Số lần đọc/download: 1752 / 8
Cập nhật: 2015-12-20 16:15:24 +0700
Cài Hoa Vào Quá Khứ
T
rời mưa mỗi lúc một to. Tôi buộc phải ghé vào mái hiên nhà nọ để trú. Trước tôi, đã có mấy cháu học sinh vừa nam vừa nữ. Thời gian chờ đợi có nguy cơ kéo dài. Tôi quay ra hỏi chuyện mấy cháu:
- Các cháu học trường nào?
- Dạ, Trường Gò Vấp 2 ạ.
- Vậy hả? Chú nghe nói trường này đã có một lịch sử lâu đời...
- Thưa vâng, 75 năm rồi... Ngày 12- 10- 1920 là ngày trường được thành lập ạ.
- Chắc là các cháu thuộc lịch sử nhà trường lắm nhỉ?
Các cháu cười, hóm hỉnh:
- Dạ, cũng sơ sơ thôi ạ...
- Vậy nói cho chú nghe đi.
Thế là mỗi cháu một câu. Để rồi mươi phút sau tôi đã có được một lịch sử tóm tắt về ngôi trường này. Nào là ở đây từ năm 1930 đã có một tổ chức cách mạng được gọi là Hội Cựu học sinh Gò Vấp. Tổ chức này đã tham gia các phong trào chống Pháp như "Hội kín" của ông Nguyễn An Ninh, phong trào "Đông Dương đại hội", đặc biệt là việc tổ chức nhân dân khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8 năm 1945. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đây là nơi đặt Trạm xá dân y chữa trị cho các thương binh từ các mặt trận quanh Sài Gòn- Gia Định chuyển về. Và cũng từ ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều người sau này giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước. Như bác Nguyễn Văn Tư hiện là Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, bác Chiêu, chủ tịch tỉnh Gia Định cũ, bác Triêu, Thứ trưởng trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền nam Việt Nam.
- Và cả con đường chú cháu mình đang đứng đây cũng là mang tên một học sinh của trường: Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng nữa đấy.
Cháu cuối cùng bổ sung thêm.
- Sao các cháu thuộc lịch sử nhà trường đến vậy?
Tôi hỏi thêm. Một cháu nhanh nhảu trả lời:
- Thưa chú. Các thầy cô trường chúng cháu có cái lệ cứ vào đầu năm học lại phát cho mỗi học sinh một bản tóm tắt lịch sử nhà trường bắt học thuộc lòng sau đó tổ chức thi kiểm tra.
Tạnh mưa. Các cháu chia tay tôi rồi ào ào đạp xe đi. Tôi nhìn theo thầm nghĩ : "Những người thầy của các đại biểu tương lai này đang cùng các em cài hoa vào quá khứ chứ không phũ phàng với quá khứ như có người đã làm".
Tôi ước ao ngày càng có nhiều trường làm như trường Gò Vấp 2 (TP Hồ Chí Minh). Có điều bên cạnh những nhân vật là liệt sĩ, là cán bộ lãnh đạo cao cấp... cũng cần phải cho các cháu biết những ai là hiện là nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp, nhà giáo... đã một thời ngồi trên những chiếc ghế các cháu đang ngồi.