A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 42: Chạm Mặt Tử Thần
hờ mãi rồi thời cơ cũng đến. Hôm ấy là Chủ Nhật. Chiến, cán bộ trực xà lim nghỉ, một cán bộ khác vào thay thế trực ngày Chủ Nhật. Thực là trời giúp để tôi thực hiện được kế hoạch. Gần 8 giờ, tôi nghe tiếng mở cổng xà lim, tiếng chân nhè nhẹ và tiếng chùm chìa khóa lọc xọc. Khi vào tới bàn trực, tiếng xô ghế, rút ngăn kéo bàn, rồi đóng lại, tiếng ném chùm chìa khóa lên bàn, tiếng khì khì thở lúc nặng, lúc nhẹ. Không sai vào đâu nữa, đúng lão Kim già rồi!
Lão này, phần vì già phải đeo kính trắng, mắt nhìn tơ lơ mơ; nhưng phần chính, so với các tên công an khác, lại tương đối dễ tính. Có lần, y trông thấy một người đứng lên sàn nhìn ngoài, lại chỉ mắng và giáo dục mấy câu chứ không cùm. Cũng vì thế, hôm nào lão trực, hết buồng này báo cáo hỏi cái này, lại tới buồng kia hỏi cái khác, xà lim hôm ấy có vẻ rộn ràng hẳn lên. Lại còn điều này cũng rất đặc biệt, khác hẳn với những tên công an ác ôn kia, trước khi mở cửa cho các buồng ra đổ bô, lão đi mở cửa con suốt một lượt, thấy buồng nào bị cùm là cúi xuống rút chốt cùm ngay. Rồi cho tới khi tù ra đổ bô, lấy cơm ăn, xong lúc trả bát vô, bấy giờ lão mới cùm lại. Buổi chiều cũng như vậy.
Tôi suy nghĩ mãi vẫn chưa hiểu vì sao lão có lòng rộng rãi với người tù như thế. Có thể lão đã già rồi, trông lão phải hơn 60 tuổi; đầu lão tóc đã bạc hơn một nửa, mà lão chỉ có cái lon Thượng sĩ. Lão sắp sửa xuống lỗ, trong tâm tư chắc lão muốn có chút phúc đức để khi chết được thanh thản. Phần khác, theo tên Tân nói, lão là cán bộ lưu dụng, đã là cai tù ở Hỏa Lò. Vì thế, thời 1954 trở về trước, cũng có thể khi ấy, những tên Cộng Sản bị tù mua chuộc và lợi dụng lão, rồi kết nạp lão vào tổ chức. Như vậy, lão đã có nhiều thời gian sinh hoạt, giao tế trong quỹ đạo quốc gia, đã thấy được lẽ thiện ác, ân oán ở đời. Bây giờ, 10 năm sau, cũng vẫn…coi tù, thực tế cũng vẫn là anh cai tù. Hơn nữa, hẳn phần nào lão đã thấy được thực chất cái chế độ mà trước đây lão tưởng bở. Cho nên, cuối cùng lão tự hiểu là trong đời: Ở hiền gặp lành; càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều. Dầu sao, đây cũng chỉ là sự suy đoán của tôi về lão, trong khi thiếu cơ sở cụ thể, vì vậy, chưa hẳn đã là đúng.
Cửa mở, đến lượt buồng tôi đi đổ bô. Tôi ôm bô vào nhà tắm, thoáng nhìn bộ mặt lão, lòng tôi dâng lên một mối băn khoăn. Hôm nay, tôi sẽ phải lợi dụng cặp mắt kém và tính tốt của lão. Nếu thực hiện được mục đích của mình, lão sẽ phải bị kiểm thảo tơi bời, có khi còn bị kỷ luật hoặc hạ từng công tác nữa. Lương tâm tôi áy náy, thấp thỏm. Nhưng, tên cán bộ Chiến, trực chính xà lim, đầy khôn ngoan, quỷ quái, xem chừng tôi không thể lừa y được. Còn tên Điền, phụ trách việc nhận quà tiếp tế của thân nhân tù, và tên Bằng “mắt lồi” vẫn không kém phần tinh quái. Chỉ còn có lão Kim già này thôi. Đành vậy! Chẳng lẽ chỉ vì những suy nghĩ về lương tâm vụn vặt “tiểu tư sản” đó, lại bỏ cả mục đích của mình sao?
