To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: ねじまき鳥クロニクル Nejimaki-dori Kuronikuru - The Wind-Up Bird Chronicle
Biên tập: Gió
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 69
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 16175 / 1172
Cập nhật: 2018-03-18 01:34:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Kẻ Chờ Đợi ♦ Không Dễ Gạt Bỏ Tôi Như Vậy Đâu ♦ Không Ai Là Một Hòn Đảo Cả
Đã quá 8 giờ, chung quanh tối đen như mực khi tôi mở cánh cổng sau rồi bước ra con ngõ. Cổng rất hẹp, tôi phải lách mình mới len qua được. Cổng cao không đầy một mét, được ngụy trang khôn khéo ở một góc rào để đứng từ bên ngoài thì không thể nhìn thấy cũng chẳng thể sờ ra. Con ngõ bao giờ cũng vậy trồi lên từ trong bóng tối, dưới ánh sáng trắng lạnh của ngọn đèn thủy ngân trong vườn nhà Kasahara May.
Tôi đóng chặt cổng rồi rảo bước theo con ngõ. Qua từng hàng rào tôi thấy loáng thoáng bóng những người đang ăn tối trong phòng ăn hay xem ti vi trong phòng khách. Mùi thức ăn tỏa ra ngoài ngõ qua các cửa sổ nhà bếp và quạt thông gió. Một cậu thiếu niên đang tập một đoạn nhanh trên cây đàn ghita điện hạ thấp âm lượng. Trong một cửa sổ tầng hai, một cô bé nhỏ xíu đang ngồi bên bàn học, vẻ mặt rất nghiêm nghị. Một cặp vợ chồng cãi nhau, tiếng la lối om sòm vang ra ngoài ngõ. Một đứa bé khóc thét. Chuông điện thoại reo. Thực tại tuôn vào con ngõ như nước trào ra khỏi chiếc bát đầy tràn - dưới dạng những âm, những mùi, những hình ảnh, tiếng gọi và lời đáp.
Tôi mang đôi giày tennis quen thuộc. Cần phải đi không quá nhanh, nhưng cũng không quá chậm. Quan trọng là đừng để người ta chú ý, đừng để cái "thực tại" kia phát hiện ra sự có mặt thoáng qua của tôi. Tôi biết rõ từng ngóc ngách, từng vật chướng ngại một. Ngay cả trong bóng tối tôi vẫn có thể đi dọc theo con ngõ kia mà không va vào bất cứ vật gì. Rốt cuộc, khi về đến phía sau nhà mình, tôi dừng lại, nhìn quanh rồi trèo qua bức tường thấp.
Căn nhà lù lù trong bóng tối như cái vỏ của một con thú khổng lồ. Tôi mở khóa cửa bếp, bật đèn rồi thay nước cho mèo. Tôi lấy một hộp thức ăn cho mèo ra khỏi tủ rồi mở ra. Nghe tiếng động đó, Cá thu chẳng biết từ đâu hiện ra. Nó dụi đầu vào chân tôi mấy lần rồi chúi mũi ăn ngon lành. Trong khi con mèo ăn, tôi lấy một lon bia từ trong tủ lạnh. Tôi luôn luôn ăn tối ở Dinh - ở đó Quế đều đặn nấu cho tôi món gì đó - thành thử ở nhà chỉ cần món salad hay một mẩu phó mát là đủ. Tôi vừa uống bia vừa bế con mèo lên đầu gối, để xác nhận bằng hai bàn tay mình cái ấm áp, mềm mại của nó. Suốt ngày chúng tôi ở hai nơi xa nhau, bây giờ cả hai đều muốn cảm nhận rằng mình đang ở nhà.
Nhưng tối hôm đó, khi về đến nhà, vừa cởi giày và vươn tay định bật đèn nhà bếp, tôi bỗng nhận ra sự hiện diện của cái gì đó. Tay tôi chững lại nửa chừng trong bóng tối, nín thở, dỏng tai nghe ngóng. Im lặng như tờ, song tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi thuốc lá. Hẳn là ngoài tôi ra, trong nhà đang có một người nữa, người này từ nãy đến giờ ngồi đợi tôi về, và chỉ ít phút trước khi tôi vào nhà đã không nhịn nổi mà châm thuốc hút. Y ta chỉ rít vài hơi rồi mở cửa sổ để khói bay ra ngoài, nhưng cái mùi vẫn còn. Đây hẳn là một người lạ. Cửa thì tôi đã khóa, và trong số những người tôi quen, chỉ một mình Nhục đậu khấu là hút thuốc. Mà nếu bà ta muốn gặp tôi thì hẳn đã không ngồi trong bóng tối thế kia.
Một cách bản năng, tay tôi mò mẫm trong bóng tối tìm cây gậy. Nhưng không có. Cây gậy tôi đã để lại ở giếng. Tim tôi đập thình thình, to đến nỗi như không có thực, như thể nó đã bật ra khỏi lồng ngực mà đập ngay bên tai tôi. Tôi cố thở đều. Có khi tôi cũng chẳng cần gậy. Nếu ai đó lẻn vào nhà nhằm hại tôi thì hẳn y đã không ngồi đợi thế kia. Nhưng dù vậy, hai lòng bàn tay tôi vẫn ngứa ngáy muốn đề phòng. Tay tôi vẫn thèm cái cảm giác siết chặt lấy cây gậy. Con mèo từ đâu xuất hiện, vừa kêu meo meo vừa cọ đầu vào chân tôi. Nhưng lần này nó không đói như mọi khi. Tôi nhận ra điều qua giọng kêu của nó. Tôi sờ được công tắc đèn bếp, liền bật lên.
