Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Chương 42
N
gười bệnh cuối cùng vừa khuất sau cánh cổng Sa không chờ lão câm mà cố đẩy cửa khép lại kéo chốt ngang chứ không khoá rồi quay đầu trở vào. Nhìn thấy cửa phòng khám vẫn còn mở Sa muốn đợi Tùng cùng vào ăn trưa nên không vội vàng, lửng thửng đi giữa hai hàng cau thở ra nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng sau một buổi sáng đầy lo toan tất bật phụ chồng bốc thuốc cân đong gói ghém.
Bỗng một quả cau rụng xuống va nhẹ bờ vai trượt dài dọc theo người Sa trước khi chạm đất lăn long lóc một quãng rất ngắn rồi dừng lại như đón bước chân Sa vừa trờ tới. Hơi lạ lùng vì thế rơi không thường Sa hồi hộp cúi xuống lượm trái cau lên ngắm nghía. Quả cau tròn trịa chín vàng óng ả rất đẹp không hề có vết đốm hay trầy xước trông thật hoàn hảo. Sa bước lên bậc thềm. Nàng hôn thật khẽ quả cau tay vân vê một lúc rồi buột miệng ngâm:
“Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân…”
Đứng giữa không gian trong lành lòng Sa bâng khuâng khuâng bồi hồi nhớ lại hình ảnh cành đào nở thật tưng bừng hôm tết, cánh hoa thắm tươi mơn mởn phát tiết mọi tinh hoa ra ngoài đến độ không thể còn tươi đẹp hơn được nữa giống như hạnh phúc mà nàng đã đón nhận không một lời nào tả xiết từ hôm nguyên đán đến nay.
Cành đào vẫn còn bên thềm nhưng giờ đang tàn phai run rẩy trong nắng lạnh, nhạt nhoà mờ ảo giữa làn hương trầm bay ra từ phòng thờ, xác hoa lả tả bay theo những làn gió xuân, vương trên hiên nhà, hai má Sa bỗng ửng hồng tự thẹn vì biết vẫn còn chưa hả với hạnh phúc mà mình đang có, nàng bóp chặt quả cau trong tay ngước lên, thả hồn chót vót vào màu xanh của những tán cây và những buồng cau vàng óng như một người đang thiết tha ước nguyện…
Làm gì mà thẫn thờ vậy em?
Giọng Tùng vọng từ sau lưng đồng thời vòng tay chàng quấn lấy eo Sa thật bất ngờ làm Sa giật mình quay lại trách nhẹ:
_Làm em hết hồn tưởng gì chứ!
_Tưởng gì là tưởng gì?
Sa đáp bừa:
_Tưởng lại bị thằng Dân bất thình lình tới quấy!
_Thật không đấy anh không tin!
_Sao lại không tin?
_Nhìn cái mặt đang ngẩn ra thế chắc là mơ cái gì êm dịu hồn vía đâu mà nghĩ tới thằng Dân lúc này được.
Sa bật cười:
_Em nghĩ anh nên kiêm thêm nghề thầy bói chắc đắt khách không thua gì bốc thuốc đâu đấy!
_Vậy à? Vậy là anh đoán đúng phải không? Em mơ gì đó nói anh nghe với!
Sa ngần ngừ rồi xoè tay ra nói:
_Anh nhìn xem quả cau kháu không?
_Ừ xinh quá nhỉ? Hiếm thấy quả cau nào đẹp thế! Em khèo được à?
_Đâu có! Cau cao thế sao em có thể chọn được mà hái chứ? Nó rụng đấy! Rụng ngay vai rớt trước mặt em vậy đó anh! Do đó em mơ năm nay mình sẽ có…
Sa bỏ lửng câu nói mặt nóng ran. Tùng hôn nhẹ má Sa thì thầm:
_Em muốn có con phải không?
Sa gật đầu.
Tùng gật gù:
_Anh cũng thế. Anh muốn có một đứa con gái giống em để anh còn sẻ bớt tình thương chứ mẹ nó không thể chứa hết tình thương đầy tràn của anh đâu! Còn nếu là con trai thì anh muốn nó giống cu Tí cho em được thoả lòng chịu chưa?
Sa lắc đầu:
_Em muốn có con và nếu là con trai em không muốn giống cu Tí nữa đâu! Em muốn nó giống anh như đúc kìa! Anh nhớ nhé! Phải giống anh đó làm sao thì làm đi!
Tùng cười rú lên rồi hôn vào má vợ đùa:
_Được rồi chiều nay rảnh không làm việc anh biết phải làm sao rồi!.
Sa ơi! Tùng ơi! Có nhà không?.Mở cửa cho bác và bố vào với các con ơi!
Nghe giọng bác Cả, đang ôm chồng, Sa hốt hoảng buông ra định bỏ chạy vào trong nhưng Tùng giữ lại trấn an:
_Em đừng sợ! Hai người một là bác, một là bố, ai đâu xa lạ mà em ngại! Hổ dữ còn không ăn thịt con nữa là…
Sa lắc đầu ý không muốn ra mở cửa. Tùng vỗ về:
_Không sao đâu em ạ! Bố có đánh mắng chửi rủa cũng xuất phát từ lòng thương, ta giờ phải biết ơn hai người và cả bố anh nữa nếu không dễ gì hai ta gặp nhau?
Sa nghe vậy đi theo Tùng ra phía cổng nhưng vẫn còn ấm ức:
_Họ thương em hay thương cái danh hương trưởng và dòng tộc gia giáo của họ?
_Thôi mà em đừng nói thế!
Bên ngoài tiếng gọi cửa ngày càng khẩn trương. Lão câm từ đằng sau chạy vọt lên vượt qua hai người hấp tấp kéo chốt ngang mở toang cửa cúi gập người chào.
Tùng kéo Sa lại khẽ cúi chào.
Ông hương trưởng ông Mạc và dì Lam đã xuất hiện trố mắt nhìn Tùng và Sa đang tay trong tay:
_Thưa bác, thưa bố mẹ đến thăm!
Suốt dọc đường đi đến đây hai vợ chồng ông Mạc cứ thấp thỏm, dì Lam mong muốn gặp Sa đến nỗi mấy ngày nay không chợp mắt được, vừa nghe Tùng cất tiếng chào lại gọi mình bằng mẹ mừng quá không còn e dè chần chừ được nữa dì nhào lại ôm cứng lấy Sa mếu máo:
_Ôi con tôi! Con sao rồi có khoẻ không?
Tuy đã được báo trước về cuộc hội ngộ này nhưng khi gặp dì, Sa vẫn không thể bình tĩnh, xúc động ôm xiết lấy dì thì thào:
_Dì ơi cu Út đâu sao không mang em nó theo?
Trong lúc hai phụ nữ đang ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, Tùng quay qua hai người đàn ông:
_Mời bác và bố vào nhà chơi. Hôm tết con định đưa em về thăm gia đình bên ấy nhưng nghe mẹ con bảo anh Bôn có nhắn đừng về để bố sang thăm trước nên không dám đi, sao vậy bố?
Nãy giờ nghe Tùng thưa gởi giọng nói khiêm cung từ tốn phong cách giản dị dễ gần, anh em ông hương trưởng đưa mắt nhìn nhau.
Không còn ngần ngại nữa ông Mạc đáp:
_Bác và bố hôm nay tới đây trước là thăm gia đình chúc phúc mọi người ngoài ra còn có chuyện quan trọng muốn thưa với mẹ con, cho bố gặp mẹ được không con?
_Dạ được!
Vừa lúc đó mọi người đã bước đến hiên nhà. Không ai bảo ai đều lặng lẽ vào phòng thờ. Ông Cả ông Mạc chắp tay vái mấy cái rồi lui cui rút nhang thắp. Tùng nhìn hai người một lúc khẽ nói bên tai ông Mạc:
_Để con vào mời mẹ, bác và bố cứ tự nhiên.
Chàng đi ra vẫn thấy Sa và dì Lam còn đứng ở cổng đeo cứng chưa rời nhau được. Tùng mỉm cười.
Sa chỉ rời dì Lam khi thấy bóng mẹ chồng. Cả hai vẫn chưa nói gì được với nhau vì còn mãi sụt sùi. Sa chỉ tay về phía phòng thờ nói:
_Thôi dì vào đi, mọi người đang chờ đó!
Dì Lam hấp tấp chạy vào, đã thấy bà Chánh ngồi xếp bành chễm chệ trên trường kỷ cùng với ông Cả ông Mạc và Tùng, họ đang hỏi thăm lẫn nhau.
Vì còn muốn tránh mặt bố được lúc nào hay lúc ấy Sa lẻn ra sau bếp tính lựa cớ pha trà thì đã thấy chị Xuân bưng khay sửa soạn bước ra Sa giành lấy nói:
_Để đó em, chị lo việc khác đi!
Từ ngoài Sa đã nghe những lời chúc của bác Cả vang vang:
_Chúc chị và gia đình một năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng nhất là sống lâu trăm tuổi cho con cháu được nương bóng.
Mẹ chồng nàng dáng vẻ uy nghi ngồi sát bên Tùng dối diện với bác, bố, dì Lam lắng nghe những lời chúc tụng khẽ gật gù.
Sa bước vào tất cả quay lại nhìn. Tùng nhoài người đỡ cái khay trên tay Sa, đặt trước mặt mọi người rồi rót trà vào chén. Tiếng rót nước tuy rất khẽ nhưng vẫn nghe róc rách, mùi nhang trầm lan toả trong căn phòng bỗng dưng im phăng phắc. Vẻ mặt nghiêm trang đến kỳ lạ của bác Cả khiến Sa có cảm giác đây không phải chỉ vẻn vẹn là cuộc viếng thăm chúc tết. Có gì đó không bình thường
Tiếng mẹ chồng nàng cất lên cắt đứt dòng suy nghĩ:
_Sa mang trầu mang mứt lại đây!
Sa vội vã lấy khay trầu đĩa mứt gần đó cung kính đặt trước mặt mọi người nhưng lại không dám ngồi xuống. Ông Mạc khẽ liếc nhìn con gái, ông Cả thì đang dò xét bà Chánh, thấy vẻ mặt bà thoải mái ông cất giọng hỏi han:
_Hai cháu Tùng Sa chắc bận lắm phải không? Hồi nãy lúc gần tới đây gặp một số người đi khám bệnh buổi sáng nhưng không kịp, họ bảo ngày mai phải tới chờ tiếp vì còn tháng giêng gia trang không làm buổi chiều, chà kiểu này chắc trong tương lai phải mướn thêm người đấy nhỉ? Chỉ người nhà lo thôi chịu gì thấu! Chú Sinh còn ở nhà không chị?
Bà Chánh cầm đĩa trầu mời mọi người rồi từ tốn đáp:
_À có chứ! Để chút tôi đưa hai anh qua đó thăm chú ấy! Tội nghiệp có đứa con trai duy nhất hôm tết lại đau ốm nên chú cũng ít đi đâu chơi.
Tùng và Sa đưa mắt nhìn nhau.
Ông Cả vồn vã:
_Vậy sao? Có phải cậu ấy làm phù rể hôm cưới đó không?
_Đúng đấy!
_Vậy đã đỡ chưa thưa chị?
_Đỡ rồi nhưng mới đầu năm mà gặp vận xui cũng lo lắng lắm!
Tùng thấy vợ cứ đứng yên bèn kéo Sa ngồi xuống âu yếm nói:
_Ngồi xuống đi em, đứng làm gì cho mỏi chân, người nhà thân thuộc chứ ai đâu xa lạ mà kiêng dè.
Dì Lam nghe Tùng nói thế vội ngồi sát lại bên Sa thì thầm:
_Đúng đấy! Để dì còn tỉ tê cho đã mới được.
Tùng lên tiếng:
_Dạ thưa bác và bố, con tính thu xếp nghỉ vài bữa để đưa em về bên đó chơi ít ngày!
Ông Cả nghe nói thế không thể chần chừ thêm nữa bắt đầu hướng nhìn về phía bà Chánh trịnh trọng thưa:
_Thưa chị hôm nay anh em tôi đến đây trước là chúc tết gia đình sau là có một việc hệ trọng xin gia đình thông cảm giúp đỡ chúng tôi để mọi việc được giải quyết tốt đẹp. Nói tới đây ông ngần ngừ rồi nhấc chén trà nhấp một ngụm.
Nhìn nét mặt hơi bối rối, giọng bỗng trở nên nghiêm trọng của ông Cả, bà Chánh sốt ruột:
_Chuyện gì thế? Người nhà cả mà anh! Rào trước đón sau làm gì? Tôi đây sẵn sàng thông cảm nếu xét thấy mình có thể, chẳng tiếc gì đâu!.
Nãy giờ Sa lắng nghe lòng bỗng hồi hộp hoang mang linh tính mách bảo có điều gì đó không may sẽ đến với mình nhất là khi vừa chạm vào ánh mắt đầy ái ngại của dì Lam, lại còn nắm chặt bàn tay Sa như thầm bảo hãy bình tĩnh.
Người Sa run lên mặc dù chưa biết rõ chuyện gì? Từ lúc giáp mặt chỉ thấy bố và bác nói chuyện với Tùng thỉnh thoảng mới khẽ liếc nhìn mình vẻ oán trách.
Giọng ông Cả lại vang lên:
_Thưa chị từ trước tới nay hai anh em tôi luôn tâm nguyện thầm cảm tạ Trời Phật phù hộ cho gia đình tôi được kết sui gia với gia đình chị. Không phải vì gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc mà chỉ vì chúng tôi biết gia đình này có một bảo bối bằng xương bằng thịt là Tùng đây! Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ Tùng là cháu rể con rể chúng tôi. Vậy mà cháu gái, con gái chúng tôi lại được lão gia nhà này để mắt tới thật là phúc ấm lắm lắm! Chỉ vì sơ suất trong việc dạy dỗ con cái, cháu Sa đây đã làm phiền luỵ tới gia đình.
Nghe tới đây bà Chánh xua tay:
_Thôi hai anh à! Năm mới rồi nhắc chi chuyện buồn năm cũ. Con cái có phải đứa nào cũng dễ bảo đâu! Nhưng khuyên răn mãi rồi cũng nên. Hai anh đừng ngại nữa! Tôi không để bụng đâu! Với lại hai đứa lấy nhau xét ra cũng duyên số cả, miễn tụi nó thương nhau thì trong ấm ngoài êm lo gì!
Lắng nghe một lúc Tùng ngước nhìn hai anh em ông Cả và dì Lam:
_Thưa bác thưa bố mẹ xin đừng lo gì cho tụi con. Em Sa ngoan lắm. Con không phiền gì đâu xin đừng lo lắng nữa!
Dì Lam nghe Tùng lại gọi mình bằng mẹ với tất cả sự trân trọng, lòng đang buồn lo nhưng cũng thấy mát ruột sung sướng mặt cứ nóng ran lên âu yếm nhìn Tùng dặn dò:
_Mẹ biết ơn con lắm Tùng à! Mẹ cũng không biết dùng lời gì để cảm tạ con bây giờ mẹ chỉ xin con hãy giúp Sa, hiểu Sa,vợ chồng cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này con nhé! Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn! Giờ con hãy nghe bác và bố con đây trình bày vài điều với mẹ con nhé!
Bà Chánh trố mắt:
-Ủa còn chuyện gì hệ trọng nữa sao?
Ông Mạc xác nhận:
_Dạ thưa chị đúng vậy!
Bằng một giọng buồn bã lo âu ông Mạc và ông Cả thi nhau cố gắng kể lại rành mạch những gì xảy ra ở làng Dâu có liên quan đến Cống Hải.
Khi kể xong ông Mạc nói với bà Chánh nãy giờ ngồi lặng đi không thốt nên lời:
_Con gái tôi đã làm phiền hai bên quá nhiều nhưng nếu chỉ là gia đình chúng ta thôi thì còn dễ cho qua nhưng bây giờ phiền luỵ tới cả làng xóm nên chúng tôi phải nhờ tới Mẫu Liễu Hạnh như vừa thưa với chị xong.
Tùng ngồi bất động nhưng không ngạc nhiên hay lúng túng. May mắn Sa đã kể hết những ngộ nhận của nàng trước khi lấy chồng. Do đó Tùng thấy thương Sa quá chừng nhưng vì ngồi trước mặt mọi người không thể ôm vợ mà an ủi đành đưa mắt nhìn Sa biểu lộ sự thông cảm.Sa không dám nhìn ai cứ cúi gằm mặt xuống. Rồi nàng vội quỳ xuống đất dập đầu mấy cái nói:
_Thưa bác thưa bố, thưa mẹ thưa dì con biết con là một vết nhục cho danh giá hai bên, con sẽ về đối chất với Cống Hải, chỉ mong việc này được thu xếp xong con nguyện ăn chay một năm để chuộc lại tội lỗi của mình với mọi người. Rồi nàng quay sang Tùng định dập đầu xin tha thứ nhưng Tùng mau chóng nâng Sa đứng lên không cho quỳ nữa nói đỡ cho vợ:
_ Nhân đây con cũng thật tình xin thưa lại với tất cả mọi người là Sa đã kể hết cho con về những mối quan hệ với anh Hải. Tụi con xét thấy không có lỗi gì với anh ta nên không ngại phải đối chất. Bác và bố cứ yên tâm con sẽ qua và làm theo lời Mẫu liễu Hạnh.
Ông Mạc mừng quá reo lên:
_Vậy thì tốt quá! Từ sáng tới giờ bố và bác cứ lo sẽ làm khó con và gia đình, gây thêm phiền phức, may mắn con đã đồng ý!
Thấy con trai bình tĩnh cứng cỏi đầy quyết tâm bà Chánh giờ mới lên tiếng:
_Tôi cũng là người cùng quê Vụ Bản của Mẫu Liễu Hạnh đây! Đâu xa lạ gì! Nếu quả thật như hai anh nói, mai tôi sẽ về quê đích thân thắp một nén tâm hương dâng lên khấn nguyện Mẫu ở đền Phủ Giày trước để xin phù hộ cho việc của hai cháu sẽ được phân xử ổn thoả.
Nói xong bà quay qua Tùng tiếp tục:
_ Còn mọi việc thế nào mẹ tuỳ con xử trí, con nghĩ sao?
_Dạ con sẽ đưa vợ con về làng làm theo lời Thánh mẫu dặn được không mẹ?
Bà Chánh gật:
_Vậy thì con cứ theo lời bố và bác Cả đây dặn dò mà làm nhé!
Hai anh em ông hương trưởng nhìn nhau thở phào nhẹ nhỏm.
Tùng tâm sự:
_Hồi còn phục vụ trong triều mấy lần theo nhà vua đi lễ đền Sòng nên con cũng đâu lạ gì Thánh Mẫu Liễu Hạnh! Bác và bố đừng ngại. Con chỉ hỏi điều này, sự đối chất có bị trưng ra trước bàn dân thiên hạ không?
Ông Mạc mau mắn đáp:
_Bố có hỏi, Mẫu giải thích là sự đối chất thầm lặng phía trong đình không ai nghe được kể cả bố và bác cũng như các chức sắc khác chỉ có ba người, hai vợ chồng con, cống Hải dưới sự chứng giám của Mẫu, sự việc tiếp diễn ra sao lúc đó mới biết.
Tùng hỏi tiếp:
_Vậy lúc đó làm sao để thiên hạ không sốt ruột gây rối?
Ông Cả xác quyết:
_Bác đã thuê một gánh hát xẩm thật hay để lôi cuốn sự chú ý của mọi người tránh gây sự tò mò, ai không phận sự không được bén mảng vào, đợi đến khi đối chất xong thì xem phô diễn phép thuật chứng kiến sự hiển linh của Mẫu, chỉ vậy thôi! Dân làng chỉ mong có thế thôi, chẳng qua chỉ là cuộc vui nếu không nói làm cho họ vững tâm không hoang mang sợ hãi nữa!
Tùng gật gù:
_Vậy cũng tốt nhưng mà sao không thuê hát văn mà hát xẩm?
Ông Mạc phân trần:
_Thì mới đầu bố cũng tính thế nhưng những đám hát văn lúc này họ dồn toàn lực chuẩn bị cho Lễ hội Phủ Giày vào tháng ba tới nên mướn họ rất mắc mà chưa chắc đã y hẹn.
Bà Chánh xen vào:
_Cứ gì phải hát văn thường lễ hội rước Mẫu ở Phủ Giày vẫn có hội hát xẩm đông tới cả trăm gánh ấy chứ! Bởi vậy mới có câu:
_ “Đầu làng Phủ Giày có cây chuối,
Cuối làng Phủ Giày có cây đa
Bao nhiêu con gái đi xem xẩm mà không biết ca
Thà rằng cởi yếm vật vú vào gốc đa mà về!”
Mọi người nghe bà Chánh đọc xong đều phì cười không khí căng thẳng giảm bớt.
Tùng hỏi tiếp:
_Có phải vì vậy mà bố dặn chúng con không được về cho đến ngày hẹn là trung tuần tháng hai sắp tới phải không ạ?
Ông Mạc gật đầu:
_Đúng thế! Nhưng từ giờ bố đã phải huy động kiếm thêm anh em nào lực lưỡng có võ càng tốt để giữ gìn trật tự, phòng khi có rối loạn bất ngờ.
Nghe tới đây Tùng kêu lên:
_A! thế là đúng dịp rồi! Con có anh bạn giỏi võ lắm sẽ nhờ anh ấy một tay.
Bà Chánh hỏi:
_Phải anh Sơn không con?
_Đúng đó mẹ à! Thế nào ảnh cũng mang con trở lại đây để khám cũng khoảng lúc con và Sa phải qua bên làng Dâu, có ảnh tháp tùng giúp cho một tay cũng đỡ lắm! Một mình ảnh có thể đẩy lùi một lúc hàng chục người là thường.
Ông hương trưởng xuýt xoa:
_Ôi phước đức chưa! Đúng là Mẫu ngầm phù hộ rồi!
Nãy giờ bàng hoàng kinh khiếp, Sa cứ nép mình sát bên Tùng trống ngực đập thình thịch nghe mọi người bàn bạc một lúc mới từ từ hoàn hồn nhớ lại cái đêm trăng, lơ mơ hiểu ra rằng có thể mình không trúng gió không mê sảng, có thể lúc ấy mình lại rất tỉnh táo? Nghĩ tới đây căm phẫn dâng trào tuy vẫn còn sợ nhưng lòng thầm mong cho đến ngày ấy để trút mọi uẩn ức phải giấu kín từ bao lâu nay.
Xuân xuất hiện ở ngưỡng cửa lễ phép thưa:
_Dạ thưa mẹ, cơm nước đã sẵn sàng xin mời mẹ và mọi người dùng bữa kẻo trưa quá rồi ạ!
Ông Cả và ông Mạc vội đứng dậy như sợ ở lâu có thể bà Chánh bất ngờ nghĩ lại rồi đổi ý bèn hớt hải nói:
_Thôi quá bữa rồi xin phép chị để khi khác, không dối gì chị hồi nãy ngồi trên đò buồn mồm lại thấy cô bán bánh giò ôm rỗ bánh còn đầy mua giúp, ăn mỗi người vài cái giờ vẫn còn lưng lửng, chỉ xin chị dẫn chúng tôi qua thăm chú Sinh một lát rồi còn mau mau quay về kẻo chiều lại hụt chuyến đò mà công việc sau tết cũng còn bề bề ra đó chưa đâu vào đâu xin hẹn khi khác vậy!
Dì Lam ôm Sa vào lòng vuốt tóc vỗ về an ủi:
_Thôi con ở lại đây chờ đến hôm đó hãy về làng rồi ở lại với dì ít bữa nghe con!
Sa lắc đầu buồn buồn:
_Chắc chưa được đâu dì! Hôm ấy xong là con về đây ngay chẳng muốn trở thành trò cười cho thiên hạ đâu, nhục lắm! Dì thông cảm cho con dì nhé, rồi khi nào có dịp mọi người qua thăm con vậy!
Tùng nhắc khẽ:
_Sao em lại gọi dì phải gọi mẹ chứ em!
Dì Lam dí tay vào trán Sa trách nhẹ:
_Nó bướng lắm con à! Nhất quyết không gọi dì bằng mẹ mặc dù đã lấy bố nó bao năm nay rồi! Con hãy noi gương chồng con đó!
Sa lí nhí:
_Tại con quen miệng rồi giờ mà đổi ngượng lắm!
Bà Chánh đứng dậy vuốt lại nếp áo nói:
_Thôi được các con đứa nào đói thì vào dùng bữa để mẹ đưa mọi người qua chú thím Sinh thăm hỏi một chút nhé!
Khi mọi người đã đi khỏi Sa ôm chầm lấy Tùng khóc tức tưởi một lúc sau mới nghẹn ngào nói:
_Xin anh đừng bỏ em lúc này anh nhé! Đừng ghét em anh nhé!
Tùng vuốt tóc Sa dỗ dành:
_Không! Trước đây vì hay nghi ngờ, anh đã bỏ em một mình bơ vơ với bao đau khổ, giờ anh càng tin em thương em hơn bao giờ hết, hãy yên tâm cùng anh vào dùng cơm với chị Xuân và già, cố giữ gìn sức khoẻ cho đến ngày hôm đó, anh sẽ luôn kề bên em mọi lúc mọi nơi bảo vệ em đến hơi thở cuối cùng!
Thuỷ giật thót người, hình như có cái gì vừa giáng xuống đau nhói. Mắt vẫn nhắm nghiền không buồn mở ra xem vật gì đè trên bụng, nàng cuộn người lại mau chóng vùi mình vào trong chăn ấm nệm êm mong tìm lại giấc ngủ ngon như trước.
Mùi thơm nhè nhẹ toát ra xung quanh làm Thuỷ như chợt nhớ ra mình đang ngủ trong phòng trọ của gia trang, vội mở mắt nhìn xung quanh. Cây đèn đất nung hình con hạc đặt trên kệ cao chiếu thẳng về phía giường qua tấm màn the trắng toả ánh sáng dìu dịu đủ để Thuỷ nhận ra mình đang nằm trên nhung gấm xa hoa chứ không phải trên cái sập gỗ đơn sơ nơi miền sơn cước.
Mệt nhọc đường xa đã tan biến Thuỷ nghiêng người nhìn bé Búp ngủ say hai tay nắm chặt, vẻ mặt an bình thỉnh thoảng lại quơ chân đạp mạnh khiến Thuỷ sung sướng đến lặng người. Con đã thật sự lành lặn thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo đe doạ sẽ bị bại liệt. Không những thế còn có vẻ khoẻ hơn lúc chưa bị bệnh.
Hồi chiều lúc mới tới gia trang vừa thấy Sa, nó rời khỏi tay Thuỷ tụt xuống đất gượng đứng lên chập chững rồi chạy một mạch nhào vào lòng Sa không chịu cho ai bồng nữa ngay cả bố mẹ! Nhìn cái chân bé nhỏ đang nằm gác lên bụng mình Thuỷ khẽ bóp chân con hôn nhè nhẹ, đúng là cái chân này hồi nãy đạp mẹ đau đến nỗi thức dậy chứ còn ai vào đây nữa!
Thuỷ nhìn con cười tủm tỉm. Bâng quơ nhớ lại lúc cùng ngồi ăn với gia đình Tùng, Thuỷ cảm động muốn rơi nước mắt khi lần đầu tiên nhận ra niềm hạnh phúc ngập tràn trong đôi mắt Tùng. Không còn nghi ngờ gì nữa Tùng và Sa rất hạnh phúc. Hai người chăm sóc nhau thật tỉ mỉ chu đáo! Họ thật xứng đôi! Lần trước lúc giã từ gia trang đôi mắt đau buồn của Tùng cứ ám ảnh Thuỷ đến nỗi khi về lại nhà Thuỷ cứ phải tìm chỗ nào khuất ngồi khóc một mình cho vơi nhẹ lòng. Giờ thì Thuỷ lại vui lây với niềm vui của Tùng, cầu mong họ sẽ trăm năm bền chặt, cả hai đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Đối với Thuỷ. Tùng đồng nghĩa với quãng đời mơ mộng tươi đẹp mà Thuỷ mãi sẽ không bao giờ quên mặc dù sau đó được tiếp nối bằng sự chua xót nhớ nhung khi Tùng đột ngột rời võ đường. Lúc nãy trước khi ngủ thư thả đi một vòng khu nhà chính ngắm nhìn những cột nhà bằng gỗ lim sừng sững bóng lưỡng, xà ngang xà dọc chạm trỗ công phu, các vật dụng hầu như đều cách điệu hình long lân hạc phượng, Thuỷ càng khâm phục ý chí bền bỉ của Tùng khi quyết theo đuổi ước mơ khao khát của mình.
Sinh ra trong nhung lụa, bọc điều, quyền quý cao sang thế này mà vẫn đủ nghị lực từ bỏ tất cả lên chốn rừng sâu núi thẳm tìm thầy luyện võ. Nghĩ lại vẫn còn xót xa những lúc Tùng mới tập toẹ học võ bụng đói vẫn phải gánh nước nấu cơm đốt nương làm rẫy trồng thêm khoai sắn ăn độn, vào rừng hái nấm kiếm măng thêm…
Đôi khi tập võ miệt mài, hao tốn sức lực đói quá mà giờ ăn chưa tới Tùng phải lén thầy chạy ra đồi sim vặt trái ăn tạm lót dạ nhưng chẳng bao giờ quên để phần cho Thuỷ. Vậy mà chưa bao giờ chàng tỏ ra nao núng ì èo năn nỉ thầy cho về thăm nhà dăm bữa như những võ sinh khác.
Chẳng bao lâu Tùng trở thành người xuất sắc nhất trong đám võ sinh vượt qua cả Sơn con trai duy nhất của võ sư và cũng là cha chồng Thuỷ bây giờ.
Cánh cửa bỗng bật mở. Sơn từ trong thư phòng bước ra cầm thanh kiếm gác vào kệ sát vách rồi quay trở lại quên đóng cửa. Qua khung cửa mở, Thuỷ thấy rõ Tùng và Sơn ngồi kề bên nhau thầm thì to nhỏ. Ngọn đèn đặt giữa bàn soi tỏ khuôn mặt họ. Tùng kể liên tục không ngưng nghỉ vẻ mặt đầy cảm xúc biến đổi không ngừng, lâu lâu đang lắng nghe Sơn bỗng há hốc mồm trố mắt ngạc nhiên hay gật gù khoái chí vỗ vai Tùng khúc khích cười hoặc bỗng dưng lại mím môi giơ nắm đấm lên không đầy phẫn uất khiến Thuỷ đoán câu chuyện Tùng đang kể phải hấp dẫn. Thuỷ nghe chồng tâm sự là Tùng hứa kỳ này gặp lại sẽ kể chuyện về cuộc hôn nhân đầy sóng gió giữa chàng và Sa. Bây giờ chàng đang kể thì phải? Hồi hộp quá! Nhưng không nên ra lúc này có thể Tùng sẽ e ngại không kể hết! Khi nào về nhà anh Sơn chẳng kể tuốt tuột cho nghe, lo gì!