Vì thế, ngay từ lúc trưa, tôi lấy chiếc ba lô vẫn gối đầu, gấp cuốn lại thành một đoạn dài, thay cho khúc chân từ đầu gối xuống cổ chân. Buổi chiều, khi lão Kim đến rút cùm cho tù nhân đi đổ bô lấy cơm. Trong khi chờ đến lượt buồng mình, tôi tập thử mấy động tác cho thực nhanh, nhuần nhuyễn, hầu như chỉ trong một phút; cởi quần, co một chân vào sát mông, mặc quần, ngồi ngay vào sàn. Lấy cái ba lô đã buộc sẵn, đút vào chỗ ống quần không có chân, để nối với cái túi vẫn đút bàn chân mọi khi. Làm đi làm lại hai, ba lần cho thuần thục.
Từ sáng, tôi đã để ý khi lão mở một buồng nào cho ra trả bát, múc nước (ở thùng nước đặt tại mé hè chỗ bàn trực) lão thường ra theo, ngồi vào bàn, có khi cầm chùm chìa khóa đập chơi xuống bàn, có khi mở sổ trực ra nhìn. Dáng điệu chậm chạp, cho tới khi tù cầm gáo nước đi vào buồng, bấy giờ từ bàn lão mới đứng dậy, đi theo vào đóng và khóa cửa. Thời gian từ bàn lão đi theo tới cửa buồng khoảng hơn một phút. Thừa sức để tôi làm những động tác đã thực tập.
Gần 4 giờ chiều, đến giờ lão mở các buồng cho trả bát, tôi cũng hơi hồi hộp. Lão mở buồng số 1. Chẳng hiểu buồng số 1 báo cáo hỏi lão cái gì, một lúc lâu đến 5 phút, lão mới đóng cửa cài then và khóa. Buồng số 2 từ hôm tôi đến không thấy mở cửa bao giờ, vậy là không có người. Rồi cửa buồng tôi mở. Tôi lấy dáng đi chậm chạp. Lúc đặt bát cũng như khi múc nước, tôi liếc nhanh, thấy lão ngồi vào bàn, rút ngăn kéo đang lục tìm cái gì.
Tôi trở vào buồng. Hơi căng thẳng, tôi làm rất lẹ, trong khi tai vểnh lên nghe tiếng bước chân lão. Tôi vừa hoàn thành xong, và lấy cái chăn khoác lên người thì bước chân lão đi vào. Khi tới buồng tôi, lão thò cổ vào buồng nhìn tôi một lúc, rồi nhìn chân tôi. Tim tôi hơi thắt lại. Tại sao lão lại nhìn tôi lạ lùng thế? Tôi vẫn ngồi yên như vậy, chờ cho lão mở hết các buồng… Rồi đợi đến 5 giờ, một tên cán bộ khác đến nhận thay “ca”, đi mở các cửa con kiểm tra… Mãi đến 6 giờ, xà lim mới trở về yên tĩnh, vắng lặng. Từ chiều, bao nhiêu tâm tư, trí óc mải tập trung để thực hiện xong bước đầu của kế hoạch, bây giờ tôi như mới hoàn hồn, trở về với nỗi đầy vơi của kẻ sắp giã từ cõi đời.
Tôi ngồi gục đầu rũ rượi, ngụp lặn trong một trời khổ đau, uất hận. Óc tôi cứ bập bềnh nổi trôi trên giòng sông thê lương. Trước đây, tôi từng nghe nói đến những người chán đời tự tử, mỗi người mỗi tình huống khác nhau. Còn tôi, tôi vẫn tha thiết với cuộc đời, tôi không chán đời, lòng tôi vẫn khao khát với cuộc sống con người. Nhưng, chỉ vì một cái thế, điều kiện hoàn cảnh đã dồn tôi đến chỗ phải xa lìa cuộc sống. Yêu thuơng đời tha thiết, mà phải xa lìa! Một nỗi đau dầy vò, cấu xé dâng lên đè tôi gục xuống sàn, lịm dần vào đêm thâu… để chờ giờ khởi sự.
