Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 39
gày thăm đầu tiên đã qua đi, những ngày kế tiếp người được thân nhân vào thăm không còn được thảnh thơi nằm nhà chờ đợi mình được gọi tên như những người được thăm vào ngày đầu tiên nữa. Tất cả phải trở lại hiện trường lao động. Mỗi trại đều được lập một tổ trực đặc biệt, có trách nhiệm thông báo tin được thăm viếng đến tận hiện trường cho những người được thăm. Khi được thông báo, anh cải tạo viên sẽ được quản giáo cho ngừng tay vinh quang để trở về trại sửa soạn ra gặp thân nhân...
Hiện tại, kế hoạch chung của ban chỉ huy trại cải tạo An Dưỡng là dồn sức tù vào công tác biến rừng thành ruộng. Một giải rừng hoang sình lầy đầy mìn bẫy nằm giữa trại An Dưỡng và phi trường Biên Hòa là hiện trường lao động hiện tại của hầu hết tù An Dưỡng.
Trời Biên Hòa lúc này đã có những trận mưa dầm dề liên tu bất tận. Lao động dưới nắng đã khổ. Lao động dưới mưa còn khổ trăm bề hơn. Hàng ngàn tù, tay cuốc tay xẻng, dưới sự đốc thúc của bọn vệ binh, phải lao vào những khu rừng rậm đầy rắn rết, muỗi mòng và nhất là mìn bẫy từng được rải khắp chung quanh vòng đai phòng thủ phi trường Biên Hòa trước kia. Công tác phá rừng với sức người và hai bàn tay không đã làm tốn không biết bao nhiêu xương máu của những kẻ sa cơ thất thế.
Đội 17 hiện có công tác phụ trách kéo những thân cây lớn đã được anh em đốn ngã. Những thân cây này nhiều khi có đường kính hơn nửa thước tây và dài cả 20 thước phải kéo qua địa thế gồ ghề những gò mối, bụi rậm và ao tù làm cực khổ vô cùng. Những thân cây này được kéo thẳng về khối mộc nằm gần bệnh xá cho khối mộc khai thác. Nhà 2 đội 17 và nhiều nhà khác có cùng công tác, chỉ việc kéo với chỉ tiêu 8 cây mỗi ngày, kéo một đoạn đường rừng dài năm trăm thước và kéo dọc con đường chính của căn cứ vào tới trại mộc quãng 1 cây số.
Kéo cây dưới mưa, một hành khúc thê thảm. Những tiếng động rầm rầm, những lời hò hét, những hình nhân ốm yếu rách bươm rạp người trên những sợi thừng căng thẳng... Thỉnh thoảng những bầy chim bay tán loạn trong một khóm rừng mưa; một con thỏ vụt chạy dù chẳng còn ai có sức để nghĩ đến chuyện đuổi bắt; những con rắn trầm tĩnh bò trên một nhánh cây uốn cong những thớ thịt láng bóng, tuồng như trêu ngươi lũ tù khát thèm đang nghĩ đến một đĩa rắn xào lăn của một miền Tây xưa cũ...
Hôm nay mưa lớn. Đám Vĩnh kéo một thân cây ít ra cũng nặng cả tấn. Ra tới con lộ chính, mọi người được phép nghỉ chân ít phút lấy sức. Dù trời mưa, nhưng người vào thăm từ hướng cổng trại vẫn tiến vào đều đều. Họ đi từng hai ba người. Đa số đàn bà với những giỏ quà nặng nề trên vai trên tay. Mọi người đều ướt như chuột lột và ngó nhau cũng bằng những con mắt ướt mèm... Trong những ánh mắt ấy hàm chứa đủ mọi thứ tình cảm mà những người vào thăm dành cho bọn tù. Có ánh mắt e dè thương cảm, có ánh mắt trách cứ mà bao dung, có ánh mắt cảnh giác nhìn những thằng vệ binh đứng tránh mưa trong những lùm cây; nhưng quan trọng nhất là những ánh mắt dặn dò: Này, chút kéo cây đi qua chỗ này, nhớ để ý nơi những bụi cỏ rậm bên lề đường nhé... Và rồi những toán kéo cây trong ngày hầu như ai cũng lượm được bên lề đường một quả cam, một đòn bánh tét, một vài cục đường hoặc một gói thuốc lá. Tất cả đều được bọc sẵn trong những bao nylon...
Vĩnh mới được thăm nên dĩ nhiên anh và các bạn thân của anh không háo hức lắm chuyện mắt trước mắt sau để lượm quà nhét vào người. Nhưng những anh chàng chưa được thăm nuôi thì khác. Dù rằng ai cũng được nếm tí đồ tươi trong những ngày qua do sự chia sớt của bạn bè, nhưng do cái tâm lý thông thường, bỗng dưng nhận được một món quà đầy tình nghĩa bỏ lại ven đường vẫn là một cái khoái trá tuyệt vời cho những người chưa được thăm nuôi. Bọn vệ binh thoạt đầu không biết nhưng dần dần chúng khám phá ra lối "liên hệ gián điệp" của bọn tù do cái sự nghỉ dọc đường quá nhiều.
Nạn nhân đầu tiên bị vồ tại chỗ là Võ Hữu Hiệp, nhà phó nhà 2 đội 17. Trong lúc cả nhà đang ra sức kéo một cây cổ thụ lết trên đường mưa, Hiệp nhanh mắt nhìn thấy hai quả cam. Nó thả vội tay khỏi sợi thừng và nhào tới lượm hai quả cam một cách rất mất cảnh giác. Thằng vệ binh lẽo đẽo theo sau chợt thấy một thằng tù nhào xuống vệ đường lượm một cái gì. Hắn vội vã phóng tới chĩa súng hét to.
- Cả toán này đứng lại!
Tiếng hét dĩ nhiên bắt cả toán phải dừng lại. Những người đi thăm trước sau tò mò dừng chân đứng lại. Tên vệ binh bỗng quay lại, chỉ mặt "nhân dân" hét lớn.
- Mấy người đó đứng lại luôn. Nhân danh Cách mạng, tôi kiểm tra tại chỗ sự liên hệ gián điệp với Cải tạo viên.
Bỗng nhiên nghe một loạt từ ngữ đao to búa lớn, những người đi thăm cũng tá hỏa như bị sét đánh trúng đầu. Có người sợ liên lụy vội vã lẩn nhanh Nhưng tên vệ binh đời nào để cho bọn "gián điệp" chạy thoát. Hắn giơ súng bắn cái đùng. Mọi người đều xanh máu mặt và đứng chết dí tại chỗ.
Tên vệ binh bắn xong phát súng thị uy, nhào ngay tới cạnh Võ Hữu Hiệp.
- Mày vừa nhặt tài liệu gián điệp gì bên lề đường?
Chẳng riêng Hiệp mà mọi người đều thất kinh. Hiệp ú ớ.
- Không, thưa anh tôi không nhặt gì cả.
Một báng súng phang ngay vào mặt Hiệp mà không ai có thể tiên liệu trước được. Trán của Hiệp tích tắc có ngay một quả ổi to tướng. Trời đã dứt mưa. Những giọt mưa trên mặt người giờ đã bị thay thế bằng những giọt máu và mồ hôi. Hiệp thấy kẻ thù đánh tàn bạo quá, vội nói chữa. Không, tôi không nhận tài liệu gì cả. Tôi thấy hai quả cam rơi trên đường nên cúi nhặt thôi.
Tên vệ binh vẫn cho rằng hắn bị bọn tù qua mặt nên cơn giận vẫn đùng đùng.
- Tao thấy rõ ràng mày cầm lên một cái bao thư ướt mèm.
Thốt nhiên một bà già tiến nhanh tới. Bà cụ cất giọng vừa run vừa giận.
- Tôi là nhân dân đây. Tôi sẽ làm chứng. Tôi sẽ thưa anh lên tới trung ương Đảng cái tội đánh oan người giữa ban ngày.
Tên vệ binh không ngờ bị một bà cụ thình lình xáp tới tấn công. Dù sao nghe thấy hai chữ "nhân dân", nhất là ba chữ "trung ương Đảng", tên vệ binh cũng có vẻ chùn bước. Hắn quay lại gắt.
- Bà già kia! Tôi thay mặt Đảng trừng trị kẻ phản động, bà là nhân dân lương thiện, sao can dự vào việc này?
Bà già cũng chẳng vừa gì. Bà quạt lại.
- Sao chú bảo tôi không can dự? Tự dưng chú bắn súng lên oai, bắt chúng tôi đứng lại rồi nạt nộ như ông tướng Quảng Lạc. Bà cụ nói đoạn đặt cái giỏ trái cây trên tay xuống, tiếp: Bây giờ chú muốn gì chú nói tôi nghe. Hai quả cam khi nãy là tôi cho mấy anh cải tạo. Chú muốn ăn cam thì cứ bảo tôi cho, sao ghen tức đi đánh người ta? Đánh người thất thế mà anh hùng à?
Tên vệ binh bị quạt một trận cũng nổi điên. Nhân dân và cán bộ đâm ra cãi nhau kịch liệt. Chỉ bọn tù là kẹt vì chẳng rõ trâu bò húc nhau số phận ruồi muỗi này sẽ ra sao? Hiện tại thằng vệ binh có vẻ đã lép vế vì có thêm năm bảy cái miệng nhân dân nhảy vào nhập cuộc. Tên vệ binh cáu quá nhưng nói không lại, hắn đành quay lại đám tù nhà 2 đội 17 và hách dịch lên tiếng.
- Toán trưởng đâu?
Không ai trả lời. Hắn lại hỏi.
- Tôi hỏi các anh, toán trưởng của toán này đâu?
Võ Hữu Hiệp ngần ngại lên tiếng.
- Thưa anh nhà trưởng có công tác khác. Tôi là nhà phó.
Tên vệ binh trố mắt kinh ngạc.
- Anh là nhà phó?
- Vâng.
Hắn bỗng lắc đầu ngao ngán.
- Thôi chết rồi. Lãnh đạo mà thế này thì cái nhà của anh chắc hẳn... Tên vệ binh nói không dứt câu thì ngừng lại. Có lẽ hắn đã nhận ra những giọt máu đang rỉ xuống trên trán Hiệp, và cũng nhận ra ánh mắt căm hờn của "nhân dân" đứng quanh quất đang ngó hắn. Hắn chợt tiếp. Hai quả cam đâu, đưa coi!
Hiệp moi trong người ra hai quả cam và đưa cho tên vệ binh. Ai cũng tin rằng để thỏa mãn cơn giận, thằng vệ binh có thể ném bỏ hai quả cam là xong chuyện. Tuy nhiên, thằng vệ binh không giải quyết vấn đề giản dị như thế. Hắn khoa súng đuổi người thăm nuôi đi. Khi vài người đã vội vã bỏ đi cho kịp giờ thăm con em họ, hắn quay lại Hiệp, ra lệnh.
- Lần này tha, nhưng tôi bắt anh ăn hết hai quả cam tại chỗ. Ăn thật nhanh để không phí thì giờ lao động của cả toán.
Không làm được gì khác hơn là tuân lệnh, Hiệp bóc vội hai quả cam và trợn trạo nuốt vào bụng. Xong công tác trừng trị, tên vệ binh lên lớp với cả nhà.
- Phải nhớ, mọi hành động không đúng chỗ trong xã hội đều bị coi như phản động. Thái độ lượm lặt của ăn dọc đường của anh Hiệp là một thái độ bội nhọ chế độ. Điều ấy không khác nào anh nói xấu chế độ trước mặt nhân dân, rằng anh bị bỏ đói. Điều ấy cũng chứng tỏ rằng bản chất ngụy của các anh không thể cải tạo một năm, hai năm, năm năm, mười năm mà hết được. Cả đời may ra! Cứ thử tưởng tượng xem. Mới hai năm cải tạo mà gặp quả cam đã không cầm lòng được, Cách mạng thả các anh lúc này liệu xã hội có thể tồn tại không? Bản chất như thế thì gặp đàn bà là hiếp, gặp của là cướp đâu có lạ lùng gì.
Cả nhà 2 đứng tê tái với nhau. Vĩnh thấy mình không vui cũng chẳng buồn. Anh đứng nhìn trời nhìn đất, lan man nhớ đến câu chuyện của Henrich Boll anh từng đọc: Nạn nhân của bộ mặt vui tươi, nạn nhân của bộ mặt sầu thảm! Biết đến bao giờ anh mới có dịp viết thêm một câu chuyện giản dị hơn mà cay đắng không kém: Nạn nhân tập thể của một quả cam!
Tên vệ binh lên lớp một lúc rồi như nhớ ra đã có quá nhiều toán khác qua mặt, hắn nói một câu cuối: Lần này tôi nghiêm trọng cảnh cáo anh Hiệp và nghiêm trọng nhắc nhở cả toán về khuyết điểm vừa qua. Tái phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Bây giờ, đi!
Cả nhà 2 lại ỳ ạch lấy đà, ỳ ạch dô ta kéo lê cái cây đi cho hết đoạn đường khổ giá. Đi qua khu thăm nuôi, đi qua bao ánh mắt thương cảm của những người đi thăm, bọn Vĩnh kéo thân cây về phía khối mộc nằm bên dưới khu bệnh xá.
Một tiếng gọi cất lên trong hàng rào bệnh xá.
- Vĩnh!
Vĩnh vừa kéo cây vừa ngoái lại nhìn. Phạm An Toàn đang đứng bên trong giơ tay vẫy vẫy. Anh lại chợt nhìn thấy nơi cái connex dùng làm nhà xác đặt gần bờ giếng bệnh xá có đông người tụ tập. Vĩnh hỏi Toàn.
- Chuyện gì vậy?
- Ông già Diêu chết rồi.
- Diêu nào?
- Ông già đau gan ấy.
Con dốc trước mặt bệnh xá khiến cả bọn phải ngừng tay kéo để thở. Vĩnh được dịp liên hệ linh tinh với Toàn nhiều hơn một chút. Anh ngó quanh đề phòng thằng vệ binh. Hắn đang ngồi trên một khúc cây lớn bên kia đường lẩm bẩm chửi thề gì đó. Vĩnh hỏi Toàn.
- Phải ông già đòi ăn trứng không?
- Ừ.
- Trước khi chết có được ăn trứng không?
- Bác sỹ có cho một hột gà nhưng vừa để lên môi thì ổng trợn trắng đi luôn.
Vĩnh không hỏi gì nữa. Đoàn người đã bắt tay vào việc kéo cây. Vĩnh nắm chặt sợi dây lấy hết sức cùng các bạn kéo thân cây đi. Lúc đi qua cái connex nằm trong hàng rào, Vĩnh thấy vài tay tù đang lấy một cái chăn dạ nhà binh - có lẽ tài sản của người quá cố - bọc xác ông già Diêu lại. Họ làm việc trong yên lặng và ngậm ngùi. Vĩnh loáng thoáng nghe thấy một người nào đó trong đám liệm xác đọc khẽ kinh Lạy Cha. Đời buồn bã làm sao! Ông già Diêu khốn khổ kia ơi! Thôi ông hãy hân hoan ra đi ông nhé. Khổ giá nặng hãy để bọn trẻ chúng tôi vác tiếp cho ông. Ông cứ đi và đừng ngoái nhìn, nhưng nếu có linh thiêng, ông hãy phù trợ cho những người bạn già khác đang lâm nạn như ông, nếu có trăm tuổi, cũng đừng tiếp tục trăm tuổi trong trạng huống như ông: Đến chết cũng chưa ăn được cái trứng gà mơ ước...
Đám kéo cây của nhà 2 đội 17 đã vượt qua khu bệnh xá. Khối mộc xuất hiện dưới một mái tôn rộng. Những thân cây to lớn xếp từng đống bên nhau. Tù thợ mộc đang ra công kéo cưa lừa xẻ với những lưỡi cưa cá mập tưởng như có thể nặng hơn cả sức nặng của những tên tù ốm đói đang điều khiển nó.
Vĩnh theo các bạn kéo cây xếp vào đống cây đã cao như một cái núi. Công tác này nặng nhọc và nguy hiểm hơn cả công tác kéo cây. Lạng quạng cây đè chỉ có nước lấy đũa mà gắp xương tan thịt nát.
Sau khi nhà phó Hiệp ghi sổ giao cây cho khối mộc xong xuôi, cả nhà 2 lại lầm lũi so hàng trở về cánh rừng...
Trên đường về mới thảnh thơi làm sao! Dù rằng sau cơn mưa trời gai lạnh, cái lạnh vào quãng 4 giờ chiều, nhưng ai cũng thấy sung sướng vì chỉ tiêu sắp hết. Một chuyến chót nữa, cây thứ 8, sẽ chấm dứt một ngày "lao động vinh quang". Vĩnh vừa đi vừa nhìn hai bên đường. Một tràng những tiếng gào thét bất chợt vang lên từ dãy connex nằm bên trong hàng rào của ban chỉ huy trại 4. Vĩnh và mọi người bàng hoàng lắng tai nghe. Kim lúc này đã bước lên đi gần Vĩnh. Nó thều thào: Ban chỉ huy trại 4 đó. Nghe nói nhiều thằng nằm connex lắm. Thằng Trụ biên chế từ Trảng Lớn lên đây vẫn nằm connex chờ xử đại hình, không rõ nó có nằm trong mấy cái connex kia không?
Vĩnh không trả lời Kim, nhưng Kim nhắc lại làm anh nhớ đến Nguyễn Ngọc Trụ. Trụ mang cấp bậc trung úy, giảng viên kinh tế chính trị của trường võ bị và chiến tranh chính trị Đà Lạt. Vì anh là cháu của nhà báo Dzoãn Bình, nên khi mới gặp nhau ở L4T1 Trảng Lớn, anh đã nhập ngay vào nhóm Vĩnh trong những lần tán gẫu đêm đêm. Trụ mang kiến thức của một nhà chính trị kinh tế sắp sửa trình luận án tiến sĩ. Do đó, những câu chuyện anh nói thường cnhững lập luận rất vững vàng về thời sự. Chiều chiều đi lao động về Trụ thường khoác lên người cái áo bốn túi kiểu cậu ấm Nhã đã sờn vai, bò qua khối 10 gặp Vĩnh và Kim tán dóc. Sau đó một thời gian ngắn Vĩnh và Kim bị biên chế sang L4T3, Trụ ở lại T1 và lâm đại họa sau đợt học tập chính trị tháng 12 năm 75. Trụ bị bắt giam connex vì những lời phát biểu của anh trên hội trường khi anh bị ban chỉ huy trại chỉ đích danh lên phát biểu cảm tưởng trước tập thể. Dĩ nhiên Vĩnh không có mặt trong buổi phát biểu của L4T1, nhưng qua bạn bè kể lại, theo đó, Trụ đã nhân cơ hội bị lôi lên phát biểu, chửi thẳng mặt bọn cán bộ trại.
Sự phát biểu như thế đã khiến bọn cán bộ trại điên lên và bịt mồm còng tay anh ngay trên hội trường. Sau đó anh bị nhốt connex cho đến ngày bị xử tử. Suốt thời gian đó anh bị bỏ đói thê thảm. Đã có lần đi lao động qua dãy connex nằm ngoài rào L4T1, Vĩnh thấy anh bị vệ binh lôi ra khỏi connex. Anh nhìn Trụ cả một lúc lâu mới nhận ra cái xác bèo nhèo xanh mét và teo như một cái xác ướp của Trụ.
Trụ bị nhốt liên tiếp từ tháng 12 năm 75 đến tháng 7 năm 76 thì được chuyển về An Dưỡng cùng đợt với Vĩnh. Lên An Dưỡng anh bị tiếp tục nhốt connex nhưng không ai biết ở đâu.
Giờ đây, nghe tiếng la hét của một người nào đó phát ra từ dãy connex, Vĩnh không tin đó là tiếng gào thét của Trụ. Nhốt từ đó đến nay họa chăng có là khổng tượng, còn nếu là người thì...
Nhà 2 vẫn chậm rãi hàng tư tiến lên. Mọi người đều nghe thấy tiếng thét vang dội. Tiếng thét bất chợt thay chỗ cho những câu nói, những câu nói của một loại người nếu không điên thì cũng đã mất bình thường.
- Trời ơi! ngạn ngữ chúng mày nói đúng lắm. Người ta có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc, nhưng không thể yêu nửa trái tim và đi nửa đường chân lý. Mẹ cha chúng mày! Thế sao chúng mày lại cấm tao đi hết đường chân lý của tao? Tao nói lại. Tao là Mẫn. Tao là giáo chủ tôn giáo liên hiệp. Chính tao là nhà giải phóng của chúng mày đây, hỡi lũ quỷ đỏ không biết ăn năn xám hối. Tao nhắc lại. Tao là Mẫn, giáo chủ...
Những câu gào thét của một người tù không tỉnh như đâm vào óc mọi người. Tên vệ binh hình như đã quá quen với lời chửi rủa gào thét này, hắn chỉ lẳng lặng vừa đi theo đám tù vừa huýt gió một bài hát.
Khi nhà 2 vượt qua khu thăm nuôi, mọi người, kể cả những người đến thăm muộn màng đứng đợi trong khu thăm, đều nghe thấy tiếng gào thét tiếp tục vang lên.
-... Những nhà giải phóng đích thực của con người thường cuối cùng chết về tay con người. Tao biết, tao biết đều đó. Spartacus, Jesus, Lincoln, Gandhi, Martin Luther King... Chúng mày, hỡi loài quỷ đỏ, hãy cho tao, tân giáo chủ tôn giáo liên hiệp thế giới biết giờ khắc tao chịu nạn!...
Giọng Kim lại thầm thì.
- Ông giáo chủ này thế nào cũng ăn đạn.
- Được ăn đạn đã là phúc...
Khi tiến tới bìa rừng, Vĩnh thấy những đội kéo cây khác đang uể oải lăn từng cây lên mặt đường nhựa. Người nào cũng lấm lem và mệt mỏi. Nước phèn trong những ao tù của rừng hoang làm những ống quần vàng úa. Chân người khập khễnh như không còn muốn dính vào mặt đất. Những người đã được thăm nuôi như Vĩnh và Kim còn chút hứng khởi với ý nghĩ chiều về chắc chắn sẽ có tí mì, tí nui, tí chà bông, tí lạp xưởng bày ra ăn với nhau. Nhưng những người chưa thăm nuôi không thể có cái niềm vui nhỏ bé ấy. Một ngày sắp tàn là thêm một lần xác hồn rũ rượi.
Trong khi sửa soạn tiến vào rừng cây thì hàng trăm tù đứng rải rác ngoài bìa rừng bỗng nghe như tim mình nhói lên vì mấy tiếng nổ. Những tiếng nổ từ sâu trong rừng cây làm chim muông bay tán loạn. Rừng chiều âm u lại vừa sau cơn mưa mù, không ai có thể nhìn thấy chuyện gì xảy ra trong đó. Tiếp theo mấy tiếng nổ là những tiếng la hét báo động và những tiếng chạy rào rào bất kể gai góc của người trong rừng.
Lũ vệ binh bên ngoài vội vàng chĩa súng đứng trong thế thủ. Bọn tù tự động ngồi xuống tại chỗ theo đúng nội quy đã quy định cho tình trạng này. Một vài tay tác chiến nhà nghề đã có thể đưa ra ngay một nhận xét.
- Một mìn râu, hai đầu đạn M.79.
Một người khác.
- Ít lắm 3 con!
- Không, rừng rậm lại đứng tụ vào một công tác đồng loạt chắc nặng hơn nhiều. Mươi con không chừng!
Tuy nhiên sự thắc mắc của người bên ngoài không lâu lắm. Bên trong đã có kẻ chạy ra tới bìa rừng, mặt mũi hớt hải báo tin.
- Nổ M.79! Dính đông lắm.
Tên vệ binh của đội 17 thấy có tù chạy ra báo tin vội xách súng chạy lại.
- Này anh kia chạy đâu đấy?
- Báo cáo anh nổ M.79. Nhiều người bị thương.
- Quản giáo anh đâu?
- Dạ không biết nữa. Chạy lung tung hết.
Vừa lúc đó trong rừng có thêm nhiều người khác chạy ra. Người nào xuất hiện mặt mày cũng lấm lem bùn lầy. Một tay quản giáo trong đám lên tiếng.
- Này đồng chí vệ binh. Đồng chí lên viện mượn mấy cái băng ca có được không?
Tên vệ binh giẫy nẩy.
- Đâu được. Đồng chí muốn đi thì đi. Tôi không trách nhiệm chuyện y tế.
Trong lúc hai bên còn cãi nhau thì tù trong rừng đã kéo nhau ra đầy nghẹt. Kỳ này có cả những người bị thương. Lần lượt trước sau, những người bị thương được anh em đưa ra nằm trên lề đường. Bọn quản giáo và vệ binh đều túa lại xem vì tò mò chứ tuyệt nhiên không vì phản ứng cấp cứu.
Vĩnh không rời khỏi hàng ngũ được, nhưng anh vẫn có thể thấy rất rõ 6 người nằm ngồi trên lề đường với máu me bê bết đầy người.
Một người trong đội 17 bỗng la lên.
- Chết mẹ thằng Long nhí đội 14 kìa!
Nghe thấy nói đến Long nhí đội 14, tim Vĩnh nhói lên một cái thật mạnh. Anh cố nhìn kỹ một người nằm bất tỉnh trên lề đường, một ống quần đầy máu từ bắp chân trở xuống. Một vài tay tù cùng đội của những người bị nạn được phép đến gần tìm cách cầm máu. Anh chàng nằm bất tỉnh có lẽ nặng nhất. Vĩnh nhìn kỹ hơn nữa và nhận ra đó là Long nhí thật. Trời đất ơi! Vĩnh buột miệng kêu lên. Nhìn cái chân của nó cong queo, dù dính đầy sình và máu, Vĩnh vẫn có thể đoán được chân nó đã gãy hoàn toàn. Vĩnh xúc động quá. Vừa tối hôm qua nó mò sang tìm Vĩnh xin ít mắm ruốc, giờ đây nó đã ra nông nỗi này! Không biết nó sống hay chết.
Ít phút sau đó, do lệnh của bọn quản giáo, 6 người bị nạn đều được khênh thẳng lên bệnh xá. Và hàng trăm tù lao động trong rừng đều được lệnh thu quân sớm hơn mọi ngày nửa tiếng.
Trong lúc tập họp điểm danh để báo cáo nhân số trước khi quay về trại, một tiếng nổ khác từ sâu trong rừng lại vang lên. Tiếng nổ không còn làm cho ai chú ý vì họ biết chắc chẳng còn anh em nào trong đó. Khi các đội hình đã báo cáo nhân số xong và sửa soạn cất bước thì một người dẫn một con trâu từ trong rừng hớt hải chạy ra. Người ấy dẫn trâu chạy thẳng về phía đội hình của Vĩnh. Tên vệ binh hình như quen mặt người chăn trâu, hắn vội cất tiếng hỏi.
- Cái nhà anh Hạ kia, sao cho trâu về chuồng muộn vậy?
Người được gọi là Hạ vội báo cáo.
- Báo cáo anh tôi suýt chết vì bò đạp phải mìn...
Tên vệ binh ngắt lời.
- Sao?
- Dạ bò đạp phải mìn nổ. Một con què cẳng nằm trong rừng. Tôi và con trâu này còn sống chạy ra đây...
Tên vệ binh khoa tay tuồng như không có ý kiến và trách nhiệm. Người được gọi là Hạ hình như cũng biết việc báo cáo của anh ta với tên vệ binh trại 1 là không đúng chỗ, kẹt phải báo cáo vậy thôi. Tuy nhiên, trên khuôn mặt mờ mờ nằm dưới cái nón lá rách bươm của anh rõ ràng đang hằn lên nét lo sợ... Anh chàng chăn trâu không nói thêm nữa. Anh vội vã lớn giọng tắc tắc vài tiếng, khoa ngọn roi đuổi con trâu lên lề đường để hướng về phía trại 4. Đúng lúc ấy cái nón của anh bật ra phía sau và Vĩnh đã nhận ra người chăn trâu là ai. Nó là Bùi Duy Hạ, bạn anh, kẻ đã hân hoan tặng mọi thứ đồ đạc lại cho anh em tuần trước để ra về theo như lệnh của ban chỉ huy trại 1. Vĩnh bàng hoàng gọi giật một tiếng.
- Hạ!
Hạ quay người lại. Nó nhận ngay ra Vĩnh trong đội hình.
- Mày hả Vĩnh?
- Sao...
- ĐM. Lầm rồi mày ơi. Tao đâu có được về. Tao được điều sang tổ chăn bò của hậu cần trại An Dưỡng. Chăn một trâu một bò...
- Trời đất ơi!
- Ừ, rầu lắm. Mới chết một con bò trong rừng rồi. Tao tiêu dzên luôn là cái chắc.
Đội hình đã bắt đầu đi. Vĩnh cố ngoái lại.
- Tao thăm rồi. Cần gì không?
- Mày tìm cách nói với mấy thằng bạn tao cho đồ kỳ rồi, hãy trả lại tao mùng mền chăn chiếu lon cóng linh tinh để tao dùng. Ngủ không mùng muỗi cắn quá!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu