Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 39: Bàn Về Triết Lý Của Lập Pháp
L
àm thế nào để các văn bản luật pháp của chúng ta thật sự là những sản phẩm có chất lượng cao? Câu hỏi này là hết sức hệ trọng. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể tìm được những câu trả lời theo kiểu “một cộng một bằng hai” ở đây. Để trả lời câu hỏi này, các vấn đề về nhận thức, khái niệm và công nghệ đều có ý nghĩa quan trọng như nhau. Dưới đây là đôi điều về những vấn đề này.
Trước hết, về vấn đề nhận thức. Toàn bộ vấn đề nhận thức nằm ở khả năng xác định vị trí của pháp luật trong đời sống xã hội. Xin được phân tích điều này trên cơ sở một ví dụ hết sức thú vị về cuộc đời của Rôbinxơn Kruxô trên hoang đảo (Chúng ta chắc ai cũng biết câu chuyện này của nhà văn Anh Daniel Diphô). Trên hoang đảo, tự do ngự trị trong đời sống của Rôbinxơn: tự do hoàn toàn và tự do tuyệt đối. Pháp luật không hề tồn tại trên hòn đảo đó. Tuy nhiên, khi anh chàng Thứ Sáu xuất hiện, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Một loạt những chuẩn mực được hình thành để điều chỉnh quan hệ giữa Rôbinxơn và Thứ Sáu. Các chuẩn mực này có thể được tuân thủ một cách tự nguyện vì lợi ích chung của hai người và vì những thôi thúc của đạo đức. Và hai người có thể sống với nhau như thế suốt đời, nếu không xảy ra chuyện vào một ngày đẹp trời Thứ Sáu đã không tuân thủ một chuẩn mực nào đó và Rôbinxơn bắt buộc phải áp dụng hình
phạt. Vào ngày hôm đó, pháp luật đã ra đời. Ví dụ giản dị này cho thấy mấy điều sau đây:
1. Tự do có trước pháp luật;
2. Quyền tự do của con người là một quyền tự nhiên;
3. Quan hệ giữa con người với con người được điều chỉnh bởi lợi ích, đạo đức... và pháp luật;
4. Pháp luật là cách điều chỉnh phức tạp và nhạy cảm hơn;
5. Các chuẩn mực mang tính quy phạm pháp luật chỉ có nghĩa khi “Thứ Sáu” tuân thủ được và “Rôbinxơn” có khả năng áp đặt việc tuân thủ;
6. Bao giờ cũng tồn tại vấn đề nan giải về tính hợp pháp của chủ thể có quyền xác lập quy phạm và áp dụng chế tài (Tại sao Rôbinxơn lại có quyền đề ra chuẩn mực và áp đặt chế tài, chứ không phải là ngược lại?).
Ngoài ra, việc khẳng định Rôbinxơn có tự do hoàn toàn và tự do tuyệt đối nói ở phần trên chỉ có nghĩa là tự do về mặt xã hội. Rôbinxơn không thể tự do đối với pháp luật của tự nhiên (Ví dụ, đói thì phải ăn; khát thì phải uống...).
Như vậy, chúng ta lại có thể thấy tiếp như sau:
Một là, tự do là một giá trị tự thân và là một giá trị tuyệt đối. Ngược lại, pháp luật là một sự cần thiết, một giá trị có điều kiện. Tự do và pháp luật tồn tại trong mối tương quan tỷ lệ nghịch với nhau. Xác định vị trí của pháp luật nghĩa là xác định việc hạn chế quyền tự do có phải là hoàn toàn cần thiết hay không? Nếu câu trả lời là có, xã hội sẽ có thêm sự ràng buộc của pháp luật. Nếu câu trả lời là không, những lĩnh vực của đời sống xã hội chưa bị pháp luật điều chỉnh vẫn là thiên đường của tự do.
Hai là, mối quan hệ giữa con người với con người được điều chỉnh bởi lợi ích và nhiều loại quy phạm khác nhau. Nếu lợi ích và các loại quy phạm khác vẫn còn có thể phát huy tác dụng, thì không nên lạm dụng pháp luật. Đây là cách điều chỉnh tốn kém hơn và ảnh hưởng đến quyền tự do của con người.
Ba là, các quy phạm pháp luật do con người đặt ra phải tránh sự xung đột với các quy phạm của pháp luật tự nhiên. Trong mọi cuộc xung đột, cuối cùng bao giờ pháp luật tự nhiên cũng sẽ chiến thắng.
Và trên đây, xin được coi là những điều cơ bản nhất liên quan đến vấn đề nhận thức về pháp luật.
Hai là, về vấn đề khái niệm. Xét về mặt khái niệm, sự tương tác (Có học giả gọi là sự tranh chấp. Tác giả bài viết này xin tránh cách gọi như vậy) giữa Hành pháp và Lập pháp là động lực của hoạt động sáng tạo pháp luật. Điều này được lý giải như sau: để cai quản đất nước, pháp luật là công cụ quan trọng và mạnh mẽ nhất của Hành pháp. Với công cụ này, các cơ quan hành pháp có thể áp đặt việc tuân thủ và đè bẹp sự chống đối. Trong khi, công cụ pháp luật là một sự cần thiết và trong nhiều trường hợp là không thể thiếu, các đạo luật mới luôn luôn gắn với việc trao thêm quyền cho các cơ quan hành pháp và hạn chế quyền tự do của người dân. Lập pháp, với tư cách là cơ quan đại diện cho dân, sẽ phản biện lại các chính sách pháp luật mà Hành pháp đã đề ra. Đây là lúc Lập pháp thực hiện chức năng làm luật trong mối tương quan chặt chẽ với chức năng đại diện và chức năng giám sát. Một đạo luật sẽ được Lập pháp thông qua, nếu lợi ích của đất nước và nhu cầu của sự phát triển biện hộ được cho việc điều chỉnh hành vi của người dân.
Thiếu sự tương tác này giữa Lập pháp và Hành pháp, thì cho dù quy trình lập pháp có được thiết kế tinh vi đến đâu chăng nữa, nó cũng chỉ là một quy trình nhân tạo. Sản phẩm tất yếu của một quy trình nhân tạo là các đạo luật nhân tạo. Các đạo luật nhân tạo không cần cho cuộc sống. Nhà nước vẫn có thể áp đặt chúng cho xã hội. Tuy nhiên, những cố gắng như vậy không sớm thì muộn sẽ làm cho các cơ quan của Nhà nước hụt hơi. Cuộc sống, như ao bèo, sẽ phẳng lặng trở lại sau một hồi xao động.
Ba là, về vấn đề công nghệ làm luật. Công nghệ hiện đại thì sản phẩm có chất lượng cao; công nghệ lạc hậu thì sản phẩm kém chất lượng. Điều này đúng cho mọi sản phẩm, trong đó có cả các sản phẩm của hoạt động lập pháp.
Nhân nói về công nghệ, những chiếc kẹo Hải Hà mà chúng ta được thưởng thức hôm nay đã ngon hơn rất nhiều lần so với trước. Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ chẳng có gì thay đổi: đường thì vẫn là đường ấy; sữa - vẫn là sữa ấy; bột - vẫn là bột ấy; thậm chí công nhân - vẫn là những công nhân ấy. Cái duy nhất đã thay đổi là công nghệ: Chúng ta đã nhập khẩu và áp dụng công nghệ làm kẹo hiện đại của Nhật Bản. Những gì chúng ta làm được với chiếc kẹo, thì cũng có thể làm được với nhiều thứ khác, trong đó có pháp luật. Tại Kỳ họp thứ 3 lần này của Quốc hội, công nghệ làm luật của nước ta sẽ được đổi mới một bước. Quốc hội bắt đầu thông qua các dự luật qua hai giai đoạn: tại Kỳ họp trước Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về những vấn đề lớn- Ban soạn thảo có thời gian nghiên cứu tiếp thu – tại Kỳ họp tiếp theo, Quốc hội thảo luận và biểu quyết về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và thông qua toàn văn dự luật. Cho dù, chúng ta chưa thể nói gì nhiều về chuyện nâng cao chất lượng, cách làm này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Ít nhất thì nó cũng sẽ góp phần khắc phục hiện tượng “làm văn tập thể”, “văn mình, vợ người”. Mà đã tranh luận về chuyện văn chương và câu chữ, thì biết đến bao giờ mới dứt! Mà thời gian là tiền bạc (Để so sánh, thời gian trung bình để thông qua một đạo luật ở Nghị viện của Australia là 2,8 giờ). Chưa nói đến việc lãng phí thần kinh thì cũng là một sự lãng phí.
Những cố gắng trong việc đổi mới quy trình lập pháp ở Quốc hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là công đoạn sau của quy trình làm ra luật. Một công trình đã mắc lỗi ở khâu thiết kế, thì những cố gắng ở khâu thi công không phải bao giờ cũng có ích. Công đoạn Chính phủ của quy trình lập pháp chính là khâu thiết kế của “công trình pháp luật”. (Một số văn bản pháp luật có thể do các chủ thể khác soạn thảo, nhưng số lượng của các văn bản này là không đáng kể). Nếu vấn đề phát sinh trong cuộc sống không được nhận thức rõ ràng và chính sách đề ra để xử lý vấn đề đó cũng không rõ nốt, chúng ta sẽ có những dự thảo văn bản pháp luật nói tới tất cả mọi chuyện trên đời. Tất cả đều đúng, tất cả đều cần thiết, thế nhưng triển khai những văn bản đó vào cuộc sống thì không thể làm được. Soạn thảo văn bản pháp luật trước khi nghiên cứu và phân tích chính sách, cũng giống như việc kê đơn mà bỏ qua công đoạn khám bệnh vậy. Rủi ro của việc làm cho con bệnh trầm trọng thêm là rất lớn.
Tóm lại, lập pháp là một thiết chế với những triết lý sâu xa. Tuy nhiên, cho dù sâu xa đến mấy, thì “châu Mỹ” cũng đã được khám phá từ lâu. Vấn đề là chúng ta nên tận dụng những thành tựu đã được khám phá, hay nhất quyết đi tìm “châu Mỹ” của mình?