Đêm khuya im vắng, thỉnh thoảng một tiếng rên rỉ vọng lên từ một buồng nào đó. Đôi khi một tiếng rú giật lên, dài lê thê vang vào đêm trường của một ai đó, chắc trong một cơn ác mộng hãi hùng.
Lúc này, chắc hẳn 1, 2 giờ khuya, có tiếng bước chân lạo xạo bên ngoài, phía sau xà lim. Có lẽ là tiếng bước chân của một tên công an vũ trang đi tuần tra. Tôi bò dậy, cởi cuộn thừng, tôi vận cuốn chung quanh bụng ra, giấu dưới chân. Tôi tìm bó tăm, cởi ra, lấy sợi ny lông “chì mật”. Tôi muốn mẩu “chì mật” này sẽ theo tôi về lòng đất, vì thế, tôi đút sâu vào hậu môn. Tôi đang loay hoay đút mẩu “chì mật” thì thoáng nghe có tiếng bước chân, động lá khô ngoài sân xà lim, tôi vội vàng nằm xuống, lấy chăn đắp che kín cả người, cả cùm, chỉ để hở cái mặt. Một lúc, cửa sổ nhỏ bật mở. Như vật là một tên cán bộ đến thay “ca” trực. Cứ hai tiếng một “ca”.
Tôi lại bò dậy, lấy cuộn dây dưới chăn ra. Trước hết, tôi thắt chặt nút một đầu dây, rồi lại buộc thanh một nút tuột thòng lọng. Vừa buộc, tôi vừa nhìn lên hàng song sắt ở cửa sổ là một mét rưỡi. Từ mặt sàn xuống đến nền nhà là 60 phân. Như vậy, từ mép dưới của cửa sổ xuống tới mặt nền là 2m10. Tôi hiểu, thường thường người ta muốn thắt cổ tự tử, phải làm sao khi đã thắt rồi, dù muốn cởi ra cũng không được nữa. Bởi vì, con người ai cũng thế, khi sắp tắt thở, do phản xạ tự nhiên, không còn theo ý định của mình nữa, sẽ tìm mọi cách để thở. Như vậy, việc thắt cổ ấy sẽ khó thực hiện được, nếu tôi đứng trên sàn, buộc dây lên song cửa sổ, rồi đạp chân cho người treo lủng lẳng xuống nền nhà, lúc đau đớn vì không thở được, tôi sẽ vùng vẫy với hai tay lên mép cửa sổ, để kéo người lên; hoặc dạng hai chân ra để đứng vào hai sàn bên, làm sao chết được.
Vì thế, tôi phải trèo lên mép cửa sổ, rồi thắt theo lối chuyên môn đặc biệt do nghề nghiệp dạy cho, mới hy vọng… chết được!
Trong lúc lúi húi buộc dây, tôi nhìn sợi dây oan nghiệp sẽ kết liễu đời mình. Một niềm xúc động tự nhiên trào vào lòng. Hình ảnh mẹ tôi hiện ra nhìn tôi đăm đăm Rồi hình ảnh bố tôi, các em tôi. Tôi nghĩ đến Cục Tình Báo miền Nam. Nghĩ đến miền Nam thân yêu cách xa vời vợi…Tôi khóc. Không phải vì tôi sợ chết (chứng tỏ tôi đang tìm đến với tử thần). Cũng không phải tôi tiếc thương cõi đời này. Đó chỉ là những giọt lệ tủi hận, của một kiếp người chết trong tăm tối, âm thầm uất nghẹn. Rồi đây, không một ai của miền Nam, kể cả bố mẹ và các em tôi, biết là tôi chết trong tủi hận thế này. “Xin bố mẹ tha tội cho đứa con bất hạnh này!” Tôi lẩm bẩm, quỳ lên, hướng về miền Nam lạy 3 lần, xin vĩnh biệt cuộc đời!…
Đặng Chí Bình
Hết tập I
Tuyệt vọng sau cuộc đảo chính giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tác giả đã tự treo cổ trong tù để kết liễu đời mình. Cái gì đã khiến ông sống lại; để tiếp tục giai đoạn dở sống dở chết trong lao tù Việt Cộng?
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen