Số lần đọc/download: 3681 / 152
Cập nhật: 2017-05-10 22:12:22 +0700
Arxen Lupanh Bị Tóm Lần Thứ Hai
M
ới tám giờ, mười hai chiếc ôtô chở đồ dọn nhà đã đỗ chật phố Crơvô, nằm giữa đại lộ Boa đơ Bulônhơ và đại lộ Bugiê. Ông Phêlích Đêvy rời căn hộ của ông ở lầu bốn số nhà 8. Và ông Đubrơi, một tay sành sỏi, đã gộp tầng năm của ngôi nhà số 8 ấy với tầng năm của hai ngôi nhà ở sát hai bên làm một, cùng ngày - một sự ngẫu nhiên thuần tuý vì hai ông không quen nhau - cho chuyển đi những bộ sưu tập đồ cổ mà rất nhiều khách nước ngoài thường xuyên đến thăm.
Có một chi tiết mà dân phố nhận thấy, mãi sau này người ta mới bàn tán đến, là cả mười hai chiếc xe ấy không một xe nào mang tên và địa chỉ hãng vận tải và không một người áp tải nào la cà trong những quầy bán rượu lẻ quanh phố. Họ làm việc cần cù nên tới mười một giờ mọi việc đã xong xuôi. Trong những căn phòng trống rỗng chỉ còn rớt lại những đống giẻ rách và giấy vụn.
Ông Phêlích Đêvy một người trẻ tuổi lịch sự, ăn mặc đúng mốt nhưng lại cầm ở tay một cái gậy luyện tập khá nặng chứng tỏ người sở hữu phải có sức khoẻ như thế nào. Ông Phêlích Đêvy bước đi thung dung, ngồi xuống một cái ghế dài công cộng trên lối đi cắt ngang đại lộ Boađơ Bulônhơ, đối diện với phố Pécgôleđơ. Ngồi gần ông là một người đàn bà ăn mặc bình thường đang đọc báo, trong khi đó một đứa bé chơi đào bới cát bằng một cái xẻng tí tẹo.
Một lát sau, ông Phêlích không quay đầu lại, nói với người đàn bà:
- Ganimar thế nào?
- Dạ, đi từ chín giờ sáng ạ.
- Đi đâu?
- Lão đi đến sở Cẩm.
- Một mình à?
- Vâng.
- Đêm qua không có điện báo gì chứ?
- Không ạ.
- Người nhà vẫn tin tưởng chị chứ?
- Dạ, vẫn ạ! Tôi giúp bà Ganimar làm những việc vặt, bà ấy kể hết cho tôi công việc của ông chồng... Chúng tôi vừa ngồi chuyện trò với nhau sáng nay.
- Tốt! Hàng ngày đúng mười một giờ, chị tiếp tục đến đây cho tới khi có lệnh mới!
Ông Phêlích Đêvy đứng dậy và đi đến quán ăn tàu ở gần cửa Ô Đôphin gọi một bữa ăn thanh đạm: hai quả trứng, rau và quả, ăn xong ông quay trở lại phố Crôvô và nói với người gác cửa:
- Tôi lên ngó một tý rồi trao trả bác chìa khoá.
Nơi cuối cùng ông Phêlích Đêvy đáo thăm là căn phòng làm việc của ông. Ông nắm lấy đầu một đường ống dẫn khí đốt mà khuỷu ống có khớp cử động được, treo lủng lẳng dọc lò sưởi, mở cái nắp bằng đồng bịt miệng ống, đặt vào đấy một dụng cụ hình một cái kèn rồi ghé miệng thổi.
Một tiếng còi khẽ đáp lại. Nâng ống lên miệng, ông Đêvy thì thầm:
- Thế nào Đubrơi? Không có ai chứ?
- Không ạ.
- Tôi lên được không?
- Được ạ.
Ông Đêvy đặt ống vào vị trí cũ, tự nhủ:
- Nền tiến bộ sẽ đi đến đâu? Thời đại ngày nay đầy rẫy những phát minh nho nhỏ làm cho cuộc sống thực sự tươi đẹp và thú vị. Và vui nữa chứ! Nhất là khi người ta biết những vui sống như ta. Đêvy xoay một đường chỉ đá hoa của lò sưởi, cả phiến đá hoa động đậy và tấm gương gắn trên phiến đá bỗng trượt trên những đường soi kín đáo, để lộ một lỗ toang hoác với những bậc đầu của một cầu thang xây ẩn bên trong ống khói lò sưởi. Toàn bộ công trình sạch như lau như ly ấy bằng gang đánh bóng loáng và gạch men trắng bong.
Đêvy bước lên cầu thang, tới tầng năm: cũng một lỗ của như vậy mở ra ngay trên lò sưởi, ông Dubrơi đang đứng chờ.
- Ở chỗ anh xong chưa?
- Xong ạ.
- Gọn gàng hết rồi chứ?
- Hoàn toàn ạ.
- Lính tráng ra sao?
- Dạ tôi chỉ giữ lại ba người để canh gác.
- Ta lên xem.
Người nọ sau người kia, họ cùng nhau theo cầu thang bí mật ấy đi lên tầng gia nhân, bước vào một buồng sát mái. Một gã người ở đang đứng nhìn ra cửa sổ, hai gã tới trình diện.
- Không có gì mới chứ?
- Thưa ông chủ, không ạ.
- Ngoài phố vẫn yên tĩnh?
- Dạ tuyệt đối ạ!
- Còn mười phút nữa, tôi sẽ mãi mãi đi khỏi dây. Các anh cũng sẽ đi. Từ giờ đến lúc ấy, có một tí gì khả nghi ở trong phố, báo cho tôi biết ngay.
- Thưa ông chủ, ngón tay của tôi luôn đặt trên nút chuông báo động.
- Anh Đubrơi, anh có bảo những người dọn nhà không được động đến những dây chuông này không đấy?
- Dạ, có ạ. Chuông kêu tốt lắm!
- Vậy thì được.
Hai người lại trở xuống phòng làm việc của Phêlích Đêvy. Sau khi đã chỉnh lại đường chỉ đá hoa, Đêvy vui vẻ nói:
- Anh Đubrơi, tôi muốn được nhìn thấy bộ mặt sửng sốt của những người bỗng dưng phát hiện tất cả những kỹ xảo tuyệt diệu này: chuông báo động, hệ thống dây điện và ống nghe, những lối đi bí mật, những ván sàn di động, những cầu thang trong ống khói lò sưởi... Đúng là một hệ thống máy móc thần tiên!
- Thiên hạ sẽ tha hồ mà khiếu nại Arxen Lupanh!
- Ồ! kệ xác họ. Có điều là phải bỏ những máy móc này mà đi thì tiếc thật.
- Lại phải làm lại từ đầu, Đubrơi ạ! Tất nhiên theo một kiểu mới vì không nên lặp lại cái cũ. Hừ! Thằng cha Héclốc đáng nguyền rủa!
- Tay Héclốc không trở lại chứ ạ?
- Trở lại thế nào được! Ở Xamthaoxơn, con tàu biển chở khách duy nhất rời cảng lúc mười hai giờ đêm. Ở Hayrơ chỉ có một chuyến xe lửa khởi hành lúc tám giờ đến Pari vào mười một giờ mười phút. Những chỉ thị trao cho thuyền trưởng tàu Con Én là rõ ràng nên chắc chắn Héclốc sẽ nhỡ tàu. Y chỉ có thể đi theo đường qua Niuhayen và Điép, như vậy chiều nay mới tới được đất Pháp.
- Giả dụ y quay lại thì sao?
- Héclốc Sôm không bỏ cuộc đâu. Y sẽ quay trở lại, nhưng lúc ấy thì đã muộn rồi. Chúng ta đã cao chạy xa bay!
- Còn tiểu thư Đêtănggiơ ạ?
- Một giờ nữa, tôi sẽ đi gặp nàng.
- Ở nhà tiểu thư ạ?
- Ồ! Không, nàng chỉ trở về nhà khi hết phong ba bão tố, khi tôi không phải lo lắng gì cho nàng... vài hôm nữa thôi. Nhưng anh Đubrơi này, anh phải nhanh tay lên, khuân hết hành lý của chúng ta xuống thuyền cũng lâu đấy. Nhất thiết phải có mặt anh ở kè sông mới được.
- Sếp có chắc chúng ta không bị theo dõi không?
- Ai theo dõi? Tôi chỉ sợ thằng cha Héclốc Sôm thôi.
Đubrơi rút lui. Phêlích Đêvy đáo quanh một vòng cuối cùng, lượm hai ba lá thư đã bị xé vương dưới đất. Bỗng nhìn thấy một mẩu phấn, Đêvy bèn nhặt lên, vạch lên nền sẫm của giấy dán tường buồng ăn một khung hình chữ nhật, rồi viết vào giữa như ngươi ta thường ghi trên một bảng kỷ niệm.
NƠI ĐÂY ĐÃ TRÚ NGỤ, SUỐT NĂM NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX - ARXEN LUPANH CHÀNG TRỘM HÀO HOA PHONG NHÃ!”
Mấy chữ tếu ấy, hình như làm Đêvy hài lòng lắm. Chàng vừa xoa tay đứng ngắm vừa vui vẻ huýt sáo miệng:
- Giờ đây, thủ tục đối với các nhà sử học của hậu thế đã làm xong, ta chuồn thôi. Bác Héclốc Sôm ơi, ba chân bốn cẳng lên! Kẻo ba phút nữa ta sẽ vù khỏi nơi hang ổ này và bác sẽ thua hoàn toàn đấy. Còn hai phút nữa, bác làm ta phải nóng lòng chờ đợi! Một phút nữa! Thế bác không lại thật à? Thôi được, để ta công bố sự thất bại của Héclốc Sôm và khúc ca khải hoàn của Arxen Lupanh rồi phới thôi! Vĩnh biệt vương quốc của Arxen Lupanh! Ta không còn gặp lại người nữa! Vĩnh biệt năm mươi lăm phòng của sáu căn hộ mà ta đã trị vì. Vĩnh biệt căn buồng nhỏ, căn buồng khô khan của ta!
Bỗng tiếng chuông vang lên cắt đứt dòng cảm hứng trữ tình của chàng, tiếng chuông chói tai, gấp gáp, gay gắt, ngừng hai lần, réo hai lần rồi ngắt hẳn. Đó là tiếng chuông báo động!
Có chuyện gì vậy! Nguy hiểm bất ngờ à? Hay là Ganimar? Không thể thế được!
Chàng toan về văn phòng để trốn đi, nhưng... phải ngó ra cửa sổ cái đã. Không có ai cả! Phải chăng kẻ thù đã vào trong nhà rồi? Chàng lắng nghe và hình như thấy loáng thoáng có tiếng ồn ào! Không lưỡng lự nữa, chàng bèn chạy ù về phòng làm việc và đúng lúc bước qua ngưỡng cửa, chàng nghe rõ tiếng chìa khoá lạch cạch trong ổ khoá cửa phòng ngoài.
- Quái nhỉ? - Chàng thốt lên, - không thể chần chừ được nữa rồi! Có lẽ nhà đã bị bao vây! Cầu thang sau nhà vậy! Không kịp! May mà có cái lò sưởi...
Chàng đẩy mạnh đường chỉ đá hoa của lò sưởi, không thấy nhúc nhích! Chàng gắng sức đẩy mạnh hơn nữa: vẫn không nhúc nhích!
Những ngón tay của chàng co giật xung quanh đường chỉ đá hoa. Chàng đè cả người lên nhưng khối đá vẫn trơ trơ không động đậy. Chịu! Do một sự rủi ro không thể tin được, do sự độc ác dễ sợ của định mệnh, máy móc của cánh cửa bí mật vừa mới đây vẫn đóng mở trơn tru nay bỗng dưng giở quẻ không chạy nữa.
Chàng dốc hết sức, co quắp cả người lại, khối đá hoa vẫn ỳ ra, bất di bất dịch. Mẹ kiếp! Làm sao có thể chấp nhận cái vật chướng ngại ngớ ngẩn này lại ngăn được lối chàng đi. Chàng hung hăng đấm bình bịch vào khối đá! Chàng nguyền rủa...
- Sao đấy ông Lupanh? Có cái gì trục trặc không ăn ý à?
Lupanh quay phắt lại, run lên vì kinh hãi: Héclốc Sôm đang đứng trước mặt chàng.
Héclốc Sôm! Chàng nheo mắt nhìn y như khó chịu vì một ảo ảnh ác độc. Héclốc Sôm ở Pari! Héclốc Sôm mà hôm qua chàng đã gửi về đất Anh như tống khứ một kiện hàng nguy hiểm, nay đang đứng sừng sững trước mặt chàng, đắc thắng và tự do! Chà! Để cho các điều kỳ lạ thêm vô lý ấy thành hiện thực trái với ý của Arxen Lupanh, phải có một sự đảo lộn với những quy luật tự nhiên, sự thắng lợi của tất cả những cái phi lôgic và khác thường nhất. Hừ! Héclốc Sôm ở ngay trước mặt chàng!
Lần này đến lượt tay thám tử người Anh nói với Lupanh với cái giọng mà chàng vẫn dùng để quất vào mắt y khinh khỉnh, mỉa mai tuy hết sức lịch sự.
- Thưa ông Arxen Lupanh, tôi hân hạnh báo để ông biết kể từ giờ phút này, tôi sẽ mãi mãi quên đi cái đêm mà tôi được ông ân cần chiêu đãi tại biệt thự của nam tước Hôtơrếch, quên đi những điều rủi ro đã đến với ông bạn Uynxơn của tôi, quên đi các chuyện tôi bị bắt cóc trên ôtô cũng như chuyến du lịch bằng tàu biển, bị trói chặt theo lệnh của ông, trên một cái ghế nằm không lấy gì làm tiện nghi cho lắm. Thưa ông, giây phút này xoá đi tất cả! Tôi sẽ không nhớ gì hết nữa. Tôi đã được đền bù. Vâng! Được đền bù một cách đế vương!
Lupanh vẫn im lặng, Héclốc nói tiếp:
- Sao, ông Arxen Lupanh? Ý kiến của ông thế nào?
Héclốc Sôm cố ý nhấn mạnh câu hỏi như yêu cầu một sự đồng ý, một loại biên lai đối với quá khứ!
Arxen Lupanh trầm ngâm suy nghĩ. Trong khi đó anh chàng thám tử người Anh cảm thấy bị soi mói dò xét tận đáy lòng. Cuối cùng Lupanh lên tiếng:
- Thưa ông Héclốc Sôm, phải chăng cách cư xử hiện giờ của ông bắt nguồn từ những lý do nghiêm túc?
- Cực kỳ nghiêm túc ông Lupanh ạ!
- Việc ông thoát khỏi tay thuyền trưởng và thuỷ thủ của tôi chỉ là một việc phụ trong cuộc đọ sức của chúng ta. Nhưng việc ông có mặt một mình, ông nghe chưa, một mình trước Arxen Lupanh khiến tôi nghĩ là sự trả thù của ông trọn vẹn hết chỗ nói đấy!
- Vâng, đúng vậy!
- Thưa ông, thế ngôi nhà này?
- Bị vây chặt rồi.
- Hai nhà bên cạnh thì sao ạ?
- Cũng vậy.
- Còn căn hộ ở gác trên?
- Cả "BA" căn hộ tầng năm của ông Đubrơi cũng bị vây chặt.
- Đại để là...
- Đại để là ông đã bị bắt, bị bắt mà không vãn hồi được, ông Lupanh ạ!
Những cảm giác của Héclốc Sôm trong chuyến đi dạo bằng ôtô như thế nào thì nay lại đến với Arxen Lupanh. Cũng cơn giận điên người, cũng sự phẫn nộ tột độ và chung quy cũng một lòng trung thực như thế đã khiến chàng phải rạp mình dưới sức mạnh của những sự việc, cả hai đối thủ đều mạnh nên họ cũng phải chấp nhận sự thất bại như nhau, xem đó là một cái nạn tạm thời mà người ta phải cam chịu.
- Ông Héclốc Sôm này, - Arxen Lupanh nói rành rọt, - chúng ta xong nợ nhé!
Tay thám tử người Anh có vẻ khoái về lời thú nhận ấy lắm. Hai người im lặng. Một lát, Lupanh đã làm chủ được mình, tươi cười nói:
- Bác Héclốc Sôm này, ấy thế mà tôi không bực mình về chuyện ăn thua đâu! Lần nào cũng được, cũng thắng thì chán chết! Lúc ấy tôi chỉ vươn tay đã trúng giữa ngực bác. Nhưng lần này lại là tôi bị. Ha! Ha! Ha! -
Arxen Lupanh cười vui vẻ.
- Kể cũng vui thật! Lupanh bị sa lưới! Làm sao thoát được bây giờ nhỉ? Bị sa lưới! Chuyện ly kỳ thật! Chà, bác Héclốc này, bác làm tôi xúc động quá! Cuộc sống là thế đấy!
Chàng ấn hai nắm tay vào thái dương như để cố nén những niềm vui lộn xộn đang lồng lên trong lòng. Cuối cùng chàng lại gần Héclốc Sôm và nói:
- Này, bây giờ ông còn chờ đợi gì nữa hả?
- Ông hỏi chờ cái gì ấy à?
- Phải, Ganimar và lính của lão đang ở ngoài kia. Sao lão không vào đây?
- Tôi yêu cầu thế?
- Lão cũng nghe à?
- Tôi chỉ yêu cầu ông ấy giúp với điều kiện theo sự điều khiển của tôi. vả lại ông ấy tưởng ông Phêlích Đêvy chỉ là một tòng phạm của Lupanh.
- Nếu vậy tôi xin hỏi lại ông: tại sao ông vào đây có một mình?
- Tôi muốn trước hết nói chuyện với ông!
- À, ông muốn đàm phán à?
Lupanh xem ra đặc biệt khoái cái ý kiến ấy. Cũng có những trường hợp người ta thích đàm hơn thích chiến!
- Thưa ông Héclốc, tôi lấy làm tiếc không có ghế để mời ông, xin ông vui lòng ngồi tạm xuống cái hòm vỡ này, hay mời ông ghé lên bậu cửa sổ vậy, kể ra có một vại bia thì hay quá... Nhưng kìa, mời ông ngồi xuống đi chứ!
- Không cần, ta nói chuyện thôi.
- Tôi nghe đây.
- Tôi sẽ nói ngắn. Mục đích những ngày của tôi ở Pháp không phải để bắt ông. Nếu tôi cứ phải đuổi theo ông là vì không còn cách nào khác để đạt mục đích chính của tôi.
- Mục đích chính của ông là gì?
- Là tìm lại viên kim cương xanh!
- Viên kim cương xanh à?
- Chắc là thế vì viên kim cương tìm thấy trong lọ xà phòng bột của ông lãnh sự Blaikhen là viên giả.
- Đúng. Viên kim cương thật đã được người Đàn bà tóc hoe gửi đi. Tôi đã cho sao lại đúng như thật, vả lại, tôi còn nhiều ý định đối với những đồ nữ trang khác của bà bá tước, hơn nữa ông lãnh sự đã bị tình nghi nên người Đàn bà tóc hoe đã thừa cơ gửi viên kim cương giả ấy vào trong hành lý của ông lãnh sự.
- Trong khi chính ông giữ viên thật.
- Tất nhiên rồi...
- Nhưng tôi lại đang cần viên kim cương thật ấy, ông Lupanh ạ.
- Không thể được! Tôi rất lấy làm tiếc, ông Héclốc ạ!
- Tôi đã trót hứa với nữ bá tước Đơ Crôgiông. Tôi sẽ có viên kim cương ấy.
- Làm sao ông có được vì nó đang ở trong tay tôi.
- Chính vì thế mà tôi sẽ có.
- Tôi sẽ tặng ông chắc?
- Phải.
- Một cách tự nguyện ấy à?
- Tôi sẽ mua viên kim cương xanh của ông!
Arxen Lupanh bật cười.
- Ông đúng là một người Anh thứ thiệt! Ông coi đây là một áp phe à?
- Vâng! Đó là một áp phe.
- Thế ông sẽ tặng lại tôi cái gì?
- Sự tự do của tiểu thư Clôtiđơ Đêtănggiơ.
- Tự do của nàng à? Nhưng thưa ông Héclốc, nàng có bị bắt đâu?
- Tôi sẽ cung cấp cho Ganimar những chỉ dẫn cần thiết. Mất sự bảo vệ của ông, tiểu thư cũng sẽ bị bắt ngay.
Lupanh lại cười ồ lên.
- Ông Héclốc thân mến, ông định tặng tôi cái mà ông không có. Tiểu thư Đêtănggiơ đang được an toàn và chẳng sợ gì cả. Tôi yêu cầu cái khác.
Tay thám tử lưỡng lự, hơi đỏ mặt vì lúng túng. Bỗng y đặt tay lên vai đối thủ và nói:
- Nếu tôi đề nghị...
- Sự tự do của tôi ấy à?
- Không... nhưng thế này... tôi có thể ra khỏi phòng để bàn tính với Ganimar...
- Và để mặc tôi ở lại suy nghĩ?
- Phải.
- Ồ! Lạy Chúa, như thế để làm gì cơ chứ? Cái máy móc quỷ tha ma bắt này có chạy nữa đâu! - Lupanh vừa nói vừa cáu kỉnh ủi vào đường chỉ đá hoa của lò sưởi.
Arxen Lupanh cố nén một tiếng kêu sửng sốt. Sự đời lắm lúc cũng ỡm ờ. Không hiểu sao các vận may tưởng là tuyệt vọng bỗng dừng lại, quay về với Lupanh, khối đá hoa của lò sưởi tự nhiên nhúc nhích dưới bàn tay của chàng.
Thoát rồi! Thế là chuồn được rồi! Vậy thì cần cóc gì phải tuân theo điều kiện của Héclốc Sôm nữa!
Arxen Lupanh đi ngang đi dọc trong phòng như thể trù tính câu trả lời. Cuối cùng chàng đặt tay lên vai Héclốc và nói:
- Tôi đã cân nhắc kỹ rồi, ông Héclốc Sôm ạ. Công việc của tôi, tôi sẽ tự giải quyết lấy.
- Nhưng...
- Không, tôi chẳng cần ai cả.
- Ông Lupanh này, Ganimar mà tóm được ông ấy à, coi như xong đời! Đừng hòng lão thả ông ra!
- Biết đâu đấy.
- Ông Lupanh, ông điên mất rồi! Mọi lối ra đều bị canh gác.
- Không đâu, còn một lối ông ạ.
- Lối nào vậy?
- À, lối mà tôi sẽ chọn!
- Xạo! Ông Lupanh, coi như ông đã bị bắt rồi đấy!
- Đâu có, ông Héclốc!
- Vậy là...
- Vậy là tôi vẫn giữ viên kim cương xanh.
Héclốc Sôm rút đồng hồ.
- Ba giờ kém mười. Đúng ba giờ tôi gọi Ganimar.
- Hay quá! Còn những mười phút nữa để chuyện trò. Đừng bỏ phí, ông Héclốc ạ. Này, ông làm ơn cho biết ông làm thế nào "tầm" được địa chỉ và cái tên Phêlích Đêvy của tôi, thú thực tôi tò mò muốn chết!
Thấy Arxen Lupanh tỏ ra vui vẻ như không, Héclốc Sôm đâm lo ngại. Y chăm chú theo dõi chàng. Nhưng rồi như được gãi đúng chỗ ngứa y bèn đáp:
- Địa chỉ của ông ấy à? Tôi moi dược ở người Đàn bà tóc hoe.
- Ở Clôtiđơ ấy à?
- Phải. Ông có nhớ sáng hôm qua... khi tôi định bắt tiểu thư... nàng dã gọi dây nói cho bà thợ may.
- Đúng thế.
- Về sau tôi hiểu ra bà thợ may ấy chính là ông. Và đêm đó ở dưới tàu Con Én do cố gắng động não tôi đã khôi phục lại được hai chữ cuối của số điện thoại của ông... Đó là số 73. Với bản đanh sách những ngôi nhà "trùng tu", mười một giờ sáng hôm nay ngay khi đặt chân tới Pari tôi đã dễ dàng tìm được tên và địa chỉ của ông Phêlích Đêvy trong danh bạ điện thoại. Lúc ấy tôi chỉ việc nhờ Ganimar giúp một tay.
- Tuyệt diệu! Xin bái phục! Nhưng ông Héclốc này, ông đã từ Hayơ về đây bằng xe lửa, tôi không hiểu như vậy ông làm cách nào đế trốn khỏi tàu Con Én?
- Tôi có trốn đâu!
- Nhưng...
- Ông đã ra lệnh cho thuyền trưởng đúng một giờ sáng mới được cập bến Xaothamxơn. Thế nhưng họ đã cho tôi lên bờ lúc nửa đêm. Do đó tôi kịp đáp chuyến tàu chở khách vượt biển Măngsơ đi Hayơ.
- Tay thuyền trưởng đã phản bội tôi! Vô lý!
- Ông ấy có phản bội đâu!
- Ông Héclốc, ông nói khó hiểu quá!
- Có gì đâu, chung quy do cái đồng hồ của ông ấy thôi.
- Do cái đồng hồ của thuyền trưởng?
- Vâng, chả là tôi vặn đồng hồ nhanh lên một giờ.
- Vặn thế nào?
- À, như mọi cái đồng hồ bình thường, tôi vặn vào cái núm. Hai chúng tôi hàn huyên với nhau, ông ấy ngồi cạnh tôi. Tôi kể những chuyện khiến ông ấy hứng thú. Ông Lupanh, ông hãy tin ở tôi, ông ấy chẳng hay biết gì cả.
- Hoan hô! Ông chơi được đấy. Nhưng còn cái đồng hồ quả lắc treo trên vách cabin.
- À, với cái đồng hồ treo thì khó hơn vì chân tôi bị trói. Nhưng anh chàng thuỷ thủ trông tôi thay cho thuyền trưởng những lúc bận rộn lại sẵn sàng dùng ngón tay cái xoay kim đi một vòng.
- Hắn mà chịu nghe lời ông à? Xin lỗi ông đi.
- Ồ! Hắn có biết cử chỉ của hắn quan trọng đến thế đâu. Tôi bảo hắn là tôi rất cần đáp chuyến tàu hoả đầu tiên đi Luân Đôn... và thế là hắn đồng ý.
- Với điều kiện...
- Với điều kiện một tặng phẩm nho nhỏ mà con người vốn tốt bụng ấy có ý định chuyển tới ông một cách trung thực.
- Ông cho hắn cái gì?
- Ồ, có gì đâu.
- Nhưng cụ thể là cái gì mới được chứ?
- À, tôi cho hắn viên kim cương xanh.
- Viên kim cương xanh!
- Vâng, viên kim cương xanh giả ấy mà, cái viên mà ông đánh tráo lấy viên thật ấy! Nữ bá tước Đơ Crôgiông đã đưa cho tôi viên kim cương giả đó.
Arxen Lupanh bỗng cười phá lên, cười đến chảy nước mắt:
- Lạy Chúa! Khôi hài thật: Viên kim cương giả của tôi đưa lại cho tay thuỷ thủ. Cái đồng hồ của thuyền trưởng. Những cái kim đồng hồ quả lắc.
Héclốc Sôm chưa bao giờ thấy cuộc đọ sức giữa y và Arxen Lupanh lại kịch liệt đến thế. Với bản năng kỳ diệu, Héclốc Sôm đoán dưới cái vui thái quá ấy đang diễn ra một sự tập trung tư tưởng ghê gớm, một sự thu thập toàn bộ năng lực.
Lupanh xán lại gần Héclốc. Tay thám tử người Anh bỗng lùi lại, lơ đễnh đút tay vào túi áo.
- Thưa ông Lupanh, đã ba giờ rồi.
- Ba giờ rồi cơ à? Tiếc quá nhỉ, đang vui!
- Tôi đang chờ ông trả lời.
- Ông chờ tôi trả lời ấy à? Lạy Chúa, ông khó tính gớm! Thế là tàn cuộc hả ông? Sự tự do của tôi phụ thuộc vào cái được thua này đây. Thôi được, ông Héclốc Sôm, ông xuống bài trước đi, ông ra quân gì?
- Tôi ra quân Tây, - Héclốc nói, - bằng cách một phát súng chỉ thiên!
- Tôi ra cái... Đấm! - Lupanh vừa nói vừa vung tay về phía tay thám tử người Anh.
Héclốc Sôm nổ súng lên trời gọi Ganimar vừa lúc quả đấm của Lupanh thụi trúng bụng y. Héclốc Sôm tái mặt, lảo đảo, thoắt một cái Lupanh đã nhảy tới bên lò sưởi, khối đá hoa đã nhúc nhích. Nhưng muộn rồi! Cửa bỗng bật mở.
- Lupanh! Giơ tay lên! Nếu không...
Lupanh không ngờ Ganimar lại sấn tới nhanh đến thế, súng ngắn lăm lăm chĩa vào ngực chàng. Đằng sau ông chánh thanh tra lố nhố chen chúc hơn hai chục cảnh sát, toàn những gã người chắc nịch và không đắn đo nếu chàng tỏ vẻ kháng cự.
Arxen Lupanh rất bình tĩnh phác một cử chỉ và nói:
- Arxen Lupanh hạ cẳng chân xuống và xin đầu hàng!
Nói đoạn, chàng khoanh tay trước ngực.
Tất cả sững sờ! Trong căn phòng trống rỗng không đồ đạc, không rèm của, tiếng nói của Arxen Lupanh kéo dài như một tiếng vọng "Xin đầu hàng!". Lời nói sao mà khó tin! Người ta trông chờ chàng sẽ biến đi một lần nữa trước mũi các thầy cảnh sát qua một cánh cửa sập hay một mảng tường nào đó, bất thình lình toác ra. Ấy thế mà chàng lại đầu hàng.
Ganimar bước tới, trong lòng hết sức cảm động! Thầy từ từ đặt tay lên vai đối thủ, rồi trịnh trọng tuyên bố:
- Arxen Lupanh! Anh đã bị bắt!
- Úi chà! Lupanh nói, ông làm tôi xúc động quá, ông Ganimar ạ. Mà sao trông ông sầu thảm như đang đọc điếu văn thế? Thôi này, ông có thể bỏ cái bộ mặt đưa đám được rồi đấy!
- Arxen Lupanh! Anh đã bị bắt!
- Ông Ganimar, điều đó làm ông ngạc nhiên lắm hả? Nhân danh pháp luật, chánh thanh tra Ganimar bắt giữ Arxen Lupanh độc ác. Chà! Giây phút lịch sử. Quan trọng thật đấy! Và đây là lần thứ hai một việc như thế lại diễn ra. Hoan hô Ganimar! Ông sẽ tiến xa nữa trên đường công danh đấy!
Nói đoạn chàng chìa hai tay ra cho cảnh sát còng vào.
Đó là một sự kiện được tiến hành một cách khá long trọng. Xưa nay do hận thù với Lupanh, các thầy cảnh sát vốn chỉ thô bạo và gay gắt. Nhưng không hiểu sao lần này các thầy bỗng dưng hành động một cách hết sức dè dặt. Các thầy rất kinh ngạc khi mó được vào con người vốn bất khả xâm phạm ấy!
- Tội nghiệp Lupanh! - Chàng thở dài nói, - không hiểu khi trông thấy người bị nhục thế này, bạn bè của người ở ngoại ô cao quý sẽ bảo sao?
Chàng tách hai cổ tay ra với một lực kéo liên tục ngày càng tăng của cơ bắp. Những mạch máu ở trán chàng căng phồng lên. Những mắt xích sắt lấn sâu vào trong da thịt của chàng.
- Đứt này! - Chàng nói.
Sợi xích bỗng đứt tung ra.
- Này ông Ganimar, xin ông một sợi xích khác. Sợi này tồi quá. Một cảnh sát vội đem tới hai đoạn xích và lồng vào cổ tay của Lupanh.
- Tốt lắm! - Chàng gật gù nói. - cẩn thận quá!
Arxen đếm nhẩm số cảnh sát đang vây quanh rồi nói:
- Các bạn có tất cả bao nhiêu người hả? Hai mươi lăm? Ba mươi à? Đông quá nhỉ! Thế thì chịu rồi! Chà, giá mà chỉ có độ mười lăm thôi...
Arxen Lupanh ra dáng lắm, cái dáng của một nghệ sĩ lớn theo bản năng và sự cao hứng, sắm vai một cách xấc láo và phóng túng. Héclốc Sôm nhìn chàng như ngắm một phong cảnh mà người ta đánh giá được hết những sắc thái và những vẻ đẹp của nó. Thực ra y có cái cảm giác ky lạ, cuộc đọ sức là cân bằng giữa một bên ba mươi người được cả bộ máy kinh khủng của tổ chức tư pháp làm hậu thuẫn và một bên là một người tay bị xích và không vũ khí. Ấy vậy mà hai bên không hơn gì nhau.
- Thế nào bác Héclốc Sôm, - Arxen Lupanh nói, - kết quả của bác đấy! Nhờ có bác, lần này Lupanh sẽ mọt gông trong tù. Bác hãy thú thực bác đang bị hối hận dằn vặt, đang bị lương tâm cắn rứt!
Mặc lòng, Héclốc Sôm vẫn nhún vai, ra chiều bảo rằng: "Cái đó tuỳ thuộc vào ông".
- Không! Không đời nào! - Lupanh kêu lên. - Trao cho ông viên kim cương xanh ấy à? Không, ông bạn người Anh ạ! Tôi đã bỏ bao công sức mới được. Tôi không nhả ra đâu! Có lẽ tháng sau, khi có dịp hân hạnh tới thăm ở Luân Đôn, tôi sẽ nói cho ông rõ nguyên nhân... Nhưng tháng sau, ông có mặt ở Luân Đôn không? Hay ông lại đi Viên, đi Pêtexbua?
Arxen Lupanh bỗng giật mình. Bất thình lình một hồi chuông vang lên ở trên trần. Không phải là tiếng chuông báo động mà là chuông dây nói liên lạc với văn phòng của chàng với các máy điện thoại của chàng vẫn đặt nguyên ở chỗ cũ giữa hai cửa sổ.
- Điện thoại! Chà, ai là kẻ sắp vô tình rơi vào bẫy? - Arxen Lupanh phát điên lên, những muốn nhào tới cái máy, đập nát nó ra để bịt đi tiếng nói đang muốn nói chuyện với chàng. Nhưng Ganimar đã cầm lấy ống nghe và cúi xuống:
- Alô! Alô! số 64873? Vâng, đúng đây ạ!
Nhanh như cắt, Héclốc ngang nhiên gạt Ganimar ra, giật phắt lấy hai ống nghe áp khăn tay vào để nguỵ trang giọng nói của y.
Héclốc Sôm ngẩng lên nhìn Lupanh. Ánh mắt hai người nhìn nhau chứng tỏ cả hai cùng một ý nghĩ, cùng hiểu người gọi dây nói ấy là ai. Nào ai học đến chữ ngờ! Nàng tưởng người mà nàng sắp tâm sự là Phêlích Đêvy, hay đúng hơn là Maxim Bécmông. Nàng không ngờ đó lại là Héclốc Sôm.
Tay thám tử người Anh nhấn giọng:
- Alô! Alô!
Im lặng mấy giây. Héclốc lại lên tiếng.
- Ừ, anh đây! Maxim đây!
Ngay lập tức tấm thảm kịch được vẽ nên một cách chính xác bi thảm. Chàng Arxen Lupanh, Lupanh bất khuất và hay chế giễu, bỗng quên cả chuyện che giấu nỗi lo âu trong lòng, tái mặt đi vì kinh hoàng. Chàng cố lắng nghe và phán đoán. Trong khi đó, Héclốc Sôm vẫn tiếp tục trả lời với một giọng hết sức huyền bí.
- Alô! Alô! Ừ, xong hết rồi! Anh sắp bay đến với em như đã thoả thuận đây. Đến đâu ấy à? Em ở đâu là anh sẽ đến đó. Thế em không tin là vẫn ở chỗ ấy...
Héclốc lưỡng lự, thận trọng cân nhắc từng lời rồi bỗng im bặt. Rõ ràng y cố gắng hỏi cô gái địa điểm mà không kết quả gì, y hoàn toàn không biết nàng đang ở đâu. Vả lại, sự có mặt của Ganimar vướng víu quá! Chà! Giá có phép lạ nào cắt đứt được cuộc nói chuyện ma quái qua đường dây ấy. Lupanh gọi nàng bằng tất cả sức lực, bằng tất cả sự căng thẳng của thần kinh!
Héclốc Sôm nói:
- Alô! Alô! Em không nghe thấy gì à? Anh cũng thế! Chẳng nghe rõ gì cả... chỉ loáng thoáng thôi... Em vẫn cầm ống nghe đấy chứ? Thôi thế này... anh đã nghĩ rồi... tốt hơn hết là em trở về nhà... Có nguy hiểm gì không ấy à? Em an tâm, không có gì đáng sợ cả. Hả? Nhưng y đang ở đất Anh cơ mà! Anh vừa nhận được một bức điện từ Xaothamxơn khẳng định y đã cập bến và đã đáp xe lửa đi Luân Đôn rồi!
Đúng là những lời nói mỉa mai! Héclốc rành rọt nhấn mạnh thêm:
- Thôi nhé, em đừng lần khân mất thì giờ. Anh sẽ đến với em.
Héclốc Sôm gác ống nghe rồi nói với Ganimar.
- Ông chánh thanh tra này, xin ông ba người.
- Để đi gặp người Đàn bà tóc hoe phải không?
- Phải.
- Ông biết ả là ai và ở đâu chứ?
- Biết.
- Mẹ kiếp! Một mẻ lưới cực kỳ! Cả anh lẫn ả! Ngày hôm nay thật hoàn hảo! Phơlăngphăng, dẫn hai người đi theo ông Héclốc ngay!
Tay thám tử người Anh đi ra, theo sau là ba người cảnh sát.
Thế là hết. Cả nàng nữa cũng sắp rơi vào tay Héclốc Sôm. Nhờ cái tính cứng đầu cứng cổ đáng phục, nhờ sự đồng loã của những biến cố may mắn, Héclốc Sôm đã thắng! Còn chàng trộm hào hoa phong nhã Arxen Lupanh đành nuốt hận gánh lấy tai hoạ không thể cứu vãn.
- Ông Héclốc!
Tay người Anh đứng lại.
- Gì đấy, ông Lupanh?
Arxen Lupanh xem ra bị lung lay ghê gớm vì một đòn chí mạng như thế. Chàng mệt mỏi, ủ rũ. Những nếp nhăn bỗng hằn sâu trên trán chàng. Nhưng đột nhiên, Arxen Lupanh ngẩng phắt đầu lên, rùng mình như cố hất đi tảng đá đang đè nặng trong lòng, rồi nhanh nhẹn, thư thái nói:
- Ông Héclốc Sốrn, chắc ông cũng nhận thấy tôi bị rủi nhiều quá. Lúc nãy tôi không thoát được qua lò sưởi và đành chịu nộp mình cho ông. Lần này cái máy điện thoại chết tiệt bỗng nhiên réo lên tặng ông người Đàn bà tóc hoe. Thưa ông, tôi tuân theo mệnh lệnh của nàng!
- Thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là tôi sẵn sàng đàm phán!
Héclốc Sôm bèn nói với Ganimar, yêu cầu lão để y nói chuyện với Arxen Lupanh. Biết không thể bàn cãi lôi thôi, các nhà chức trách bèn tạm rút lui ra ngoài. Cuộc hội thảo tối cao bắt đầu. Héclốc Sôm gay gắt lên tiếng trước:
- Ông Lupanh, ông muốn gì?
- Sự tự do của tiểu thư Đêtănggiơ.
- Ông biết giá rồi chứ?
- Phải.
- Ông chấp nhận thế?
- Tôi chấp nhận mọi điều kiện của ông.
- Chà! - Héclốc Sôm ngạc nhiên thốt lèn. - nhưng lúc nãy ông đã từ chối cho ông...
- Vâng, vì đó là cho tôi. Còn bây giờ, thưa ông Héclốc bây giờ vấn đề là một thiếu nữ, một người đàn bà mà tôi yêu. Ông thấy đấy, ở nước Pháp, chúng tôi có những ý nghĩ rất đặc biệt về những vấn đề này. Không phải đã trót mang tên là Arxen Lupanh mà xử sự khác được. Ngược lại, ông ạ!
Chàng phát biểu một cách hết sức bình tĩnh, Héclốc Sôm thoáng cúi đầu và nói nhỏ:
- Thế viên kim cương xanh đâu?
- Ông hãy cầm lấy cái gậy của tôi ở góc lò sưởi kia kìa. Một tay ông nắm chặt quả táo đầu gậy, tay kia ông xoay cái khâu sắt bịt ở đầu dưới.
Héclốc Sôm cầm lấy cái gậy và xoay cái khâu bằng sắt. Xoay được mấy vòng y nhận thấy quả táo đầu gậy lỏng và tuột ra. Ở bên trong quả táo có một cục mát tít và ở giữa cục mát tít ấy là một viên kim cương.
Héclốc Sôm đưa lên ngang mắt ngắm nghía đúng là viên kim cương xanh rồi!
- Ông Lupanh, tiểu thư Đêtănggiơ được tự do.
- Nàng được tự do bây giờ và mãi mãi chứ? Nàng không còn sợ gì ông nữa chứ?
- Cũng chẳng phải sợ ai nữa!
- Dù thế nào đi nữa thì...
- Dù thế nào đi nữa, tôi không biết tên nàng, cũng chẳng biết nàng ở đâu.
- Cảm ơn. Tạm biệt ông nhé. Vì nhất định chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không ông Hélốc Sôm?
- Tôi cũng tin thế.
Giữa Héclốc Sôm và Ganimar có một cuộc tranh luận gay gắt. Cuối cùng Héclốc Sôm ngắt lời một cách thô bạo.
- Ông Ganimar, tôi rất tiếc không cùng quan điểm với ông. Nhưng tôi không còn thời giờ để giải thích nữa. Một tiếng nữa tôi sẽ lên tàu về nước.
- Nhưng còn người Đàn bà tóc hoe?
- Tôi không quen biết người ấy.
- Mới vừa xong ông...
- Ông Ganimar này, tôi đã nộp cho ông Arxen Lupanh. Đây là viên kim cương xanh, ông làm ơn trao lại cho nữ bá tước Đơ Crôgiông hộ tôi. Theo tôi, ông chẳng có gì đáng phàn nàn cả.
- Nhưng còn người Đàn bà tóc hoe?
- Ông đi mà tìm lấy!
Héclốc Sôm chụp mũ lên đầu rồi bước nhanh ra cửa.
- Chúc bác Héclốc Sôm lên đường bình an nhé! - Lupanh kêu to, - Bác hãy tin là tôi không bao giờ quên mối quan hệ thân thiết giữa chúng ta. Cho gửi lời thăm ông Uynxơn nhé!
Héclốc Sôm đi thẳng không ngoái cổ cũng không đáp, Lupanh cười khẩy:
- Đúng là chuồn theo kiểu Ănglê? Chà, cái anh chàng dân ở đảo này không có lấy một mẩu lịch sự nào! Nhưng Lạy Chúa tôi, ông làm gì đấy, ông Ganimar? Ái chà! Khám nhà à? Chẳng còn quái gì đâu ông bạn thân mến ạ! Sổ sách của tôi đã chuyển hết đến một nơi an toàn rồi!
- Biết đâu đấy! Biết đâu đấy!
Lupanh bĩu môi, nhún vai. Chàng nhẫn nại đứng nhìn cuộc lục soát với hai cảnh sát xốc nách và hơn chục thầy khác vây quanh. Hai mươi phút trôi qua, chàng bỗng thở dài, nói:
- Nhanh lên ông Ganimar, ông sờ lần lâu quá đấy!
- Anh vội thế cơ à?
- Vâng, rất vội! Tôi có hẹn gấp!
- Ở sở cẩm à?
- Không, ở trên phố
- Úi chà! Hẹn mấy giờ?
- Đúng hai giờ.
- Đã ba giờ còn gì!
- Chết thật, muộn mất rồi. Tôi là chúa ghét lỡ hẹn đấy ông Ganimar ạ.
- Xin anh năm phút nữa.
- Không được quá đấy nhé.
- Ông tử tế quá! Tôi cố gắng...
- Thôi, miễn nói!... Lại cái tủ hốc tường nữa à? Rỗng tuếch có gì đâu mà lục...
- Có đấy! Có mấy bức thư.
- Những hoá đơn cũ đấy.
- Không. Một bó thư buộc bằng một dải lụa..
- Một dải lụa hồng phải không? Ồ! ông Ganimar, tôi tha thiết xin ông đừng giở ra...
- Thư của một phụ nữ à?
- Vâng.
- Một phụ nữ lịch thiệp chứ?
- Vâng, hết sức lịch thiệp ạ.
- Tên là gì?
- Dạ? Tên là... gọi là bà Ganimar ạ!
- Hừm! Buồn cười quá! - Ganimar miễn cưỡng nói. - Buồn cười quá.
Vừa lúc các thầy cảnh sát được cử đi lục soát những phòng bên về báo cáo không thu được kết quả gì. Lupanh cười vang:
- Tôi đã bảo mà! Các ông định hòng tìm ra bản danh sách các đàn em của tôi? Hay những bằng chứng về mối quan hệ của tôi với hoàng đế nước Đức? Ông Ganimar này, điều mà tôi muốn tìm đó là những cái bí ẩn nho nhỏ của căn hộ. Thí dụ cái ống dẫn khí đốt này là một ống nghe, ở trong ống khói lò sưởi có một cầu thang, bức tường này rỗng, những sợi dây chuông điện lằng nhằng kia... Này ông Ganimar, ông thứ bấm vào cái nút này xem nào.
Ganimar ấn ngón tay vào một cái nút giống như một nút chuông điện.
- Ông không nghe thấy gì à! - Lupanh vờ vĩnh hỏi.
- Không.
- Tôi cũng chẳng nghe thấy gì cả. Tuy nhiên như vậy là ông đã bấm chuông báo cho sân bay của tôi chuẩn bị khí cầu đưa chúng ta lên trời đấy.
Vừa lúc khám xét xong xuôi, Ganimar gắt:
- Thôi đi, anh nói bậy nói bạ nhiều quá. Nào lên đường!
Ganimar bước đi. Quân của lão lục tục theo sau.
Lupanh vẫn đứng ỳ tại chỗ.
Hai thầy cảnh sát đẩy mạnh vào lưng nhưng chàng vẫn không nhúc nhích.
- Thế nào? - Ganimar nói, - anh không chịu đi à?
- Đâu có.
- Thế còn chờ gì nữa?
- Nhưng cái đó còn tuỳ thuộc.
- Tuỳ thuộc cái gì nữa?
- À, tuỳ thuộc địa điểm ông dẫn tôi đến.
- Mẹ kiếp! Về sở cẩm chứ còn đi đâu nữa.
- Nếu vậy tôi không đi. Tôi không có việc gì phải làm ở sở cẩm cả.
- Anh điên đấy à?
- Ơ hay! Tôi đã chẳng hân hạnh báo ông biết là tôi có một cái hẹn gấp là gì?
- Lupanh!
- Gì đấy Ganimar? Người Đàn bà tóc hoe đang chờ tôi. Ông không thấy để nàng phải mong đợi là một điều thất thố à? Một người lịch sự đâu có thế?
- Lupanh, anh nghe đây! - Ganimar cáu kỉnh gắt. - Cho đến giờ, tôi đối xử với anh hết mực tử tế. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó. Nào, đi!
- Không thể được! Tôi có hẹn. Tôi phải tới chỗ hẹn ấy.
- Lần cuối cùng, anh có đi không?
Ganimar bèn ra hiệu. Hai thầy cảnh sát bèn bước tới xốc hai bên nách Lupanh. Nhưng bỗng hai người kêu thét lên đau đớn và buông vội chàng ra. Họ không ngờ hai tay của Lupanh lại thủ hai cái kim dài đến thế.
Cả "hội" cảnh sát tức điên lên, xô tới. Họ trút hết căm thù lên con người đã dám chống đối, đã làm họ vất vả và đau đớn. Họ thi nhau đấm đá. Một cú đấm mạnh đúng vào thái dương Lupanh. Chàng ngã xuống.
- Chà, quân thô bạo! - Ganimar gầm lên. - hắn mà làm sao thì các anh sẽ biết tay tôi.
Ganimar bèn cúi xuống, toan săn sóc Lupanh.
Nhưng vẫn thấy chàng thở đều, Ganimar liền ra lệnh khiêng chàng đi. Thế là kẻ nâng đầu, người nắm chân, đích thân Ganimar đỡ lưng, họ khiêng chàng ra cửa.
- Này đi nhè nhẹ thôi! Không được lắc mạnh. Chà! Lũ súc sinh, bọn bay làm hắn chết mất! Này, Lupanh! Anh thấy trong người thế nào hả?
Arxen Lupanh hé mắt, rên rỉ kêu:
- Đau quá! ối! Ganimar, ông để lính dần tôi nhừ tử thế này à?
- Tại anh cả chứ! Mẹ kiếp? Ai bảo cứ bướng cơ. Nhưng anh có đau lắm không?
Tới thềm nghỉ cầu thang, Lupanh rên rỉ dữ hơn:
- Ông Ganimar, thang máy... Ôi! Gãy xương mất!
- À, sáng kiến đấy, - Ganimar gật đầu nói. – Với lại cầu thang cũng hẹp quá... không còn cách nào khác.
Ganimar điều khiển thang máy lên. Họ đặt Lupanh lên ghế hết sức thận trọng. Ganimar ngồi xuống bên chàng, rồi bảo:
- Tất cả xuống theo cầu thang và chờ ở chỗ người gác cổng. Nghe chưa!
Ganimar đóng cửa buồng thang máy lại. Nhưng cửa vừa mới sập vào, buồng thang bỗng vọt lên như một quả khí cầu bị cắt dây. Một tiếng cười phá lên cay độc! Các thầy cảnh sát kêu rú lên.
- Mẹ kiếp! - Ganimar vừa rủa vừa lần mò tìm nút điều khiển buồng thang.
Không tìm thấy nút điện đâu, Ganimar vội thét:
- Tầng năm! Chịt lấy cửa ở tầng năm!
Các thầy cảnh sát nhảy bốn bậc một, ầm ầm lên cầu thang. Nhưng chợt xảy ra một việc kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng của con người. Tới lầu năm, buồng thang máy không dừng lại mà vẫn cứ tiếp tục vọt lên nữa, hình như làm bục trần nhà, biến mất trước sự kinh hoàng của cảnh sát, nhoi lên tầng sát mái của gia nhân mới đứng lại. Ba người trực sẵn ở đấy. Hai người mở cửa buồng thang, sấn vào giữ chặt lấy Ganimar. Lão cũng lúng túng không biết xử trí thế nào, cũng không chống cự lại. Trong khi đó, người thứ ba dìu Lupanh đi.
- Ông Ganimar này, - Arxen Lupanh nói, - ngay khi ông giúp tôi bấm vào cái nút chuông, tôi đã thông báo cho ông biết về việc thăng thiên của khí cầu. Thôi, lần sau rút kinh nghiệm nhé. Mà ông nên nhớ, không phải bỗng dưng Arxen Lupanh để yên cho mà đánh đâu. Tạm biệt!
Cửa buồng thang lại đóng sập lại. Và với ông chánh thanh tra ở trong, buồng thang được điều trả xuống dưới. Sự việc xảy ra trong nháy mắt, đến nỗi chưa kịp hiểu đầu cua tai ếch ra sao, Ganimar đã thấy mình xuống tới chỗ người gác cổng ở tầng trệt giữa các thầy cảnh sát đang nhìn nhau ngơ ngác!
Các nhà chức trách vội vàng chạy băng qua sân, leo lên cầu thang sau nhà, lối duy nhất dẫn lên tầng gia nhân.
Một hành lang dài, ngoằn ngoèo, hai bên là những buồng nhỏ có đánh số, dẫn đến một cái cửa khép hờ. Bên kia cửa thuộc một nhà khác, bắt đầu một hành lang khác cũng ngoằn ngoèo với hai bên dãy buồng nhỏ có đánh số y như thế. Cuối hành lang là một cầu thang sau nhà. Ganimar xuống theo cầu thang ấy, đi qua một cái sân, một phòng ngoài và... bước tuột ra phố! Đó là phố Picô! Ganimar chợt hiểu: hai ngôi nhà sau, đâu lưng vào nhau, mặt trước trông ra hai phố song song với nhau, cách nhau khoảng sáu chục mét.
Ganimar vào phòng của người gác cổng, chìa thẻ thanh tra ra rồi hỏi:
- Có bốn người vừa đi qua đây phải không?
- Vâng, hai gia nhân của tầng bốn và tầng năm cùng hai người bạn.
- Ai ở tầng bốn và tầng năm?
- Các ông Phôven và mấy người em họ tên là Prôvôxt. Họ vừa dọn nhà đi sáng nay. Còn lại hai gia nhân... chúng vừa đi nốt.
- Chà! - Ganimar xỉu xuống một cái tràng kỷ miệng lẩm bẩm, - thế là đi tong một mẻ lưới! Arxen Lupanh và toàn bộ băng của hắn ở cả trong nhà này.
Bốn mươi phút sau, có hai ông đi xe hơi ra ga Bắc. Họ vội vã đi về phía đoàn tàu tốc hành Cale. Theo sau họ là một người phu khuân vác hai tay xách hai va li.
Một trong hai ông, tay bị bó bột, mặt tái trông vẻ ốm yếu, ông kia ra vẻ vui lắm.
- Nhanh lên anh Uynxơn, khéo lại nhỡ tàu bây giờ. Chà tôi không bao giờ quên mười ngày vừa qua.
- Tôi cũng vậy.
- Thích thật, sao lại có những cuộc đọ sức hay đến thế nhỉ.
- Những cuộc chiến đấu tuyệt vời!
- Tuy có dăm ba nỗi buồn phiền nho nhỏ...
- Rất nhỏ ấy.
- Nhưng cuối cùng, chiến thắng hoàn toàn! Arxen Lupanh bị tóm cổ. Viên kim cương xanh trả về chủ cũ!
- Và tôi bị gãy một cánh tay!
- Ồ! Một khi thắng lợi như thế, sá gì một cánh tay gãy!
- Hơn nữa lại là cánh tay của tôi!
- Ôi dào! Anh Uynxơn, anh nên nhớ đúng cái lúc anh nằm rên rỉ với cánh tay đau ở bệnh viện, tôi lần ra được sợi chỉ dẫn đường trong đêm tối đấy!
- May mắn quá!
Tiếng loa của nhà ga vang lên: "Mời quý khách khẩn trương lên tàu vào trong toa ổn định chỗ ngồi. Tàu sắp chạy".
Người phu khuân vác leo lên một toa vắng, xếp hai cái va li lên giá đỡ hành lý. Trong khi đó Heclốc Sôm vất vả mới kéo được anh chàng Uynxơn bất hạnh lên được mấy bậc cao của toa xe.
- Sao, Uynxơn? Anh không leo được à? Cố lên nào!
- Tôi cố lắm đấy chứ!
- Nhưng sao lại khó khăn thế?
- Tôi có một cánh tay sử dụng được thôi.
- Ôi dào! - Héclốc vui vẻ nói, - anh lắm chuyện quá. Anh tưởng chỉ mình anh ở trong tình trạng như thế thôi à? Những người bị cụt một tay thì sao hả? Nào! Thôi, lên được rồi. Khá lắm!
Héclốc chìa cho người phu khuân vác một đồng tiền năm mươi xu.
- Tốt, này, cho anh.
- Cảm ơn ông Héclốc Sôm.
Tay tám tử người Anh ngước mắt nhìn lên: Arxen Lupanh!
- Ông Arxen Lupanh! Ông...? - Héclốc Sôm lắp bắp nói.
- Ô! Ông Lupanh! - Uynxơn vung cánh tay còn lại sửng sốt thốt lên. - Sao Héclốc bảo ông bị tóm... à bị bắt rồi cơ mà! Khi Héclốc Sôm từ biệt ông, ông chánh thanh tra Ganimar và ba chục cảnh sát đang vây quanh ông cơ mà?
Arxen Lupanh khoanh tay nói, giọng hết sức phẫn nộ:
- Một khi giữa chúng ta có những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp liên tục như thế, các ông tưởng tôi để các ông ra đi mà không một lời từ biệt hay sao? Các ông cho tôi là người như thế nào hả?
Còi tàu rúc lên.
- Thôi, tôi xí xoá hết cho các ông. Nhưng này, các ông có thiếu thốn gì không đấy? Diêm? Thuốc lá? Có rồi à? Còn báo buổi chiều? Đây, các ông sẽ đọc được bài tường thuật chi tiết về việc bắt giữ tôi, chiến tích cuối cùng của ông đây, ông Héclốc Sôm ạ! Bây giờ xin tạm biệt... rất vui sướng được làm quen các ông! Giả dụ có điều gì dạy bảo hoặc cần đến tôi, Arxen Lupanh này rất lấy làm hân hạnh!
Arxen Lupanh nhảy xuống sân ga, đóng sập cửa toa xe lại. Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh.
- Tạm biệt! - Chàng vẫy khăn tay nói với theo.
- Tạm biệt nhé! Tôi sẽ viết thư cho các ông. À ông Uynxơn, cánh tay đau thế nào rồi? Mau lành nhé!
Ngóng chờ tin hai ông đấy! Thỉnh thoảng một bưu ảnh hả! Địa chỉ: Lupanh - Pari. Thế là sẽ tới thôi.
Không cần dài dòng văn tự đâu! Tạm biệt, hẹn gặp lại nhé!