sao? Cuộc đời của các bà tự nó, cũng đã đẹp rồi. Sở dĩ chúng ta chịu đựng được cuộc sống mà chúng ta đang sống chính là nhờ cái vẻ đẹp mà thỉnh thoảng con người đã làm nảy sinh ra từ chỗ hỗn độn, xô bồ. Như tranh vẽ, tiếng nhạc, hoa, một cuộc đời hoàn toàn đầy đủ. Không gì hơn được một cảnh đời hòa hợp. Đó mới thực là công trình nghệ thuật toàn bích.
Kitty thở dài. Những lời của Waddington làm nàng khổ tâm. Nàng chờ đợi những gì khác hơn.
Waddington nói tiếp:
- Bà có bao giờ đi nghe một buổi hòa nhạc không?
Kitty mỉm cười:
- Có. Tôi không biết gì về âm nhạc nhưng lại thích nghe.
- Trong một buổi hòa nhạc mỗi nhạc sĩ chỉ nghĩ đến món nhạc khí của mình. Bà tưởng họ theo dõi những hợp âm phức tạp đang tấu lên trong bầu không khí dửng dưng ư? Không phải thế đâu. Họ chỉ chăm chú đến mỗi cái đoạn nhỏ của họ mà thôi. Tuy nhiên họ cũng hiểu cái đẹp của toàn khúc nhạc, và nhờ đó mà dù cho không được ai nghe chăng nữa, họ vẫn thấy thích được dự vào buổi diễn tấu.
Ngừng lại một lát Kitty nói:
- Trước kia hình như ông đã nói cho tôi nghe về Ðạo. Chẳng hay Đạo là gì?
Waddington nhìn nàng, do dự rồi mỉm cười.
- Đạo là con đường mà cũng là Người Hành Giả. Con đường bất tận mà chúng sinh đều phải đi qua, nhưng không do riêng ai tạo nên vì nó chính là Cuộc Sống. Là tất cả mà cũng không là gì cả. Vạn vật đều tự nó mà ra, vạn vật đều thích nghi nơi nó và cuối cùng vạn vật đều quay về với nó. Nó là một hình vuông không cạnh, một tiếng không thanh, một hình không thể, một tấm lưới có những mắt rộng như bể nhưng không để lọt một tí ti gì. Nó là ngôi đền, nó là nơi ẩn náu. Nó không ở một nơi nào cả nhưng nếu muốn gặp ta cũng chẳng cần tìm kiếm đâu xa. Nó dạy ta cái bí quyết không ham muốn điều ham muốn, để mặc cho sự việc tuần tự đi theo quy luật vận hành. Kẻ tự sĩ sẽ được biểu dương, kẻ tự hạ sẽ được tôn trọng. Điều thất bại nằm trong tinh túy của sự thành công và sự thành công chỉ là phút tạm ngừng của điều thất bại. Đố ai đoán trước được cái lúc vạn vật phản hồi? Người đau khổ vì tình yêu có thể tìm thấy nét bình thản của đứa trẻ thơ. Phép nhiệm mầu mang lại sự thắng lợi cho kẻ xông pha và giải nguy cho người tự vệ. Muốn mạnh trước tiên phải biết chế ngự lòng mình.
- Như thế có phải chăng Đạo là chìa khóa mở được điều bí mật?
- Nhiều khi tôi cũng đã tưởng tượng như thế thực. Những khi tôi uống xong độ sáu cốc whisky và nhìn lên các ngôi sao...
Một phút im lặng trôi qua. Rồi Kitty cất tiếng.
- Xin hỏi ông. "Thế rồi con chó lại chết" có phải là một điển tích gì không?
Môi Waddington phác một nụ cười và ông ta suýt đáp lại. Nhưng bao nhiêu việc xảy ra có lẽ đã làm cho khiếu nhận xét của Waddington hóa ra linh mẫn khác thường. Mặc dù Kitty đã quay nhìn nơi khác, nhưng có cái gì trong dáng điệu của nàng đã khiến Waddington dè dặt.
- Tại sao bà lại hỏi tôi chuyện ấy?
- Chẳng tại sao cả. Câu ấy vừa thoáng trong đầu tôi, ray rứt mãi như một kỷ niệm không rõ rệt.
Waddington nín lặng một hồi lâu rồi nói:
- Lúc bà ở lại một mình với ông nhà, tôi đã hỏi chuyện viên y sĩ. Tôi thấy cũng nên biết một vài chi tiết.
- Thế ư?
- Lúc ấy vì đang bấn loạn nên có nhiều chuyện tôi không phân biệt được. Tôi chỉ hiểu là ông nhà đã bị lây trong lúc đang thí nghiệm.
- Nhà tôi thì lúc nào cũng vùi đầu trong công việc tìm tòi mà không chịu nghỉ. Sở thích của nhà tôi là ngành vi trùng học. Chính vì thế nên nhà tôi mới đến đây.
- Nhưng cứ theo lời kể chuyện của viên y sĩ, thì tôi vẫn không rõ là ông nhà đã bị lây vì rủi ro hay là ông nhà đã tự mang mình ra thí nghiệm.
Kitty tái nhợt. Câu nói của Waddington làm nàng rùng mình. Waddington cầm tay nàng.
- Bà tha lỗi tôi đã trót nhắc lại chuyện cũ. Trong những trường hợp như thế này thì dù cho có nói gì đi nữa tôi thấy cũng bằng thừa. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ bà sẽ rất tự hào nếu biết là ông nhà đã xả thân cho khoa học và nghĩa vụ, và do đó nỗi đau đớn của bà cũng sẽ vơi đi được phần nào.
Kitty có vẻ sốt ruột, nàng nói:
- Nhà tôi chết chỉ vì một chuyện đau lòng.
Waddington không đáp. Kitty từ từ quay nhìn ông ta. Tuy vẫn thản nhiên nhưng nét mặt nàng xanh nhợt.
- Nhưng còn cái câu: "Thế rồi con chó lại chết". Nói câu ấy không biết nhà tôi có ý nói gì?
- Câu ấy là câu cuối cùng trong một bài thơ của Goldsmith.