Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 41
ường thấy mình lầm lẫn vô cùng sau khi xin chuyển công tác từ Thành đoàn về Tuyên huấn.
Trong thời gian làm việc tại Thành đoàn, Tường gặp nhiều điều bực bội. Trước hết là vấn đề tuổi tác. Tường đã 37 tuổi, tuy còn nhỏ tuổi hơn một số cán bộ lãnh đạo Thành đoàn nhưng so với lớp trẻ học sinh sinh viên, Tường thấy khó hòa nhập với họ. Những sinh hoạt một thời cuốn hút Tường như hội họp liên miên, ngồi quanh vỗ tay hát, xông ra đường tịch thu sách báo cũ, những đêm thức trắng làm báo in sách cách mạng, bây giờ Tường vẫn làm nhưng không còn hứng thú nữa. Mới đầu Tường nghĩ lý do chính là tuổi tác. Tường đã già, đã hết cái bầu nhiệt huyết của mười năm về trước. Nhưng sau đó, Tường tự thấy lối giải thích ấy không ổn. Nhiệt huyết và lý tưởng của tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp.
Tường vẫn dành trọn thiện cảm đối với các bạn trẻ cùng làm việc ở Thành đoàn. Cái khổ là Tường biết nhiều hơn là những việc được giao cho phụ trách. Các bạn trẻ lấy xe ba gác đi thu hồi sách báo cũ về chất đống, tự mãn coi đó là đóng góp của họ cho Cách mạng. Họ đòi làm lễ hỏa thiêu, đốt sạch các tàn dư cũ để sau này xây dựng một nền văn hóa mới. Cán bộ ngăn họ lại, bảo không nên mắc bệnh mà Lénine gọi là “ấu trĩ tả khuynh”. Thế rồi mỗi cán bộ chọn một số dĩa hát, sách vở, băng nhạc về nhà làm của riêng. Một số khác mang sách báo bị tịch thu đem bán. Bọn trẻ vẫn hăng hái xông ra đường làm hết những việc khó khăn, chịu đựng những lời chửi rủa của thiên hạ, trong lúc đó bọn già cứ tìm cách hưởng lợi. Bộ máy ghi âm Tường đem từ nhà vào bị hư không dùng được, chưa kịp tìm cầu chì thì chỉ trong vòng vài ngày, giàn máy bị phân thây mỗi nơi một bộ phận, biến dạng như một phép lạ. Hỏi thì người này đổ cho người kia. Tường thấy thương lớp trẻ mà không làm gì được. Càng ngày Tường càng thấy cô đơn.
Tường xin về trở lại Tuyên huấn. Tường nghĩ sống với lý thuyết, sách vở chắc đỡ phức tạp hơn là làm việc tại một tập đoàn xung kích.
Tường lầm!
Lãnh đạo ban Tuyên huấn phân cho Tường về làm việc tại bộ phận lo kiểm điểm thanh lọc sách báo cũ, trụ sở đặt tạm tại ngôi trường Văn khoa cũ đường Nguyễn trung Trực, trước 1975 là Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa. Tuyên huấn đang cần những người như Tường: tốt nghiệp ban triết đại học sư phạm, có quen biết nhiều với văn nghệ sĩ cũ, lại từng lên Khu hoạt động và làm việc Tuyên huấn. Tường được giao phụ trách (chung với vài cán bộ nữa) bộ môn văn và lý luận khảo cứu.
Những bài phát biểu trong hội nghị các nhà văn giải phóng lần thứ nhất tổ chức từ ngày 18-6-1975 tại Sài gòn được xem là tiêu chuẩn cập nhật hóa nhất để ban duyệt sách làm việc.
Cả buổi sáng nay, Tường đọc đi đọc lại bài phát biểu tổng kết hội nghị của Trần Bạch Đằng:
“…Văn học chống cộng rốt lại còn có mỗi chữ “GIẾT”, giết tất cả những ai không chống cộng. Trong mỗi dòng chữ của loại văn học này có mùi tanh của máu. Ở đây sự phi lý được bảo trì như cái lõi của lý tưởng và lũ vong nô. Muốn cho con người chỉ còn là cái máy không có lương tri, không cần cả tri giác. Theo bọn này trên thế giới chỉ còn có nước Mỹ, chỉ có đồng đô la, chỉ có bom nguyên tử của Mỹ. Và, chúng sẵn sàng xóa bỏ hết cội nguồn của dân tộc, xóa bỏ luôn cả dân tộc.
Không phải vì chỗ dựa của chúng sụp đổ, đế quốc Mỹ đại bại mà bản án của văn nghệ chống cộng lại bị lãng quên. Trước mắt chúng ta, hàng vạn nấm mồ, những sự tàn phá đau nhói đến chòm cây khóm cỏ, những em bé tật nguyền mồ côi đói khát, nhũng túp chòi lụp xụp, những tội ác chua xót, và trong mấy ngày hôm nay, hàng chục vạn binh sĩ ngụy đi vào các lớp học tập cải tạo… Tất cả những cái đó và hơn những cái đó rất nhiều lần là chứng tích của bọn cướp nước và bán nước, đồng thời cũng là chứng tích của văn nghệ chống cộng.
Kẻ sinh đôi với văn nghệ chống cộng là văn nghệ đồi trụy. Đồi trụy là một phương thức chống cộng. Chỉ trong vòng hai mươi mốt năm, bằng văn nghệ đồi trụy, giai cấp thống trị phản động và chủ của nó đã đảo lộn nhiều mặt trong luân lý dân tộc. Ở các thành thị miền Nam diễn ra vô số chuyện ngược đời hết sức đau lòng. Kẻ thù dụng tâm khiến một số người quên cha quên chú, hạ thấp ý nghĩa của cuộc sống ngang với thi thể trần truồng của một cô gái điếm, hoặc một điếu xì ke. Phản bội, lường gạt, hiếp dâm, loạn luân, đàng điếm… được toàn bộ sức mạnh của một chế độ cho bành trướng. Những thứ sách vở tranh ảnh lõa lồ in ở nước ngoài và in ở Sài gòn chất đầy trong các ngăn kéo học trò. Kẻ thù muốn biến dân ta thành súc vật. Còn tội ác nào lớn hơn nữa? Trong mọi thứ buôn bán, buôn bán thiên luân là gian manh hơn cả.
Với tất cả niềm phẫn nộ, chúng ta chỉ vào mặt bọn chúng mà thét lớn: hoàn toàn không có chỗ đứng cho bọn bay dưới ánh mặt trời giải phóng. Một tên lính kín có thể giết chết và gây tàn tật cho một trăm người. Một tên mệnh danh là nhà văn chống cộng và đồi trụy đã giết chết và hủy hoại bao nhiêu người? Hẳn cần phải có một sự trừng phạt thích đáng đối với chúng. Chúng ta xem như đó là một trong những điểm tuyên cáo của hội nghị các nhà văn hôm nay.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Chúng tôi xin nói thêm mấy lời về một hiện tượng văn học khác. Ở các thành thị miền Nam, khi cuộc đấu tranh cách mạng ác liệt, nẩy sinh một luồng văn học thường được gọi là văn học “nhân đạo chủ nghĩa”. Người ta cũng phản ảnh sự thối nát của chế độ Mỹ Ngụy, cũng nói đến tình thương và hòa hợp dân tộc. Nhưng cái mà người ta cố tạo ra rốt cuộc vẫn là ảo tưởng về một con đường khác để “hóa giải hận thù”, chấm dứt cảnh nước sôi lửa bỏng của dân tộc và kiếp sống nhọc nhằn của con người. Người ta kết án chiến tranh mà không cần phân biệt loại chiến tranh nào, kết án bạo lực mà không cần hiểu xuất xứ, tính chất mục đích của mỗi thứ bạo lực. Đối với họ, hễ đánh nhau là không tốt. Còn vì sao phải đánh nhau, ai là người phải xăn tay áo lên, phải cầm dao rựa để tự vệ thì họ không biết, có người thành thật không biết, có người giả đò không biết. Trong trường hợp đó, sự tố cáo và những lời than thở của luồng văn học nói trên đã lộn nhào mọi thứ, lẫn lộn trung và nịnh, trắng và đen, yêu nước và cướp nước. Do đó, dầu ý thức hay không ý thức, nó vẫn tiếp tay cho bọn phản loạn…”..
Tường đọc đi đọc lại bài phát biểu của Trần Bạch Đằng, thấy nếu gác ra ngoài những thậm xưng cường điệu cốt khích động người nghe, cái cốt tủy còn lại quá đơn giản: tất cả sản phẩm văn nghệ miền Nam đều thuộc vào ba loại chống cộng, đồi trụy và nhân đạo chung chung. Cả ba loại tuy bề ngoài có vẻ khác nhau nhưng thực chất đều là tuyên truyền chống phá Cách mạng. Biện pháp đối với những kẻ tạo ra sản phẩm ấy: phải có một sự trừng phạt thích đáng, nhất định không có chỗ đứng cho họ dưới ánh mặt trời.Tường quay về phía Nhã nói:
- Chỉ thị của lãnh đạo Tuyên huấn và Nội an rõ như thế này thì việc gì tụi mình phải mất công đọc lại từng này đống sách vở nhỉ? Cuốn nào không bị liệt vào loại chống cộng thì rơi vào đồi trụy dâm ô. Cuốn nào không đồi trụy dâm ô thì ngụy dân tộc. Đốt hết là xong, việc gì phải duyệt với xét.
Nhã đang chăm chú đọc Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, không nghe Tường nói gì.
Tường hỏi:
- Cậu đọc cái gì mà cười hoài thế?
Nhã bỏ cuốn tiểu thuyết xuống, quay về phía bàn Tường đang ngồi:
- Tay này viết lạ đáo để. Đối thoại miền Nam như thế này mới thuần miền Nam. Mấy tay tập kết ra Bắc như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức viết giọng miền Nam lai Bắc, về mặt ngôn ngữ đối thoại hồn nhiên thua xa tay này. Lại còn cái lối ỡm ờ bỡn cợt gay cấn trước khi nhập cuộc nữa. Để xem, hắn viết gần bốn mươi trang mà chú Tư Cầu chỉ mới mở được hai hạt nút áo của cô gái. Tài, tài thật. Cậu đọc cuốn này chưa?
- Đọc lâu rồi, nay đã quên hết. Này, cậu xếp Lê Xuyên vào loại nào?
- Thì dĩ nhiên là dâm ô đồi trụy. Nghe nói tay này hiện còn ở đây.
- Đúng. Hình như phải đi bán bánh tiêu dạo ngoài đường để sống.
- Thế à? Hắn viết nhiều thế này tôi tưởng phải giàu lắm chứ.
Giọng Nhã trở nên đùa cợt, pha chút châm biếm:
- Quan thầy sai hắn viết truyện dâm ô đồi trụy nhiều như thế mà ra đi không để lại cho hắn chút tiền còm sống qua ngày à? Nhà nước ta có được những cây bút như thế này thì… mặc sức cưng chiều. Cho sổ Tôn Đản, cho tham quan nước ngoài bằng thích.
Tường đo lường được lối nghĩ của Nhã, thành thật nói:
- Tôi thấy lối phân loại của ông Trần Bạch Đằng có cái gì không ổn.
Nhã xua tay nói:
- Ối giời! Cậu công tác tuyên huấn bao năm mà còn thắc mắc những chuyện vặt ấy. Cái gì không do Đảng và Nhà nước chủ trương đều phải cảnh giác. Ngay cả loại văn chương tiến bộ ở đô thị cũng vậy. Hồi trước chưa giải phóng, cậu có thể viết bài ca tụng họ, coi đó là văn nghệ đấu tranh chống guồng máy kềm kẹp. Nhưng bây giờ khác ạ. Cậu phải nêu rõ các hạn chế của loại văn chương ấy, cho thấy tác giả chỉ mới tới được trình độ hiện thực phê phán kiểu Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng trước Cách mạng tháng Tám, chứ chưa giác ngộ đủ để tiến lên hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cậu nên tìm đọc những bài phê bình cuốn Bỉ Vỏ và Giông Tố để viết cho đúng. Tôi tưởng cậu bị cái hố “hiện sinh” dạo nọ nay đã thuộc bài rồi chứ.
Tường vừa ngạc nhiên vừa khó chịu, hỏi:
- Cậu cũng biết chuyện đó à?
Nhã cười:
- Ai mà không biết. Lần này ở ngay thủ đô của ngụy quyền Sài gòn, sách vở cũ bày bán nhan nhản ra đấy, cán bộ bộ đội đua nhau đọc, thế nào mấy ông Tuyên huấn, Thông tin Văn hóa cũng mở chiến dịch truy quét lớn. Cậu được giao viết cái gì thì phải viết cho đúng bài bản, đừng để bị hố như lần trước.
Tường im lặng, quay trở về công việc vì không muốn nói chuyện với Nhã nữa. Và Tường hối hận đã bỏ Thành đoàn về đây.
° ° °
Dù sao, chịu đựng những cái mẹo vặt để sinh tồn của Nhã còn dễ chịu hơn là ngồi bên Ba Liệu và Mười Chí, hai người bạn Tường quen ở chiến khu Trị Thiên.
Nhã gốc bộ đội, được đơn vị gửi về Hà nội học lớp bồi dưỡng sáng tác sau đó lại được đi Liên xô học thêm bốn năm về lý luận phê bình, đảng viên cấp trung cao, cha mẹ là thợ nhà máy điện Hà nội, nghĩa là có đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết để bây giờ được đặc phái về đây chẳng phải sợ ai cả, muốn đọc gì thì đọc, muốn nói gì thì nói, và khi nói thì nói với giọng bình thường pha chút khôi hài kẻ cả, chứ khỏi phải gồng mình lên biểu diễn lập trường như Ba Liệu và Mười Chí, cũng không phải dè dặt từng lời như Tường.
Trong lúc những cán bộ miền Nam từ rừng về vẫn gọi nhau bằng bí danh như Tường là đồng chí Tư Vịnh, Tân là đồng chí Mười Chí, Phương là đồng chí Ba Liệu, thì Nhã vẫn mày tao mi tớ và gọi thẳng tên những người cùng làm việc chung.
Tường không thấy khó chịu về cách xưng hô đó, còn Ba Liệu và Mười Chí thì khó chịu vô cùng. Họ xem Nhã như một người muốn làm ra vẻ kẻ cả, đứng ngoài mà quan sát, ngồi lên trên để bảo ban. Trong không khí tưng bừng say men chiến thắng, được gọi bằng bí danh là một cách xác nhận công lao đấu tranh, một tấm huân chương chẳng khác nào Fidel Castro và các đồng chí có công lao hãn mã hãnh diện về bộ râu xồm lưu niệm thời còn nằm gai nếm mật chuẩn bị lật đổ chế độ quân phiệt Batista. Trong khi mọi cán bộ Tuyến huấn chưa được vào Đảng phải giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, mở một cuốn sách cũ ra đọc phải có bộ mặt chán chường như đang làm một việc nguy hiểm chẳng khác nào chơi với thuốc độc, nhắc đến cây bút cũ nào thì phải kèm thêm những tiếng “thằng nọ” “con kia” để phân ranh ta địch bạn thù, thì Nhã cứ khơi khơi, khen Lê Xuyên viết truyện dâm nhẹ và vui, khen truyện Thanh tâm Tuyền sâu sắc và đầy chất trí tuệ, khen văn Mai Thảo chữ nghĩa bóng bẩy và nhiều ma thuật, khen Võ Phiến viết nhuyễn và độc…
Cả đến việc duyệt sách viết bài, Nhã cũng giữ một thái độ xa cách kẻ cả như vậy. Trong khi những người khác bới đống sách cũ lên, lau kính chúi mũi tìm cho ra những âm mưu thâm độc giấu đằng sau những dòng chữ in, thì Nhã chỉ quan tâm tới những chủ đề có vẻ xa vời: “Từ thuyết cơ cấu tới thuyết hội tụ: tiến trình của tư tưởng phản động phương Tây”, “Vai trò của George Lucas trong chủ nghĩa xét lại” v.v… Tuy được đào tạo ở Liên xô, Nhã vẫn thường phải hỏi Tường về một số điều sơ đẳng trong triết lý Tây phương. Lại thêm một cái cớ nữa để Ba Liệu khó chịu với Tường. Mười Chí cũng nghĩ là Tường cậy thế một cán bộ văn hóa Bắc, tỏ ra lạnh nhạt với Tường. Ngoài lý do gần, hai người còn có một lý do khác để ác cảm với nhau.
° ° °
Hồi Tết Mậu Thân, chính Mười Chí là thủ trưởng của Tường. Khi vừa được đưa lên Khu năm 1966, cũng chính Mười Chí là người phụ trách hướng dẫn cho Tường trong giai đoạn ban đầu đầy bỡ ngỡ.
Hồi đó, đối với Tường, Mười Chí là nhân vật của một cuốn tiểu thuyết kỳ ảo có đầy đủ nào hội họa, chất nghệ sĩ, những hoạt động bí mật, những cuốn hút của hoạt động phiêu lưu, những vấn nạn của chính trị và bạo động. Tường ngỡ ngàng khi biết cái cậu Tân họa sĩ nghèo rớt mồng tơi ăn mặc dơ dáy nhút nhát như con gái mà Tường vẫn thương hại bảo bọc lại là cán bộ nằm vùng, theo dõi và điều khiển những biến động của Đại học Huế, trong lúc Tường vẫn tự hào mình mới là nhân vật chính. Mười Chí hướng dẫn cho Tường đọc những cuốn sách vỡ lòng về lý luận cách mạng, về đường lối sáng tạo hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhất là về những ngụy tín tiểu tư sản thường có ở những người trẻ tuổi thành thị. Hai mẫu sống, hai con người giữa Tân với Mười Chí khác nhau quá xa, Tường ngỡ ngàng thích thú như chứng kiến một phép lạ. Chàng hết còn ảo tưởng về những việc mình đã làm khi Mười Chí kể vanh vách các diễn tiến những biến động tại Huế, giải thích vì sao có cuộc biểu tình ấy, vì sao Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Huế bị đốt phá, và ai đã khơi ngòi cho bạo động bùng nổ. Tường kinh ngạc hơn hết là cách Mười Chí rành rẽ phân loại những người lãnh đạo cuộc tranh đấu của Phật giáo và sinh viên tại Huế, ai tranh đấu vì máu Lương Sơn Bạc, ai tranh đấu vì muốn tranh giành quyền lực và có liên hệ với Mỹ, ai là người Cách mạng phải tranh thủ vì có thể lôi về phía mình. Một cách lão luyện, Mười Chí chỉ phớt qua hạng người được Cách mạng gài vào giật dây. Những điều Mười Chí tiết lộ soi sáng cho Tường, khiến cho Tường không còn thắc mắc vì sao hồi Tết Mậu Thân, quân chiếm đóng tìm bắt và giết ngay cả những phần tử Phật giáo tranh đấu. Mười Chí nặng lời với những người đó, cho họ là bọn thật sự làm tay sai cho Mỹ chỉ muốn hất đổ thế lực Công giáo để cướp quyền hành.
Trong trận Tết Mậu Thân về lại Huế, Tường cũng công tác dưới quyền điều khiển của Mười Chí.
Sau Mậu Thân, rút trở về rừng, tinh thần mọi người đều sa sút. Số người lâu nay nằm vùng trong nội thành sau gần một tháng chiếm Huế đều bị lộ diện, không thể nào ở lại sau khi bộ đội rút khỏi Huế. Một số tình nghi chưa “xử lý” kịp hoặc cần tiếp tục giam giữ để khai thác tin tức. Bộ đội được tăng viện đến trễ lúc chiến dịch đã tạm ngưng. Nhân số tăng lên cao mà số lương thực lại thiếu. Tiêu chuẩn lương thực bị rút xuống, cây rau rừng “cải thiện” tìm về ăn độn cho đỡ đói trở nên hiếm hoi. Dân du kích địa phương hí hửng tưởng ra quân là chiến thắng, không ngờ lại phải rút về rừng, cách ăn nói đã có phần bất mãn, chán chường.
Trong số những kẻ xuống tinh thần, nguy hiểm nhất là thành phần học sinh sinh viên Huế. Họ nhạy cảm hơn những dân quê, lại có khả năng ăn nói, ảnh hưởng đến tâm linh người khác. Lãnh đạo thấy phải chấn chỉnh ngay tình trạng sa sút tinh thần này, quyết định mở một chiến dịch học tập qui mô.
Tài liệu học tập ngoài những bài phân tích “chiến thắng vẻ vang” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đặc biệt là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân Trị Thiên anh hùng”, còn có những bài dành riêng cho giới sinh viên học sinh và trí thức Huế.
Biết giới này còn bàng hoàng vì những cuộc thảm sát hàng loạt dân Huế và vẫn lén nghe đài Sài gòn loan báo dài dài các khai quật những mồ chôn tập thể, ban lãnh đạo học tập cho thảo luận kỹ các căn bệnh lưu cữu của giới trí thức tiểu tư sản và tầm mức quan trọng của bạo lực cách mạng. Báo cáo viên thuyết trình về nhu cầu bạo lực cách mạng là những cán bộ tuyên huấn chuyên nghiệp từ Bắc vào, họ đều tốt nghiệp từ những trường chuyên về lý luận chính trị như trường Nguyễn Ái Quốc ở trung ương.
Phần phân tích, hướng dẫn tự phê cho giới trí thức đô thị do Ba Liệu phụ trách. Ba Liệu quá rành rẽ sinh hoạt và tâm tình của giới học sinh, sinh viên Huế, nên mỉa mai cay độc cái “tinh thần nhân đạo chung chung”, “căn bệnh lý tưởng nhân bản” và “chống đối mọi thứ bạo lực” hiện làm cho nhiều người ray rứt không yên. Để làm cụ thể bài báo cáo, Ba Liệu đem nhạc của Trịnh Công Sơn và truyện ngắn của Ngữ ra làm ví dụ, vạch ra những ảo tưởng nguy hiểm của nội dung các bài hát và truyện ngắn này. Ba Liệu chọn Trịnh Công Sơn và Ngữ vì hai người đều thuộc lớp trẻ, và bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ Huế, nhiều người biết tới, giới trẻ ai cũng nghe qua một bài của Sơn hay đọc qua một truyện ngắn của Ngữ. Theo Ba Liệu, đó là hai trường hợp điển hình thuyết minh cho căn bệnh trí thức tiểu tư sản, mà hậu quả của nó, theo lời Ba Liệu, còn nguy hiểm hơn cả guồng máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Ngụy nữa. Ngữ rủi ro trở thành đề tài thảo luận và làm cho Tường lo lắng là vì vậy.
Trong thời gian ấy, Mười Chí được gửi đi công tác ở Duy Xuyên Quảng Nam. Trong một chuyến công tác, Mười Chí bị một chiếc trực thăng Mỹ hạ xuống bắt được. Trên người Mười Chí không có giấy tờ gì, hồ sơ tài liệu khí giới Mười Chí đã nhanh tay nhét sâu xuống bùn khi thấy chiếc UH lB sà xuống như con ó sắp gắp mồi. Mười Chí khai với ban thẩm vấn quân đội Mỹ mình là học sinh trốn lính về Duy Xuyên ở với gia đình bên ngoại. Hỏi học gì, Mười Chí khai là đang học Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Sẵn mấy cây bút nỉ xanh đỏ trên bàn, viên trung sĩ quân báo Mỹ đẩy mấy cây bút và tờ giấy trắng bảo Mười Chí vẽ thử cho anh coi. Mười Chí nguệch ngoạc không đầy hai phút đã vẽ xong chân dung người nắm vận mệnh mình. Anh trung sĩ thích quá, đem bức tranh chân dung đi khoe khắp bạn bè. Mười Chí được các khách hàng da trắng đãi đằng, rượu thịt ê hề suốt một tuần lễ trước khi được trực thăng Mỹ chở đi giao tận Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, như giao một thanh niên trốn quân dịch.
Tin Mười Chí bị trực thăng Mỹ vớt làm náo động cả rừng. Giữa lúc tinh thần mọi người căng thẳng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, (kẻ thù ở tinh thần chủ bại, kẻ thù ở lòng ác cảm đối với bạo hành, kẻ thù ở lòng ngại gian khổ đói khát) nhìn đâu cũng thấy âm mưu cài người của địch, thì tin Mười Chí mất tích là một quả bom nổ. Mười Chí hồi chánh hay Mười Chí bị bắt? Dù tự ý Mười Chí đầu hàng địch (tại sao không) hay Mười Chí bị địch bắt, đằng nào cũng nguy hiểm cả. Ban an ninh họp hành liên miên, đề phòng hậu quả những lời khai báo của Mười Chí. Những người quen biết với Mười Chí bị gọi đi “làm việc”. Phản ứng tự nhiên là người nào cũng tìm cách giảm nhẹ mối liên hệ với Mười Chí. Không khí nghi kỵ càng căng thẳng thì bắt đầu có những lời nói ra nói vào bóng gió ngờ vực Mười Chí. Rồi có những đơn tố cáo. Rồi có những bản tự kiểm thú nhận rằng lâu nay thấy Mười Chí có những biểu hiện khả nghi thế này thế này mà vì thiếu tinh thần cảnh giác, đã không “phản ánh” kịp thời với cấp lãnh đạo. Tường thân thiết với Mười Chí từ lúc chưa lên Khu, nên không thể đứng ngoài.
Mười Chí đi học quân sự ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung được hai tháng thì trốn trại, bắt được liên lạc về Củ Chi hoạt động. Sau nhiều lần chuyển công tác, cuối cùng Mười Chí về Tuyên huấn Miền và gặp lại Tường ở đó. Những gì xảy ra hồi Tết Mậu Thân, sau khi Mười Chí bị bắt, Mười Chí đều biết rõ. Ai đã tố cáo Mười Chí điều gì, ai nói cái gì trong các cuộc họp, Mười Chí nhắc lại làu làu như chính mình có dự cuộc họp ấy.
Mười Chí đổi khác hoàn toàn. Từ vồn vã thoải mái với mọi người, Mười Chí trở nên lạnh lẽo kín đáo, giấu không cho ai biết mình đang nghĩ gì, đang buồn hay đang vui. Cán bộ từ Bắc vào e ngại đôi mắt quan sát xoi mói của Mười Chí, truyền miệng với nhau rằng Mười Chí là một thứ “ấu trĩ tả khuynh” cần phải đề phòng, không được ăn nói tự nhiên trước tay đó. Cũng không được xem thường, vì Mười Chí đã được kết nạp Đảng. Những bạn bè cũ của Mười Chí thì áy náy vì những điều mình lỡ tố cáo bạn, mặc cảm tránh xa Mười Chí. Mười Chí đi về như cái bóng, nhưng ai cũng sợ cái bóng mờ ấy, vì không biết bóng đen đó phủ chụp lên đời mình lúc nào.
Ban thanh lọc và duyệt xét sách cũ mặc dù có giấy giới thiệu đi các cơ quan thu thập cho đầy đủ tài liệu sách vở về làm việc nhưng không có cách nào thu thập đủ. Thư viện của Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa chỉ có đủ những sách do Nha Văn hóa cũ tài trợ xuất bản, sách văn nghệ không có nhiều. Tường có đề nghị thủ trưởng qua Phòng nạp bản Bộ Thông tin cũ xin sách về, vì theo thể thức cũ, sách nào in xong trước khi phát hành cũng phải đem nộp 5 bản cho Phòng để lưu chiếu vào hồ sơ. Theo nguyên tắc, đó là nơi có đầy đủ tất cả những cuốn sách đã được in ra tại Sài gòn trước đây. Thực tế không phải như vậy. Sách tàng trữ tại đây, không vào danh sách thứ tự, bày bừa bãi không theo hệ thống khoa học nào, mấy chú bộ đội tiếp quản như chuột sa vào hủ nếp một lớp lấy cho bạn bè, một lớp đem bán mua cà phê, cơ quan Tường tới nơi chỉ thấy một đống giấy lộn xộn. Đi đâu cũng gặp những cảnh tương tự. Hồ sơ nhân viên, giấy má tài liệu, sách báo các cơ quan chính quyền cũ bị thu lại một chỗ gọi là tài liệu quí cần giữ gìn để tìm hiểu địch, khi thu góp lại một chỗ, không ai xếp đặt hồ sơ cho ngăn nắp, chỉ cột thành bó chất đống. Chờ lâu thấy không ai sờ tới đống giấy cũ này, những chú bảo vệ, những bộ đội giữ an ninh cơ quan bắt đầu đem bán mớ giấy cũ ấy cho các chị ve chai. Giá thật hời, chỉ cần đủ tiền mua thuốc thơm đế quốc. Về sau, người bán quen nghề biết giá trị của từng thứ trên thị trường giấy cũ, loại nào đủ bền để làm bao bì, loại nào tốt để xay làm bột giấy tái sinh, sách nào bán chạy. Những kho sách, kho hồ sơ cũ bị thất thoát nhanh chóng, cơ quan Tường có đem giấy giới thiệu đóng đủ thứ khuôn dấu cũng mất công về tay không mà thôi.
Tường đem bản danh mục sách cũ của Thư viện Đại học Cornell ra đối chiếu, thấy số sách hiện có chưa quá một nửa những sách đã xuất bản, mà tìm cho đủ thì tìm cho tới bao giờ.
Ban đọc sách phải làm việc bằng những cuốn có được. Tiêu chuẩn phân loại và định mức độ tác hại đã rõ ràng, nếu lười có thể nhắm mắt ghi tên một số tác giả vào danh sách những nhà văn có tác phẩm bị cấm toàn diện mà khỏi cần mất công đọc hết tác phẩm của họ. Nhưng Tường muốn nhân cơ hội này đọc lại một số tác phẩm trước kia mình chưa đọc, hoặc đã đọc rồi nhưng chàng lại muốn xem lại để so sánh cảm tưởng của mình trước kia và ngày nay.
Ba Liệu cũng đọc chăm chỉ như Tường, đọc đâu ghi chú đó như một nhà khảo cứu chuyên nghiệp của Viện Khoa học Xã hội. Tường biết Ba Liệu không đọc kỹ để tìm kiếm cái gì lớn lao. Cái khung đã có sẵn. Việc Ba Liệu đang chăm chỉ làm, là tìm các đoạn văn lời thơ minh chứng cho cái khung ấy. Mười Chí cũng chăm chỉ, nhưng động lực là cái gì, không ai biết.
Trong phòng làm việc, chỉ có Nhã làm việc một cách thư thả, thoải mái nhất.
Lấy cớ lâu nay mình chuyên trách nghiên cứu về lý luận phê bình mỹ học hơn là phần sáng tạo văn học, việc nghiên cứu lý luận lại nhắm vào các trào lưu ở nước ngoài hơn là ở quốc nội, nên Nhã giành phần đọc và viết báo cáo về những cuốn sách của Nguyễn văn Trung, Lý Chánh Trung, Trần Thái Đỉnh, Trần văn Toàn và Lê Tôn Nghiêm. Tiểu thuyết cũ, Nhã cũng ham đọc, nhưng đọc cho biết, đọc cho vui vậy thôi.
Nhã đến không đúng giờ, về lúc nào tùy hứng. Đang làm việc, giở tờ Playboy mua được ngoài chợ sách ra ngắm, bình luận tự do về vú viếc ngực mông của các cô gái tóc vàng làm mẫu khỏa thân. Thấy Ba Liệu và Mười Chí giữ thái độ cảnh giác đề phòng, Tường cũng phải trung dung, góp chuyện với Nhã nhưng dè dặt giữ lời. Tường biết trong phòng làm việc này mình là người có lý lịch xấu nhất, thế yếu nhất, nếu không giữ gìn dễ bị phê là “biến chất” nhất! Tường cũng biết trong những cuộc họp chi bộ Đảng (mà Tường chưa được kết nạp nên không được dự), trường hợp của Tường đã được cán bộ đảng viên đem ra thảo luận nhiều lần. Liên hệ giữa Tường với các bạn cũ, việc Quỳnh Như lấy Dale, nghề buôn bán của gia đình, việc sản xuất băng nhạc phản động của ông Thanh Tuyến, chắc chắn những vết đen đó đã bị đem ra bàn cãi, để tìm phương cách “xây dựng giúp đỡ” Tường. Các đảng viên chưa từng nói gì với Tường, nhưng sau mỗi cuộc họp đảng, nhìn cách họ nhìn Tường, chàng hiểu. Ánh nhìn họ hoặc bối rối hoặc sáng lên ánh vui độc ác. Tường đủ thông minh để nhận được tín hiệu đáng ngại. Những điều chàng sắp viết lên giấy sẽ là bằng cớ mới nhất để họ tin cậy hoặc cảnh giác thêm đối với Tường.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương