Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 40
Làm việc quá sức cộng với lo toan buồn bực, sức khoẻ ông Kim ngày một giảm sút. Đúng sáu mươi tuổi, nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh Phước Vĩnh ông xin rút lui, không tham gia ứng cử vào Ban chấp hành tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ tới và nói rõ ý định của mình là xin nghỉ hưu. Một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương về dự Đại hội nghe ông nói vậy, bảo: “Đồng chí còn khoẻ, dân đang cần đồng chí, đồng chí chưa thể nghỉ được.” Ông cười buồn trả lời: “Dân cần nhưng tôi chẳng làm được gì đến nơi đến chốn cho dân thì có ở lại cũng chẳng ích gì. Hơn nữa năm nay tôi tròn sáu mươi tuổi, đúng chế độ nghỉ hưu. Tôi ở lại sợ mang tiếng là kẻ tham quyền cố vị.”
Sau Đại hội, ông Quốc được bầu làm bí thư tỉnh ủy. Ông Côn phó bí thư giữ chức chủ tịch tỉnh. Bà Thường nghỉ hưu trở về Đình Bảng ở với con trai. Chi lên làm Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh và được bầu vào Ban thường vụ. Luận lên thay Chi làm bí thư huyện ủy Tam Bình. Vị trí của Luận, Bích lên thay. Cơ cấu thay đổi nhưng hậu quả của việc ngừng khoán hộ vẫn đè nặng lên cuộc sống của người dân. Trừ số Hợp tác xã tìm cách “khoán chui” ra, hai phần ba số Hợp tác xã trong tỉnh sau mấy năm ngừng khoán hộ đã trở lại với cuộc sống nghèo nàn tù túng của thời rong công phóng điểm. Ban lãnh đạo mới cố tìm cách để xoay chuyển tình thế nhưng đưa lại kết quả chẳng có bao nhiêu.
Sau ngày ông Kim nghỉ hưu, ủy ban Nhân dân tỉnh tìm cấp cho ông một ngôi nhà rộng rãi khang trang, có sân, có vườn trên một con phố khá đẹp của thị xã Phước Vĩnh. Khi được báo tin, ông không đến xem nhà mà đạp xe thẳng vào chỗ ông Côn và bảo: “Tớ cám ơn các cậu đã quan tâm đến tớ. Nhưng cậu biết tính tớ rồi, gần như suốt cuộc đời tớ, tớ gắn với đất đai cây cỏ. Vì vậy nếu các cậu đã chiếu cố đến tớ thì để cho tớ tự do chọn một đám đất bỏ hoang nào đó trong thị xã mà tớ vừa ý nhất. Sau đó các cậu cấp cho vợ chồng tớ một ít gạch ngói, vôi cát vừa đủ dựng một ngôi nhà cấp bốn ba gian. Gỗ lạt, công thợ tớ chịu”. Biết tính ông Kim đã quyết thì chẳng có gì lay chuyển được ông nên ủy ban đồng ý để cho ông tự đi tìm đất. Loanh quanh mất mấy buổi, ông Kim nhìn thấy một đám đất rộng chừng vài sào nằm cheo leo như một bán đảo bao bọc hai bên là đầm Cò, một bên là bãi tha ma. Mảnh đất nằm cách con đường hẻm hẻo lánh của thị xã chừng một trăm mét. Có lẽ do địa thế heo hút như vậy nên đám đất bị bỏ hoang lâu ngày không ai nhòm ngó tới, cỏ dại và cây gai mọc um tùm. Khi ông Kim chỉ đám đất mình chọn cho ông Quốc và ông Côn xem, cả hai ông thiếu chút nữa lăn bò ra mà cười. Ông Côn nói đùa: “Anh đã đến nỗi nào mà tìm nơi làm bạn với ma.” Ông Quốc thì nói: “Anh mà làm thế này mọi người sẽ chê trách chúng tôi đối xử tồi tệ với anh, chúng tôi làm sao thanh minh nổi.” Ông Kim nói với ông Côn và ông Quốc: “Vài ba năm nữa các cậu mới thấy hết tầm nhìn chiến lược của tớ. Bấy giờ tha hồ mà thèm”. Không ngờ câu nói của ông Kim đã thành sự thật. Chỉ hai năm sau một ngôi nhà cấp bốn ba gian và hai gian bếp rộng rãi nằm trong một khu vườn rộng với các thứ cây ăn quả, mít, đu đủ, roi, ổi và đủ mọi thứ rau. Trên cái sân lát gạch mộc là các chậu cây cảnh. Hàng chè xanh chạy dọc bao quanh vườn. Chẳng bao lâu nó trở thành câu lạc bộ của các bạn hữu về hưu. Sáng, chiều các ông tụ tập ở nhà ông Kim để đánh tổ tôm và bàn luận thế sự. Ông Quốc, ông Côn và Chi không tuần nào không đến nhà ông Kim vài ba lần. Gặp lần nào ông Kim cũng nhắc phải tìm mọi cách khôi phục lại khoán hộ.
Mỗi khi nhớ đồng ruộng, nhớ bà con nông dân, ông lại lóc cóc đạp xe xuống các Hợp tác xã nông nghiệp vùng ven thị xã thăm hỏi bà con và bàn cách làm ăn với họ. Mỗi lần đi về, mặt ông buồn rười rượi. Một lần đứng nhìn đồng lúa bông ngắn như bông cỏ may đã chín rục nhưng không ai thèm gặt bỗng dưng nước mắt ông Kim trào ra. Làm sao đến nông nỗi này? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh làm tim ông nhói lên. Thế là ông đạp xe vào gặp hết ông Quốc lại qua ông Côn giục hai ông tìm mọi biện pháp khôi phục lại khoán hộ. Thỉnh thoảng khi thì ông Quốc, khi ông Côn bố trí xe cho ông Kim đi về Gia Đạo, lên Cao Sơn hoặc xuống Hồng Vân thăm bà con cho khuây khoả. Mỗi lần ngồi vào chiếc La-đa bóng nhoáng của ông Côn, ông Quốc, ông Kim lại nhớ đến chiếc com-măng-ca của mình. Nó gắn bó với niềm vui nỗi buồn của ông có đến hàng chục năm trời. Ông cũng vô tâm thật. Từ lúc về hưu đến giờ ông không biết số phận chiếc xe ấy rơi vào tay ai.
Ông Kim đạp xe về đến ngõ nhà mình thì gặp ông Vị, ông Đáng, ông Cảnh – mấy người bạn từ nhà mình đi ra. Ông Vị hỏi:
- Ông đi đâu mà từ sáng đến giờ chúng tôi qua nhà ông ba lần rồi mà không gặp?
- Tôi đạp xe xuống Hợp tác xã Dục Tú xem mùa màng của bà con ra sao. Các ông không thấy bà Lê nhà tôi ở nhà à?
- Lần nào đến cũng thấy cửa đóng kín mít – Ông Cảnh trả lời rồi nói tiếp – Nghe bà Lê bảo dạ dày ông dạo này đau liên miên sao không ở nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng lại đạp xe cả chục cây số từ đây xuống Dục Tú?
Ông Kim cười:
- Bệnh dạ dày của tôi không đau bằng cái bệnh lo nông dân đói ông ạ.
Ông Cảnh bảo:
- Tay ông ngắn thế với sao tới trời. Tôi thấy thần sắc ông dạo này không ổn lắm đâu.
Ông Đáng nhìn ông Kim:
- Nghe ông Cảnh nói tôi mới để ý. Đúng là thần sắc ông Kim xuống quá. Ông phải nói với ông Côn cho xe đi khám ngay đi. Bao nhiêu năm vắt kiệt cả sức lực của mình vì công việc. Bây giờ phải dành thời gian để xiết lại ốc vít của xương xóc và vá víu tim phổi, dạ dày lại, dùng được ngày nào hay ngày ấy ông ạ.
- Các ông làm như tim gan dạ dày và xương cốt của tôi ruỗng hết rồi không bằng.
Vào đến nhà, ông Kim bảo:
- Các ông ngồi chơi. Tôi đi rửa ráy chân tay mặt mũi rồi vào pha chè uống. Tay Côn vừa cho tôi mấy lạng Tân Cương ngon lắm.
Những người bạn hưu của ông Kim là những cán bộ cao cấp ở Trung ương hoặc công tác ở các tỉnh khác về nghỉ hưu. Mỗi người mang theo nỗi niềm tâm sự khi rời khỏi công sở nên hễ có dịp gặp nhau là đem ra giãi bày chia sẻ cho nhau nghe. Mở đầu ông Vị bảo:
- Không biết các ông thế nào chứ tôi thấy chiến tranh kết thúc đã hơn hai năm rồi mà tình hình kinh tế xem ra còn bí bét quá các ông ạ. Nghị quyết này chưa ráo mực đã có Nghị quyết tiếp theo mà chẳng hề có biến chuyển gì.
Ông Đáng nói:
- Nhiều người nửa đùa nửa thật bảo chúng ta đang lạm phát Nghị quyết. Nhưng ngẫm ra thì đúng thế thật các ông ạ. Nghị quyết thì nhiều nhưng toàn nói chung chung. Cái nào cũng như cái nào, chỉ nhắc đến ánh hào quang của chiến thắng một cách say sưa, còn phần yếu kém và khó khăn thì đổ thừa cho chiến tranh mà không dám nhìn thẳng vào sự thật để chỉ ra nguyên nhân đã góp phần không nhỏ vào tình trạng khó khăn hiện tại là do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đành rằng khi cả nước đang diễn ra chiến tranh ác liệt thì rất cần ban bố một cơ chế bao cấp khắt khe để dành tiền, dành của phục vụ cho chiến tranh, coi đó như một chính sách kinh tế thời chiến. Nhưng khi chiến tranh kết thúc thì nên nhanh chóng ban bố một chế độ kinh tế khác để cho cuộc sống của nhân dân dễ thở hơn. Đàng này chiến tranh kết thúc đã hai năm mà không có lấy một thứ thay đổi nào trong chính sách kinh tế thời bình thì quả là không làm sao hiểu nổi.
Ông Kim bảo:
- Sáng nay tôi đi thăm Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Dục Tú càng thấy ngán ngẩm các ông ạ. Càng nghĩ càng buồn. Các ông thử nghĩ xem chúng ta có cả một đồng bằng sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Đáng ra nông dân mình sống trên lúa gạo. Vậy mà hết năm này sang năm khác vác rá đi xin bo bo, bột mì về cho dân nhai. Nếu khoán cho hộ nông dân nuôi lợn thì việc gì phải đi nhập mỡ cừu là thứ mỡ người ta dùng cho công nghiệp về cho dân ăn. Tôi tính đường nào cũng phải để cho nông dân khoán hộ thôi các ông ạ. Không khoán được công khai thì khoán chui chứ cứ để thế này rồi cũng có ngày nông dân bỏ ruộng để đi làm thuê xứ người. Tôi còn sống ngày nào là tôi nghĩ đến khoán hộ ngày ấy nhưng lực bất tòng tâm. Có khi ôm sự nuối tiếc này xuống mồ thôi các ông ạ.
- Ông cố mà sống - Ông Vị nói - Tôi tin có một ngày nào đó sẽ có người nhận ra lợi ích to lớn của khoán hộ và mơ ước của ông sẽ được thực hiện. Mà không những chỉ trên đồng đất Phước Vĩnh mà thực hiện từ Bắc chí Nam ông ạ.
Ông Kim cười:
- Đợi đến lúc ấy chắc các cháu đã sang cát cho tôi rồi.
- Ông có sang cát thì vẫn nở được một nụ cười nơi chín suối.
- Hai ông này hết khôn dồn đến dại. Sao đi nói những câu gở như vậy. Ông Kim lấy tú lơ khơ ra đây đánh mấy ván cho vui. Sáng nay kéo nhau đến đây để đánh tú lơ khơ thì ông lại đi vắng. Cứ gặp nhau là toàn nói chuyện thời sự và chính trị nghe mệt đầu lắm.
Ông Kim đứng lên lấy một chiếc chiếu trải xuống đất rồi đi lấy bộ bài tú lơ khơ đặt lên đấy.
2
Theo thường lệ trước giờ làm việc buổi sáng bao giờ ông Trung Chính cũng đọc lướt qua các tờ báo trong ngày. Gặp bài “có vấn đề”, ông đọc rất kỹ và dùng bút gạch dưới dòng những đoạn ông quan tâm. Sáng nay cũng vậy. Sau khi đọc lướt qua một loạt các tờ báo ông bỗng chú ý đến một bài báo nói về tình trạng sa sút của phong trào Hợp tác xã ở Thanh Hoá. Bài báo có dòng chữ đậm “Vì sao năng suất lúa của các Hợp tác xã An Hải, An Lưu, An Giang và một số Hợp tác xã khác trong huyện Hoàng An liên tục trong 5 năm liền năng suất thấp đến mức bán thóc nghĩa vụ cho Nhà nước chỉ đạt 50%, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn?” Sau khi nêu lên những khó khăn trong đời sống của nông dân do năng suất thấp liên tục, bài báo đặt ra hàng loạt các câu hỏi “Vì sao?” Trong đó có câu hỏi làm ông Trung Chính quan tâm là “Vì sao không tìm ra một cơ chế mới, hợp lí để giải thoát cho nông dân?” Ông Trung Chính gạch thật đậm hai chữ “giải thoát” rồi quẳng tờ báo xuống bàn, đứng lên bước đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài.
“Giải thoát”? Hình như ông nghe hai tiếng này một lần ở đâu đó. Lần tìm trong ký ức một lúc ông chợt nhớ ra. Đúng rồi. Trong lần ông về làm việc với tỉnh ủy Phước Vĩnh, Hoàng Kim đã nói hai tiếng này với ông. “Đáng ra Bộ chính trị và Ban bí thư phải tìm cách giải thoát cho tình trạng bế tắc trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra bao nhiêu năm nay thì ngược lại quay ra phê phán chúng tôi là những người đã chủ động tìm mọi cách làm cho nông dân và nông thôn có cuộc sống khác hẳn với cảnh nghèo đói tiêu điều như hiện nay.” “Giải thoát”? Hai tiếng ấy bỗng nhiên ám ảnh ông khiến ông bồn chồn, day dứt. Ông trở về ngồi vào ghế sa-lông định đọc lại bài báo làm ông quan tâm thì ông Ẩn đi vào.
- Ông ở Hải Phòng về từ lúc nào? – Ông Trung Chính chủ động hỏi trước.
- Báo cáo anh, tôi về tối hôm qua.
- Tình hình ở đấy thế nào?
- Đúng như báo cáo của Thành ủy. Gần một chục Hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện xé rào bung ra làm ăn gần giống như ở Phước Vĩnh.
Ông Trung Chính lặng đi. Mãi sau ông hỏi:
- Ông có xuống tận nơi xem xét hay chỉ nghe báo cáo của Thành ủy?
- Báo cáo anh, tôi đã xuống trực tiếp gặp gỡ bà con nông dân ở hai Hợp tác xã xé rào thuộc huyện Thủy Nguyên. Trong đó có một Hợp tác xã lâu nay được mệnh danh là Hợp tác xã ăn mày.
Ông Trung Chính ngạc nhiên:
- Vì sao gọi là Hợp tác xã ăn mày?
Ông Ẩn mở chiếc cặp nhỏ bằng da đựng sổ sách ghi chép hàng ngày lấy ra một cuốn sổ lật mấy trang nhìn vào đó rồi nói:
- Báo cáo anh, Hợp tác xã Lưu Xá có bảy ngàn nhân khẩu mà thu hoạch 160 tấn thóc, bằng một phần sáu sản lượng thông thường. Đã thế phải nộp nghĩa vụ cho Nhà nước 100 tấn. Như vậy bảy ngàn nhân khẩu chỉ còn 60 tấn. Bình quân mỗi người chưa được một cân thóc ăn trong bốn tháng để chờ vụ lúa kế tiếp. Vụ giáp hạt năm nào cũng có vài chục người bỏ làng đi ăn xin. Bởi vậy bà con tự đặt cho Hợp tác xã của mình là Hợp tác xã ăn mày.
Ông Trung Chính đứng lên đi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài theo thói quen mỗi khi ông cần suy nghĩ một điều gì đó. Lát sau ông quay lại ngồi vào ghế và hỏi:
- Ý kiến của bà con nông dân ở những Hợp tác xã phá rào, xé rào gì đó nói gì về việc làm của mình?
- Tôi có hỏi bà con làm như vậy có biết mình làm sai với chủ trương đường lối về Hợp tác xã của Đảng và Nhà nước không? Bà con bảo biết nhưng đói ăn vụng, túng làm liều. Không làm thì chết đói.
Ông Trung Chính đưa mấy ngón tay gõ gõ xuống mặt bàn. Tiếng gõ không đều, thỉnh thoảng rời rạc, giật cục chứng tỏ tâm trạng ông đang bối rối. Ông bỗng hỏi đột ngột:
- Ông nghĩ gì về việc làm này của nông dân?
- Anh đã rõ quan điểm của tôi khi anh điều tôi từ Phước Vĩnh về và thay anh Đỗ vào đó rồi nên tôi không phải nhắc lại nữa.
Ông Trung Chính tỏ vẻ phật ý trước câu trả lời gần như một câu trách móc của ông Ẩn nên hỏi dồn:
- Có nghĩa ông nói rõ quan điểm của mình trước mặt những người nông dân đang phá bỏ lối làm ăn tập thể?
- Tôi chỉ nhận nhiệm vụ của anh giao là đi kiểm tra để về báo cáo với anh nên tôi không nói gì với bà con nông dân hết.
Hình như nhận ra thái độ căng thẳng vô lí của mình, ông Trung Chính đẩy tờ báo về phía ông Ẩn:
- Ông đọc bài viết của một tay bí thư huyện ủy ở Thanh Hóa xem nó nói có đúng không.
Ông Ẩn cầm lấy tờ báo chăm chú đọc. Ông Trung Chính ngồi dõi theo từng biểu hiện nhỏ trên nét mặt của ông Ẩn. Khi thấy ông Ẩn đọc xong, ông Trung Chính hỏi:
- Ông thấy thế nào?
- Những điều mà tay bí thư huyện ủy này viết đã và đang xảy ra ở Phước Vĩnh cũng như Hải Phòng và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn những gì đang xảy ra đối với phong trào Hợp tác xã cũng như sản xuất nông nghiệp anh ạ.
Hình như không muốn sa vào câu nói của ông Ẩn vừa nêu ra, ông Trung Chính xoay chuyển câu chuyện sang hướng khác:
- Ông đọc bài nói chuyện của mình với tỉnh ủy Phước Vĩnh in trên báo, ông thấy thế nào?
Ông Ẩn đắn đo giây lát rồi trả lời:
- Nếu anh không giận thì tôi xin nói thật. Những điều anh phê phán anh Kim, tỉnh ủy Phước Vĩnh cũng như Nghị quyết 68 của họ phần lớn là dựa vào báo cáo của anh Đỗ và anh Bao. Vì vậy anh kết tội họ nặng quá.
Mặt ông Trung Chính xám lại. Hai mắt ông tối sầm. Ông hỏi gằn trong cổ:
- Nghĩa là ông bảo tôi dựa vào những báo cáo sai sự thật để phê phán cậu Kim và tỉnh ủy Phước Vĩnh?
Ông Ẩn vẫn giữ thái độ điềm tĩnh của mình trả lời:
- Anh Đỗ, anh Bao không báo cáo sai sự thật. Mọi việc hai anh ấy báo cáo với anh đều chính xác. Có điều hai anh ấy nhìn nhận sự việc theo quan điểm cứng nhắc của mình. Tôi cũng đã mắc sai lầm này khi phát hiện ra một số Hợp tác xã ở Phước Vĩnh bung ra trái với quy cách. Tôi lo lắng thật sự vì nghĩ phong trào Hợp tác hóa sắp tan rã đến nơi. Nhưng khi tôi xuống trực tiếp nghe cán bộ, đảng viên và bà con nông dân nói và nhìn tận mắt, tôi bắt đầu nhận ra đầu óc mình bị đóng băng quá lâu với những lí thuyết phi thực tiễn. Việc cải tiến lại lề lối quản lí lao động bằng các phương thức khoán sáng tạo, việc giao đất tạm thời cho xã viên làm vụ xen canh, khoán ao cá trong vườn nhà cho hộ xã viên đã đưa lại những lợi ích vô cùng to lớn. Đồng ruộng sản xuất hai vụ biến thành ba vụ. Năng suất lúa vụ sau tăng hơn vụ trước. Bộ mặt nông dân và nông thôn được hồi sinh. Anh Kim cũng như tỉnh ủy Phước Vĩnh do gần dân, bám sát đồng ruộng nên cái nhìn của họ thực tế hơn chúng ta. Tôi nói anh kết tội anh Kim và tỉnh ủy Phước Vĩnh nặng chính là ở chỗ đó.
Ông Trung Chính không nói gì. Ông đứng lên đi đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Hương hoa đại phảng phất. Mùi hương thấp thoáng vị thiền khiến đầu óc ông dần dần thư thái.
3
Sáng sớm vừa hút xong điếu thuốc lào, bà Thường nhìn thấy chiếc xe La-đa màu đỏ chạy từ từ rồi đỗ ngay trước cổng nhà mình. Ông Kim và bà Lê từ trong xe bước ra. Bà Thường mừng vui tất tả chạy ra đón:
- Chú lại được bầu làm bí thư tỉnh ủy rồi à? – Bà Thường hỏi đùa.
- Có mà bí cái khác ấy chứ. Tôi định xuống đây rủ chị đi thăm anh Trung Chính.
Bà Thường vui ra mặt:
- Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Tôi cũng đang định lên rủ chú xuống thăm anh Trung Chính một chuyến. Dù sao thì chị em mình cũng đã một thời gắn bó tình cảm với anh ấy.
- Tôi định một công đôi việc chị ạ. Tôi nghĩ cái chuyện Nghị quyết khoán hộ chắc anh Trung Chính đã nguôi nguôi nên nhân dịp này thử thuyết phục anh ấy nói với Bộ Chính trị nên bàn cách tháo gông cho nông dân thử xem có được không.
- Nói thì cứ nói chứ chắc gì đã được. Chú thấy mấy cái Nghị quyết của Trung ương thời gian qua Nghị quyết nào cũng nói đến nông nghiệp là mũi nhọn, là mặt trận hàng đầu. Nhưng khi đưa ra các biện pháp thì có gì mới đâu. Vẫn những câu khẩu hiệu chung chung là tích cực với tăng cường. Còn thực tế trên đồng ruộng thì lúa chuột chạy không bén lông. Nhiều nơi ở tỉnh tôi bà con không thèm gặt. Cô chú vào nhà chờ tôi thay quần áo rồi ta đi.
Ông Trung Chính tiếp bà Thường và vợ chồng ông Kim với thái độ cởi mở chân thành. Ông hết nhìn ông Kim lại quay qua nhìn bà Thường rồi nhận xét:
- Cô Thường không già đi bao nhiêu so với ngày tôi về làm việc với Phước Vĩnh. Còn cậu Kim có đau ốm gì không mà gầy như vậy?
- Tôi đau dạ dày kinh niên mổ đi mổ lại đến ba lần rồi anh bảo không gầy sao được.
Bà Thường bảo:
- Chú Kim vừa bệnh tật vừa buồn phiền lo lắng cho bà con nông dân thì có đắp thuốc tiên vào người cũng chẳng béo được.
Ông Trung Chính tinh ý biết bà Thường khơi lại chuyện cũ nên hỏi ông Kim:
- Cậu giận mình lắm có phải không?
Ông Kim là người không biết nói dối nên khi nghe ông Trung Chính hỏi vậy đáp luôn:
- Tôi vừa giận vừa buồn, bởi từ xưa đến giờ tôi lúc nào cũng coi anh như người anh, người thầy của mình. Vậy mà anh không hiểu tôi, anh bảo tôi không buồn sao được. Nhưng thôi, chuyện cũ đã qua rồi nhắc lại làm gì.
Ông Trung Chính lặng yên đẩy đĩa bánh về phía bà Lê và bà Thường:
- Hai cô ăn bánh đi.
Bà Thường nói đùa một câu mang nhiều ẩn ý:
- Anh cho chúng tôi ăn của đắng đến độ ngộ độc, bây giờ định đưa của ngọt ra không biết có giải được độc không đây?
- Ngày trước cô có một nói một, có hai nói hai, bây giờ học ở đâu cái kiểu ăn nói lập lờ cay độc ấy thế?
- Tôi tưởng anh không còn muốn nghe kiểu có một nói một, có hai nói hai mà chỉ thích nghe những lời nói xằng bậy của cấp dưới nên tôi mới nói vậy. Còn anh muốn nghe kiểu có một nói một, có hai nói hai như ngày xưa thì tôi xin nói với anh như thế này. Anh và Trung ương biết quá rõ nhờ có khoán hộ của chú Kim mà năng suất lúa ở Phước Vĩnh tăng lên gấp đôi, gấp ba so với lối khoán cũ. Dân tình được no nên rất phấn khởi. Hợp tác xã không những không tan rã mà ngày càng thêm vững chắc. Vậy thì việc gì mà cấm đoán. Nếu không có cái khoán hộ của chú Kim thì nông dân Phước Vĩnh xách bị gậy đi ăn xin từ lâu. Chuyện ấy ai cũng biết. Nhưng anh thích nghe lời nói của lão Bao, lão Đỗ là những kẻ chỉ biết cưỡi ngựa xem hoa rồi về báo cáo láo, còn lời nói trung thực như anh Sắc, anh Ẩn thì anh không chịu nghe. Cứ cái đà trên không nghe tiếng nói trung thực của cấp dưới, dưới lại lừa dối trên thì còn lâu cái đất nước này mới mở mày mở mặt được với thiên hạ.
Càng về cuối giọng bà Thường cao và to dần. Tưởng ông Trung Chính sẽ nổi nóng khi nghe những lời nói của bà Thường nhưng không ngờ thái độ ông vẫn điềm tĩnh và tỏ ra chịu khó lắng nghe. Khi bà Thường nói xong, ông cười hiền:
- Ở đây toàn người nhà cả, cô nói vừa đủ nghe thôi.
Bà Thường cười vô tư:
- Tôi nói to quá à? Thế mà tôi chẳng hay biết.
Thấy đây là cơ hội giãi bày tâm can của mình, ông Kim nhỏ nhẹ:
- Chị Thường nói khoán hộ của tôi là không đúng đâu. Đây là công trình tập thể của tỉnh ủy Phước Vĩnh, trong đó có công lao của chị. Còn điều chị Thường nói nhờ có khoán hộ mà năng suất lúa tăng cao, dân no ấm là đúng đấy anh ạ. Bài học sâu sắc của chúng tôi rút ra được ở đây là phải giao quyền tự chủ cho hộ. Mỗi thành viên của hộ là một đơn vị kinh tế độc lập và có nghĩa vụ với tập thể và Nhà nước. Khi tư tưởng được giải phóng sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Thành quả to lớn mà chúng tôi thu được trong ba năm liền nguyên nhân chính chính là ở chỗ đó. Với vai trò của anh, tôi đề nghị anh nên bàn bạc với Bộ Chính trị tìm biện pháp tháo xiềng cho nông dân. Không lí gì một đất nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp, ruộng đất phì nhiêu, có truyền thống cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm canh tác mà chịu cảnh đói kém nghèo nàn, hết năm này sang năm khác chạy như đèn cù đi xin viện trợ lương thực là hết sức vô lí.
- Mình cám ơn những lời nói chân thành của cậu. Mình hứa sẽ quan tâm đầy đủ những điều cậu vừa nói. Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, lại vừa trải qua cuộc chiến tranh hết sức khốc liệt, nó để lại hậu quả rất nặng nề chưa khắc phục được thì chiến tranh lại nổ ra ở biên giới Tây Nam và có thể xảy ra ở cả phía Bắc. Đặt địa vị của cậu vào đó cậu mới thấy hết lịch sử đặt lên vai Trung ương một trách nhiệm khó khăn và nặng nề như thế nào.
Ở chỗ ông Trung Chính trở về, ông Kim mang theo niềm hy vọng. Ông không bao giờ ngờ ông mang theo niềm hy vọng ấy xuống mồ và mãi hai mươi hai năm sau ý tưởng của ông mới được thực hiện.
Khúc tưởng niệm một CON NGƯỜI
Một buổi sáng ông Kim định đạp xe vào chỗ ông Côn kể lại buổi vợ chồng ông cùng bà Thường về thăm ông Trung Chính thì thấy bụng mình lên cơn đau khác với mọi ngày. Ông có cảm giác như có hai bàn tay ai đang vò ở trong đó. Gần đây những cơn đau của ông ngày càng dày đặc hơn. Cũng đôi lần thấy đau quặn nhưng chưa khi nào ông thấy mình có kiểu đau như thế này. Ông gọi bà Lê đến và bảo:
- Tôi thấy dạ dày tôi đau quá bà ạ.
- Ông thấy đau như thế nào?
- Tôi thấy nó đau kiểu gì lạ lắm không giống kiểu đau lâu nay.
- Em lấy cho anh mấy viên thuốc uống tạm rồi nằm nghỉ để em đạp xe vào nhờ chú Sản ra xem thế nào. Nếu cần thì xin xe chuyển anh đi viện.
Lát sau bác sĩ Sản đi cùng xe với ông Quốc và Chi đến.
Trong khi bác sĩ Sản khám cho ông Kim, Chi đứng cạnh hỏi:
- Anh đau lắm à?
Ông Kim trả lời khó nhọc:
- Đau lắm cô ạ. Chưa khi nào tôi đau như thế này, kể cả khi chảy máu dạ dày.
Sản cất ống nghe khỏi tai nói với bà Lê:
- Anh ấy có những triệu chứng bất thường của bệnh dạ dày, phải cho chuyển xuống Việt Xô ngay để xem sao chị ạ.
Bà Lê hốt hoảng:
- Nghiêm trọng lắm hả chú?
- Tôi chẳng biết nói cụ thể với chị như thế nào vì trong tay tôi chỉ có cái ống nghe và kinh nghiệm của nghề nghiệp thôi. Nhưng chắc chắn dạ dày anh ấy có vấn đề. Chị nhờ xe của tỉnh ủy hay ủy ban chuyển anh ấy đi viện càng sớm càng tốt.
Ông Quốc nghe Sản nói vậy bảo bà Lê:
- Tiện có xe của tôi đây cho anh Kim đi luôn. Chị vào chuẩn bị đi.
Chi nói với ông Quốc:
- Có lẽ tôi phải đi theo xe xuống đó có gì giúp đỡ chị Lê một tay chứ một mình chị ấy xoay xở sao được.
- Đúng đấy. Cô nên đi để giúp chị ấy vì bây giờ chưa báo cho các cháu con anh Kim được.
Ông Kim được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Trong khi chờ hội đồng y khoa hội chẩn, bà Lê và Chi ngồi ở bên ngoài sốt ruột chờ đợi.
- Em thấy mấy tháng gần đây nước da anh Kim xấu hẳn – Chi nói – Ngồi nói chuyện anh ấy thường đưa tay xoa bụng, vẻ mặt nhăn nhó khó chịu. Có hỏi anh ấy, anh ấy bảo cái bệnh dạ dày nó hay đau lâm râm thế.
- Tôi cũng thấy mấy tháng nay cơn đau của anh ấy diễn ra thường xuyên hơn. Bảo anh ấy xin xe về Việt Xô kiểm tra xem sao nhưng không chịu đi. Đã thế vài hôm lại đạp xe đi xuống các Hợp tác xã vùng quanh thị. Lần nào về cũng thở vắn than dài thế này thì nông dân chết mất. Tôi lo quá cô ạ. Không biết sức khỏe yếu thế nếu phải mổ có qua khỏi không.
Thấy các bác sĩ từ trong phòng cấp cứu đi ra, nhận ra bác sĩ Thành là người từng điều trị cho ông Kim trước đây, bà Lê đứng lên niềm nở chào rồi hỏi:
- Tình hình nhà tôi thế nào hả bác sĩ?
- Chúng tôi chưa nói gì được bây giờ chị ạ. Phải làm một số xét nghiệm và X quang thì may ra trả lời chị tương đối chính xác được. Nhưng xem ra tình hình bệnh tật của anh ấy lần này có vẻ trầm trọng hơn các lần trước nhiều. Chúng tôi cố gắng hết sức để chữa cho anh ấy.
- Trăm sự giờ đây đều nhờ các anh.
Bà Lê và Chi vào phòng ông Kim. Chỉ có mấy tiếng đồng hồ mà ông Kim khác hẳn. Người ông sọm xuống. Mọi cử động trở nên yếu ớt. Hai mắt nhắm nghiền. Bà Lê và Chi hai người kê hai chiếc ghế ngồi bên cạnh ông.
Vào giữa buổi chiều, ông Kim bỗng đưa tay ra như muốn nói điều gì đó. Bà Lê nắm lấy tay ông hỏi:
- Anh có cần gì không?
Ông Kim đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi:
- Các con có đứa nào đến chưa?
Bà Lê òa khóc. Câu hỏi như báo trước cho bà biết cái giây phút ông xa bà không còn bao xa. Bà đưa tay ông ấp lên mặt mình mếu máo:
- Lát nữa em nhờ cô Chi ra bưu điện gọi điện cho các con về thăm anh. Riêng thằng Tuyên đang đi với phái đoàn của Bộ Công nghiệp sang Đức nó về thăm anh sau.
Chi cũng có cái linh cảm giống như bà Lê. Nhìn thân hình mỏng dính của ông Kim nằm gần như bất động ở trên giường bệnh, Chi biết chuyện gì sẽ đến. Chi bảo bà Lê:
- Chị đưa địa chỉ của các cháu đây cho em, em ra bưu điện đánh điện cho các cháu.
Chi ra khỏi cửa bệnh viện thì gặp xe ông Côn vừa tới. Cùng đi có cả bà Thường. Vừa nhìn thấy Chi, ông Côn hỏi ngay:
- Tình hình anh Kim thế nào?
- Xấu lắm, không biết lần này có qua được hay không.
- Đã chẩn đoán thế nào chưa?
- Đã làm các xét nghiệm và X quang nhưng hình như chưa có kết luận. Có chuyện này làm em càng lo thêm. Từ trước đến nay anh Kim ít khi hỏi đến chuyện con cái, thế mà khi nãy bỗng dưng anh ấy hỏi chị Lê các con đã có đứa nào đến chưa. Hình như anh ấy biết mình chẳng còn sống được bao lâu nên mới muốn gặp con cái. Bây giờ em ra bưu điện để đánh điện báo cho các cháu đây.
- Cô lên xe tôi mà đi. Từ đây ra bưu điện Bờ Hồ xa lắm.
Nhìn thấy bà Thường và ông Côn, ông Kim nhếch môi rồi đưa tay ra định bắt. Nhưng cánh tay ông rơi thõng xuống giường. Ông Côn ngồi xuống cầm lấy tay ông Kim:
- Anh Quốc hôm nay bận tiếp đoàn đại biểu của tỉnh kết nghĩa Bến Tre ra thăm miền Bắc lên thăm tỉnh ta, sáng mai sẽ xuống thăm anh. Anh cố gắng tĩnh dưỡng điều trị cho khỏe rồi để còn về làm cố vấn cho chúng tôi.
- Tình hình biên giới phía Bắc thế nào rồi? - Ông Kim hỏi yếu ớt.
- Tạm ổn. Đồng bào sơ tán đã trở về dọn bom mìn tiếp tục sản xuất.
Bà Thường nhắc:
- Chú ốm đau thì lo mà chữa bệnh, mọi việc để người khác lo.
Bà Lê pha một cốc sữa đưa tới. Ông Kim đưa tay ra hiệu mình không muốn uống. Bà Lê bảo:
- Bác sĩ vừa dặn anh cố gắng ăn để còn đi làm thuốc làm thang gì đó. Em biết anh đau đớn nhưng không cố gắng ăn uống thì làm sao mà lành bệnh được.
Bà Thường bảo bà Lê:
- Cô đưa cốc sữa cho tôi. Không uống không được với tôi đâu.
Bà Thường cầm lấy cốc sữa rồi ngồi xuống cạnh ông Kim:
- Chú mà không ăn thì tôi và chú Côn về luôn chứ không ở lại đây đâu.
Nói xong bà Thường múc thìa sữa đưa vào miệng ông Kim. Ông hơi mỉm cười nhìn bà Thường rồi há miệng uống sữa. Khi ông Kim uống gần xong cốc sữa thì bác sĩ Thành đi cùng một người nữa vào phòng. Đó là giáo sư Tôn. Chào mọi người xong, giáo sư Tôn ngồi xuống cạnh ông Kim. Giáo sư cười rồi nói đùa:
- Tưởng anh chê bệnh viện nên mấy năm nay không thấy xuống để kiểm tra cái dạ dày bé như cái mề gà của anh. Bây giờ thấy đau quá mới tìm đến với chúng tôi có phải không?
Giáo sư Tôn sờ nắn quanh vùng bụng của ông Kim một lúc rồi đứng lên bảo:
- Tôi cần nói chuyện với chị Kim. Mời chị ra ngoài hành lang.
Ông Côn và bà Thường cùng theo ra. Bà Lê giới thiệu ông Côn với giáo sư Tôn:
- Chị Thường thì giáo sư biết rồi. Còn đây là anh Côn, chủ tịch tỉnh Phước Vĩnh.
Giáo sư Tôn bắt tay ông Côn:
- Hình như anh cũng là nạn nhân của khoán hộ có phải không?
Ông Côn cười không đáp.
Giáo sư quay qua nói với bà Lê:
- Tôi mời chị và có anh Côn và chị Thường nghe luôn. Tình hình anh Kim khá nghiêm trọng. Anh ấy bị ung thư dạ dày nhưng do không đi kiểm tra sớm nên đã di căn qua các bộ phận khác.
Bà Lê gần như khuỵu xuống nền hành lang.
Giáo sư Tôn nói tiếp:
- Hội đồng y khoa chúng tôi đang phân vân giữa mổ hay không mổ. Mổ cũng rất khó khăn nguy hiểm vì thể trạng của anh Kim rất yếu. Hơn nữa có mổ cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ gây đau đớn cho anh ấy chứ việc kéo dài cuộc sống của anh ấy chắc chẳng được bao nhiêu. Tôi mời chị ra đây để hỏi ý kiến của chị là có mổ cho anh Kim không.
Bà Lê không trả lời giáo sư Tôn mà ôm lấy bà Thường khóc nấc lên:
- Chị ơi, các con em mồ côi bố đến nơi rồi chị ơi!
Bà Thường đỡ lấy bà Lê:
- Cô bình tĩnh đã nào – Quay sang nói với giáo sư Tôn – Cô Lê bây giờ chẳng còn bụng dạ đâu mà đồng ý mổ hay không mổ. Tôi như chị gái của chú Kim nên xin thay mặt gia đình đề nghị giáo sư cứ mổ cho chú ấy. Trong vạn cái rủi có cái may. Biết đâu chú ấy lại qua khỏi.
Ông Côn cũng đồng tình với ý kiến của bà Thường và nói thêm:
- Nếu mổ mà vẫn không cứu được anh Kim thì gia đình cũng chẳng lấy gì làm ân hận vì giáo sư và các bác sĩ đã làm hết sức mình nhưng anh ấy không qua khỏi là do cái mệnh của anh ấy chỉ đến thế thôi.
Bà Lê đã bình tĩnh trở lại:
- Tôi đề nghị giáo sư cứ mổ cho nhà tôi. Còn một tia hy vọng thì cũng phải giành lấy để khỏi ân hận về sau này.
- Tôi sẽ trao đổi với Hội đồng chuyên môn về nguyện vọng của gia đình và anh Côn, chị Thường.
Sáng hôm sau ông Kim lên bàn mổ. Ngồi trước hàng ghế ở hành lang ngoài phòng mổ chỉ thiếu Tuyên bận đi nước ngoài và Dương ở Sài Gòn chưa ra kịp còn lại các con ông Kim đều có mặt. Ông Quốc, ông Dần được báo tin cũng xuống rất sớm. Chi ở liền một mạch từ lúc đưa ông Kim nhập viện. Từ ngày được điều lên làm Hội trưởng phụ nữ tỉnh, được dịp lui tới gần gũi ông Kim hàng ngày, Chi càng quý trọng ông. Một con người lúc nào cũng nghĩ đến công việc, đến cuộc sống rất cụ thể của người dân chứ chẳng dành riêng gì cho mình. Một lần Chi ra thăm ông tại nhà riêng, ngồi nói chuyện một lúc bỗng nhiên ông nói với Chi: “Độc lập, tự do tốn không biết bao nhiêu xương máu mà chúng ta đã lo cho dân được rồi. Vậy mà chỉ có một việc tưởng như chẳng khó khăn gì là nồi cơm của dân thì chúng ta chưa lo được. Mà chưa lo được nồi cơm của dân thì cái tiêu chí Độc lập tự do hạnh phúc của chúng ta chỉ mới làm được hai phần ba thôi cô ạ. Làm người lãnh đạo thấy dân đói mà chịu bó tay thì chẳng có gì đau khổ, buồn phiền hơn”. Có lẽ những suy nghĩ buồn phiền đó cứ ngấm dần mỗi ngày một ít làm cho sức khỏe của ông Kim suy kiệt không còn đủ sức để chống lại bệnh tật. Chi nhìn về phía cửa phòng mổ lo lắng:
- Không biết anh Kim có vượt qua được cơn thử thách này không. Tội anh ấy quá! Cả cuộc đời của anh ấy chỉ biết lo cho người khác chứ chẳng mấy khi nghĩ đến bản thân mình.
Bắc ngồi cạnh bà Thường nói giọng trách móc:
- Bố cháu lo nghĩ cho lắm vào rồi cuối cùng giống như dã tràng xe cát chứ có được gì đâu hả cô.
Ông Côn nói với Bắc:
- Có một cái được rất lớn mà không phải người lãnh đạo nào cũng có được, đó là lòng kính trọng, yêu mến và biết ơn của nông dân cháu ạ. Mọi chức quyền, vinh danh đều là những thứ phù du. Chỉ có niềm tin yêu mới là thứ tồn tại vĩnh viễn.
Giáo sư Tôn từ trong phòng mổ bước ra tháo găng tay và băng bịt miệng. Không hẹn mà mọi người đều đứng vụt dậy. Bà Lê hỏi giáo sư Tôn:
- Nhà tôi thế nào rồi anh?
Giáo sư Tôn nhìn qua mọi người một lượt bấy giờ mới nói chậm rãi:
- Chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng rất tiếc… tôi xin thành thật xin lỗi và chia buồn cùng gia đình. Bây giờ mọi người vào với anh ấy đi.
Bà Lê kêu lên hai tiếng “anh ơi” rồi khuỵu xuống.
Hà và Việt lao về phía phòng mổ gào lên:
- Bố đừng bỏ chúng con bố ơi!
Chi xốc nách kéo bà Lê đứng dậy dìu đi vào phòng mổ.
Ông Kim được phủ chiếc ga trắng, chỉ để hở mặt ra bên ngoài. Khuôn mặt gầy rộc nhưng vẫn lộ vẻ thanh thản. Bà Lê, Hà, Chi ôm lấy ông Kim khóc thảm thiết. Bà Thường đưa bàn tay run rẩy vuốt lên mái tóc ông Kim. Nước mắt bà giàn dụa. Bà nói nghẹn ngào:
- Sao vậy chú. Sao chú lại xa chị, xa gia đình, xa bà con bạn bè và xa nông dân. Họ đang còn chờ chú kia mà.
Chi nức nở:
- Anh ơi, mới tuần vừa rồi anh vừa bảo em hôm nào hai anh em về thăm bà con Gia Đạo kia mà. Em chưa kịp đưa anh đi thì anh đã vội đi rồi. Sao vậy anh.
Ông Côn đến cạnh bà Thường:
- Để chị Lê và các cháu ở đây với anh ấy. Chị, cô Chi và hai anh ra ngoài này ta bàn công việc một lát.
Bà Thường, Chi, ông Quốc, ông Dần đi theo ông Côn ra bên ngoài.
Ông Quốc hỏi:
- Có báo cho anh Trung Chính biết việc anh Kim mất không?
- Ta nên báo cho anh ấy một tiếng. Nghĩa tử là nghĩa tận.
Bà Thường nói giọng bức xúc:
- Nghĩa tình gì cái ông ấy. Chú Kim buồn phiền sinh ra đau ốm cũng chỉ vì cái chuyện ông ấy cấm khoán hộ.
- Chuyện cũ đã qua bốn, năm năm nay rồi, nhắc làm gì cho tủi vong hồn anh Kim hả chị.
- Tôi nhắc cho đến khi nào nông dân không còn đói khổ nữa mới thôi.
* * *
Bích nhận được điện thoại của Luận báo tin ông Hoàng Kim mất vào đầu giờ làm việc buổi chiều. Chiếc điện thoại trên tay Bích suýt rơi xuống đất. Bích triệu tập thường vụ đảng ủy họp đột xuất để thông báo tin buồn và thành lập đoàn đại biểu của xã Đạo Thắng đi lên viếng vào sáng sớm hôm sau rồi lấy xe đạp tất tưởi đạp về báo tin cho Ban quản trị Gia Đạo biết. Chẳng mấy chốc tin buồn lan đến mọi nhà. Bà Quê nghe Tế báo tin, khóc như mưa như gió. Ông ăn ở nhân nghĩa với bà con như vậy sao trời lại bắt ông bỏ bà con mà đi cơ chứ. Chẳng riêng gì bà Quê mà bà con nông dân Gia Đạo không khi nào quên ơn ông Kim. Từ chỗ đói nghèo thiếu ăn từng bữa, bây giờ nhà nhà không những đủ ăn mà còn làm được nhà cao cửa rộng. Đường từ Gia Đạo đến thị xã trên dưới năm mươi cây số, đi nhanh lắm cũng mất năm, sáu tiếng đồng hồ. Thấy bà con người nào cũng muốn về thị xã viếng và tiễn đưa ông Kim. Mơ, bây giờ là Chủ nhiệm Hợp tác xã bàn với lãnh đạo Ban quản trị dùng hai chiếc xe công nông chở những người già yếu, còn lại ai muốn đi thì đèo nhau bằng xe đạp. Nửa đêm bà con đã í ới gọi nhau tập trung ra sân Hợp tác để đi. Đến tờ mờ sáng cũng vừa đến nơi.
Trên đường đi, Lịch nói với Dậu:
- Nghe tin ông ấy mất tôi buồn và ân hận những việc làm không phải của mình trước đây quá ông ạ. Hôm qua tôi bị cảm nhưng vẫn cố đi để đến quỳ lạy trước vong linh ông ấy, xin ông ấy tha tội cho tôi ông ạ.
- Chuyện qua lâu rồi, ông còn nghĩ đến làm gì. Ông bí thư là người rất rộng lượng. Ông ấy biết chuyện ông vu cáo đấy nhưng yêu cầu không làm to chuyện để ông khỏi phải mang tiếng với bà con trong Hợp tác mà để ông tự suy nghĩ mà sửa mình thôi.
- Ông ấy càng rộng lượng thì tôi càng ân hận ông ạ.
Ông Cẩm than vãn:
- Người như ông ấy sao không sống được lâu lâu cho dân nhờ mà đi vội thế không biết.
Linh cữu ông Kim quàn ở trong hội trường ủy ban. Phía trước linh cữu đặt một cái bàn để tấm ảnh bán thân của ông Kim. Trong làn khói hương nghi ngút, đôi mắt kiên nghị, thông minh và nhân hậu của ông như nhìn vào một cõi xa xăm nào đó. Trên chiếc phông đỏ là chiếc băng rôn màu đen với dòng chữ trắng: Vô cùng thương tiếc đồng chí Hoàng Kim, nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh. Bên dưới chiếc phông, hàng chục vòng hoa của các cơ quan đoàn thể của tỉnh, của huyện. Có cả những vòng hoa mộc mạc giản dị của các vùng quê khác nhau về viếng. Từng đoàn đại biểu nối nhau vào thắp hương, tưởng niệm. Mấy mẹ con bà Lê khăn tang, áo sô đứng túc trực bên linh cữu. Chi và ông Dần tiếp nhận những vòng hoa đem đến viếng. Trên các nẻo đường đi vào thị xã, từng đoàn đại biểu của nông dân những vùng lân cận tiếp tục đổ về.
Vừa đặt chân đến hội trường ủy ban, bà Quê bước liêu xiêu đi đến nắm lấy tay Chi khóc nấc lên:
- Sao lại thế hả cô! Ông ấy ăn ở nhân đức như vậy sao trời phật không để cho ông ấy sống với bà con nông dân chúng tôi hả cô!
Chi an ủi:
- Ai cũng mong như vậy lắm bà ạ nhưng bệnh tình bác ấy nặng quá. Các bác sĩ đã cố hết sức để cứu bác ấy nhưng cũng không qua được.
Đoàn đại biểu Gia Đạo đứng thành hàng ngang trước linh cữu của ông Kim để mặc niệm. Dậu rút mấy nén hương châm rồi vái mấy cái, sau đó cắm vào bát hương.
Trong khi mọi người đứng tưởng niệm thì bà Quê đưa tay kéo hai đứa cháu của mình đến bên linh cữu ông Kim vừa khóc vừa kể lể:
- Ông ơi, ngày còn khốn khó, ông đưa tôi từ nhà ông về. Khi qua chợ ông mua cân thịt lợn cho mấy bà cháu tôi. Tôi bảo các cháu lạy ông để cám ơn. Ông cười bảo với mấy bà cháu tôi ông cho khất, chờ khi nào ông chết rồi lạy một thể. Mười năm nay tôi vẫn nhớ đến cái ân nghĩa ấy của ông nhưng chẳng biết lấy gì để đền đáp. Bây giờ ông cho mấy bà cháu tôi lạy ông mấy lạy để trả cái ơn ấy của ông ông ơi.
Bà Quê ngồi sụp xuống đất vừa khóc vừa lạy. Hai đứa con của Tế cao lộc ngộc cũng lạy theo bà.
Bà Lê bước đến ôm lấy bà Quê khóc nấc lên.
Ông Côn đi đến hỏi ông Quốc:
- Theo chương trình chỉ còn mười lăm phút nữa là đưa linh cữu của anh ấy lên xe mà bà con vẫn còn kéo đến viếng, tính sao đây anh?
- Ta cứ theo chương trình chứ chờ bà con đến viếng cho hết có khi phải kéo sang ngày thứ ba. Tỉnh đội đã chuẩn bị xe chở linh cữu chưa mà không thấy đâu cả?
- Xe đang đỗ ngoài kia. Sáng hôm qua tôi đã yêu cầu tỉnh đội cho sơn lại cho đàng hoàng, đồng thời cho kẻ vôi ở cả bốn bánh xe. Tôi vừa ra kiểm tra xong.
- Có khi anh cho đồng chí nào đó ra bảo đánh xe vào trong này rồi cho người chuyển dần các vòng hoa ra buộc xung quanh xe trước đi. Chủ yếu là các vòng hoa lớn. Còn những vòng hoa bé sẽ để cho bà con cầm.
Trong khi ông Côn và ông Quốc đang nói chuyện với nhau, một chiếc xe Mốt-cô-vích chạy vào cổng ủy ban. Hai người mặc com-lê màu đen ra khỏi xe. Nhận ra hai người vừa bước xuống, ông Quốc và ông Côn chạy ra đón.
Ông Ẩn trách:
- Các anh tệ quá! Anh Kim nằm viện mà chẳng hề báo cho chúng tôi lấy một lời để đến thăm. Đến khi anh ấy mất cũng không buồn báo.
Ông Côn thanh minh:
- Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với hai anh, mong hai anh thông cảm. Anh Kim đưa xuống bệnh viện cấp cứu được hai hôm thì mất. Nhanh quá, lại rơi vào cảnh tang gia bối rối nên cũng không còn nhớ để báo cho hai anh được.
Ông Quốc hỏi:
- Vì sao hai anh biết mà lên viếng anh Kim?
Ông Sắc đáp:
- Năm giờ chiều hôm qua anh Trung Chính gọi điện qua chỗ tôi hỏi có lên viếng anh Kim không để cho anh ấy gửi vòng hoa lên viếng, vì anh ấy có chuyến đi công tác đột xuất nên không lên được. Đến lúc ấy tôi mới biết anh Kim mất, liền gọi điện báo cho anh Ẩn hay. Cả hai chúng tôi đều sửng sốt.
Ông Côn bảo:
- Xin mời hai anh vào viếng anh Kim. Vòng hoa để đấy tôi và anh Quốc đưa vào cũng được.
- Để chúng tôi cùng đưa vào với các anh cho trang trọng.
Nói xong ông Ẩn quay lại bảo lái xe mở cốp xe lấy vòng hoa ra rồi cùng cầm với ông Côn đi vào hội trường.
Vòng hoa của ông Trung Chính nổi bật lên với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc anh Hoàng Kim.” Bên dưới là một dòng chữ nhỏ hơn: “Trung Chính kính viếng.”
Ông Ẩn, ông Sắc tưởng niệm xong đi đến cạnh bà Lê. Ông Ẩn nói giọng thương tiếc:
- Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc đến chị và các cháu. Vì biết tin quá chậm nên chúng tôi không đến nhìn mặt anh ấy được khiến chúng tôi buồn vô cùng.
- Mấy mẹ con tôi xin cám ơn hai anh đã chia sẻ với nhà tôi trong những lúc nhà tôi gặp trắc trở và bây giờ lại về chia tay vĩnh viễn với anh ấy. Tôi không nghĩ cuộc đời anh ấy long đong lận đận cho đến lúc chết.
- Anh ấy để lại cho đời nhiều lắm chị ạ. Chị xem bà con đến tiễn đưa anh ấy thì biết bà con thương tiếc anh ấy biết nhường nào. Không phải ai làm lãnh đạo cũng được bà con yêu mến và kính trọng như anh ấy đâu.
Chiếc xe chở linh cữu ông Kim chạy chầm chậm trên đường. Dòng người tiễn đưa ông rồng rắn nối theo sau. Không kèn trống cờ quạt, chỉ có những tấm lòng thương tiếc theo ông đến nơi ông an nghỉ cuối cùng. Cả cuộc đời ông phần lớn dành cho đất đai, cây cỏ của dân, giờ đây đất đai cây cỏ ôm ông vào lòng.
Mộ ông Hoàng Kim bình dị nằm lẫn vào trong bao nhiêu ngôi mộ khác trên một quả đồi cách thị xã Phước Vĩnh không xa. Trong những vòng hoa phủ kín ngôi mộ của ông, những vòng hoa của bà con nông dân với những bông hoa hái ở vườn nhà, đồi núi với bao hương sắc hương đồng cỏ nội gắn với những tên đất, tên làng thân thuộc Gia Đạo, Cao Sơn, Hồng Vân, Thạch Lôi, An Bình, An Lưu, Yên Châu… Những tên đất tên làng một thời gắn với không biết bao nhiêu công sức nhọc nhằn, bao nỗi đau dằn vặt của ông để cho nông dân có được một cuộc sống no đủ. Phủ trong những vòng hoa, một tấm bia bằng gỗ cũng đơn sơ giản dị với dòng chữ màu đen: Mộ phần ông Hoàng Kim – Nguyên bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh. Sinh ngày 10-8-1917. Tạ thế ngày 10-5-1979. Hưởng thọ 62 tuổi.
Sáu mươi hai tuổi! Cuộc đời quá ngắn ngủi của một CON NGƯỜI.
Bà Lê và Dương ngồi trầm mặc bên cạnh mộ đưa mắt nhìn đăm đăm vào cánh đồng chạy quanh chân đồi. Cánh đồng chiều xơ xác. Nắng nhạt nhòa trong hương khói.
Một con cò từ giữa ruộng lúa bất thần cất cánh bay lên. Mảnh mai, đơn độc.
Cánh cò liêu xiêu mỗi lúc một xa dần rồi lẫn vào trong ánh nắng vàng vọt cuối chiều đang trôi dần vào hoàng hôn.
Thành phố Vĩnh Yên tháng 9-2007
Nghĩa Tân - Hà Nội tháng 7-2009
HẾT