Giờ cứ nằm đây nhìn lén sắc mặt hai người cũng đủ thấy hay rồi! Lúc nãy khi dùng bữa xong chị Xuân giục Sa đi ngủ sớm để mai về làng Dâu. Thuỷ biết Sơn cũng được mời đi cùng. Lần này gặp lại thấy Sa hạnh phúc miệng luôn cười nhưng thỉnh thoảng vẫn không giấu được sự lo âu hoảng hốt dáng vẻ không bình thường nhất là khi nghe nhắc đến cuộc hành trình về lại quê nhà ngày mai. Thuỷ sẽ ở lại gia trang chơi chờ mọi người về. Sa hứa đi chừng một ngày tối lại về nên càng nghi ba người đi vì việc gì hệ trọng chứ không phải đi chơi. Thôi thắc mắc làm gì trước sau gì cũng biết. Nhìn qua thư phòng Thuỷ thấy chồng đang ngồi nghe bỗng đứng dậy vỗ vào mặt bàn nói to: “Anh biết mà! Cái cô Khuyên đó đúng là sự ngăn trở làm rối ren thêm cuộc hôn nhân của em chứ còn ai vào đấy! Tại bữa trước con anh đau nặng nên anh quên chưa kể cô ấy tệ lắm, làm nghề y mà phách lối lạnh lùng tàn nhẫn nếu không có Sa ra can thiệp nói thiệt nhé chắc bị cổ đe nẹt một hồi anh chị tự ái cũng bỏ về thôi! Thuê mướn thứ đó làm gì cho thêm mang tiếng may mà em nhận ra điều này, tội nghiệp hai vợ chồng em quá đi!”
Tùng vội vã kéo Sơn ngồi xuống đưa tay lên miệng ra dấu bảo hãy im lặng rồi chỉ tay về phía phòng Thuỷ đang nằm. Thuỷ quay đi nhắm mắt lại giả vờ ngủ.
Bà Chánh đứng trước phòng thờ chờ đợi, bà dậy sớm để thắp nhang khấn vái, suốt đêm bà cũng lần tràng hạt đọc kinh. Tùng và Sơn bước tới bà hỏi:
_Sa đâu con?
_Dạ con vào gọi vợ con đi đây! Anh chờ tí nhé!
Sơn đứng lại bên bà Chánh.
Tùng mở cửa bước vào phòng, trời còn tờ mờ chưa rõ nên Tùng mang thêm cây đèn nữa tới trước gương nơi Sa đang ngồi chải tóc khẽ hôn lên quầng mắt vợ âu yếm hỏi:
_Sao mắt em quầng thâm thế? Không ngủ được à? Ráng giữ sức khoẻ nhé!
Buông lược xuống bàn, mắt Sa bỗng long lanh ngấn lệ cái nhìn trống vắng ẩn dưới làn mi dài, khuôn mặt xanh xao bơ phờ, Tùng thở dài lặng lẽ nhặt những sợi tóc vương trên vai áo nàng rồi nói:
_Mình đi thôi kẻo anh Sơn chờ!
Sa đứng lên định bước nhưng lại ngần ngừ nhìn quanh căn phòng mếu máo:
_Anh ơi! Em không muốn rời căn phòng này chút nào cả! Có bao giờ em không thể trở về đây được không hả anh? Em sợ quá! Thôi em không đi nữa đâu!
Tùng dỗ dành:
_Em nói lạ! Sao lại không về?Anh bảo đảm chiều nay em sẽ có mặt tại đây chịu chưa? Em sợ gì? Mình còn thân xác sờ sờ ra đây lại sợ một người đã chết là sao?
Nghe Tùng nói Sa lấy lại tự tin ôm siết lấy chồng, rồi đột nhiên cả hai cùng hướng ánh nhìn đắm đuối về phía cái giường trống, gối chăn vẫn chưa kịp xếp gọn nằm chồng chéo lên nhau, cùng mỉm cười như thể đang chia sẻ với nhau một điều bí mật.
Bà Chánh đăm đăm nhìn hai vợ chồng Tùng đang tiến lại. Khi Tùng Sa cúi đầu chào, bà căn dặn:
_Các con mặc áo ấm vào giờ này ra sông lạnh lắm coi chừng đó! Nhất là Sa con quấn khăn cho kín ngực và cổ nhé!
Sơn nghe vậy chạy lại đứng bên Sa nói:
Bác khỏi lo có hai người này hộ vệ gió lạnh cũng phải kiêng.
Bà Chánh bật cười rồi giục:
_Thôi ba anh em đi đi! Xong rồi thì về không mẹ lại sốt ruột, đừng la cà đâu đấy nhé!
Cả ba cúi chào một lần nữa rồi quay gót. Bà Chánh nhìn theo, Sa được Tùng dìu bước, Sơn đi bên cạnh dáng vẻ hiên ngang xông xáo, lòng bà Chánh bỗng yên ả hơn.