Nguyên tác: When You Reach Me
Số lần đọc/download: 130 / 7
Cập nhật: 2020-06-25 08:49:35 +0700
Những Thứ Trong Thang Máy
N
gày đầu năm thời tiết ấm áp lạ thường và đầy nắng. Vào khoảng chín giờ sáng, Sal vẫn hăng say chơi bóng rổ. Tôi nhìn xuống con hẻm. Cậu ấy đang chạy qua chạy lại, mặc một chiếc áo thun và quần short. Cậu đang đeo chiếc đồng hồ mà bác Louisa tặng cậu nhân Giáng sinh. Bác đã ghé ngang và cho chúng tôi xem trước. Nó là một chiếc đồng hồ kiểu cũ, dây đeo bằng da và có những chữ số La mã. Tôi không nghĩ Sal sẽ thích nó, nhưng dường như cậu ấy thích thật.
Hôm nay mẹ ngủ trễ. Tôi để lại một mẩu giấy cho mẹ: Con ra ngoài chút. Con sẽ mua cho mẹ một cái bánh mì tròn.
Ông-già-hay-cười không có ở góc đường - có lẽ ông ấy cũng nghỉ lễ. Cửa hàng của chị Belle đóng cửa. Mọi thứ đều có cảm giác bình yên, buồn và vắng vẻ.
Đôi chân lang thang đưa tôi đến trường. Dĩ nhiên trường cũng đóng cửa. Cánh cổng trường để mở. Tôi bước vào, ngồi vài phút trên ghế đá, cảm giác lạ lùng khi ở đây chỉ có một mình. Tôi cố ý tìm nơi chỉ có một mình để thu hết can đảm, thu hết sức lực... để gọi điện cho Annemarie.
Mười ngày im lặng đã làm dấy lên một câu hỏi trong tôi: “Liệu Annemarie có còn là bạn mình nữa không?” Có một cái điện thoại công cộng ở góc đường. Tôi có một đồng xu trong túi.
Khi đang quay số, tôi bỗng để ý thấy có một người đang đứng dựa vào cái thùng rác ở bên kia đường. Khi ông ta quay lại, tôi nhận ra đó chính là ông-già-hay-cười. Ồng ta đứng đó với hai tay chống nạnh, nhìn về phía ga-ra. Tôi nhanh chóng quay lưng lại, vì sợ ông ta sẽ nhận ra và đến gần tôi.
Cái ống nghe điện thoại lạnh ngắt áp vào tai tôi. Khi nó bắt đầu reo, tôi mới nghĩ ra rằng nếu mẹ tôi đang ngủ thì có lẽ cha mẹ của Annemarie cũng vậy.
“Xin chàooo!” giọng cha Annemarie vang lên, nghe háo hức như thể bác đang ngồi canh điện thoại chờ nó reo vậy.
“Chào bác, cháu là Miranda.”
“Chào Miranda! Chúc mừng năm mới!”
“Dạ, chúc bác năm mới vui vẻ. Cho cháu hỏi có Annemarie ở đó không ạ?”
“Có, nhưng nó đang tắm. Cháu đang ở ngoài đường phải không? Nghe như cháu đang gọi điện thoại công cộng?”
“Dạ vâng.”
“Ở gần đây à?
“Dạ... cháu đang ở trường.”
“À, đến nhà bác chơi đi. Bác sẽ pha nước cam cho cháu ngay bây giờ!”
“Dạ vâng.”
“Cháu sẽ làm Annemarie ngạc nhiên đấy!”
Thế ư? Tôi đi lên đồi. Ánh mặt trời tỏa sáng khắp nơi như một chú bé hiếu động chạy khắp cửa hàng đồ chơi - nó chiếu sáng lấp lánh những cột điện bằng kim loại, phản chiếu trên những cây trụ mái hiên, thậm chí cả trên chiếc kính mát của một phụ nữ đang dắt chó đi dạo với tách cà phê trong tay. Mọi vật đều tỏa sáng.
“Chúc mừng năm mới, cô Miranda!” người gác cửa tòa nhà của Annemarie đang đứng bên ngoài cánh cửa láng bóng của tòa nhà. Ông mỉm cười ra dấu mời tôi vào.
Trên đường đi thang máy lên lầu, tôi bỗng có cảm giác thật lạ khi đến mà không báo trước với Annemarie.
Nhưng cũng chính lúc tôi cảm thấy hồi hộp như thế, tôi lại có một cảm giác khác, chỉ có thể diễn tả như là cảm giác yêu thích chiếc thang máy nhà Annemarie. Ván tường gỗ, một chiếc ghế phủ vải trong góc, chiếc chuông nhỏ reo lên mỗi khi đến một tầng lầu. Tất cả tạo cảm giác ấm áp đến mức tôi cảm thấy thật tuyệt nếu được ở trong đó luôn, hoặc ít nhất là ngồi lên chiếc ghế nhỏ và nhắm mắt lại trong một lúc. Và khi chiếc thang máy dừng lại ở tầng có nhà Annemarie, dĩ nhiên tôi phải bước ra, vì người ta phải bước ra khi thang máy đưa họ đến nơi họ muốn đến.
Annemarie mở cửa với mái tóc ướt.
“Chào bạn,” tôi nói, “Mình gọi đến để chúc mừng năm mới, và cha bạn nói...”
Cô mỉm cười: “Vào nhà đi.”
Đó là buổi sáng tuyệt vời nhất. Annemarie cho tôi xem những món quà Giáng sinh của cô ấy. Cô được tặng toàn những món đồ nghệ thuật. Chúng tôi bày chúng ra bàn và bắt đầu vẽ lên một loại giấy vẽ đặc biệt dành để vẽ truyện tranh, cùng với những mẩu giấy có keo dán sản để làm suy nghĩ hay lời thoại của nhân vật trong truyện. Rồi mẹ cô chỉ cho chúng tôi cách xếp giấy thành những con ếch, và tôi tỏ ra khá giỏi trong môn xếp giấy. Trong khi đó, cha cô không ngừng mang lên những đĩa thịt xông khói và bánh mì xắt nhỏ, dành riêng cho tôi, để tôi có thể bốc tay.
Rồi mẹ gọi điện đến. Tôi đã hoàn toàn quên mất mẹ. Mẹ rất giận và mẹ bảo sẽ đến đón tôi. Ngay cả cha của Annemarie cũng có vẻ giận.
“Tốt hơn cháu nên mặc áo khoác vào,” bác nói khi tôi vừa gác máy, mặc dù mẹ không thể đến nhà Annemarie nhanh đến thế. Vì vậy nên tôi mặc áo khoác ngồi đợi mẹ trong nhà, và Annemarie ngồi đợi với tôi.
“Ừm... về những việc xảy ra ở tiệm Jimmy...” tôi nói, “Mình không bao giờ định nói... những gì mà anh ta nghĩ là mình muốn nói... Không hề!”
Annemarie nhìn xuống sàn: “Mình tin bạn. Mình cũng không hiểu sao mình lại nói những điều mà mình đã nói... về chuyện tiền ấy... thật ngốc nghếch!
“Không sao đâu.” Tôi cảm thấy hài lòng vì Annemarie cũng có điều gì đó để xin lỗi, mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về nó. Nhưng không hiểu sao kể từ lúc đó tôi lại bắt đầu suy nghĩ. Và điều đó khiến tôi cảm thấy không vui chút nào.
o O o
Chúng tôi nghe tiếng chuông thang máy. Tôi mở cửa nhà Annemarie trước khi mẹ kịp bấm chuông. Tôi nghĩ tôi sẽ có thể thoát nạn nếu cha mẹ của Annemarie không nói chuyện với mẹ.
Không may như thế. “Anh Jerry?” mẹ gọi to. Cha Annemarie vội vã chạy ra: “Ổ chị đến rồi. Tôi không nghe chuông cửa...”
Tôi xin lỗi vê chuyện này, mẹ nói.
“Không, tôi xin lỗi. Tôi không biết...”
“Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa... sẽ luôn luôn hỏi ý chị trước...”
Hai người nói chuyện với nhau một lúc, sau đó cả hai quay lại nhìn tôi.
“Đi thôi,” mẹ lạnh lùng bảo tôi.
Tôi nói: “Cảm ơn bác đã tiếp đãi cháu,” và cha Annemarie mỉm cười với tôi, nhưng chỉ vì bác ấy là người tử tế nhất thế giới này.
Chiếc thang máy mở cửa lập tức nên chúng tôi không phải chờ đợi. Trên đường đi xuống, tôi biết mình nên xin lỗi, nhưng tôi chỉ chờ đến khi mẹ bùng nổ cơn giận. Nhưng không, mẹ chỉ òa khóc.
Tôi cũng khóc theo. Cả hai chúng tôi đều khóc khi đi qua tiền sảnh, đi qua người gác cửa và bước ra ngoài ánh nắng mặt trời. Ở đó, lạ lùng thay, hai chúng tôi đều nín khóc. Mẹ hít một hơi dài và nhìn tôi. “Mẹ rất sợ,” mẹ nói, “Khi con đi không trở lại, mẹ thật sự rất sợ. Đừng bao giờ làm thế với mẹ nữa.”
Tôi gật đầu.
“Được rồi,” mẹ nói, “Giờ thì sao?”
“Con không biết.”
“Đi xem phim nhé!”
Thế là hai mẹ con đi xem phim, ăn kẹo và bắp rang, lại còn nắm tay nhau vài phút trên đường về nhà.
Ông-già-hay-cười vẫn đứng ở góc đường như bình thường, đá chân vung vẩy. Khi nhìn thấy chúng tôi, ông reo lên: “Đứa bé thông minh!” Nhưng có mẹ ở đó, mọi thứ khác hẳn, như thể đi ra đường với một tấm chăn quấn chặt quanh mình.
Chú Richard đang đứng dựa tường ở tòa nhà của chúng tôi, đọc một tờ báo.
“Này,” chú làm mặt buồn, “Mình có hẹn mà. Em quên anh rồi à?”
Mẹ thốt lên: “Ồ không, em trễ hẹn bao lâu rồi?”
Mẹ nhìn tôi và mọi người đều bật cười.
Chú Richard nói: “Nghiêm túc nhé, em cho anh một chiếc chìa khóa thì có chết không?” Mẹ nhún vai và bảo rằng chỉ mới có ba giờ rưỡi nên mẹ chưa muốn vào nhà. Vì thế chúng tôi quay ra, cùng đến một nhà hàng dùng bữa tối, nơi đây rất nhiều người chỉ vừa mới ngủ dậy và còn đang ăn sáng.