- Xin ông thứ lỗi cho, tôi cho con mèo ăn rồi, - kẻ đang ngồi trên sofa trong phòng khách nói bằng giọng khá trầm bổng. - Tôi đợi ông từ lâu lắm rồi, thưa ông Okada, mà con mèo thì cứ quẩn chân tôi mà kêu meo meo. Thế là tôi mạo muội lấy thức ăn cất trong chạn ra cho nó. Thật tình mà nói, tôi không hợp với giống mèo lắm...
Y thậm chí không buồn đứng dậy. Tôi nhìn y, không nói gì.
- Hẳn ông bị sốc khi thấy tự dưng có kẻ cha căng chú kiết nào chui vào nhà mình, ngồi đợi mình trong bóng tối. Tôi xin lỗi. Thật tình xin lỗi. Nhưng nếu như tôi bật đèn thì hẳn ông đã cảm thấy có gì bất thường và không vào nhà rồi. Tôi không định làm gì hại đến ông đâu, thành thử xin đừng nhìn tôi như thế. Tôi chỉ muốn nói chuyện với ông một chút thôi.
Y là một người bé nhỏ, vận com lê. Khó mà ước đoán chính xác y cao bao nhiêu bởi y đang ngồi, nhưng hẳn y cùng lắm chỉ hơn mét rưỡi một chút. Khoảng từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi, trông y như con ếch béo mẫm có cái đầu hói, một tiêu bản hoàn hảo cho loại A theo bảng phân loại của Kasahara May. Thật ra thì phía trên hai tai y có mấy dúm tóc như được dán vào, nhưng bộ dạng đen đúa xấu xí của chúng chỉ càng làm nổi bật hơn cái đầu hói. Cái mũi to tướng hình như bị ngẹt, vì mỗi khi y hít thở, cái mũi lại co vào phồng ra chả khác cái bễ lò rèn. Phía trên mũi là cặp gọng kính kim loại dày cộp. Mỗi khi y nói, môi trên của y lại cong lên (nhưng chỉ với một số từ nhất định thôi), làm lộ ra hàm răng xiêu vẹo vàng khè vì thuốc lá. Chắc chắn rằng y là kẻ xấu xí nhất tôi từng gặp. Mà không chỉ là xấu xí về thể chất; ở y có cái gì đó tơm tởm, lành lạnh, trơn, ẩm mà tôi không biết tả ra sao, kiểu như khi tay ta chạm phải một thứ sâu bọ to đùng không rõ hình thù trong bóng tối. Y giống như con đẻ của một cơn ác mộng ta đã quên từ lâu hơn là giống con người.
- Tôi hút thuốc được không? - y hỏi. - Tôi đã cố không hút, nhưng cứ ngồi đợi mãi, đợi mãi mà không được rít hơi nào thì quả là cực hình. Thói quen thật là xấu, ông ạ.
Tôi không biết nói thế nào, chỉ gật đầu. Kẻ lạ mặt bé nhỏ rít trong túi áo khoác ra một gói "Peace" không đầu lọc, lấy một điếu đưa lên môi rồi quẹt diêm châm lửa làm bật ra một tiếng động lớn, khô khốc. Y nhặt cái vỏ hộp đựng thức ăn mèo ở dưới chân lên, ném que diêm vào. Ra là y dùng vỏ hộp rỗng làm gạt tàn. Y rít mấy hơi vẻ ngon lành thấy rõ, cặp lông mày sâu róm châu vào nhau thành một đường xệch xạc, rồi rên lên khe khẽ vì thích thú. Cứ mỗi lần y rít một hơi dài, đầu điếu thuốc lại bừng lên như than hồng. Tôi mở cánh cửa kính dẫn ra ngoài hiên cho không khí lọt vào. Ngoài kia đang mưa lâm thâm; không nghe thấy, không nhìn thấy, nhưng ngửi mùi tôi biết.
Gã đàn ông mặc bộ com lê màu nước trà, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, đều thuộc hạng rẻ tiền và đều cũ rích như nhau. Màu của bộ com lê làm ta liên tưởng tới những nhát sơn vụng về của một gã tay ngang trên chiếc ô tô cũ. Những nếp nhăn sâu hoắm ở quần và áo khoác xem ra cũng trường tồn như những thung lũng trên một bức khung ảnh. Chiếc sơ mi trắng đã ngả màu vàng, một cúc trên ngực lúc nào cũng chực rơi ra. Lại nữa, chiếc sơ mi xem chừng nhỏ hơn người y đến hai cỡ, cúc trên cùng bung ra, cổ áo thì xơ xác. Cà vạt thắt theo một kiểu kỳ quặc giống như một mẫu tế bào dị dạng, tuồng như một thứ còn sót lại từ thưở anh em nhà Osmond 1. Ai nhìn qua cũng thấy ngay rằng người đàn ông này tuyệt đối chẳng quan tâm gì đến cái gọi là quần áo. Y mặc quần áo đơn giản vì khi ra ngoài gặp người này người nọ thì không thể không mặc gì, dường như y căm ghét cái vụ quần áo này lắm lắm. Hẳn y có ý định sẽ mặc mãi những thứ này cho tới khi chúng bục ra thành từng mảnh, kiểu như tay nông dân vùng cao cưỡi con lừa của gã từ sáng sớm đến tối mịt cho đến khi nó chết mới thôi.
