Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 41: Mỗi Người Có Một Bông Tuyết
C
uốn vở xanh lá cây bị mất
"Nơi tận cùng thế giới" là bài thơ thứ mười chín, bài cuối cùng Ka sáng tác ở Kars. Chúng ta biết rằng Ka chép mười tám bài, kể cả vài chỗ thiếu, vào cuốn vở xanh luôn đem theo người, ngay lúc ông vừa nghĩ ra. Chỉ có bài thơ làm trong đêm nổ ra cách mạng là ông không chép lại được. Trong số những lá thư Ka viết ở Frankfurt cho Ipek và không bao giờ gửi đi có hai bức nhắc đến chuyện Ka đơn giản không sao nhớ lại được bài thơ "Nơi không có Allah" mà ông phải tìm lại bằng được để hoàn tất cuốn thơ. Và ông sẽ rất vui nếu Ipek xem lại cho ông cuộn băng video ghi lại củaTruyền hình biên giới Kars. Khi tôi đọc thư này trong phòng khách sạn ở Frankfurt, tôi có cảm giác Ka có đôi chút bất an khi tưởng tượng Ipek có thể nghĩ mình viện cớ video với thơ ca để viết thư tán tỉnh cô.
Tôi tìm được bông tuyết trong một cuốn vở tình cờ vớ được ngay đêm hôm ấy, sau khi chếnh choáng chút hơi men đem mấy cuốn băng video Melinda về phòng. Tôi đã ghép bông tuyết ấy vào cuối chương 29 của tiểu thuyết này. Mấy hôm sau khi đọc lướt những cuốn vở ấy tôi cho rằng đã hiểu ra chủ ý của Ka khi xếp các bài thơ theo mười chín điểm trên tinh thể tuyết.
Được biết từ sách vở mà ông đọc sau này khi rời khỏi Kars, là từ khi một bông tuyết sáu cạnh kết tinh trên trời cho đến khi rơi đến mặt đất, biến dạng và tiêu tan thường mất tám đến mười phút, cũng như ngoài gió, độ lạnh và độ cao của mây, quá trình hình thành mỗi tinh thể còn chịu nhiều yếu tố chưa được nghiên cứu hết. Ka rút ra mối quan hệ giữa con người và bông tuyết. Bài thơ"Tôi, Ka" được ông sáng tác trong thư viện Kars khi nghĩ đến một tinh thể tuyết. Sau này Ka nghĩ rằng trung tâm của ngôi sao tinh thể - cuốn thơ Tuyết của mình - chính là bài thơ ấy.
Vẫn dựa trên logic ấy, ông quy mỗi bài thơ "Thiên đường", "Cờ" và "Hộp sô-cô-la" vào một vị trí trên tinh thể tuyết tưởng tượng. Để làm việc đó, ông vẽ ra một tinh thể tuyết riêng dựa theo hình các bông tuyết trong sách vở, sau đó ông xếp tất cả các bài thơ sáng tác ở Kars lên chỗ của chúng. Hệt như cấu trúc của cuốn thơ mới, tất cả những gì đã biến con người ông thành thi sĩ Ka, được vẽ lên tinh thể tuyết này. Theo quan điểm của ông, mỗi người phải có một bông tuyết như vậy, một dạng bản đồ tâm linh của cuộc đời. Các trục HỒI ỨC, LÝ TRÍ và TUỞNG TUỢNG Ka mô phỏng từ sơ đồ cây tri thức con người của Bacon. Ông cũng viết rất cụ thể và tường tận về những nỗ lực của mình nhằm giải thích ý nghĩa của các điểm trên nhánh rẽ của hình lục lăng này.
Vì vậy ba cuốn vở ghi chép về các bài thơ Ka viết ở Kars không chỉ là kết quả nghiên cứu ý nghĩa của bông tuyết, mà còn là suy ngẫm về cuộc đời riêng. Ví dụ như khi tìm chỗ cho bài thơ "Bị bắn chết" ông ưu tiên trước hết là giải thích về nỗi sợ đã sinh ra bài thơ, sau đó ông phân tích tại sao đặt bài thơ ấy và nỗi sợ ấy lệch về phía trục TUỞNG TUỢNG, ở nhánh trên bên phải trục HỒIỨC, ở gần và trong phạm vi ảnh hưởng của bài thơ "Nơi tận cùng thế giới". Có thể thấy qua những giải trình đó một niềm tin sâu xa rằng thơ của ông đã được tạo ra dưới tác động củanhững lực lượng bên ngoài bí ẩn. Theo ý Ka, đằng sau cuộc đời của mỗi người ẩn chứa một sơ đồ như thế và một bông tuyết như thế, và ông cho rằng thông qua phân tích bông tuyết của từng người có thể minh chứng mạch lạc, trông xa thì ai cũng giống ai song trong thực tế con người rất khác nhau, kỳ quái và khó hiểu.
Tôi sẽ không bàn nhiều hơn mức cần thiết trong tiểu thuyết này về các ghi chép của Ka viết đầy hàng trang về cuốn thơ và cấu trúc tinh thể tuyết của riêng mình. (Việc đặt bài thơ "Hộp sô-cô- la"lên trục TUỞNG TUỢNG có ý nghĩa gì? Bài "Toàn nhân loại và những tinh cầu" đã tạo dáng cho ngôi sao tinh thể của Ka ra sao? v.v.) Hồi thanh niên Ka đã cười nhạo các thi sĩ tự coi trọng mình quá đáng và sinh thời đã khổ công biến mình thành tượng đài không ai thèm ngắmvì họ tin rằng mỗi vần thơ ngớ ngẩn do họ viết ra sẽ là đối tượng nghiên cứu trong tương lai. Vậy nên sau khi miệt thị các nhà thơ - vốn theo đòi các huyền thoại tân thời - chuyên viết loại thơ khó hiểu suốt nhiều năm ròng, việc Ka dành ra bốn năm cuối đời chuyên giải thích các thi phẩm của mình chỉ có thể tha thứ được bằng một số nguyên cớ. Đọc cẩn thận các ghi chép của Ka sẽ có thể nhận rõ rằng Ka không cho là mình đã tự nghĩ ra tất cả các tình cảm và vần thơ viết ra ở Kars. Ông tin là những bài thơ ấy đã từ một nơi nào khác bên ngoài "đến" với ông và bản thân ông chỉ là công cụ để chúng được chép ra - hay trong một trường hợp là đọc ra, như các thi sĩ hiện đại trước ông đã từng trải nghiệm. Ở nhiều đoạn ông viết rõ, các ghi chép của ông là để phân tích ý nghĩa và tìm ra sự đối xứng huyền bí của các bài thơ, cũng như để ông thoát khỏi sự "bị động" của mình. Nhưng còn có một nguyên cớ thứ hai cho việc ông giải trình thơ mình: chỉ sau khi đã hiểu được ý nghĩa của những bài thơ đã viết ở Kars thì ông mới lấp được những khoảng trống trong sách, những vần thơ còn khuyết và bài "Nơi không có Allah"đã quên trước khi kịp chép lại. Vì từ khi quay lại Frankfurt ông không có thêm bài thơ nào đến với mình nữa.
Xem các thư từ và ghi chép của Ka có thể thấy sau bốn năm ông đã phân tích xong logic của các bài thơ và hoàn tất cuốn sách. Vì vậy trong khi ngồi uống đến tận sáng trong khách sạn Frankfurt và giở xem lướt mọi giấy tờ lấy ra từ căn hộ của Ka, tôi cho rằng các bài thơ của Ka phải nằm đâu đó trong đống này. Tôi lại lục tung đống đồ đạc lần nữa. Tôi giở các trang vở, khám mấy bộ quần áo cũ kỹ, băng video Melinda, cà vạt, sách, bật lửa (nhờ vậy nhận ra là tôi đem theo từ nhà Ka cả chiếc bật lửa của Kadife nhờ gửi cho Lam). Gần sáng tôi ngủ rũ, trải qua những cơn ác mộng và hình ảnh trong mơ đầy khát vọng (trong một giấc mơ tôi nghe Ka nói: "Trông cậu già quá", và tôi thấy sợ).
Gần trưa tôi mới tỉnh dậy; cho đến hết ngày tôi đi thu lượm tin tức về Ka trên phố xá đầy tuyết ẩm mà không có Tarkut Ölçün trợ giúp. Hai phụ nữ từng có quan hệ với Ka trong tám năm trước khi ông về Kars cũng sẵn sàng tiếp chuyện tôi ngay - tôi kể với họ dự định muốn viết tiểu sử người bạn tôi. Nalan, người yêu đầu tiên của Ka, chẳng những không biết gì về cuốn thơ mà thậm chí còn không biết là ông từng làm thơ. Cô đã có chồng, họ mở hai cửa hàng Döner và một văn phòng du lịch. Khi tôi nói chuyện với riêng Nalan, cô tả Ka là người khó gần, ưa cãi cọ, đồng bóng và cực kỳ nhạy cảm; sau đó cô khóc một chút (cô thương Ka thì ít mà tiếc tuổi xuân đã hiến cho các lý tưởng phái tả thì nhiều).
Như tôi đoán trước cả Hildegard, người yêu thứ hai còn độc thân cũng không biết gì về những bài thơ cuối cùng và cuốn thơ Tuyết của Ka. Với vẻ điệu đà và khêu gợi (làm tôi đỡ áy náy khi phóng đại lên kể với cô rằng Ka là một thi sĩ cực nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ) cô cho biết từ sau khi chia tay với Ka, cô không bao giờ quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ hè nữa; rằng Ka là một cậu bé cực thông minh, cô đơn, đầy rối loạn; Ka sẽ không bao giờ tìm thấy được một hỗn hợp giữa người tình và người mẹ, mà có tìm được chăng nữa thì rồi cũng rời bỏ thôi; rằng dễ say mê Ka ra sao thì cũng khó sống chung với ông như vậy. Chưa khi nào Ka nhắc đến tên tôi trước mặt cô (chẳng hiểu vì sao tôi đặt câu hỏi này cũng như bây giờ lại nhắc đến). Có một chi tiết mà tôi không để ý trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng mười lăm phút, đó là bàn tay phải thon thả của cô thiếu một đốt ngón trỏ. Cuối buổi Hildegard chỉ cho tôi xem khi bắt tay và mỉm cười nói thêm, trong một cơn giận dữ Ka đã chế nhạo cô về khuyết tật đó.
Sau khi hoàn thành cuốn sách và trước khi đem những bài thơ chép tay trong vở ra đánh máy lại sạch sẽ. Ka tiến hành một chuyến đi đọc thơ như đã từng làm với các cuốn trước: qua Kassel, Braunschweig, Hannover, Osnabrück, Bremen và Hanlburg. Cảtôi cũng nhờ Tarkut Tarkut Ölçün và nhà cộng đồng Thổ, nơi mời tôi, giúp tổ chức vội vã mấy "tối đọc sách" tại mấy thành phố trên.
Giống như Ka kể lại trong một bài thơ, tôi lấy chỗ ngồi bên cửa sổ trong một toa ghế tàu hỏa, khâm phục (như Ka ngày xưa) sự đúng giờ, sạch sẽ và tiện nghi thanh tao của tàu hỏa Đức, da diết ngắm những bình nguyên phản chiếu trong cửa kính, những xóm làng nhỏ im lìm trong thung lũng có nhà thờ, đám trẻ con mặc áo mưa sặc sỡ đeo cặp ở các ga xép. Tôi kể với hai người Thổ do hội phái đến đứng hút thuốc đón tôi ở ga mình muốn làm đúng những gì Ka đã làm trước đây bảy tuần trong chuyến đọc thơ. Ở mỗi thành phố, cũng như Ka, tôi thuê phòng trong một khách sạn nhỏ rẻ tiền, nói chuyện ở một nhà hàng Thổ với những người mời tôi về chính trị và chuyện người Thổ không quan tâm đến văn hóa - tiếc thay - ăn Bôrek