Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Đôi Lời Cùng Bạn Đọc
T
ôi biết chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc - cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ngay từ khi ông bị phê phán đi ngược lại đường lối tập thể hóa…. Bấy giờ tôi đang ở trong quân đội, không có thông tin đầy đủ, nên tôi hoàn toàn ủng hộ việc phê phán sai lầm của ông Kim Ngọc. Gần năm mươi năm, câu chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc bị thời gian vùi lấp, không còn thấy ai nhắc tới.
Giờ thì đã nhiều bài báo khơi lại chuyện cũ, người ta đã tìm hiểu lại những đóng góp của ông. Con đường đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên, tỉnh lỵ Vĩnh Phúc, mang tên ông. Nhưng một tác phẩm văn nghệ về ông thì chưa có. May mắn cho tôi, giữa năm 2007, sau khi đã có vài kịch bản được dựng thành phim về đề tài nông nghiệp, nông thôn, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) đã đặt tôi viết kịch bản lấy nguyên mẫu là bí thư Kim Ngọc.
Vĩnh Phúc gần Hà Nội, vậy mà câu chuyện của một quá khứ buồn vui lẫn lộn hiện lên trước mắt tôi tựa như của một nơi nào xa lắc. Được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo tỉnh ủy Vĩnh Phúc, qua các tài liệu được lưu trữ của tỉnh ủy, qua lời kể của các bậc cách mạng lão thành và bà con nông dân, tôi dần “đọc” được chân dung của một con người hiếm có. Trong khoảng không gian, thời gian của quá khứ chỉ diễn ra vài ba năm thôi đã nổi lên một nhân cách toàn vẹn của một người đảng viên cộng sản, một cán bộ lãnh đạo một lòng một dạ với dân. Những phẩm chất dường như bước ra từ định nghĩa lý tưởng: sâu sát cùng nhân dân, nhất là những người nông dân, bạn quần nâu áo vải với ông, biết họ nghĩ gì, muốn gì. Vào thời điểm những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đất nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất. Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt ở cả hai miền. Ở miền Bắc, ngoài việc dồn sức người sức của cho mặt trận, trong chính sách kinh tế chúng ta ban hành nhiều chủ trương chính sách kinh tế chưa hợp lí, thiếu tính thực tiễn. Mô hình Hợp tác xã bị điều hành kém hiệu quả khiến xã viên chỉ thành những người làm thuê. Cả một bầu không khí không thiết tha gì với ruộng đồng, dẫn tới năng suất ngày một giảm. Thực tế ngày công lao động không còn đủ nấu cháo. “Làm ăn như thế, đói là phải!” – thái độ của Kim Ngọc không chỉ dừng lại ở đốc thúc tinh thần không mà trăn trở là làm thế nào để thoát ra khỏi cái kết quả vô lý của những lý thuyết có vẻ rất có lý.
Sau khi ngày đêm bàn bạc cùng tỉnh ủy, gặp gỡ các Hợp tác xã, lắng nghe tâm sự của bà con nông dân, ông nhận ra một điều, hộ nông dân là chủ thể của đơn vị sản xuất nông nghiệp: “Phải để cho nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình, được chủ động trong kế hoạch sản xuất”. Từ suy nghĩ này ông quyết định phải thay đổi cơ chế quản lí lao động nông nghiệp của HTX, trong đó có phương thức khoán hộ. Nghị quyết 68 NQ/TU ngày 10 tháng 9 năm 1966 của tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra đời trong bối cảnh như vậy. Đặt vào những năm tháng ấy, khi mà tư tưởng bảo thủ, giáo điều, duy ý chí đang mạnh, khi một số chủ trương, chính sách, Nghị quyết lệch pha với thực tế cuộc sống, tạo thành những lỗ hổng tiêu cực nhưng vẫn áp cho cơ sở và cơ sở phải chấp hành thì việc cho khoán hộ trong nông nghiệp chẳng khác gì loạt đại bác công phá. Ông Kim Ngọc trở thành người đứng vào vị trí chịu áp lực tổn hại đến cả sinh mệnh chính trị. Ông nói: “Nếu mất chức bí thư tỉnh ủy mà dân được no đủ thì mình cũng mãn nguyện”. Thực tế chứng minh Nghị quyết khoán hộ đã đem lại phép màu cho địa phương. Chỉ qua hai vụ khoán hộ, năng suất từ chỗ hai tấn, đến hai tấn rưỡi trên một héc-ta đã vươn lên năm tấn, có nơi bảy tấn. Tổng sản lượng toàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng đột biến, nhưng lãnh đạo cấp cao hơn không đồng thuận. Ngày 6 tháng 11 năm 1968, lãnh đạo cấp trên đã phê phán gay gắt chủ trương khoán hộ của ông Kim Ngọc và tỉnh ủy: “ … việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX, kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể XHCN, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã… tính chất sai lầm rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư tưởng…” (“Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đưa phong trào hợp tác nông nghiệp vững bước tiến lên”, Tạp chí Học tập, tháng 2-1969, tr.25).
Ngày 12 tháng 12 năm 1968, Ban bí thư yêu cầu tỉnh ủy Vĩnh Phú (lúc này đã gộp hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) chấn chỉnh việc khoán hộ mà thực chất là cấm khoán hộ[1]. Mặc dù cha đẻ của khoán hộ phải làm bản kiểm điểm thừa nhận “quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”, nhưng thực tế lại khác, “khoán chui” diễn ra khắp các vùng nông thôn. Đến tháng 8-1979, ba tháng sau ngày ông Kim Ngọc mất, Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết chủ trương cho khoán cây màu vụ đông, đến năm 1980 tiếp tục cho khoán cây lúa. Sau đó, trung ương bắt đầu cho áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp, với tên gọi “khoán mười”.
Câu chuyện khoán hộ đến bây giờ đã thành lịch sử, Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo, nhưng bài học về thời cuộc vẫn còn nguyên giá trị. Trên cơ sở những sự kiện và những hồi ức về nhân vật chính, cuốn tiểu thuyết tôn trọng sự thật tối đa nhằm cung cấp cho bạn đọc có một cái nhìn khách quan về một giai đoạn lịch sử, đồng thời tôn vinh một nhân cách vì sự nghiệp của dân, của nước, không nghĩ đến danh vọng, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi và dũng cảm đương đầu với mọi áp lực khách quan để thực hiện mục đích cho dân no ấm. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm và động viên của lãnh đạo cũng như nhân dân Vĩnh Phúc khi viết về một “tượng đài” của quê hương cũng như của cả đất nước. Tôi nhận ra một điều, hình ảnh ông Kim Ngọc không bao giờ phai mờ trong lòng người Vĩnh Phúc. Vì vậy tôi cố gắng không để nhân vật nguyên mẫu và nhân vật chính trong kịch bản cũng như tiểu thuyết có khoảng cách quá xa, ngoại trừ các nhân vật phụ có tính hư cấu và tiểu thuyết hóa một số chi tiết để tăng thêm tính cách đa dạng của nhân vật, cũng như tên và chức danh của các nhân vật đã được thay đổi để phù hợp với một cuốn tiểu thuyết văn học. Một cuốn tiểu thuyết như thế hẳn còn nhiều thiếu sót, xin nhận được sự góp ý của bạn đọc.
VÂN THẢO