Sau khi đã hít vào phổi đủ lượng đủ nicotin cần thiết, y thở dài khoan khoái, và một cái vẻ kỳ lạ không ra cười cũng không ra nhếch mép hiện trên mặt y. Rồi y mở miệng.
- Ồ vâng, suýt nữa thì tôi quên tự giới thiệu. Xin lỗi, xin lỗi. Thường tôi không thô lỗ thế. Tên tôi là Ushikawa. Ushi là "con bò" ấy, còn kawa là "sông" 2.Tên dễ nhớ phải không. Ai cũng gọi tôi là Ushi - con bò. Buồn cười nhỉ: càng nghe, tôi càng cảm thấy mình đúng là con bò thật. Thậm chí mỗi khi thấy một con bò ngoài đồng, tôi còn cảm thấy mình có mối quan hệ thân thuộc với nó nữa kia. Thật là buồn cười, cái chuyện tên tuổi ấy mà, ông có nghĩ thế không hở ông Okada? Ngay như ông chẳng hạn. Tên đâu ra đó: "ngọn đồi" và "cánh đồng" 3. Đôi khi tôi cũng ước mình có cái tên bình thường như thế, nhưng thật không may, mình đâu thể tự do muốn chọn họ gì thì chọn. Đã sinh ra trên đời với cái họ Ushikawa thì trọn kiếp cứ là Ushikawa, dù muốn hay không. Từ khi tôi còn học mẫu giáo thiên hạ đã gọi tôi là Bò (Ushi) rồi. Có tránh được đâu. Đã mang tên Ushikawa thì người ta cứ thế gọi Ushi, đúng không? Người ta bảo cái tên biểu thị cho tính cách của sự vật, nhưng tôi đồ chừng có khi ngược lại mới đúng: mình bị gọi tên là gì thì càng ngày càng giống cái tên. Thôi thì ông cứ biết tôi là Ushikawa, còn nếu ông thích gọi là Ushi thì xin mời, không sao cả.
Tôi xuống bếp lấy một lon bia trong tủ lạnh. Tôi không mời Ushikawa. Nói gì thì nói, tôi không mời y tới. Tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng uống bia, Ushikawa cũng không nói gì, lẳng lặng rít thuốc. Tôi không ngồi trên chiếc ghế đối diện y mà đứng tựa lưng vào một cái cột, nhìn xuống y. Cuối cùng, y dụi mẩu thuốc vào cái vỏ hộp thức ăn mèo, đoạn nhìn lên tôi.
- Chắc hẳn ông đang tự hỏi làm sao tôi vào đây được, phải không ông Okada? Khi ra khỏi nhà ông đã khóa cửa cơ mà. Đúng là cửa khoá thật. Nhưng tôi có chìa khóa. Chìa thật hẳn hoi. Nhìn này.
Y thọc tay vào túi áo khoác rút ra một chiếc chìa khóa kèo theo móc khoá, đưa cho tôi xem. Trông giống chìa khóa nhà này thật. Nhưng cái làm tôi chú ý là chiếc móc khoá. Kumiko có một cái móc khóa hệt vậy bằng da màu xanh lục, trông giản dị, với một cái vòng kim loại đóng mở không theo lối thường.
- Chìa thật, như ông thấy đó. Móc khóa thì là của vợ ông. Tôi xin nói ngay, để tránh mọi hiểu lầm: cái này là do vợ ông, Kumiko, đưa cho tôi. Tôi không ăn cắp hay đoạt lấy bằng vũ lực.
- Kumiko đâu? - tôi hỏi, giọng tôi như lạc đi.
Ushikawa tháo kính ra như để kiểm tra xem mắt kính có bị đọng hơi nước không, rồi lại đeo vào.
- Tôi biết chính xác bà ấy đang ở đâu, - y nói. - Thật ra tôi đang trông nom bà ấy.
- Trông nom cô ấy?
- Nào, nào, xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không có ý ấy. Đừng lo, - Ushikawa vừa nói vừa cười. Khi y cười, mặt y méo xệch từ bên này sang bên nọ, và cặp kính của y xệ xuống một bên. - Xin ông đừng nhìn tôi như thế. Tôi chỉ giúp bà Kumiko đôi chút như chạy vặt, làm mấy việc linh tinh thôi. Tôi chẳng qua là thằng long toong chạy giấy. Ông cũng biết bà ấy không thể ra khỏi nhà mà.
- Không thể ra khỏi nhà? - tôi nhại lại lời y.
Y ngần ngừ một chút, liếm liếm môi.
- Có lẽ ông không biết. Không sao cả. Nhưng tôi không thể nói chắc là bà ấy không thể ra ngoài hay không muốn ra ngoài. Chắc hẳn là ông muốn biết, nhưng xin đừng hỏi tôi. Tôi đây cũng đâu biết mọi chi tiết được. Nhưng chẳng việc gì ông phải lo. Không ai giam giữ bà ấy ngoài ý muốn bà ấy hết. Ý tôi là đây không phải chuyện phim hay tiểu thuyết. Chúng tôi đâu thể làm những chuyện như vậy.
Tôi cẩn thận đặt vỏ hộp bia xuống dưới chân.
- Thôi đuợc, thế thì nói tôi nghe, ông đến đây làm gì?
Ushikawa xoè rộng hai tay vỗ vỗ lên đầu gối mấy lần rồi gật đầu vẻ cả quyết.
- À vâng. Tôi chưa nói với ông. Cất công tự giới thiệu với ông còn mình đến đây để làm gì thì lại không nói! Tôi có cái nhược điểm này đã bao năm không sửa được, ấy là cứ huyên thuyên toàn những chuyện đâu đâu, còn cái chính thì quên mất. Chả trách tôi luôn luôn làm hỏng việc! Thôi đành muộn còn hơn không, thì đây; tôi làm việc cho anh trai bà Kumiko nhà ta. Tên tôi là Ushikawa, nhưng chuyện ấy tôi nói với ông rồi, về cả Ushi với lại gì gì đó nữa. Tôi làm việc cho Tiến sĩ Wataya Noburo, kiểu như là thư ký riêng - chỉ có điều, không phải là loại thư ký riêng mà các ông nghị thường có đâu. Chỉ một loại người nhất định, một hạng người ưu tú mới có thể là "thư ký riêng" thứ thiệt thôi. Nhưng "thư ký riêng" cũng có ba bảy đường. Ý tôi là có những người là thư ký riêng, rồi lại có những người khác cũng là thư ký riêng, nhưng là một loại khác, mà tôi thì gần loại thứ hai này. Tôi ở hàng dưới, ở mãi dưới cùng ấy. Giả dụ như chỗ nào cũng có thổ công thì tôi là cái thứ thổ công nhớp nhúa rúc trong góc buồng tắm hay xó tủ. Nhưng tôi đâu thể than phiền gì. Cứ tưởng tượng mà xem, nếu một thằng lôi thôi lếch thếch như tôi chường mặt ra trước thiên hạ thì còn gì là hình ảnh tinh tươm của tiến sĩ Wataya Noboru nữa! Không, ra trước ống kính thì phải là kẻ nào trông đường hoàng, thông minh sáng láng cơ, chứ không phải một tay lùn tịt hói đầu. "Xin chào quý vị, tôi là thư ký riêng của Tiến sĩ Wataya". Đến là chết cười! Đúng không ông Okada?
Tôi im lặng trong khi y huyên thuyên.
- Nghĩa là tôi làm cho Tiến sĩ Wataya những việc người ngoài không nên nhìn thấy, có thể gọi là "việc trong bóng tối". Tôi là tay vĩ cầm nấp trong cánh gà. Những việc như thế là nghề của tôi. Việc bà Kumiko đây chẳng hạn. Ồ không, xin đừng hiểu lầm tôi, chớ nghĩ rằng chăm nom bà ấy là thứ công việc chán ngắt dành cho một tên chạy giấy quèn. Tiếc rằng những gì tôi nói gây cho ông ấn tượng đó, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại! Dù sao đi nữa, bà Kumiko là người em gái nhỏ duy nhất mà Tiến sĩ vô cùng yêu quý; thành thử khi được giao nhiệm vụ hệ trọng đến nhường ấy, tôi coi đó là niềm vinh dự lớn lao; xin hãy tin tôi!
Ồ, mà nhân thể, nói ra thì có vẻ sỗ sàng quá, tôi có thể xin ông một hớp bia không? Nói chuyện nãy giờ làm tôi khát khô cả cổ đây. Nếu ông cho phép, tôi sẽ tự lấy. Tôi biết ở đâu mà. Trong khi đợi ông, tôi đã mạn phép ghé mắt vào tủ lạnh rồi.
Tôi gật đầu. Ushikawa xuống bếp lấy một chai bia trong tủ lạnh. Rồi y lại ngồi xuống sofa, tu luôn bằng cổ chai với vẻ thật ngon lành, cục hầu to gộ của y giật bên trên nút thắt cà vạt như một con vật sống.
- Trên đời này còn gì tuyệt hơn là một ngụm bia lạnh vào cuối ngày, hở ông Okada? Có vài người kén cá chọn canh bảo bia hơi lạnh thì vị không ngon, nhưng tôi chả đời nào đồng ý. Chai bia đầu tiên phải lạnh đến mức thậm chí không nếm được nữa kia. Chai thứ hai thì có thể ít lạnh hơn một tí, nhưng chai đầu thì phải lạnh như nước đá. Tôi muốn nó lạnh đến nỗi thái dương tôi giần giật vì đau. Ấy tôi thích thế; dĩ nhiên là sở thích cá nhân.
Vẫn tựa lưng vào cột, tôi nhấp thêm ngụm bia. Môi mím chặt thành một đường thẳng, Ushikawa nhìn quanh phòng một lát.
- Ông Okada à, phải nói rằng tuy không ở với vợ nhưng ông vẫn giữ cho nhà khá là sạch đấy. Ấn tượng lắm. Còn tôi thì, nói ra thật xấu hổ, hoàn toàn vô phương cứu vãn. Nhà tôi chả khác gì đống rác hay chuồng lợn. Đã hơn năm nay tôi không cọ rửa buồng tắm. Chắc tôi quên nói với ông rằng tôi cũng bị vợ bỏ. Năm năm nay rồi. Vì vậy tôi thông cảm với ông, ông Okada ạ, hay là, nói chính xác hơn, để tránh hiều lầm, tôi có thể hiểu cảm giác của ông. Dĩ nhiên, hoàn cảnh của tôi khác của ông. Vợ tôi bỏ tôi là phải thôi, không thể khác được. Tôi là thằng chồng thậm tồi thậm ác nhất trên đời. Tôi chẳng kêu ca gì, có khi còn khâm phục cô ấy đã chịu đựng tôi được ngần ấy năm. Tôi đánh cô ấy luôn. Ngoài cô ấy ra tôi có còn đánh ai được nữa đâu? Nhìn tôi ông cũng biết tôi lẻo khoẻo thế nào rồi. Gan thì gan cóc tía. Tôi chẳng làm gì, suốt ngày lông nhông ngoài phố, thiên hạ gọi tôi "Này, Bò!" và sai bảo tôi hết việc này việc nọ, nhưng tôi nhịn tất, người ta có nói gì tôi cũng chỉ ngậm tăm. Thế nhưng về tới nhà là tôi trút hết lên mụ vợ. Hê hê hê! Tệ quá phải không? Tôi biết mình tệ thế nào chứ, nhưng tôi không kìm được. Nó như một chứng bệnh ấy. Tôi hay đánh cô ta sưng vêu cả mặt mày nhìn không nhận ra. Mà có phải chỉ đánh thôi đâu, tôi còn dập cô ta vào tường, đá cô ta, rót trà nóng lên cô ta, vớ được gì ném nấy vào cô ta, thôi thì chả thiếu trò gì. Lũ trẻ cố ngăn tôi lại, thế là tôi tẩn luôn chúng nó. Bọn trẻ còn nhỏ, hồi đó chừng bảy tám tuổi. Ấy vậy mà không phải chỉ đuổi vòng quanh đâu, vớ được gì là vụt nấy. Như là quỷ nhập vào tôi vậy. Tôi cố ngăn mình lại mà không được. Tôi không kiểm soát được mình. Có những lúc tôi tự nhủ: thôi đủ rồi, dừng lại thôi, nhưng không cách nào dừng được. Ông có thấy tôi là thứ kinh tởm đến thế nào chưa? Thế rồi năm năm trước, khi con gái tôi lên năm, tôi làm gãy tay nó. Vợ tôi hết chịu nổi, liền bỏ đi đem theo cả hai đứa con. Từ đó tới giờ tôi không gặp lại mấy mẹ con nữa. Thậm chí chẳng có tin tức gì. Nhưng biết làm sao được? Chính tôi có lỗi mà.
Tôi không nói gì. Con mèo lại gần tôi kêu meo khe khẽ như muốn được tôi chú ý.
- Mà thôi, tôi xin lỗi, tôi không định làm ông chán ngấy vì những chuyện linh tinh kia. Ông hẳn đang tự hỏi liệu có việc gì để khiến tôi phải đến đây vào tối nay. Có đấy. Tôi không tới đây để nói toàn chuyện phiếm đâu, ông Okada ạ. Tiến sĩ - ấy là Tiến sĩ Wataya - lệnh cho tôi tới đây gặp ông. Giờ tôi sẽ truyền đạt lại chính xác những gì ông ấy nói, nên xin ông hãy lắng nghe.
Trước tiên, Tiến sĩ Wataya không phản đối việc xem xét lại mối quan hệ giữa ông Okada và cô Kumiko. Nói cách khác, Tiến sĩ sẽ không chống lại nếu hai ông bà quyết định nối lại quan hệ vợ chồng. Hiện nay cô Kumiko không có ý định đó, nên chuyện đó sẽ không xảy ra ngày một ngày hai, nhưng nếu ông vẫn không chịu ly hôn mà sẵn sàng đợi bao lâu cũng được thì ông ấy cũng chấp nhận. Ông ấy sẽ không khăng khăng đòi ông phải ly dị như trước nữa, vì vậy nếu ông muốn liên lạc gì với cô Kumiko thì có thể thông qua tôi. Nói cách khác, sẽ không còn bế quan toả cảng nữa, quan hệ ngoại giao được phục hồi, có thể nói vậy. Đó là việc thứ nhất. Ông thấy thế nào, hở ông Okada?
Tôi ngồi thụp xuống sàn vuốt đầu con mèo, không nói gì. Ushikawa quan sát tôi và con mèo một lát rồi nói tiếp.
- Dĩ nhiên là chừng nào chưa nghe hết những gì tôi cần nói thì ông không thể nói gì cả. Vậy thì tôi sẽ nói cho đến hết. Việc thứ hai đây. Cái này thì e chừng phức tạp hơn một chút. Nó liên quan tới một bài báo có tựa đề "Căn nhà có dớp" đăng trên một trong các tuần báo. Tôi không biết ông Okada đã đọc chưa, bài báo rất hay. Viết giỏi lắm. "Một nơi xúi quẩy tại khu dân cư sang trọng ở Setagaya. Những năm qua đã có nhiều người chết bất đắc kỳ tử. Con người kỳ bí vừa mua khu đất ấy là ai? Cái gì đang diễn ra sau hàng rào cao đó? Bí ẩn lại chồng lên bí ẩn..."
Tiến sĩ Wataya đọc bài báo thì nhận ra rằng "căn nhà có dớp" nằm rất gần nhà của ông, ông Okada ạ. Ông ấy đâm ra có ý nghĩ này: biết đâu có mối liên hệ nào đó giữa căn nhà đó với ông Okada. Thế là ông ấy điều tra... ồ không, phải nói là tôi đây, gã Ushikawa hèn mọn đi trên đôi chân nhỏ ngắn tũn này, đã mạn phép tự lãnh phần điều tra vụ việc, và kia rồi: đúng như Tiến sĩ đã dự đoán, ông Okada đây ngày nào cũng theo cái ngõ đó đi đi về về giữa nhà mình với nhà kia và rõ là dính líu ra trò tới những gì có trời biết đang diễn ra trong đó. Chính tôi phải kinh ngạc khi trông thấy nhãn tiền cái trí thông minh mẫn tuệ đến kỳ tài của Tiến sĩ Wataya.
Cho tới giờ chỉ mới có một bài báo, chưa có bài nào tiếp theo, nhưng ai biết được? Than hồng sắp tắt vẫn có thể lại bùng lên bất cứ lúc nào. Chuyện thú vị đến thế kia mà! Vì vậy Tiến sĩ Wataya lo lắm. Nhỡ ra trong một vụ lôi thôi nào đó lại lôi ra tên cậu em rể ông ấy thì sao? Xì căng đan ra trò nhé! Nói gì thì nói, Tiến sĩ Wataya đang là nhân vật có tiếng tăm. Báo chí sẽ nhâu nhâu bám lấy như ruồi... Lại còn mối quan hệ rắc rối giữa ông và cô Kumiko nữa. Họ sẽ thổi phồng đến đâu ấy chứ. Ai lại chẳng có vài chuyện không muốn bị phô ra trước thiên hạ, phải không nào? Nhất là những chuyện riêng tư. Hiện nay đang là thời điểm hệ trọng trong sự nghiệp chính trị của Tiến sĩ Wataya. Ông ấy phải vượt qua cái vụ này một cách hết sức cẩn trọng thì mới cất lên được. Thành thử ông ấy đã nghĩ ra cách này cho ông. Nếu ông Okada cắt đứt mọi liên hệ với "căn nhà có dớp" thì ông ấy sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc tái hợp giữa ông và cô Kumiko. Chỉ có thế thôi. Ông thấy thế nào? Tôi nói đã đủ rõ chưa?
- Chắc là rõ, - tôi nói.
- Vậy ông nghĩ sao? Về những gì tôi vừa nói ấy?
Tôi vừa vuốt cổ con mèo vừa ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Tôi không hiểu. Tại sao Wataya Noboru lại cho rằng tôi có liên hệ này nọ với cái nhà đó được? Làm thế nào anh ta nghĩ ra được chuyện đó cơ chứ?
Ushikawa ngoác miệng cười, nụ cười làm mặt y méo xệch lại, nhưng mắt y vẫn lạnh như băng. Y rút một điếu thuốc ra khỏi hộp rồi quẹt diêm châm lửa.
- Chà chà, ông Okada, ông hỏi những câu hóc quá đi. Hãy nhớ, tôi chỉ là thằng đưa tin hèn mọn. Một bồ câu đưa thư đần độn, đem thư tới, mang thư hồi âm về, thế thôi. Chắc ông hiểu. Tuy nhiên, tôi có thể nói thế này: Tiến sĩ không phải là thằng ngốc. Ông ấy biết dùng cái đầu mình, ông ấy còn có kiểu giác quan thứ sáu, cái ấy thì người thường không có được. Ông cũng cho tôi nói điều này nữa, ông Okada ạ: ông ấy có quyền lực thực sự trong cái thế giới này, mà cái quyền lực ấy ngày càng mạnh. Đừng nhắm mắt làm ngơ, hãy thừa nhận nó thì hơn. Ông có lí do để không thích ông ấy - với tôi thì chuyện ấy không sao cả, không phải việc của tôi - nhưng vấn đề không còn ở chuyện thích hay không thích nữa mà đã đi xa hơn thế nhiều. Tôi muốn ông hiểu chuyện đó.
- Nếu Wataya Noboru đầy quyền lực như vậy, tại sao hắn ta không bắt tờ tạp chí kia thôi ngay, không được đăng nhưng bài kiểu đó nữa? Làm như vậy đơn giản hơn nhiều chứ.
Ushikawa mỉm cười. Rồi y rít một hơi thuốc dài.