với rau ba lăng và Döner, sau đó đi qua những đường phố lạnh lẽo vắng người, tưởng tượng mình là Ka đang đi dọc phố để cố quên nỗi đau về Ipek. Tối đến, trong buổi hội ngộ "văn chương" có mười lăm hay hai mươi người tham dự vì quan tâm đến chính trị, văn học hay bất kỳ cái gì có dính dáng đến Thổ, tôi hờ hững đọc vài trang trong cuốn tiểu thuyết mới nhất và đột ngột hướng cuộc chuyện trò về thơ, cho biết tôi là bạn của thi sĩ lớn Ka mới bị sát hại ở Frankfurt, và hỏi: "Có ai nhớ gì đến những bài thơ cuối cùng mà Ka đã trình bày mới đây?" Đa số những người tham dự tối đó không có mặt ở buổi đọc thơ của Ka, còn những người đã có mặt thì đến để hỏi chuyện chính trị, hoặc đơn giản là ngẫu nhiên ghé đến. Họ không nhớ thơ của ông mà nhớ đến chiếc áo choàng xám tro ông không bao giờ cởi, nước da tai tái, tóc bù xù và cử chỉ thất thường. Trong một thời gian ngắn, không phải cuộc đời hay thơ, mà cái chết của Ka trở thành khía cạnh lý thú nhất của bạn tôi. Tôi lắng nghe nhiều lý thuyết cho rằng ông bị sát hại bởi người Hồi giáo chính trị, mật vụ Thổ, người Armenia, bọn đầu trọc Đức, người Kurd hay người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên trong số người tham dự lần nào cũng có ai đó khôn khéo, thông minh và mẫn cảm, từng thật sự lắng nghe Ka. Từ những người bạn văn chương có ý quan tâm ấy tôi cũng không biết được gì có lợi hơn là Ka đã làm xong cuốn thơ mới, ông trình bày các bài "Ngõ mơ", "Con chó","Hộp sô cô la", "Tình yêu" và họ thấy những bài ấy rất, rất lạ lẫm. Đôi khi Ka cũng kể là ông viết những bài thơ ấy ở Kars và những người nặng lòng hoài hương trong số khách tham dự hiểu đó là một lời nhắn nhủ. Một phụ nữ trên ba mươi tuổi, tóc đen, đã ly hôn, một con, sau buổi đọc thơ của Ka (và sau này của tôi) đã bắt chuyện khá lâu. Bà ta nhớ là Ka có nhắc đến một bài thơ mang đầu đề "Nơi không có Allah" và theo như bà kể thì Ka chỉ đọc một đoạn bốn câu trích từ bài thơ dài ấy, chắc để tránh phản ứng không lợi. Mặc cho tôi gặng hỏi, nữ độc giả thơ rất quan tâm ấy cũng chẳng nhớ gì ngoài chuyện Ka nói đến "một khung cảnh vô cùng ghê rợn". Người phụ nữ ấy ngồi hàng ghế đầu trong buổi đọc thơ ở Hamburg và bảo đảm là Ka đọc thơ mình từ một cuốn vở màu lá cây.
Tôi cũng đi đúng chuyến tàu đêm như Ka từ Hamburg về Frankfurt. Tôi ra khỏi ga, đi dọc phố Kaiser như Ka và vào những cửa hiệu sex (trong thời gian một tuần tôi ở đó có thêm một băng video mới của Melinda). Tôi dừng bước ở vị trí bạn tôi bị bắn chết và tự nói với mình một điều mà tôi vẫn tin một cách vô thức là có thực: khi Ka ngã xuống, nhất định tên sát nhân đã lấy đi cuốn vở xanh trong túi ông và chạy trốn. Trong một tuần ở Đức, đêm nào tôi cũng đọc hàng giờ các ghi chép về thơ và hồi ức về Kars của Ka. Bây giờ thì niềm an ủi duy nhất là một trong những bài thơ dài trong cuốn sách đang nằm đợi tôi trong kho lưu trữ video của đài truyền hình Kars.
Về đến Istanbul, đêm nào tôi cũng đón nghe chương trình thời sự cuối cùng xem thời tiết ở Kars ra sao, hình dung ra sẽ được đón tiếp ở đó như thế nào. Các bạn đọc cuốn này không nên nghi là tôi đang dần dần trở thành một cái bóng của Ka, khi tôi nói là sau chuyến đi xe buýt dài một ngày rưỡi tôi đến Kars vào cuối chiều, xách túi vào lấy phòng ở khách sạn Lâu Đài Tuyết (không thấy bóng hai chị em bí hiểm lẫn ông bố) và đi rất lâu dọc vỉa hè phủ tuyết như Ka đã làm cách đây bốn năm (nhà hàng Đất Xanh đã biến thành một quán bia nhớp nhúa). Sự khiếm khuyết khả năng mẫn cảm đối với thi ca lẫn nỗi u buồn của tôi (mà Ka đôi khi bóng gió nhắc đến) không đủ phân cách hai chúng tôi, mà phân cách cả thành phố Kars sầu muộn của Ka với thành phố Kars nghèo nàn trước mắt tôi. Nhưng bây giờ đã đến lúc tôi phải nói đến một người đã nhận thấy hai chúng tôi giống nhau và gắn hai chúng tôi với nhau.
Lần đầu tiên tôi thấy mặt Ipek tại bữa tiệc của ông thị trưởng đón tôi. Uớc gì tôi dối được lòng mình rằng cơn choáng váng của tôi là do rượu Raki, tội vạ đổ cho rượu hết, và tôi còn có cơ hội, trong khi nỗi ghen tị của tôi với Ka thực sự vô căn cứ. Trong lúc các bông tuyết, ẩm ướt và không hề thi vị như Ka tả, rơi trước cửa sổ phòng tôi ở khách sạn Lâu Đài Tuyết xuống vỉa hè lầy lội, tôi tự hỏi hết lần này đến lần khác, vì sao tôi không hiểu ra nổi từ các ghi chép của bạn tôi là Ipek xinh đẹp nhường ấy. Những gì tôi bất giác ghi vào vở, một động tác "giống như Ka" - một nhận xét luôn vơ vẩn trong đầu tôi ngày đó - rất có thể gọi là khởi đầu cho cuốn sách các bạn đang đọc: tôi nhớ là mình tìm cách kể về Ka và mối tình của ông với Ipek tựa như Ka kể chuyện chính mình. Trong một góc của lý trí mờ mịt tôi nghĩ rằng dồn hết sức vào những vấn đề nội tại của một cuốn sách hay bài văn là phương pháp công hiệu để tôi lánh xa tình yêu. Trái với những điều người ta thường nói, vẫn có thể tránh xa tình yêu nếu như ta thực sự muốn vậy. Nhưng muốn làm được thế thì ta phải thoát khỏi được cả người đàn bà đã hút hồn ta lẫn bóng ma của người thứ ba đã đánh thức tình yêu ấy trong ta. Lúc đó tôi đã hẹn gặp Ipek từ lâu để nói chuyện về Ka, vào chiều hôm sau, tại tiệm bánh ngọt Đời Mới.
Cũng có thể tôi chỉ tưởng tượng rằng đã nói với Ipek là tôi muốn nghe về Ka. Trong tiệm bánh vắng tanh, vẫn chiếc ti vi đen trắng cũ chiếu cảnh một đôi tình nhân ôm nhau trước cầu Bosporus. Ipek cho biết ngay từ đầu, nói về Ka là chuyện không dễ dàng gì với cô. Nỗi đau đớn và thất vọng mà cô chịu đựng chỉ có thể giãi bày trước một người đủ kiên nhẫn lắng nghe. Cô yên tâm được biết tôi là người rất thân với Ka và vì những bài thơ của Ka mà đi đến tận thành phố Kars này. Vì nếu thuyết phục được tôi tin là cô không làm gì trái với Ka thì ít nhất cô cũng giải thoát được phần nào bứt rứt trong lòng. Tuy vậy cô vẫn thận trọng nói thêm, nếu tôi không thông cảm thì cô sẽ rất đau đớn. Cô mặc váy dài nâu và thắt chiếc thắt lưng rộng bản lỗi mốt trên áo len, giống như hôm cô bưng đồ ăn sáng cho Ka sau đêm nổ ra "cách mạng".(Tôi nhận ra bộ quần áo này vì đã đọc những ghi chép của Ka về các bài thơ.) Vẻ mặt cô nửa thách thức, nửa u buồn, khiến tôi nhớ đến Melinda. Tôi lắng nghe cô kể một hồi lâu, rất lâu.