- Ông Okada ơi là ông Okada! Ông đừng ăn nói hồ đồ vậy. Nói gì thì nói, ông với tôi đang sống ở Nhật Bản, một trong nhưng nước dân chủ đáng tin cậy nhất thế giới kia mà. Có đúng không? Đây nào phải một xứ độc tài xung quanh toàn đồn điền chuối với sân bóng đá chứ. Dù một chính sách có quyền lực đến cỡ nào ở xứ này đi nữa bóp chết một bài báo trong tạp chí không phải là chuyện dễ. Nguy hiểm cực kỳ. Ông có thể dập đám chóp bu của tờ báo dễ như trở bàn tay, nhưng rồi sẽ có người bất mãn. Đã có người bất mãn thì chỉ tổ khiến thiên hạ chú ý nhiều hơn. Với nhưng đề tài nóng như kiểu này thì không thể buộc thiên hạ nhất nhất theo mình được. Tin tôi đi. Còn chuyện này nữa, nói riêng giữa tôi với ông thôi: có thể còn một vài nhân vật ám muội dây vào vụ này nữa, nhưng nhân vật này ông không biết đâu, ông Okada ạ. Trong trường hợp đó thì rốt cuộc sẽ dính líu không chỉ tới Tiến sĩ. Đến khi đó thì cục diện sẽ hoàn toàn khác. Ta hãy so sánh chuyện này với đi nhổ răng. Cho đến giờ chúng ta mới đến giai đoạn chọc vào một chỗ mà thuốc tê vẫn có tác dụng. Chính vì vậy chăng ai kêu ca gì. Nhưng chẳng mấy chốc mũi khoan sẽ chạm tới dây thần kinh, khi đó sẽ có người nhảy dựng khỏi ghế. Ai đó sẽ đùng đùng nổi giận. Ông hiểu điều tôi nói chứ? Tôi không có ý dọa ông đâu, nhưng tôi, cái lão già Ushikawa này, tôi cảm thấy như ông đang từ từ dấn vào một lãnh địa nguy hiểm mà không biết.
Xem chừng rốt cuộc Ushikawa đã nói hết những gì cần nói.
- Ý ông là tôi nên rút lui trước khi bươu đầu mẻ trán? - tôi hỏi.
Ushikawa gật đầu.
- Đây chẳng khác gì chơi bóng ngay giữa đường cao tốc vậy. Nguy hiểm cực kỳ. Với lại, chuyện này sẽ gây cho Wataya Noboru lắm phiền toái.
- Thành thử nếu tôi rút lui thì anh ta sẽ cho tôi liên lạc với Kumiko?
Ushikawa lại gật
- Nói chung là vậy.
Tôi nhấp một ngụm bia. Rồi tôi nói:
- Trước hết, để tôi nói với ông thế này. Tôi sẽ đưa Kumiko về, nhưng việc ấy tự tôi sẽ làm, không cần Wataya Noboru giúp. Tôi không cần hắn giúp. Có một điều ông nói đúng: tôi không ưa Wataya Noboru. Dù vậy, như ông nói, đây không phải là chuyện ưa hay không ưa. Vấn đề còn hơn thế. Tôi không chỉ không ưa Wataya Noboru, tôi còn không thể chấp nhận ngay chính sự tồn tại của hắn. Vì vậy sẽ không có chuyện dàn xếp gì với hắn hết. Ông làm ơn truyền đạt lại với hắn như thế. Và đừng bao giờ trở lại căn nhà này mà không xin phép một lần nữa. Đây là nhà của tôi, chứ không phải tiền sảnh khách sạn hay ga tàu điện.
Ushikawa nheo nheo mắt nhìn tôi từ dưới cặp kính. Mắt của y vẫn bất động. Cũng như trước, chúng hoàn toàn vô cảm. Không phải chúng hoàn toàn không biểu hiện cảm xúc gì. Nhưng ở đó chẳng có gì khác ngoài một cái gì đó tạm thời được nặn ra dành riêng cho tình huống này. Ushikawa giơ lòng bàn tay phải to một cách mất cân đối lên như để kiểm tra xem có mưa không.
- Tôi hoàn toàn hiểu. - Y nói. - Ngay từ đầu tôi đã biết là không dễ mà, nên tôi không ngạc nhiên trước câu trả lời của ông. Ngoài ra, tôi khó mà ngạc nhiên vì chuyện gì lắm. Tôi hiểu ông, và tôi thấy vui rằng mọi chuyện được nói ra một cách thẳng thắn thế này, không "rằng thì là mà" gì hết, chỉ một tiếng "có" hoặc "không", đơn giản. Vậy dễ cho mọi người. Loại bồ câu đưa thư đần độn như tôi sợ nhất là những câu trả lời vòng vo tam quốc, chẳng biết là đen hay trắng nữa! Trên đời thiếu gì khối những trường hợp như vậy! Chả phải tôi than phiền đâu, nhưng ngày nào tôi cũng gặp toàn những vị trả lời cứ như đánh đố nhau. Làm thứ việc này tổn thọ lắm, phải nói với ông thế. Ông có hiểu ý tôi không hở ông Okada? Ông lúc nào cũng hoài nghi, lúc nào cũng cố lần ra những động cơ thầm kín của người ta, chẳng bao giờ dám tin vào những gì rõ ràng, đơn giản. Kinh khủng lắm, ông Okada ạ, thật đấy.
Thế thì được, ông Okada à, tôi sẽ cho Tiến sĩ biết ông đã có một câu trả lời rõ ràng, dứt khoát. Nhưng ông đừng mong mọi chuyện tới đây là xong. Ông có thể muốn chấm dứt chuyện này đi, nhưng không đơn giản vậy đâu. Chắc hẳn tôi sẽ còn phải tới gặp ông nữa. Tôi lấy làm tiếc buộc ông phải dây dưa với một thằng lùn xấu xí nhếch nhác thế này, nhưng xin ông hãy cố làm quen ít nhất là với sự hiện hữu của tôi. Tôi không có ác cảm cá nhân nào với ông cả, ông Okada ạ. Thật đấy. Nhưng tạm thời, dù ông có muốn hay không, ông sẽ không dễ dàng gạt bỏ tôi đâu. Nói thế nghe hơi lạ, nhưng ông hãy cố nghĩ về tôi như thế. Tuy nhiên, tôi có thể hứa với ông một điều. Tôi sẽ không tự tiện vào nhà ông như vậy nữa. Ông nói đúng lắm: cư xử như vậy không nên. Ôi cha, lẽ ra tôi phải quỳ xuống xin ông cho vào mới phải chứ. Lần này tôi không có cách nào khác, xin ông hiểu cho. Đâu phải khi nào tôi cũng trơ tráo như vậy. Ngược lại với bề ngoài, tôi là một người bình thường. Từ đây trở đi, tôi sẽ làm như mọi người là gọi điện thoại trước. Thế là ổn chứ, phải không? Tôi sẽ gọi một lần, gác máy rồi lại gọi nữa. Bằng cách đó thì ông sẽ biết đó là tôi gọi đấy, và ông có thể tự nhủ: "Ồ, lại cái thằng đần Ushikawa đây mà" khi nhấc máy. Nhưng xin ông hãy nhấc máy. Bằng không, tôi sẽ lại chẳng có cách nào khác hơn là tự tiện vào. Cá nhân tôi đâu muốn làm vậy, nhưng đã ăn lương thì phải vẫy đuôi thôi, thành thử khi sếp bảo "Làm đi!" thì tôi phải cố làm cho bằng được. Ông hiểu mà.
Tôi chẳng nói gì. Ushikawa dụi mẫu thuốc còn lại vào đáy cái vỏ hộp thức ăn mèo, đoạn liếc đồng hồ đeo tay như thể chợt nhớ ra chuyện gì.
- Ôi cha mẹ ơi, muộn quá rồi! Trước là xông bừa vào nhà, sau đó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển với ông, rồi lại uống bia của ông nữa. Ông thứ lỗi cho nhé. Như tôi đã nói trước đây, ở nhà chẳng có ai đợi tôi về cả, thành thử mỗi khi gặp người cùng nói chuyện được thì tôi có thể cà kê tới sáng. Buồn quá phải không ông? Tôi phải nói điều này, ông Okada ạ, sống một thân một mình thì không lâu được đâu. Thiên hạ nói thế nào ấy nhỉ? "Không ai là một hòn đảo cả" 4. Hay là "Nhàn cư vi bất thiện".
Ushikawa phủi phủi vài hạt bụi tưởng tượng bám trên đùi rồi đứng dậy.
- Không cần tiễn tôi đâu, - y nói. - Tôi đã tự vào đây thì cũng có thế một mình ra về được. Tôi sẽ nhớ khóa cửa. Tuy nhiên, xin có lời cuối khuyên ông, ông Okada ạ, mặc dù có thể ông không muốn nghe. Trên đời này có những chuyện tốt nhất là không nên biết. Dĩ nhiên, đó cũng chính là những chuyện người ta muốn biết hơn cả. Lạ thật! Dĩ nhiên, tôi chỉ nói chung chung thế thôi... Không biết khi nào chúng ta sẽ gặp lại nhau? Mong rằng tới khi đó mọi chuyện sẽ ổn hơn. Thôi nhé, chúc ngủ ngon.
o O o
Mưa vẫn rơi lâm thâm suốt cả đêm, mãi gần rạng sáng mới ngớt, nhưng cái bóng dáng nhớp nháp của gã đàn ông bé nhỏ kỳ quặc cùng với mùi thuốc lá không lọc của y cứ nhằng nhẵng trong nhà như hơi ẩm mãi không sao hết được.
Chú Thích
1.Anh em Osmond: một ban nhạc lừng danh của Mỹ, khởi nghiệp vào đầu thập niên 1969 - ND.
2.Ushikawa, viết bằng Hán tự (Kanji) là Ngưu Hà - ND.
3.Okada, viết bằng Hán tự (Kanji) là Cương Điền - ND.
4."No man is a island," một câu trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ - nhà truyền học người Anh John Donne (1572-1631), hàm ý không một người nào có thể sống hoàn toàn tách biệt với những người khác. Mỗi người là một mảnh đất của lục địa, mỗi người đều có những mối liên kết với những người khác, số phận của anh ta luôn gắn liền với số phận của cái toàn thể - ND.
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót - Haruki Murakami Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót